DANH SÁCH BÀI VIẾT

Showing posts with label Đại Du. Show all posts
Showing posts with label Đại Du. Show all posts

Friday, May 27, 2011

TƯ TƯỞNG VĂN NGHỆ CỦA HỒ CHÍ MINH


TƯ TƯỞNG VĂN NGHỆ CỦA HỒ CHÍ MINH


1. VĂN NGHỆ VÀ ĐỜI SỐNG XÃ HỘI
            1.1. Văn nghệ là vũ khí đấu tranh
            Là một nhà văn, nhà thơ, đồng thời là nhà cách mạng, Hồ Chí Minh luôn xem hoạt động văn hóa, văn nghệ như một hoạt động cải tạo, sáng tạo thế giới ở con người. Qua câu thơ đầu của bài “Cảm tưởng đọc thiên gia thi”, ta có thể thấy một quan niệm nổi lên đó là “Nay ở trong thơ nên có thép” – trong thơ văn phải có chất thép. Khi đề cập đến vấn đề trong văn học nghệ thuật cần có chất thép, nghĩa là Người xem đó là một vũ khí cực kỳ sắc bén, vì ở đó có cả khối óc và trái tim của người nghệ sĩ.
            Là nhà cách mạng vĩ đại lại rất yêu văn nghệ, Hồ Chí Minh xem văn nghệ là một hoạt động tinh thần phong phú và phục vụ có hiệu quả cho sự nghiệp cách mạng. Chính vì thế trong “Thư gửi anh en văn hóa và trí thức Nam Bộ”, Bác đã viết: “Ngòi bút của các anh chị cũng là những vũ khí sắc bén trong sự nghiệp phò chính, trừ tà mà anh em văn hóa và trí thức phải làm cũng như là những chiến sĩ anh dũng trong công cuộc kháng chiến để giành lại quyền thống nhất và độc lập cho Tổ quốc”. Tư tưởng trên chính là sự tiếp nối những điều đã được nói đến trong “Nhật ký trong tù”. Bác xem văn nghệ là vũ khí nghĩa là những cán bộ văn hóa văn nghệ phải tham gia hoạt động với tinh thần của người chiến sĩ.

            1.2. Tính giai cấp, tính Đảng, tính nhân dân trong văn nghệ
            v Tính giai cấp trong văn nghệ:
            Nói đến tính giai cấp trong văn nghệ, Hồ Chí Minh không nói một cách trừu tượng chung chung. Theo Bác thì văn nghệ phải gắn liền và phục vụ cho một giai cấp nào đó. Một tác phẩm có tính giai cấp là tác phẩm nói lên được tiếng nói của giai cấp mình. Trong các sáng tác của Bác bao giờ cũng đứng trên lập trường của giai cấp vô sản. Và Hồ Chí Minh cũng mong muốn anh em nghệ sĩ của ta khi sáng tác cũng phải đứng trên lập trường của giai cấp đó. Theo Người, giai cấp này là giai cấp đông đảo nhất, tiên tiến nhất, cách mạng nhất và cũng là giai cấp chịu nhiều áp bức bất công nhất.
            Trong “Thư gửi các họa sĩ nhân dịp triển lãm hội họa” năm 1951, Bác đã chỉ rõ: “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy. Cũng như các chiến sĩ khác, chiến sĩ nghệ thuật có nhiệm vụ nhất định, tức là: phụng sự kháng chiến, phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, trước hết là công nông binh”.
            Theo Bác thì văn nghệ nước ta nhất thiết phải phục vụ cho giai cấp công nông binh, phải phục vụ đại đa số nhân dân.
           v Tính Đảng trong văn nghệ:
            Tính Đảng trong văn nghệ là khái niệm phản ánh mối quan hệ giữa văn nghệ với sự nghiệp giải phóng giai cấp vô sản. Nói đến lý luận văn nghệ, Hồ Chí Minh không viết một pho lý luận, tuy nhiên những ý kiến và những phát biểu của Người lại mang tính nguyên tắc và tính hệ thống chặt chẽ. Vào năm 1947, trong “Thư gửi anh en văn hóa và trí thức Nam Bộ”, Bác đã viết: “Ngòi bút của các anh chị cũng là những vũ khí sắc bén trong sự nghiệp phò chính, trừ tà mà anh em văn hóa và trí thức phải làm cũng như là những chiến sĩ anh dũng trong công cuộc kháng chiến để giành lại quyền thống nhất và độc lập cho Tổ quốc”.
            Hay trong “Thư gửi các họa sĩ nhân dịp triển lãm hội họa” năm 1951, Bác đã chỉ rõ: “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy. Cũng như các chiến sĩ khác, chiến sĩ nghệ thuật có nhiệm vụ nhất định, tức là: phụng sự kháng chiến, phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, trước hết là công nông binh..
            Để làm tròn nhiệm vụ, chiến sĩ nghệ thuật cần có lập trường vững, tư tưởng đúng, nói tóm tắt là phải đặt lợi ích của kháng chiến, của Tổ quốc, của nhân dân lên trên hết, trước hết.”
            Hồ Chí Minh quan niệm văn nghệ cách mạng phải mang tính Đảng, có nghĩa là mọi vấn đề trong văn nghệ được nhìn nhận dưới ánh sáng soi rọi dẫn đường của Đảng và phải có tính giai cấp, tính nhân dân sâu sắc. Chính Hồ Chủ tịch là người gương mẫu chấp hành tinh thần tính Đảng do Người đặt ra. Mỗi một sáng tác của Người đều xuất phát từ yêu cầu cụ thể của tình hình cách mạng để đáp ứng nhiệm vu chính trị. Người nói: “Về nội dung viết, mà các cô các chú gọi là “đề tài”, thì tất cả những đều Bác viết chỉ là một “đề tài”, là chống thực dân đế quốc, chống phong kiến địa chủ, tuyên truyền độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội”.
            v Tính nhân dân trong văn nghệ:
            Trong cuộc đời cầm bút, Hồ Chí Minh luôn nghĩ đến nhân dân với tư cách là đối tượng tiếp nhận  tác phẩm văn nghệ. Người nói trước kia nhân dân còn ít có điều kiện học hành nhưng trải qua những giai đoạn phát triển của cách mạng, trình độ văn hóa của nhân dân đã được nâng cao. Người nghệ sĩ phải hiểu rõ mong ước và thị hiếu của nhân dân đối với văn nghệ. Người từng dạy: “Kháng chiến tiến bộ mạnh, quân và dân ta tiến bộ mạnh. Nghệ thuật cũng cần tiến bộ mạnh,…” Chính trong thực tiễn có nhiều sự đổi thay nên Hồ Chủ tịch đã vạch ra yêu cầu của quần chúng đối với văn nghệ. Bác nói: “Quần chúng mong muốn những tác phẩm có nội dung chân thật và phong phú, có hình thức trong sáng và tươi vui. Khi chưa xem thì muốn xem, xem rồi thì bổ ích.”
            Hồ Chí Minh thường nhắc nhở văn nghệ sĩ, các nhà báo khi nói khi viết phải lưu ý trả lời ra câu hỏi:
                        “Phải đặt câu hỏi: - Viết cho ai?
            Phải viết cho đại đa số công nông binh.
                        - Viết để làm gì?
            Viết để giáo dục, giải thích, cổ động, phê bình, để phục vụ quần chúng.
- Thế thì viết cái gì?
Trong vấn đề này cũng phải có lập trường vững vàng: ta, bạn, thù thì mới viết đúng.
Viết để nêu những cái hay, cái tốt của dân ta, của bộ đội ta, của cán bộ ta, của bạn ta. Đồng thời phê bình những khuyết điểm của chúng ta, của cán bộ ta, nhân dân ta, bộ đội ta.”
Nói rõ hơn về ý nghĩa đấu tranh giai cấp trong văn nghệ, Bác luôn nhấn mạnh đối tượng phục vụ của văn nghệ là quần chúng nhân dân. Tại Hội nghị cán bộ văn hóa năm 1958, Hồ Chủ tịch nói: “Một vấn đề nữa phải đặt ra là văn hóa phục vụ ai? Cố nhiên chúng ta phải nói là phục vụ công nông binh tức là phục vụ đại đa số nhân dân. Vài năm về trước điều đó chưa hiểu được dứt khoát có phải không? Các đồng chí làm công tác văn hóa cần phải dứt khoát như thế, không thể nói nghệ thuật vị nghệ thuật, mà cần phải nói rõ văn hóa phục vụ công nông binh”. Nói về vấn đề văn nghệ phục vụ quần chúng nhân dân, Hồ Chí Minh đặt ra những yêu cầu cụ thể những nhiệm vụ thiết thực mà những người làm công tác văn nghệ phải thực hiện đến nơi, đến chốn.

1.3. Tính tư tưởng và tính nghệ thuật trong văn nghệ
v Tính tư tưởng:
Chủ tịch Hồ Chí Minh xem văn nghệ là một mặt trận đấu tranh tư tưởng, tác phẩm văn nghệ là một vũ khí sắc bén. Văn học nghệ thuật là một hoạt động văn hóa, tư tưởng. Nó được xem là một bộ phận quan trọng của văn hóa, là đỉnh cao của đời sống tinh thần, hình ảnh của tâm hồn dân tộc, thể hiện khát vọng của nhân dân về Chân – Thiện – Mỹ.
Tư tưởng văn học không phải là một cái gì đó khô khan, lạnh lùng. Nó là sự phát hiện của vẻ đẹp con người bằng cả tâm hồn của người nghệ sĩ. Những tác phẩm văn học lần lượt ra đời nhằm bồi dưỡng tâm hồn con người như khái niệm nhân đạo, nhân bản trong văn học. Hồ Chủ tịch đã từng nói: “Nghệ sĩ là chiến sĩ, cây bút là vũ khí sắc bén, bài báo là tờ lịch cách mạng”. Người nghệ sĩ phải rèn luyện tư tưởng chính trị, ý chí phấn đấu và tinh thần trách nhiệm. Bác cho rằng: Chiến sĩ nghệ thuật cần có lập trường vững, tư tưởng đúng, nói tóm tắt là phải đặt lợi ích của kháng chiến, của Tổ quốc, của nhân dân lên trên hết, trước hết.”
Văn nghệ không chỉ phản ánh những gì trong thực tiễn mà còn hướng nhân dân tới Chân – Thiện – Mỹ, loại bỏ cái giả dối, cái ác, cái sai, đem lại những chuyển biến tích cực trong tư tưởng, tình cảm, tâm hồn của quần chúng.
v Tính nghệ thuật:
Bác Hồ đã sử dụng nhiều thể loại văn nghệ, bám sát thực tế chiến đấu và sản xuất của nhân dân, tạo nên sức thuyết phục cho tác phẩm của mình.
Văn chương phục vụ cách mạng phải là văn chương có tính nghệ thuật cao, bao gồm nhiều thể loại: nghị luận, báo chí, văn thơ hình tượng, văn thơ cổ động,… Ở mỗi thể loại văn thơ đó, Bác đều đạt tới nghệ thuật cao. Bác phân biệt tác phẩm tuyên truyền với tác phẩm văn thơ hình tượng, trong một bức thư trả lời ông H, Bác viết: “Ông nói phải giúp đồng bào ta làm quen những từ mà nay chưa hiểu, lâu rồi học cũng sẽ hiểu, có thể là như vậy được nếu ông chỉ nghĩ đến viết cho họ một tác phẩm văn học, còn nếu tác phẩm của ông lại dùng để tuyên truyền thì đó phải là tác phẩm ai đọc cũng hiểu được”. (Tổng tập Văn học Việt Nam tập 96 – NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội 1980, trang 436)
           1.4. Nội dung và hình thức của văn nghệ
v Nội dung:
Hồ Chủ tịch nói: “Về nội dung viết, mà các cô các chú gọi là “đề tài”, thì tất cả những đều Bác viết chỉ là một “đề tài”, là chống thực dân đế quốc, chống phong kiến địa chủ, tuyên truyền độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội”. Quan niệm của Hồ Chí Minh về văn nghệ rất rõ ràng: “Văn hóa nghệ thuật cũng như mọi hoạt động khác không thể đứng ngoài mà phải ở trong kinh tế, chính trị”.
Hồ Chủ tịch không bảo phải sao chép hiện thực mà yêu cầu nghệ thuật phải phản ánh được bản chất, xu thế phát triển tất yếu của cuộc sống trong tất cả tính phong phú, phức tạp của nó. Người nói: Có thể “Viết về mọi cái. Đừng bỏ qua ngóc ngách gay cấn nào hết, đừng lặng im làm ngơ chuyện gì hết”. Viết để: “Nêu những cái hay, cái tốt của dân ta, của bộ đội ta, của cán bộ ta, của bạn ta. Đồng thời phê bình những khuyết điểm của chúng ta, của cán bộ ta, nhân dân ta, bộ đội ta. Không nên chỉ viết cái tốt mà giấu cái xấu”.
Văn nghệ là một hoạt động tinh thần phong phú vì thế nội dung của nó phải phản ánh các vấn đề xã hội phong phú. Nội dung phải phong phú: “Cần làm cho món ăn tinh thần phong phú, không nên bắt mọi người chỉ được ăn một món thôi. Cũng như vào vườn hoa, cần cho mọi người được thấy nhiều loại hoa đẹp”.
v Hình thức:
Văn học là nghệ thuật ngôn từ. Bác không đi sâu vào ngôn ngữ văn học, ngôn ngữ tác phẩm văn học, nhưng Người coi trọng cách nói và cách viết. Ngoài việc nhấn mạnh mục đích, đối tượng của văn chương, Bác khuyên người viết hãy viết cho dễ hiểu, tránh cầu kỳ hoặc lạm dụng tiếng nước ngoài. Người nói: “Chớ ham dùng chữ. Những chữ mà không biết thì chớ dùng. Những chữ mà chúng ta có thì phải dùng tiếng chúng ta.”
Viết phải thiết thực, tránh lối viết rau muống: “Bài báo thường quá dài, dây cà ra dây muống, không phù hợp với trình độ và thời giờ của dân chúng”. Bác cho rằng viết cái gì cũng vậy, phải có nội dung. Bất kỳ cái gì cũng có chừng mực, viết ngắn gọn, diễn tả đủ ý là được, tránh viết câu dài (và cả ngắn) mà rỗng tuếch. Đặc biệt Hồ Chủ tịch còn phê phán lối ham dùng chữ: “Nhiều tờ truyền đơn, nhiều bản nghị quyết, nhiều khẩu hiệu của Đảng, mục đích và ý nghĩa rất đúng nhưng viết một cách cao xa, màu mè đến nỗi chẳng những quần chúng không hiểu mà cả cán bộ cũng không hiểu.”
           1.5. Đối tượng và chức năng của văn nghệ
v Đối tượng:
Khi cầm bút văn nghệ sĩ phải nhận thức quần chúng là đối tượng phản ánh. Vì vậy muốn phục vụ quần chúng, văn nghệ phải đặt ra các câu hỏi: Viết cho ai? Viết để làm gì? Viết thế nào cho phổ thông dễ hiểu, ngắn gọn, dễ đọc?
Văn nghệ xem quần chúng là đối tượng cho sáng tác, đồng thời cũng là đối tượng để văn nghệ phục vụ. Cách nói, cách viết, nội dung, đối tượng đều nhằm phục vụ quần chúng lao động.
v Chức năng:
Văn nghệ xưa nay vẫn nhấn mạnh ba chức năng cơ bản: chức năng nhận thức, giáo dục và thẩm mỹ. Trong hoàn cảnh lịch sử cụ thể - đất nước có chiến tranh, Người nêu cao chức năng giáo dục, tuyên truyền lên trên hết. Người dùng ngòi bút sắc bén trong việc tố cáo, vạch trần tội ác thực dân trong các chính sách chính trị, kinh tế, văn hóa, đồng thời thức tỉnh, định hướng, động viên, cổ vũ tinh thần đấu tranh của nhân dân.
Quan điểm văn nghệ của Hồ Chí Minh: Văn nghệ phải tham gia cách mạng, phục vụ nhân dân, văn nghệ là một mặt trận, ngòi bút là một vũ khí, nghệ sĩ là một chiến sĩ. Văn nghệ phải xuất phát từ cuộc sống, chiến đấu, và sản xuất của nhân dân, tránh “chủ nghĩa duy mĩ”, “nghệ thuật vị nghệ thuật” của các khuynh hướng văn học phong kiến, tư sản. Văn nghệ phải có chất thép, tức phải có tinh thần cải tạo xã hội và tự nhiên, chứa đựng ý ngĩa khái quát đường lối văn nghệ của chủ nghĩa Mác – Lênin.
           2. VĂN NGHỆ SĨ
            2.1. Nhà văn chiến sĩ
            Chính vì hiểu biết rất rõ tác dụng to lớn của văn nghệ nên Hồ Chí Minh luôn đề cao tinh thần chiến đấu của nền văn nghệ mới, luôn yêu cầu nghệ sĩ không ngừng rèn luyện chất thép trong ngòi bút của mình: “Nay ở trong thơ nên có thép – Nhà thơ cũng phải biết xung phong”. Trong “Thư gửi các họa sĩ nhân dịp triển lãm hội họa” năm 1951, Bác đã khẳng định: “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”.
            Mỗi nhà văn là một chiến sĩ trên mặt trận văn hóa tư tưởng, nhiệm vụ nghệ thuật được lồng trong nhiệm vụ tuyên truyền. Trong “Thư gửi anh en văn hóa và trí thức Nam Bộ”, Người nhấn mạnh: “Ngòi bút của các anh chị cũng là những vũ khí sắc bén trong sự nghiệp phò chính, trừ tà mà anh em văn hóa và trí thức phải làm cũng như là những chiến sĩ anh dũng trong công cuộc kháng chiến để giành lại quyền thống nhất và độc lập cho Tổ quốc”. Người yêu cầu: “Cũng như các chiến sĩ khác, chiến sĩ nghệ thuật có nhiệm vụ là:phụng sự kháng chiến, phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, trước hết là công nông binh”. (Về công tác văn hóa văn nghệ)

            2.2. Lập trường quan điểm của nhà văn
            Thế nào là nhà văn có tư tưởng đúng? Ngườ khẳng định: “Để làm tròn nhiệm vụ, chiến sĩ nghệ thuật cần có lập trường tư tưởng đúng, nói tóm lại phải đặt lợi ích của kháng chiến, của Tổ quốc, của nhân dân lên trên hết, trước hết”. (Về công tác văn hóa văn nghệ)
            Lập trường, quan điểm của nhà van là điều quan trọng giúp cho tác phẩm của họ theo kịp được thời đại, không nên khư khư giữ cái nhìn cũ. Người nghiêm túc nhắc nhở: “Ưu điểm của các cô các chú không ít nhưng khuyết điểm thì cũng còn nhiều. Trong các đồng chí cũng còn có người hoặc ít hoặc nhiều chưa thoát khỏi ảnh hưởng tư sản và tiểu tư sản cho nên nắm vấn đề chính trị không được chắc”. (Về công tác văn hóa văn nghệ)
            Nhà văn phải tìm ngọn nguồn nuôi dưỡng sáng tạo nghệ thuật ngay trong đời sống của tầng lớp lao động cần lao, vì Hồ Chí Minh cho rằng: “Muốn hoàn thành nhiệm vụ được tốt thì phải học tập, chúng ta phải trau dồi tư tưởng, trau dồi nghệ thuật, đi sâu vào quần chúng”. (Về công tác văn hóa văn nghệ)
           2.3. Tự do và sáng tạo
            Xuất phát từ quan điểm về tính chiến đấu của văn nghệ, Hồ Chí Minh nhấn mạnh tự do trong sáng tác của văn nghệ sĩ gắn liền với tự do của văn nghệ cũng tức là gắn liền với độc lập tự do của dân tộc. Người khẳng định: “Rõ ràng là dân tộc bị áp bức thì văn nghệ cũng mất tự do. Văn nghệ muốn tự do thì phải tham gia cách mạng”.(Về công tác văn hóa văn nghệ)
            Bàn về vấn đề sáng tạo như một nhân tố đặc thù của hoạt động văn nghệ, Người cũng nhấn mạnh: “Cần làm cho món ăn tinh thần phong phú, không nên bắt mọi người chỉ được ăn một món thôi. Cũng như vào vườn hoa, cần cho mọi người được thấy nhiều loại hoa đẹp (…) Cần khuyến khích, giúp đỡ tốt hơn nữa những anh chị em trẻ, bày vẽ thêm cho họ, nhưng phải chú ý làm cho họ giữ tình cảm chân thật, chớ gò vào khuôn làm mất vẻ sáng tạo”.
           2.4. Đạo đức và tài năng của văn nghệ sĩ
            Nhà văn – chiến sĩ bên cạnh tài năng còn phải quan tâm đến việc rèn luyện phẩm chất đạo đức. Đạo đức là cái gốc của con người. Nhà văn không có đạo đức thì dù viết cho hay đến đâu cũng không ai đọc. Người nghiêm túc khuyên: “Để làm tròn nhiệm vụ cao cả của mình văn nghệ cần phải rèn luyện đạo đức cách mạng, nâng cao tinh thần phục vụ nhân dân, giữ gìn thái độ khiêm tốn, phải thật sự hòa mình với quần chúng, cố gắng học tập chính trị, trau dồi nghề nghiệp, phải hết lòng giúp đỡ thanhh niên, làm cho văn nghệ nước nhà ngày càng thêm xuân.” (Về văn hóa văn nghệ)

           

           2.5. Vốn sống, vốn văn hóa của văn nghệ sĩ
            Nhà văn cần có hiểu biết để sáng tạo. Yêu cầu hiểu biết đối với văn nghệ sĩ là rất lớn, có thể nói là vô cùng. Hiểu biết ở văn nghệ sĩ lại không phải là hiểu biết bằng lý trí mà còn bằng cảm xúc. Văn nghệ sĩ không những phải nghe, thấy mà còn phải sống. Vốn sống của một người nghệ sĩ góp phần rất quan trọng vào thành công của họ. Hồ Chí Minh nói: “Về sáng tác thì cần thấu hiểu, liên hệ và đi sâu vào đời sống của nhân dân. Như thế mới tỏ được tinh thần anh dũng và kiên quyết của quân và dân ta, đồng thời giúp phát triển và nâng cao tinh thần ấy.”
            Hồ Chí Minh chỉ dạy rất rõ cách để văn nghệ sĩ trau dồi vốn sống của mình, đó là tích cực tìm kiếm tài liệu, nghe thấy và ghi chép:
                        “- Lấy tài liệu ở đâu mà viết?
            Muốn có tài liệu thì phải tìm, tức là:
            1. Nghe: Lắng tai nghe các cán bộ, các chiến sĩ, nghe đồng bào để lấy tài liệu mà viết.
            2. Hỏi: Hỏi những người đi xa về, hỏi bộ đội, hỏi nhân dân những việc , những tình hình ở các nơi.
            3. Thấy: Mình phải đi đến, xem xét mà thấy.
            4. Xem: Xem báo chí, xem sách vở (trong và ngoài nước).
            5. Ghi: Những cái gì đã nghe, đã thấy, đã hỏi được, đã đọc được thì chép lấy để dùng mà viết. Có khi xem mấy tờ báo mà chỉ được một tài liệu thôi. Tìm tài liệu cũng như các công tác khác, phải chịu khó…” (Bài giảng của Hồ Chí Minh tại lớp chỉnh huấn Đảng Trung ương)
           3. CHỦ NGHĨA HIỆN THỰC XÃ HỘI CHỦ NGHĨA
            3.1. Đối tượng của văn nghệ cách mạng
            Trong quá trình sáng tác, Hồ Chí Minh thường đặt ra câu hỏi: Viết cho ai? Viết cái gì? Viết để làm gì? Viết như thế nào? Người nghệ sĩ trước tiên phải xác định được đối tượng sáng tác. Vậy đối tượng của văn nghệ cách mạng theo tư tưởng Hồ Chí Minh là gì? Trong Bàn về văn hóa văn nghệ, Người viết: “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy. Cũng như các chiến sĩ khác, chiến sĩ nghệ thuật có nhiệm vụ nhất định, tức là: phụng sự kháng chiến, phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, trước hết là công nông binh”. “Phải đặt ra câu hỏi:Viết cho ai? – Phải viết cho đại đa số công nông binh. Viết để làm gì? Viết để giáo dục, giải thích, cổ động, phê bình để phục vụ quần chúng”. Ý kiến trên đã đề cập đến đối tượng của văn nghệ cách mạng là công-nông-binh, là đại đa số nhân dân.
            Chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa hướng đến đối tượng đó để phục vụ, để cổ động nhân dân, cách mạng như Hồ Chí Minh đã nói: “Báo chí của ta thì cần phải phục vụ nhân dân lao động, phục vụ chủ nghĩa xã hội, phục vụ cho đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà, cho hòa bình thế giới.”(Về công tác văn hóa văn nghệ)

            3.2. Khám phá, sáng tạo
            Nền văn học hiên thực xã hội chủ nghĩa đòi hỏi người nghệ sĩ phải: “thật hòa mình với quần chúng”, “liên hệ và đi sâu vào đời sống của nhân dân để thấu hiểu tâm tư, tình cảm và nguyện vọng của nhân dân, cuộc đời và số phận của họ”. Bên cạnh dó, người chiến sĩ trên mặt trận văn nghệ lại phải có tài năng sáng tạo, khám phá hiện thực. Vì vậy, ngoài việc nâng cao trình độ chính trị, văn hóa, nghề nghiệp, nâng cao hiểu biết về cuộc sống và con người, Hồ Chí Minh vẫn thường căn dặn văn nghệ sĩ phải bồi dưỡng phẩm chất và tài năng – những điều kiện cần thiết để sáng tạo văn nghệ.
 Hồ Chí Minh không giới hạn sự sáng tạo của nhà văn, nhưng Người yêu cầu khi viết nhà văn phải tâm niệm: “Viết cho ai? Viết cái gì? Viết để làm gì? Viết như thế nào?”. Khám phá và sáng tạo luôn cần thiết cho nhà văn dù ở bất kỳ giai đoạn nào nhưng vấn đề là nhà văn phải biết tùy vào từng hoàn cảnh cụ thể mà tạo ra những sáng tạo nghệ thuật độc đáo.
           3.3. Đề tài, chủ đề của văn nghệ mới
            Tổ quốc và chủ nghĩa xã hội là những đề tài cao đẹp nhất của văn học, nghệ thuật nước ta lúc này. Hồ Chí Minh nói: “Về nội dung viết, mà các cô các chú gọi là “đề tài”, thì tất cả những đều Bác viết chỉ là một “đề tài”, là chống thực dân đế quốc, chống phong kiến địa chủ, tuyên truyền độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội”.
            Trong “Văn kiện của Đảng và Nhà nước”, Ban Chấp hành Trung ương Đảng lao động Việt Nam có nêu: “Ngày nay những tác phẩm sinh động về cuộc kháng chiến trường kỳ và anh dũng của nhân  dân ta, về thời kỳ vận động cách mạng vô cùng oanh liệt của Đảng, cũng như về những truyền thống lịch sử vẻ vang của dân tộc, càng có ý nghĩa to lớn đối với việc giáo dục và nâng cao lòng yêu nước và bồi dưỡng chí khí đấu tranh cách mạng cuả toàn dân tộc ta, nhất là của thế hệ thanh niên, con đẻ của cách mạng tháng Tám. Tổ quốc và chủ nghĩa xã hội là những đề tài cao đẹp nhất của văn học, nghệ thuật nước ta lúc này”.
            Cách mạng tháng Tám thành công, nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh thống nhất đất nước ở miền Nam. Hồ Chí Minh cho rằng: “Trong phong trào thi đua yêu nước của đồng bào ở miền Bắc và cuộc đấu tranh yêu nước của đồng bào miền Nam, có những người, những việc vô cùng anh dũng, oanh liệt. Đó là những đề tài cực kỳ phong phú để cổ vũ đồng bào ta và để giáo dục con cháu ta.”
            3.4. Một số phạm trù mỹ học
            Về vấn đề cái đẹp, cái bi, cái hài, cái anh hùng, cái cao cả trong văn nghệ. Hồ Chí Minh cho rằng: “Nhiệm vụ của văn hóa chẳng những để cổ động tinh thần và lực lượng kháng chiến kiến quốc của nhân dân, mà còn phải nêu rõ những thành tích kháng chiến kiến quốc của chúng ta cho thế giới biết… Còn đối với quân địchthì thế nào? – Thì nêu những cái xấu của nó để cho bộ đội ta, đồng bào ta biết là chúng nó độc ác thế nào, xấu xa thế nào, để gây lòng căm thù đối với quân địch.”
           4. PHÊ BÌNH TRONG VĂN HỌC
            4.1. Vai trò và tiêu chuẩn của phê bình
            Phê bình và tự phê bình là vũ khí rất cần thiết và sắc bén nhất giúp chúng ta sửa chữa sai lầm và phát huy ưu điểm. Nhân dân ta yêu cầu văn nghệ không chỉ biểu dương những ưu điểm và thắng lợi mà còn phải thẳng thắn phê bình những khuyết điểm và nhược điểm trên bước đường trưởng thành của cách mạng với một tinh thần xây dựng và một thái độ chân thành.
            Tổng kết những bài học trong các cuộc đấu tranh chống những khuynh hướng “tô hồng”“bôi đen” trong thực tiễn văn học cách mạng trên thế giới và trong nước luôn luôn nêu bật và nhấn mạnh tính chân thật cao độ của văn nghệ, Đảng ta đã có một quan niệm toàn diện về cảm hứng của chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa. Hồ Chủ tịch viết: “Viết để nêu những cái hay, cái tôi của dân tộc ta, của bộ đội ta, của bạn ta, đồng thời để phê bình những khuyết điểm của chúng ta, của cán bộ, của nhân dân, của bộ đội. Không nên chỉ viết cái tốt và cái xấu. Nhưng phê bình phải đúng đắn. Nêu cái hay, cái tốt phải có chừng mực, chớ phóng đại. Có thế nào nói thế ấy. Bộ đội và nhân dân ta cũng nhiều cái hay để nêu lên, không cần phải bịa đặt ra. Phê bình thì phải nói phê bình một cách thật thà, chân chính, đúng đắn, chứ không để cho địch lợi dụng nó để tuyên truyền.”
            Sau đó, Người lại nhấn mạnh: “Quần chúng đang chờ đợi những tác phẩm văn nghệ xứng đáng với thời đại vẻ vang của chúng ta, những tác phẩm ca tụng chân thật những người mới, việc mới,… Trong thời kỳ quá độ, bên cạnh những thành tích tốt đẹp là chính, vẫn còn xót lại những cái xấu xa của xã hội cũ như: tham ô, lãng phí, lười biếng, quan liêu,… Đối với những thói xấu đó, văn nghệ cần phê bình nghiêm khắc, nhằm làm cho xã hội ta ngày càng lành mạnh tốt đẹp hơn. Nói tóm lại: phải có khen cũng phải có chê. Nhưng khen hay chê là phải đúng mức, khen quá thì người được khen cũng khổ, chê quá thì người bị chê cũng khó tiếp thu…”
           4.2. Tiếp thu ý kiến phê bình của quần chúng
Phê bình phải có tính chất quần chúng. Một tác phẩm ra đời không còn là của riêng tác giả nữa mà trở thành tài sản chung của xã hội, một hiện tượng xã hội tác động đến quần chúng, gây sự phản ứng tốt hay là không tốt trong quần chúng nhân dân. Cho nên, nhà phê bình cũng như tác giả muốn làm tốt công tác của mình đều phải dựa vào ý kiến của quần chúng nhân dân.Hồ Chủ tịch đã nhấn mạnh “Các báo cũng cần khuyến khích quần chúng giúp ý kiến và phê bình báo mình để tiến bộ mãi” (Về công tác văn học văn nghệ)



           5. KẾ THỪA VÀ TIẾP THU CÁC GIÁ TRỊ NGHỆ THUẬT
            5.1. Kế thừa và tiếp thu vốn văn nghệ dân tộc
            Theo Hồ Chí Minh, muốn duy trì và phát huy những truyền thống tốt đẹp của văn hóa dân tộc, trước hết cần phải “tìm hiểu sâu vốn văn hóa của dân tộc”. Hồ Chí Minh thường dẫn “Chinh phụ ngâm”, “Truyện Kiều”, những câu hò, lời ca, điệu lý quen thuộc, vốn rất đặc trưng tiêu biểu cho vốn văn nghệ dân tộc để nhắc nhở anh chị em làm công tác văn hóa văn nghệ về thái độ trân trọng vốn văn hóa dân tộc. Bác thường nói rằng: người nghệ sĩ không chỉ biết hưởng thụ cái hay, cái đẹp, cái độc đáo của vốn văn nghệ dân tộc mà còn phải biết khai thác và phát triển nó lên. Muốn làm được điều đó, trước hết người nghệ sĩ phải thật sự có tâm huyết, biết nâng niu và quý trọng văn hóa dân tộc, từ đó mới có khả năng sáng tạo và phát triển.
           5.2. Tiếp thu các giá trị văn nghệ nước ngoài
            Kế thừa truyền thống tốt đẹp của văn hóa dân tộc đi đôi với tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa nhân loại là quan điểm biện chứng trong tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa. Dân tộc và nhân loại là hai yếu tố có giá trị vĩnh hằng. Trong quá khứ, hiện tại và tương lai thì văn hóa dân tộc vẫn luôn là yếu tố hàng đầu. Đó là điều kiện cơ sở để tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại. Mặt khác, khi các dân tộc đã có sự tiếp xúc lẫn nhau thì văn hóa dân tộc phải trở thành một bộ phận của tinh thần quốc tế. Chủ nghĩa yêu nước, độc lập tự do và những giá trị văn hóa quý báu phải là một bộ phận của tinh thần quốc tế, phải gắn liền với chủ nghĩa xã hội.
            Tính dân tộc và nhân loại trong tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa tác động qua lại và kết hợp nhuần nhuyễn với nhau. Theo Người, tính dân tộc càng sâu sắc, hoàn hảo bao nhiêu thì càng có cơ hội tiếp nhận văn hóa nhân loại bấy nhiêu. Ngược lại, những cái mới của văn hóa tiến bộ thế giới sẽ làm phong phú thêm văn hóa dân tộc.














TÀI LIỆU THAM KHẢO
         
1. Hà Minh Đức – Tác phẩm văn của Chủ tịch Hồ Chí Minh – NXB Khoa học xã hội – Hà Nội – 1985
2. Hồ Chí Minh – Về công tác văn hóa văn nghệ  - NXB Sự thật – Hà Nội – 1971
3. Hồ Chí Minh – Văn hóa văn nghệ cũng là một mặt trận – NXB Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh – 2005
4. Hồ Chí Minh, Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Chí Thanh – Về văn hóa văn nghệ - NXB Văn hóa – Hà Nội – 1976
5. Ủy ban Khoa học xã hội Việt NamNghiên cứu học tập thơ văn Hồ Chí Minh – NXB Khoa học xã hội – Hà Nội – 1979


























MỤC LỤC

1. VĂN NGHỆ VÀ ĐỜI SỐNG XÃ HỘI -------------------------------------------------- 1
     1.1. Văn nghệ là vũ khí đấu tranh------------------------------------------------------ 1
     1.2. Tính giai cấp, tính Đảng, tính nhân dân trong văn nghệ------------------------ 1
     1.3. Tính tư tưởng và tính nghệ thuật trong văn nghệ-------------------------------- 3
     1.4. Nội dung và hình thức của văn nghệ--------------------------------------------- 4
     1.5. Đối tượng và chức năng của văn nghệ-------------------------------------------- 5
2. VĂN NGHỆ SĨ---------------------------------------------------------------------------- 5
     2.1. Nhà văn chiến sĩ-------------------------------------------------------------------- 5
     2.2. Lập trường quan điểm của nhà văn----------------------------------------------- 6
     2.3. Tự do và sáng tạo------------------------------------------------------------------- 6
     2.4. Đạo đức và tài năng của văn nghệ sĩ---------------------------------------------- 6
     2.5. Vốn sống, vốn văn hóa của văn nghệ sĩ------------------------------------------ 7
3. CHỦ NGHĨA HIỆN THỰC XÃ HỘI CHỦ NGHĨA------------------------------------ 7
     3.1. Đối tượng của văn nghệ cách mạng----------------------------------------------- 7
     3.2. Khám phá, sáng tạo----------------------------------------------------------------- 8
     3.3. Đề tài, chủ đề của văn nghệ mới-------------------------------------------------- 8
     3.4. Một số phạm trù mỹ học----------------------------------------------------------- 9
4. PHÊ BÌNH TRONG VĂN HỌC--------------------------------------------------------- 9
     4.1. Vai trò và tiêu chuẩn của phê bình----------------------------------------------- 9
     4.2. Tiếp thu ý kiến phê bình của quần chúng---------------------------------------- 9
5. KẾ THỪA VÀ TIẾP THU CÁC GIÁ TRỊ NGHỆ THUẬT--------------------------- 10
     5.1. Kế thừa và tiếp thu vốn văn nghệ dân tộc-------------------------------------- 10
     5.2. Tiếp thu các giá trị văn nghệ nước ngoài--------------------------------------- 10
TÀI LIỆU THAM KHẢO------------------------------------------------------------------ 11