DANH SÁCH BÀI VIẾT

Wednesday, April 6, 2011

THI PHÁP CÂU ĐỐ


THI PHÁP CÂU ĐỐ
1.      Định nghĩa:
 - “ Câu đố một thể loại văn học dân gian mà chức năng chủ yếu là phản ánh đặc điểm của sự vật, hiện tượng bằng phương pháp giấu tên và nghệ thuật chuyển hóa gây nhiễu (chuyển vật nọ thành vật kia), được nhân dân dùng trong sinh hoạt tập thể để thử tài suy đoán, kiểm tra sự hiểu biết và mua vui, giải trí”.(Từ điển thuật ngữ văn học, Nxb giáo dục, 2007)
  - Câu đố là câu nói thường mang tính hình thức vần vè ám chỉ một vật đố nhằm đòi hỏi người ta đoán ra nó. Trong câu đố, vật đố là sự vật, hiện tượng nào đó mà người ta muốn nói đến, nhưng không nói thẳng tên nó ra, mà nói ám chỉ (nửa kín nửa hở). Giải đố là dựa vào chỗ hở trong ám chỉ về vật đố mà đoán ra vật đốgọi tên nó ra (Theo PGS. Đỗ Bình Trị)
Ví dụ: Hai năm rõ mười, còn người còn của.
(hai bàn tay)
Đầu cá, mình cá, đuôi cá nhưng không phải cá.                                                                                            
                                                                                                           (con mắm, con khô)
Một cái xương sống
                                                Một đống xương sườn.                          (mái nhà)
Ä Như vậy, câu đố là lời nói có tính nghệ thuật, mô tả sự vật, hiện tượng bằng lối nói ám chỉ, giấu không cho biết sự vật, hiện tượng để người nghe tự đoán ra.
Ä Cốt lõi của thi pháp câu đố nằm ở cách nói ám chỉ nửa kín nửa hở của nó.
- Câu đố được đặt ra tất nhiên là để…đố. Nhưng đố nhằm mục đích gì?
+  Tránh cách nói trực tiếp, gọi sự vật bằng tên tục của nó (do kiêng kị bản chất thiêng của sự vật,…)
+ Thử tài
+ Giải trí
+ Chức năng giáo dục của câu đố.
           2. Những đặc điểm thi pháp của câu đố dân gian.
              2. 1. Đặc trưng bản chất của câu đố- Ẩn dụ câu đố (không giới hạn) và ẩn dụ ca dao, thơ (có giới hạn).
                  2.1.1 Trong câu đố, vật đố thường được mô tả thành một “con gì” đó hoặc một “cái gì” đó kỳ dị, khác với nó. Ví dụ:
- Loài cóc nhái được mô tả thành một con gì đó:
Đi ngồi, đứng ngồi, nằm ngồi.       (loài cóc nhái)
- Cái tay áo được mô tả thành cái gì đó:
                                                   Không có nhà mà lại có cửa                              
                                                                               (tay áo)
Nếu biểu thị vật đố bằng A thì, trong câu đố, vật đố A được giấu tên và được so sánh với B- vật thay thế cho nó. Như vậy câu đố thực chất là một ẩn dụ, tức là so sánh ngầm, một so sánh trong đó chỉ có thành phần B.
            Ví dụ:         - Câu đố về cây dầu lai:         
Ông khoe ông sống dài lâu,
Rày ai thấy mặt ông đâu trong nhà
            Câu đố này sử dụng lối nói lái, những vẫn tạo ra một ẩn dụ: ở đây, vật thay thế (B) có vẻ là một cái gì đó như là một ông già (ông sống dài lâu), nhưng không thấy ông trong nhà.
                        - Câu đố về chữ “ tuổi”
Phần đầu là kẻ ăn chay
Phần sau là loại trái cây ngon lành.
            Câu đố này sử dụng lối “chiết tự” tách chữ “tuổi” ra thành hai từ thì có chữ
“tu- ổi”. Nhưng cả câu đố vẫn là một ẩn dụ: ở đây, vật thay thế (B) có vẻ là một cái gì đó nửa người (ăn chay), nửa cây (trái cây ngon lành). Câu đố dù sử dụng phương pháp mô tả hay chơi chữ cũng là những ẩn dụ.
            2.1.2 Giữa ẩn dụ câu đố và ẩn dụ ca dao, thơ có điểm giống nhau và khác nhau.
µ Giống nhau:
Đều sử dụng phương thức chuyển nghĩa từ nghĩa đen của một từ (hoặc một thành ngữ, một hình ảnh) sang nghĩa bóng theo cùng một phương cách là sự so sánh ngầm.


Ví dụ:
Cây khô mà nở được hoa,
Đậu được một quả khi già khi non
Đôi bên quân tử giao ngôn,
Suy đi tính lại vẫn còn hồ nghi.
                      (cái cân)
Ví dụ: Nghe câu ca dao:
Thuyền ơi có nhớ bến chăng
Bến thì một dạ khăng khăng đợi thuyền
có lẽ ai cũng biết “thuyền” là chàng trai, “bến” là cô gái. 
                        µ Khác nhau:
- Mục đích của ẩn dụ câu đố là để…đánh đố, cho nên nó phải lắt léo, khó hiểu. Ngược lại, ẩn dụ văn học dễ hiểu, vì mục đích của nó là “mô tả hiện tượng một cách chính xác và rõ ràng về mặt nghệ thuật”.
- Ẩn dụ câu đố chỉ đem lại cho từ (hoặc thành ngữ, hình ảnh) một nghĩa mới, và nghĩa này không bắt buộc phải hàm chứa một ý nghĩa gì khác.
- Ẩn dụ ca dao, thơ bao giờ cũng mang ý, chứa những hàm ý sâu sắc, gợi cảm, bao hàm cả thái độ, suy ngẫm của tác giả đối với đối tượng biểu hiện.
         Ví dụ: Ẩn dụ “ bà hai đầu” ở câu đố:
Trong nhà có bà hai đầu
chỉ có nghĩa là cái võng, ngoài ra không có nghĩa gì khác. Do đó, việc “giải mã” ẩn dụ câu đố thường giới hạn ở chỗ suy từ B ra A, từ hình ảnh ẩn dụ ra vật đố, từ hai đầu ra cái võng. Nhưng tiếp nhận ẩn dụ ca dao, thơ không đơn giản chỉ là sự “dịch nghĩa” B ra A, “thuyền” là chàng trai, “bến” là cô gái. Chỗ mà ẩn dụ câu đố, ta có thể dừng lại, thì với ẩn dụ văn học, đó chỉ là chỗ bắt đầu. Vậy nên người ta còn có thể nói tiếp, chẳng hạn, về ẩn dụ “thuyền- bến”:
 Khi người con gái hát: “ Thuyền về có nhớ bến chăng…” cô ta không chỉ diễn tả nỗi nhớ mong, niềm hy vọng, lòng son sắt và thoáng lo âu của những cô đợi chờ, mà cả cảm nghĩ về thân phận đáng thương của mọi cô gái của một thời đại.
            Người trai giống như con thuyền nay đây mai đó, đâu có thể là bến là bờ của dòng- sông-cuộc- đời. Trong ca dao xưa, chỉ có “anh đi” mà thôi! Còn người con gái như bến nước, không chuyển dời, chỉ biết chờ đợi…
Sự khác biệt tiểu biểu nhất giữa ẩn dụ câu đốẩn dụ văn họcẩn dụ câu đố thường là sự so sánh cái cụ thể với cái cụ thể (có rất ít trường hợp so sánh cái cụ thể với cái trừu tượng) còn ẩn dụ ca dao, thơ là đi từ trừu tượng đến cụ thể.
Ta có thể lập bảng so sánh sau:
Giống nhau
Đều là phương thức chuyển nghĩa
(từ nghĩa này sang nghĩa khác, từ nghĩa đen sang nghĩa bóng)


Khác nhau
Ẩn dụ câu đố
Ẩn dụ ca dao, thơ
- Liên tưởng tương cận (bên ngoài)
- Không bắt buộc hàm chứa một ý nghĩa khác.
- So sánh cái cụ thể với cái cụ thể.
(ít so sánh cái cụ thể với cái trừu tượng)
- Liên tưởng tương đồng (bên trong)
- Luôn hàm chứa những ý nghĩa sâu    sắc khác.
- So sánh cái trừu tượng với cái cụ thể.

µ Tuy nhiên ẩn dụ câu đốẩn dụ ca dao, thơ có khả năng tiếp cận với nhau.
Có hai trường hợp tiếp cận:
            Một, đó là trường hợp ẩn dụ câu đố có ngụ ý. Tức câu đố ngoài mục đích đánh đố, người đố muốn gửi vào ẩn dụ câu đố một ngụ ý nào đó (gần với ca dao ngụ ngôn). Ví dụ, câu đố về cái bắp ngô
Còn duyên đánh phấn phơi màu
Hết duyên má hóp răng vàng phơi khô
(Vừa nói về trái ngô, vừa gợi liên tưởng về thân phận người phụ nữ).
Câu đố về cái nón:
          Ta thấy sự liên tưởng ấy, có sự hỗ trợ của những câu ca dao có cấu trúc
“ Còn duyên/ Hết duyên” như:
                                                Còn duyên như tượng tô vàng
Hết duyên như tổ ong tàn ngày mưa
*
Còn duyên kẻ đón người đưa
Hết duyên vắng ngắt như chùa Bà Đanh
*

Còn duyên kén những trai tơ,
Hết duyên ông lão cũng vơ là chồng
Hai, đó là trường hợp những ẩn dụ câu đố dễ hiểu, chính xác và gợi cảm.
Ví dụ:
Mười người thợ lo đỡ mọi bề
                                                     ( Câu đố về hai bàn tay)
Nắng ba năm ta không bỏ bạn
Mưa một ngày bạn lại bỏ ta
                                                 ( Câu đố về cái bóng)
                                              Không có tui đui cả nhà
                                 (Ngọn đèn)
Có thể nói, ẩn dụ câu đố dễ hiểu, chính xác và gợi cảm đến mức nào đó thì cũng sánh được với ẩn dụ ca dao, thơ. Ngược lại, ẩn dụ ca dao, thơ khó hiểu đến mức nào đó cũng dễ biến thành câu đố.
2.2. Thế giới vật đố và thế giới liên tưởng từ vật đố.
            Trong câu đố có hai đối tượng được đề cặp: vật đốhình ảnh ẩn dụ của nó. Tập hợp những vật đố hợp thành thế giới vật đố. Tập hợp những hình ảnh ẩn dụ của vật đố tạo nên thế giới liên tưởng từ vật đố.
            2.2.1. Thế giới vật đố
            Vật đố có thể chia thành ba nhóm:
-         Những đồ dùng lao động và đồ dùng sinh hoạt hàng ngày của nhân dân
+ Những đồ dùng lao động nông nghiệp: cày, bừa, cuốc, rựa, liềm, hái, gầu tát  nước, guồng nước, hòn đá, trục lúa…
Ví dụ:
Có răng mà chẳng có mồm,
Nhai cỏ nhồm nhồm cơm chẳng chịu ăn
( Cái liềm)
Đời em uốn gối cong lưng,
Lưỡi em giọng nói ra chừng thép gang.
Mỗi khi em bước ra đàng,
                             Yêu em anh bế, anh mang, anh bồng.  (Cái gầu sòng)
+ Những đồ dùng thủ công: khung cửi, xa (xa cán bong, xa kéo sợi), thoi, bào, bễ thổi lửa, vạch, kéo, kim,…
Ví dụ:
Người thì một thước,
Đuôi dài thước năm.
                                                Khi đi thì nằm
                                                Khi ngồi thì đứng
                                               Trên cầu dưới cầu,
                                                Con trâu đi lọt. 
( cái thoi)
+  Những đồ dùng sinh hoạt thông thường: cối xay lúa, cối giã gạo, nồi, bát đĩa, chum gáo, dao thớt, đá mài, chổi, chiếu, trầu, bình vôi, ấm chén, áo, yếm, lược, quạt, nón, tơi…
Ví dụ:
Hai đầu một mặt bốn chân
Có đàn em nhỏ quay quần xung quanh.
(bàn và ghế)
Vừa bằng cái thúng,
Lăn đúng giữa nhà,
Con cháu ông bà,
Toàn gia quay lại.
(mâm cơm)
- Những công việc và thao tác lao động, sinh hoạt
            + Lao động nông nghiệp: nhổ mạ, cấy lúa, tát nước, trục lúa,…; kéo vó, bỏ chuôm, móc cua, đi nhủi, chăn vịt….
            + Lao động thủ công: ươm tơ, dệt vải, xẻ gỗ, rèn sắt,…
            + Sinh hoạt: xay lúa, giã gạo, ăn cơm, hút thuốc, nhai trầu, xâu kim,…
-         Những sự vật và hiện tượng quen thuộc khác
+  Gia súc, gia cầm và những con vật thường thấy: trâu , bò, ngựa, chó, mèo, gà, cá, cua, tôm, ốc, ếch, đỉa, tằm, nhộng, nhện, ruồi, muối, chuột, rận, chấy,…
+ Những cây, quả thường dùng: lúa, ngô, khoai, rau muống, chuối (hoa), mía, cao, dừa( quả), mít, bưởi, xoan, tre, quả na, quả ổi, quả chanh, quả cà, quả ớt…
+ Những bộ phận của nhà cửa: mái nhà, xà nhà, bậc cửa, cột nhà, máng nước,…
+ Quà bánh và những đồ dùng vui chơi: bánh đa, bánh dì, bánh rán, bánh chưng, bánh trôi,...; cái diều, đèn kéo quân, bộ tam cúc, bài tổ tôm,…
+ Chữ nghĩa và đồ dùng học tập: quyển vở, trang sách, cái bút (bút long, bút chì) và một số chữ Hán…
+ Một số vật hiện tượng tự nhiên: mặt trời, mặt trăng, sao, hạt mưa, nước, biển, núi,…
+ Con người và một số bộ phận của cơ thể người: cái mặt, đôi mắt, mũi, miệng, hàm răng, đôi bàn tay, ống chân, bàn chân,….
Ví dụ:
                            -Mồm bò mà không phải mồm bò, mà lại mồm bò
                   -Ông già đội nón đỏ, thằng nhỏ đội nón xanh
-Đầu đội thúng tro, đít đo cây cột
                                           -Công tử bột đi tìm nước ngọt
                                           - Sóng ba đào công tử nổi lên.
                                            -Mười người thợ lo đỡ mọi bề
Nhìn chung, thế giới vật đố trong câu đố dân gian của người Việt phản ánh khá chân thực môi trường sinh thái và sinh hoạt của người nông dân ở nông thôn xưa kia. Ở đây tất cả những sự vật hiện tượng, hoạt động quen thuộc mà người nông dân thường thấy, thường dùng, thường làm trong cuộc sống hằng ngày, đời này qua đời khác. Trong trò chơi câu đố, có một luật chơi được tôn trọng nghiêm ngặt, đó là: người ta không đố về những sự vật, hiệng tượng xa lạ với người trong cuộc. Do đó, câu đố không thể là phương tiện truyền dạy tri thức về sự vật, “có tác dụng bồi dưỡng tri thức về thế giới khách quan cho nhân dân”. Thật ra, câu đố không cho người ta biết thêm  về một sự vật gì mới và cũng không cho người ta biết thêm điều gì mới về các sự vật quen thuộc. Ví dụ câu đố về cái cày: Khi đi lè lưỡi, khi về cũng lè lưỡi ở câu đố này không đem lại cho trẻ em nông thôn một kiến thức gì mới về cái cày. Nhưng vấn đề là ở chỗ không phải tất cả những người đã biết cái cày đều thấy nó như một con vật “ khi đi thè lưởi khi về cũng thè lưỡi. Chính “ phát hiện” ấy đem lại cho người ta niềm thích thú. Có thể nói toàn bộ chức năng giải trí và giáo dục của câu đố đều dựa trên sự khai thác cái cách nhìn mới lạ, bất ngờ, độc đáo đối với các sự vật, hiện tượng quen thuộc.


2.2.2 Thế giới những vật thay thế cho vật đố
Thế giới những vật thay thế cho vật đố là thế giới được “sáng tác” ra từ nguyên mẫu vật đố chủ yếu dựa vào liên tưởng, tưởng tượng.
- Tính chất kì dị của những hình ảnh ẩn dụ câu đố.
Phần lớn những sự vật, hiện tượng vốn hết sức quen thuộc với người ta, khi trở thành vật đố, đều được mô tả thành những sự vật, hiện tượng kì dị. Ví dụ:
+ Cái gối nằm được hình dung thành một vật:
                                                              Đánh ngã đàn ông
Đánh ngã đàn bà
Đánh ngã kẻ chợ
            Đánh ngã vợ vua
            + Cái ống chân được mô tả thành một con vật:
Lưng đi trước, bụng đi sau
Cái mắt cái đầu cách nhau một thước
            “ Kỳ dị hóa” những sự vật, hiện tượng quen thuộc của thế giới chung quanh là một xu hướng nổi bật trong cách cấu tạo câu đố dân gian.
-         Tính chất thân quen của những hình ảnh bộ phận trong ẩn dụ câu đố
            Ần dụ câu đố có một đặc điểm chung là: nhìn cả tổng thể thì ra một vật kì dị, thậm chí quái đản; nhưng từng bộ phận hợp thành của nó thì lại là những hình ảnh về những sự vật hiện tượng thân quen với những người lao động.
            Ví dụ : Ẩn dụ về sàng gạo nhìn tổng thể thì quả là một vật rắc rối:
                                                            Một trăm tấm ván
Một vạn thằng dân
Thằng nào cởi trần
Thằng ấy chui lọt
Nhìn chung, trí tưởng tượng của những người sáng tác câu đố dù phóng túng đến đâu cũng không thể không dựa vào nguồn vật liệu sẵn có của thực tiễn lao động và sinh hoạt cung cấp cho họ.
-Tính chất sống động, có hồn của những hình ảnh ẩn dụ câu đố
Câu đố thường mô tả sự vật trong trạng thái hoạt động hoặc biến đổi của nó.
Ví dụ:
    + Bát đĩa được mô tả ở trạng thái đang đứng rửa, sau bữa ăn, để gác lên chạn:
Một đàn cò trắng phau phau
Ăn no tắm mát rủ nhau đi nằm
    + Cái kéo được mô tả ở trạng thái lăm lăm “hành chức”:
                                      Vừa bằng lá tre xun xoe đánh vật
Ngay cả những câu đố có ẩn dụ thuộc dạng tranh “tĩnh vật” cũng tìm ẩn một nét “động”. Ví dụ:
Vừa bằng cánh của nằm ngửa giữa trời
( câu đố về tàu lá chuối)
Vừa bằng con bò nằm co giữa ruộng
                                                    (  câu đố về cái mả)      
Điều quan trọng là tất cả các sự vật được mô tả đều có hồn, có sinh khí. Để tạo nên những hình ảnh sống động, có hồn như thế, người sáng tạo câu đố cần có cái nhìn có tình đối với tạo vật. Những hình ảnh ẩn dụ câu đố luôn xuyên thấm tình yêu của người lao động đối với tạo vật, yêu công việc làm ăn, yêu những vật đã cùng họ dãi nắng dầm sương…
2.2.3 Thế giới vật đố có tính “tục” giảng “ thanh”
Bên cạnh chất kì dị, ẩn dụ câu đố còn có tính chất thường được gọi là “đố thô, giảng thanh”. Tính chất này được chình câu đố xác nhận một cách hồn nhiên:
Đố thô giảng thanh
Miệng chào anh
Hai tay nâng đít.
“Đố thô, giảng thanh” có nghĩa là vật đố  thì “ thanh” tuy vậy vật thay thế nó thì “ thô”. Khái niệm “thô” ở đây được hiểu là: nói đến sinh thực khí và hoạt động tính giao hoặc nói đến cơ quan bài tiết và hoạt động bài tiết. Nhiều hình ảnh ẩn dụ câu đố là sản phẩm của sự liên tưởng từ vật đố đến những cái “thô”, cái “ tục”. Ví dụ
Một cột ba chia
Chọc vô cái lỗ
 Thọc lia thọc lịa
  Máu trào đỏ loét
  Le lưỡi liếm liền
                                                                                              (ống ngoáy trầu)
Quả thật khi trí tưởng tượng đã hướng theo ngả này thì hầu như sự vật hiện tượng nào cũng có thể được hình dung, mô tả thành “cái ấy” và “ chuyện ấy”.
Ví dụ:
Thương em anh dắt sau hè
Hai tay anh đè cái đít lắc lia
                                                                (mài dao, kéo)
Trên cũng da dưới cũng da
Đúc vô thì ấm, rút ra lạnh lùng
                                                                   (chân và giày)
Hiện tượng này là hiện tượng đã tồn tại và một số người vẫn thích chơi trò “ đố thô, giảng thanh”. Nhưng không thể coi đó là một xu hướng liên tưởng lành mạnh, nhất là đối với trẻ em.
      2.3. Kết cấu của ẩn dụ câu đố
Ẩn dụ câu đố có hai kiểu kết cấu: kết cấu đơn và kết cấu kép.
 2.3.1. Kết cấu đơn.
            Ẩn dụ có kết cấu đơn là ẩn dụ chỉ gồm một hình ảnh đơn nhất, tức là hình ảnh chỉ của một sự vật. Hình ảnh được tạo nên có thể có một hay nhiều
“ đặc điểm” nhưng bao giờ cũng chỉ tương ứng với một sự vật. Ví dụ:
- Hình ảnh đơn nhất có một đặc điểm
 Trong nhà có bà ăn cơm trước
                                                         ( Câu đố về đôi đũa cả)
Trong nhà có bà hay la hét
                                                    (Câu đố về cái chổi)
-         Hình ảnh đơn nhất có nhiều “đặc điểm”:
                     Vừa bằng hạt đỗ, ăn giỗ cả làng ( hai “đặc điểm”)
                                           (Câu đố về con ruồi)
  Vừa bằng cái kim, chìm xuống ao, đào chẳng thấy, lấy chẳng được
 (bốn “đặc điểm)
 (Câu đố về cái râu tôm)



Có thể mô hình hóa câu đố ẩn dụ có kết câu đơn như sau:
                      a1-----------------------------------------------b1
       A             a2-----------------------------------------------b2              B
            a3-----------------------------------------------b3

Vật đố A và các đặc điểm a1, a2, a3…được mô tả thành ẩn dụ B với các “ đặc điểm” tương ứng b1, b2, b3…Nhìn chung những câu đố có kết cấu đơn có phần dễ giải hơn những câu đố có kết cấu kép. Là vì những ẩn dụ này chỉ tương ứng với một sự vật, cho nên việc khoanh vùng tìm kiếm vật đố không bị phân tán theo nhiều hướng cùng một lúc. Trong số những ẩn dụ có kết cấu đơn thì ẩn dụ càng có nhiều “đặc điểm” càng có vẻ rắc rối, nhưng lại càng có nhiều căn cứ để người giải đố suy lý và liên tưởng.
2.3.2 Kết cấu kép:
- Ẩn dụ câu đố có kết cấu kép rắc rối, kỳ dị hơn so với ẩn dụ có kết  cấu đơn và, đặc biệt, thường có chút ít tính truyện.
Khi vật đố là một sự vật gồm nhiều bộ phận (những bộ phận này đều có thể quan sát bằng mắt thường và quen thuộc với mọi người) hoặc một hoạt động gồm nhiều thao tác (những thao tác này cũng quen thuộc với mọi người- ví dụ: ăn trầu, hút thuốc lào…) thì ẩn dụ của nó thường có kết cấu kép.
Ví dụ:
           Bốn ông đập đất (= bốn chân trâu giẫm lên đất cày)
            Một ông phất cờ (=cái đuôi trâu ve vẩy đuổi ruồi)
            Một ông vơ cỏ (= mõm trâu “ tranh thủ” vơ ít cỏ ven bờ)
            Một ông bỏ phân (= đít trâu cũng làm cái việc của nó!)

Trong phức hợp ẩn dụ, quan hệ giữa các ẩn dụ “nhỏ” thường khá chặt nhằm tạo ra một hình ảnh chung ít nhiều có nghĩa lý hoặc, tài tình hơn, một “mẫu chuyện” ly kỳ. Ví dụ: Trong câu đố về con trâu (đang đi cày) những ẩn dụ nhỏ hợp thành một cấu trúc tương đối chặt chẽ (bốn ông + một ông + một ông + một ông) tạo nên cảnh tượng “bảy ông vừa đập đất, vừa phất cờ, vừa vơ cỏ, vừa bỏ phân, cứ như một lực điền đang hội làm mùa vậy!  Mô hình hóa ẩn dụ có kết cấu kép:


                  được mô tả thành
A1------------------------------------------------B1          
    A2  A  ------------------------------------------------ B     B2
           A3------------------------------------------------- B3
   
Vật đố A với các                                                 phức hợp ẩn dụ B
bộ phận hợp thành                                              với các ẩn dụ “nhỏ”
A1, A2, A3                                                          B1, B2, B3(tương ứng
                                                                               với A1, A2,A3)                                                        
Ta phân tích một câu đố có kết cấu kép để nhận rõ lại một lần nữa những nét đặc thù về kết cấu của ẩn dụ câu đố.
                                                           Ba ông lỏng khỏng
                                                Cõng bà đế vương
Sung bắn tứ phương
                                                Có bay rào rạt
                             (Câu đố về rang ngô)
Ta thấy vật đố A – hiện tượng rang ngô- gồm bốn bộ phận hợp thành: 1/ ba ông đầu rau (A1) ; 2/ cái nồi rang ( A2) ; 3/ ngô nổ ( A3) ; 4/ ngô nở ( A4). Bốn bộ phận hợp thánh của vật đố A được mô tả thành bốn ẩn dụ “ nhỏ” tương ứng : 1/ ba ông lỏng khỏng (B1) ; 2/ cõng bà đế vương ( B2) ; 3/ sung bắn tứ phương (B3); 4/ cò bay rào rạt
( B4). Như vậy ta có mô hình:
Oval:
A1--------------------------------------------------------------B1
A2--------------------------------------------------------------B2
A3-------------------------------------------------------------- B3
A4---------------------------------------------------------------B4

 Ta có thể nhận xét là các so sánh  A1 – B1
                                                            A2 – B2
                                                            A3 – B3
                                                            A4 – B4
Dựa trên những nét giống nhau hết sức mong manh. Như ta đã biết, đấy chính là đặc trưng tiêu biểu của ẩn dụ câu đố. Quả thật, chỉ có trong sáng tác câu đố  người ta mới so sánh một cách phóng túng:
Ba ông đầu rau                           với              Ba ông lỏng khỏng
trên đặt cái nồi rang                                       cõng bà đế vương
Và:
            tiếng ngô nổ                               với               súng bắn tứ phương
           những hạt ngôn nổ bung ra                            cò bay rào rạt    
  Trong khâu giảng đố, người ta thường chỉ giải thích, chứng minh nét giống nhau giữa b1 với a1, b2 với a2…( câu đố có kết cấu đơn) hoặc giữa B1 với A1, B2 với A2…
( câu đố có kết cấu kép), mà không đả động đến tính chất thích đáng và ý nghĩa của ẩn dụ ( B) với vật đố ( A).
2.4. Cách mô tả của câu đố -  Ngôn ngữ của câu đố
2.4.1 Cách mô tả của câu đố:
Xây dựng câu đố bắt đầu từ sự quan sát và lựa chọn những “đặc điểm” của vật đố.
Có 5 đặc điểm cơ bản:         -Hình thể      
-Về cấu tạo
-Tính năng, tác dụng
-Hoạt động thao tác
-Nguồn gốc, xuất xứ
            Mấu chốt của việc xây dựng câu đố là sự mô tả những “đặc điểm” của vật đố. Ở đây mô tả đi đôi với so sánh nhằm tạo ra những ẩn dụ. Trong câu đố, mô tả cũng thường kết hợp với nhân hóa. Ở đây nhân hóa không đơn thuần như một thủ pháp mô tả mà nó còn là vấn đề của thế giới quan. Do đó, nhân hóa được sử dụng rất phổ biến trong câu đố.
  Ví dụ : 
Sừng sững mà đứng giữa nhà,
Ai vô không hỏi, ai ra không chào.
(cây cột nhà)
Chị em con bác con dì,
Chị thì đẻ trứng, em thì đẻ con.
( ốc nhồi và ốc hột)
            2.4.2. Ngôn ngữ câu đố
            Ngôn ngữ câu đố có những đặc điểm rất nổi bật – đó là tính chất cô đúc và tính gợi hình, gợi cảm. Câu đố phải gọn ghẽ, chặt chẽ như đề toán, cho nên ngôn từ phải chính xác và không gian ngôn ngữ câu đố phải hết sức tiết kiệm. Không gian ngôn ngữ câu đố phải thông thoáng, sống động và nổi sắc nổi hình. Ngoài những thủ thuật chơi chữ đủ các kiểu, người sáng tác câu đố còn tập trung vào giải pháp khai thác giá trị gợi tả của từ ngữ tiếng Việt, nhất là động từ và tính từ tình thái. Do đó, mật độ của những từ loại này trong không gian ngôn ngữ câu đố rất cao, cao hơn cả tục ngữ và ca dao.
Ví dụ:  
Mẹ gai góc, con trọc đầu”
(cây bưởi)
Chân đen mình trắng đứng nắng giữa đồng”
                                                                                                                            ( con cò)
            Nghệ thuật câu đố có được sự thành công hay không là nhờ một phần vào sức gợi tả của ngôn ngữ câu đố- một thứ ngôn ngữ vừa lấp lửng vừa chính xác, vừa hồn nhiên vừa tinh quái, vừa sát sạt vừa bay bổng…Tuy nhiên, câu đố là thể loại văn học dân gian, nó là những sáng tác của lớp người bình dân nên đôi khi ngôn ngữ câu đố có một số từ rất thô kệt. Ví dụ:
“Có mái mà không có trống
đái mà không có ỉa
(Mái nhà)
Tóm lại, ngôn ngữ câu đố mang những đặc điểm tiêu biểu của ngôn ngữ dân gian.
            3. Thể thơ trong câu đố:
Trong câu đố, thể thơ lục bát dùng rất phổ biến và được thể hiện rất đa dạng:
“Sừng sững mà đứng giữa trời
Trời xô không đổ, trời mời không đi”
                                                                      (Núi)
“Thưở bé em có hai sừng
Đến tuổi nửa chừng mặt đẹp như hoa
Ngoài hai mươi tuổi đã già
Quá hai mươi tuổi mọc ra hai sừng”
                                                                            (Mặt trăng)
- Thể vãn là thể thơ ngắn, mỗi câu năm chữ hoặc dưới năm chữ. Câu đó có tính chất giải đố nên đại bộ phận câu đố đều được viết theo những thể thơ ngắn, tương đối đơn giản về tiết tấu, nhịp điệu cách gieo vần rất linh hoạt.


“Trên trời bảy ngọn đèn
Hình móc câu xếp nên
Ban đêm người đi lạc
Nhìn biết phương hướng liền”
                                                                     (Sao)
“Ăn nằm ngửa
Ngủ nằm nghiêng
Uống rượu thì kiêng
Chỉ khuyên ăn thịt
Ăn rồi lại quỵt
Rửa mặt đi nằm
Ai hỏi thì câm
Ai mời thì tới”
                                                                                 (Cái thớt)
- Câu đố thường mang tính cô đúc, cân đối nhịp nhàng về cách gieo vần
  Đi phe phẩy, về nhà giãy ra mà chết.         (Cái áo dài)
        Một nhà làm quan, cả nhà đi tàn.                (Khóm khoai)
  4. Kết luận chung.
Sau truyện cười, câu đố là thể đem lại nhiều tiếng cười trong kho tàng văn học dân gian. Hầu như câu đố nào đọc lên, ta cũng thấy ngộ nghĩnh, hóm hỉnh tươi mát, đôi khi tục tĩu nữa, song hiện thực sự vật, sự việc lại không ngộ nghĩnh tục tĩu tí nào. Giải được hay không giải được, cả người đố và người đoán đều buồn cười. Do đó, câu đố ngoài việc thử tài nhau, nó còn là phương tiện để thư giãn sau những giờ lao động và để mua vui trong lúc nghỉ ngơi.
            Câu đố phản ánh các sự vật, hiện tượng của thế giới quan theo lối nói chệch đi, lối nói một đàng hiểu một nẻo,“nửa kín nửa hở” bằng hình thức liên tưởng, tưởng tượng. Ngôn ngữ sinh động, giàu có cùng với các thủ thuật so sánh, ẩn dụ, tu từ, lộng ngữ… cũng đã góp phần tạo nên chất nghệ thuật trong câu đố. Với những đặc trưng của thi pháp, câu đố đã tồn tại cùng với nhân dân, không ngừng được nhân dân sáng tạo thêm làm cho lưu loát hơn. Sự ra đời và phát triển của câu đố đã làm cho nền văn hóa dân gian Việt Nam thêm phong phú giàu màu sắc.