DANH SÁCH BÀI VIẾT

Thursday, June 30, 2011

TRỐNG CỔ RAP-PA-NA, NÉT VĂN HÓA CỦA NGƯỜI CHĂM AN GIANG

Ráp-Pà-nà là một loại trống cổ có ý nghĩa rất thiêng liêng  trong đời sống tâm linh của bà con dân tộc Chăm An Giang. Trong các ngày lễ hội lớn, tiếng trống cổ Ráp-pà-nà lại rộn rã vang lên gợi nhớ về một thuở cha ông đến đây mở đất, lập làng. Đó cũng là những lời răn dạy con trẻ trong những ngày thành hôn nên vợ nên chồng. Do nhiều nguyên nhân mà trống cổ Ráp Pà-nà hiện đang bị mai một.
Ngày trước cả 9 xóm Chăm An Giang đều có đội trống cổ Ráp-Pà-nà nhưng giờ chỉ còn 2 đội, một ở xóm Chăm Châu Giang, Thị xã Tân Châu và một ở huyện An Phú. Các nghệ nhân chế tác và biết chơi trống cổ cũng chẳng còn bao nhiêu nên tiếng vọng thiêng liêng của hồn dân tộc cũng dần bị mất đi.
Ông Abu-Ba-Car là người có nhiều năm gắn bó với các  hoạt động văn hóa nghệ thuật của ấp Phũm Soài, xã Châu Phong, Thị xã Tân Châu. Để bảo tồn và phổ biến  nét văn hóa đặc sắc của dân tộc mình, ông đã cùng với những thợ mộc khéo tay trong làng xắn tay vào phục chế trống Ráp-pà-nà. Không nề hà bất cứ việc gì, ông đi khắp nơi tìm cây gỗ, dây mây căng trống, rồi tìm da bò để làm mặt trống.
  Với tâm huyết của ông và các nghệ nhân ít ỏi còn sót lại trong làng Chăm, cuối cùng, hai bộ trống cổ Ráp-pà-nà theo đúng nguyên bản của cha ông đã ra đời trong niềm vui và xúc động của cộng đồng các làng Chăm. Sau đó, một bộ được trưng bày ở Khách sạn Victoria Hàng Châu, Thị xã Châu Đốc, bộ còn lại được mang ra Hà Nội giới thiệu cùng đồng bào cả nước và du khách nước ngoài.
 Nhờ những người như ông Abu Ba Car, giờ đây, chiếc trống Ráp-pà-nà đã được phục chế. Tiếng vọng ngàn năm thiêng liêng của cha ông lại được vang lên trong những ngày hội lớn của dân tộc, góp thêm một nét văn hóa độc đáo của đồng bào Chăm An Giang trong vườn hoa văn hóa đa sắc đa thanh của cộng đồng các dân tộc anh em trên đất nước Việt Nam./