DANH SÁCH BÀI VIẾT

Sunday, July 3, 2011

KĨ THUẬT NGÔN TỪ TRONG “MÀU TÍM HOA SIM” CỦA HỮU LOAN


“Màu tím hoa sim được xem là một trong những bài thơ tình hay nhất của thế kỷ hai mươi”. (Báo Thanh niên 14/12/2004) và cũng là bài thơ có số phận nghiệt ngã. Trong khoảng một thời gian khá dài, dễ chừng cũng trên dưới ba mươi năm, ở miền Bắc, “Màu tím hoa sim” không được phổ biến nếu như không muốn nói là cấm in, cấm đọc. Thế nhưng “Màu tím hoa sim” không vì thế mà bị lãng quên. Mặc dù không được in công khai trên sách báo nhưng bài thơ vẫn có một chỗ đứng khá đặc biệt trong lòng người đọc. Sở dĩ bài thơ trở nên hấp dẫn người đọc đến như vậy có lẽ là do sự không may của tác phẩm khi ra đời. Tuy nhiên chúng ta cũng cần phải lưu ý rằng: để trở thành một bài thơ hay không thể chỉ là chuyện may rủi mà ở đó còn có cả một quá trình lao động nghệ thuật của nhà thơ. Trong “Màu tím hoa sim” ta thấy Hữu Loan đã có những sáng tạo trong việc sử dụng ngôn từ để tạo nên tác phẩm. Vậy để biết sự sáng tạo đó được thể hiện như thế nào trong bài “Màu tím hoa sim” chúng ta hãy thử phân tích kỹ thuật ngôn từ mà nhà thơ đã sử dụng để xây dựng nên bài thơ.
          Muốn làm rõ được vấn đề đề cập ở trên trước hết chúng ta cần nắm được nội dung của một số thuật ngữ liên quan.
          Ngôn từ là gì? Có thể hiểu một cách nôm na thì đó chính là ngôn ngữ mang tính chất nghệ thuật được sử dụng trong lĩnh vực văn học hoặc có thể hiểu ngôn từ chính là chất liệu cơ bản của văn học.
          Còn theo Từ điển giải thích thuật ngữ ngôn ngữ học do Nguyễn Như Ý chủ biên thì nội dung khái niệm này được phát biểu như sau: “Ngôn từ là sự kết kợp những từ có tổ chức nội tại hoàn chỉnh về đặc điểm từ vựng, ngữ pháp hoặc phong cách”. Như vậy trên cơ sở nội dung khái niệm này chúng ta thử xem trong “Màu tím hoa sim” Hữu Loan đã thể hiện sự kết hợp này như thế nào? Đã có sự hoàn chỉnh về đặc điểm từ vựng, ngữ pháp hoặc phong cách hay chưa?
          Trước hết chúng ta cùng khảo sát thi pháp ngôn từ ở phương diện âm thanh để xem sự phối âm, vần giữa các từ ngữ trong bài thơ được tác giả thể hiện như thế nào?
          “Vần là một phương tiện tổ chức văn bản thơ dựa trên cơ sở sự lặp lại không hoàn toàn các tiếng ở những vị trí nhất định của dòng thơ nhằm tạo nên tính hài hòa và liên kết của dòng thơ và giữa các dòng thơ”. (Trích Từ điển thuật ngữ văn học). Trong “Màu tím hoa sim” vấn đề này được nhà thơ thể hiện cũng khá rõ nét:
          Bài thơ sử dụng khá nhiều vần vang ngân như: ang, ương, anh, im, inh, iên, ong, ông... tạo cảm giác buồn mênh mang.
Ngày hợp hôn
nàng không đòi may áo mới
Tôi mặc đồ quân nhân
đôi giày đinh
bết bùn đất hành quân
Nàng cười xinh xinh
bên anh chồng độc đáo.
Tôi ở đơn vị về
cưới nhau xong là đi
Từ chiến khu xa
nhớ về ái ngại
Lấy chồng thời chiến chinh
Mấy người đi trở lại
Nhỡ khi mình không về
thì thương
người vợ chờ
bỏng chiều quê...
Nhưng không chết
người trai khói lửa
Mà chết
người gái nhỏ hậu phương
Tôi về
Không gặp nàng
Má tôi ngồi bên mộ con đầy bóng tối
Chiếc bình hoa ngày cưới
thành bình hương
Tàn lạnh vây quanh
Tóc nàng xanh xanh
ngắn chưa đầy búi
Em ơi giây phút cuối
Không được nghe nhau nói
Không được trông nhau một lần
          Xen lẫn với các vần: i, ai, ê, uê... gợi một nỗi buồn chôn chặt, lắng đọng trong cả bài thơ và có lẽ đó cũng là nỗi buồn sâu thẳm nơi tâm hồn nhà thơ.
          Kết thúc bài thơ là một nỗi đau dai dẳng được nhà thơ khắc họa qua các vần: ong ("vọng") và một trạng thái u buồn: âu ("về đâu").
          Tôi ví vọng về đâu
          Tôi với vọng về đâu
          Áo anh nát chỉ đã lâu
Đó là kết hợp về mặt âm và vần trong “Màu tím hoa sim” của Hữu Loan còn về mặt nhịp điệu trong toàn bộ bài thơ thì sao?    
Nhịp: là một phương tiện quan trọng để cấu tạo nên hình thức nghệ thuật cho tác phẩm văn học dựa trên sự lặp lại có tính chất chu kì, cách quãng hoặc luân phiên của các yếu tố có quan hệ tương đồng trong thời gian hay quá trình nhằm chia tách và kết hợp các ấn tượng thẩm mỹ.
Trong văn học nhịp điệu là sự lặp lại cách quãng đều đặn và có thay đổi của các hiện tượng ngôn ngữ, hình ảnh, mô típ… nhằm thể hiện sự cảm nhận thẩm mĩ về thế giới, tạo ra cảm giác vận động của sự sống tránh sự đơn điệu. Riêng trong thơ nhịp được thể hiện ở cấp độ tổ chức văn bản, đơn vị cơ bản của sự lặp lại trong thơ là dòng thơ với độ dài của nó gồm số tiếng. Đó là về mặt lí thuyết còn trong thực tế ta thấy Hữu Loan đã vận dụng vấn đề này vào trong việc tạo ra nhịp thơ trong “Màu tím hoa sim” cũng khá độc đáo. Cả bài thơ được sáng tác để nói lên những hồi tưởng của anh Vệ quốc quân về người vợ bé bỏng nơi hậu phương đã hy sinh, về những kỷ niệm, kỷ vật của anh với nàng. Do vậy, nhịp thơ rất chậm rãi, có khi dàn trải có khi lại đứt đoạn, nghẹn ngào. Nó khái quát nên nỗi đau chất chứa, dai dẳng. Ở đây, nhịp thơ cũng có nghĩa là nhịp lòng, nhịp đập của một trái tim rớm máu.
Tôi người vệ quốc quân
xa gia đình
Yêu nàng như tình yêu em gái
Ngày hợp hôn
nàng không đòi may áo mới
Tôi mặc đồ quân nhân
đôi giày đinh
bết bùn đất hành quân
Nàng cười xinh xinh
bên anh chồng độc đáo
Nhỡ khi mình không về
thì thương
người vợ chờ
bé bỏng chiều quê.
Đó là về nhịp thơ chúng ta thấy nhà thơ có sự ngắt nhịp rất lạ nhưng lại rất phù hợp với giọng điệu, tâm hồn và cảm xúc của nhà thơ lúc bấy giờ.
Còn về mặt từ ngữ, đặc biệt là ở việc sử dụng cặp từ xưng hô được nhà thơ thay đổi rất linh hoạt và uyển chuyển. Lúc thì gọi tôi – nàng, nhưng có lúc lại là vợ - chồng, anh - em cho thấy mối quan hệ đa dạng giữa hai nhân vật trữ tình. Họ đã quen nhau từ cái thuở bạn bè hồn nhiên cho đến khi trở thành bạn hiền, thủy chung, nghĩa vợ chồng, tình quân dân…Sự linh hoạt trong cách xưng gọi gợi những cảm giác mơ màng, u uẩn, một trạng thái đê mê; một tình thương da diết và một nỗi đau khôn cùng.
Bài thơ còn sử dụng rất nhiều các từ tượng hình và từ tượng thanh tạo nên sự mông lung, vừa thực vừa ảo, vừa gần vừa xa, cái cảm giác đầy ám ảnh, nhòe mờ giữa hiện tại khổ đau và ký ức tươi non: mái tóc xanh xanh, nụ cười xinh xinh, dáng hình bé bỏng, người đi biền biệt, người ở lại buồn da diết, một trạng thái hụt hẫng đến ngỡ ngàng, một tâm hồn hoang lạnh rờn rợn.
          Khi tóc nàng xanh xanh
Nàng cười xinh xinh
bé bỏng chiều quê
Gió sớm thu về rờn rợn nước sông
Đứa em nhỏ lớn lên
ngỡ ngàng nhìn ảnh chị.
Ngoài ra trong bài thơ nhà sơ còn sử dụng một số từ mang tính chất diễn tả cho những hình ảnh đồng hiện giữa quá khứ và hiện tại:
Tình yêu được chắp cánh từ tình bạn; thân mật và ấm áp:
                             Yêu nàng như tình yêu em gái.
          Nó xua tan mọi yêu cầu về vật chất:
                   Nàng - không đòi may áo mới/Tôi - mặc đồ quân nhân
          Được tiến hành trong khoảng thời gian gấp gáp:
                   Ở đơn vị - về/Cưới nhau xong - là đi
          Nên cái hạnh phúc có được cũng trở nên mỏng manh:
                   Người đi - không về
                   Tôi về - không gặp...
          Xót xa thay:
                   Bình hoa ngày cưới - thành bình hương
                   Được tin em gái mất - Trước tin em lấy chồng       
                   Vợ anh chưa có - Vợ anh mất sớm...
          Tất cả sự đối lập giữa cái hạnh phúc và cái mất mát; giữa cái bình dị và cái thiêng liêng đã làm cho trái tim của chàng nhói đau, khi dữ dằn khi dịu êm, miên man trong niềm tiếc nhớ...
          Còn về mặt bố cục bài thơ có nhiều đoạn trải dài nhiều đoạn lắng đọng lại và có sự đan xen giữa những những mảng “trắng - đen” tạo nên cảm giác vừa cô đơn trống trải, lại vừa ảm đạm thê lương của nhân vật trữ tình.
          Không khí ảm đạm này còn được người đọc cảm nhận thông qua tiêu đề của bài thơ đó là “Màu tím hoa sim”. Dường như ngay trong đầu đề này đã gợi lên một chút gì đó ảm đạm và buồn do màu sắc của loài hoa mang lại. Trong bài thơ hình ảnh hoa sim tím; đồi sim tím; chiều tím tím; tím tình trang lệ ứa... cùng với những ngôn từ nòng cốt: màu tím, ngày xưa đã nhấn chìm nhân vật chàng trong chuỗi những chiều hoang, biền biệt. Tất cả những hình ảnh này kết hợp với màu hoa sim tím làm cho cả bài thơ tràn ngập một nỗi buồn thê lương, tang tóc.
Những khoảng trắng trong nhiều câu thơ tạo nên sự liên tưởng, sự nghẹn ngào của lời tâm sự, sự đứt gãy của niềm hạnh phúc hân hoan; nhưng rồi nó vẫn tiếp tục được nối lại bằng những vạch đen đã nhập nhằng, xô đẩy nhân vật phải đứng trước một hiện thực phũ phàng,:
          Tôi ví vọng về đâu
          Tôi với vọng về đâu
          Áo anh đứt chỉ dù lâu...
          Tất thảy nói lên một cảm giác xót xa, rơi rụng, nhói buốt con tim khi người chồng phải đối diện với một hiện thực không thể khác, một hạnh phúc nhỏ nhoi đã bay xa.         
          Chính vì lẽ đó, tâm sự của nhà thơ nhiều khi gợi lên tuy đứt đoạn (trên bề mặt con chữ) nhưng hóa ra lại rất liền mạch (về cảm xúc); nỗi đau ấy, mất mát ấy luôn được bạn đọc cộng hưởng, bổ sung những liên tưởng hằn lên sau mỗi câu thơ xé lòng:
          Em ơi giây phút cuối
                             không được nghe nhau nói
                                                          không được trông nhau một lần
!!!...
          Có thể nói, ngôn từ của bài thơ đã bị tan ra, loãng đi bởi những dòng tâm trạng - Ngôn ngữ tâm trạng nhiều lần lấn lướt ngôn ngữ miêu tả; nỗi đau xé lòng khiến cho cảm xúc như vừa bùng lên như vừa lắng lại; nhân vật trữ tình không kêu than, không oán trách mà là đồng cảm, tiếc thương
          Người vợ chờ
                              bé bỏng
                                      chiều quê....
          Tóm lại trong Màu tím hoa sim Hữu Loan đã tạo riêng cho mình một kĩ thuật xây dựng ngôn từ hết sức độc đáo. Độc đáo từ vần thơ, nhịp điệu, lối xưng hô cho đến kết cấu đối lập tương đồng…Tất cả những điều đó được hợp lại để tạo nên một sức hấp dẫn độc đáo cho cả bài thơ. Sức hấp dẫn của Màu tím hoa sim không chỉ là do hoàn cảnh nó ra đời mà còn xuất phát từ trong hệ thống nghệ thuật của bài thơ