I/ Vài nét về Hồ Biểu Chánh
1. Cuộc đời
Hồ Biểu Chánh (1884–1958), tên thật là Hồ Văn Trung, tự Biểu Chánh, hiệu Thứ Tiên. Ông sinh năm 1884 (trong giấy khai sinh ghi ngày 1 tháng 10 năm 1885) tại làng Bình Thành, tỉnh Gò Công (nay thuộc huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang).
Ông là một trong số những nhà văn đầu tiên của văn học Việt Nam sáng tác bằng chữ Quốc Ngữ. Ông là một nhà văn tiên phong của miền Nam và là một trong những tiểu thuyết gia đầu tiên ở Nam Bộ mở màn cho thể loại tiểu thuyết hiện đại.
Hồ Biểu Chánh xuất thân trong một gia đình nông dân, thuở nhỏ học chữ Nho, sau đó chuyển qua học quốc ngữ, rồi vào trường trung học ở Mỹ Tho và Sài Gòn.
Năm 1905, sau khi đậu Thành chung, Hồ Biểu Chánh thi vào ngạch ký lục của Soái phủ Nam Kỳ. Ông làm ký lục, thông ngôn, thăng dần đến đốc phủ sứ (1936), từng giữ chức chủ quận (quận trưởng) ở nhiều nơi. Ông vốn có tiếng thanh liêm, yêu dân, thương người nghèo khổ.
Tháng 8 năm 1941, sau khi ông về hưu, được Pháp mời làm cố vấn với danh hiệu Nghị viện Hội đồng Liên bang Đông Dương và Phó Đốc lý thành phố Sài Gòn, đồng thời làm giám đốc những tờ báo tuyên truyền cho chủ nghĩa Pháp-Việt.
Sau khi tái chiếm Nam Bộ năm 1946, thực dân Pháp lập "Nam Kỳ Quốc", Hồ Biểu Chánh được mời làm cố vấn cho chính phủ Nguyễn Văn Thinh. Nhưng chỉ được mấy tháng, khi chính phủ Nguyễn Văn Thinh sụp đổ, ông lui về quê ở ẩn và giành trọn những năm tháng còn lại cho sự nghiệp văn chương.
Ông mất ngày 4 tháng 9 năm 1958 tại Phú Nhuận, Gia Định; thọ 74 tuổi. Lăng mộ ông hiện nay được đặt ở đường Thống Nhất, phường 11 quận Gò Vấp.
2. Sự nghiệp văn chương
Khi viết văn, ông lấy tên tự ghép với họ là Hồ Biểu Chánh, trở thành một bút danh bất hủ, được nhiều người biết đến và quí mến hơn tên tộc Hồ Văn Trung.
Ông sáng tác văn học rất nhiều và để lại hơn 100 tác phẩm gồm tiểu thuyết và các thể loại khác như: nghiên cứu, phê bình văn học, sáng tác tuồng hát cùng các bản dịch văn học cổ điển Trung Quốc như Tình sử, Kim cổ kỳ quan... đóng góp rất nhiều cho sự phát triển của nền văn học Việt Nam hiện đại.
Tiểu thuyết của ông thuộc về thời kỳ đầu của văn học chữ Quốc ngữ, cốt truyện đơn giản, triết lý chủ đạo là thiện thắng ác, ở hiền gặp lành, điểm đặc biệt là rất Nam Bộ, từ giọng văn đến miêu tả con người. Ông có phóng tác một số tiểu thuyết Pháp.
Hồ Biểu Chánh sở trường về viết văn xuôi tự sự. Đề tài phần lớn là cuộc sống Nam Bộ từ nông thôn đến thành thị những năm đầu thế kỷ XX với những xáo trộn xã hội do cuộc đấu tranh giữa mới và cũ. Cách diễn đạt của ông nôm na, bình dị. Ông đã có những đóng góp to lớn vào sự hình thành thể lọai tiểu thuyết trên chặng đường phôi thai. Ông để lại một khối lượng sáng tác không nhỏ: 64 tiểu thuyết, 12 tập truyện ngắn và truyện kể, 12 vở hài kịch và ca kịch, 5 tập thơ và truyện thơ, 8 tập ký, 28 tập khảo cứu-phê bình. Ngoài ra, còn có các bài diễn thuyết và 2 tác phẩm dịch.
Các tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh: Ai làm được (Cà Mau - 1912), TỈnh mộng (Sài Gòn – 1923), Chúa tàu Kim Qui (Sài Gòn - 1923, phỏng theo Bá tước Monte Cristo của Alexandre Dumas), Cay đắng mùi đời (Sài Gòn - 1923, phỏng theo Không gia đình của Hector Malot), Một chữ tình (Sài Gòn – 1923), Nam cực tinh huy (Sài Gòn – 1924), Tiền bạc, bạc tiền (Sài Gòn – 1925), Nhơn tình ấm lạnh (Sài Gòn – 1925), Thầy Thông ngôn (Sài Gòn – 1926), Ngọn cỏ gió đùa (Sài Gòn – 1926, phỏng theo Những người khốn khổ của Victor Hugo), Chút phận linh đinh (Càn Long –1928), Kẻ làm người chịu (Càn Long – 1928), Cha con nghĩa nặng (Càn Long- 1929), Khóc thầm (Càn Long – 1929), Vì nghĩa vì tình (Càn Long – 1929), Con nhà nghèo (Càn Long – 1930), Nặng gánh cang thường (Càn Long-1930), Con nhà giàu (Càn Long – 1931), Cười gượng (Sài Gòn – 1935), Dây oan (Sài Gòn –1935), Thiệt giả, giả thiệt (Sài Gòn – 1935), Một đời tài sắc (Sài Gòn – 1935), Ở theo thời (Sài Gòn – 1935), Ông Cử (Sài Gòn – 1935), Đóa hoa tàn (Vĩnh Hội – 1936), Nợ đời (Vĩnh Hội – 1936), Tân Phong nữ sĩ (Vĩnh Hội – 1937), Lạc đường (Vĩnh Hội – 1937), Từ hôn (Vĩnh Hội – 1937), Bỏ chồng (Vĩnh Hội – 1938), Bỏ vợ (Vĩnh Hội – 1938), Lời thề trước miễu (Vĩnh Hội – 1938), Người thất chí (Vĩnh Hội –1938), Tại tôi (Vĩnh Hội – 1938), Ý và tình (Vĩnh Hội – 1938 – 1942). Tìm đường (Vĩnh Hội – 1939), Hai khối tình (Vĩnh Hội – 1939), Đoạn tình (Vĩnh Hội –1940), Cư Kỉnh (Vĩnh Hội – 1941), Ái tình miếu (Vĩnh Hội – 1941), Mẹ ghẻ con ghẻ (Vĩnh Hội – 1943), Bức thơ hối hận (Gò Công – 1953), Trọn nghĩa vẹn tình (Gò Công – 1953), Đỗ Nương Nương báo oán (SG 1954), Nặng bầu ân oán (Gò Công – 1954), Hai chồng (Sài Gòn – 1955), Đại nghĩa diệt thân (Sài Gòn – 1955), Hai vợ (Sài Gòn – 1955), Lá rụng hoa rơi (Sài Gòn – 1955), Những điều nghe thấy (Sài Gòn – 1956), Ông Cả Bình Lạc (Sài Gòn – 1956), Một duyên hai nợ (Sài Gòn – 1956), Trả nợ cho cha (Sài Gòn – 1956), Hạnh phúc lối nào (Phú Nhuận – 1957), Chị Đào, Chị Lý (Phú Nhuận – 1957), Đón gió mới, nhắc chuyện xưa (Phú Nhuận – 1957), Trong đám cỏ hoang (Phú Nhuận – 1957), Nợ tình (Phú Nhuận – 1957), Nợ trái oan (Phú Nhuận – 1957), Sống thác với tình (Phú Nhuận – 1957), Tắt lửa lòng (Phú Nhuận – 1957), Vợ già chồng trẻ (Phú Nhuận – 1957), Lẫy lừng hào khí (Phú Nhuận – 1958).
II. Vấn đề phản ánh hiện thực ở Nam Bộ trong tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh
Phản ánh hiện thực vốn là một yếu đặc trưng của văn xuôi tự sự. Nhưng vấn đề này được quan niệm một cách khác nhau ở hai thời kì phát triển của văn học Việt Nam. Các nhà văn trung đại thường uốn nắn hiện thực theo cảm nhận chủ quan của mình. Các nhà văn hiện đại thì khác hắn, họ thường chú trọng đến hiện thực vốn có của cuộc sống. Các vấn đề được đặt ra và được giải quyết hợp theo qui luật phát triển tất yếu của cuộc sống. Vì thế bức tranh hiện thực trong văn học hiện đại trở nên chân thực, sinh động và đa dạng hơn.
Đầu thế kỉ XX, văn học Việt Nam chuyển mình để bước sang thời kì hiện đại. do đó có sự thay đổi về quan niệm sáng tác, phương pháp sáng tác, về vấn đề tiếp nhận tác phẩm văn chương…vấn đề phản ánh hiện thực trong văn chương cũng có những bước biến đổi đáng kể. Các nhà văn giai đoạn này đang thực hiện cuộc thể nghiệm để tạo ra những tác phẩm mới, với đề tài vấn đề phản ánh hiện thực cũng là một thể nghiệm quan trọng. Người đi tiên phong trong công việc này là Hồ Biểu Chánh: “Hồ Biểu Chánh tiêu biểu cho khuynh hướng hiện đại hóa văn chương theo con đường của chủ nghĩa hiện thực” (Trần Thanh Đạm). Đấy là một đánh giá xác đáng thể hiện sự ghi nhận đúng mực những đóng góp to lớn của Hồ Biểu Chánh đối với nền tiểu thuyết Việt Nam hiện đại, đặc biệt là tiểu thuyết thuộc khuynh hướng hiện thực.
Trong cuộc đời làm quan của mình quan của mình Hồ Biểu Chánh có điều kiện đi nhiều nơi, có điều kiện tiếp xúc với nhiều hạng người khác nhau trong xã hội: từ giới quan chức, trí thức, những kẻ giàu có phong lưu đến những hạng người bình dân khốn khổ. Xuất thân từ một gia đình nông dân nghèo, bản thân đã trải qua cảnh hàn vi, lại từng bôn ba chốn thị thành nên Hồ Biểu Chánh có dịp chứng kiến sự tấn công ồ ạt của lối sống tư sản vào xã hội Nam Bộ những năm đầu thế kỉ XX. Vốn sống phong phú đã giúp ông thành công trong miêu tả hiện thực xã hội một cách chân thực, sinh động, đa dạng, cụ thể. Đọc tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh chúng ta như đang được trở về với những gì đã hiện hữu ở Nam bộ thời bấy giờ, để chứng kiến cuộc sống cực khổ của nhân dân ta, để ngậm ngùi đau xót trước những vết thương lở loét của xã hội Miền Nam thời thuộc địa.
1. Hiện thực về nền kinh tế nghèo nàn lạc hậu
Không gian hiện thực trong tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh là vùng đất Nam Bộ với các tỉnh chủ yếu ở vùng đồng bằng sông Cửu Long như: Gò Công, Mĩ Tho, Long An, Trà Vinh, Cần Thơ, Châu Đốc, Bạc Liêu, Cà Mau, Vĩnh Long….Cuối thế kỉ XIX, Nam Bộ trở thành thuộc địa của thực dân Pháp. Cùng chung số phận lịch sử với cả nước, tại vùng đất Nam Bộ này con người cũng phải đón nhân biết bao biến động dữ dội trong cuộc sống.
Trong tác phẩm của Hồ Biểu Chánh đã bao quát toàn bộ hiện thực Bộ từ nông thôn đến thành thị. Thông qua những cảnh đời, cảnh sinh hoạt của nhiều đối tượng khác nhau, ông đã phản ánh thực chất nền kinh tế Nam Bộ thời bấy giờ.
Nam Bộ là vùng đất mới khai phá, đất đai màu mỡ, thiên nhiên có nhiều ưu đãi. Do đó, các di dân đến đây làm ăn sinh sống có điều kiện phất lên làm giàu nhanh chóng. Cai Tổng Luông (Thầy thông ngôn) ngồi không mà hàng năm thu vào “năm sáu chục ngàn giạ lúa”, chỗ ở là một tòa nhà đồ sộ ‘bước vô khỏi cửa ngõ sắt rồi mới tới một cái sân lớn, chính giữa sân có trồng một bồn bông Tây thiệt đẹp, lại dọc theo đường đi hai ben có để chậu kiểng đủ thứ, kim quýt, thằn căn xen lộn với cau bùm sụm…chẳng thiếu thứ gì hết”. Trong nhà thì “bàn tủ ván, món nào cũng tốt lộng bạc”. Có những người ban đầu vốn liếng chẳng có bao nhiêu như bà Hương sư Thể trong tác phẩm “Một chữ tình”, chết chồng, con thơ dại, chỉ có 12 mẫu ruộng nhưng vẫn có thể làm ra của cải thêm nhiêu, “ huê lợi mỗi năm kể đến bốn năm ngàn giạ lúa, nhà thì 3 căn 2 chái, vách gạch, cửa uốn coi đẹp đẽ lắm”. Ngay kẻ cùng đinh mạt hạng như Lê Văn Đó trong ngọn cỏ gió đùa nghèo đến mức phải trộm nồi cháo heo để cứu đói cho người mẹ nghèo và đàn cháu nhỏ. Trải bao nhiêu khổ nạn, Lê Văn Đó mãn hạn tù trở về đem sức mình khai khẩn vùng đất hoang vu rộng lớn và trở thành phú nông giàu có nổi tiếng, cung cấp nhiều lúa gạo cho triều đình đi dẹp giặc Khôi.. rõ ràng vùng đất Nam Bộ có nhiều tiềm năng xây dựng cuộc sống ấm no. Thế nhưng qua tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh, chúng ta còn chứng kiến một thực tế vô cùng đau xót diễn ra vào đầu thế kỉ XX. Ai ngờ trên mảnh đất ruộng đồng bao la, phì nhiêu ấy lại có những gia đình phải “phải luộc rau cỏ mà ăn đỡ, chớ không có cháo mà ăn” (Ngọn cỏ gió đùa). Cái đói hiện trên khuôn mặt “vàng ẻo” của những đứa cháu nhỏ và người mẹ già đáng thương của Lê Văn Đó: “đã già yếu rồi mà trót mấy tháng bà lại chịu cơ hàn nữa, nên bà nhuốm bệnh nằm thim thiếp không dậy nổi” (Ngọn cỏ gió đùa). Cuối cùng trong sự tuyệt cùng túng quẫn, Lê Văn Đó phải liều thân trộm nồi cháo heo để cứu đói cho cả nhà nhưng cũng không được. Miếng ăn của súc vật nhà giàu, con người nhà nghèo cũng không có được để duy trì sự sống. Còn gì đâu đớn và bất công cho bằng. Trái tim nhân hậu và cái nhìn nhạy bén đã giúp Hồ Biểu Chánh phát hiện ra vấn đề bức xúc của xã hôi đương thời. Đó là mâu thuẫn giữa người nghèo và người giàu, là tình trạng lạc hậu của nền nông nghiệp Việt Nam. Hồ Biểu Chánh đã nêu lên nhiều cảnh tượng bất công trong xã hội. Sự bất công ấy phổ biến rộng khắp từ thành thị đến thôn quê. Không chỉ có một Lê Văn Đó mà còn rất nhiều cảnh ngộ tương tự khác. Đó là vợ chồng Cai tuần Bưởi, mướn đất ruộng, cày cấy quanh năm, cuối mùa được 320 giạ lúa thì phải đong cho chủ ruộng 300 giạ, “thế thì cực nhọc trót một năm trường dang nắng cầm cày, dầm mưa nhổ mạ, chỉ còn 20 giạ mà thôi! Mà trong đó còn đong lúa mướn trâu, còn phải trả tiền công cấy, thì còn dư nỗi gì”(Con nhà nghèo). Cuối cùng anh chồng đành đi chéo ghe mướn, hy vọng mùa sau sẽ khấm khá hơn. Ngay ở chốn thị thành phồn hoa đô hội, nền kinh tế tư bản đang hình thành nhưng không có tác động thúc đẩy sự phát triển của xã hội Việt Nam. Do đó đô thị Nam Bộ vẫn gập chìm trong cảnh tăm tối. Giới thượng lưu trưởng giả nửa cũ nửa mới như các ông phủ, ông huyện, ông hội đồng, ông nghiệp chủ, hương chức giàu có rời thôn quê ra thành thị sống nhàn tản, phong lưu bằng tiền cho vay nặng lãi (Nợ đời, cười gượng). Bên cạnh đó, những người lao động nghèo sống chật vật nghèo khổ, rách rưới, túng thiếu. Có những đứa trẻ con nhà nghèo phải chết non vì suy dinh dưỡng như trường hợp con của vợ chồng Bach Tuyết, Chí Đại (Ai làm được).
2. Hiện thực về tầng lớp địa chủ, phong kiến
Đầu thế kỉ XX, thực dân Pháp đã hoàn tất quá trình bình định ở Việt Nam, thiết lập bộ máy cai trị trên toàn đất nước ta. Chúng vẫn giữ cơ cấu phong kiến bù nhìn. Do đó giai cấp địa chủ phong kiến vẫn giữ vững địa vị của mình. Từ trước đến nay, địa chủ luôn đứng trên thế đối lập với nông dân. Thêm vào đó, bây giờ được sự che chở của thực dân Pháp, mâu thuẫn này càng trở nên gay gắt hơn. Hồ Biểu Chánh chưa nhận thức được điều này nhưng trong tác phẩm của mình ông đã nêu được hiện tượng của vấn đề trên. Hồ Biểu Chánh vạch trần bản chất xấu xa, tham lam đến độc ác, không chừa thủ đoạn nào để bóc lột dân lành của bọn địa chủ. Vĩnh Thái ( Khóc thầm ) là điển hình cho lớp địa chủ nói trên trong tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh. Hắn dùng nhiều hình thức để nạo xương róc tủy tá điền. Hắn đặt ra quy đinh mướn đất thì phải kèm tho vay lúa vay tiền, để cuối mùa hắn được hưởng cả ba nguồn lợi. Hắn còn đánh thuế lên nhà cửa, mồ mả tá điền…hắn gian xảo tinh ma, tìm mọi cách để cướp trắng hàng ngàn mẫu ruộng do nông dân nghèo khai khẩn. Vĩnh Thái từng kể cho cha vợ mình nghe mưu mô cướp đất của những người dân nghèo hiền lành, chất phác: “Con thấy miệt trển ruộng tốt mà giá rẻ, nên con có mua năm mươi mẫu. Tuy con mua 50 mẫu nhưng tính bây giờ đến 150 mẫu, bởi vì có hai miếng đất cặp bên đó, cộng lối 100 mẫu, họ khai phá trồng tỉa hết rồi, song họ chiếm đất quốc gia mà họ không khẩn, con dọ chắc rồi nên con vô đơn xin khẩn ở quan chủ tỉnh, sớm muộn gì hai miếng đất đó cũng về con nữa” (Khóc thầm)
Những tên địa chủ xấu trong tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh thường tỏ ra khinh miệt người nghèo. Bà Cai ( Con nhà nghèo) đã nói chuyện với cai tuần Bưởi, tá điền lâu năm trong đất của mình không gì ngoài sự hăm dọa, khinh rẻ: “phải liệu lấy, nếu mày dễ ngươi, tao niểu nó lấy ruộng lại mà cho người khác mướn, rồi không có cơm mà ăn thì chịu đa”, “ thôi, có về thì về còn như muốn ở lại chơi thì ra sau chơi với bầy trẻ”. Không chỉ thế, dười ngòi bút Hồ Biểu Chánh, ta còn nhận thấy trong giới địa chủ có những kẻ vô lương, dửng dưng trước nỗi bất hạnh của người nghèo. Bá hộ Cao sai người xua đuổi, không chút động lòng khi Lê Văn Đó đến vay gạo để cứu đói bà mẹ và những đứa cháu thơ. Theo chúng, nghèo khổ là sự trừng phạt của ông trời đối với người nghèo, nhân vật Vĩnh Thái (Khóc thầm) đã từng giải thích như thế. Hồ Biểu Chánh cũng mạnh dạn lên án những dục vọng thấp hèn của bọn địa chủ. Vì những ham muốn xấu xa mà thực hiện những hành vi vô đạo đức: Vĩnh Thái quan hệ bất chính với vợ Hương hào Điều (Khóc thầm); cậu Hai Nghĩa dùng tiền, thế lực cưỡng ép cô Lựu đến có thai rồi bỏ rơi (Con nhà nghèo); Hương hào Hội thông gian với Thị Lựu, tạo ra bi kịch gia đình Trần Văn Sửu (Cha con nghĩa nặng) ….
Tuy nhiên, không phải tất cả địa chủ trong tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh đều xấu. Vẫn có những ông, những bà địa chủ tốt bụng. Đó là Hội đồng Chánh (Khóc thầm), Hương quản Tồn (Cha con nghĩa nặng), Thu Hà (Khóc thầm), những người này không kiêu căng hách dịch, sẵn sàng mở rộng vòng tay nhân ái để giúp đỡ những người nghèo gặp hoạn nạn. Họ lấy cái giàu của mình làm phương tiện giúp đỡ người nghèo.
Khi viết về địa chủ Hồ Biểu Chánh chỉ phê phán phần không tốt ở địa chủ chứ không có ý định đánh đổ giai cấp này. Ông cho rằng những hiện tượng xấu mà ông đề cập đến đang phổ biến trong xã hội đương thời có thể khắc phục bằng bài học đạo lí.Vì vậy, ông ra sức rao giảng đạo lí. Ông mượn thuyết nhân quả để răn đe, cảnh báo những kẻ gian ác, bất nhân. “Vĩnh Thái xảo trá lại gian dâm trời khiến nó phải chết một cách khốn nạn như vậy” (Khóc thầm); cậu Hai Nghĩa (Con nhà nghèo) tham lam, bạc tình phải sống những năm tháng cuối đời trong cảnh gia đình tan nát, con cái không được hạnh phúc, có đứa con ngoan thì lại không dám nhận nhìn.
Giai cấp phong kiến thống trị cũng được đề cập đến trong tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh. Đó là những quan huyện, quan phủ, hương chức hội tề ở làng xã thôn quê. Ngòi bút Hồ Biểu Chánh không chút khoan nhượng đối với những kẻ được gọi là “phụ mẫu chi dân” lại chuyên cậy quyền ỉ thế ức hiếp dân lành vô tội. Ông vạch trần tính tham lam của bọn quan lại. Chúng dễ lóa mắt trước đồng tiền. Vì hám tiền chúng không còn biết phân định phải quấy trắng đen. Do đó, bọn nhà giàu cùng quan lại dễ cấu kết với nhau hãm hại lương dân. Quan huyện trong “Chúa tàu Kim Qui” nhận tiền đút lót của Tấn Thân kiếm cớ đẩy Thủ Nghĩa vào tù; Chí Cao ( Ngọn cỏ gió đùa) nhờ thế lực của quan huyện bắt bớ, đày ải Lê Văn Đó…Là nhà văn xem trọng đạo lí, Hồ Biểu Chánh không thể bỏ qua những việc làm tồi bại của bọn quan lại dâm dục như quan huyện trong “Ngọn cỏ gió đùa”, hắn đã tìm cách dụ dỗ hòng chiếm đoạt Lý Ánh Nguyệt trong lúc nàng đang rơi vào tình cảnh bế tắc. Không phải ngẫu nhiên mà Hồ Biểu Chánh xây dựng nhân vật Từ Hải yến là một ông quan bạc tình, háo sắc. Bản tính ấy không phải bộc phát nhất thời mà nó đã có quá trình phát triển từ thời trai trẻ, khi mới tập tễnh đi thi để trở thành quan. Được cầm cân nảy mực, các ông quan này thường nghiêng về kẻ có tiền. Công bằng, công lí mà chúng rêu rao là không có thực, bởi một anh nông dân vì cứu người mẹ già và những đứa cháu đang đói nên ăn cắp nồi cháo heo và phải lãnh án tù năm năm cùng một trận đòn tan da nát thịt (Ngọn cỏ gió đùa). Luật pháp của nhà nước đương thời xét cho cùng thì chỉ là phương tiện của giai cấp thống trị dùng để áp bức người dân vô tội. Luật pháp đó không có sự khoan hồng, người thi hành pháp luật không có sự độ lượng. Vì sao Phạm Kì lại cứ theo dõi và mong muốn tìm bắt cho được Lê Văn Đó với tội danh trộm đồ của nhà chùa và cướp giựt cơm của ăn mày? Vì sao hắn cứ khăng khăng đòi bắt Lý Ánh Nguyệt bởi lời vu cáo nàng là ‘gái đĩ’trong khi kẻ đáng trừng phạt phải là Trịnh Tường, Từ Hải Yến hay Tú Cẩm… Sự trừng phạt cuối truyện là sự trừng phạt của quy luật nhân quả như mong muốn của Hồ Biểu Chánh, chưa thể hiện sự công bằng công lí của xã hội đương thời.
Lớp viên chức mới như thầy thông ngôn, thầy kí…cũng được Hồ Biểu Chánh nói đến trong tác phẩm của ông. Xuất thân là thầy thông ngôn, Hồ Biểu Chánh khác hẳn những thầy thông ngôn đương thời. Ông ghét thói hách dịch, kiêu căng, nịnh bợ. dưới ngòi bút của ông, chúng ta nhận ra tất cả tính chất nhố nhăng, rỡm đời của hạng người này. Thầy thông ngôn Phong ( Thầy thông ngôn) là nhân vật tiêu biểu cho loại người này. Hắn tiêu biểu cho kiểu người thượng đội hạ đạp, tham lam tính toán trong cả tình yêu và hôn nhân của chính mình.
Xuất thân từ tầng lớp quan lại, Hồ Biểu Chánh có phần thiên vị đối với gai cấp phong kiến đương thời. Ông chưa nhận ra bản chất xấu xa thối nát của chúng. Ông quan niệm quan lại cũng như địa chủ có người tốt, kẻ xấu. Cái xấu được nhìn nhận như những hiện tượng đơn lẻ thể hiện phần nào sự bại hoại về đạo đức của con người thời bấy giờ. Do đó ông chỉ phê phán những ông quan bất nhân, phi nghĩa. Ông luôn mong muốn dùng đạo đức để cảm hóa dẫn dắt những kẻ sâu dân mọt nước trở về con đường chính nghĩa. Vì thế các nhân vật của ông sẵn sàng tha thứ cho những tên quan bất tài, vô trách nhiệm, độc ác, tham lam. Hồ Biểu Chánh quá ảo tưởng khi nghĩ rằng cuộc sống nông thôn sẽ tốt lên, con người sẽ ấm no hạnh phúc nếu tất cả ông quan, địa chủ đều tốt. Với “Khóc thầm”, ông đã chứng minh vấn đề này. Dưới sự cai quản của hội đồng Chánh, một địa chủ nhân từ, đời sống của tá điền rất ổn định, nhà nhà yên vui. Bất công, ngang trái, đói khổ chỉ diễn ra từ khi Vĩnh Thái thay thế quyền hành của cha vợ. Bởi Vĩnh Thái là một tên địa chủ độc ác tham lam, thủ đoạn. Vì quan niệm như thế, Hồ Biểu Chánh chưa bao giờ đặt vấn đề đánh đổ giai cấp địa chủ phong kiến, xóa bỏ bất công trong xã hội. người nông dân trong tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh cũng không có ý thức làm cách mạng giải phóng cuộc đời mình khỏi áp bức bóc lột. Những hành động phản kháng của họ chỉ là biểu hiện của sự “tức nước vỡ bờ”. Hồ Biểu Chánh thấy được bản chất tốt đẹp của người nông dân nhưng chưa nhận ra họ là một bộ phận quan trọng trong phong trào cách mạng. Vì thế, người nông dân trong tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh thường có tính cam chịu, yên phận với kiếp tôi đòi. Nhân vật Hai Sửu đã mắng con: “mày đủ sức chống cự với người ta hay không? Nói bậy nói bạ rồi mang họa đa. Phận mình nghèo thì lo làm ăn”, mặc dù ông xót xa khi thấy thân thể con đầy thương tích vì đòn roi của Vĩnh Thái (Khóc Thầm).
Nhìn chung, tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh tập trung phản ánh hiện thực thuộc lĩnh vực đạo đức, chưa đề cập đến những vấn đề thuộc lĩnh vực chính trị. Ông quan sát hiện thực dưới con mắt nhà đạo đức. Quan lại nhũng nhiễu, ức hiếp dân lành, những kẻ tham lam bạc ác….Hồ Biểu Chánh lại né tránh các vấn đề liên quan đến chính trị của đất nước. Ông chỉ mới lột lớp mặt nạ vàng son giả hiệu của bọn địa chủ phong kiến nhưng chưa hề đá động đến tội ác của thực dân Pháp. Trong khi bấy giờ thực dân Pháp đang thực hiện chính sách khai thác thuộc địa, mở rộng các hình thức bóc lột, đẩy nhân dân đến bần cùng đói khổ. Hồ Biểu Chánh lại cho rằng đau khổ bất hạnh của con người nảy sinh do nghèo khổ, dốt nát. Cái đói nghèo dốt nát không được giải thích từ nguyên nhân mất nước, dân tộc bị nô lệ mà do xã hội bất minh, lòng người bất đạo. Lý Ánh Nguyệt từng than thở: “chỉ có một cái nghèo làm cho nàng cực khổ đê tiện, chớ chẳng phải điều chi khác”, “rồi nàng phiền ông trời sao sao nỡ khiến nghèo hèn cho nàng làm chi ” nàng còn cho rằng “tại lòng người nham hiểm, độc ác, nên mới có việc uất ức” (Ngọn cỏ gió đùa). Các nhân vật bất hạnh khác trong tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh như Lê văn Đó (Ngọn cỏ gió đùa), Cai tuần Bưởi (Con nhà nghèo)…đều nghĩ như vậy. Trước sau như một, Hồ Biểu Chánh quyết tâm dùng đạo đức để cứu vãn, cải tạo tình trạng của xã hội đương thời. Ông tin rằng chừng nào người giàu có lòng nhân ái, yêu thương người nghèo thì mọi khổ đau, vất vả sẽ biến mất.
3. Phản ánh thế lực đồng tiền trong xã hội đương thời
Hồ Biểu Chánh viết tiểu thuyết khi lối sống tư sản và nền kinh tế tư bản bắt đầu hình thành ở Việt Nam. Những chuyện “làm cho khốc hại chẳng qua vì tiền” phổ biến khắp nơi. Đồng tiền có sức công phá quyết liệt, tấn công vào thành trì của đạo đức truyền thống. Nhân vật Bá Kì đã phê phán: ‘tiền bạc bạc tiền thật khốn nạn lắm. Vì tiền bạc bạc tiền mà người đời họ hư danh dự, họ phế nhơn nghĩa, họ quên liêm sĩ”( Tiền bạc bạc tiền). Thông qua nhân vật Đỗ Thị (tiền bạc bạc tiền), Hồ Biểu Chánh khắc họa thành công một loại người hám tiền, không từ bất cứ thủ đoạn nào vì tiền. Vì tiền Đỗ Thị đánh mất hết liêm sĩ, khom lưng cầu xin sự cứu vớt của bà Phủ, dù mối quan hệ trước đây giữa hai người chẳng gì tốt đẹp. Vì tiền Đỗ Thị chấp nhận về ở chung với bà Phủ, hy vọng về sau gia tài của bà sẽ thuộc về mẹ con mình. Cũng vì tiền, Đỗ Thị ép gả con mình cho nhà giàu, mưu lợi trên hôn nhân của con cái: “Đỗ Thị không ngủ được, cứ nằm lo tính, như mình gả Thanh Kiều mà đòi năm ngàn thì dùng đồng vốn cho vay. Mà nghĩ bây giờ mình góa bụa cho vay cũng bất tiện, thôi mình mua ít căn phố cho mướn, mỗi tháng góp tền phố mà xài cho xong. Thiệt có phố cũng khó lắm, nay hư chỗ này, mai hư chỗ nọ, phải sẳ hoài, mua ruộng mới chắc ăn hơn. Mà ruộng bây giờ thì mắc quá, mua ruộng không có lời nhiều, lại số bạc mình có năm ngàn, mua ruộng đâu có bao nhiêu đâu…”. Không những thế, Đỗ Thị chấp nhận lấy ông huyện Hàm, người đã từng được bà chọn làm rể nhưng bị Thanh Kiều kiên quyết từ chối. Đỗ Thị đã từng bước dấn sâu vào sự bất nhân vô luân, đánh mất tự trọng, liêm sĩ, bán rẻ danh dự.
4. Phản ánh tình trạng giằng co giữa hai lối sống mới và cũ trong con người Nam Bộ
Nền văn hóa Việt Nam là nền văn hóa đậm bản sắc Á Đông, tư tưởng phương Đông ăn sâu vào phong tục, tập quán và tâm trí của con người. Người Việt Nam có nếp sống chuẩn mực từ cách ăn mặc cho đến cách ứng xử. Đầu thế kỉ XX, sự du nhập của văn hóa phương Tây và sự hình thành lối sống tư sản làm cho các giá trị cổ truyền của dân tộc bị thay đổi. Mang tâm trạng của một trí thức có tâm huyết, Hồ Biểu Chánh thấy rằng: “cái làn sóng vô luân lí, vô giáo dục này nó càng mạnh thêm hoài, nếu không đi tìm phương mà ngăn cản, thì nó sẽ tràn ngập khắp trong nước rồi cái xã hội Việt Nam khi xưa tôn trọng đạo đức nên được cứng cỏi, sẽ thành ra một xã hội hỗn độn tham lam nên phải thấp hèn yếu ớt”(Đoạn tình). Có lẽ vấn đề này ám ảnh nhà văn suốt cuộc đời cầm bút. Vì thế, trong bức tranh muôn màu muôn vẻ của tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh, chúng ta nhận ra một hiện thực của buổi đầu hội nhập văn hóa phương Tây tại vùng đất phía Nam tổ quốc. Trong “Cư Kỉnh”, cô Túy là một thiếu nữ con nhà tử tế nhưng bị ảnh hưởng của tiểu thuyết ái tình lãng mạn, đã hủy hoại cuộc đời, phá vỡ tương lai. Hồ Biểu Chánh thường viết về những chuyện thông gian, ngoại tình hay cưỡng hiếp phụ nữ. Tấn Thân hãm hiếp Thị Xuân (Chúa tàu Kim Qui), Tú Cẩm toan cưỡng hiếp Phi Phụng (Nhơn tình ấm lạnh), Thị Lựu quan hệ bất chính với hương hào Hội (Cha con nghĩa nặng)….Dưới cái nhìn của Hồ Biểu Chánh, đó là những hiện tượng tất yếu nảy sinh trong “làn sóng vô luân lí, vô giáo dục đang lớn mạnh thêm hoài”.
Đầu thế kỉ XX, ý thức phong kiến vẫn còn cơ sở để tồn tại dù đã suy yếu, ý thức tư sản chưa đủ sức kiềm tỏa ý thức phong kiến. Cho nên dù rất muốn, con người vẫn còn e ngại, chưa manh dạn đến cới cái mới. Tình trạng đắn đo, giằng co trong việc lựa chọn lối sống thích hợp là vấn đè bức xúc của con người trong xã hội. Các nhân vật của ông thường chạy theo lối sống tự do, tự do yêu đương, tự do quyết định hôn nhân… nhưng phần lớn thấy rằng để có hạnh phúc trọn vẹn cần phải trở về với quan niệm của cha ông sau khi đã gạt bỏ những tiêu cực, bảo thủ. Hiển Vinh và Thu Vân (Chút phận linh đinh) cãi lệnh cha, tự do kết hôn. Hiển Vinh bị ông Hội đồng từ bỏ, Thu Vân không được nhìn nhận là dâu. Tưởng chừng cuộc đời đi vào ngõ cụt nhưng từ sự nhìn nhận lại từ hai phía: Hiển Vinh nhận thấy mình quá đáng khi vượt quyền cha mẹ để định đoạt hôn nhân; ông Hội đồng nhận thấy sự khắt khe của mình làm chia rẽ gia đình, sống khư khư theo quan niệm cũ cũng không phải là điều tốt đẹp. Trong tác phẩm “Một chữ tình”, Hồ Biểu Chánh cho ta thấy sức quyến rũ mạnh mẽ của của lối sống mới. Tâm lí e dè, ngại ngùng đã cản trở con người đến với lối sống mới, thế là miễn cuỗng quay về với lối sống cũ. Quảng Giao và Bác Ái là hai thanh niên theo Tây học. Một người tán thành tình yêu hôn nhân tự do, một người đề cao hôn nhân cha mẹ đặt đâu con ngồi đó. Bác Ái sống theo quan niệm của mình và nhiều lần chàng cho là đúng, chàng còn được sự ủng hộ của Xuân Hoa, người bạn gái chàng đem lòng yêu say đắm. Thế nhưng cuối cùng Quảng Giao không cần có tình yêu trước hôn nhân vẫn có thể xây đắp hạnh phúc gia đình, dần dần tình yêu nảy nở và lớn thêm mãi. Ngược lại, Bác Ái chỉ đeo đuổi mãi mối tình vô vọng. Cuối cùng sống trong cô đơn buồn tủi, chán chường. Cách giải quyết vấn đề như vậy thể hiện quan niệm đạo đức của Hồ Biểu Chánh, mặt khác phản ánh quá trình chuyển đổi trong lối sống của người dân Nam Bộ, từ lối sống chịu ảnh hưởng nặng nề của văn hóa phương Đông sang lối sống phương Tây.
III. Kết luận
Tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh phản ánh một cách chân xác hiện thực xã hội Nam bộ vào những năm đầu thế kỷ XX. Qua tiểu thuyết của ông chúng ta tìm được những dấu tích của một nền nông nghiệp lạc hậu; một nền văn hoá đan xen cũ mới trong buổi giao thời. Những mâu thuẫn ngày càng gay gắt giữa nhân dân lao động lương thiện, chất phác với những tên địa chủ phong kiến bù nhìn, tàn ác, dâm ô. Ở đó, có cả những hạng người mới do xã hội thuộc địa đẻ ra như thầy thông ngôn, thầy kí, đốc phủ sứ … cấu kết với địa chủ, trà đạp, áp bức nhân dân. Trong bối cảnh đó, sức hút của đồng tiền lại có dịp trỗi dậy và phát huy tác dụng. Nó len lỏi vào những ngõ ngách sâu kín nhất của con người, chi phối đến cách nghĩ và hành động của một bộ phận nhân dân đương thời.