NHỮNG ĐẶC ĐIỂM THI PHÁP CỦA TỤC NGỮ
***
1. Từ định nghĩa tục ngữ đến thi pháp tục ngữ
1.1. Định nghĩa tục ngữ
Theo ông Dương Quảng Hàm trong “Việt Nam văn học sử yếu”: “Tục ngữ (tục: thói quen đã có lâu đời, ngữ: lời nói) là những câu nói gọn ghẽ và có ý nghĩa lưu hành từ đời xưa, rồi do cửa miệng của người đời truyền đi”. Đây là một trong những định nghĩa về tục ngữ đã xuất hiện sớm. Tuy chưa thật sự đầy đủ các đặc trưng nhưng cũng đã nêu được một số đặc điểm cơ bản của tục ngữ.
Một định nghĩa khác trong giáo trình “Lịch sử văn học Việt Nam”(tập1): Tục ngữ là câu nói thường ngắn gọn có vần hoặc không có vần, có nhịp điệu hoặc không có nhịp điệu, đúc kết kinh nghiệm sản xuất hay đấu tranh xã hội, rút ra một chân lí phổ biến, ghi lại một nhận xét về tâm lí, phong tục tập quán của nhân dân, tục ngữ do nhân dân sáng tác và được toàn thể xã hội công nhận. Hay gần đây trong giáo trình “Văn học dân gian” (tập 2) của cố giáo sư Hoàng Tiến Tựu diễn đạt lại định nghĩa về tục ngữ đã nêu ở trên gọn hơn: “ Tục ngữ là thể loại VHDG nhằm đúc kết kinh nghiệm, tri thức, nêu lên những nhận xét, phán đoán, lời khuyên răn của nhân dân dưới hình thức những câu nói ngắn gọn, giản dị súc tích, có nhịp điệu, dễ nhớ, dễ truyền”.
Những định nghĩa về tục ngữ càng về sau càng đầy đủ, nêu lên được những tính chất vốn có của thể loại. Điều đó cho thấy các nhà nghiên cứu VHDG đã khám phá ra nhiều đặc trưng mang tính khu biệt, từ đó cho chúng ta cái nhìn đúng đắn hơn về tục ngữ.
Tuy nhiên, các định nghĩa nêu trên còn chưa chú ý đến chức năng cũng như mục đích của tục ngữ. Tục ngữ còn có chức năng thông báo. Thông báo một nội dung tri thức và nhằm để đạt được một mục đích nào đó trong quá trình giao tiếp của con người như: Truyền đạt kinh nghiệm; giáo huấn một điều tốt, răn đe, hạn chế cái xấu; bày tỏ thái độ, quan niệm, chính kiến trước một hiện tượng nào đó; tăng tính lập luận khi trình bày một vấn đề, một sự việc, một sự biện giải mà không cần giải thích, biện luận nhiều lời,…
Từ những vấn đề đã nêu trên, ta có thể đi đến một khái niệm về tục ngữ như sau: Tục ngữ là những câu nói gọn chắc, xuôi tai, diễn đạt những kinh nghiệm lâu đời của nhân dân về thiên nhiên và lao động sản xuất, về con người và xã hội: nó thường được nhân dân vận dụng trong suy nghĩ, trong nói năng, và trong những hoạt động thực tiễn của mình (như làm ăn, giao tiếp, ứng xử…).
1.2. Về thi pháp tục ngữ
Như đã nói ở trên, tục ngữ đúc kết những kinh nghiệm con người dưới hình thức câu nói. Hình thức “câu nói” giúp cho tục ngữ, giống như ngôn ngữ, “không phải là mật nhưng cái gì cũng dính vào” được. Có thể hiểu thi pháp tục ngữ là những câu nói được cấu tạo theo một “thi pháp” riêng, khác những câu nói thông thường: là triết lý nhưng luôn là sự việc thực tế; là suy lý nhưng vẫn thấm đượm tình cảm; chặt chẽ, đanh thép mà lại giàu hình ảnh, nhịp nhàng, xuôi tai, thuận miệng…
2. Những đặc điểm thi pháp của tục ngữ
2.1. Cấu trúc câu tục ngữ
Mỗi câu tục ngữ là một câu hoàn chỉnh về mặt ngữ pháp, diễn đạt một ý trọn vẹn. Về mặt cấu trúc, câu tục ngữ có nhiều nét đặc sắc, trong đó có hai đặc điểm nổi bật:
2.1.1. Tính chất gọn chắc của câu tục ngữ
Câu tục ngữ bao giờ cũng rất ngắn gọn, câu ngắn nhất chỉ có ba tiếng như:
- May hơn khôn
- Túng thì tính
câu dài nhất là câu lục bát, cùng dạng với ca dao:
- Rượu ngon bất luận be sành
Áo rách khéo vá hơn lành vụng may
thông thường là những câu từ bốn đến tám tiếng như:
- Ác giả, ác báo
- Bụt chùa nhà thông thiêng
- Con giun xéo lắm cũng quằn
- Chưa làm xã đã học ăn bớt
- Khéo ăn thì no, khéo co thì ấm
Câu tục ngữ không chỉ ngắn gọn mà còn chặt chẽ, không có chữ nào thừa. Vì vậy, ta mới nêu đặc điểm của nó là tính chất “gọn chắc”; mỗi tiếng, mỗi từ trong câu đều có vai trò, ý nghĩa quan trọng và được ép chặt với nhau.
2.1.2. Tính chất đối xứng của câu tục ngữ
Hình thức cấu trúc đặc trưng của câu tục ngữ là cấu trúc đối xứng. Câu đối xứng là câu có sự tương ứng đều đặn của các thành phần trong câu. Ta thấy, đó là câu có những đặc điểm sau:
. Cấu tạo thành những vế (thường là hai vế) đối ứng với nhau, có quan hệ lôgíc chặt chẽ với nhau
. Giữa các vế có sự cân bằng (đôi khi chỉ là cân bằng tương đối) về số lượng từ và sự đối ứng về từ loại, từ nghĩa …của những từ đồng vị.
Muốn giải thích đúng, sâu nghĩa và ý của câu tục ngữ, trước hết cần nắm chắc cấu trúc đối xứng của nó.
Căn cứ vào các tiêu chí cú pháp và lôgíc, có thể chia những câu tục ngữ đối xứng làm hai loại:
- Cấu trúc đối xứng đơn
Câu đối xứng đơn là câu: thứ nhất về mặt lôgíc, biểu đạt một phán đoán, thứ hai về mặt cú pháp, là câu đơn (“vế” tương đương với thành phần của câu). Ta sẽ dùng các kí hiệu a,b và ā (biểu thị mặt tương phản, mặt trái của a) để mô hình hóa câu tục ngữ có cấu trúc đối xứng đơn. Sau đây là những mô hình cấu trúc đối xứng đơn tiêu biểu, được tập hợp theo nhóm để tiện có một cái nhìn bao quát về đặc điểm cấu trúc câu tục ngữ.
+ Nhóm 1: Cấu trúc so sánh định nghĩa
. Nhóm này gồm có các dạng: a là b, a như b, a => b,…
. Ý nghĩa: dùng b để cụ thể hóa, để nhấn mạnh một đặc tính nào đó thuộc bản chất của a. Dạng tiêu biểu của kiểu cấu trúc này là cấu trúc định nghĩa a là b nhằm nhấn mạnh đặc tính b của a.
. Ví dụ:
a là b: Cái răng cái tóc là góc con người
a như b: Lòng vá như lòng sung
a => b: Tấc đất, tấc vàng
+ Nhóm 2: Cấu trúc so sánh thứ bậc
. Nhóm này gồm có các dạng: a bằng n.b (với n >1), a không bằng b (hoặc n.a không bằng b (với n <1), a chẳng đã b, a chẳng qua b,…), a hơn b,…
. Ý nghĩa: cường điệu hóa một đặc tính, một giá trị của a bằng cách so sánh nó với b hoặc ngược lại. Dạng tiêu biểu của kiểu cấu trúc này là a bằng n.b và n.a không bằng b (với n>1).
. Ví dụ:
a bằng n.b: Bát nước giải bằng một vại thuốc
a không bằng b: Vợ dại không hại bằng đũa vênh
n.a không bằng b: Trăm đom đóm chẳng bằng một bó đuốc
a hơn b: May hơn khôn
+ Nhóm 3: Cấu trúc suy luận lôgíc
. Nhóm này gồm có các dạng: a thì b (và các dạng tương đương như có a thì có b, không a thì không b), muốn a phải b, chưa a đã b, a mà ā, càng a càng ā,…
. Ý nghĩa: biểu đạt quan niệm suy lý giữa hai vế của phán đoán như: quan hệ nguyên nhân- kết quả, quan hệ điều kiện- kết quả, quan hệ mâu thuẫn…Giữa các dạng cấu trúc tương đương (như a thì b, so với có a thì có b và không a thì không b) có sự khác biệt khá rõ rệt về sắc thái tu từ.
. Ví dụ:
a thì b: Ở hiền gặp lành
Có a thì có b: Có cây mới có dây leo
Không a thì không b: Không bóp cổ, chẳng lè lưỡi
Muốn a phải b: Muốn ăn hét, phải đào giun
Chưa a đã b: Chưa học bò đã lo học chạy
a mà (nhưng) ā: Con nhà lính, tính nhà quan
Càng a càng ā: Càng thắm thì lại càng phai
- Cấu trúc đối xứng kép
Câu đối xứng kép là câu: thứ nhất về mặt lôgíc, có sự liên kết hai (hoặc hơn hai) phán đoán tương tự, tương đương hoặc tương phản thành một suy lý, thứ hai về mặt cú pháp, là câu phức (“vế” tương đương với câu đơn). Ta sẽ dùng các ký hiệu A, B,…và A’ (biểu thị “vế” (phán đoán) có nội dung và cấu trúc tương tự như A), Ā (biểu thị “vế” (phán đoán) có nội dung tương phản và cấu trúc đối liên với A) để mô hình hóa câu tục ngữ có cấu trúc đối xứng kép.
Cần lưu ý rằng giữa các dạng tương ứng của hai kiểu cấu trúc đối xứng đơn và kép (ví dụ giữa a thì b của cấu trúc đối xứng đơn với A thì B của cấu trúc đối xứng kép; giữa a mà ā của cấu trúc đối xứng đơn với A+Ā của cấu trúc đối xứng kép, …) luôn luôn có nét tương đồng căn bản về ý nghĩa và khó phân biệt về cú pháp (câu đơn hay câu phức). Khi nghiên cứu, ta nên có sự đối chiếu và tự rút ra những nhận xét thích đáng:
+ Nhóm 1: Cấu trúc so sánh trùng điệp
. Nhóm này gồm có các dạng: A = A’, A= B (=C…),…(Dấu bằng biểu thị sự đẳng lập giữa các vế).
. Ý nghĩa: liên kết những phán đoán có nội dung và cấu trúc tương tự (A và A’) hoặc có hàm nghĩa tương đương (A và B) thành một phán đoán chung nhằm làm nâng nổi nghĩa và ý chung của câu tục ngữ bằng phép bồi trợ.
. Ví dụ:
A = A’: Buôn có bạn, bán có phường
A =B ( =C…): Hàm chó, vó ngựa, cựa gà, ngà voi
+ Nhóm 2: Cấu trúc so sánh thứ bậc
. Nhóm này gồm có các dạng: A > B (>C…) (hình thức biểu đạt phổ biến là: nhất A, nhì B,…), A < B (hình thức biểu đạt phổ biến là A không bằng B),…
. Ý nghĩa: Cũng tương tự như kiểu cấu trúc so sánh thứ bậc đối xứng đơn; chỗ khác biệt là: ở đây, A và B tuy vẫn là những vế của một câu tục ngữ nhưng bản thân chúng cũng có ý nghĩa của một phán đoán (nghĩa là bản thân A,B cũng là những kinh nghiệm); dạng A > B là so sánh thứ bậc đúng mức, còn dạng A < B luôn luôn có tính chất phóng đại (với tục ngữ, phóng đại là một thủ thuật lập luận nhằm thuyết phục bằng “gây ấn tượng”).
. Ví dụ:
A > B (>C…): Thứ nhất cày nó, thứ nhì bón phân
A < B: Giặc bên Ngô không bằng bà cô bên chồng
+ Nhóm 3: Cấu trúc suy luận lôgíc
. Nhóm này gồm có các dạng: A thì B (đồng dạng với a thì b của cấu trúc đối xứng đơn), A + Ā (đồng dạng với a mà ā của cấu trúc đối xứng đơn), A # B (hình thức biểu đạt phổ biến là A chứ không phải B), A + A’ + A”…,…
. Ý nghĩa: lập luận bằng so sánh (lôgíc học gọi là lập luận loại suy): dạng A thì B là so sánh khẳng định (mượn A như một chân lý hiển nhiên để khẳng định B); dạng A # B là so sánh phủ định (phủ định B để nhấn mạnh khẳng định A); dạng A + Ā là so sánh tương phản (đối chiếu A, Ā để vạch rõ mâu thuẫn của đối tượng được đề cập); dạng A + A’ + A”…là so sánh theo thời gian (để chĩ rõ sự biến đổi đi lên hoặc đi xuống của đối tượng).
. Ví dụ:
A thì B: Dao năng liếc thì sắc, người năng chào thì quen
A # B: Bà con vì tổ vì tiên chứ không vì tiền vì gạo
A + Ā: Mềm nắn, rắn buông
(Ghi chú: Cũng có so sánh tương phản A +Ā nhằm nêu lên một điều răn dạy “hoàn chỉnh” gồm hai mặt bổ sung cho nhau. Ví dụ:
Khôn thì trong trí lượng ra
Dại thì học lỏm người ta bề ngoài
A + A’ + A”…: Ba tháng biết lẫy, bảy tháng biết bò, chín tháng lò dò chạy đi
2.2. Từ ngữ, nhịp và vần của câu tục ngữ
Cấu trúc câu tục ngữ có tính chất bền vững, được xây dựng bởi ba loại vật liệu chính là từ ngữ, nhịp và vần. Những vật liệu này được kết hợp chặt chẽ, hài hòa với nhau để tạo ra sức biểu đạt hoàn hảo của câu.
2.2.1. Từ ngữ của câu tục ngữ
Đặc điểm thứ nhất của từ ngữ trong tục ngữ là ở chỗ nó rất đích đáng, sắc sảo mà vẫn hết sức giản dị. Từ ngữ trong câu tục phải đích đáng, sắc sảo để đảm bảo tính chất tối ưu cho không gian ngôn ngữ của câu tục ngữ; đồng thời, nó đích đáng, sắc sảo mà vẫn giản dị vì tục ngữ là hình thức tinh luyện của khẩu ngữ dân gian. Muốn đi sâu vào đặc điểm này nên tập trung sự quan sát vào bộ phận vị ngữ trong câu tục ngữ, cụ thể là những động từ và những tính từ chỉ tình thái hay tính chất. Điều thú vị là ngay những câu tục ngữ dùng đến 9/10 từ Hán- Việt cũng vẫn giữ được đặc điểm này. Ví dụ, trong câu:
Vô phúc đáo tụng đình, tụng đình rình vô phúc
Chỉ có một từ rình là thuần Việt, lại là một từ thông tục. Nhưng được đặt vào ngữ cảnh Hán- Việt trang nghiêm, đã biến cả câu thành “nửa Hán nửa Nôm” và tự nhiên toát ra ý vị hài hước suồng sã, do đó đã đóng vai trò nổi bật trong việc biểu đạt tinh thần câu tục ngữ: Vừa vạch trần công lý, vừa khuyên răn những ai có máu kiện cáo, xưa kia. Cũng nên biết rằng những câu tục ngữ có nội dung hài hước hoặc châm biếm có chủ tâm thường có ý nghĩa răn dạy.
Đặc điểm thứ hai cũng rất tiêu biểu của từ ngữ trong câu tục ngữ, là tính hình ảnh của sự diễn đạt những khái niệm, những ý tưởng trừu tượng. Ở đây, biện pháp được sử dụng rộng rãi hơn cả vẫn là biện pháp so sánh. Trong tục ngữ, xét chung, có ba loại quan hệ so sánh: 1/ so sánh nhằm diễn đạt những khái niệm trừu tượng một cách cụ thể, hình ảnh; 2/ so sánh giữa hai vế của cấu trúc câu tục ngữ nhằm biểu đạt một suy lý, một lập luận; 3/ so sánh khi sử dụng câu tục ngữ vào các hoạt động suy nghĩ, nói năng, ứng xử…
Ví dụ, với câu tục ngữ:
Một giọt máu đào hơn ao nước lã
Cả ba loại so sánh trên được đề cập trong câu tục ngữ này. 1/ khái niệm “họ hàng” được biểu đạt bằng hình ảnh máu đào, khái niệm “người dưng” được biểu đạt bằng hình ảnh nước lã- đó là những ẩn dụ; 2/ vế 1 được so sánh với vế 2: a hơn b; 3/ trong ứng dụng, câu tục ngữ này trở thành một tỷ dụ hoặc ẩn dụ khi người sử dụng muốn nhấn mạnh, đề cao quan hệ huyết thống.
2.2.2. Nhịp của câu tục ngữ
Câu tục ngữ có cấu trúc đối xứng nằm ở giữa hai vế (nếu ba vế thì có hai trục…). Trường hợp tục ngữ dùng kiểu câu hô ứng (bao nhiêu… bấy nhiêu, nào… ấy, nào… cũng,…) ta có thể hình dung nó có trục đối xứng xoay. Dấu hiệu hình thức của đối xứng là những liên từ, trợ từ,… Nhưng, vì tục ngữ ít dùng các loại từ ấy, nên trục đối xứng thường ẩn trong nhịp và vần. Việc tỉnh lược những liên từ, trợ từ,… không chỉ có tác dụng làm cho câu tục ngữ gọn chắc hơn mà còn làm cho nó trở nên mềm dẻo hơn và, do đó, thêm tinh tế. Ví dụ:
Vỏ quýt dày / móng tay nhọn
Người ta có thể ngầm đặt vào trục đối xứng những từ công cụ như: sẽ có, tất nhiên có, đã có, gặp, phải có,… và như vậy sẽ có những phán đoán khác nhau đôi chút về sắc thái lôgic (phán đoán tất nhiên, phán đoán xác định, phán đoán khả năng… ). Trường nghĩa của câu tục ngữ được mở rộng một phần nhờ tính mềm dẻo đó - tính mềm dẻo được tạo nên bởi trục đối xứng ẩn.
Ở tục ngữ, nhịp tự nhiên luôn luôn đồng thời là nhịp lôgic. Đó là một nguyên tắc chi phối việc chọn đặt từ và gieo vần. Phân tích bất cứ câu tục ngữ nào ta cũng nhận ra đặc điểm ấy.
Ví dụ: - Không thầy // đố mày làm nên
- Hà tiện mới có // phũ như chó / mới giàu
Như vậy, tính chất nhịp nhàng, vần vè của câu tục ngữ đành rằng có giúp cho nó “xuôi tai, thuận miệng, dễ nhớ, dễ truyền” nhưng vẫn được quy định trước hết và chủ yếu bởi yêu cầu của nội dung. Câu tục ngữ có vẻ như không được đặt ra mà bật ra một cách tự nhiên, do một hoàn cảnh cụ thể, tự lương tri, tâm hồn và trí tuệ… nhưng thật ra là một công trình kiến trúc tinh xảo bằng ngôn ngữ - người ta khó có thể thay đổi, thêm bớt gì được. Đương nhiên, như đã nói ở trên, yếu tố nhịp đóng vai trò không hiển hiện nhưng có nhiều tác dụng: nó khiến cho câu tục ngữ có tính nhịp nhàng; nó có sự tương tác với yếu tố vần và góp phần tạo ra sự hài hòa về âm thanh cho câu tục ngữ; nó góp phần tạo ra sự cân đối, qua đó biểu đạt sắc thái quan hệ lôgic giữa các vế của câu tục ngữ.
2.2.3. Vần của câu tục ngữ
Cũng như trong ca dao, trong tục ngữ vần là yếu tố giữ nhịp, tạo ra sự hài âm hòa thanh cho câu, đồng thời góp phần làm nâng nổi những từ có ý nghĩa quan trọng trong câu. Trong tục ngữ, vần hết sức phong phú, linh hoạt, bắt với nhau rất tự nhiên mà tài tình và không tùy tiện cốt lấy sự “xuôi tai, vần vè”. Hiện tượng gò chữ ép vần rất hiếm thấy trong tục ngữ. Những câu tục ngữ 4 tiếng thường có cấu trúc đan chéo (a b a’ b’, a b c b’, a b a b’) hoặc cấu trúc cân đối như ta đã biết. Trong trường hợp vần xuất hiện và phải là vần sát. Ví dụ:
- Bến đò, lò rèn
- Có tật, giật mình
- Cốc mò, cò xơi
Vần sát xuất hiện trong những câu tục ngữ có cấu trúc đối xứng mà trục đối xứng ẩn.
Ví dụ: Những câu 6 tiếng:
- Ăn cây nào, rào cây ấy
- Cá kể đầu, rau kể mớ
- Đạn ăn lên, tên ăn xuống
Những câu 8 tiếng:
- Đầu năm buôn muối, cuối năm buôn vôi
- Một nghề thì kín, chín nghề thì hở
- Khôn đâu có trẻ, khỏe đâu có già
Tuy nhiên, khảo sát kỹ hơn ta sẽ thấy trong những câu tục ngữ có cấu trúc đối xứng với trục đối xứng ẩn (dạng 8 tiếng, 10 tiếng,…) xuất hiện cả vần cách.
Ví dụ: - Khéo ăn thì no, khéo co thì ấm
- Hay làm thì đói, hay nói thì no
So sánh cách gieo vần ở hai câu:
- Đầu năm sương muối, cuối năm gió nồm
- Năm trước được cau, năm sau được lúa
Ta thấy: câu trên gieo vần sát, vì trong câu này hai tiếng đầu (năm), cuối (năm) đòi hỏi phải được nhấn mạnh; câu dưới gieo vần cách, vì trong hai câu này tiếng (năm) trước, (năm) sau đòi hỏi phải được nhấn mạnh - hai cách gieo vần đều thống nhất ở chỗ đảm bảo giữ nhịp và nhấn mạnh những từ chủ chốt. Như vậy, cùng kiểu câu có cấu trúc đối xứng với trục đối xứng ẩn, nhưng gieo vần sát hay gieo vần cách là do cùng một quy tắc chi phối- đó là quy tắc “cách gieo vần phụ thuộc vào chức năng của vần”, chủ yếu là chức năng từ vựng của vần, tức là vai trò và tác dụng làm nổi bật những từ được láy âm của nó. Quy tắc này cũng giống như quy tắc “nhịp tự nhiên cũng là nhịp lôgic” đã nói ở trên, cả hai đều diễn dịch cùng một nguyên lý chung là “hình thức phục tùng nội dung”.
Có thể mở rộng ra, có trường hợp những câu tục ngữ tuy có cấu trúc hai vế nhưng không đối xứng chặt chẽ và có trường hợp những câu tục ngữ có cấu trúc tự do. Ví dụ:
Vần cách một tiếng:
- Con lên ba, mới ra lòng mẹ
- Cáo chết để da, người ta chết để tiếng
Vần cách hai tiếng:
- Tháng bảy heo may, chuồn chuồn bay thì bão
- Bà chúa đứt tay, bằng ăn mày sổ ruột
Vần cách ba tiếng:
- Tiền lĩnh quần chị, không bằng tiền chỉ quần em
- Tham thì thâm, Bụt đã bảo thầm rằng chớ có tham
Tính biểu cảm nghệ thuật của câu tục ngữ phụ thuộc phần lớn vào vần, vào sự “biến hóa” trong cách gieo vần của nó. Cũng có thể thấy là vần gieo cách một, hai hay ba tiếng đều theo đúng quy tắc riêng. Tóm lại, tính nghệ thuật của câu tục ngữ thể hiện ở tính cân đối của cấu trúc, ở tính hình tượng của từ ngữ, ở tính nhịp nhàng và tính nhạc của nhịp và vần… của nó.
3. Thực tế và tục ngữ – tục ngữ và thực tế
Tục ngữ nảy sinh từ nhu cầu khái quát những kinh nghiệm rút ra từ sự quan sát và suy ngẫm về những sự việc, sự kiện thực tế và đúc kết những kinh nghiệm ấy để sử dụng trong các hoạt động thực tế.
Có lẽ là thừa khi khẳng định rằng “thể loại tục ngữ trong bản chất có tính chất hiện thực”. Tuy nhiên, nếu cho rằng “bản thân nếp suy nghĩ của tục ngữ…là sự tập hợp của những điều quan sát đơn giản” thì chưa hẳn đã đúng. Ta nhận thấy là kinh nghiệm trong tục ngữ, đều hình thành trên cơ sở quan sát, suy ngẫm về những sự việc, sự kiện thực tế được lặp đi lặp lại nhiều lần. Trong tục ngữ khó lòng có được tiếng vang kinh nghiệm của một sự việc, một sự kiện thực tế đơn độc. Không thể chỉ một vài lần “trông trời, trông đất,..”, “dãi nắng, dầm sương,…” hoặc “ra khơi, vào lộng,…” là đã có thể “rút ra” những kinh nghiệm về thời tiết, ví dụ như:
- Vẩy mại thì mưa, bối bừa thì nắng
- Trăng quầng thì hạn, trăng tán thì mưa
mà phải trải cả đời, nhiều đời, mồ hôi nước mắt trên ruộng đồng, sông biển. Cả lịch sử hàng ngàn năm chống ngoại xâm của dân tộc ta chỉ để lại cho kho tàng tục ngữ có mươi câu giản dị như:
- Nước mất, nhà tan
- Giặc đến nhà đàn bà phải đánh
nhưng đó chính là những kinh nghiệm, những bài học xương máu của bao thế hệ ông cha ta đánh giặc, là những chân lý lớn của lịch sử giữ nước.
Cũng như các thể loại khác của sáng tác nghệ thuật truyền miệng dân gian, tục ngữ thể hiện cách đánh giá của nhân dân đối với thực tế, đối với những hiện tượng của đời sống. Trong bất kỳ một kinh nghiệm nào của tục ngữ cũng chứa đựng kín hoặc lộ thái độ, quan điểm, cách đánh giá của nhân dân đối với hiện tượng được nói đến. Về mặt thi pháp, đó chính là chất biểu cảm của tục ngữ. Chẳng hạn, cách biểu đạt nội dung kinh nghiệm của câu tục ngữ:
Tháng tám đói qua, tháng ba đói chết
So sánh cái đói giáp hạt tháng tám (giữa vụ chiêm và vụ mùa) với cái đói giáp hạt tháng ba (giữa mùa và chiêm) – đói qua và đói chết – khiến những ai đã từng niếm trải hoặc có hiểu biết về thực tế tàn nhẫn ấy đều cảm nhận được “âm vang” của cái cảm giác kinh hoàng của chính những người đã đúc kết ra câu tục ngữ này. Hoặc, chẳng hạn, biểu đạt nội dung kinh nghiệm có ý vị “tâm lý học lứa tuổi” của câu:
Già được bát canh, trẻ được manh áo mới
Rõ ràng thể hiện thái độ đồng cảm giữa những người vốn ít được hưởng niềm vui trong cái ăn, cái mặc, dù chỉ là những niềm vui bé nhỏ – được bát canh (người già, khi ăn, thường hay nghẹn), được manh áo mới – và đó là một sự đồng cảm thấm đượm tình người. Tất nhiên, chất biểu cảm của tục ngữ thường bộc lộ rõ hơn khi câu tục ngữ được sử dụng.
Là thể loại có chức năng thực hành – sinh hoạt triệt để hơn cả, tục ngữ có cuộc sống tích cực hơn cả trong dân gian. Để hình dung con đường từ tục ngữ đến thực tế, cần đi sâu vào tính đa nghĩa của nó. Ta đã biết là tục ngữ có thể chia làm hai loại cơ bản: loại đơn nghĩa và loại đa nghĩa. Những câu tục ngữ thuộc loại đơn nghĩa là những câu chỉ có thể hiểu theo “nghĩa đen”. Ví dụ: Mưa tháng bảy gãy cành trám
Dao thử trầu héo, kéo thử lụa xô
Những câu tục ngữ thuộc loại đa nghĩa có thể chia thành hai loại: loại thứ nhất gồm những câu vừa được hiểu theo “nghĩa đen”, vừa có thể (và thường) được hiểu theo “nghĩa bóng”; ví dụ:
Qua giêng hết năm, qua rằm hết tháng
Qua chợ còn tiền, vô duyên càng khỏi nhẵn má
Loại thứ hai gồm những câu chỉ được dùng theo “nghĩa bóng”, ví dụ:
Chết không muốn, muốn ăn xôi
Có sừng, thì đừng hàm trên
Những câu tục ngữ thuộc loại đa nghĩa chiếm tỷ lệ lớn hơn hẳn so với những câu đơn nghĩa. Điều này có nghĩa là trong ứng dụng phần lớn tục ngữ được dùng như những ẩn dụ. Trong trường hợp này, câu tục ngữ trở thành cái so sánh (b) và điều người ta muốn nói là cái được so sánh (a). Vì trường nghĩa của câu tục ngữ đa nghĩa thường khá rộng (xoay quanh một nghĩa cơ bản) cho nên nó có khả năng ứng dụng vào những tình huống, hoàn cảnh khác nhau. Trên thực tế, sử dụng một câu tục ngữ một cách thích đáng, ở một hoàn cảnh thích hợp, xét về mặt “hành ngôn”, gần như là khám phá ra một nghĩa mới thuộc trường nghĩa của nó, nếu không muốn nói là “phát minh” ra một ẩn dụ mới.
- HẾT -