DANH SÁCH BÀI VIẾT

Thursday, June 16, 2011

ĐẤT VÀ NGƯỜI NAM BỘ QUA HƯƠNG RỪNG CÀ MAU CỦA NHÀ VĂN SƠN NAM


I. Mở đầu
1.1 Đôi nét về nhà văn Sơn Nam
Sơn Nam tên thật là Phạm Minh Tài (1926 – 2006). Ông sinh tại làng Đông Thái, huyện An Biên, tỉnh Rạch Giá (nay thuộc tỉnh Kiên Giang) trong một gia đình nghèo ở miệt thứ. Ông nội nhà văn từng sinh sống ở cù lao Ông Chưởng, Long Xuyên, sau dời cả gia đình xuống làng quê nơi ông sinh ra với lí do đi tìm sanh kế tốt hơn.
So với các anh chị em trong gia đình Sơn Nam là người may mắn hơn cả vì được học hành tử tế. Sơn Nam học tiểu học ở thị xã Rạch Giá, sau khi thi đậu vào trường Công lập Cần Thơ, cha ông quyết định bán cả bộ lư thờ ông bà để sắm sửa cho ông đi học bất chấp dư luận trong dòng họ. Đây là một bước ngoặt dẫn đến sự thay đổi của cuộc đời ông sau này. Nhờ được đi học, Sơn Nam đóng góp cho cách mạng không phải bằng cách trực tiếp cầm súng mà là cầm bút chiến đấu. Khi đi kháng chiến, viết văn, ông ký với bút danh Phạm Anh Tài. Bút danh Sơn Nam bắt đầu xuất hiện khi ông lên Sài Gòn làm báo, viết văn, và hầu như ông chỉ dùng bút danh này ký dưới tất cả những gì mình viết từ đó cho đến khi qua đời. Sơn Nam là bút hiệu do ông đặt để nhớ một kỷ niệm hồi nhỏ khi sinh ông ra, mẹ ông không có sữa, ông phải bú nhờ một người đàn bà Miên tốt bụng thuộc họ Sơn – một trong ba họ lớn của người Khmer, Nam là vì ông sinh ra ở miền Nam.
Suốt cuộc đời viết văn, Sơn Nam đóng góp cho dân tộc theo kiểu riêng của mình như ông đã từng viết rằng tôi phí thời giờ để làm chuyện tào lao, không dính dáng gì đến cuộc giải phóng đất nước này chăng? Xin lỗi! Tôi làm “văn nghệ” theo kiểu của tôi. Những năm đi học ở Cần Thơ, ông chứng kiến nhiều sự kiện của đất đô thị Tây Đô như thực dân Pháp hành quyết thầy giáo yêu nước Phan Ngọc Hiển giữa lòng thành phố. Nhiều vụ bắt bớ, lục soát tìm bắt những người yêu nước, rồi bọn Nhật sửa soạn đảo chánh Pháp khiến ông phải suy nghĩ về thời cuộc.
Năm 1945, sau khi tốt nghiệp bậc Thành chung trường Công lập Phan Thanh Giản, ông dự định về lại Rạch Giá để tìm một chân thông ký thì cách mạng tháng Tám bùng nổ, ông tham gia Thanh niên Tiền Phong, giành lấy chính quyền ở địa phương, rồi tham gia công tác ở Hội Văn hóa cứu quốc tỉnh, phòng Chính trị Quân khu, phòng Văn nghệ Ban Tuyên huấn Xứ ủy Nam Bộ. Ông trở thành một nhà văn cách mạng tiên phong.
Trong suốt 9 năm kháng chiến, bàn chân ông đi khắp đó đây tìm tài liệu học thêm, tìm nguồn cảm hứng để viết văn phục vụ văn nghệ nhân dân và quân khu. Trong thời gian này, sự nghiệp sáng tác của ông mới bắt đầu. Lúc này, ông đã có một tập thơ đăng trên tờ Lúa reo, truyện vừa Bên rừng Cù Lao Dung và ký sự Tây Đầu Đỏ (1952) đã nhận được giải nhất và nhì văn nghệ Cửu Long do Ủy ban kháng chiến Hành chính Nam Bộ trao tặng.  Thời kỳ này, nhà văn tham gia mở các lớp tập huấn chính trị sơ cấp, mở nhiều lớp xóa mù chữ cho đồng bào miền Nam.
Sau Hiệp định Genève 1954, Sơn Nam về lại Rạch Giá. Năm 1955, ông lên Sài Gòn công tác theo sự phân công của tổ chức là ở lại trong lòng địch làm công tác văn nghệ. Ông “hội nhập” với giới ký giả Sài Gòn, ông viết để kiếm sống, và ông viết để thỏa mãn niềm đam mê của mình. Cùng một lúc, Sơn Nam cộng tác với nhiều tờ báo ở Sài Gòn như các tờ: Nhân loại, Công Lý, Ánh sáng, Tiếng chuông, Lẽ sống v.v… Ông bị chính quyền Sài Gòn cũ bắt giam vào trại cải huấn vì có dính dáng đến kháng chiến trước kia. Khi được thả ra, nhà văn tiếp tục làm báo, viết văn. Vừa viết báo cật lực để kiếm sống, Sơn Nam vừa chuẩn bị cho các tác phẩm tâm huyết của mình.
Năm 1960-1961, Sơn Nam bị chính quyền Ngô Đình Diệm bắt giam ở nhà lao Phú Lợi (Bình Dương). Ra tù, ông lại tiếp tục làm báo, viết văn, khảo cứu về Nam Bộ. Năm 1974, Sơn Nam lại một lần nữa bị bắt giam và tra tấn khi tham gia sự kiện “Ký giả đi ăn mày” ở Sài Gòn để phản đối chiến tranh và việc đóng cửa các tòa soạn một cách vô lí. Ông bị bắt nhốt vài tháng rồi tự phá cửa ngục với một số bạn tù ra ngoài đón ngày giải phóng miền Nam.
Sau 1975, Sơn Nam tiếp tục hoạt động trên lĩnh vực văn hóa, văn nghệ, đặc biệt ông có điều kiện để lao vào viết biên khảo về vùng đất Nam Bộ. Sơn Nam là một nhà văn hàng đầu của đất Nam Bộ. Đất nước thống nhất, ông có cơ hội ra Bắc với tư cách là người đại diện tiêu biểu cho văn hóa, văn học Nam Bộ. Ông làm cố vấn về văn hóa phương Nam cho các hãng phim truyền hình và một phần nhỏ trong tác phẩm “Mùa len trâu” của ông được dựng thành phim. Sơn Nam được nhiều người yêu mến gọi là "ông già Nam Bộ", "ông già Ba Tri", “ông già đi bộ”, "pho từ điển sống về miền Nam" hay là "nhà Nam Bộ học" v.v…
Cuộc đời Sơn Nam cũng như nhiều số phận tài hoa bạc mệnh khác. Càng về cuối đời chật vật, khó khăn. Nhưng sự nghiệp văn chương của Sơn Nam vô cùng đồ sộ có thể trụ mãi với đời. Với khối luợng tác phẩm khổng lồ và với những trang viết sâu sắc về miền Nam đã đánh dấu tên tuổi một nhà văn tài năng và có tâm với nghề. Có thể kể một số tác phẩm tiêu biểu của ông như: Bên rừng cù lao Dung (truyện vừa), Tây đầu đỏ(ký sự), Hương rừng Cà Mau(tập 1,2,3), Chim quyên xuống đất (tiểu thuyết; Phù Sa 1963), Hình bóng cũ (truyện vừa, Phù Sa 1963), Hai cõi u minh (tập truyện ngắn, Hữu Nghị 1965), Vọc nước giỡn trăng (tập truyện ngắn, Thời Mới 1965), Xóm , Bà Chúa Hòn (tiểu thuyết, 1969), Vạch một chân trời (tiểu thuyết, Hồng Đức 1969), Trời nước bao la (Truyện vừa, Tuổi Hồng 1970), Người bạn triệu phú (tập truyện ngắn, Khai Trí 1971), Gốc cây, cục đá và ngôi sao (bút ký, Văn 1973). Về lĩnh vực biên khảo, khảo cứu, nhà văn có một số công trình có giá trị như: Chuyện xưa tích cũ (viết chung với Tô Nguyệt Đình 1958), Tìm hiểu đất Hậu Giang (Phù Sa, 1959), Nói về miền Nam (Lá Bối- 1967),  Văn minh miệt vườn (An Tiêm SG lần I-1970), Cá tính miền Nam (Đông Phố 1974), Đồng bằng sông Cửu Long-nét sinh hoạt xưa (Tp.HCM 1985), Lịch sử đất An Giang (An Giang 1988), Lịch sử khẩn hoang miền Nam (Văn Nghệ 1994), Một thoáng Việt Nam (Trẻ 1996), Nghi thức và lễ bái của người Việt Nam (Trẻ 1997), Người Sài Gòn (Trẻ 1997), Danh thắng miền Nam (Đồng Tháp 1998), Sài Gòn lục tỉnh xưa (Tp.HCM 1998),...
Là một con người miền Nam, một nhà văn sống giữa đô thị lớn Sài Gòn, Sơn Nam đã thể hiện được bản lĩnh của người làm văn nghệ chuyên nghiệp, được đồng bào và nhiều giới yêu mến. Trong Một bức chân dung, Sơn Nam đã thể hiện rất rõ quan điểm của mình về nghề viết văn, ông cho rằng mỗi nhà văn, nhà thơ, nhà nghệ sĩ đều có tâm hồn riêng và cảm hứng sáng tác riêng, hãy để cho họ tự do theo đuổi cảm hứng sáng tác của mình: “Tổ chức người làm văn nghệ lại thành một khối chặt chẽ, thiệt chẳng khác nào múc nước bằng hai tay hoặc bằng cái rổ. Thế nào rồi nước cũng chảy tuôn ra ngoài khuôn khổ”. Để ghi nhận những đóng góp của Sơn Nam đối với nền văn hóa Nam Bộ, ngày 7-3-2004, tổng công ty du lịch Sài Gòn khánh thành tượng chân dung nhà văn tại làng du lịch Bình Quới 1(Thanh Đa). Khi ông mất, một ngôi mộ trang nghiêm được xây dựng tại nghĩa trang ấp 1B, xã Chánh Phú Hòa, Bến Cát, Bình Dương, phần nào thể hiện lòng kính trọng, tôn vinh đối với nhà văn tài năng đất Nam Bộ.
 Ngày nay, cho dù trong thế giới văn chương muôn màu muôn vẻ, nhưng trong lòng bạn đọc yêu văn chương vẫn giữ lại nét chân dung về Sơn Nam - đó là một nhà văn Nam bộ với tính cách đặc biệt Nam Bộ. Ông không giống ai, đi theo con đường mà mình đã chọn: quay về cội nguồn văn hoá dân tộc, mà chính xác là văn hoá Nam Bộ bằng lối văn mộc mạc, bằng chữ nghĩa giản dị gần gũi với đời sống thực tế.
1.2 Sơn Nam với tập truyện Hương rừng Cà Mau
Có thể nói cuối thế kỷ XX, Sơn Nam được giới văn học cả nước biết đến như một tài năng của văn chương Nam Bộ. Ông không những là một nhà văn mà con được đánh giá cao xem ông như một nhà Nam Bộ học, một nhà văn hóa. Và khi nhắc đến Sơn Nam, người ta thường nghĩ ngay đến tập truyện Hương rừng Cà Mau(tập 1). Tập truyện đã gầy dựng được uy tín và vị thế của nhà văn trong thi đàn văn học nước nhà. Mặt khác, tập truyện thể hiện một vốn chiều sâu văn hóa, hiểu biết và nhiệt tâm của người cầm bút. Dù không là tất cả nhưng người và đất Nam Bộ như hiện ra trong lòng bạn đọc như thật dù thời gian có thể xóa đi những dấu ấn của một thời- dấu ấn của công cuộc mở đất của con người Miền Nam.
Sơn Nam đã từng nói: “ Viết văn để viết văn, để yêu nước, chứ không nhằm mục đích nào khác”. Thật vậy cả đời ông sống và viết văn để phục vụ quần chúng, phục vụ con người và cuộc đời. Ông như một con ong rừng chăm chỉ gom từng giọt mật để góp thêm bông hoa, mật ngọt cho văn hóa, cho văn học Việt Nam thêm đa dạng; góp phần làm cho văn hóa, văn học Nam Bộ một sắc thái riêng không thể nào lẫn lộn.
Tập truyện ngắn Hương rừng Cà Mau(tập 1) được đăng báo đầu những năm thập niên 50 và xuất bản vào năm 1962. Tập truyện viết hay về đất và những con người miệt vườn Nam Bộ. Một tập truyện mà hầu như ai cũng yêu thích, nó lôi cuốn đọc giả từ đầu đến cuối. Tác phẩm không phải là những trang lãng mạn, những câu chuyện tình lâm li bi đát, cũng không đồ sộ nhưng đọc tác phẩm, ta cảm nhận được thế giới riêng của vùng sông nước, cách dựng truyện đơn giản nhưng hấp dẫn, mỗi truyện có chi tiết rất ấn tượng và thấy cả sức sống mãnh liệt của những người đi mở đất phương Nam, cái cuộc sống mới nơi đất rừng “ sơn lam chướng khí” và thấy cả hào khí của tầng lớp lưu dân trên vùng đất Nam Bộ. Nhà văn Nguyễn Trọng Tính từng nói: “ Trong số những sáng tác của nhà văn Sơn Nam thì tôi thích nhất truyện ngắn Hương rừng Cà Mau- Đây là tập truyện ngắn được xếp ở vị trí cao trong số những tác phẩm văn học đặc sắc nhất của Nam Bộ. Hồi còn nhỏ, tôi đọc tác phẩm của ông là vì mình thích, lớn lên khi bước vào nghiệp của văn chương tôi đọc tác phẩm của Sơn Nam như một cách học làm nghề. Tôi học ông cách viết văn, về cách ứng xử của người viết văn Nam Bộ”.
Ðồng bằng sông Cửu Long là một vùng đất chưa được khám phá nhiều. Những tiềm năng phong phú, đa dạng của vùng đất mới này bắt buộc mọi người phải ra sức tìm hiểu nó một cách cặn kẽ. Càng đi sâu tìm hiểu những đặc điểm về lịch sử, về địa lý, về xã hội và đặc biệt là về con người miền Nam, người ta càng thấy việc tìm hiểu này không chỉ là cần thiết, không thể thiếu được mà còn bổ ích và đầy hứng thú đối với các nhà khoa học, các nhà văn hoá và nghệ thuật. Do đó, những đóng góp của nhà văn Sơn Nam trong tập truyện Hương Rừng Cà Mau đã phần nào góp thêm một tư liệu quý trong việc tìm hiểu và tiếp cận vùng sông nước Nam Bộ mới mẽ và hấp dẫn này.
II. Nội dung
2.1 Hương rừng Cà Mau- Một nét đặc trưng Nam Bộ
2.1.1 Thiên nhiên- một thuở xa xưa
Tiếp cận với tập truyện Hương rừng Cà Mau, người đọc như được ông đưa về thăm từng ấp, làng của Nam Bộ. Những địa danh nghe qua cũng hết sức ấn tượng về sự hoang dã, tự nhiên của vùng đất này: cổ Tron(Hòn Cổ Tron), Sông Gành Hào, Lung sấu, Bàu sấu, U Minh,…Thiên nhiên qua sự khám phá, cảm nhận và phát hiện trong Hương rừng Cà Mau đẹp, bình dị nhưng cũng gắn liền với sự hoang dã và nhiều hiểm nguy. Nó phong phú nhưng vô cùng khắc nghiệt. Những rừng tràm thì xanh biếc, hương tràm thoang thoảng, đầy những bất ngờ hấp dẫn và bên dưới thì sấu, cọp, ong, muỗi, rắn, …cũng phong phú đa dạng không kém nhưng hễ mà không cẩn thận không biết cách thì có rất nhiều chuyện không may xảy ra. Bởi cái khắc nghiệt của nó ở chỗ đó là nơi rừng thiêng nước độc, chướng khí giăng đầy, thú dữ rình rập như trong lời của Năm Hên(Bắt sấu rừng U Minh Hạ) cũng thấy sự hoang dã, hiểm nguy của vùng đất này:
“Hồn ơi!
Hồn hỡi!
Xa cây xa cối,
Xa cội xa nhành,
Đầu bãi cuối gành,
Hùm tha, sấu bắt,
Bởi vì  thắt ngặt,
Manh áo chén cơm,
U Minh đỏ ngòm,
Rừng tràm xanh biếc!
Ta thương ta tiếc,
Lập đàn giải oan...” 
Câu hát ấy phần nào diễn tả được cái khắc nghiệt của thiên nhiên và cả cuộc vật lộn lẫn những bi kịch của con người ở buổi đầu khai phá ấy. Nó trở thành nỗi ám ảnh sâu sắc trong tâm trí con người. Ở mãnh đất này, đâu chỉ có sấu mà còn biết bao hiểm nguy khác như bệnh tật, rồi có những con vật gây ra bao nỗi sợ hãi như rắn, cọp, sấu, heo rừng,…. Và còn một mối đe dọa khác đối với con người không nhỏ là những cơ cực, vất vả thiếu thốn của họ trong buổi đầu khai phá.  Nỗi lo lắng băn khoăn của họ được nhà văn thể hiện rất chân thật. Từ cảnh lao động lam lũ quần quật nhưng tối đến lại: “ ngủ trần, tay đập muỗi lia lịa, trí óc buồn bã nhớ đến ngay mai thiếu gạo nấu” ( Sông Gành Hào), đến việc lưu lạc rày đây mai đó sống bằng nhiều nghề khác nhau như bắt cá, nuôi ong, thầy rắn, đưa đò, kiếm củi,….rồi theo gia súc đưa những vùng cao tránh lũ và có thể nói đặc biệt hơn hết là nỗi đau đớn, xót xa không biết gửi thân xác ở đâu trên con đường lưu lạc( bắt Sấu rừng U Minh Hạ, Một cuộc biển dâu). Tuy thế ta dễ nhận ra trong hoàn cảnh khắc nghiệt ấy, thiên nhiên và con người sống một cách hòa hợp, gắn bó với nhau. Với họ, những khó khăn ấy vượt qua nó và dần khắc phục. Họ tận dụng thiên nhiên và sống dựa vào thiên nhiên. Họ biết lấy ngọc ong để trị bệnh(Hương rừng), biết tận dụng sản vật để tạo xà bông( Bác vật xà bông), bắt sấu bơi thuyền(Bắt sấu rừng U Minh Hạ) biết sống gắn bó và bảo vệ nơi mình sống(Hòn Cổ Tron),….Và khi biết sống gắn bó cùng thiên nhiên, bản thân họ trở nên điệu nghệ tài trí. Những cái tài tưởng như trong Truyện Ba Phi mới có nhưng người đọc nhận ra nó có phần nào thật của nó. Ví như tài bắt sấu, tài bắt ong, tài phán đoán thời tiết, tài phát cỏ,…rất đặc trưng, rất phi thường. Những điều đó còn cho chúng ta thấy bản lĩnh kiên cường của người đi mở đất. Họ không trốn chạy mà luôn đối diện với những hiểm nguy, những khó khăn để từ đó sống một cách thích nghi, mở rộng vùng đất.
Bên cạnh sự khắc nghiệt ấy, nhà văn Sơn Nam giúp cho chúng ta cảm nhận và thấy được vùng đất mới khai phá được ưu đãi nhiều sản vật, là một nơi giàu có và phong phú của thiên nhiên. Nó mang đặc điểm vùng miền còn hoang sơ nhưng trù phú. Một vùng lắm kênh nhiều rạch, một vùng tràm bạt ngàn và vô số những điều mà tưởng như rất xưa rồi vậy mà nó như hiện hữu như mới xảy ra gần đây bởi: sấu, cọp, ong, tràm, ô rô, cóc kèn, hương tràm, mật ong,…Điều đó đã tạo nên nét đẹp của miền Nam xa xưa một thuở nhưng nó không mất đi. Thiên nhiên dù còn khắc nghiệt, dữ tợn, hoang dã như những ngày đầu của công cuộc mở đất nhưng bây giờ nó vẫn giữ được nét bình dị, nên thơ bình yên và mang nét đặc trưng của một vùng sông nước rất gần gủi và rất đẹp trong tâm trí con người.
2.1.2 Con người Miền Nam
Đọc tác phẩm của ông, người đọc được tiếp xúc với những người Nam Bộ đủ các thành phần, hạng người, nghề nghiệp: giàu sang, nghèo hèn, công chức, trí thức, địa chủ, nông dân, thương gia,…Ông am hiểu những nghề có tính đặc thù gắn với vùng đất như nghề: trị rắn cắn(Cây huê xà), bắt sấu(Bắt sấu rừng U Minh, Sông Gành Hào), ăn ong, lấy mật( Hương rừng), len trâu( Mùa len trâu), làm vườn, ruộng rẫy,…Từ những con người ấy, Sơn Nam giúp ta hiểu thêm tâm tình, tính cách, và nhiều nét đặc trưng của con người Nam Bộ một thuở.
Với Hương rừng Cà Mau, ta bắt gặp các nhân vật trong tập truyện hiện lên rất độc đáo. Họ có suy nghĩ và biết suy nghĩ, hành động tính cách của họ hoàn toàn phù hợp với đặc trưng của con người Nam Bộ. Nhìn chung, những nhân vật Sơn Nam đề cập nhìn bề ngoài có vẻ xấu xí, cục mịch, đơn giản,...Hoặc có sự đối lập bên ngoài và bên trong nhưng ở họ phần lớn đều có một tâm hồn, những tính cách, phẩm chất tốt đẹp. Những nhân vật này không chỉ được kể ra, miêu tả, gọi tên một cách rõ ràng, sinh động ở những suy nghĩ mà họ có những hành động rất cụ thể. Họ không hề phức tạp mà rất dễ hiểu. Và từ cách gọi tên nhân vật đến việc miêu tả cách sống, lối sống của nhiều nhân vật đã được nhà văn chọn lựa, thể hiện một nét đặc trưng riêng về nhân vật của mình, cảm nhận của mình về con người Nam Bộ một cách sâu sắc để từ đó giúp ông viết thật, viết đúng và viết hay về con người Nam Bộ.Đó là những người sống có chiều sâu( Ông Vân Tiên- Ông già giăng câu, Tư Thông- Ông già xay lúa, Sáu Bộ- Cánh buồm đen,…), những người hiệp nghĩa( Ông Hai Tích- Một cuộc biển dâu, Tư Hiền- Đảng cánh buồm đen,…). Nhà văn kể, tả một vài nhân vật nhưng ta thấy được sự tinh tế, độc đáo của nhà văn trong việc phát hiện được chiều sâu cảm xúc, phẩm chất nhân vật. Đọc đến đâu ta thấy không có gì gượng ép mà nó như vốn có mà nhân vật tự biểu hiện điều đó. Những nhân vật được xây dựng là vẽ lên một đặc điểm về thiên nhiên và con người Nam Bộ với sự khám phá, trân trọng và tin yêu cũng như trong vài nhân vật không kém phần bùi ngùi, thương xót.
Nhân vật trong tập truyện được xây dựng trên những kinh nghiệm hiểu biết, cảm nhận sâu sắc của tác giả về con người Nam Bộ. Họ phần lớn là những người sống ngay thẳng, có nghĩa có tình, có sự tự tôn dân tộc. Đặc biệt họ có tài năng phẩm chất riêng mà nhìn bề ngoài không thể đánh giá được như Tư Lập( Hương rừng), Tư Thông(Hòn cổ Tron), Tư Đức( Sông Gành Hào)….Từ đó tác giả cho ta thấy, những nhân vật trong tác phẩm tạo được nét chân thật, cụ thể, gần gũi mà còn phác họa được bức tranh chung về diện mạo cuộc sống và con người Nam Bộ mà người đọc ít nhiều chưa biết hết.
Khi bản thân chúng ta sinh ra và lớn lên trên mãnh đất này, hằng ngày tiếp xúc ta không nghĩ đến nhưng khi đọc tác phẩm, ta nhận ra Sơn Nam đã viết, đã nói, đã khái quát lên rất sinh động và gần như chính xác nét hành động, tính cách, tâm lý của con người của vùng miền đất cuối cùng của Tổ quốc. Đọc tác phẩm, ta nhận ra con người Nam Bộ không chỉ trong văn chương mà nó rất thật ngoài đời. Đó là những con người mộc mạc, bộc trực, chân thành, hào hiệp, trọng nhân nghĩa, điệu nghệ, chất phác,….Ta còn như nhận ra ở đó có dáng dấp cha ông mình, bản thân mình trong những tính cách, suy nghĩ của các nhân vật: Giáo Lý, thầy chà, thầy hai rắn, Cậu Ba, Tư Lập, con Lài, Năm Hên,…Ông đã xây dựng nên những tính cách con người Nam Bộ rất điển hình. Bắt gặp những suy nghĩ, hành động của họ ta liền nhận ra ngay đó là con người miền Nam chớ không thể lẫn vào đâu được. Chẳng hạn như lời tâm sự của ông Hương giáo về Tư Lập( Hương rừng) đã phát họa đôi nét tính cách Nam Bộ: trọng lẽ phải, trọng nghĩa khinh tài, có chí tang bồng: “ Ta hiểu lắm. Dù sao, trở về lần này , Tư Lập cũng đã tỏ ta có nghĩa! Ai nỡ câu thúc chí trai của mình trong một xó để đổi lấy chữ nhàn? Ai nỡ bỏ danh dự để mua chuộc một chức tước quý phái huyền ảo…” Hay sự khẳng khái của Tư Hiền( Đảng cánh buồm đen) “ Tại sao đánh một người già cả, nghèo hơn mình ? Con gái của người ta mày giấu ở đâu ? Mau trả lại. Đồ du côn!”. Hay tâm trạng yêu nước bàng bạc của một con người muốn giúp ích cho quê hương, đất nước của ông lão Tư Thông( Ông già xay lúa): “ Một mối buồn len vào tâm năo ông Tư Thông. Ông nghe gió thổi bốn bề, lạnh lùng. Lương tri như rực sáng nhắc nhở ông món nợ ǵ đối với đồng bào, giang sơn. Không giúp nước được th́ ít ra ông cũng cần biết những ǵ xảy ra đau buồn trong nước. Cây có cội. Nước có nguồn. Chi có tổ. Cá có hang. Đôi mắt già của ông Tư Thông ngẩn ngơ nh́n muôn lớp sóng cồn. Chân trời u ám, mấy đám mây tang bay thấp là đà... Ông hổ thẹn, tủi bấy phận ḿnh không bằng con đỗ quyên đêm hè kêu khắc khoải”.
Con người Nam Bộ hiện lên trong tác phẩm của Sơn Nam là những người siêng năng, chất phác, hiền lành. Họ khai phá vùng đất mới bằng sức lao động dẽo dai, bền bĩ và lòng quyết tâm cao độ. Không chỉ thế họ rất dũng cảm đối mặt với những khó khăn và cũng rất thẳng thắng, chung thủy, tình nghĩa không đổi( Con bảy đưa đò, Hương Rừng, Tình nghĩa Giáo khoa Thư), hồn nhiên ngây thơ của con Lài và thằng Lợi( Cây huê xà), chất phác, khí khái, trọng tình nghĩa ra tay giúp đỡ người khác không vụ lợi cho riêng mình( Bắt Sấu rừng U Minh Hạ),….trong nhiều tác phẩm khác. Đặc biệt điều mà tất cả chúng ta dễ nhận thấy đặc trưng cơ bản của con người Nam Bộ lúc bấy giờ là tình yêu quê hương đất nước. Ở đó không phải là những biểu hiện cụ thể lớn lao, sôi nổi mà ẩn sau lời nói, lời tâm sự, lời hát và qua hành động của những con người nông dân miệt vườn mới thấy một khí khái, một tình yêu nước sâu kín như trong tác phẩm Đảng cánh buồm đen, Người mù giăng câu, Ông già xay lúa, Hòn Cỏ Tron, ….
 Hương rừng Cà Mau đã ít nhiều đem đến cho người đọc cái phong vị lối sống, sinh hoạt rất đặc trưng của con người Nam Bộ. Một cuộc sống rất phóng khoáng, tự do. Những con người cởi mở, lạc quan. Dù sống trong hoàn cảnh khắc nghiệt, thiếu thốn, khó khăn nhưng họ không nao núng, không sờn lòng. Ngoài ra những hoạt động văn hóa, những hình thức sinh hoạt tinh thần hiện lên rất chân thật, đa dạng(Hát bội giữa rừng, Con Bảy đưa đò,…), phát rẫy, xay lúa(Ông già xay lua, Đóng gông ông thầy Quýt), hội hè (Chiếc ghe ngo),…ít nhiều phác họa lại một thời mà đời sống của con người dù còn lắm khốn khó vất vả nhưng lối sống tự do tự tại, tính tự lập và chiến đấu giúp họ vượt qua khó khăn và biết làm giàu tâm hồn mình bằng những hình thức sinh hoạt độc đáo.
Con người Nam Bộ biểu hiện tình yêu quê hương đất nước của mình từ công cuộc khai phá mở đất, biết sống hòa nhập với thiên nhiên và biết yêu quý làng xóm, nơi cư ngụ và cao hơn biết yêu ghét, căm thù những gì trái với đạo lý con người. Họ không chỉ căm ghét những hành động làm biếng( Đóng gông ông thầy Quýt), ghét lừa gạt(Tình nghĩa giáo khoa Thư), ghét sự ghanh tị(Cây huê xà),…nhưng cũng trân trọng yêu thương những con người tài trí, tốt đẹp và hào hiệp với những con người biết cảm thông với hoạn nạn của người khác, không vị bản thân mình( Một cuộc biển dâu, Bắt sấu rừng U Minh Hạ, Đảng cánh buồm đen,…).
Dù đó không phải là tất cả nét đặc trưng của con người Nam Bộ nhưng Sơn Nam đã khái quát những nét đặc trưng cơ bản tính cách của một vùng miền mà không phải nhà văn nào cũng có thể cảm và viết được như thế. Nhà văn đã viết lên bằng tất cả sự trân trọng, niềm tin yêu và tin vào một nét đẹp của con người Nam Bộ từ xưa đến nay không dễ gì đổi thay.
2.2 Nam Bộ- Hương vị một đời- hương vị ngàn đời
2.2.1 Công cuộc mở đất- Nhiều cam go thử thách nhưng cũng rất anh hùng
Trong Hương rừng Cà Mau, Sơn Nam đã làm sống lại quá khứ miền Nam, không chỉ hiện nay mà cả những vài trăm năm về trước, từ chuyện khẩn hoang miền Nam, đến lai lịch vùng đất, chuyện đấu tranh giữa thực dân giữa ta và Tây, chuyện sinh cơ lập nghiệp của vài dòng tộc, chuyện làng báo, chuyện sinh hoạt, các loại hình ca cổ, hò đáp, chuyện quan hệ tình cảm gia đình, yêu đương, xã hội,…Và từ những câu chuyện, từ một vài tình huống đến những nhân vật trong câu chuyện đó, Sơn Nam đã phần nào tái hiện được cuộc khẩn hoang quyết liệt, cam go, phức tạp và đầy tự hào của cái buổi đầu mang gươm đi mở cõi. Ở miền đất mới không chỉ rừng thiêng nước độc mà thú dữ luôn rình rập con người. Trong quá trình khai mở và chinh phục thiên nhiên, vùng đất mới này không biết đã có bao nhiêu con người đã ngã xuống, đã mất mác và gặp biết bao nhiêu nỗi đau, biết bao nhiêu bi kịch. Họ mất đi nhưng mãnh đất miền Nam còn mãi. Có thể nói, thông qua những mẫu chuyện, nhân vật của mình và những gì mà nhà văn Sơn Nam miêu tả, thể hiện trong tập truyện ngắn Hương rừng Cà Mau (tập 1) ít nhiều giúp chúng ta hiểu thêm về con người và cuộc đời vùng đất Nam Bộ đầu thế kỷ XX. Họ đã sống và gắn bó với mảnh đất buổi đầu khai phá còn nhiều khó khăn và nhiều khắc nghiệt.
Nhà văn Sơn Nam đã từng tâm sự rằng lịch sử Nam Bộ Việt Nam là công cuộc của khẩn hoang trường kỳ và tự lực. Ý thức khẩn hoang mở đất ăn sâu vào máu thịt tôi. Đời ông nội rồi đời cha tôi khẩn hoang mở đất nên những trang viết của tôi dành cho khẩn hoang mở đất và nó trở thành sở trường của tôi. Và chính như những gì ông tâm sự thì sự kiện, con người, thỉên nhiên miền Nam đi vào trang văn ông chân thật, hiếm có. Nó như mạch nguồn được hun đúc lâu đời trong con người Sơn Nam đến hôm nay mới có điều kiện tràn ra để ông có thể viết sắc và viết hay về cuộc khẩn hoang đầy thách thức cam go của con người miền Nam đầu thế kỷ XX. Và khi chúng ta đọc Hương rừng Cà Mau- một vùng đất cuối cùng của tổ quốc, được kể ra cái thời kỳ mà phần lớn là rừng, là thú dữ, là hiểm nguy nhưng ở đó lại có đầy bản lĩnh, đầy nghị lực của con người đến khai phá lập nghiệp. Họ muốn tồn tại, muốn sống sót được trong hoàn cảnh đặc biệt khó khăn như vậy, con người phải có một sức mạnh tinh thần vô ngần. Chính những giá trị tinh thần, sức mạnh cộng đồng và lòng quyết tâm, sự đoàn kết con người Nam Bộ đã từng bước vươn lên và khẳng định mình, khẳng định sức sống tiềm tàng và càng làm cho vẻ đẹp của người Nam Bộ xưa và nay luôn đọng lại mãi như mật ngọt của đời.
2.2.2 Phong tục tập quán- Nét đẹp cổ truyền
Sơn Nam là một nhà văn am hiểu nhiều phong tục tập quán, lễ hội miền Nam: tết cổ truyền, ngày giỗ ông bà, thần thánh, kiêng kị,… Và ta  nhận ra sinh hoạt một thuở của những người di dân Nam Bộ được sống lại trong Hương rừng Cà Mau. Những câu hò trong( Cô Bảy đưa đò) mang tâm tình của người đi khai hoang. Mùa nước nổi những đàn trâu bò phải đi chuyển lên vùng cao, một nét đặc thù của người dân miền đồng bằng(Mùa len trâu) hay mùa lụt phải phải thủy tán chứ chứ không thể chôn được. Rồi những cách lao động, sinh sống và làm việc trong nhiều tác phẩm khác như Hương rừng, Đóng gông ông thầy Quýt, Cây huê xà,… gắn với những nếp sinh hoạt và những quan niệm nhân sinh hiền ác, vay trả ở đời.
Trong nhiều tác phẩm, ông đưa ta trở về với những sinh hoạt đời thường của người dân Nam Bộ trên vùng đất Nam Bộ như trong truyện Cô Út về rừng, Ông Già xay lúa, …. hoặc không khí lễ hội của đồng bào Khơme được ông miêu tả hết sức thú vị, hết sức hào hứng với nhiều tình cảm mà ông dành cho họ:
“ Thế là sáng hôm sau lục cụ đích thân đọc kinh làm phép cho ghe ngo. Ghe đẩy xuống nước, bao nhiêu trai tráng trong làng reo vang dậy như …lân thấy pháo. Sáu mươi bốn câu dằm nhỏ cứ phân phát ra, mỗi người mỗi cây. Trước mũi ghe, cây lộng đỏ giương lên che một cái khay đầy rượu, hương, trầu, hoa, quả và một ông Phật bằng vàng lớn cở ngón tay cái.
Chú phó hương quản được hân hạnh lãnh trách nhiệm chỉ huy cuộc chiến đấu sắp tới. Chú lạy lục ụ rồi đến ngồi ngay mũi ghe, dưới bóng cây lộng. Ba mươi hai cặp thanh niên lực lưỡng, từ từ bước xuống, ngồi sắp hàng hai. Be ghe khẳm, ngang mí nước, tưởng chừng xê xích một phân nữa là chìm. Nhưng không đau, chú phó hương quản đã quấn chiếc khăn nhiễu đỏ lên đầu rồi đánh vào cái cồn nhỏ:
- Môn! Môn! Môn!
Đoàn lực sĩ hạ dầm xuống khoát nước, nhịp nhàng...” (Chiếc ghe ngo)
Hương rừng Cà Mau, chúng ta còn nhận ra một nét văn hóa đẹp trong lối sống, sinh hoạt của người miền Nam. Họ đã biết lấy câu hò, câu vọng cổ để làm phong phú cuộc sống của mình. Họ có những bí quyết hay để phục vui cho cuộc sống như cách trị rắn, cách luyện ngọc ong, cách bắt sấu, cách xay lúa, cách phát cỏ,….Không chỉ có thế, một nét đẹp từ xã xưa của con người Việt Nam đó là tinh thần hiệp nghĩa, trọng tình được họ phát huy cao độ trở thành một nét đặc trưng của những con người đi mở cõi.
2.2.3 Ngôn ngữ miền Nam- Dân dã và giàu sức biểu cảm
Giống như nhà văn Sơn Nam từng nói; “ không phải cứ ghi âm lại cuộc nói chuyện của người Nam Bộ là thành văn chương được đâu…”. Văn chương Nam Bộ có một nét đặc trưng riêng. Đó là một thứ văn chương gần với ngôn ngữ nói, không nặng trau chuốt mượt mà để làm mất đi vẻ đẹp đời thường và nó còn có những góc cạnh của nó. Bởi xuất phát từ nhu cầu và thị hiếu của con người Nam Bộ. Họ thích sự thật thà, ngay thẳng, chất phác là những con người ngang tàng phóng túng nên tính cách bộc trực, dứt khoát và chuộng lẻ phải là điều dễ hiều. Sơn Nam đã hiểu sâu sắc lối sống và tính cách ấy, hiểu được lời ăn tiếng nói hằng ngày của phần đông con người Nam Bộ nên khi thể hiện trong tác phẩm văn chương của mình đã làm cho ngôn ngữ đời thường mộc mạc chân chất mà không hề thiếu đi tính văn chương. Do đó, ngôn ngữ miền Nam vừa dân dã và giàu sức biểu cảm y như tính cách của con người Nam Bộ vậy.
Ông sử dụng một khối lượng lớn từ ngữ Nam Bộ thông thường trong cuộc sống mà bất cứ người Nam Bộ nào khi đọc tác phẩm của ông, họ cũng dễ nhận ra. Từ ngữ Nam Bộ đậm đặc trong tác phẩm: ai dè, ảnh, ất, giáp, ậy, bển, kinh, láng, mần, miệt dưới, ô rô, rạch, giấy con công, đờn kìm,…Không chỉ thế, chúng ta còn có thể học được rất nhiều từ ngữ Nam Bộ. Ông sử dụng đa dạng trong văn cảnh hoặc diễn giải ý nghĩa của từ. Đọc văn Sơn Nam, ta mới hiểu ít nhiều ngôn ngữ mà xưa kia người miền Nam sử dụng như bài kía, cà ràng, len trâu, miệt thứ, miệt vườn, ngọc ong, sở thượng, thị quá, thèo lèo,...Là một nhà văn, vậy mà Sơn Nam không khác gì một nhà ngôn ngữ học. Và nếu không tìm hiểu, phát hiện và trân trọng vốn từ này và biết đâu vì những lý do khách quan và chủ quan, nó có thể bị thời gian mai một ít nhiều. Và nhờ lớp từ ngữ này, chúng ta có thể hiểu được  nhiều câu ca dao, nắm bắt nhiều đoạn văn hay, hiểu được đặc điểm tự nhiên và xã hội của vùng đất mà chúng ta đang sống.
U Minh, Rạch Giá, thị quá sơn trường
Dưới sông sấu lội, trên rừng cọp đua”.
Hay
Xứ đâu thị tứ bằng xứ Kinh Cùng
Tràm xanh, củi lục, anh hùng thiếu chi”.
Hay
Thương em anh phải đi đêm
Phần do bắt được, đánh mềm như dưa”.
Ngoài ra, ngôn ngữ đối thoại hay ngôn ngữ nhân vật trong truyện Sơn Nam là ngôn ngữ thường nhật của người dân Nam Bộ. Nó thể hiện được tâm lí, tính cách và ứng xử của người Nam Bộ như sự bộc trực, dân dã, hào hiệp, trọng nhân nghĩa trong Mùa len trâu, Cây huê xà, Ông già xay lúa, Đảng cánh buồm Đen,…Và lời nói trở thành lời văn gồm những câu ngắn gọn, nhiều từ ngữ Nam Bộ giao tiếp bằng lời trở thành văn viết như: “ Hôm sau, chú viện cớ ra đi lúc mùa bông tràm nở trắng rực. Chú không thèm làm nghề ăn ông nữa. Hàng trăm tấm kèo bằng cây mun, chú giao lại cho ông Hương Giáo. Chú về Long Xuyên. Nhưng hương tràm có ma lực quyến rũ. Lúc mới đến thì vui. Ở lâu lại sanh buồn. Xa cách lâu ngày thì đâm ra nhớ không nguôi, không trở lại không được. Chú lại trở về…”( Hương rừng).
Có thể nói Hương rừng Cà Mau là kết tinh của một tình yêu gắn bó sâu sắc thiết tha của một tâm hồn rất mực yêu mến mảnh đất này. Đến với Hương rừng Cà Mau như đến với miền Nam yêu thương xưa nhưng rất gần với ta. Hun đúc trong ta một tình cảm mảnh liệt, một niểm tự hào mà đôi khi không thể nói nên lời. Tập truyện dù chỉ phác họa buổi đầu công cuộc khai phá đầu thế kỷ XX, viết về hầu hết miệt thứ Cà Mau nhưng những gì đọng lại là một dấu ấn của một thời kỳ, một nét đẹp văn hóa đặc trưng cho cả một vùng miền, là một tài năng tâm huyết của người con Nam Bộ.
III. Kết luận
Sau hơn nửa thế kỷ cầm bút, Sơn Nam là một trong số ít nhà văn Việt Nam đã dành cả cuộc đời gắn bó cho một vùng đất. Chính những trang viết dung dị, nhân hậu, thấm đẫm văn hóa Nam Bộ và thể hiện một tấm lòng dạt dào tình yêu quê hương đất nước, một lòng gắn bó với quê hương đất nước đã chinh phục được nhiều thế hệ bạn đọc.
Có thể nói, tập truyện Hương rừng Cà Mau bao gồm những câu chuyện nói về cuộc mưu sinh với những phong tục tập quán của con người miệt vườn Cà Mau với những nghề câu cá, bắt sấu, lấy ngọc mật,… Tác giả chẳng cần lạ hóa câu chuyện, cứ như ghi đúng những gì nó từng xảy ra và đôi khi vẫn còn tồn tại. Với vùng đất ấy có biết bao câu chuyện lôi cuốn con người. Từ một ông Tư Thông canh cánh lòng yêu nước, từ một Tư Hiền đạo nghĩa khí khái đến một ông thầy Quýt phát ruộng be bờ lường gạt nhưng biết đạo lý, đến sự tranh nhau trong nghề của hai thầy rắn dần đến kết cục tan vỡ mối tình của con đến chuyện tình buồn trong Con bảy đưa đò, Hương rừng,…và bằng giọng văn chân tình, nhẹ nhàng, đa dạng đã viết thêm trang sử cho văn hóa một vùng sông nước, cho nét đặc trưng bản chất, cho nét đẹp đơn xưa bình dị của con người miền Nam sống mãi với thời gian. Và Hương rừng Cà Mau còn là một vẻ đẹp sắc hương tồn tại mãi mãi. Nó không chỉ là hương rừng dịu ngọt, say mê, tinh khiết quyến rũ lòng người mà nó là hương của đạo nghĩa, của tình người, của tất cả những gì cuộc sống lắng đọng như những mật ngọt mà rừng tràm, hương tràm, con người miền Nam đem lại. Điều này chỉ những ai từng đến và sống ở rừng mới có thể ngẫm chất đọng ngọt ngào mà Sơn Nam cảm nhận, khai thác và ghi nhận. Và người đọc còn cảm ở tâm người cầm bút kỳ công viết về một vùng đất còn là ẩn số, còn nhiều điều chưa được khám phá. Tất cả những gì Hương rừng Cà Mau đọng lại không chỉ là trang văn đẹp mà là kho tư liệu quý cho con người và cuộc đời.
Ngày nay, cho dù trong thế giới văn chương muôn màu muôn vẻ, nhưng trong lòng bạn đọc yêu văn chương vẫn giữ lại nét chân dung về Sơn Nam - đó là một nhà văn Nam Bộ với tính cách đặc biệt Nam Bộ. Ông không giống ai, đi theo con đường mà mình đã chọn: quay về cội nguồn văn hoá dân tộc, mà chính xác là văn hoá Nam bộ bằng lối văn mộc mạc, chân chất bằng chữ nghĩa giản dị gần gũi với đời sống thực tế đã làm sống lại nhiều vần đề về đất và con người Nam Bộ. Và Sơn Nam, không thể nào lẫn lộn với bất kỳ ai trong bạt ngàn văn chương hiện đại, càng không dễ xóa đi sức ảnh hưởng của ông trong việc nghiên cứu, tìm hiểu miền Nam. Và ông, dù ra đi nhưng những gì còn ở lại ở ông là những áng văn chương để đời, một tầm lòng thế cũng đủ làm vinh dự, làm nên tên tuổi Sơn Nam không thể phai nhạt trong dòng chảy của thời gian./.