DANH SÁCH BÀI VIẾT

Wednesday, April 6, 2011

CON NGƯỜI CÁ NHÂN TRONG THƠ NGUYỄN TRÃI

CON NGƯỜI CÁ NHÂN TRONG THƠ NGUYỄN TRÃI

Văn học là nhân học, là khoa học về con người. Bất cứ một nền văn học nào cũng lấy con người làm trọng tâm để phản ánh. Vậy con người cá nhân trong văn học là gì ? Đó chính là sự phản ánh cái tôi của tác giả, là hình tượng của tác giả, là sự diễn tả, giãi bày thế giới tư tưởng, tình cảm riêng tư của tác giả. Nhìn từ  góc độ nhận thức luận thì con người cá nhân trong văn học chính là sự tự khắc họa, tâm tư, tình cảm, ý chí của bản thân tác giả được thể hiện thông qua những tác phẩm mà họ sáng tác. Đó có thể gọi là cái tôi của nhà thơ.
Tùy theo từng giai đoạn văn học, từng thời kì mà con người cá nhân có những đặc điểm khác nhau. Sự tác động của tư tưởng triết học, thần quyền ở mỗi giai đoạn có tác động nhất định đến nhận thức của mỗi con người cá nhân. Trong Văn học trung đại Việt Nam (từ thế kỉ X  đến cuối thế kỉ XIX), ý thức về con người trải qua 3 giai đoạn với những hình thức thể hiện riêng biệt.
Giai đoạn 1: Từ thế kỉ thứ X đến cuối thế kỉ thứ XIV.
Năm 938, Ngô Quyền đánh tan quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng, mở ra một kỉ nguyên mới cho dân tộc: đất nước độc lập, chấm dứt hơn 1000 năm phong kiến Bắc thuộc, nhà nước phong kiến Việt Nam hình thành và phát triển. Từ đây bắt đầu một giai đoạn hào hùng với những chiến công vô cùng hiển hách của những triều đại như: Đinh, Tiền Lê, Lí, Trần. Văn học viết Việt Nam hình thành, TK X có sự xuất hiện của văn học viết chữ Hán và đến TK XIII đánh dấu sự ra đời của văn học viết bằng chữ Nôm. Bên cạnh đó văn học dân gian vẫn tồn tại và phát triển song song với văn học viết. Cảm hứng chủ đạo là cảm hứng yêu nước với âm hưởng hào hùng, đặc biệt là giai đoạn nhà Trần với hào khí Đông A sục sôi. Các tác phẩm tiêu biểu ở thời thời kỳ này là: Thiên đô chiếu (Lí Công Uẩn), Quốc tộ (Đỗ Pháp Thuận), Nam quốc sơn hà (Lí Thường Kiệt), Hịch tướng sĩ (Trần Quốc Tuấn), Tụng giá hoàn kinh sư (Trần Quang Khải), Thuật hoài (Phạm Ngũ Lão), Bạch Đằng giang phú (Trương Hán Siêu). Trong giai đoạn này, Phật giáo phát triển mạnh mẽ ở nước ta, đặc biệt là ở triều đại Lý- Trần. Bên cạnh đó, nước ta vừa trải qua nhiều thắng lợi trong công cuộc chiến đấu chống quân xâm lược phương Bắc nên con người cá nhân trong văn học thời kỳ này được thể hiện là con người yêu nước, trung nghĩa như trong thơ của Lý Thường Kiệt, Trần Quốc Tuấn, Trần Quang Khải, Đặng Dung; con người đầy tinh thần tự chủ, ý thức tiến thủ; hoặc con người vô ngôn, vô ngã, tự do, phá chấp theo giáo lý của nhà Phật. Lý tưởng độc lập, chủ quyền dân tộc là cái đích của các cá nhân anh hùng thời đại.
Giai đoạn 2: Từ thế kỉ XV đến cuối thế kỉ XVII.
Triều Trần suy vong, Hồ Quý Ly tiếm ngôi nhà Trần mở ra triều đại nhà Hồ (1400-1407). Triều Minh lấy cớ phò Trần diệt Hồ sang xâm lược nước ta. Lê Lợi sau đó dấy binh khởi nghĩa và khởi nghĩa Lam Sơn kéo dài suốt 10 năm (1418-1427). Lê Lợi lên ngôi mở ra triều đại Hậu Lê (1428-1789). Nhà Lê đi vào xây dựng đất nước và đạt tới cực thịnh vào TK XV. Tuy nhiên bên trong cung đình nhà Hậu Lê không tránh khỏi xung đột. Đặc biệt là sau cái chết của Lê Thánh Tông, quan lại nhiều lần chia bè phái đánh nhau. Mạc Đăng Dung do có công dẹp loạn mà có nhiều quyền bính trong tay, thậm chí lấn át cả vua. Đến năm 1527 thì Mạc Đăng Dung phế truất ngôi vua và lập ra nhà Mạc. Từ đây lịch sử Việt Nam bước vào thời kì đen tối nhất: thời kì nội chiến. Cuộc chiến Lê- Mạc, Trịnh – Nguyễn phần nào cũng ảnh hưởng  đến quá trình phát triển của đất nước. TK XV văn học viết còn kế thừa được cảm hứng yêu nước và âm hưởng còn sót lại của hào khí Đông A. Dần dần văn học Việt Nam chuyển sang cảm hứng thế sự, đi vào chuyện đời, chuyện người, phê phán các tệ nạn xã hội, sự suy thoái về mặt đạo đức. Văn học viết bằng chữ Hán và văn học viết bằng chữ Nôm đều đạt được nhiều thành tựu. Các tác phẩm chính: Bình Ngô đại cáo (Nguyễn Trãi), thơ Lê Thánh Tông, thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm, Truyền kì mạn lục (Nguyễn Dữ). Thơ Nôm, văn xuôi chính luận phát triển mạnh mẽ qua những sáng tác của Nguyễn Trãi như: Bình Ngô đại cáo, Quân trung từ mệnh tập… Nhìn chung, trong giai đoạn này, Nho giáo và Đạo giáo phát triển mạnh chi phối hệ tư tưởng của các tác gia văn học. Con người cá nhân trong giai đoạn này ngoài việc kế thừa truyền thống yêu nước, lòng tự hào của dân tộc còn thể hiện ở khía cạnh con người tuân thủ theo đạo trời, đạo làm người, là con người tu dưỡng, hoàn thiện nhân cách. Tuy nhiên, do hoàn cảnh đất nước đang lâm vào cảnh rối ren, các thế lực phong kiến chủ yếu lo tranh giành quyền đã tạo nên một bộ phận các  nhà Nho ở ẩn, sống tách biệt với cuộc sống trần tục, hòa nhập với thiên nhiên, với cộng đồng.
Giai đoạn 3: Từ thế kỷ XVIII đến cuối thế kỉ XIX.
Giai đoạn này xuất hiện con người cá nhân biết đòi quyền sống, quyền hạnh phúc cá nhân. Cùng với sự suy tàn của chế độ phong kiến, con người cá nhân tự khẳng định mình  bằng các hành vi ngông ngênh, vượt qua khuôn khổ giáo điều. Về căn bản, đó là con người cá nhân tự nhiên muốn phỉ chí vẫy vùng, muốn tận hưởng cuộc sống trần tục. Đến cuối thế kỷ XIX, trước thực trạng đất nước lạc hậu, bị thực dân xâm lược, khiến một số nhà Nho xuất hiện tư tưởng bi quan, cảm thấy mình là người vô dụng, người thừa, bất lực trước thực trạng xã hội.
Qua sự  phân chia từng giai đoạn trong Văn học Trung đại Việt Nam, đã cho thấy quan điểm chi phối quá trình sáng tác của các tác gia văn học trong từng thời kỳ lịch sử cụ thể. Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của các tư tưởng triết học như: Nho giáo, Phật giáo, Đạo giáo đã quy định những quan điểm ly tâm hoặc hướng tâm đến hoạt động sáng tác văn học. Nhưng chung quy lại, ý chí hoàn thiện nhân cách, khát vọng lập công danh, giúp nước, cứu đời, ý thức về như cầu hưởng thụ cuộc sống trần thế, tự khẳng định mình là những ý niệm cá nhân của con người trong văn học Trung đại Việt Nam. Mặt khác, chúng ta cũng không thể đồng nhất con người trong văn học với con người theo quan niệm tam giáo. Con người cá nhân trong văn học là kết quả của sự ý thức và phân hóa về giá trị của bản thân trên cái nền của ý thức chung về con người của xã hội. Dựa trên quan điểm này, để xem xét, đánh giá con người cá nhân trong văn học, chúng ta cần chú ý đến hai xu hướng tính cách trong sáng tác của tác giả.
Xu hướng hướng tâm tức là con người cá nhân có ý thức hướng đến cái chuẩn mực, tính đạo lí, hướng đến cái chung nhất mà xã hội, thời đại đó quy định. Xu hướng ly tâm nghĩa là ý thức thoát ly, khác biệt của con người cá nhân so với cái nền ý thức chung mà xã hội đó quy định. Tất cả những xu hướng này dù được thể hiện đậm, nhạt khác nhau nhưng đều được phản ánh rõ nét trong những tác phẩm của mổi tác giả.
Trong giới đề tài tiểu luận này quy định, chúng tôi xin được trình bày những đánh giá của bản thân “Về con người cá nhân trong thơ của Nguyễn Trãi”. Đây là một trong những tác giả lớn nổi bật trong nền văn học Trung đại Việt Nam, ông vừa là một nhà thơ lớn lại vừa là nhà quân sự đại tài của dân tộc trong cuộc kháng chiến chống quân Minh xâm lược nước ta. Tuy nhiên, do sự tác động của điều kiện lịch sử- xã hội, tư tưởng con người cá nhân của Nguyễn Trãi được thể hiện trên nhiều bình diện khác nhau, thậm chí có những lúc tưởng chừng như có sự mưu thuẫn trong bản thân suy nghĩ của ông.
Nguyễn Trãi hiệu là Ức Trai, sinh năm 1380, quê gốc của ông ở xã Chi Ngại, huyện Phương Sơn lộ Lạng Giang, nay thuộc huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Ông là cháu ngoại của quan tư đồ Trần Nguyên Đán, thân sinh ông là cụ Nguyễn Phi Khanh, một nhà thơ có tiếng cuối triều nhà Trần, đầu đời nhà Hồ. Sau khi Hồ Quý Ly lật đổ nhà Trần lập nên nước Đại Ngu năm 1400, cả hai cha con Nguyễn Phi Khanh và Nguyễn Trãi được cất nhắc làm quan lớn trong triều đình.
Năm 1407, nhà Hồ sụp đổ. Quân đội nhà Minh xâm lược bắt nhiều triều thần trong đó có Nguyễn Phi Khanh đem về nước giam giữ. Tuân lời cha, Nguyễn Trãi ở lại quê nhà nuôi chí lớn,tìm đường” rửa nhục cho nước, trả thù cho cha”. Khi Lê Lợi khởi binh ở Lam Sơn chống lại quân Minh, khoảng năm 1416 hoặc năm 1420 ( chưa xác định rõ) Nguyễn Trãi trao cho Lê Lợi bản Bình Ngô sách vạch ra chiến lược, chiến thuật chống giặc ngoại xâm. Sau đó, Nguyễn Trãi gia nhập nghĩa quân Lam Sơn, phò trợ đắc lực cho Lê Lợi, cùng “nếm mật, nằm gai” cho đến ngày kháng chiến hoàn toàn thắng lợi.(1427)
Năm 1428, đất nước hoàn toàn giải phóng, Lê Lợi lên ngôi vua, phong quan, ban tước cho các tướng lĩnh đã phò trợ mình dựng nên sự nghiệp lớn. Trong giai đoạn này, Nguyễn Trãi được tin tưởng trao quyền thay vua viết nhiều chiếu chỉ, thư từ ngoại giao với phương Bắc, góp phần xây dựng và cũng cố địa vị của nhà nước phong kiến non trẻ. Tuy nhiên, sau khi lên ngôi vua, Lê Lợi tức Lê Thái Tổ lại nghe theo lời bọn gian thần gièm pha giết hại những trung thần đã cùng vua lập quốc. Thời gian này, Nguyễn Trãi không được giao phó những trọng trách quan trọng và có lúc bị vua nghi ngờ bắt giam.
Năm 1432, Lê Thái Tổ qua đời, vua trẻ Lê Thái Tông lên thay cha trị vì thiên hạ,. Sự tranh chấp quyền lực giửa các phe phái triều thần lại càng nổ ra dữ dội. Chán cảnh triều chính, năm 1437, Nguyễn Trãi xin từ quan lui về ở ẩn tại Côn Sơn.
Đến năm 1439, Lê Thái Tổ lúc này đã trưởng thành, thực hiện việc củng cố lại triều chính. Vua cho vời Nguyễn Trãi vào triều giao những việc quan trọng. Đây là giai đoạn mà Nguyễn Trãi đem hết sức lực để phục vụ triều đình. Mọi việc đang diễn ra êm đẹp thì xảy ra vụ án Lệ Chi viên. Vua Lê Thái Tông đột ngột qua đời, bọn gian thần nhân dịp này vu oan cho Nguyễn Trãi có âm mưu đầu độc giết vua. Ngày 16 tháng 8 năm Nhâm Tuất tức ngày 19 tháng 9 năm 1442, cả dòng họ ông phải mang tội xử chém tru di tam tộc.
Hai mươi năm sau vào năm Quang Thuận thứ 5, tức năm 1464, vua Lê Thánh Tôn đã giải oan cho cả dòng họ Nguyễn Trãi, khôi phục lại danh dự cho một vị công thần lập quốc hết lòng vì dân vì nước.
Qua khảo sát sơ lược những sự kiện nổi bật trong cuộc đời Nguyễn Trãi, chúng ta thấy cuộc đời ông là một chuỗi những sự kiện gắn liền với những biến cố lịch sử. Chính những biến cố này, cùng với sự tác động của hệ tư tưởng phong kiến đã góp phần hình thành nên con người cá nhân đầy chất nhân văn trong con người Nguyễn Trãi.
Sống trong thời đại mà Đạo giáo phát triển mạnh ( TK XV ), nên một nho sĩ như ông cũng chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi đạo lí của thánh hiền. Đó chính là đạo Khổng Chu và đạo cương thường mà ông hay nhắc đến.Đạo cương thường cụ thể là đạo thờ vua và đạo thờ cha mẹ hay như ông nói là đạo quân thân.
“ Quân thân chưa báo lòng canh cánh
Tình phụ cơm trời, áo cha “
( Ngôn chí 7)
Hoặc:
“ Bui có một niềm chăng nỡ trễ
Đạo làm con mấy đạo làm cha.”
( Ngôn chí 1)
Đứng đầu trong Tam cương là vua, nhưng theo quan niệm của Nguyễn Trãi, ông vua mà ông tôn thờ, hết mình phục vụ là những ông vua áo vải cờ đào, nếm mật, nằm gai xây dựng cơ đồ, giải phóng, bảo vệ người dân khỏi sự đàn áp, bóc lột người dân. Vì vậy, khi viết Bình Ngô đại cáo, hình tượng Lê Lợi được xây dựng như một người anh hùng gắn bó, thấu hiểu nỗii thống khổ của người dân nghèo.
“ Ta đây phát tích Lam Sơn, nương thân hoang dã.
Nghĩ thế thù khôn đội trời chung,
Thề giặc nước khó lòng chung sống
Đau lòng nhức óc kể đã mười năm;
Nếm mật nằm gai phải đâu một buổi
Quên ăn vì giận, thường nghiền ngẫm những sách lược thao.
( Bình Ngô đại cáo )
Khi suy nghĩ lại những ngày đầu dựng nước, Nguyễn Trãi đã ca ngợi chí lớn cứu nước và tầm nhìn xa, trông rộng của Nguyễn Trãi.
“ Ôi vua ta tài thánh võ
Gánh việc bốn phương kinh doanh.
Lao tâm khổ tứ, vận nước gian truân.
Đã do trời mà biết thời,
Lại cố chí để công thành.”
( Phú núi Chí Linh)
Hay:
“ Rồng thần nằm ở núi Chí Linh
Việc đời đã biết trước như nắm ở trong tay.
Việc lớn đã chọn người, trời báo cho thánh biết;
Thời thịnh mà gặp được thì hùm sinh gió tức bay được.
( Đề kiếm)
Không chỉ ca ngợi người anh hùng Lê Lợi mà đối với Hồ Quý Ly, vị vua mà ông có thời gian phục vụ, ông cũng có ý cảm phục phần nào. Mặc dù trong một số văn kiện viết thay cho Lê Lợi như Quân trung từ mệnh tập, Bình Ngô đại cáo, ông có phê phán Hồ Quý Ly ở mặt làm phiền hà nhân dân khiến cho giặc Minh dễ bề xâm lược nhưng ông cũng đã có ý cảm thông cho Hồ Quý Ly ở hành động thà hy sinh nơi trận địa chứ quyết không đầu hàng giặc. Trong bài thơ Quan hải ( Đóng ở cửa biển), Nguyễn Trãi đã viết:
“ Họa phúc hữu môi phi nhất nhật
Anh hùng di hận kỷ thiên niên. “
Ỏ bài thơ này, dù không trực tiếp đề cập đến Hồ Quý Ly nhưng đã thể hiện hết sự cảm thông cho hoàn cảnh mất nước của nhà Hồ. Điều này cho thấy, dù nhà Hồ đã để mất nước vào tay giặc nhưng những cải cách về kinh tế, xã hội đã để lại trong lòng ông sự cảm phục về một đấng minh quân.
Đứng đầu Ngũ thường là nhân nghĩa, nhưng nhân nghĩa của Nguyễn Trãi không giống rập khuôn theo Mạnh Tử mà đã được nâng tầm thành tấm lòng yêu nước, thương dân, muốn giải phóng nhân dân khỏi ách áp bức, bóc lột của bọn giặc Minh xâm lược. Hơn ai hết, cha ông bị bọn giặc bắt giam đem về nước, còn ông lại phải trốn chạy, trãi qua thời gian lưu lạc để tránh sự bắt bớ của giặc nên ông hiểu rỏ nhất tội ác mà bọn giặc xâm lược đã gây ra cho người dân nước ta. Trong Bình Ngô đại cáo, ông đã tố cáo tội ác của bọn giặc xâm lượt:
“ Thui dân đen trên lò bạo ngược,
Hãm con đỏ dưới hố tai ương.
Dối trời lừa người, kế gian đủ muôn nghìn khóe.
Cậy binh gây hấn, ác chứa gần hai mươi năm.’
Những tháng ngày chạy loạn giúp Nguyễn Trãi hiểu rõ hơn nỗii thống khổ của người dân đen. Càng thương dân và căm thù giặc bao nhiêu thì ông lại càng dằn vặt mình vì chưa làm gì để cứu nước, cứu dân.
“ Thần châu từ lúc nổi cuộc can qua
Muôn dân rên xiết biết làm sao được”
( Sau loạn cảm tác- Quốc âm thi tập)
Hay:
“ Mười năm xiêu giạt, thân mình như cỏ bông, cánh bèo
Uất ức tấm lòng đành thế vậy”
( Về Côn Sơn làm trong thuyền- Quốc âm thi tập)
Sau khi giúp Lê Lợi hoàn thành sự nghiệp giải phóng đất nước, chán cảnh triều đình bè phái, tranh giành quyền thế, ông từ quan về ở ẩn tại Côn Sơn. Tuy xa cách cõi thị phi nhưng trong lòng không lúc nào nguôi khát vọng giúp đời. Tác phẩm Quốc âm thi tập làm trong thời gian này đã bộc lộ hết nổi niềm của ông.
“ Nợ quân thân chưa báo được
Hài hoa còn bợn dặm thanh vân”
(Vô đề XIV- Quốc âm thi tập)
Cũng có lúc trong những vần thơ của mình, ông trách cứ triều đình không trọng dụng một kẻ sĩ có tâm, có tài như ông nhưng trong tâm thức, ông vẫn mong muốn đem tài năng giúp sức cho đời. Vì vậy, ông đã tự động viên mình trong những lúc khó khăn nhất.
“Quân tử hảy lăm bền chí cũ
Chẳng âu ngặt chẳng âu già”
( Vô đề XVII- Quốc âm thi tập)
Hoặc:
“Bui một quân thân ơn cực nặng
Tơ hào chưa báo hãy còn âu.’’
(Vô đề- Quốc âm thi tập)
Sống trong thời đại phong kiến nên những nhà nho như Nguyễn Trãi chịu ảnh hưởng của tư tưởng “ tam cương, ngũ thường” là lẽ đương nhiên. Thế nhưng đối với Nguyễn Trãi, vị vua mà ông tôn kính phải là người có chí lớn, biết lo cho dân, cho nước, đánh đuổi quân thù, trừ bạo cho dân. Văn thơ của ông đã thể hiện bản chất một con người nhân nghĩa, hết lòng phụng sự triều đình, phục vụ nhân dân nhất là những người dân thấp hèn bị chà đạp, bóc lột. Văn chương của ông phải chở cái đạo đại nhân, đại nghĩa đó để lưu giữ mãi tinh thần đấu tranh của dân tộc ta cho thế hệ mai sau.
Cũng giống như như bao nhà nho khác trong thời kỳ văn học Trung đại, khi bất đắc chí, Nguyễn Trãi cũng lui về ở ẩn vui thú cùng với thiên nhiên để di dưỡng tính tình, bảo toàn cái phẩm giá trong sạch, để tỏ rõ thái độ khinh thường danh lợi, coi nhẹ cuộc ganh đua chốn quan trường vì mối tiền tài địa vị. nhà nghiên cứu Nguyễn Lộc (Văn học Việt Nam nửa cuối thế kỷ XVIII- nửa đầu thế kỷ XIX, NXB ĐH vàTHCN, Hà Nội,19760), đã nhận xét:’’Theo quan niệm của Nho giáo, cái mẫu mực thuộc về quá khứ, còn cái trong sạch chủ yếu ở lại trong thiên nhiên. Các nhà nho theo quan niệm xuất xử của Nho giáo- gặp thời thịnh thì ra làm việc, phò vua giúp nước, gặp thời loạn thì lui về ở ẩn. Họ tìm thấy trong thiên nhiên những phẩm chất đạo đức cao quý của con người theo quan niệm Nho giáo: cây tùng là hình ảnh của người đại trượng phu; cây trúc là hình ảnh người sĩ quân tử; cúc, mai biểu hiện cho sự trong trắng tinh khiết; ngư, tiều, canh, mục là những nghề nghiệp trong sạch; tuyết, nguyệt, phong hoa là những thú thanh tao…Họ làm thơ vịnh thiên nhiên là vì vậy”. Nguyễn Trãi chọn Côn Sơn là cũng muốn trốn tránh cuộc sống trần tục đầy những bon chen, đầy những toan tính nhơ bẩn để đắm mình vào thiên nhiên, vào rừng cây suối nước trong sạch. Sự gắn bó, giao thoa giữa thiên nhiên và con người cá nhân trong thơ Nguyễn Trãi được diễn tả hết sức sâu sắc:
“Lộ nằm hạc lẩn nên bầu bạn,
Ấp ủ cùng ta làm cái con”
Hay:
“Quét trúc bước qua lòng suối,
Thưởng mai về đạp bóng trăng.”
Hoặc:
“Trì tham nguyệt hiện chăng buông cá,
Rừng tiếc chim về ngại phát cây.”
Thiên nhiên trong thơ của ông dường như là rất tinh khiết, trong lành. Đọc thơ ông, ta đó là một môi trường thiên nhiên hoàn toàn thiếu vắng bóng dáng của con người. Thông qua những hình tượng thiên nhiên như: trúc, mai, tùng, cúc, tính cách con người quân tử được khắc họa một cách đầy đủ nhất:

“ Cội rể bền đời chẳng động
Tuyết sương thấy đã đặng nhiều ngày”.
( Tùng)
“Hoa liễu chiều xuân củng hữu tình
Ưa mi vì bởi tính mi thanh
Đã từng có tiếng trong đời nữa
Quân tử ai chẳng mảng danh ?”
(Trúc)
“Càng thuở già càng cốt cách
Một phen giá, một tinh thần”
( Mai)
Ông ao ước một cuộc sống an nhàn, một thế giới không có sự tranh giành, không có sự thị phi như Trang Tử:
“Am trúc hiên mai ngày tháng qua,
Thị phi nào đến cõi yên hà ?”
(Ngôn chí- III)
“ Dầu bụt dầu tiên ai hỏi kẻ hỏi,
Ông này đã có thú ông này.”
(Mạn thuật- VI)
Tuy ao ước cuộc sống an nhàn, hòa nhập với thiên nhiên nhưng ông vẫn mong muốn được trọng dụng, được đem tài năng giúp nước:
“Còn có một lòng âu việc nước,
Đêm đêm thức nhẫn nẻo sơ chung.”
(Thuật hứng- XXIII)
“Những vì chúa thánh âu đời trị,
Há để thân nhà tiếc tuổi tàn.”
( Tự thán-II)
Đây không hẳn là sự mâu thuẫn cá nhân trong tư tưởng của Nguyễn Trãi mà là sự tự tự khẳng định, tự nhận thức về chính bản thân mình. Đó cũng là sự thể hiện bản lĩnh cá nhân muốn cống hiến cho xã hội bất chấp những thị phi mà chốn quan trường đem lại cho ông. Chính ý thức này đã thể hiện rõ quan điểm của con người cá nhân Nguyễn Trãi, dù đã từ quan về ở ẩn nhưng ông không thể vứt bỏ trách nhiệm với nhân dân với đất nước. Mong muốn được đại dụng mới là lí tưởng lớn nhất của cá nhân ông.
Tóm lại: Về quan niệm con người cá nhân trong thơ của Nguyễn Trãi, chúng ta có thể nhận thấy đó là sự khẳng định tài năng, cá tính của con người cá nhân. Mặc dù có những lúc suy nghĩ thoát chốn quan trường, vui cùng thôn xóm, thiên nhiên nhưng mong muốn được trọng dụng, được khẳng định tài năng để giúp nước lúc nào cũng canh cánh bên ông. Đó chính là một nhân cách lớn góp phần xây dựng hình tượng nhà văn hóa-quân sự- chính trị đại tài Nguyễn Trãi.
 Đặng Công Đoãn, Lớp Văn Học Việt Nam K17, Trường Đại Học Cần Thơ