KHÔNG GIAN NGHỆ THUẬT TRONG TRUYỆN NGẮN
CÁNH ĐỒNG BẤT TẬN
1.Đôi nét về tác giả, tác phẩm
1.1 Đôi nét về tác giả Nguyễn Ngọc Tư
Nguyễn Ngọc Tư là nhà văn trẻ của vùng đất tận cùng của Tổ quốc. Chị sinh năm 1976 tại xã Tân Duyệt, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau trong một gia đình có truyền thống cách mạng. Nguyễn Ngọc Tư là một hiện tượng văn học độc đáo khiến đông đảo bạn đọc trong và ngoài nước quan tâm.
Sau hơn mười năm cầm bút (tính từ 1997 đến năm 2009), Nguyễn Ngọc Tư đã có 11 đầu sách được xuất bản. Trong số các tác phẩm đã in, tập truyện Cánh đồng bất tận được coi là thành công hơn cả. Tính đến tháng 02 năm 2007, tập truyện Cánh đồng bất tận đã tái bản đến lần thứ 12. Năm 2007, Nguyễn Ngọc Tư được mời sang Hàn Quốc để nói về Cánh đồng bất tận và tác phẩm này được dịch ra tiếng Hàn. Đầu năm 2009, cũng chính Cánh đồng bất tận được chuyển thể thành một kịch bản cùng tên.
Cả nước biết đến Nguyễn Ngọc Tư như một trong những cây bút tài năng góp phần làm sống động nền văn học. Nhà văn Dạ Ngân khẳng định: “Nhờ có Nguyễn Ngọc Tư mà “nền văn học Nam Bộ cao lên được mấy thước”. Thậm chí, có ý kiến cho rằng: “Nguyễn Ngọc Tư đã góp phần đưa văn học vùng ra khỏi cái khuôn sáo “ngô nghê mà thiếu tự nhiên” đã tồn tại quá lâu trong văn học Đồng bằng sông Cửu Long”
1.2 Tóm tắt truyện ngắn Cánh đồng bất tận
Truyện ngắn Cánh đồng bất tận lấy bối cảnh miền Tây Nam Bộ. Ở nơi đó, ông Út Vũ là một nông dân chân chất, hiền lành làm nghề thợ mộc. Rồi một ngày, ông tình cờ gặp một cô gái xinh đẹp đang ngồi khóc trên bến sông. Cô gái xinh đẹp, có “nụ cười lấp lánh cả khúc sông” và “làn da trắng như bông bưởi” ấy đã làm xiêu lòng trái tim của Út Vũ. Cả hai nên vợ nên chồng, sống hạnh phúc bên căn nhà lá nằm cạnh con sông Dài có những hàng mắm cặp mé sông và có với nhau 2 đứa con: Nương , Điền .
Hạnh phúc không ở lâu với gia đình Út Vũ. Cuộc sống nghèo khó, lại rày đây mai đó khiến ông không thể giữ được tình yêu của người vợ đang trong thời kỳ xuân sắc. Cô “bỏ nhà theo trai”, để lại cho chồng 2 đứa con nhỏ bơ vơ và mái nhà tranh vách lá. Hận vợ phụ tình, ông Vũ đốt nhà, dắt con phiêu bạt trên chiếc ghe đi chăn vịt từ cánh đồng này đến cánh đồng khác. Thời gian thấm thoát trôi, những cánh đồng mà cha con ông Vũ đi qua không sao kể xiết, nhưng nỗi hận trong lòng ông vẫn không thể nguôi ngoai. Nó khiến ông ngày càng trở nên cộc cằn và cáu gắt. Trong khi đó, Nương lớn lên ngày càng xinh đẹp như mẹ. Bao nhiêu bực dọc, bao nhiêu uất ức và căm hận của ông vì thế đều trút lên hai đứa con của mình và lên những người đàn bà mà ông bắt gặp. Ông hận tất cả đàn bà. Ông để họ yêu mình và rồi lại bỏ rơi họ theo cách mà ông đã từng bị bỏ rơi.
Cuộc sống nặng nề và u ám của 3 cha con ông Vũ cứ thế tiếp diễn, ngày qua ngày. Cho đến một ngày kia, 2 chị em Nương và Điền tình cờ giải cứu cho cô gái điếm tên Sương đang bị những người đàn bà trong xóm đánh ghen, tra tấn. Sự xuất hiện của Sương đã mang lại chút không khí đầm ấm cho 2 đứa bé thiếu tình thương của cha mẹ, cho những bữa cơm của Nương và Điền thêm phần ấm áp và cho cuộc sống tinh thần của 2 chị em bớt tẻ nhạt. Tuy nhiên, đối với ông Vũ, sự xuất hiện của Sương càng khiến vết thương của ông thêm phần nhức nhối. Ông vẫn lạnh lùng. Ông vẫn cáu gắt và đay nghiến thân phận “làm đĩ” của Sương, dù có thể ở tận sâu đáy lòng mình, ông có dành cho Sương một chút tình cảm, giống như là tình yêu. Trớ trêu thay, người phụ nữ “làm đĩ” ấy lại đem lòng yêu ông Vũ. Cô làm tất cả để bảo vệ 3 cha con ông, kể cả việc “bán thân” để đổi lấy đàn vịt. Tuy nhiên, tình yêu ấy lại được đáp lại bằng sự chua chát và thái độ thù hận. Sương quyết định bỏ đi. Điền cũng bỏ nhà đi tìm Sương. Chỉ còn lại Nương và ông Vũ, tiếp tục cuộc hành trình cô độc trên những cánh đồng bất tận…Cho đến một ngày, khi trái tim của ông Út Vũ dần nguôi ngoai, tình thương của người cha quay về thế chỗ cho những hận thù thì một biến cố lớn lại ập đến cho gia đình ông Vũ, cho cô con gái tội nghiệp của ông…Trên “Cánh đồng Bất Tận”, con gái ông bị bọn côn đồ ăn cắp vịt cưỡng hiếp trước sự bất lực của người cha.
2. Không gian nghệ thuật và cấu trúc của không gian nghệ thuật
2.1 Khái niệm không gian nghệ thuật
Trong Thi pháp học, khái niệm không gian nghệ thuật là một phạm trù của hình thức nghệ thuật, là phương thức tồn tại và triển khai của thế giới nghệ thuật. Nếu thế giới nghệ thuật là thế giới của cái nhìn và mang ý nghĩa thì không gian nghệ thuật là trường nhìn mở ra từ một điểm nhìn, cách nhìn.
Không gian nghệ thuật là sản phẩm sáng tạo của người nghệ sĩ nhằm biểu hiện con người và thể hiện qua niệm nhất định về cuộc sống. Do đó, không thể đồng nhất không gian trong tác phẩm văn học với không gian địa lí, không gian vật lí được. “ Không gian nghệ thuật là mô hình nghệ thuật về cái thế giới mà con người đang sống, đang cảm thấy vị trí, số phận mình ở trong đó. Không gian nghệ thuật gắn liền với quan niệm về con người và góp phần biểu hiện cho quan niệm ấy” Và “ Không gian nghệ thuật có thể xem là một không quyển của tinh thần bao bọc cảm thức của con người, là hiện tượng tâm linh nội cảm, chứ không phải hiện tượng địa lí và vật lí”. ( Thi pháp Truyện Kiều )
2.2 Cấu trúc của không gian nghệ thuật
Không gian nghệ thuật trong tác phẩm văn học được chia làm hai loại:
2.2.1 Không gian trần thuật:
Không gian trần thuật là người trần thuật nhập vào thế giới đang được trần thuật, là sống trong không gian của truyện. Khi kể chuyện, giữa người kể chuyện với thế giới xung quanh hình thành một khối không gian ảo với nhiều mối tương quan lẫn nhau. Tương quan giữa người kể với thế giới các nhân vật, các sự kiện, các quan hệ…; giữa người kể và ngôn ngữ của nhân vật; giữa người kể với ngôn ngữ của chính mình.
Tác phẩm văn chương có khả năng gợi ra một không gian liên tưởng và tưởng tượng có biên độ rộng lớn hơn không gian thực. truyện có khả năng rút gọn hoặc kéo dài khoảng cách bằng sự tham gia của người kể vào từng hành vi, động tác của nhân vật.
2.2.2 Không gian được trần thuật
Không gian được trần thuật: là không gian được kể, được tả trong truyện. Nó bao gồm: không gian bối cảnh, không gian sự kiện và không gian tâm lí.
Không gian bối cảnh: là môi trường hoạt động của nhân vật, một địa điểm nào đó có đủ các yếu tố thiên nhiên, xã hội, con người. Không gian bối cảnh có 3 loại:
Không gian bối cảnh thiên nhiên: Bao gồm những hiện tượng thiên nhiên bao quanh con người như: trời, đất, núi, sông…làm khung cảnh rộng lớn, đa dạng. Thiên nhiên một mặt gắn liền với nhân vật và hoạt động của nhân vật, mặt khác cũng gắn liền với tâm trạng người kể truyện.Cùng viết về mùa thu nhưng khung cảnh mùa thu trong thơ Nguyễn Khuyến khác với khung cảnh mùa thu trong bài thơ Đây mùa thu tới của Xuân Diệu, khác với khung cảnh mùa thu trong bài thơ Đất Nước của Nguyễn Đình Thi. Bối cảnh mùa thu cũng gắn liền với tâm trạng khác nhau của từng nhân vật mà tác giả muốn thể hiện.
Không gian bối cảnh xã hội: Bối cảnh xã hội bao gồm cuộc sống của những tầng lớp người, từng cá nhân, từng thế hệ… tạo thành bầu không khí xã hội phức tạp. Bối cảnh xã hội của truyện ngắn Vợ Nhặt là xã hội nghèo đói, loạn lạc Việt Nam những năm trước Cách mạng tháng Tám, bối cảnh của tác phẩm Chí Phèo là làng quê nông thôn Vũ Đại đầy những bất công, ngang trái.
Không gian bối cảnh tâm trạng: Bối cảnh tâm trạng là thế giới nội tâm của nhân vật. Đó có thể là những dòng hồi ức, những niềm vui, nỗi buồn, những ước mơ, những ám ảnh, băn khoăn được miêu tả trong tác phẩm. Cụ thể như bối cảnh tâm trạng trong truyện ngắn Hai đứa trẻ của Thạch Lam là sự buồn chán, cô đơn, lặng lẽ của hai đứa bé nơi phố chợ, trong Chí Phèo là những ước mơ, khao khát cuộc sống lương thiện như bao người nông dân khác của Chí Phèo.
Không gian sự kiện: Là những sự kiện xảy ra trong đời sống hàng ngày có thể tác động đến đời sống nhân vật gây ra những sự kiện khác nhau theo quan hệ nhân quả thành một chuỗi sự kiện mà có khi, truyện chỉ là một mắt xích quan trọng trong sự kiện ấy. Trong truyện Thanh ! Dạ của Nguyễn Công Hoan, là những sự kiện nối tiếp nhau đến với con sen Thanh khi phải phục vụ cả gia đình chuẩn bị đi Đồ Sơn. Đây là kiểu không gian sự kiện bao gồm những sự kiện giống nhau, xảy ra nối tiếp nhau theo một trình tự nhất định.
Không gian tâm lí: Là những trạng thái tâm lí của nhân vật mà chủ yếu là những tâm trạng: trạng thái tình cảm vui buồn, hồi ức, mộng mị, ám thị, mơ hồ. Trong tác phẩm Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh, không gian tâm lí là sự hồi tưởng của nhân vật Kiên về chiến trường xưa, về cuộc chiến tranh, những mất mát, đau thương mà anh đã chứng kiến.
3. Không gian nghệ thuật trong truyện ngắn Cánh đồng bất tận
Không gian chủ đạo làm bối cảnh cho câu chuyện Cánh đồng bất tận là không gian sông nước Nam Bộ. Đó là những cánh đồng quê nắng khô, cỏ cháy, một không gian sông nước gắn liền với những bến quê, cái sàn nước, những chiếc ghe thương hồ rày đây mai đó trên những dòng sông. Trong đó, cái không gian “ chiếc ghe, cánh đồng, dòng sông thênh thang mãi” xuất hiện xuyên suốt trong suốt cuộc hành trình bất tận của ba cha con Út Vũ.
Ấn tượng đầu tiên đập vào mắt người đọc là hình ảnh cánh đồng Bất Tận được đề cập ngay ở cách đặt tựa đề của truyện ngắn. Hai từ “Bất Tận” bản thân nó có nghĩa là không bao giờ hết. Có lẽ đó cũng chính là số phận lênh đênh, bạc bẽo mà trời đã xếp đặt cho những con người “nghèo rơi, nghèo rớt”, chúng sẽ mãi đeo bám lấy họ. Sự “Bất Tận “ không phương hướng, không ngày mai, họ cứ đi, cứ sống như thế. “Cánh đồng bất tận” như gợi ra trước mắt ta một khung cảnh hoang sơ, heo hút và mang một nỗi buồn man mác “những cánh đồng vắng bóng người, và lúa rày mọc hoang…”. Từ “ Bất Tận” cả hai đều là vần trắc, khi đọc, ta lên giọng ở từ “Bất” nhưng rất ngắn, để rồi sau đó là một tiếng “Tận”, có cảm giác như có một cái gì đó vô hình ghì xuống, dẫu có lên nhưng chỉ trong phút chốc rồi lại vụt tắt lịm như cuộc đời của những người nông dân nghèo khổ. Từ đó, ta có thể thấy rằng “Cánh đồng Bất Tận” không chỉ dừng lại với ý nghĩa là một cái tên, mà ẩn sau đó là ý nghĩa sâu sắc mà Nguyễn Ngọc Tư muốn truyền tải đến người đọc. Cánh đồng bất tận là một hình ảnh mang ý nghĩa tượng trưng gợi lên không gian hun hút, mênh mang. Nơi đó có những kiếp người lầm lũi, vô tình với chính đồng loại mình.
Bối cảnh cánh đồng xuất hiện nhiều lần trong tác phẩm. Bằng giọng văn tự sự, mộc mạc, cánh đồng được miêu tả với những bông lúa rày còn sót lại của một vụ mùa thất bát, nắng hạn như đốt cháy hết những đám rạ, làm nứt nẻ mặt ruộng. Tưởng như không thể có một sinh vật nào có thể tồn tại trên khung cảnh khô khốc, cằn cỗi này. “Con kinh nhỏ nằm vắt qua một cánh đồng rộng. Và khi chúng tôi quyết định dừng lại, mùa hạn hán hung hãn dường như cũng gom hết nắng đổ xuống nơi này. Những cây lúa chết non trên đồng, thân đã khô cong như tàn nhang chưa rụng, nắm vào bàn tay là nát vụn.” Những câu mở đầu của thiên truyện đã mở ra một trúc trắc, một lênh đênh, một khốn khó, đang bủa vây một gia đình du mục gồm ba người: Cha, Tôi và Điền - đứa em trai, cùng gia tài: một đàn vịt đang độ lớn, cần thức ăn còn xót lại trên đồng, và nhất là cần nước, trong một mùa nắng chát chúa, khô rát mặt người. Ở cái nơi khó khăn này, hai chị em, mà người đọc chỉ biết qua cái tên, chị hai Nương còn thằng em là Điền, nổi lên như một vòng xoáy để tất cả sự việc đều từ cái hút ấy mà ra và cũng vì nó mất đi. Hai nhân vật ấy, cũng có một cuộc đời khá dài như những “cánh đồng bất tận” lan rộng, mất hút nơi chân trời trong cô đơn, hoang lạnh trong sự hận thù và ghẻ lạnh của người cha. Hai chị em Nương và Điền như hai cái bóng, ngày qua ngày cứ lầm lũi chịu đựng, sống tách biệt, xa rời với thế giới loài người. Cuộc sống của hai chị em cứ tiếp diễn từ cánh đồng này qua cách đồng khác đến nổi mọi thứ đều trở nên quen thuộc, gắn bó với chị em Điền: “ Cánh đồng không có tên. Nhưng với tôi và Điền chẳng có nơi nào là vô danh, chúng tôi nhắc, chúng tôi gọi tên bằng những kỷ niệm mà chúng tôi có trên mỗi cánh đồng. Chổ chị em tôi trồng cây, chổ Điền bị rắn cắn, chỗ tôi có kỳ kinh nguyệt đầu tiên”.
Ở cánh đồng đó, cứ mỗi mùa lúa đến, những người thợ gặt, những người chăn vịt lại hội tụ về. Họ là tập hợp những người nghèo khổ bần cùng. Bởi nuôi vịt chạy đồng là một việc bất đắt dĩ của người cùng đinh, những người đi suốt những cánh đồng bất tận mà không có một hòn đất để chọi chim. Nuôi vịt không những nghèo, mà còn đầy cơ cực, cái cơ cực bám từ cái đầu dang nắng, đến tận những móng chân đóng phèn. Cánh đồng là sự tập hợp những kiếp người, những tầng lớp khác nhau trong xã hội kể cả những người phụ nữ mà “ cứ mỗi mùa gặt, họ lại dập dìu trên đê, lượn lờ quanh lều của những thợ gặt, những người đàn ông giử lúa và bọn nuôi vịt chạy đồng” trong đó có chị Sương- người đàn bà mà Điền đã cứu thoát khỏi cuộc đánh ghen tàn độc của những người đàn bà xóm chợ.
Cuộc sống khắc khổ, nghèo khó như bao vây, bám riết lấy họ. Dọc theo hành trình của gia đình Nương là những xóm làng heo hút, khát nước vào mùa khô, những con kênh khô cạn đầy váng phèn, những cánh đồng nức nẻ “ lúa chết khô khi mới trổ bông. Người ta không thể trồng đậu, trồng dưa vì thiếu nước. Bầy con nít giỡn nhoi trên những con kinh khô trơ lòng”. Con người như bị vây bủa bởi cuộc sống khắc nghiệt của thiên nhiên và tạo hóa, họ cố vùng vẫy, cố thoát khỏi cái nghèo đói khốn khó của cuộc sống nhưng càng vùng vẫy họ càng bị thắt chặt, bóp nghẹt dưới bàn tay khốc liệt của tạo hóa buột họ phải cam tâm, quy thuận tự nhiên khắc nghiệt. Bởi “ chúng tôi chẳng có chỗ nào để đi nửa, từ bờ bên kia của con sông Bìm Bịp là vùng đệm cho những cánh rừng tràm lớn. Mùa này, người ta lấy nước từ tất cả các dòng sông nhỏ, các con kinh để bơm vào rừng để chống cháy. Chúng tôi không thể ngược sông Bìm Bịp băng qua vùng Kiên Hà, ở đó họ kiểm dịch thú y rất gắt gao. Và dịch cúm gia cầm nghe đâu còn bùng phát khắp đồng bằng”.
Dưới sự khắc nghiệt của tự nhiên là tàn độc của người cha. Đó là thái độ hà khắc, dưng dưng trước sự cô đơn, thiếu tình thương của hai chị em Điền. Có lẽ trong thâm tâm của người cha, tình thương yêu con đã bị lấn át bởi sự hận thù, nỗi đau đớn khi bị vợ phụ bạc. Ông bỏ mặc hai đứa trẻ trong sự cô đơn, thiếu hụt tình cảm yêu thương của cha mẹ. Chính vì rời xa cuộc sống con người, rời xa đồng loại, hai đứa trẻ dần từ bỏ cuộc sống của con người, nghĩa là từ bỏ đi thói quen giao tiếp bình thường, “đắm đuối với loại ngôn ngữ mới”, ngôn ngữ không lời, ngôn ngữ của loài vịt. Chẳng cần thốt lên một lời, chúng vẫn hiểu nhau, biết nhau muốn gì. Điều khác thường đó, do hai đứa trẻ quá gắn bó hay do không gian cô quạnh, tịch mịch quá đỗi nên chỉ cần một cái nấc nhẹ của tâm hồn, ta vẫn nghe thấy. Oái ăm thay, chúng từ bỏ đồng loại để lao vào thế giới của bầy vịt, chỉ vì thế giới ấy không hề có “ghen tuông, hờn giận”, “chỉ đủ yêu thương”.
Nỗi cô đơn, hiu quạnh quạnh và sự hờ hững của người cha khiến hai chị em Điền và Nương có lúc rơi vào những chiêm bao, mộng mị. Sống trên những cánh đồng khô nắng cháy nhưng chúng luôn ước ao về cuộc sống gia đình hạnh phúc, được sống trong vòng tay yêu thương của gia đình như cái thuở mẹ chưa bỏ đi. Hình ảnh người mẹ cứ lởn vởn trong tâm trí, ám ảnh suốt cuộc hành trình cô đơn của hai đứa trẻ. Đọc Cánh đồng bất tận, chúng ta không khỏi xúc động nghẹn ngào khi chứng kiến sự ngây thơ trong câu hỏi mà Điền dành cho chị: “ Người ta thương mẹ ra làm sao ?” Hay lúc Điền bị lạc trong gò đất có cây chùm gọng mọc dày mịt và được người đàn bà bưng rổ bánh quy biểu nó ăn. Lúc được tìm thấy thì bụng nó đã lặc lè và miệng đầy sình đất. “ Nghe thằng Điền kể, người đàn bà đó thiệt hiền, chỉ đau đáu vuốt tóc nó và ánh nhìn chan chứa thương yêu”. Cuộc sống đơn côi, tự lập từ nhỏ đã rèn luyện cho Điền cách phân biệt chính xác phương hướng đễ khỏi lạc trên những cánh đồng mênh mang, bất tận. Cánh đồng đã là nơi thân quen, gắn bó mật thiết với cuộc sống của hai chị em đến nỗi không một nơi nào được gọi là xa lạ. Cánh đồng như người mẹ cung cấp tình yêu thương, cung cấp thức ăn cho cuộc sống của chị em Điền. Điền đi chăn vịt, đi câu cá, trồng cây, gắn bó cuộc sống của mình trên cánh đồng này như người mẹ gắn bó với đứa con của mình. Cũng chính vì những lời kể của Điền cứ ám ảnh, thôi thúc Nương nhớ đến hình ảnh của người mẹ đã từng thương yêu, chăm sóc mình khiến Nương một mình trở lại nơi gò đất đó và ước ao “ sao con ma không giấu tôi dùm cái”. Phải chăng lạc đồng là lạc mẹ, là lạc mất tình yêu thương ?
Sinh ra ở vùng đất Nam Bộ, nên sáng tác của Nguyễn Ngọc Tư cũng bị ảnh hưởng nhiều bởi khung cảnh thiên nhiên, tính cách của người dân nơi đây. Trong truyện ngắn Cánh đồng bất tận, không gian sông nước vùng Đồng bằng sông Cửu Long được tác giả xây dựng thành bối cảnh của truyện, là khung nền làm nổi bật những tình tiết, diễn biến bi kịch của gia đình Út Vũ. Đó là bến sông quê với ngôi nhà, bực sông với những chiếc ghe thương hồ đậu dưới những cây đước cặp mé…là những hình ảnh gần gũi, thân thiết nhất với con người vùng sông nước. Đó cũng là nơi chứng kiến mối tình đẹp giửa Út Võ và người vợ phụ bạc trong chuyến quá giang xuồng ở con sông Dài. Định mệnh như đã dự báo trước mối lương duyên đứt gánh giửa đường, bởi “ má tôi chỉ quá giang một khúc đời rồi đi, ai cũng linh tính như vậy, chỉ cha tôi là không, nên bây giờ mới khóc hận cười đau”. Đó cũng là nơi diễn ra cuộc sống hạnh phúc của đôi vợ chồng trẻ dưới mái nhà đơn sơ cạnh dòng sông mà Nương luôn khắc ghi trong ký ức mỗi khi gặp những người đàn giặt giũ dưới bến sông. Bởi ở đó, “ Má tôi hay mang xoang chảo ra bực sông chùi lọ nghẹ, săn đón ghe hàng bông mua ít rau cải tươi và bán lại những quầy chuối chín bói trong vườn”. Thế nhưng, tất cả chỉ còn là những ký ức vụn vặt về người mẹ mà Nương và Điền còn lưu giử về người mẹ. Vì sự cám dỗ của vật chất mà “ người đàn bà có cái cười làm lấp lánh cả khúc sông ” đã phản bội chồng đi theo người đàn ông có cái ghe đầy vải.
Dòng sông trong truyện ngắn Cánh đồng bất tận cũng được gắn liền với cuộc sống phiêu bạt của gia đình Út Vũ. Đó là con sông Dài mênh mang mà ở đó đời sống của người dân gắn liền với sự nghèo đói và cơ cực. Sống gần sông nhưng họ lại không có nước ngọt để dùng, trẻ con bị ghẻ lở đầy người do phải tắm bằng thứ nước đóng đầy váng phèn. “ Họ đi mua nước ngọt bằng xuồng chèo, nín thở để nước khỏi sánh ra ngoài vì đường xa, nước mắc. Buổi chiều đi làm mướn về, họ tụt xuống ao tắm táp thứ nước chua lét vì phèn, rồi xối lại đúng hai gàu. Nước vo gạo dùng để rửa rau, rửa rau xong dùng lại rửa cá. Con nít ba tuổi đã biết quý nước, mắc lắm cũng ráng chạy ra vườn đái vô chậu ớt, chậu hành ( báo hại cây rụi lá )”. Tất cả như muốn bóp nghẹt sự sống của con người cho dù họ có cố gắng, vùng vẫy đế thoát khỏi sự khắc nghiệt đó nhưng tất cả chỉ là sự cơ cực, nghèo khó hiển hiện trong cuộc sống của người dân, sự bế tắc không lối thoát của gia đình Út Vũ: “ Chỗ chúng tôi cắm lều, cắm vịt, nước đã sắt lại một màu vàng u ám. Nhưng chúng tôi chẳng có chỗ nào để đi nửa, từ bờ bên kia của sông Bìm Bịp là vùng đệm cho những cánh rừng tràm lớn. Mùa nầy, người ta lấy nước từ tất cả những dòng sông nhỏ, các con kinh để bơm vào rừng chống cháy. Chúng tôi cũng không thể ngược sông Bìm Bịp băng qua vùng Kiên Hà, ở đó họ kiểm dịch thú y rất gắt gao. Và dịch cúm gia cầm nghe đâu còn bùng phát khắp đồng bằng”. Ở đây, Nguyễn Ngọc Tư không đi sâu vào tả những hoàn cảnh cùng cực của người nông dân nhưng thông qua miêu tả điều kiện khắc nghiệt của tự nhiên đã làm nổi bật được sự nghèo khó của những người nông dân quê mùa và sự bế tắc trong cuộc sống của hai chị em Nương và Điền.
Chiếc thuyền là tổ ấp của gia đình Út Vũ, là nơi chứng kiến những sự kiện đau lòng trong suốt cuộc hành trình bất tận của ba cha con Út Vũ, Nương và Điền. Vì muốn xóa bỏ những ký ức đau buồn về người vợ phụ bạc mà Út Vũ đã đốt nhà, sống kiếp thương hồ, lấy thuyền làm nhà, lang thang qua những cánh đồng chăn vịt. Nói là nhà thì cũng đúng, bởi nó là nơi cư trú của ba nhân khẩu, nơi che mưa, che nắng, sinh hoạt hằng ngày của gia đình Nương. Nói như lời Nương kể thì mấy ông thống kê đã lắc đầu ngao ngán khi chứng kiến “ chổ ở ngang mét hai, dài ba mét mốt cho ba nhân khẩu, điều tra thêm thì phương tiện nghe nhìn giải trí chỉ có cái radio trị giá mười bốn ngàn, nguồn nước sinh hoạt từ sông, thu nhập thì ờ vài ba triệu một năm, tùy vào ông trời….”, nó lại thiếu thốn, rách nát như tâm hồn của những người hàng ngày sống trên nó. “Cái ghe thấy nhỏ” nhưng với hai chị em sao lại rộng vô cùng. Thời gian lấn lướt qua đi, chúng nhận ra mình ngày cáng xa cha và giữa cuộc đời rộng lớn, chúng “phải tự mình học lấy cách sống”. Chúng vật vã giữa những cánh đồng vắng ngắt để sau đó biết cách xác định phương hướng bằng mặt trời, bằng sao, bằng gió, bằng ngọn cây… Có nhiều bài học, chúng phải đánh đổi bằng tánh mạng của mình.
Trong không gian chật hẹp của chiếc ghe là những bi kịch của chị em Nương và Điền khi chứng kiến những hành động trả thù tàn nhẫn, độc ác của người cha. Trước hết là hành động dưng dưng, độc ác với các con của mình, ông sẳn sàng đánh Nương chỉ vì lý do cô giống mẹ, giống với người đàn bà đã đang tâm phụ bạc ông. Ông vô cảm, lạnh lẽo đối với cả hai chị em, xem chúng như là gánh nặng, là tàn tích đau buồn mà vợ đã để lại cho ông. “ Có lần, khi đi trên sông, thằng Điền giả đò té chìm nghỉm mất tăm, tôi giả đò kêu la chói lói, cha hơi hốt hoảng, dợm lao xuống nước, nhưng rồi cha điềm nhiên ngồi lại , tiếp tục gọt đẻo…” Nỗi thù hận đã khiến ông quên hết lòng yêu thương, bỏ mặc các con tự bươn chải trong cuộc sống. Trái tim ông đã bị chai sạm, vô cảm, mất hết tình yêu thương nhưng “ Chúng tôi biết khó đòi hỏi gì hơn nửa, chỉ một chút xao lòng của cha là mừng lắm rồi. Cha giống như đồ vật bằng gốm vừa qua cơn lửa lớn, vẫn hình dáng ấy nhưng đã rạn nứt, nên chúng tôi chỉ dám đứng xa mà nhìn, mủ mỉ, nâng niu, nếu không thì vỡ mất”.
Nỗi hận bao vây lấy trái tim ông khiến ông trở nên lạnh lùng, đáng sợ. Nhưng nó dày vò trái tim ông hơn ai hết. Ông đến với những người đàn bà, ông khiến họ hạnh phúc dù là ngắn ngủi nhưng niềm hạnh phúc kia chưa bao giờ đến với ông. Ngay cả đối với Sương, người đàn bà đã chấp nhận hy sinh vì ông để cứu lấy cái gia tài duy nhất là bầy vịt chạy đồng cũng bị hắt hủi không thương tiếc. Sự hy sinh của Sương cũng trở nên vô nghĩ trước thái độ bất cần đến độc ác của Út Vũ. Lời nói tự nhiên nhưng chất chứa nhiều hàm ý của Sương đã nói lên tâm trạng đau đớn của chị: “ Má cưng ác một nhưng người cha này của cưng ác tới mười.” Người vợ phụ tình đã để lại trong ông một vết thương quá lớn, quá sâu sắc và nỗi hận trong ông làm cho vết thương ấy thêm rộng và sâu hơn. Ông dùng nỗi tuyệt vọng, đau khổ của những người đàn bà nhằm chữa trị vết thương của mình, nhưng chúng chỉ làm ông thêm đau đớn. “ Mỗi lần cha nhìn đăm đăm và mỉm cười với một người đàn bà mới, chúng tôi lại thắt thẻo. Thêm mối tình đau trước cả ngày thứ nhất mà chị em tôi không cách nào ngăn được). Tôi có cảm giác cha quắm lấy người ấy vùi mặt vào da thịt, ngấu nghiến mà lòng cha lạnh ngắt. Thằng Điền cay đắng: “ Cha làm chuyện đó thì cũng giống như mấy con vịt đạp mái….”. Vết thương ấy không những không lành mà lại tạo điều kiện cho một vết thương khác hình thành, vết nứt tình cha con. Sự ra đi của Điền quá bất ngờ đối với người cha. Chỗ trống mà Điền để lại như một lời cảnh tỉnh, khiến từ trong góc khuất trái tim ông, tình cha con lên tiếng chống lại sự thù hận. quá nhiều năm bỏ rơi con cái, một hố sâu quá lớn đã ngăn cách ông và con. Hố sâu bao nhiêu năm qua làm sao dễ dàng hàn gắn. Điều đó khiến ông càng đau khổ hơn.
Cánh đồng cũng là nơi kết thúc bi kịch của người cha và mở ra một tương lai mới cho cuộc sống của Nương. Trên cánh đồng người cha đã chứng kiến cánh bọn côn đồ thi nhau làm nhục đứa con gái thương yêu của mình. Ông cảm thấy bất lực và ngạc nhiên khi thấy con gái mình dù trong lúc nguy nan nhất lại không cầu cứu mình mà chỉ nhắc đến Điền- đứa con trai đã bỏ ông đi mất. “ Điền! Điền ơi !” tiếng kêu của đứa con gái như thức tỉnh trong ông lương tri, tình yêu thương mà ông đã từng đánh mất. Sự bất lực của ông khi chứng kiến đứa con gái tội nghiệp của mình bị làm nhục như là một sự trả giá cho hành động ruồng bỏ những người đàn mà ông đã từng gặp trên đường phiêu bạt: “ Mắt cha tôi ầng ậc nước, tôi không rõ là phèn hay máu nhoèn nhoẹt. Thôi nghen, ông trời, như thế này là đủ rồi, đừng thêm nửa.” Ngay lúc đó, Nương hiểu rằng đâu đó trong lòng người cha vẫn là một tình cảm yêu thương, trìu mến đối với những đứa con của mình. Cảm giác đau đớn khiến Nương liên tưởng đến những đau đớn mà má mình đã gánh chịu khi ngoại tình với người đàn ông bán vải. Đó không phải là cảm giác thăng hoa sung sướng tột độ mà là sự đau khổ tột cùng. Sự liên tưởng khiến Nương cảm thấy hối hận với những hành động mà ngày xưa Nương và Điền đã đối xử với người mẹ tràn ngập trong tâm trí nàng: “ Trời ơi, tại sao tôi không nhận ra điều đó, ngay lúc ấy ( để giấu kín nỗi ám ảnh trong lòng, giả đò tươi cười với má, xem như không có chuyện gì, để chiều chiều cùng má ra sông, hỏi nhau, không biết chừng nào thì cha về).
Cánh đồng là nơi mở đầu cũng là nơi kết thúc những bi kịch trong gia đình của Nương bởi họ đã nhận ra sự hận thù chỉ đem lại cho bản thân những nỗi khổ đau. Dưới ánh mặt trời le lói trên cánh đồng nỗi sợ hãi về sự ra đời của một sinh linh nhỏ bé tràn ngập trong tâm trí Nương nhưng một ý nghĩ tươi sáng hơn cũng đã dần hình thành hướng nàng đến một cuộc sống mới. Phải ! “ Đứa bé không cha nhưng chắc chắn được đến trường, sẽ tươi tỉnh và vui vẻ sống đến hết đời, vì được mẹ dạy, là trẻ con đôi khi nên tha thứ lỗi lầm của người lớn”.
4. Kết luận
Cánh đồng bất tận đã khép lại nhưng những suy nghĩ miên man về cuộc đời, về kiếp người phiêu bạt sao cứ mãi “ám ảnh” lấy người đọc? Bằng giọng văn đậm chất Nam Bộ, nhẹ nhàng mà sâu lắng, Nguyễn Ngọc Tư đã khắc họa thành công về những con người đáng thương, suốt đời lam lũ nơi đồng ruộng hoang vu, về những suy tư trong lòng họ, về cách họ làm để tìm quên quá khứ, tìm quên thực tại đau khổ, để rồi vượt qua chúng và tiếp tục cuộc hành trình của mình với niềm tin bất diệt vào cuộc sống. Câu chuyện tưởng chừng đơn giản nhưng ẩn sau những dòng văn ấy là cả một triết lí sâu sắc mà nhà văn muốn nhắn gửi đến người đọc: Dù trong hoàn cảnh nào cũng nên lạc quan, tin yêu vào cuộc sống. Bởi đêm tối rồi sẽ qua đi, ánh dương rồi lại sẽ soi rọi muôn nơi, và đôi khi cần phải biết tha thứ để lòng được nhẹ nhàng hơn.