DANH SÁCH BÀI VIẾT

Wednesday, April 6, 2011

ĐIỂN TÍCH TRONG CA DAO

1.     Khái niệm điển cố, điển tích:
-         Theo Từ điển Hán- Việt của Đào Duy Anh:
Điển cố là những câu chuyện chép trong sách vở xưa.
Còn tích là dấu chân- dấu vết cũ (trong 16 chữ tích khác nhau)
-         Theo Hán- Việt tân từ điển của Nguyễn Quốc Hùng:
 Điển cố những chuyện xưa chép trong sách vở hay những chuyện chép trong sách vở xưa.
Tích là dấu chân, vết chân- việc đời xưa, dấu vết đời xưa để lại hoặc nghĩa là xưa cũ (trong 40 chữ tích khác nhau).
-         Theo Từ điển tiếng Việt của trung tâm từ điển, Hoàng Phê chủ biên thì viết:
Điển cố: sự việc hay câu chữ trong sách vở đời trước được dẫn trong thơ văn. Thí dụ: Bài văn dùng nhiều điển cố.
Điển tích: câu chuyện trong sách đời trước được dẫn lại một cách cô đúc trong tác phẩm. Thí dụ: Những điển tích trong Truyện Kiều.
Như vậy điển cố, điển tích có nghĩa tương đương nhau, nhưng điển tích nặng về câu chuyện, sự việc kể lại.
-         Theo Từ điển văn học bộ mới:
Điển cố là thuật ngữ của giới nghiên cứu nhằm mô tả một trong những đặc điểm nổi bật của văn học cổ trung đại, nhất là văn học cổ trung đại phương Đông, trong phạm vi các nước chịu ảnh hưởng của văn học cổ và trung đại Trung Hoa.
Trong hành văn thường hay nhắc đến một sự tích xưa hoặc một vài câu thơ, câu văn cổ để diễn tả ý mình, nhưng đây không phải là lối trích dẫn nguyên văn, mà lối dùng lại vài chữ cốt gợi nhớ được đến tích cũ ấy, câu văn cổ ấy. Lối này được gọi chung là dùng điển cố, bao gồm phép dùng điển và phép lấy chữ.
Dùng điển ý nói “sai khiến” các tích cũ chuyện xưa cho thích dụng vào văn mạch của mình. Các điển gồm các tình tiết đã được ghép trong sử sách, kinh truyện, kể các tình tiết hoang đường, hư cấu đã được viết ra trong các tác phẩm nổi tiếng được viết ra trong những tác phẩm nổi tiếng thời trước.
Lấy chữ là mượn dùng lại một vài chữ trong các áng văn thơ cổ vào câu văn của mình, gợi cho người đọc phải nhớ đến câu thơ, câu văn ở tác phẩm thời xưa.
Qua việc tìm hiểu các khái niệm về điển cố, điển tích từ các nguồn tài liệu trên, ta có thể hiểu điển tích, điển cố trong sáng tác văn học là các tác giả mượn dùng lại những tích cũ chuyện xưa hay một vài câu chữ trong các áng văn thơ cổ để diễn tả ý mình.
Trong ca dao, các tác giả dân gian cũng có lí do để vận dụng điển tích trong sáng tác. Ca dao sử dụng những công thức truyền thống, những môtip...để đạt tới mục tiêu trình bày nội dung một bày ca dao một cách ngắn gọn, súc tích. Ca dao là những bài thơ dân gian ngắn, cần phải tiết kiệm lời nên công thức, môtip được dùng khá phổ biến. Thực chất, những công thức, mô tip này cũng là một thứ “điển tích”. Như vậy, có thể nói điển tích xuất hiện trong ca dao có vai trò như một công thức, một mô tip. Điển tích trong ca dao là một loại biểu trưng. Điều này tạo nên một nét độc đáo trong sáng tác trữ tình của dân gian.
2.Điển tích trong ca dao
2.1.         Nguồn gốc.
Ca dao Việt Nam sử dụng nhiều điển tích và nguồn gốc của những điển tích đó tựu trung gồm hai dạng phổ biến: mượn từ nước ngoài (chủ yếu là trung Quốc) và lấy từ trong kho tàng văn học dân tộc.
-         Đa số điển tích trong ca dao được mượn từ Trung Quốc:
+ Những điển tích có tên những nhân vật hay sự việc, hiện tượng từ văn học cổ Trung Quốc: ông Tơ bà Nguyệt, Ngưu Lang, Chức Nữ, Nghiêu- Thuấn, Liễu Chương Đài, Bá Nha- Tử Kì, dây tơ hồng, chỉ thắm, trăng già, cầu Ô Thước,...
+ Những điển tích có câu, chữ trong Kinh thi Trung Quốc: “chim phượng- cây ngô đồng”, “ nhất nhật bất kiến như tam thu hề”, “cù lao chín chữ”.
+ Những điển tích có tên địa danh ở Trung Quốc: Hán, Sở, Tần, Tấn, Hồ, Thiên Thai, Đào Nguyên,...
=>Có thể nói các điển tích từ Trung Quốc đã cung cấp cho chúng ta một nguồn ngữ liệu lớn. Chính từ nguồn này mà một số biểu tượng trong ca dao được hình thành.
- Lấy từ văn học cổ Việt Nam: Truyện Kiều của Nguyễn Du, về Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu, và một số truyện thơ bình dân như Tống Trân- Cúc Hoa, Lưu Bình - Dương Lễ. Ngoài ra điển tích trong ca dao Việt Nam lấy từ truyện dân gian Việt Nam như sao Hôm, sao Mai, công dã tràng,...
=>Khác với các nhà thơ trung đại Việt Nam trong việc sử dụng điển tích, tác giả ca dao đã mở rộng phạm vi điển tích đến nguồn văn hóa dân tộc.
2.2. Bảng thống kê (phụ lục kèm theo).
2.3. Chủ đề phổ biến trong ca dao có điển tích.
     Theo bảng thống kê bộ phận ca dao có điển tích thì chủ đề về tình yêu nam nữ là phong phú nhất, chủ đề phổ biến thứ hai là đời sống xã hội.
2.3.1. Ca dao có điển tích gắn với chủ đề về tình yêu nam nữ:
 Những câu ca dao có vận dụng điển tích thì chủ đề về tình yêu nam nữ là phong phú nhất. Nó phản ánh được mọi biểu hiện của tình yêu trong tất cả chặng đường của nó: giai đoạn gặp gỡ ướm hỏi nhau, giai đoạn gắn bó trao đổi những thề nguyền, những tặng vật cho nhau, giai đoạn hạnh phúc với những niềm ước mơ, những nhớ nhung hoặc sự thất bại đau khổ với những lời than thở, oán trách...
Có những điển tích trong ca dao vốn đã thể hiện nội dung về tình yêu, hôn nhân như Ông tơ- bà Nguyệt, Ba sinh, Ba Khương, Châu Trần,... được sử dụng theo hướng cũ. Một số nhân vật được biết đến với tư cách là nhà quân sự, nhà du thuyết, võ tướng như Lã Vọng, Quan Công, Tào Tháo,... cũng được dùng trong đề tài tình yêu. Lã Vọng được khai thác một nét tính cách là sự kiên trì chờ đợi thời cơ làm chính khách thành kiên trì chờ đợi đối tượng trong tình yêu. Đặc biệt hơn cả là trường hợp Quan Công- Tào Tháo, tình huống Quan Công gặp Tào Tháo ở hẻm Hoa Dung cũng được tác giả dân gian đưa vào ca dao tình yêu.


¯ Gặp gỡ, tỏ tình:
Lần đầu tiên gặp gỡ, dù một thoáng tình cờ nhưng giữa chàng và nàng dường như tơ hồng đã định, và họ muốn kết nghĩa ngàn sau.  Các điển tích như Châu Trần, Tấn Tần, Cầu Ô,... ở đây cho  ta thấy sự gặp gỡ, nối kết giữa các đôi lứa.
“Tình cờ bắt gặp nàng đây,
Mượn cắt cái áo, mượn may cái quần.
Để mà kết nghĩa tương thân,
Mai ngày chỉ Tấn, tơ Tần xe duyên”.

“Bây giờ tình lại gặp tình,
Khác nào Châu Thị, Lưu Bình gặp nhau.
Những mong kết nghĩa ngàn sau,
Đem lời thề ước những câu vững bền”.

“Tình cờ chẳng hẹn mà nên,
Gặp nàng anh muốn kết duyên Châu Trần,
        Nên chăng Tấn hỏi thực Tần,
Kẻ lòng nghi thị trăm phần chưa xong .
        Đôi ta tạc lấy chữ đồng,
Ngày nào Ô Thước bắt xong nhịp cầu.
        Để mà kết nghĩa Trần Châu,
Để mà ăn ở bền lâu một nhà”.
Đa số những điển tích mà các chàng trai mượn để thổ lộ tình cảm là những điển gắn với văn học Trung Quốc. Bên cạnh đó, tác giả dân gian còn sử dụng kết hợp điển tích từ tác phẩm văn học dân tộc và của Trung Quốc. Ta thấy được lời bày tỏ tình cảm của chàng trai qua việc mượn hình hình ảnh Bùi Kiệm và Quan Công :
Anh tới đây cũng muốn kết nghĩa giao ân,
Anh không phải thằng Bùi Kiệm sao chín mười phần bạn nghi?
Quan Công thuở trước có nghì,
Em ở có nghĩa, anh vì nghĩa nhơn”.
Ý nghĩa hình tượng Bùi Kiệm, Quan Công đúng với tính quy phạm của điển tích, Bùi Kiệm biểu trưng cho hạng người bất nghĩa, còn Quan Công biểu trưng cho kiểu người trọng nghĩa. Từ đó, chàng trai khẳng định tình cảm chân thành của mình.
- Truyện Kiều (Nguyễn Du) là tác phẩm rất gần gũi với người Việt Nam. Khi nói về việc trai gái gặp gỡ, tỏ tình, ca dao đã mượn những câu thơ trong truyện:
Bóng chàng nhác thấy nẻo xa,
Xuân lan thu cúc mặn mà cả hai.
Người quốc sắc kẻ thiên tài,
Nghĩa sâu là bể tình dày là sông.
Nên chăng lá thắm chỉ hồng,
Công gia ước bõ công đi công về.
Nên chăng quyết hẳn một bề,
Nhờ ông Nguyệt lão xe tơ xích thằng
Thôi đừng tưởng gió trông trăng
Chả nên cũng nói cho bằng lòng em”
Các tác giả dân gian đã sử dụng thành công và vận dụng linh hoạt các điển của Việt Nam lẫn nước ngoài đem lại cho mảng ca dao tỏ tình này một hiệu quả thẩm mĩ nhất định.
¯ Tương tư, nhớ nhung:
Để nói về sự tương tư, nhớ nhung, ca dao sử dụng nhiều điển tích. Chẳng hạn lấy câu nói trong Kinh thi, mượn hình ảnh non Tần là biểu tượng cho sự xa xôi, cách trở gắn với sự nhớ nhung da diết:
 “Chim bay ải bắc non Tần,
Nửa phần thương mẹ, nửa phần thương anh”.

Mấy lâu vắng mặt Châu Trần,
Tóc không xe mà rối, dạ không chần mà đau”.

Đường trường cách trở nước non,
Mẹ già đầu bạc, thiếp còn xuân xanh.
Giang sơn thiếp gánh một mình,
Có hay chàng tỏ tâm tình thiếp đây.
Trời ơi! Có thấu chăng tình,
Một ngày đằng đẵng xem bằng ba thu!
Ruột tằm bối rối vò tơ,
Gan vàng sao khéo thờ ơ dạ vàng.

Còn chàng trai thì nói một cách trực tiếp:
Bướm bắt bông như Quan Công ngộ Tào tặc
Anh gặp em một lần vắng mặt nhớ thương”.
Tình huống Quan Công ngộ Tào tặc cũng được gắn với tình huống chàng trai gặp và tương tư cô gái trong tình yêu. Nhưng tình huống này được xây dựng dựa trên liên tưởng tương cận, một thứ liên tưởng bên ngoài. Đặc điểm này phản ánh một kiểu tư duy, đó là kiểu tư duy “cảm giác- trực quan”. Như vậy điển tích này đi vào ca dao đã được bình dân hóa, nét nghĩa trưng của ở đây nằm ngoài quan niệm quy phạm phương Đông về điển tích.
¯ Ước mong gắn bó:
Khi đã yêu nhau, đôi trai gái đều ước mong được gắn bó bên nhau. Khao khát mãnh liệt không muốn xa rời đó được thể hiện qua những điển tích lấy từ tên các nhân vật trong truyện cả Trung Quốc lẫn Việt Nam.
 “Em như nút, anh như khuy,
                      Như Thúy Kiều- Kim Trọng biệt ly sao đành”.

“Anh yêu em như bướm say hoa,
Như Lưu Linh say rượu, Bá Nha say cầm”.

 Anh về thưa với nhà thung,
Có người Tề Sở kết cùng duyên anh”.

 Bây giờ ta lại gặp ta,
Sẽ xin Nguyệt lão, trăng già xe dây.
Xe vào như gió, như mây,
Như chim loan phượng đậu cây ngô đồng”.
¯ Thể hiện sự chung thủy:
 Dù cho hoàn cảnh có khó khăn, cách trở thế nào nhưng khi đã yêu và nguyện gắn kết với nhau thì các đôi trai gái luôn khẳng định tình yêu, tình vợ chồng chung thủy. Mượn điển tích nhạc cầu hoàng của Tư Mã Tương Như và nàng Văn Quân, cô gái đã khẳng định tấm lòng chung thủy của mình:
 “ Dầu ai gieo tiếng ngọc,
                                       Dầu ai đọc lời vàng,
Trớ trêu khúc nhạc cầu hoàng,
Lòng em bền chặt, không như nàng Văn Quân”.

Còn “anh” dù “lạc Sở qua Tề” cũng vẫn nhất dạ chung tình:
Đèn nào cao bằng đèn Sở Thượng,
Nghĩa nào trượng bằng nghĩa phu thê,
Anh với em vai sánh má kề,
Dẫu anh lạc Sở qua Tề,
Thì anh cũng gửi thơ về em hay”.

Dù anh lạc Sở qua Tề
Trăm năm cũng lộn về tìm em”.
-         Hoặc:
Sống làm chi kẻ Hán, người Hồ
Một mai thác xuống chôn một mồ mới vui
¯ Lỡ duyên:
Bên cạnh mối lương duyên đẹp đẽ, đôi khi các chàng trai, cô gái cũng gặp những nỗi đau khổ trong tình yêu do bị lỡ duyên mà nguyên nhân có thể là do một trong hai người phụ tình. Chẳng hạn:
“Anh nghe ai nhón gót đưa chân,
Sao không nhớ nghĩa Châu Trần ngày xưa”.
Sông Tương ai gọi là sầu,
Chẳng bằng phân nửa mạch sầu của ta.
Sông tuy sâu hãy còn có đáy,
Bệnh tương tư không bãi không bờ.
Đầu sông chàng đợi chàng chờ,
Nào hay thiếp đợi hững hờ cuối sông”.
Nhưng những trắc trở trong tình yêu thường do cuộc sống nghèo khổ, do chế độ gia trưởng độc đoán và những tệ lậu, tục lệ khắt khe trong xã hội phong kiến gây ra. Tác giả dân gian lấy địa danh Trung Quốc xưa, hình ảnh Ngưu lang- chức Nữ để chỉ sự cách trở hay tan vỡ trong tình yêu.
“Ai làm cho biển cạn khô,
Chiếc thuyền sang không đặng, Hán Hồ xa nhau”.

 Ai làm Ngưu Chức đôi đàng,
Để cho quân tử đa mang nặng tình”.

“Cái duyên Chức Nữ Ngưu Lang,
Cầu Ô đã bắc lại toan đứt cầu”.

“Vì ai cho quạt long nhài,
Cầu Ô long nhịp, cửa gài long then”.

Trong các câu ca dao có điển tích nói về những trắc trở trong tình duyên thì điển tích ông Tơ- bà Nguyệt xuất hiện với tần số cao nhất. Điển tích này thể hiện một quan niệm về hôn nhân, đó là định số. Việc kết hôn không phải muốn là được, không phải từ chối là xong, tất cả đều do một lực lượng siêu nhiên huyền bí sắp đặt. Có phải chăng, niềm tin này thực chất là tiếng vang của chế độ hôn nhân cổ truyền, một chế độ hôn nhân mà đôi nam nữ trong cuộc không có quyền quyết định. Vì thế nhân vật trữ tình trong ca dao ứng xử với ông Tơ- bà Nguyệt theo quy luật: khi tình yêu tốt đẹp thì các chàng trai và cô gái chấp nhận định số, ông Tơ- Bà Nguyệt đã quyết định đúng đắn. Khi tình yêu tan vỡ hoặc không thành ngay từ đầu thì người ta oán trách ông tơ- bà Nguyệt, có nghĩa định số là một cái gì đó sai lầm, bất công của tạo hóa. Ta có thể thấy được thái độ của họ thể hiện trong ca dao.
 “Ngồi buồn trách mẹ trách cha,
Trách ông Nguyệt lão, trách bà xe dây”.

“Kìa khóm trúc, nọ khóm mai,
Ông Tơ, bà Nguyệt xe hoài chẳng thương.
Một lần chờ, hai lần đợi,
Ba lần nhớ, bốn lần thương,
Anh thương em, nhưng phụ mẫu họ hàng chẳng thương”.

“Con dao bé bé sắc thay,
Chuôi sừng bít bạc về tay ai cầm.
Lòng tôi yêu trộm nhớ thầm,
Trách ông Nguyệt lão xe lầm duyên ai.
Duyên tôi còn thắm chưa phai,
Hay là người đã nghe ai dỗ dành”.

“Trách ông Tơ cùng bà Nguyệt,
Xe dây vào lại đảo dây ra”.
Họ không tìm được nguyên nhân và đổ lỗi cho ông Tơ- bà Nguyệt.
Em phải gặp ông Tơ hỏi sơ cho biết,
Gặp bà Nguyệt gạn thiệt cho rành,
Vì đâu hoa nọ lìa cành,
Nợ duyên sao sớm dứt tình cho đang”.

“Vì ông Tơ ham đánh bài xẹp,
bà Nguyệt ham đánh bài linh,
Xe dây không rành mối, nên duyên nợ đôi lứa mình lửng lơ”.

Nhưng có điều đáng chú ý là những bài ca này lại chủ yếu phản ánh tinh thần đấu tranh của nhân dân vì hạnh phúc lứa đôi. Nhiều khi họ có thái độ phản ứng quyết liệt để giải tỏa những ấm ức trong lòng:
                             Rồi đây ta kiện ông Tơ,
Nơi thương không vấn, vấn vơ nơi nào”.

“Bắt ông Tơ đánh sơ ít chục,
Mối chỉ sậm sờ ông ngủ gục không xe”.

Bắc thang lên đến tận trời,
Bắt ông Nguyệt lão đánh mười cẳng tay.
Đánh thôi lại trói vào cây,
Hỏi ông Nguyệt lão nào dây tơ hồng?
Nào dây xe bắc xe đông,
Nào dây xe vợ xe chồng người ta?
Ông vụng xe tôi lấy phải vợ già,
Thì tôi đốt cửa đốt nhà ông đi.”

“Bắt ông Tơ mà đánh ba hèo,
Duyên người xe cả, phận em đói nghèo không xe”.

Có người nói rằng “ca dao là những tiếng hát đi từ trái tim lên miệng” của người Việt Nam. Quả thật đúng như vậy, những tiếng hát ấy hát nhiều về tình yêu đôi lứa.Vì vậy những điển tích vay mượn từ Trung Quốc cũng như một số yếu tố của văn học cổ Việt Nam cũng là những biểu tượng của tình yêu. Qua cách dùng những điển tích để nói lên những tâm sự của mình ta thấy được tâm hồn những con người Việt Nam hồn hậu, họ là những chàng trai, cô gái rất cụ thể. Những nhân vật trên đã trở thành biểu tượng của tình yêu, của lòng chung thủy, của cốt cách, phẩm hạnh Việt Nam, nhưng cũng có lúc những đôi lứa phải sống xa cách, gặp bất trắc trong tình yêu.

2.4.2. Ca dao có điển tích gắn với các quan hệ xã hội.
Bên cạnh những lời ca về tình yêu lứa đôi, tác giả dân gian còn vận điển tích trong ca dao để nói đến mối quan hệ khác trong xã hội hoặc để phản ánh lại cuộc sống lao động của người dân. Song, mảng này sử dụng điển không nhiều bằng mảng về tình yêu đôi lứa. Có thể thấy cụ thể như sau:
- Tình bạn cao đẹp của người dân cũng được thể hiện qua hình ảnh Bá Nha:
                             “Rượu kia nào có say người,
Hỡi người say rượu chớ cười rượu say.
Say là say nghĩa say nhơn,
Say thơ Lý Bạch, say đờn Bá Nha”.
- Một số bài sử dụng điển tích để phản ánh mối quan hệ gia đình. Mượn điển tích ba Khương để nói đến quan hệ giữa anh chị em ruột, anh em rể, chị em dâu:
Cóc nhái ếch xào lộn với tương,
Gá vô vòng chồng vợ ba Khương ở đời”.

-  Tình cảnh người phụ nữ lấy phải chồng không ra gì, tác giả dân gian mượn lấy hình ảnh Trương Phi để nói về người chồng lỗ mãng, vũ phu.
“Công em buôn bán tảo tần,
Say sưa anh thảy một lần hết trơn.
Có phước lấy phải chồng hiền,
Vô duyên gặp chồng ác,
Chồng tôi rượu chè, cờ bạc,
Có động đến thì ồ ạt Trương Phi”.
- Mượn hình ảnh “bể Sở sông Ngô “để nói chồng người, ta thấy được lời than thở người phụ nữ lấy phải anh chồng vô tích sự, đồng thời thấy được thái độ phê phán của tác giả dân gian đối với kẻ làm trai vô dụng.
 “Chồng người bể Sở sông Ngô,
Chồng em ngồi bếp rang ngô cháy quần”.
Hay hình ảnh “Cao Biền dậy non”:
“Con chim nhạn xanh chấp cánh bay chuyền
Chồng em lẩy bẩy như Cao Biền dậy non.
Sớm có chồng, sao em muộn có con?
Hẩm duyên, xấu số em còn đứng không,
Khốn nạn thay em ăn ở với chồng!”.
- Theo quan niệm đạo đức Nho giáo phong kiến, người phụ nữ phải có những đức tính như công, dung, ngôn, hạnh, gái chính chuyên phải có một chồng, những quan niệm ấy ngày nay phần nào vẫn còn giá trị của nó. Chính vì thế, dân gian đã mượn quan niệm chữ trinh trong Truyện Kiều để phê phán những người phụ nữ có tính trăng hoa.
Chữ trinh đáng giá ngàn vàng,
Từ anh chồng cũ đến chàng là năm.
Còn như yêu vụng dấu thầm,
Họp chợ trên bụng hàng trăm con người”.

Hay đối với những người lang chạ thập thành, chẳng hơn gì chị em bán trôn nuôi miệng, vẫn thường coi ông Tơ bà Nguyệt không ra gì, họ trắng trợn nói những lời vô lương bất thiện:
“Trăm năm trăm tuổi trăm chồng,
   Phải duyên thì lấy, tơ hồng nào xe”.
Dẫu biết rằng Nguyệt lão, tơ hồng là biểu tượng cho định số trong hôn nhân, không ai cầu mong họ tin tưởng, nhưng những lời nói sỗ sàng lại chua ngoa như vậy thì phương hại đến thuần phong mỹ tục.
- Ta còn gặp trong ca dao các nhân vật như Thúc Sinh, Hoạn Thư, Bùi Kiệm,...đại diện cho những tầng lớp người khác nhau trong xã hội.
“Anh mà bắt chước Thúc Sinh,
Thì anh đừng trách vợ mình Hoạn Thư”.
- Trong đời sống hằng ngày, ta còn thấy một lối sống ngang tàng gắn với một thái độ dứt khoát kiểu tròn cho ra tròn, vuông cho ra vuông. Vì thế tác giả dân gian mượn hình ảnh các nhân vật Vân Tiên, Nguyệt Nga, Bùi Kiệm trong truyện Lục Vân Tiên để biểu lộ thái độ quyết liệt bằng cách phân biệt rạch ròi giữa đỏ và đen, giữa tốt với xấu.
Con rắn hổ nó mổ con rắn rồng,
Tiền kẽm xỉa với tiền kẽm tiền đồng xỉa riêng.
Nguyệt Nga kết với Vân Tiên,
Cha con Bùi Kiệm ngồi riêng một mình”.
-  Quan niệm của tư tưởng phong kiến là không chấp nhận việc trai tơ lấy gái đã có chồng, dân gian hết sức lên án việc này.
“Trai tơ lấy gái có chồng,
Tổ tông khiến mạt chớ tơ hồng nào xe”.
* Người bình dân mượn điển tích để phản ánh cuộc sống của chính họ. Chẳng hạn cảnh lao động vất vả:
“Chồng chài, vợ lưới, con câu.
Sông Ngô, bể Sở, biết đâu là nhà”.

Bao giờ đồng ruộng thảnh thơi,
Nằm trâu thổi sáo vui đời Thuấn Nghiêu”.
Qua điển trên, họ muốn nói lên rằng dù cuộc sống khắp đó đây, mặc dù gian truân vất vả nhưng họ vẫn thể hiện được tinh thần lạc quan của mình.
- Ở nước ta, gần bốn thế kỉ (từ đầu thế kỉ XVI đến đầu thế kỉ XIX), chiến tranh phong kiến xảy ra liên miên. Những cuộc xung đột giữa các tập đoàn phong kiến trong thời phong kiến suy tàn, nhất là cuộc phân tranh kéo dài hàng trăm năm giữa tập đoàn phong kiến nhà Lê với nhà Mạc, giữa chúa Trịnh và chúa Nguyễn, cùng những cuộc “chinh phạt”, trấn áp nông dân khởi nghĩa,..Vì thế có những bài ca dao phê phán chiến tranh phong kiến phi nghĩa gây nên những cảnh phân ly trong gia đình, ngăn cản tình yêu không được thỏa mãn. Một mặt phán xã hội đương thời, tác giả dân gian cũng nói lên một tiếng nói nhân đạo.
“Lính này có vua, có quan,
Nào ai bắt lính cho chàng phải đi!
Nay trẩy kim thì, mai trẩy kim ngân,
Lấy nhau chưa được ái ân,
Chưa được kim chi Tấn Tần như xưa”.
Hay
“Đường trường cách trở nước non,
Mẹ già đầu bạc, thiếp còn xuân xanh.
Giang sơn thiếp gánh một mình,
Có hay chàng tỏ tâm tình thiếp đây.
Trời ơi! Có thấu chăng tình,
Một ngày đằng đẵng xem bằng ba thu!
Ruột tằm bối rối vò tơ,
Gan vàng sao khéo thờ ơ dạ vàng”.
Qua việc sử dụng những điển tích trong ca dao nói về các quan hệ xã hội cũng như những quan niệm sống của nhân dân, ta thấy được những tiếng nói của người lao động về thân phận của họ trong xã hội cũ, sự khổ cực ê chề trong việc làm, sự nghèo khổ thiếu thốn, những nỗi oan trái uất hận, tình cảm tương thân tương ái trong quan hệ bằng hữu, những mong ước đổi đời, niềm tin vào một tương lai tốt đẹp. Ở nội dung này, số lượng các bài ca dao có sử dụng điển tích tuy ít nhưng đã góp phần vào tiếng nói chung trong kho tàng ca dao phản ánh hiện thực xã hội.
2.4. Tác dụng của việc sử dụng điển tích trong ca dao.
Điển tích trong ca dao thể hiện tư tưởng và nghệ thuật của sáng tác dân gian. Nó trực tiếp liên hệ tài năng văn nghệ của nhân dân, phản ánh cuộc sống nhiều màu nhiều vẻ của nhân dân, và vì vậy nó đã tạo thành một sắc thái thẩm mĩ riêng của nó. Việc sử dụng điển tích trong ca dao đã tạo được hiệu quả nghệ thuật đáng kể.
-         Tạo cho lời thơ cô đúc, gây thú vị cho người đọc
-         Tránh nói thẳng các điều thô tục, sỗ sàng.
-         Tạo thêm lí lẽ và tăng sức thuyết phục trong ca dao.
-         Làm đẹp hơn, tạo cho ca dao mang nét uyên bác.
3.        Kết luận chung
- Những hình ảnh điển tích được vận dụng trong ca dao đã thể hiện một cách rất riêng của ca dao, nó tạo nên cái hồn, cái vị, cái chất của ca dao. Nhiều điển tích đã trở nên rất gần gũi, quen thuộc với người Việt Nam.
- Việc sử dụng điển tích trong ca dao bên cạnh khai thác đúng với tính quy phạm của điển tích còn có những điển tích đi vào ca dao đã được bình dân hóa, nằm ngoài quan niệm quy phạm phương Đông về điển tích như dựa trên liên tưởng tương cận, một thứ tư duy “cảm giác- trực quan”.
              - Ca dao vừa vận dụng điển tích trong sáng tác vừa thể hiện được những lời nói hằng ngày của người dân. Đây chính là sự kết hợp linh hoạt và nhuần nhuyễn của người bình dân tạo một nét độc đáo cho ca dao, lời ca dao vẫn gần gũi, chân chất. Chẳng hạn: “Yêu nhau lấy quách nhau đi/Ông Tơ bà Nguyệt làm chi thì làm” hoặc  Oánh ông Tơ cái tót/  Ông nhảy thót lên ngọn trâm bầu/Ông xe đâu đó, sao chỗ nghèo không xe”.
- Nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Phan cho rằng “có một số câu phải do những người trong tầng lớp nho sĩ sáng tác, vì những câu ấy không những dựa vào điển tích rút ở văn học cổ điển, ở lịch sử, mà còn thể hiện những ý thức tư tưởng phong kiến rõ rệt ở những nhận xét về nhân vật cũng như về sự kiện lịch sử”.   Chính vì thế việc tìm hiểu các điển tích trong ca dao, ta cũng phần nào thấy được vai trò của các nho sĩ, trí thức bình dân xưa đối với sáng tác ca dao. Hẳn họ là lực lượng cốt yếu đầu tiên hiểu biết và phổ biến những điển tích này trong các sáng tác dân gian, dần dần chúng trở thành quen thuộc, được sử dụng rộng rãi trong quần chúng nhân dân.