DANH SÁCH BÀI VIẾT

Monday, June 27, 2011

NÉT MỚI CỦA NGÔN NGỮ THƠ SAU NĂM 1975


  1. Tính chất của ngôn ngữ thơ
Ngôn ngữ giữ một vị trí đặc biệt quan trọng trong thơ ca. Đó vừa là tiếng nói chân thực, giàu có của đời sống hiện thực, vừa là tiếng nói bay bổng của trí tưởng tượng diệu kỳ, lại vừa là tiếng nói tình cảm của con tim đang xúc động. Chiều sâu của sức suy nghĩ, tính chất mẫn cảm và tinh tế của sức sáng tạo, những trạng thái rung động của tâm hồn … tất cả, tất cả chỉ có thể đến được với người đọc thông qua vai trò của ngôn ngữ” [361; 2]. Ngôn ngữ thơ ca là sự biểu hiện tập trung nhất của tính chính xác và tinh tế, giản dị và mỹ lệ.
Ngôn ngữ thơ phải chính xác và tinh tế. Trong một câu thơ, một bài thơ chỉ cần một cách nói chưa thật sát, thật đúng, một chữ dùng tùy tiện đã làm giảm đi nhiều cảm xúc thẩm mĩ đối với bài thơ. Thơ là tiếng nói của tình cảm, đến với người đọc bằng con đường tình cảm, cho nên ngôn ngữ thơ không thể trần trụi, thô thiển mà phải gợi cảm, hàm súc, nói ít gợi nhiều. Điều đó đòi hỏi nhà thơ phải có sự tìm tòi công phu, cân nhắc kĩ lưỡng, chọn lọc, sáng tạo. Nói như tác giả Maiacôpxki:
Nhà thơ trả chữ
                        với giá cắt cổ
Như khai thác
                        chất hiếm rađium
Lấy một gam
                        phải mất hàng năm lao lực
Lấy một chữ
                        phải mất hàng tấn quặng ngôn từ
và một chữ ấy “phải làm cho đau đớn – Triệu trái tim trong hàng triệu năm dài” (Raxun Gamzatốp). Ngôn ngữ của cuộc đời thường là một loại quặng còn lẫn tạp chất, nhà thơ làm công việc của người tinh luyện loại bỏ những chất thừa thải để đúc kết lại thành một thứ kim loại hoàn hảo hơn, đủ sức lóng lánh phản chiếu tâm hồn.
Ngôn ngữ thơ cần có sự giản dị và mỹ lệ. Sự giản dị và mỹ lệ của ngôn ngữ thơ xuất phát từ đòi hỏi của cuộc sống và từ yêu cầu của nghệ thuật. Cuộc sống đòi hỏi thơ phải bén rễ vào đấy để mà lớn lên vì rằng thơ nếu thiếu cuộc sống thì thơ sẽ không thành, cuộc sống nếu thiếu thơ thì cuộc sống sẽ mất đi thi vị. Còn nghệ thuật thì không chấp nhận những điều tầm thường, giả dối nên ngôn ngữ thơ phải đạt đến mức trong sáng, đồng thời còn phải có khả năng gợi cảm, gợi tả, gợi lên cho người nghe, người đọc những liên tưởng và để lại trong lòng người đọc dấu ấn đậm đà. Mặt khác, nói đến tính mỹ lệ là nói đến mức độ cao nhất của sự sáng tạo không thể thay thế được, không thể làm khác đi, không thể nói khác hơn nữa. Nhà thơ Đỗ Trung Quân đã từng viết:
Hôm nay … đã bao lần dừng chân trên phố quen
Ngã nón đứng chào xe tang qua phố
Ai mất mẹ? Sao lòng anh hoảng sợ
Ngày tháng kia bao lâu nữa của mình?”
(Mẹ)
Vẫn đề tài quen thuộc, vẫn những từ ngữ giản dị nhưng qua cách kết hợp diễn đạt của Đỗ Trung Quân, đoạn thơ đạt được sự mỹ lệ không chỉ vì ngôn ngữ thơ mà cả về nội dung ý nghĩa.
Nhà thơ là người giữ gìn và phát huy vốn tài sản quý của Tiếng Việt. Vấn đề ngôn ngữ trong thơ ca của từng tác giả phụ thuộc vào phong cách sáng tạo của từng nhà thơ và thời đại mà thơ ra đời. Tìm hiểu phong cách của một tác giả không thể nào bỏ qua ngôn ngữ được tác giả sử dụng trong tác phẩm. Tìm hiểu đặc trưng nghệ thuật của một giai đoạn văn học thì ngôn ngữ là một trong những yếu tố quan trọng.
Nếu thiếu thi sĩ thì quặng ngôn ngữ của cuộc đời sẽ thiếu đi người gạn lọc. Nếu thiếu quặng ngôn ngữ cuộc đời thì thi sĩ không thể làm thơ. May mắn thay thi sĩ vẫn luôn có cho muôn người và quặng chữ của cuộc đời thì vẫn muôn đời dành tặng cho thi sĩ. Thứ kim loại được tinh luyện trên từng giai đoạn của thơ ca Việt Nam lấp lánh ánh sáng riêng và rất đặc trưng.
2. Một vài đặc điểm của ngôn ngữ thơ Việt Nam qua các giai đoạn từ năm 1900 đến 1975
2.1. Giai đoạn 1900 - 1930
Văn học Việt Nam giai đoạn 1900-1930 đã tiếp thu thành tựu của Văn học trung đại trong việc tạo dựng hệ thống ngôn ngữ nghệ thuật. Ngôn ngữ thơ ca giai đoạn 1900 – 1930 một mặt vẫn kế thừa những tinh hoa của thơ ca các giai đoạn trước, mặt khác có sự cách tân và phát triển. Ngôn ngữ trang trọng, cổ kính, mực thước vẫn còn được sử dụng trong thơ của các nhà Nho và một số tác giả như Đoàn Như Khuê, Đông Hồ, Tương Phố,… Những chữ cổ đượm màu xưa ấy thích hợp để gợi lên một nỗi buồn đau tê tái:
Chăn gối cùng nhau những ấm êm
Bỗng làm ngọc nát bỗng châu chìm
Đầm đìa giọt thảm khăn nồng thắm
Lạnh lẽo đêm khuya giấc mộng tim…”
(Khóc Linh Phượng – Đông Hồ)
Chữ Hán, chữ Nôm vẫn được dùng làm phương tiện sáng tác, song chữ quốc ngữ ngày càng chiếm ưu thế. Sự phổ biến của chữ quốc ngữ vào những năm đầu thế kỉ đã đặt nền tảng cần thiết cho việc xuất hiện những điểm mới trong ngôn ngữ văn học viết nói chung và trong thơ ca nói riêng. Việc đưa lời ăn tiếng nói của đời sống phong phú vào trong thơ ngày càng trở nên rộng rãi. Từ thơ của Phan Bội Châu cho đến thơ của Tản Đà những từ ngữ mộc mạc, dân dã đã được dùng một cách tự nhiên, chân thực và đằm thắm:
Vẫn là túng thiếu lại nghê ngưu
Tiền đã không trơn rượu cứ vò!”
(Uống rượu dưới trăng – Phan Bội Châu)
Quái lạ làm sao cứ nhớ nhau
Nhớ nhau đằng đẵng suốt đêm thâu
(Tương tư – Tản Đà)
Các thể loại quen thuộc như lục bát, song thất lục bát, thất ngôn Đường luật vẫn thịnh hành nhưng từ ngữ bớt phần uyên bác, câu chữ sáng rõ, dễ hiểu, dần thoát khỏi niêm luật gò bó. Lớp từ Hán Việt vẫn được sử dụng bên cạnh lớp từ thuần Việt nhưng lớp từ thuần Việt dần phát triển mạnh và phát huy hiệu quả nghệ thuật. Đối với những bài thơ được các nhà Nho dùng làm vũ khí hữu hiệu cho cuộc đấu tranh cách mạng thì từ ngữ càng dễ hiểu, chan chứa tình cảm đồng bào, cháy bỗng nhiệt tình cách mạng:
Thưa các cô các cậu lại các anh
Đời đã mới người càng nên đổi mới
Mở mắt thấy rõ ràng tân vận hội
Xúm vai vào xốc vác cựu giang san       
(Bài ca chúc Tết thanh niên – Phan Bội Châu)
Cấu trúc câu thơ được mở rộng, vượt ra khỏi niêm luật chặt chẽ của thơ ca truyền thống, tiêu biểu là thơ của Tản Đà – nhà thơ của sự “phá cách vứt điệu luật”:
Ôi trời! Ôi đất! Ôi là Tết!
Tháng cận năm cùng, gạo cũng hết
(Than Tết - Tản Đà)
Hình ảnh trong thơ giai đoạn 1900 – 1930 gần với cuộc đời thực. Đó là vẻ đẹp của quê hương xứ sở trong thơ Tản Đà, là cảnh gánh nước đêm, cảnh anh khóa đi, anh khóa về trong thơ Á Nam Trần Tuấn Khải,…
Như vậy, “từ những bài thơ chữ Hán đầy rẫy những cảnh tuyết, mai, thông, cúc, những điển tích lặp đi lặp lại với niêm niêm, luật luật đến thơ quốc ngữ giản dị, dễ hiểucó tính cách An Namlà một bước ngoặt có tính cách mạng”.
2.2. Giai đoạn 1930 – 1945
Phong trào Thơ Mới được xem như dấu son đậm trên bước chuyển vào thời kỳ phát triển mới của thơ ca Việt Nam hiện đại. Đánh giá thành tựu của Thơ Mới, tác giả Vũ Tuấn Anh viết: “Thơ Mới đã đóng vai trò to lớn, có thể nói làdứt điểmtrong việc nâng quốc ngữ đạt đến trình độ ngôn ngữ nghệ thuật thi ca. Thơ Mới đã làm được một công việc to lớn: chuyển toàn bộ tinh hoa của thơ dân tộc và ngôn ngữ dân tộc cập bến hiện đại” [268; 6].
Các nhà Thơ Mới với ý thức cá nhân và sức mạnh của tiếng nói nội tâm đã tìm đến những câu chữ thích hợp để diễn tả đúng những rung động tinh tế của tâm hồn một cách sinh động nhất. Tiếng Việt vốn đã phong phú, giờ đi vào thơ càng phong phú hơn. Tiếp thêm ảnh hưởng của văn hóa, văn học Pháp làm ngôn ngữ thơ thêm đa dạng. Nó có cái dư vị ngọt ngào của ca dao, có âm hưởng trầm lắng của thơ Đường, có tiết tấu âm vang của những con chữ biết hát ca trò chuyện, của những sắc màu rộn rã kiểu thơ ca Pháp.
Thế Lữ thoát lên tiên, Lưu Trọng Lư mơ màng, Xuân Diệu say sưa trong trường tình,… bởi thế các nhà thơ ấy cần một ngôn ngữ gợi cảm, giàu hình ảnh, nhạc điệu, lôi cuốn say mê. Thi sĩ thời ấy không chỉ miêu tả bằng thị giác, bằng thính giác mà còn bằng tâm hồn, bằng tâm trạng, do đó những từ biểu cảm, những tính từ, định ngữ,… xuất hiện rất nhiều trong thơ:
Những luồng run rẩy rung rinh lá
Đôi nhánh khô gầy xương mỏng manh
(Đây mùa thu tới – Xuân Diệu)
Rơi rơi dìu dịu rơi rơi
Trăm muôn giọt nhẹ nối lời vu vơ
(Buồn đêm mưa – Huy Cận)
Từ vốn từ ngữ của đời sống được các nhà thơ kết hợp sử dụng trở nên mới lạ và có khi rất táo bạo:
Ta khạc hồn ra ngoài cửa miệng
Cho bay lên hí hửng với ngàn khơi
(Say trăng – Hàn Mạc Tử)
Hệ thống từ ngữ mới mẻ, ấn tượng và giàu sức gợi đã diễn tả đúng những sắc thái của cảm xúc lãng mạn ở các nhà thơ, cảm xúc của tình yêu đợi chờ rồi thất vọng, cảm xúc mãnh liệt đắm say cuộc đời rồi cũng mau chóng rơi vào cô đơn, chán chường, tuyệt vọng.
Những hình ảnh tượng trưng trong Thơ Mới khác với hình ảnh ước lệ trong “thơ cũ”. Nó là sự sáng tạo của thi nhân đương thời. Đó là hình ảnh con nai vàng ngơ ngác trong thơ Lưu Trọng Lư, là chiếc đảo hồn tôi bốn bề rợn ngợp trong thơ Xuân Diệu,… Bên cạnh việc tạo dựng hình ảnh, Thơ Mới còn sử dụng rộng rãi các biện pháp tu từ nhân cách hóa, so sánh, ẩn dụ,… Các tác giả rất chú trọng đến việc lựa chọn từ, kết hợp các thanh điệu để tạo hiệu quả nghệ thuật cao nhất cho thơ. Những dòng thơ Thâm Tâm viết với thanh trắc vút cao sau những thanh bằng đã để lại dư ba trong lòng người đọc:
Đưa người ta không đưa qua sông
Sao có tiếng sóng ở trong lòng
Bóng chiều không thắm không vàng vọt
Sau đầy hoàng hôn trong mắt trong
(Tống biệt hành)
Bên cạnh những thi nhân đi tìm từ ngữ và cách diễn đạt mới cho thơ thì một số nhà thơ vẫn sử dụng ngôn ngữ dân dã. Phải kể đến Nguyễn Bính – nhà thơ “chân quê”, tiếp đến là Anh Thơ, Bàng Bá Lân, Đoàn Văn Cừ, Nguyễn Nhược Pháp,…  Những nhà thơ ấy đã tạo nên một âm hưởng riêng cho thi đàn Thơ Mới. Ngôn ngữ thơ ở những sáng tác của họ giản dị, đậm đà màu sắc dân gian, dân tộc bởi hình ảnh của giậu mồng tơi, con bướm trắng, cảnh chợ Tết, cảnh trẩy hội chùa Hương,... đưa lòng người từ cõi tiên mơ mộng trở về với gió nội hương đồng.
Ngôn ngữ Thơ Mới lãng mạn rất gợi cảm, giàu hình ảnh. Tuy nhiên, do đặc trưng của nội dung Thơ Mới nên ngôn ngữ thơ chưa phải là tiếng nói khỏe khoắn sinh động của quần chúng mà mới chỉ là tiếng nói chải chuốt, thơ mộng, văn hoa, ít thể hiện về vấn đề xã hội của các nhà thơ lãng mạn xa rời đời sống hiện thực. Chỉ có bộ phận Thơ Mới Cách mạng trong giai đoạn này với những tác giả tiêu biểu như Hồ Chí Minh, Tố Hữu,… thì ngôn ngữ thơ ca mới giàu sinh lực biểu hiện và mang đầy đủ chất khỏe khoắn và giàu có của tiếng nói đời sống. Điều này được tiếp tục thể hiện và phát triến ở các giai đoạn sau.
2.3. Giai đoạn 1945-1954
Thời kỳ đầu, thơ kháng chiến còn ảnh hưởng ngôn ngữ thơ cũ, còn sử dụng ngôn ngữ bác học như bụi trường chinh, áo hào hoa, kinh thành, biên cương, thây rơi,…nhưng trên cơ sở kế thừa và tiến xa hơn, ngôn ngữ thơ kháng chiến gần gũi với tất cả mọi người dân Việt Nam. Thơ kháng chiến đã dần gạt bỏ được sự cầu kỳ, kiểu cách để tìm đến và tiếp nhận được sự phong phú của ngôn ngữ trong đời sống, với cuộc chiến đấu của nhân dân ta. Chính điều đó đã tạo cho thơ có khả năng tác động mạnh mẽ hơn đối với tình cảm, nhận thức của người đọc. Những bài thơ như Nhớ- Hồng Nguyên, Bài Ca vỡ đất- Hoàng Trung Thông, Viếng Bạn- Hoàng Lộc,…đã phần nào thể hiện được điều đó.
Khi thơ ca thực sự là tiếng nói và vũ khí tinh thần của quần chúng cách mạng, gắn bó chặt chẽ với hiện thực đấu tranh của xã hội thì ngôn ngữ thơ giàu sức biểu hiện, sức khỏe khoắn và giàu có của tiếng nói đời sống. Đặc biệt ngôn ngữ thơ giàu nhạc điệu truyền thống hơn như trong các tác phẩm Đêm nay Bác không ngủ- Minh Huệ, Việt Bắc- Tố Hữu, Đất nước- Nguyễn Đình Thi, Thăm lúa- Trần Hữu Thung,…
Ngôn ngữ thơ kháng chiến có những biến đổi mạnh mẽ so với ngôn ngữ thơ trước cách mạng tháng Tám. Ngôn ngữ thơ giai đoạn này gắn với hiện thực xã hội bấy giờ và sự chín chắn trưởng thành của nhiều nhà thơ. Đặc biệt cái tôi trữ tình trong thơ kháng chiến vừa giãi bày tâm tư tình cảm, vừa gắn bó giữa cái tôi và cái ta chung nên ngôn ngữ đậm lối xưng hô có tính chất cái chung to lớn như chúng tôi, chúng ta, ta, anh,… mà cũng rất đổi giản dị, thân thương, quen thuộc.
Chúng tôi đi nhớ nhất câu ni
Dân chúng cầm tay lắc lắc…
(Nhớ- Hồng Nguyên)
Chúng ta đoàn áo vải
Sống cuộc đời rừng núi bấy nay…
(Bài ca vỡ đất-  Hoàng Trung Thông)
Áo anh rách vai
Quần tôi có nhiều mảnh vá
Miệng cười buốt giá
Chân không giày…
(Đồng Chí- Chính Hữu)
Có thể bắt gặp khá phổ biến trong thơ với những từ ngữ thể hiện cách nói mang tính khẩu ngữ, sử dụng nhiều từ địa phương gần gũi với lời ăn tiếng nói hằng ngày. Điều đó không làm mất đi tính hàm súc mà làm cho thơ trở nên giản dị, trong sáng hơn.
Đồng chí nứ vui vui
Đồng chí nứ dạy tôi dăm tối chữ
Đồng chí mô nhớ nữa
Kể chuyện Bình Trị thiên
Cho bầy tôi nghe ví
(Nhớ- Hồng Nguyên)
Mưa phùn ướt áo tứ thân
Mưa bao nhiêu hạt thương bầm bấy nhiêu
(Bầm ơi- Tố Hữu)
Bên cạnh đó, địa danh được sử dụng rộng rãi trong thơ. Chưa bao giờ mật độ địa danh xuất hiện nhiều như thế. Bởi địa danh nó không chỉ còn là nơi quen thuộc gắn bó mà còn chất chứa những vẻ đẹp, niềm vui, nỗi đau hay kỷ niệm của mỗi người. Điều này có thể thấy qua một số tác giả tiêu biểu như Trần Mai Ninh, Tố Hữu, Xuân Diệu, Quang Dũng,…
2.4. Giai đoạn 1955- 1975
Ngôn ngữ thơ thời kì 1955 - 1975 xuất phát từ ngôn ngữ đời sống xây dựng chủ nghĩa xã hội và kháng chiến chống Mĩ của dân tộc. Do đó thơ thời kỳ này ngôn ngữ thể hiện đậm đà tính thời sự và tính chiến đấu. Cho nên, trong thơ xuất hiện một hệ thống từ ngữ mới mà ở thơ ca trước đó không có hoặc ít thể hiện. Như những lớp từ ngữ sinh hoạt, lĩnh vực chính trị, quân sự,…thể hiện nhiều trong thơ.
“ Đường ra trận mùa này đẹp lắm
Trường Sơn đông nhớ Trường Sơn tây.”
(Trường Sơn đông, Trường Sơn tây- Phạm Tiến Duật)
“Như hôm nay giữa công trường đỏ bụi
Những đoàn xe vận tải nối nhau đi.”
(Bài ca xuân 1961- Tố Hữu)
“Ba lô nằm đợi hành quân
Lá ngụy trang vẫn cài trên mũ.”
(Ngủ rừng theo đội hình đánh giặc- Nguyễn Đức Mậu)
“Cuộc đời trải mút mắt ta
Lối mòn nhỏ cũng dẫn ra chiến trường
Những người sốt rét đương cơn
Dấu chân bấm xuống đường trơn có nhòe?”
(Dấu chân qua trảng cỏ- Thanh Thảo)
 Trong nhiều tác phẩm thơ, việc sử dụng phong phú, đa dạng ngôn ngữ đã tạo nên sự gợi cảm, gợi lên sự liên tưởng rất cao của ngôn ngữ thơ thời kì này. Chính điều đó tạo nên sức rung động mạnh mẽ đến tình cảm và nhận thức mỗi người. Có thể nói, các nhà thơ ở những mức độ khác nhau đều có sự cố gắng lựa chọn, sử dụng một cách sáng tạo ngôn ngữ thơ để góp phần tăng thêm hiệu quả nghệ thuật, tạo cho thơ mình có được vẻ đẹp riêng và sức hấp dẫn sâu bền đối với người đọc.  
 Những ngọn đèn không bao giờ nhắm mắt.”
(Ngọn đèn đứng gác - Chính Hữu)
“Tối: tắc kè ném lưỡi vào đêm.”
(Nhật k í- Hoàng Nhuận Cầm)
Bước dài như gió lay thành chuyển non.”
(Tiếng hát sang xuân - Tố Hữu)
“Khoảng trời lửa khói nhìn qua vai đồng đội
Rơi xuống dần theo những giọt mồ hôi.”
(Bầu trời trên đỉnh dốc - Hoàng Nhuận Cầm)
Có thể thấy rằng, ngôn ngữ giữ một vị trí đặc biệt trong thơ ca. Đó vừa là tiếng nói chân thật của đời sống tình cảm vừa là tiếng nói hiện thực cuộc sống. Việc chọn lọc ngôn từ sao cho súc tích, cô đọng đi đôi với việc khám phá ra từ mới là công việc quan trọng trong sáng tạo nghệ thuật. Việc vận dụng từ mới và sử dụng từ một cách sáng tạo mà thơ ca Việt Nam giai đoạn 1945-1975 thể hiện đã góp phần tạo nên sự độc đáo, hấp dẫn, tạo nên một trong những nét riêng trong sự hiện đại hóa văn học Việt Nam.
3. Sự biến đổi ngôn ngữ thơ sau năm 1975
Khi phong trào Thơ Mới nở rộ, “nàng thơ” khoác lên mình những “bộ cánh” kiêu sa, lộng lẫy. Đến Cách mạng tháng Tám 1945 và đi vào hai cuộc kháng chiến, thơ đẹp màu áo lính. Rồi từ năm 1975 trở đi, hòa bình, “nàng thơ” trở về với cuộc sống bình thường với lo toan, tính toán, khó khăn và cả những lam lũ. Sau năm 1975, những thế hệ nhà thơ đã trưởng thành từ các giai đoạn trước vẫn lặng lẽ và bền bĩ trong tìm tòi và sáng tạo, bên cạnh là một lớp nhà thơ trẻ nhiệt tình và hăng say trong học tập và thể hiện. Tất cả cùng dấn mình hòa nhập vào cuộc sống thường nhật của những cá thể bé nhỏ trong cộng đồng. Thời đại mới mang đến cho nhà thơ nhiều cái mới và cũng yêu cầu người nghệ sĩ phải có cách nhìn, cách cảm, cách nghĩ, cách diễn đạt mới. Ngôn ngữ thơ từ đó có sự đổi mới.
3.1. Ngôn ngữ đậm chất đời thường và cảm xúc đời thường
            Nhà thơ Nguyễn Duy từng nói rằng: “Làm thơ mộng mơ là kiểu làm thơ của thời xa xưa, thời mà người ta thiếu thốn quá, nên nghĩ tới một chén rượu ngon, một miếng ăn ngon; ở cõi trần tục này gian khổ quá, người ta nghĩ đến một thế giới huyền ảo. Thơ bây giờ tồn tại trong hiện thực, cũng như thơ ngày càng gần với ngôn ngữ đời thường, ngôn ngữ văn xuôi chứ không tách ra giữa ngôn ngữ đời thường với ngôn ngữ thơ làm hai thế giới khác. Chuyện đó là của thời qua rồi”. Sau năm 1975, đất nước hòa bình, cuộc sống mới đặt ra nhiều vấn đề thiết thực. Để nói, để viết cho hết, cho đúng cái thực tại ấy, các nhà thơ cần đến tiếng nói của đời thường. Đó cũng là lí do để các tác giả có ý thức đưa ngôn ngữ đời thường vào thơ.
Trước hết là cách nói dân gian được nhiều nhà thơ sử dụng khiến cho thơ vừa dễ nhập vào người đọc, vừa có khả năng tạo nên tiếng cười trong thơ. Tiêu biểu cho cách nói này là nhà thơ Nguyễn Duy. Thơ Nguyễn Duy có những “kiểuxẩm ngọngvà giọng điệubụi bậmđã khiến cho thơ trở nêntếu táohơn và cũng gần gũi với người đọc hơn” [385; 5]. Lời nói thông tục được tác giả đưa vào lục bát:
Ối giời ơi … nõn nà sao
Bàn chân lóng ngóng đặt vào nơi đâu
Trắng tinh - trắng toát - trắng phau
Ngó qua thấy đẹp ngắm lâu rợn người.
(Trắng … và trắng…)
Những từ láy trong thơ Nguyễn Duy cũng đặc biệt: “Đàn kêu tinh tỉnh tình tinh”, “Đàn kêu tang tảng tàng tang” (Xẩm ngọng),…. Những từ láy ba, láy tư được dùng theo kiểu riêng của Nguyễn Duy như một điểm nhấn của ngôn ngữ đời thường trong thơ sau năm 1975. Cách thời đại Nguyễn Duy gần một thế kỉ, có một nhà thơ cũng đưa từ láy ba, láy tư vào thơ:
Quyên đã gọi hè quang quác quác
Gà rừng gáy sáng tẻ tè te.
(Nguyễn Khuyến)
Nhưng ở thời đại của Nguyễn Khuyến những từ ngữ ấy được xem như một bước đột phá để vượt lên tính khuôn mẫu, quy phạm của thể luật đường. Còn cách dùng từ theo kiểu của Nguyễn Duy nói riêng và của nhiều nhà thơ khác nói chung là góp phần chứng minh thêm tính đa dạng, phong phú và khả năng phát huy của lời ăn tiếng nói nhân dân. Ngôn ngữ thơ giai đoạn này hướng đến sự giản dị, không cầu kỳ kiểu cách, với một hệ thống từ ngữ có sắc thái đời thường, gần gũi với cuộc sống con người:

…….Buồn không mang comlê không đợi chờ ai
Mắt là hổ phách
Đẹp dữ tợn.
………
( Buồn- Nguyễn Bình Phương)
            Nhiều từ ngữ, hình ảnh được sử dụng trong thơ sau năm 1975 mang đậm tính thời đại. Các tác giả đưa vào thơ những hình ảnh, từ ngữ mà ở trong đời sống nó được xem như là dấu hiệu của một xã hội mới – xã hội hiện đại hóa. Thơ Phùng Khắc Bắc có hình ảnh một đôi trai gái đèo nhau bằng “xe Điamang”, với “quần Zin”, “áo PHÔNG sáng lòa”; mặt cô bé đẹp hơn “cô MINH TINH”,… Chế Lan Viên ghi nhận thế giới bấy giờ là thế giới của “xe cúp, tivi, phim màu ngũ sắc”, “của quyền lực, tuổi tên, đốp chát”,… Còn trong thơ Tố Hữu, tác giả nhắc đến “Giống bò Hà Lan, Thụy Sĩ - Trại mới xây hiện đại nhất thời” “Hãng roi-tơ – Bánh mỳ mít tơ”,… và còn nhiều nhà thơ với nhiều những hình ảnh, từ ngữ như thế. Có thể với những người thích đọc những câu thơ nõn nà, óng ả thì những từ, những ngữ, những hình ấy được xem là thô, là không êm tai nhưng với những độc giả bắt nhịp được với sự vận động của thơ ca thì nó giúp người đọc nhận ra thời đại qua dấu hiệu của từ ngữ và hình ảnh. Cũng nhờ những dấu hiệu trong thơ mà người đọc thơ Tú Xương sáng tác cách đấy hơn thế kỉ đã phần nào hiểu được sự xâm thực của thực dân Pháp vào mọi mặt của đời sống. Đó là những câu thơ Đường cũng 7 chữ đấy nhưng lại là từ ngữ Tây nghe rất lạ: “Cống hỉ, mét – xì, Tây hẩu lố”. “Thơ ca trước hết là cuộc đời” mà cuộc đời ở cuối thế kỉ của Tú Xương ngày xưa và của những nhà thơ hiện đại ngày nay đều có những bước chuyển làm thay đổi nội dung và nghệ thuật thơ ca trong đó có ngôn ngữ thơ.
Cuộc sống hôm nay với nhiều màu sắc phong phú và sự phối màu cuộc sống cũng phức tạp hơn rất nhiều so với giai đoạn trước đó. Bởi vậy, trong thơ sau năm 1975 có rất nhiều từ được dùng để gọi cuộc đời với tính chất của nó ẩn đằng sau từng con chữ. Đó là chợ đời, nợ đời, chợ tình trong thơ Trần Mạnh Hùng, là cái khôn – cái dại, cái ngắn – cái dài, cái rộng – cái hẹp, cái dở - cái hay trong thơ Lương Quy Nhân, … Những chữ ấy dẫu chưa ở trong thơ cũng đã nghe ra được một chút gì chua xót, một nỗi băn khoăn, một sự đắn đo lựa chọn, một nỗi e ngại trước những biến đổi đang diễn ra trước mắt. Trong thơ sau năm 1975, người đọc còn nhận thấy một loại từ diễn tả tính chất ăn năn, hối hận của bản thân con người: tôi sững sờ, tôi hốt hoảng, tôi day dứt, tôi nhận biết, tôi ngỡ, tôi đâu biết, chợt thấy mình có lỗi, bỗng tôi chợt thấy rằng, xin cúi đầu,…:
Tôi sững sờ
Gặp lại dáng mẹ tôi quạt thóc
Bên đường hai mươi năm về trước
(…)
Từ bàn tay của má
Thổi vào hồn tôi những ngọn gió buồn
Thổi vào hư không một luồng gió gắt
Thổi vào cuộc đời bao điều day dứt.”
(Má quạt thóc bên đường – Dương Kỳ Anh)
Những từ ngữ đã gợi tả sự thức tỉnh trước những bi kịch bản thân, xoáy vào nỗi buồn sâu thẳm, vào những đớn đau, vào những cái nhức nhối. Nó đã góp phần thay đổi giọng điệu thơ sau năm 1975, giọng thơ có sự pha lẫn niềm ngậm ngùi:
Mới bình minh đó đã hoàng hôn
Đang nụ cười tươi bỗng lệ tuôn
Đời thường sớm nắng chiều mưa vậy
Khuấy động lòng ta biết mấy buồn.
(Một tiếng đờn - Tố Hữu)
và cay đắng:
Và tôi hóa kẻ nhầm – sai - khờ - dại
Vỗ tay, tôi bỗng sững sờ
Bởi yêu người đã dối - lừa - được tôi!”
(Xem ảo thuật – Thúc Hà)
và ngỡ ngàng:
“Ngẫu nhiên em ra đời giọt trời rơi xuống
không hề ký tên hợp đồng làm người
Giọt yêu cũng ngẫu nhiên đến từ trời
không đề cương không kịch bản không dự báo thời tiết…”
(Giọt trời- Nguyễn Duy)
Bên cạnh đó, ngôn ngữ thơ sau 1975 thể hiện những vấn đề về tính dục. Sự xuất hiện của nội dung sex trong thơ ở giai đoạn trước không phải không có nhưng được diễn đạt bằng những hình ảnh bóng bẩy, tượng trưng,…Còn ở giai đoạn sau những bài thơ có nội dung sex lại đậm đặc từ ngữ “trần trụi”. Có những bài thơ, từ ngữ trần trụi mang tính thẩm mĩ:
“Tất cả rồi dễ qua đi, qua đi
Chúng mình sẽ thành chồng vợ
Nếu không có một lần
Một lần như đêm nay
Sau phút giây
Êm đềm trên ghế đá
Anh không cài lại khuy áo ngực cho em.”
(Tan vỡ - Dư Thị Hoàn)
 Tuy nhiên, có một số bài thơ gây ra sự phản cảm cho người đọc:
“Ðắm hai màu trắng-đen thân thể nàng
Một đêm cực diệu tinh khí anh tròn nơi bụng em Tương lai
Sư tử buồn của em !
Băng qua địa cầu bằng tiếng gầm kinh động
Núi vú lại cương lên sự sống
Những cặp chân khoá chặt nhau khước từ chân lý !”
(Sư tử buồn - Vi Thùy Linh)
Sự trở về với con người đa dạng, phức tạp, con người nội tâm sau năm 1975 còn mở ra cho con người khả năng đi sâu vào thế giới bên trong con người với những không gian tâm tưởng tương đối đặc biệt. Điều này sẽ mở ra kiểu ngôn ngữ tượng trưng trong thơ sau năm 1975.
3.2. Ngôn ngữ thơ đậm chất tượng trưng
Ngôn ngữ tượng trưng đã từng xuất hiện trong Thơ Mới với nhiều hồn thơ đại diện hết sức tiêu biểu và tinh anh như Bích Khê, Xuân Diệu, Hàn Mạc Tử, Chế Lan Viên, Huy Cận…Và sau Thơ Mới, nó còn xuất hiện với mật độ dày đặc, thậm chí rất khó hiểu trong thơ của nhóm Xuân Thu nhã tập. Phát triển trên việc kế thừa những giá trị truyền thống, ngôn ngữ tượng trưng trong thơ sau 1975 có nhiều nét mới so với các dòng thơ tượng trưng trong thơ Việt Nam trước đó.
Thơ Mới nói chung và thơ tượng trưng nói riêng chịu ảnh hưởng tư tưởng mĩ học phương Tây. Đó là quan niệm xem sự gia công nghệ thuật là việc không thể thiếu trong sự sáng tạo cái đẹp (tạo dáng bài thơ, dáng dấp câu thơ, những kết cấu âm thanh). Do đó, thơ tượng trưng thời này có nhiều bài thơ, câu thơ đọc lên rất hay, ám ảnh và gợi cảm nhưng người đọc không thể hiểu được nghĩa rõ ràng, chỉ có thể cảm nhận bằng trực giác một cách mơ hồ:
“…Ô hay buồn vương cây ngô đồng
Vàng rơi! Vàng rơi! Thu mênh mông.”
(Tỳ bà - Bích Khê)
                                    “Vì nghe nương tử trong câu hát
Đã chết đêm rằm theo nước xanh.”
(Nguyệt cầm - Xuân Diệu)
Thậm chí nhiều bài thơ, câu thơ trở thành một câu đố ngữ nghĩa đối với độc giả:
“Quỳnh hoa chiều đọng nhạc trầm mi
Hồn xanh ngát chở dấu xiêm y
Rượu hát bầu vàng cung ướp hương
Ngón hương say tóc nhạc trầm mi.”                                                                  (Buồn xưa - Nguyễn Xuân Sanh)
Điều quan trọng trong ngôn ngữ tượng trưng ở các nhà Thơ Mới là kết cấu âm thanh trong thơ. Tính nhạc được xem là điều kiện tiên quyết trong kết cấu ngôn ngữ thơ:
                                                “Vàng sao nằm im trên hoa gầy
                                                Tương tư người xưa thôi qua đây
Ôi! Nàng năm xưa quên lời thề
Hoa vừa đưa hương gây đê mê.”
(Tỳ bà – Bích Khê)  
Màu thời gian không xanh
Màu thời gian tím ngát
Hương thời gian không nồng
Hương thời gian thanh thanh.”
                                    (Màu thời gian – Đoàn Phú Tứ)
Nhìn về mặt tổng thể, sự phát triển của thơ Việt Nam sau 1975 có sự nối tiếp vấn đề con người cá nhân mà còn hình thức biểu hiện của Thơ Mới. Nhưng tồn tại bên trong nó là có sự khác biệt về văn hóa của mỗi thời đại. Nói cách khác, thơ tượng trưng trong giai đoạn mới này cơ bản vẫn theo kiểu tư duy nghệ thuật cũ nhưng mang nội dung, màu sắc của thời đại mới.
So với các nhà Thơ Mới, các nhà thơ tượng trưng hiện đại sau 1975 không còn quá coi nhạc tính là một yếu tố quan trọng bởi sự ảnh hưởng lớn của văn xuôi. Độ mờ nhòe, màu sắc lạ hóa của ngôn ngữ, hình thức đối thoại được nhân lên và chú ý nhiều hơn. Và dĩ nhiên, nội dung thơ giai đoạn này cũng chứa đựng những từ ngữ mới lạ miêu tả cuộc sống của những thập kỉ cuối thế kỉ XX, đầu thế kỉ XXI:
“Trên cánh đồng mênh mông, có không đặt ra nghi lễ bốn mùa
Tôi trở về tìm nơi không có tiếng người, không có bóng cây
Bền bỉ hơn sự lặng im, lưỡi cày từ tháng giêng thuở trước
Dựng lên những luống đất của cơn mơ, người lạ đến gieo trồng.”
(Độc thoại - Nguyễn Quang Thiều)
“Trắng mặt là tuyết rơi
Trắng lưng là tuyết đổ
Cái trắng địa đầu
                        nạt nộ
Họ đi triền miên
                       như tổ tiên
                                       điên
                                            rừng tiền sử
Hai chân sau
                  chung chiêng đứng thẳng vùng ẩn số
Hai chân trên
                  nghều ngào phôi chữ
                                                 một khai nguyên.”
(Địa đầu XXI – Lê Đạt)
“Chương trình yêu
                         phiếu đục thừa lỗ nhớ
Mạch loạn dòng
                       tâm lưỡng số u ơ
Tin phong nụ
                  nhụy niêm
                                 tình hóc khoá
Đèn mơ ngơ
                Xuân ớ
                         Ngã tư ờ.”
(Tình điện toánLê Đạt)
“Rồi một ngày con ngủng ngoẳng chết xuội
Hoá thòng lọng
Câu rút mi
Cái cuộc đời thớ lợ!
Cái cuộc đời của nợ!
Cứ dằn vặt chẳng xơ múi gì!
Phán xét ư? Xôm trò
Bởi cách gì chả đến lúc thế nào đó!
Cứ đưa họ ngủng ngoẳng lên đoạn đầu đài
Còn mi, mi vẫn lang thang
                       đeo tít mù ở chóp đuôi biện chứng
Dài ơi là dài
Ngủng ngà ngủng ngoẳng...”
(Con ngủng ngoẳng - Nguyễn Hữu Hồng Minh)
Một số nhà thơ đương đại theo khuynh hướng tượng trưng không muốn “vẽ truyền thần” trong thơ mà muốn qua chữ để có cách “nhìn nghiêng” về thế giới, muốn đi sâu vào những ú ớ của vô thức, muốn biểu đạt thế giới bằng những kí hiệu ngôn ngữ là chữ: “Tôi giản dị đồng nhất thế giới thơ vào chữ” (Trần Dần). Còn Lê Đạt chủ trương tỉnh lược từ ngữ tối đa để gia tăng tính biểu đạt của ngôn ngữ, buộc độc giả phải có “lỗ tai mới” khi đọc thơ:
“Vườn chôm chôm
                mùa khem thèm thòm trái cấm
Vui mồm lắp lẫn
                nhiều kinh kệ không quen
                Amen.”
(Khuyết điểm – Lê Đạt)
Đi xa hơn nữa, Dương Tường đề ra loại “thơ ngoài lời”, khước từ mọi hình thức biểu đạt của ngôn ngữ bằng cách xuất bản tập “Đàn” với những bài thơ không lời mà thay vào đó là sự hỗn độn của những mảng màu sắc. Theo ông, điều đó thể hiện mong muốn làm sao phải mở ra được những miền không gian liên tưởng bên ngoài những câu chữ cụ thể, điều mà đã từng xuất hiện trong thơ trên thế giới.  

Duong Tuong va Tho ngoai loi
Bài thơ Vũ trụ đàn của Dương Tường.
Duong Tuong va Tho ngoai loi
Bài thơ Đàn tâm đồ của Dương Tường.











Nếu Thơ Mới sáng tác theo tinh thần của Verlaire: “không gì quý hơn bài ca mờ xám, ở đó vừa chính xác lại vừa mơ hồ” và Flaubert: “mối quan hệ tất yếu, giữa từ chính xác và từ có tính nhạc” thì ngôn ngữ thơ tượng trưng đương đại khác hơn vì nó rất “trừu tượng và khó chính xác”.
Nhận xét về ngôn ngữ tượng trưng trong Thơ Mới, Hoài Thanh đã từng viết:“mới đầu thì cũng hay hay, nhưng lâu dần cơ hồ ngạt thở”. Đó cũng là cảm nhận chung của độc giả đối với loại thơ này. Với những cách tân của các nhà thơ tượng trưng đương đại, người đọc càng cảm thấy mù mờ hơn về “ý đồ nghệ thuật” của các nhà thơ này. Mặc dù có nhiều ý kiến trái ngược nhau về khả năng phát triển của loại thơ mang ngôn ngữ tượng trưng trong giai đoạn hiện nay nhưng theo chúng tôi, ý kiến của Giáo sư Hoàng Ngọc Hiến trong bài “Baudelaire - Chủ nghĩa tượng trưng và Thơ Mới” là một điều đáng quan tâm. Và cũng xin mượn lời của Giáo sư Hoàng Ngọc Hiến để thể hiện những băn khoăn của chúng tôi về tình hình thơ tượng trưng nói riêng và thơ Việt Nam đương đại nói chung: “Văn hóa thơ đơn sơ quá, cộng thêm sự tàn phá của văn xuôi, có thể đưa thơ đến chốn sơn cùng thủy tận, không ít tập thơ in ấn gần đây đã để lại ở tôi một cảm tưởng như vậy.”


3.3. Những hình thức cấu trúc ngôn ngữ đa dạng
Sau năm 1975, những cây bút đã mạnh dạn làm mới hình thức biểu hiện trong thơ. Cấu trúc ngôn ngữ trong một số bài thơ theo dạng khổ hai câu như Đồng dao cho người lớn của Nguyễn Trọng Tạo, Giọt trời của Nguyễn Duy, nhiều bài thơ của nhà thơ Lê Đạt…; khổ ba câu như rất nhiều bài thơ của nhà thơ Lê Thị Mây: Giọt lệ, Trao nhẫn, Im lặng, Nỗi buồn, Cây gai tàn, Đêm tối,…
Ngôn ngữ thơ sau 1975 có sự biểu hiện theo hướng tăng cường chức năng biểu đạt và mở rộng sự biểu đạt bằng cách sử dụng cấu trúc thơ. Nhiều bài thơ có cấu trúc lạ và việc sử dụng từ ngữ có gì đó trúc trắc, ít êm mượt tạo cho thơ thời kỳ này nhiều đặc sắc. Cấu trúc mới biểu hiện ở cách ngắt câu xuống dòng đặc biệt:
chia em một đời thơ
một lênh đênh
                                                                        một dại khờ
                                                                                                một tôi
                                                chỉ còn cỏ mọc bên trời
                                                một bông hoa nhỏ lặng rơi mưa dầm
(Chia - Nguyễn Trọng Tạo)
Cấu trúc thơ có sự đổi mới tạo nên sự chia cắt, ngắt khoảng của từ theo nhiều cách khác nhau tạo độ vang trong thơ và có thể diễn đạt nhiều điều chất chứa bên trong tâm hồn con người không thể giãi bày:
Mưa ngâu
đêm
nghe lâu
buồn thêm…
buồn thêm!
Cỏ trần gian
lắng im
an ủi
Thương tình yêu đắm say
mang tội
Thương con người dễ lầm lỗi
khổ đau…
(Buồn- Nguyễn Bình Phương)
Hình thức xuống thang, ngắt câu thành những đoạn ngắn nhằm lạ hóa khuôn hình sáu – tám hiện thời, trở thành “ngón chơi” của nhiều người.
Cùng với sự làm mới cấu trúc, khuôn khổ bài thơ là cách sử dụng hình ảnh mới lạ với những so sánh liên tưởng độc đáo:
Gió quả phụ dịu dàng
rời khỏi vòng tay của bình minh và cỏ
căng nhịp thở
sau nhiều ân ái sau đêm
(…)
cỏ
và bình minh run lên
li biệt với gió sau nhiều ân ái
sau đêm
(Gió quả phụ - Lê Thị Mây)
Nhà thơ Nguyễn Thị Kim Chi thì ví:
Sông làm thiếu nữ mùa nắng
Sông làm thiếu phụ mùa mưa
Một năm bốn mùa mười hai tháng
Sông chưa trai tráng được bao giờ.
(Viết tặng sông Hương)
Sự so sánh mang đến cho độc giả ấn tượng về sự làm lạ trong cách diễn đạt của nhà thơ. Và có những bài thơ vẫn với đề tài quen thuộc nhưng hình ảnh được nhà thơ chọn dùng trong thơ lại có giá trị sâu sắc, như bài thơ Mẹ và quả của Nguyễn Khoa Điềm:
Và chúng tôi, một thứ quả trên đời
Bảy mươi tuổi mẹ đợi chờ được hái
Tôi hoảng sợ ngày bàn tay mẹ mỏi
Mình vẫn còn một thứ quả non xanh
Điểm đáng chú ý về hình thức cấu trúc ngôn ngữ thơ sau năm 1975 là cách xếp đặt ngữ âm. Cách xếp đặt ngữ âm trong thơ giai đoạn này được tác giả Nguyễn Đăng Điệp ví như một “trò chơi”. Một số cây bút có nhiều bài thơ tiêu biểu cho cách tổ chức trò chơi ngữ âm này là Hoàng Hưng, Đặng Đình Hưng, Dương Tường, Lê Đạt,… Trò chơi ngữ âm trong thơ đã góp phần tạo nên sự thú vị cho người thưởng thức:
Mây may thu mắt thủy mặc đồ
Nét thảo biếc đậm mày quá khứ
Nắng nhạt bước thon hè tình sử
Jin xổ dài
            khăn chấm đỏ
                                    bụi mưa
(Thủy mặc – Lê Đạt)
Tuy nhiên, một khi quá lạm dụng, hình thức tổ chức ngôn ngữ này sẽ gây phản cảm, người đọc khó chấp nhận, như bài thơ sau của nhà thơ Dương Tường:
Noel lụa len len đêm tổ tông truyền
Hồ bờ len người len đèn len liễu loan mắt
Loen màu nhen răm răm gaine men

Em về phố lặng
Lòng đổ chuông
llềnh lluềnh nước
lli
lluâng
lloang llưng
llênh llinh lluông buông boong
ad lllibitum
(Noen 1)
4. Kết luận
Đêm xuống rồi
Ta lẻn
Đi tìm mặt mình
Đi tìm mặt mình đi tìm mặt mình đi tìm mặt mình
                                                                                    (Người đi tìm mặt – Hoàng Hưng)
            Mỗi nhà thơ hôm nay luôn ở trong một cuộc đi tìm bản thân mình, giọng điệu riêng của mình. Cuộc đi tìm ấy không phải đến một thế giới cô đơn để tách mình ở đấy mà là để khẳng định lại vị trí chủ thể của cá nhân trong xã hội: chủ thể sống, chủ thể sáng tạo. Những tìm tòi, những sự lựa chọn mang đậm sắc màu hiện đại của các tác giả đó chính là quy luật vận động, phát triển của văn học nói chung và thơ ca nói riêng. Nhà thơ với tư cách là nhà nghệ sĩ ngôn từ, không chỉ thể hiện bằng tư tưởng và cảm xúc mà còn bằng cả ngôn ngữ. Có thể ngôn ngữ thơ sau năm 1975 còn nhiều chỗ mới lạ chưa được tất cả giới yêu thơ đồng thuận nhưng tất cả đều thừa nhận đó là những bước dò tìm khó nhọc của nhà thơ, những cánh cửa đang mở ra nhiều hứa hẹn./.









TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.      Nguyễn Lâm Điền, Trần Văn Minh, Văn học Việt Nam 1945 – 1975, Đại học Cần Thơ, 2004.
2.      Hà Minh Đức, Thơ và mấy vấn đề trong thơ Việt Nam hiện đại, NXB Giáo Dục, 1997.
3.      Bùi Công Hùng, Sự cách tân thơ văn Việt Nam hiện đại, NXB Văn hóa – thông tin, Hà Nội, 2000.
4.      Nguyễn Văn Long, Văn học Việt Nam trong thời đại mới, NXB Giáo Dục, Hà Nội, 2003.
5.      Nguyễn Văn Long, Lã Nhâm Thìn (đồng chủ biên), Văn học Việt Nam sau 1975 - Những vấn đề nghiên cứu và giảng dạy, NXB Giáo Dục, Hà Nội, 2006.
6.      Nhiều tác giả, 50 năm văn học Việt Nam sau Cách Mạng tháng Tám, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, 1996.
7.      Lê Lưu Oanh, Thơ trữ tình Việt Nam 1975 – 1990, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, 1998.
8.      Trần Đình Sử, Văn học và thời gian, NXB Văn học, Hà Nội, 2001.
9.      Bích Thu, Theo dòng văn học, NXB Khoa học xã hội Hà Nội, 1998.
10. lehieunhon.com
11. thivien.net
11. thotanhinhthuc.org