DANH SÁCH BÀI VIẾT

Sunday, April 17, 2011

YẾU TỐ HUYỀN THOẠI TRONG TÁC PHẨM “HÓA THÂN” CỦA FRANZ KAFKA

       Huyền thoại có một vai trò hết sức to lớn trong đời sống của người nguyên thủy. Và có lẽ tổ tiên loài người cũng không thể ngờ rằng trong đời sống văn học hiện đại, các yếu tố huyền thoại còn được các nhà văn đưa vào tác phẩm của mình như một phương thức nghệ thuật để phản ảnh thực tại cuộc sống. Tuy nhiên, với tư duy hiện đại, các nhà văn phương Tây đầu thế kỉ XX đã có những cách “xử lí” chất liệu huyền thoại khác nhau cho đứa con tinh thần của mình. Franz Kafka là một trong những nhà văn tiêu biểu nhất trong số các nhà văn thành công trong việc sử dụng yếu tố huyền ảo phương Tây đầu thế kỉ XX. Trong phạm vi nhỏ của một bài viết, chúng tôi chỉ tìm hiểu về yếu tố huyền thoại trong một tác phẩm của Kafka. Đó là truyện ngắn “Hóa thân”.
       “Hóa thân” là một lát cắt về cuộc đời của Gregor Samsa - một người làm nghề giao hàng. Anh là một đứa con hiếu thảo, luôn làm việc chăm chỉ để nuôi sống gia đình; một người anh trai đầy tình thương yêu và trách nhiệm đối với em gái. Một buổi sáng sau khi thức dậy, Gregor Samsa thấy mình bỗng nhiên biến thành một con côn trùng khổng lồ - một con bọ. Gia đình rất kinh tởm, sợ hãi hình dáng con bọ của anh nhưng họ vẫn còn quan tâm, lo lắng cho Gregor Samsa vì nghĩ rằng anh có thể trở lại hình dáng cũ. Song thời gian trôi qua, những người thân của anh phải bận bịu kiếm tiền, họ đã dần thay đổi thái độ với anh. Họ xem Gregor Samsa như một tai họa, một sự sĩ nhục và mong muốn Gregor Samsa biến mất khỏi cuộc sống của họ. Cuối cùng Gregor Samsa chết trong hình dạng một con bọ. Mọi người trong gia đình Gregor Samsa rất vui mừng vì được giải thoát khỏi anh.
Đọc “Hóa thân”, người đọc dễ dàng nhận ra yếu tố huyền thoại được sử dụng trong tác phẩm vì Kafka đã thể hiện nó trên bề mặt vật chất của ngôn ngữ. Nhưng chỉ một yếu tố huyền thoại đã làm nên câu chuyện. Đó là chi tiết Gregor Samsa biến thành con bọ ở đầu tác phẩm. Có thể gọi đó là “chi tiết nguyên nhân” vì nó đã gây nên tất cả các chi tiết khác sau đó trong câu chuyện.
Trong huyền thoại cổ xưa, chu kì hóa kiếp thông thường có sự biến đổi trở lại hình dạng ban đầu như: Vật- Người - Vật (Vật: cá, cáo, hổ, gấu,… hoặc đồ vật) hoặc Người - Vật - Người hoặc Tiên - Người – Tiên hoặc Người – Tiên - Người. Nhưng trong “Hóa thân”, chu kì biến dạng của Gregor Samsa không có sự biến đổi trở lại hình dạng cũ mà đi thẳng tới cái chết: Người - Bọ - Cái chết. Đưa yếu tố huyền thoại vào tác phẩm nhưng không có sự mô phỏng hoàn toàn môtip của huyền thoại nguyên thủy, Franz Kafka muốn thể hiện điều gì qua yếu tố kì ảo này?
       Trước tiên sự biến dạng thành con bọ của Gregor Samsa đã đẩy anh ra khỏi cộng đồng. Gregor Samsa bị biến dạng bất ngờ và tự nhiên, không cưỡng lại được. Với hình dạng ghê tởm của một con bọ, một giọng nói “chút chít” không phải tiếng người, một sở thích bò “nhung nhăng” khắp phòng… đã chia cắt hoàn toàn Samsa với thế giới loài người. Ai mà chẳng kinh hãi khi nhìn thấy một con quái vật như thế! Thậm chí người mẹ thương yêu nhất của Gregor Samsa đều ngất xỉu mỗi khi nhìn thấy đứa con trai - bọ của mình. Gregor Samsa phải giam mình trong phòng, tránh để cho người thân nhìn thấy hình dạng mới của mình. Mỗi khi cho Gregor Samsa ăn, cô em gái rất sợ hãi khi phải nhìn thấy anh trai - bọ. Gregor Samsa phải trốn dưới gầm ghế để em gái không phải nhìn thấy mình. Thế nhưng, khoảng hơn một tháng Gregor Samsa biến hình, cô em gái vẫn “nhảy phắt ra sau và đóng sầm cửa lại […] Tất nhiên là anh lập tức trốn ngay xuống gầm ghế, song anh phải đợi đến tận trưa mới thấy cô em quay lại và cô dường như ngượng ngập hơn mọi khi. Điều đó làm anh nhận ra hình hài của anh đối với cô em vẫn còn kinh tởm đến mức nào cô sẽ không bao giờ chịu đựng nổi bộ dạng của anh và cô chắc phải vận dụng hết ý chí mới không bỏ chạy khi trông thấy dù chỉ một phần thân xác anh thò ra từ dưới gầm tràng kỉ. Để tránh cho em mình nỗi khổ đó, một hôm anh cõng tấm chăn trên lưng đến chiếc tràng kỉ - anh phải hì hục mất bốn tiếng đồng hồ mới được – và trải chăn lên đó sao cho kín hết thân hình anh để cô em dù có khom người xuống cũng không nhìn thấy. Nếu em anh coi việc làm này là không cần thiết, nhất định cô ta sẽ cuốn tấm chăn cất đi bởi vì phủ chăn giấu mình như thế hoàn toàn không đem lại cho Gregor một chút thoải mái nào, nhưng em anh vẫn để nguyên nó ở đó. Và khi Gregor cẩn thận dùng đầu vén một tí chăn lên ngó ra, thậm chí anh tưởng như bắt gặp trong mặt cô một cái nhìn đầy hàm ơn.” Và khi mẹ bàn với đứa em gái về việc dọn phòng cho anh: “Làm thế chẳng khác nào chúng ta cho Gregor thấy rằng gia đình không còn trông mong, hi vọng gì vào chuyện nó sẽ bình phục, nó sẽ tưởng lầm ta dọn hết đồ đạc đi để mặc cho nó lạnh lẽo cô đơn…”, Gregor Samsa đã suy nghĩ về tình trạng bi đát hiện tại của mình: “Lời mẹ anh nói làm Gregor nhận ra rằng hai tháng trời không hề được nói chuyện trực tiếp với con người cùng với lối sống đơn điệu trong gia đình hẳn đã làm đầu óc anh mụ mẫm, nếu không thế thì làm sao anh cắt nghĩa được việc anh háo hức mong đợi người ta dọn hết đồ đạc trong phòng anh đi. Có thật anh muốn căn phòng ấm cúng, hết sức phù hợp với đồ đạc cổ kính của gia đình biến thành một cái hang trần trụi trong ấy anh chắc chắn sẽ tha hồ bò khắp nơi không bị cản trở, nhưng đồng thời phải trả giá bằng cách rứt bỏ mọi cái gì đến quá khứ con người của anh? Thực tế, anh đã bước đến quá gần miệng vực lãng quên đến nỗi chỉ có tiếng nói của mẹ anh, tiếng nói mà lâu rồi anh không được nghe, mới kéo lùi anh lại. Không được lấy bất kì thứ gì ra khỏi phòng anh, tất cả phải để nguyên như cũ, tâm thái anh cần sự tác động tác động tốt đẹp của đồ đạc, và cho dù chúng nó có cản trở không cho anh bò luẩn quẩn theo những vòng tròn vô nghĩa thì đó chẳng phải là điều hạn chế mà là một thuận lợi lớn lao.”
      Bi kịch bị tha hóa của Gregor Samsa được nhà văn miêu tả đặc sắc qua đoạn độc thoại trên. Anh luôn khao khát được trở lại thành người, được trở lại hình dạng cũ. Nỗi khát khao người ấy luôn tồn tại bên trong hình dạng một con bọ: “Anh có phải là một con thú không, khi âm nhạc vẫn còn tác động đến anh mạnh mẽ dường ấy? Anh có cảm tưởng như trước mặt anh đang rộng mở con đường dẫn đến những thức ăn lạ lùng mà anh đã khao khát. Anh quyết định trườn đến cô em gái, giật nhẹ vào tà váy để cho cô biết cô phải mang vĩ cầm vào phòng anh, bởi vì ở đây không có ai đánh giá được tiếng đàn của cô như anh.”
Nhận thức rất rõ tình trạng bi đát trong thân hình con bọ nhưng không thể nào thoát ra được càng thấy rõ bi kịch bị tha hóa của Gregor Samsa. Đó là bi kịch của con người bị tách ra khỏi cộng đồng, con người không còn là con người nữa. Vấn đề thân phận con người nhỏ bé, bất lực và bị tha hóa đã được Franz Kafka thể hiện sâu sắc qua thủ pháp “lộn trái huyền thoại” – tách con người ra khỏi cộng đồng.
Thêm vào đó, với bút pháp xóa ranh, Franz Kafka đã xóa nhòa ranh giới giữa cái bình thường và cái ảo (yếu tố huyền thoại). Cái bình thường và cái ảo đồng đẳng, cùng tồn tại chung trong một thế giới. Cái ảo đã trở thành cái bình thường, thậm chí tầm thường. Dùng cái ảo để thể hiện cái bình thường, tầm thường, Franz Kafka đã nhấn mạnh tính chất tầm thường, nhỏ bé, bất lực và bị tha hóa của thân phận con người trong xã hội hiện đại. Điều này cho thấy sự bi quan của Franz Kafka trong quan niệm về thân phận con người.
Dù sáng tác tác phẩm theo chủ nghĩa huyền thoại nhưng Franz Kafka lại có sự sáng tạo độc đáo trong bút pháp. “Sự biến cải thế giới đời thường” của Franz Kafka không lặp lại các môtip huyền thoại nguyên thủy. Điều này không chỉ thể hiện ở “Hóa thân” mà còn ở nhiều tác phẩm khác của ông như: “Lâu đài”, “Vụ án”, “Một người thầy thuốc nông thôn”,… Đây là một trong những “điểm hút”, sự hấp dẫn của tác phẩm Franz Kafka đối với người đọc qua nhiều thế hệ trên khắp thế giới. Đọc truyện huyền thoại của Kafka, người đọc vừa phải tìm những yếu tố thần thoại – sáng tạo, suy nghĩ về ý nghĩa vấn đề tác giả đặt ra sau cách thể hiện hết sức sáng tạo và hiện đại ấy.
         Tóm lại, yếu tố huyền thoại được thể hiện trong tác phẩm “Hóa thân” không nhiều như trong “Vụ án”, “Một người thầy thuốc nông thôn”,… nhưng lại gây ấn tượng hết sức mạnh mẽ đối với người đọc. Có thể nói, nguyên nhân quan trọng là tác giả đã sử dụng xuất sắc thủ pháp “lộn trái huyền thoại” và “xóa ranh” giữa cái bình thường và cái kì ảo. Nhân vật Gregor Samsa biến dạng thành con bọ và chết đi trong hình dạng con bọ. Niềm khao khát đựợc trở lại kiếp người của anh không được thỏa mãn. Chính cái kì ảo đó đã tô đậm hơn sự bất lực và bị tha hóa của con người trong cuộc sống hiện đại. Cái chết đầy đau khổ của một con người muốn thoát khỏi thân xác con bọ, trước niềm vui sướng của những người thân yêu nhất làm cho người đọc cảm nhận được sự bi quan và dự cảm bi đát của Franz Kafka về thân phận con người hiện đại.