DANH SÁCH BÀI VIẾT

Wednesday, April 6, 2011

THỜI GIAN VÀ KHÔNG GIAN NGHỆ THUẬT TRONG BÀI THƠ “ CHIỀU HÔM NHỚ NHÀ”


THỜI GIAN VÀ KHÔNG GIAN NGHỆ THUẬT TRONG BÀI THƠ “ CHIỀU HÔM NHỚ NHÀ” CỦA BÀ HUYỆN THANH QUAN.
Không gian và thời gian là một phạm trù triết học chỉ sự tồn tại của thế giới vật chất. Không có gì tồn tại ngoài không gian và thời gian. Tác phẩm là một thế giới nghệ thuật. Thế giới đó có con người tồn tại trong một khoảng không gian và thời gian đặc biệt.. Không gian và thời gian trong tác phẩm là không gian nghệ thuật và thời gian nghệ thuật. Nó không chỉ là không gian và thời gian vật chất mà là một phương thức biểu hiện thế giới tinh thần, hiện thực đời sống thông qua tác phẩm văn chương.
Như một lẽ tự nhiên vô hình, hữu cảm, thời gian và không gian đã được các thi nhân bao đời cảm thức, trở thành nỗi ám ảnh miên man, tụ điểm, giội vào thẳm sâu tâm hồn nhà thơ mà hình thành nên thi tứ.
Điểm nổi bật trong cảm thức thời gian ở thơ ca trung đại đó là vị trí chủ đạo của thời gian thiên nhiên vũ trụ bất biến tĩnh tại. Mặt khác, thời gian lịch sử trong thơ tương quan với thời gian vũ trụ. Khi nói tới lịch sử là nói tới sự thay thế triều đại, theo quan niệm thời Trung đại, mọi hưng vong thành bại đều thuộc mệnh trời, cho nên thời gian lịch sử gắn liền với thời gian vũ trụ một cách huyền bí. Vũ trụ tuần hoàn cũng kéo theo sự tuần hoàn của lịch sử. Phạm trù thời gian chỉ được xác nhận trong các khoảng cách lớn: kim - cổ, xưa - nay. Các khoảng cách nghìn năm, vạn năm, gợi ra sự bất biến các khoảng thời gian ngắn chưa được chú ý. Thời gian quá khứ được gọi là tiền, thời gian tương lai được gọi là hậu, véc- tơ thời gian hướng về quá khứ theo trật tự không gian. Một yếu tố nữa là trong văn học trung đại, thời gian con người đã được ý thức trước thực tế tuổi tác, thọ yểu và sự bất lực của con người. Thơ ca phần lớn nói cái hữu hạn của đời người sự nhỏ bé của kiếp người. Theo Trần Đình Sử: “Thời gian nghệ thuật là thời gian mà ta có thể thể nghiệm được trong tác phẩm nghệ thuật với tính liên tục và độ dài của nó, với nhịp độ nhanh hay chậm, với các chiều thời gian hiện tại, quá khứ hay tương lai... Thời gian nghệ thuật là một biểu tượng, một tượng trưng, thể hiện một quan niệm của nhà văn về cuộc đời và con người”.
Trong thơ trung đại không gian vũ trụ chiếm vị trí ưu thế. Sự phát triển chậm chạp của lịch sử cũng là cho người ta thiên về cảm nhận tính bất biến của không gian. Mặt khác giao lưu thông thương ít phát triển nên người trung đại chưa có quan niệm về thế giới như là tổng thể các nước. Họ hình dung thế giới là thiên hạ, hình dung quốc gia cũng thiên hạ hoặc hình dung qua mô hình sinh tồn non nước, giang san sơn hà. Như vậy, dù muốn hay không, không gian đã được cảm nhận qua năng lực chiếm lĩnh không gian của người đương thời và mang đậm chất chủ quan.
Qui mô không gian có ý nghĩa đặc biệt để biểu hiện sức mạnh tâm hồn. Người xưa nói: “ Hùng tâm đại chí”, chí lớn gắn với không gian lớn. Không gian có tác dụng giải phóng tầm nhìn. Trong không gian tha hương thời trung đại, con người thấy lẻ loi, yếu đuối khi bị bứt ra khỏi không gian quê nhà quen thuộc nên chỉ ra khỏi nhà mười dặm đã có cảm giác “lữ thứ, hoàng hoa” là thế. Đó không chỉ là một mã nghệ thuật mà còn phản ánh một phần sự thực của tâm trạng con người. Đọc bài Chiều hôm nhớ nhà của Bà Huyện Thanh Quan, ta có cảm giác tác giả như đang chú ý  trước hết đến thời gian. Cách dùng từ “chiều trời”, đưa chiều lên trên là cách nhấn mạnh trước hết đến thời gian. Thời gian được cảm nhận qua tiếng trống dồn gấp gáp, tại thời điểm chiều hôm ấy giội lên trong lòng người bao nỗi niềm thương nhớ.
Trời chiều bảng lảng bóng hoàng hôn
Tiếng ốc xa đưa lẫn trống dồn
Gác mái ngư ông về viễn phố
Gõ sừng mục tử lại cô thôn
Ngàn mai gió cuốn chim bay mỏi
Dặm liễu sương sa khách bước dồn
Kẻ chốn Chương Đài, người lữ thứ
Lấy ai mà kể nỗi hàn ôn.
Cảm thức thời gian buồn tủi len lỏi vào tâm trạng, tạo nên mạch thơ tràn đầy âm hưởng buồn đau. Bên cạnh đó, chúng ta thấy, thời gian trong thơ các nhà nho thường là thời gian tĩnh tại bất biến. Thời gian vũ trụ trước hết được thể hiện ở ngay các nhan đề thơ nói về một thời điểm vãn cảnh, chiêu cảnh, mộ cảnh, dạ vũ, xuân đán, sơ hạ, xuân hàn, thu nhật hiểu thán…các bài thơ, phong cảnh thường miêu tả cảnh sắc trong một thời điểm trong mùa tĩnh tại.
Câu phá đề gợi cho ta một cảm giác mệt mỏi và chậm rãi của thời gian ban chiều, một thời điểm mang tính ám ảnh văn hoá trong thơ xưa. Câu thơ bắt đầu bằng “trời chiều” và khép lại bằng “bóng hoàng hôn” như muốn hắt cả ánh vàng của nắng chiều lên con người và cảnh vật. Thời điểm chiều hôm là lúc con người trở về sum họp, quây quần cùng gia đình nhưng dường như nhân vật trữ tình trong bài thơ vẫn tạm nghỉ chân trên hành trình xa xôi và vắng vẻ.
Không gian gian trong bài thơ là không gian đăng cao. Từ nơi đây, tác giả phóng tầm mắt khắp bốn phương, thu vào tầm mắt mình những những hoạt động của “ ngư ông”, “ mục tử” chậm chạp kết thúc một ngày làm việc vất vã.
Gác mái ngư ông về viễn phố
Gõ sừng mục tử lại cô thôn
Ở không gian đó con người có thể nghe thấy “tiếng ốc xa đưa” và tiếng “vẳng trống đồn”. Những âm thanh này vốn không xa lạ nhưng khi đặt vào khung cảnh đất khách quê người thì lại gợi lên sự bâng khuâng, se buồn trong lòng người lữ khách. Hai âm thanh đan quyện vào nhau như muốn báo hiệu sự vội vã của thời gian đang đổ dần về tối.
Trong cái khung thời gian chiều hôm muộn mằn đó, đã tạo nên không gian tâm tưởng thể hiện những suy tư, trăn trở, tình cảm của nhà thơ.
“ Ngàn mai gió cuốn chim bay mỏi
Dặm liễu sương sa khách bước dồn”
Hình ảnh “ ngàn mai gió cuốn” vừa rộng lớn, thoáng , vừa sôi động. Rừng mơ bạt ngàn càng thấy sự lẻ loi đơn chiếc của thi nhân , hình ảnh “ gió cuốn” gợi sự xao động bên trong của nữ sĩ . Hình ảnh cánh chim chiều “ bay mỏi” cũng gợi tâm trạng của thi nhân. Làm sao giữa không gian bạt ngàn của rừng mai mà nhận ra “ chim bay mỏi” ?  Phải có con mắt rất tinh, nhưng như thế vẫn chưa đủ, phải là con mắt của tấm lòng. Còn “ dặm liễu” thì thơ mộng mà “ dặm liễu sương sa” thì vừa thơ mộng vừa lạnh lẽo. Cái lạnh của sương chiều đã thúc bước chân của người đi đường “ khách bước dồn”. Cái hay của hai câu luận là không gian được mở ra với những hình ảnh đẹp, thơ mộng, gợi cảm và chủ đề “ Chiều hôm nhớ nhà” cũng được mở ra theo chiều sâu của tâm trạng tạo nên không gian suy tư, không gian tâm tưởng cho bài thơ.

Kẻ chốn Chương Đài, người lữ thứ
Lấy ai mà kể nỗi hàn ôn”.
          Ở hai câu kết của bài thơ, bằng cách sử dụng điển cố “ Liễu Chương Đài, người lữ”, ta nhận thấy có sự đan xen giửa thời gian quá khứ và không gian nội tâm thể hiện nổi niềm hoài cổ của nhà thơ. Dưới triều Tự Đức, bà được mời về kinh nhậm chức Cung trung giáo tập để dạy các công chúa, cung phi. Sống trong cung đình, nhưng bà tự coi mình như kẻ “ lữ thứ”, tấm lòng của bà luôn luôn hướng về chốn “ Chương Đài”. Đó chính là nổi niềm hoài cổ, tiếc thương quá khứ vàng son của tiền triều. Sinh trưởng vào thời Lê mạt và Nguyễn sơ, bà đã chứng kiến bao cảnh thay ngôi đổi vị, chiến tranh tang thương. Cái ươn hèn của con cháu Hậu Lê, vua Lê Chiêu Thống toan "rước voi về dày mả tổ",... Bà huyện Thanh Quan, cũng như thi hào Nguyễn Du, muốn dùng văn thơ để diễn tả "những điều trông thấy mà đau đớn lòng". Vốn là phận nữ nhi, bà không thể viết lên những lời nuối tiếc nhà Lê như là một di thần, nhưng bà chỉ muốn nói lên lòng tha thiết tiếc thương cho một thời rực rỡ xa xưa, bị vùi dập vì loạn ly khói lửa.
 Chiều hôm nhớ nhà là một tâm trạng cố hữu, thường hằng của động vật, của con người. Mỗi khi ngày hết, mọi sinh linh đều tìm về nhà, tổ ấm, chốn nương thân để được che chở nghỉ ngơi. Bằng những động tác dứt khoát, sảng khoái (gác mái, gõ sừng), ngư ông và mục tử ra về. Và tuy là bến xa (viễn phố) và thôn lẻ (cô thôn), nhưng họ còn có nơi để mà về. Còn con người lữ thứ kia, giống như con chim bạt gió, mặc dù đang dồn bước nhưng không có nhà để mà về. Chỉ có sự nhớ nhà, sự nhớ về sự nhớ nhà. Bởi thế, đường đi không bao giờ kết thúc. Bởi thế lữ khách trở thành một trường lữ, một người đi.
Trong không gian nghệ thuật Chiều hôm nhớ nhà có đậm đặc những con người đang chịu sức ép của một hoàng hôn cuối ngày: thi nhân với bát ngát nỗi hàn ôn Chương Đài-lữ thứ, lữ khách với những bước nặng nề bồn chồn, ngư ông tìm về viễn phố, mục tử trở lại cô thôn. Chừng ấy con người trong quanh quất một bài thơ không biết mình đang chịu một sự điều phối vô hình mà kỳ diệu của thiên nhiên để nhất nhất tìm về mỗi nơi mỗi chốn của mình.
Bài thơ đưa chúng ta vào một không - thời gian tưởng như cụ thể nhưng lại khá mơ hồ. Thời điểm “trời chiều” được cụ thể hoá trong sự “bảng lảng” của “bóng hoàng hôn” mang đến cho ta một buổi chiều như bao buổi chiều khác trong thơ ca xưa. Có nỗi nhớ của người con xa quê:
Chiều chiều ra đứng ngõ sau
Trông về quê mẹ ruột đau chín chiều
(Ca dao)
Buồn trông cửa bề chiều hôm
Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa
(Truyện Kiều)

        Văn học trung đại là một giai đoạn lớn trong lịch sử văn học dân tộc và nhân loại. Đồng thời cũng là một trong ba phạm trù lớn của văn học, bên cạnh văn học cổ đại và văn học cận hiện đại. Do đó, vấn đề thi pháp văn học trung đại trên các quan niệm không gian, thời gian, con người, cái đẹp, không chỉ có ý nghĩa để hiểu sâu thêm văn học trung đại mà còn gián tiếp làm sáng tỏ đặc điểm văn học cổ đại và văn học hiện đại trong thế đối sánh cũng như nguồn mạch tiếp nối sự phát triển văn học Việt Nam./.


 Đặng Công Đoãn, Lớp Văn Học Việt Nam K17, Trường Đại Học Cần Thơ.