DANH SÁCH BÀI VIẾT

Sunday, April 17, 2011

PHÂN TÍCH YẾU TỐ HUYỀN THOẠI TRONG TRUYỆN NGẮN CON GÁI THUỶ THẦN CỦA NGUYỄN HUY THIỆP

1. Không đề ra một tôn chỉ, chưa tạo nên một trường phái hay một trào lưu nhưng có đóng góp lớn cho văn học Việt Nam hiện đại bởi một lối viết, một giọng văn lạ và chất hiện thực cao, đó chính là nhà văn Nguyễn Huy Thiệp. Người đọc biết đến ông bởi rất nhiều sáng tác truyện ngắn với sự mở rộng đề tài từ hiện thực khách quan cho đến địa hạt tâm linh cùng những trăn trở, uẩn khúc đang diễn ra quyết liệt trong tâm hồn con người, đặc biệt là số phận của những con người sống ở nơi chật hẹp, tù túng. Những diễn biến tâm linh rất khó nắm bắt, những hiện tượng con người hiện đại không tự lý giải được đã khơi nguồn cảm hứng cho nhà văn. Có thể nói một bộ phận không nhỏ các sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp mang cảm  hứng huyền thoại mạnh (Văn Tâm- “Đọc Nguyễn Huy Thiệp”). Cũng theo lời của tác giả Văn Tâm “Sương mù huyền thoại bao phủ hầu hết trang sách Nguyễn Huy Thiệp, không những bao phủ dài đặc trong hai truyện huyền thoại (Con gái thuỷ thần”) và cổ tích (Những ngọn gió Hua Tát) mà còn bập bềnh mờ mịch giữa khá nhiều truyện lịch sử (Kiếm sắt, Phẩm tiết) và thế sự (Chảy đi sông ơi)”. Trong phạm vi bài viết này chúng tôi tiếp cận tác phẩm Con gái thuỷ thần để phân tích yếu tố huyền thoại trong tác phẩm. qua đó chúng ta có dịp hiểu thêm và biết nhiều hơn một lối viết mới, một giọng văn lạ với chất hiện thực cao của một nhà văn- Nguyễn Huy Thiệp.
2. Đọc Con gái thuỷ thần cũng như nhiều truyện khác của Nguyễn Huy Thiệp như Giọt máu, Chảy đi sông ơi,…chúng ta nhận thấy điểm chung giữa các tác phẩm chính là bối cảnh được miêu tả trong đó mang đậm vẻ hoang sơ, tù đọng. Đó là cuộc sống quanh quẩn, “sáng đi cày, chiều đào đá ong, tối lột giang đang mũ”, cứ thế cho đến hết đời. Hơi thở cuộc sống ở đấy lạnh lẽo và nặng nề. Nó dễ dang nuôi dưỡng định kiến bằng những “lời đồn đại”, thêu dệt những câu chuyện huyễn hoặc. Lời đồn vừa là chiếc nôi nuôi lớn và lưu giữ những câu chuyện dân gian, là nơi huyền thoại bắt đầu. Cũng nhờ lời đồn mà nhân vật Chương đã có câu chuyện về Mẹ cả - câu chuyện về một nhân vật huyền thoại: “Chắc nhiều người còn nhớ trận bão mùa hè năm 1956. Trận bão ấy, ở bãi nổi tr6en sông Cái, sét đánh cụt ngọn cây muỗm đại thụ. Không biết ai nói trông thấy có đôi giao long quấn chặt lấy nhau vẫy vùng làm đục cả một khúc sông. Tạnh mưa, dưới gống cây muỗm, có một đứa bé mới sinh đang nằm. Đứa bé ấy là con thuỷ thần để lại. Dân trong vùng gọi đứa bé ấy là Mẹ cả. Ai nuôi Mẹ cả tôi không biết, nghe phong phanh trong từ đền Tía đón về nuôi. Lại đồn thím Mòng trên phố chợ đón về nuôi. Lại đồn các sơ trong nhà tu kín đón về, đặt tên thánh cho Mẹ cả là Giana Đoàn Thị Phượng”.
            Chuyện Mẹ cả ám ảnh Chương suốt cuộc đời niên thiếu. Cuộc đời Chương là hành trình kiếm tìm huyền ảo trong một đời thực khốn khó bắt đầu từ tuổi thơ u buồn và bộn bề công việc cho đến lúc trưởng thành hăm hở và gian nan khổ sở. Trên hành trình đi tìm Mẹ cả, Chương đã gặp không biết bao nhiêu chuyện xui rủi, bất trắc, thậm chí gặp cả chuyện bạc ác, đểu cáng, dơ dáng, dối trá, nguỵ tạo, phàm tục. Cũng có lúc Chương gặp được người tốt, người ấy yêu thương Chương thật lòng. Nhưng tiếc thây, người ấy không phải là người Chương cần tìm! Và rồi cũng giống như bao người săn đuổi bao đều phù du khác, mãi mãi anh không bao giờ gặp được người con gái thuỷ thần, dẫu anh đã đi được nữa cuộc đời. Nữa cuộc đời đủ để cho người ta dừng lại cuộc đuổi theo ảo vọng nhưng Chương thì vẫn mãi cứ đi, đi mãi. Anh đi tìm câu trả lời cho những câu hỏi: “Con gái thuỷ thần! Nàng ở đâu? Nàng ở chỗ nào? Vì cái gì? Bởi cái gì? Để tôi mượn màu son phấn ra đi…Con gái thuỷ thần! Nàng ở đâu? Nàng ở chỗ nào? Vì cái gì? Để tôi mượn màu son phấn ra đi”.
Câu chuyện Mẹ cả- người con gái thuỷ thần- trong tác phẩm làm cho người đọc có cảm giác mình đang gặp lại trong văn học hiện đại một nhân vật cổ tích, sống trong một thế giớ cổ tích có nhân vật Mẫu Thoải - Người mẹ của các nguồn nước. Mẫu Thoải coi sóc các biển, vào mùa nước lên cao thì Mẹ nước ngăn lũ, chống lụt, lúc trờ khô hạn thì Mẹ nước làm mưa. Mỗi khi người dân cầu đảo viện đến sự phù hộ của các bà thì các bà đều xuất hiện. Mẫu Thoải còn giúp vào những cuộc chiến đấu vì quê hương. Tương truyền, bà còn giúp cho đội quân của Lê Thánh Tông đánh giặc. Những ngày bình yên thì các bà chèo thuyền rong chơi, vui với cuộc sống an lành của người dân nơi miền sông nước. Mẫu Thoải trong tuyện cổ tích nhập vào Mẹ cả, từ biển nhập vào cõi trần tục để cứu người. Mẹ cả hoá phép thành con rái cá ra sức đào bới cứu hai cha con ông Hội bên Đoài Hạ đang bị vùi lấp trong cát. Lần khác, Mẹ cả ngồi trên mặt trống đánh thùng thùng làm sấm tan, mưa tạnh, rồi ôm trống lặn xuống đáy sông. Thế là Mẹ cả cứu được những người ở Phòng Văn hoá huyện. Mẹ cả như chàng Sơn Tinh trong truyền thuyết ngày xưa, Sơn Tinh dâng núi cao để ngăn nước lũ, Mẹ cả thì cứu vớt những người sắp chết đuối. Nhưng Sơn Tinh thì được mọi người sùng bái, ngưỡng vọng, oai linh luôn hiển hiện trong tiềm thức con người, còn Mẹ cả lại rất mơ hồ, lớn lên không ai hay, đi đâu không ai biết, bởi vì nàng chỉ có trong niềm tin và nỗi ám ảnh của duy nhất một người: nhân vật Chương.
Cũng như truyền thuyết về con trâu huyễn hoặc trong Chảy đi sông ơi, câu chuyện về Mẹ cả trong Con gái thuỷ thần đã được nhà văn thay đổi hình thái và mở ra chiều sâu trong ý nghĩa tư tưởng. Cả đời chương đi tìm Mẹ cả mải miết và vô vọng. Vô vọng nhưng mải miết dù cho có người nói với anh là chuyện Mẹ cả chỉ là chuyện bịa. Anh cũng đã từng lấy chiếc mai tring lều ra chỗ nấm đất, nơi người ta chỉ cho anh là mộ của Mẹ cả, đào lên theo kiểu người ta vẫn đào khi bốc mộ, kết cục chỉ lôi lên được khúc gỗ mục chẳng hình thù gì. Nhưng anh vẫn còn tin. Giả định rằng không có Mẹ cả, không Giana Đoàn Thị Phượng thì cả đời anh vẫn chỉ quẫn quanh trong cuộc sống buồn tẻ như thể bố anh, như ông Nhiêu, ông Hai Thìn, như những người dân hiền lành, lam lũ ở quê hương anh. Giữa lúc anh cô đơn, đói rét, như gió quất vào mặt và lạc lõng giữa cuộc đời thường thì nỗi ám ảnh về Mẹ cả lại thôi thúc anh, khiến anh vượt lên trên cuộc sống vô vị, nhạt nhẽo. Phần duy cảm trong anh mạnh hơn phần duy lý. Nguyễn Huy Thiệp đã đi vào đúng lớp “vô thức” của con người, của nhân vật Chương. Đó là những cảm xúc ở trong anh về con gái thuỷ thần khi anh còn nhỏ: “Tôi thoáng thấy tấm lưng trần dẻo dai loáng nước quẫy ở trước mặt, loang loáng dưới trăng, thật kinh dị nhưng đẹp lắm. Thoắt nhiên, tất cả biến mất, tôi bỗng trơ ra giữa dòng sông vắng mênh mông”. Những ấn tượng thật đẹp nhưng chỉ thoáng qua dẫu anh có cố nhớ lại mà không sao nhớ được. Nhắm mắt lại thì chỉ thấy “những khuôn mặt trông như thú vật, đầy dục cảm, không đểu cáng, đối trá thì cũng nhăn nhúm đau khổ”. Anh tìm một mảnh gương vỡ soi thử nhưng mảnh gương bé quá, không rõ hết mặt mình. Có sự đối sánh mặt mình-mặt người như vậy dường như tác giả thấy rằng hai con người như thế không thể song song tồn tại. Cho nên tác giả đả để Chương ra đi, sống theo cảm xúc và suy nghĩ của bản thân mình.
Theo Hoàng Ngọc Hiến, sự xuất hiện của con gái thuỷ thần được xem là sự hiện thân của nguyên tắc “tính nữ hoặc thiên tính nữ”. Nguyên tắc tính nữ là tinh thần của cái đẹp, là tinh thần vị tha và đức hy sinh. Nó phong phú và bao la như tâm hồn của người phụ nữ. Nó toả một ánh sáng dịu dàng, huyền  dịu trong tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp. Tác giả Hoàng Ngọc Hiến nhận xét “con gái thuỷ thần đẹp một cách kinh dị”. Nhưng trong cảm nhận của chúng tôi, qua lời miêu tả của Nguyễn Huy Thiệp, Mẹ cả là sự hội tụ của những vẻ đẹp rất con người: “Nàng hiện ra rực rỡ. Những đường nét trên khuôn mặt nàng rõ ràng, đôi lông mài thanh tú, quả cảm. Thoạt nhìn, nàng thậm chí đen đúa và lãnh cảm. Nàng không đẹp”. Sự thay đổi hình thái khi đưa huyền thoại vào trong truyện được thể hiện ở chi tiết miêu tả này. Đồng thời sự thay đổi hình thái còn thể hiện qua sự cụ thể của ba nhân vật nữ, ba cô Phượng khác nhau nhưng đều là “một mảnh” của Mẹ cả.
Cô Phượng đầu tiên gieo vào anh cái khát khao yêu đương nhưng không bao giờ để cho anh gặp lại. Cô đến với anh trong tình huống đặc biệt, “tôi yêu, tôi bị phản bội”. Cô rời khỏi anh cũng đột ngột nhưng đã cho anh hiểu rằng: cuộc đời thật đẹp tuyệt vời.
Cô phương thứ hai đã gianh cho anh tình yêu chân thành, không muốn anh bỏ đi. Nhưng lần này đến lượt anh ra đi bởi sức hút cuả “những tia hào quang lấp ló ở một góc biển”. Với anh, đấy mới là nơi anh đến, nơi đó có con gái thuỷ thần.
Cô Phượng thứ ba lại đòi hỏi anh về thể xác. Đó là một con người thực tế luôn sống thật với mình, sốn g cho bản thân mình: “Cuộc sống là một quá trình suy đồi, một quá trình hưởng thụ”, “tôi thưởng thức anh, tôi nhắm anh như thể người ta nhắm mòn ăn
Ba người phụ nữ tên Phượng đều cho anh những cảm  xúc, ấn tượng đặc biệt. Có người mang đến cho anh tình thương, có người lợi dụng anh vì dục vọng thấp hèn, nhưng tất cả họ có một điểm chung: đều không phải là con gái thuỷ thần, không phải là Mẹ cả, không phải là Giana Đoàn Thị Phượng. Họ chỉ là những “mảnh” của Mẹ cả mà thôi.
Thông qua ba mảnh ghép ở trên, tác giả bộc lộ quan điểm về một thế giới đa chiều, có chiều sâu của tâm linh, độ phức tạp của cuộc sống thực tại và chiều dài của tương lai. Trong thế giới đa chiều đó, tồn tại song song những yếu tố khả giải- bất khả giải, duy lý- phi lý, tất nhiên- ngẫu nhiên. Thế giới ấy không được nhìn nhận đơn giản như trước nữa mà người ta phải nhìn vào nó bằng tất cả những nỗi niềm âu lo, trăn trở. Ánh mắt lạc quan tin tưởng của người xưa khi nhìn vào thế giới trong truyền thuyết, cổ tích giờ trở nên bi quan khi nhìn vào cuộc đời thực tại. Cuộc đời thực tại còn quá nhiều điều bí ẩn, những điều con người chưa thể biết trước, kể cả những điều bất trắc. Nó là một khả năng có thể đem lại cho con người niềm vui, hạnh phúc nhưng cũng có khi là nỗi khổ đau, niềm bất hạnh, thậm chí là những bi kịch.
Và cũng giống như trong Chảy đi sông ơi, không khí huyền thoại trong Con gái thuỷ thần được mở ra ngay từ đầu tác phẩm, qua hình ảnh dòng sông với trận bão ở bãi Nổi trên sông Cái. Dòng sông là một trong những biều tượng quan trọng làm nên sức hấp dẫn của truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp và cũng chính là dòng chảy sâu kín của ngôn ngữ biểu tượng. Nó chứa đựng những thông điệp thẩm mỹ và cho người đọc thấy được vai trò của tác giả trong việc điều chỉnh, tái tạo, bổ sung những ý nghĩa mới cho mẫu gốc.
Dòng sông có thể coi là một trong những cổ mẫu của văn hoá nhân loại. Là một biến thể của mẫu gốc nước, sông. Một mặt mang ý nghĩa biểu tưng chung của nước, một mặt có những hướng nghĩa biểu trưng riêng gắn liền với những đặc điểm bản thể của nó. Trong truyện của Nguyễn Huy Thiệp, nó biểu trưng cho dòng chảy vô thường của đời sống với vô vàn những đổi thay và thăng trầm. Lẽ vô thường trước hết thể hiện trong sự biến dịch của tự nhiên. Đằng sau sự yên ả của sông là sự chuyển vần, biến dịch không ngừng. Chính cảnh vật trên sông là cái biến cho nhân vật Chương lần đầu tiên thấm thía về lẽ vô thường: “Sương mù giăng giăng trên mặt sông. Khi nằng lên, sương tan ra rồi bay đi như khói như mây…Sóng vỗ bờ, đẩy xác những con phù du, những con vờ chết đến tận sát chân tôi. Ấy là cảm giác về lẽ vô thường, lẽ vô thường lần đầu tiên tìm đến rón rén thăm dò tâm hồn tôi”. Rồi khi đứng trước cảnh những con phù du, những con vờ chết ấy, Chương lại nghĩ về sự nhỏ nhoi của giá trị, của văn minh, sự hạn hữu của con người trước sự bất tận của dòng đời: “Tôi chợt nhận ra con người phải lùi rất xa mới gạn lọc ra đôi chút giá trị của văn minh…Hàng tỉ những con phù du, những con vờ chết đi không để lại một dấu vết gì”. Nhận ra sự biến dịch vô cùng của cuộc đời cũng như sự hữu hạn của kiếp người nhưng Nguyễn Huy Thiệp không trở nên bi quan. Ông xem sự biến dịch ấy là của tự nhiên, con người cứ thuận theo tự nhiên mà đi theo sự vẫy gọi của thời gian, của cuộc sống.
Dòng sông còn mang trong đó sức mạnh cứu sinh và tôn vinh vẻ đẹp của con người. Trong Chảy đi sông ơi, con người được tôn vinh ấy là chị Thắm, người phụ nữ dịu dàng, nhân hậu suốt đời gắn bó với chiếc đò ngang, đã cứu sống bao người bên bến Cốc. Chị đã giành lại sự sống cho những con người mà thuỷ thần muốn cướp đi. Chị cũng đã đưa linh hồn nhân vật “tôi” thoát ra khỏi sự oán hận với người dân chày ngu muội. Hình ảnh chị Thắm giờ được láy lại trong huyền thoại về Mẹ cả trong Con gái thuỷ thần. Mẹ cả đã cứu cha con ông Hội, đã làm nguôi cơn giận của thần sông với những người muốn mang chiếc trống thiêng đi. Mẹ cả trở thành biểu tượng cho sự phù hộ bất ngờ, hiện thân cho sự trong sáng vô tư đến cứu giải con người đang bị nước đe doạ. Cũng như chị Thắm, Mẹ cả không chỉ cứu vớt sinh mạng con người, nàng còn là sức mạnh nâng đỡ linh hồn con người, giúp nó khỏi sa ngã giữa chốn nhân gian lầm bụi: “Tôi đã sống qua rất nhiều lẽ thường…ánh mắt vô hình vẫn dõi theo tôi hoài. Nàng vẫn thủ thỉ trong đêm. Nàng nói: Này Chương, vẫn không phải đường ra biển”.
Tác phẩm có một nhân vật huyền ảo là Con gái thuỷ thần tên Mẹ cả, có một không khí huyền thoại qua hình ảnh dòng sông, có câu chuyện về một cuộc kiếm tìm huyền ảo trong một đời thực khốn khó. Tất cả đều toát lên ý nghĩa hiện đại và nhân bản. Yếu tố huyền thoại trong truyện ngắn hiện đại đã cho thấy sự đổi mới của văn học trên nhiều bình diện. Trước hết, đó là sự mở rộng đề tài phản ánh của văn học. Nó là một hình thức đắc dụng giúp nhà văn đi sâu khám phá thế giới tinh thần hết sức trừu tượng khó nắm bắt của con người, để từ đó hiểu rõ hơn phần thế giới bên trong con người rất huyền diệu ấy. Bên cạnh đó, nó hướng người đọc đến thế giới tâm linh. Thế giới tâm linh trong cuộc sống hiện đại ngày nay được thừa nhận như một phần không thể thiếu trong cuộc sống của con người.
Kề về những con người đi tìm điều kỳ diệu như nhân vật Chương, tác giả cho thấy khát vọng của con người tìm đến với tình yêu, thoát khỏi cuộc sống buồn tẻ. Cuộc sống làng quê nuôi dưỡng tuổi thơ biết bao người nhưng sự chật chọi, tù túng, lạc hậu của làng quê đã làm thui chột tâm hòn con người. Con người phải biết thích nghi và cải biến nó. Tác phẩm còn là lời nhắc nhỡ, thức tỉnh những ai còn mơ mộng, tin tưởng vào những điều huyễn hoặc hãy biết sống tỉnh áo hơn, lý trí hơn, đừng vì ảo vọng mà đánh mất một thời tuổi trẻ.
3.  Chỉ vài năm nữa đến năm 2000. Con gái thuỷ thần! Nàng ở đâu? Nàng ở chỗ nào? Vì cái gì? Bởi cái gì? Để tôi mượn màu son phấn ra đi…Con gái thuỷ thần! Nàng ở đâu? Nàng ở chỗ nào? Vì cái gì? Để tôi mượn màu son phấn ra đi”.  Những câu hỏi không lời đáp đã khép lại truyện như là một đoạn thơ, một thứ thơ dân gian xa chốn văn minh, giả tạo và dối trá.
Giờ đang là những năm 2000! Đọc lại Con gái thủy thần, hiểu được những ẩn ngữ trong văn chương của ông, ta cảm nhận một nỗi trăn trở, thao thức, dằn vặt đã làm ông đau khổ. Thực tế cuộc sống là “một quá trình suy đồi” như lời ông đã từng nhận xét, ở đó con người sống thực tế quá mức nên đối xử với nhau tàn nhẫn quá mức, sòng phẳng quá mức. Chính vì thế, Nguyễn Huy Thiệp đã chọn con đường cho con người sống gần với tự nhiên, sống thật với chính mình. Tuy nhiên, điều mà tác giả còn băn khoăn trăn trở là khi con người sống gần với tự nhiên thì con người lại không đến được đích cuối cùng, giống như Chương kết thúc cuộc đời bằng huyền thoại tan vỡ. Những câu hỏi ở cuối tác phẩm có thể mãi mãi sẽ là câu hỏi, song người đọc dần nhận ra rằng: vẫn còn đó một dòng sông tha thiết chảy; trên dòng sông đó những con giao long thủy thần được thay thế bằng “những công trình thế kỉ” được tạo nên bởi sức mạnh của con người.