DANH SÁCH BÀI VIẾT

Wednesday, April 6, 2011

VẤN ĐỀ TRUYỆN ĐỊA DANH


VẤN ĐỀ THỂ LOẠI TRUYỆN ĐỊA DANH
(Thần Thoại, Truyền Thuyết, Cổ Tích)
1. Một số vấn đề về việc phân loại truyện kể dân gian.
Từ trước đến nay, khi nói đến vấn đề thể loại và việc phân loại chúng là một vấn đề vô cùng phức tạp. Ở thể loại truyện kể dân gian, lại càng phức tạp hơn bởi điểm giao nhau và ranh giới của các thể loại này không thực sự rõ ràng. Nhưng khi nghiên cứu một vấn đề trong loại truyện kể dân gian thì người ta phải khu biệt chúng để xác định đối tượng một cách hợp lý thuận tiện cho việc nghiên cứu. Tuy nhiên, với từng nhà nghiên cứu khác nhau, với quan điểm khác nhau lại có những cách phân loại khác nhau. Nhưng có thể nói rằng việc phân loại truyện kể dân gian là một vấn đề vô cùng quan trọng và cơ bản nhất trong việc nghiên cứu truyện kể dân gian, vấn đề này đã được giới học thuật từ trước đến nay chú ý. Người được coi là có công đầu trong việc phân loại truyện kể dân gian Việt Nam là tác giả Nguyễn Văn Ngọc thông qua bộ “Truyện cổ nước Nam” (1932). Nguyễn Đổng Chi phân “chuyện đời xưa” thành ba loại: Thần thoại, Truyện thần quái, Chuyện vặt. Nghiêm Toản lại chia truyện kể dân gian thành bốn loại: Truyện mê tín hoang đường, Truyện luân lý ngụ ngôn, Truyện phúng thế hài đàm, Truyện sự tích các thánh. Trong đó, với việc phân loại truyện kể dân gian thành các loại như: Thần thoại, truyền thuyết, truyện cổ tích, truyện ngụ ngôn, truyện tiếu lâm…,công trình “Sơ thảo lịch sử văn học dân gian” của Nguyễn Đổng Chi và “Lược thảo lịch sử văn học Việt Nam” của Lê Quý Đôn được coi là những công trình đặt nền móng cho việc phân loại các thể loại văn học và truyện kể dân gian Việt Nam. Về thể loại truyện địa danh, thông qua các nhà nghiên cứu và việc khảo sát truyện kể dân gian Việt Nam, chúng ta thấy nó xuất hiện trong các thể loại như: Thần thoại, truyền thuyết, truyện cổ tích. Trên cơ sở của việc phân chia truyện kể dân gian như vậy, chúng tôi tiến hành khu biệt thể loại truyện địa danh thông qua việc xem xét một số khái niệm và cách phân loại thần thoại, truyền thuyết và truyện cổ tích Việt Nam.
2. Một số khái niệm và cách phân loại thần thoại, truyền thuyết, truyện cổ tích.
2.1. Thần thoại
Thần thoại, theo C.Mác đó là “vẻ đẹp một đi không trở lại” của loài người khi xã hội nguyên thủy kết thúc. Là hình thức sáng tác của con người thời đại xa xưa, nó thể hiện ý thức muốn tìm hiểu vũ trụ, lý giải và chinh phục thế giới tự nhiên của con người. Luôn tiếp xúc với thiên nhiên rộng lớn đầy bí ẩn trong lúc tư duy còn non nớt, ngây thơ, ấu trĩ nên con người đã hình dung và lý giải thiên nhiên bằng trí tưởng tượng của mình; tạo ra cho các hiện tượng xung quanh mình những hình ảnh sáng tạo, những câu chuyện phong phú. Họ hình dung ra các vị thần lớn lao, những lực lượng siêu nhiên hữu linh. Bằng cách đó con người sáng tạo ra thần thoại.
Thần thoại là tập hợp những truyện kể dân gian về các vị thần, các nhân vật anh hùng, thần linh, các nhân vật sáng tạo ra văn hóa; phản ánh quan niệm của thời cổ về thế giới tự nhiên và đời sống xã hội, con người nhằm nhận thức thực tại khách quan.
Theo nhà nghiên cứu Đinh Gia Khánh “ở nước ta thần thoại đã nảy sinh từ cuộc sống người nguyên thủy và phát triển theo yêu cầu của xã hội Lạc Việt”. Có nghĩa là thần thoại có từ trước công nguyên, trước thời Bắc thuộc, và vì những lý do riêng thần thoại không còn giữ lại được hình thức lúc đầu của chúng nữa và thậm chí cốt truyện cũng đã thay đổi đi nhiều.
Đỗ Bình Trị cũng cho rằng “nói một cách đơn giản, thần thoại là một truyện nói về thần mang yếu tố thiên nhiên và xuất hiện vào thời kỳ khuyết sử”. Chu Xuân Diên khẳng định: “Thần thoại chỉ có thể xuất hiện trong một giai đoạn thấp của sự phát triển xã hội và của sự phát triển nghệ thuật. Trong giai đoạn đó thần thoại đã có một vai trò tích cực trong đời sống tinh thần của con người; đó là phương tiện nhận thức quan trọng của người nguyên thủy…”.
Trên cơ sở khảo sát thần thoại Việt Nam, người ta chia làm 2 loại:
- Thần thoại suy nguyên kể về nguồn gốc của vũ trụ và nguồn gốc của muôn loài như: Thần trụ trời, thần sấm, thần mây, thần mưa, thần sét, thần mặt trời, mặt trăng…, và nguồn gốc của loài người như: Quả bầu mẹ, quả bầu, hồng thủy…
- Thần thoại kể về sự chinh phục thiên nhiên và sáng tạo ra văn hóa như: Bố rồng mẹ tiên, Lạc Long Quân và Âu Cơ, Sơn Tinh Thủy Tinh…
Như vậy, cách phân loại này cho thấy truyện địa danh không xuất hiện trong thể loại thần thoại. Tuy nhiên, ở một số truyện thần thoại chúng ta thấy có những cách lý giải về địa danh.
2.2. Truyền thuyết
Ở Việt Nam có lẽ Đào Duy Anh là người sớm sử dụng thuật ngữ truyền thuyết khi ông viết về vấn đề: “Những truyền thuyết thời thượng cổ nước ta” trên tạp chí Tri Tân “Sách xưa của người Trung Quốc không chép việc Triệu Đà đánh An Dương Vương để chiếm Tượng Quận, nhưng căn cứ truyền thuyết ấy, nếu ta bỏ đi những yếu tố hoang đường thì cũng còn lại cái kỷ niệm của một cuộc chiến tranh hẳn có” (Tạp chí tri tân số 30/1942).
Đến những năm 50 của thế kỷ XX, thuật ngữ truyền thuyết được sử dụng nhiều hơn. Các tác giả nhóm Lê Quý Đôn trong công trình “Lược thảo lịch sử văn học Việt Nam” khi xác định ranh giới giữa thần thoại và truyền thuyết đã bước đầu định nghĩa truyền thuyết như sau: “Truyền thuyết là tất cả những truyện lưu hành trong dân gian, có thật xảy ra hay không cũng không có gì đảm bảo. Như vậy có những truyền thuyết lịch sử mà cũng có những truyền thuyết khác dính dáng về một đặc điểm địa lý, hoặc kể lại gốc tích một sự vật gì, hoặc giải thích phong tục tập quán…” (Lược thảo lịch sử văn học Việt Nam- NXB xây dựng HN 1957). Đây là cách hiểu truyền thuyết rất rộng, nó bao hàm các thể loại truyện kể dân gian khác.
Còn trong công trình “Sơ thảo lịch sử văn học Việt Nam” Nguyễn Đổng Chi lại cho rằng: “Xét về đề tài truyền thuyết có thể phỏng đoán rằng, truyền thuyết đã xuất hiện sau thần thoại. Truyền thuyết là những truyện lịch sử, và truyện lịch sử chỉ có thể có khi con người ý thức được về lịch sử của mình”. (Sơ khảo lịch sử văn học Việt Nam, NXB Văn, Sử, Địa, HN 1957). Cách này nó lại chỉ khu biệt trong phạm vi hẹp, đó chỉ là thể loại truyền thuyết lịch sử. Theo Đỗ Bình Trị, truyền thuyết là những truyện kể về những điều có thực, những điều xảy ra trong quá khứ, trong thực tế lịch sử, và có những đặc điểm riêng biệt so với các thể loại khác.
Với thể loại truyền thuyết người ta có nhiều cách phân chia khác nhau. Có người căn cứ vào hình thái tồn tại và chức năng của truyền thuyết chia làm 3 loại: Truyền thuyết thuyết minh, truyền thuyết lịch sử, truyền thuyết tin ngưỡng. Căn cứ vào quan điểm lịch sử cội nguồn người ta chia làm 3 loại: Truyền thuyết thần thoại, truyền thuyết lịch sử, truyền thuyết văn nghệ. Ông Lê Chí Quế trong văn học dân gian Việt Nam cũng chia làm 3 loại: Truyền thuyết lịch sử, truyền thuyết anh hùng, truyền thuyết danh nhân văn hóa.
Hoàng Tiến Tựu trong văn học dân gian Việt Nam tập II, căn cứ vào nội dung của thời kỳ lịch sử được truyền thuyết phản ánh chia làm bốn loại:
- Truyền thuyết về họ Hồng Bàng thời kỳ Văn Lang
- Truyền thuyết về nước Âu Lạc và thời kỳ Bắc thuộc
- Truyền thuyết về thời kỳ phong kiến tự chủ
- Truyền thuyết về thời kỳ Pháp thuộc
Theo Lê Trường Phát trong cuốn “Thi pháp văn học dân gian” NXBGD HN 2000, thì tác giả Đỗ Bình Trị lại đưa ra hai cách phân loại:
Cách 1: Vừa căn cứ vào lịch sử vừa căn cứ vào phạm vi những sự kiện và nhân vật lịch sử được nhân dân quan tâm để chia làm 2 loại: Những truyền thuyết về thời vua Hùng và những truyền thuyết sau thời vua Hùng.
Cách 2: Căn cứ vào đặc trưng của cả thể loại và đối tượng được kể, ông chia làm 3 loại: Truyền thuyết địa danh, truyền thuyết phổ hệ và truyền thuyết về nhân vật và sự kiện lịch sử. Đỗ Bình Trị đã giải thích cách phân loại của mình như sau: “Tất cả các biến thể của truyền thuyết đều kể về điều có thực, đều phản ánh lịch sử. Nhưng trong truyền thuyết về địa danh cái chủ yếu là giải thích tên đất, trong truyền thuyết phổ hệ là vấn đề cội nguồn và trong truyền thuyết  về nhân vật và sự kiện lịch sử là những truyện kể có mục đích chính là tái hiện bản thân lịch sử”.
GS Nguyễn Xuân Kính, ông chia làm 3 loại: Truyền thuyết nhân vật, truyền thuyết địa danh và truyền thuyết phong vật. Đối với truyền thuyết địa danh, chủ yếu là chỉ loại truyền thuyết giải thích tên gọi, tức là nói về nguồn gốc tên gọi của các địa danh ở các địa phương mà có gắn với các sự kiện lịch sử, nhân vật lịch sử có liên quan, ví dụ như: Sự tích Ngòi Lạt, Cầu Giải trong chùm truyền thuyết về Tản Viên, hay sự tích Hồ Hoàn Kiếm, núi Dầu, núi Voi gắn liền với Lê Lợi. Ông giải thích, điều cần chú ý đã là truyền thuyết địa danh thì nhất thiết nội dung truyện kể phải được gắn liền với nhân vật lịch sử, hoặc sự kiện lịch sử đặc biệt nào đó. Nếu không thì đó chỉ có thể đơn thuần là một câu chuyện giải thích địa danh theo thần thoại suy nguyên hoặc một kiểu giải thích theo từ nguyên học dân gian mà thôi.
Theo cách phân loại này chúng ta có thể thấy sự xuất hiện của truyền thuyết địa danh và có sự khu biệt nhất định về thể loại. Tuy nhiên, cần phải xem xét nhiều yếu tố để xác định một cách cụ thể các thể loại nhất định. (phần này sẽ trình bày sau)
2.3. Truyện cổ tích
Ở nước ta quá trình nghiên cứu truyện cổ tích gắn với quá trình nhận thức và khu biệt với các thể loại truyện kể dân gian khác. Trước đây, danh từ “chuyện đời xưa” nhằm chỉ chung cho toàn bộ truyện kể dân gian. Vì vậy, truyện cổ tích được hiểu theo nghĩa rất rộng. Theo Đinh Gia Khánh, ông không đưa ra một công thức định nghĩa nào về truyện cổ tích, nhưng những đặc điểm về thể loại truyện cổ tích được ông phân biệt khi so sánh với thể loại truyền thuyết và thần thoại. Nguyễn Đổng Chi có thể dựa vào cách hiểu trong truyện cổ tích của anh em nhà Grim và đưa ra định nghĩa như sau: “truyện cổ tích là truyện được xây dựng nên bằng trí tưởng tượng nghệ thuật, đặc biệt là những điều tưởng tượng về thế giới thần kỳ, những câu chuyện không có quan hệ với những điều kiện của đời sống thực làm thỏa mãn người nghe thuộc mọi tầng lớp xã hội, ngay cả cho dù họ tin hay không tin vào những điều được  nghe kể”. Và ông chia truyện cổ tích thành 3 loại: Truyện cổ tích thần kỳ, truyện cổ tích thế sự, truyện cổ tích lịch sử. Giáo trình văn học dân gian Việt Nam của Trường ĐHSP HN cũng chia làm 3 loại là: Truyện cổ tích hoang đường, truyện cổ tích sinh hoạt và truyện cổ tích lịch sử. Nhưng cách phân loại mà được nhiều người chấp nhận đó là: truyện cổ tích thần kỳ, truyện cổ tích loài vật, và truyện cổ tích sinh hoạt. Cho dù theo cách phân loại nào đi nữa chúng ta cũng không thấy xuất hiện truyện cổ tích địa danh, nhưng trong thực tế có rất nhiều truyện cổ tích giải thích về các địa danh trên mọi miền của đất nước.
3. Một số vấn đề về thể loại truyện địa danh
Theo cách định nghĩa và phân loại của  ông Đỗ Bình Trị về truyền thuyết địa danh, và căn cứ theo tiêu chí phân loại của các thể loại như đã trình bày ở trên, chúng tôi tiến hành khảo sát và phân loại truyện kể dân gian về địa danh như sau:
Những truyện kể dân gian nào giải thích về địa danh không có yếu tố, sự kiện, nhân vật lịch sử và mang đậm dấu ấn thần thoại, thần linh từ thời xa xưa thì có thể xem là thần thoại địa danh.
Những truyện kể dân gian giải thích về địa danh nhưng gắn liền với những sự kiện và nhân vật lịch sử nào đó có thể coi là truyền thuyết địa danh.
Và những truyện kể dân gian giải thích về địa danh, nhưng gần với cuộc sống con người, thường đưa ra một bài học về đạo đức, giải quyết những xung đột, mâu thuẫn trong gia đình và xã hội, hoặc thể hiện những luân lý trong xã hội thì đó là truyện cổ tích địa danh.
Tuy nhiên, như đã trình bày ở trên, thì vấn đề thể loại trong truyện cổ dân gian là vấn đề vô cùng phức tạp, bởi giữa các thể loại này bao giờ cũng có một sự gặp gỡ nhất định nào đó, nên vấn đề phân loại chỉ mang tính tương đối. Ở đây, chúng tôi chỉ nghiên cứu những truyện kể dân gian nào mang đậm đặc trưng thể loại như tiêu chí đã trình bày.


3.1 Thần thoại địa danh
Trong thần thoại chủ yếu giải thích các hiện tượng tự nhiên xảy ra trong cuộc sống hàng ngày, vì vậy các truyện giải thích về địa danh không nhiều. Nhưng cũng có một số tác phẩm đề cập đến địa danh và giải thích nguồn gốc địa danh, tuy nhiên cách giải thích tên đất, tên làng, đồi núi cũng chỉ thuần túy là cách lý giải gắn liền với các vị thần linh. Chẳng hạn truyện “Hai thần đực cái” kể về việc thần nam thần Khổng Lồ và nữ thần Nữ Oa thi tài nhau xây núi non trong ba ngày, sau khi làm xong núi của thần Nữ Oa cao hơn  nên đã thắng cuộc. Không rõ núi của thần Tứ Tượng bây giờ ở đâu, tương truyền núi của Nữ Oa bây giờ là núi Nam Giới ở Hà Tĩnh, nhưng cũng có người nói là núi Bà Đen ở Tây Ninh. Hay như truyện Ông Đùng (thần khổng lồ) với những cuộc sắp xếp đất đá, dời núi, lấp biển bây giờ còn những tên gọi như: cồn Chân chó, lèn Hai vai, hòn Song ngư, dãy Đại ngàn, Đại Huệ ở Nghệ An, Hà Tĩnh… Đây là cách lý giải một cách đơn sơ về những địa danh, nó chỉ mang tính như thần thoại suy nguyên, không gắn với những sự kiện hay nhân vật lịch sử. Bên cạnh đó còn có một số truyện thần thoại nhưng gần với truyền thuyết như chùm truyện về thần núi Tản Viên, truyền thuyết về họ Hồng Bàng, truyền thuyết về Thánh Gióng…Nhưng ở đây ít nhiều nó đã mang màu sắc lịch sử nên có thể coi đó là những truyền thuyết về địa danh hơn là thần thoại địa danh. Ngoài ra, những truyện kể dân gian như: Sự tích núi Ngũ Hành, Sự tích đầm Nhất Dạ cũng có thể được xem là những truyện kể mang đậm sắc thái thần thoại.
3.2. Truyền thuyết địa danh
Về tiểu thể loại này, Đỗ Bình Trị đã sắp xếp nó thành một loại riêng biệt để khu biệt với truyền thuyết lịch sử và truyền thuyết phổ hệ. Ông chia ra thành các địa danh như: Sông ngòi, hồ, ao đầm, núi, gò đống, đồng, làng xã…Đây là thể loại chiếm một số lượng lớn trong truyện kể về địa danh. Theo Nguyễn Xuân Kính, đã là truyền thuyết địa danh thì nhất thiết nội dung truyện kể phải được gắn với nhân vật lịch sử, hoặc sự kiện lịch sử đặc biệt nào đó. Khác với cách lý giải địa danh thông thường chỉ có hàm nghĩa ngôn ngữ học, những địa danh được giải thích thông qua truyền thuyết đều gắn liền với lịch sử. Trong những trường hợp đó, chúng phản ánh những sự kiện lịch sử. Tuy nhiên không phải truyền thuyết địa danh nào cũng phản ánh những sự kiện lịch sử cụ thể, nếu lấy mức độ lịch sử làm tiêu chuẩn thì có thể chia thành ba nhóm trong truyền thuyết về địa danh như sau:
Những truyền thuyết phản ánh quá trình chung của lịch sử là những truyền thuyết ra đời sớm và mang dấu ấn thần thoại như chuỗi truyền thuyết về vua Hùng, Truyền thuyết địa danh về núi Tản Viên. Đây là những tác phẩm phản ánh tình hình lịch sử chung trong quá trình dựng nước cũng như đấu tranh với thiên tai lũ lụt.
Những truyền thuyết phản ánh một cách cụ thể những sự kiện lịch sử, đây là loại chiếm số lượng lớn nhất và tiêu biểu nhất về truyền thuyết địa danh. Đó là những truyền thuyết ra đời sau thời các vua Hùng cho đến thời kỳ cận hiện đại. Ví dụ chùm truyền thuyết về Lê Lợi như: Sự tích Hồ Gươm, Sự tích núi Dầu, Sự tích núi Mục, Cánh đồng Mẫu hậu, Ngôi đền Quốc mẫu…Những truyền thuyết này vừa gắn với sự kiện lịch sử cụ thể (Khởi nghĩa Lam Sơn), vừa gắn với nhân vật lịch sử (Lê Lợi). Chùm truyền thuyết về Nguyễn Huệ…Bởi vậy các địa danh đó cũng mang tính xác định cụ thể hơn.
Những truyền thuyết địa danh nhưng ít có căn cứ về mặt lịch sử, đây là những truyền thuyết địa danh cũng có yếu tố lịch sử, nhưng yếu tố đó mờ nhạt và không cụ thể, không thể xác định, thường thì những truyền thuyết này gần với truyện cổ tích giải thích về địa danh như: Sự tích núi Non Nước, Ngư Tinh, Hồ Tinh, Mộc Tinh, Kinh Dương Vương và đất Hồng Lĩnh…
3.3. Truyện cổ tích địa danh
Ở thể loại truyện cổ tích địa danh, các nhà nghiên cứu thường xếp nó vào thể loại truyền thuyết. Theo Đỗ Bình Trị thì mảng này nằm chung với thể loại truyền thuyết địa danh ít có căn cứ về lịch sử, hoặc không gắn với những sự kiện lịch sử và cũng không phản ánh những quá trình chung của lịch sử. Nhưng theo chúng tôi, đó là những truyện không có yếu tố lịch sử, không phản ánh lịch sử và cũng không có những nhân vật lịch sử. Nói như GS. Nguyễn Xuân Kính: “đã là truyền thuyết thì phải mang yếu tố lịch sử”. Như vậy, có thể coi những truyện kể dân gian này là truyện cổ tích giải thích về địa danh. Bởi vì, những truyện kể này ít nhiều rất gần gũi với truyện cổ tích sinh hoạt, nó thường đưa ra để giáo dục về một vấn đề đạo đức; một nhân cách của con người thông qua cách kể chuyện và giải thích về địa danh. Chẳng hạn, truyện Sự tích Hồ Ba Bể, giải thích sự xuất hiện của Hồ Ba Bể. Thông qua câu chuyện con giao long hóa thành bà lão ăn xin vào trong lễ hội cúng Phật, bị mọi người khinh rẻ nhưng cuối cùng được mẹ con bà góa cho ăn cơm. Sau đó giao long báo cho mẹ con người góa sắp có nạn lụt lớn và bày cho cách để thoát nạn. Giao long làm phép cho trời đất rung chuyển và sau đó biến thành một cái ao sâu, và chỗ sụt ấy bây giờ là hồ Ba Bể. Truyện giải thích về địa danh hồ Ba Bể nhưng nó vẫn còn đề cập đến vấn đề trong mối quan hệ giữa con người với con người trong đời sống xã hội. Hay như các truyện Sự tích đầm mực, Sự tích hòn vọng phu, sự tích sông Nhà Bè, Sự tích núi Vàng, Sự tích ao Bà Om…, các tích này đều đề cập đến những vấn đề như vậy. Nhìn chung, những truyện kể này thường sử dụng môtip xã hội nhằm đem lại nội dung giải thích nguồn gốc địa danh một ý nghĩa xã hội.
Nói như Đỗ Bình Trị những truyện kể về dân gian về địa danh không chỉ là tên đất, tên làng mà nó còn “Âm thanh của đất”- những âm thanh thân thiết từ cuộc sống của nhân dân các địa phương, từ lịch sử mấy ngàn năm của tâm hồn con người đất Việt.