Văn học “hậu chiến” là một khái niệm ước lệ chỉ một giai đoạn văn học ngay sau chiến tranh mà cảm hứng chính của nó vẫn là suy ngẫm về chiến tranh trong hoàn cảnh mới, của những con người vừa bước ra khỏi cuộc chiến tranh, còn bị chi phối bởi quán tính cuộc chiến. Bài viết này xem xét việc thể hiện nhân vật của tiểu thuyết về đề tài chiến tranh Việt Nam trong khoảng hai mươi năm sau 1975, thời kỳ có thể tạm gọi là văn học hậu chiến. Thời gian “hậu chiến” như vậy thật quá dài, nguyên nhân một phần là do những năm 1979-1980 đã nổ ra các cuộc chiến tranh biên giới.
Từ rất sớm, trong bài Viết về chiến tranh (1978), Nguyễn Minh Châu đã đặt ra câu hỏi cho hướng đi của tiểu thuyết chiến tranh sau thời chiến. Khi “tất cả những vấn đề quy luật của chiến tranh đã phát triển trọn vẹn, những số phận và tính cách nhân vật cũng đã phơi bày trọn vẹn”, khi trong hàng chục cuốn hồi kí của các tướng lĩnh “có rất nhiều sự kiện, nhiều bối cảnh lịch sử được kể lại một cách hết sức cụ thể”, “tiểu thuyết viết về chiến tranh sẽ tìm trong lĩnh vực nào để mình có một chỗ đứng không trùng lặp với chỗ đứng của hồi kí chiến tranh?”. Sự lựa chọn duy nhất là “phải viết về con người”. Con người với “tất cả những mặt tính cách đa dạng phải phơi bày trong đời sống thực” mà đã nhiều thập kỉ qua “tạm thời giấu mình trên trang sách”. Tiểu thuyết chiến tranh không thể để các nhân vật bị sự kiện lấn át, “chỉ đóng vai trò làm đường dây để xâu các sự kiện lại với nhau”(1). Nhìn lại quá khứ đã qua, khoảng cách thời gian đã đưa lại cho người cầm bút những suy nghĩ, chiêm nghiệm sâu sắc về số phận con người ở khía cạnh mà trước đây luôn bị làm mờ đi, nhạt đi trước số phận dân tộc: khía cạnh bi kịch cá nhân. Cảm hứng bi kịch là cội nguồn cho sự xuất hiện của một loại nhân vật mang diện mạo tinh thần hoàn toàn mới trong tiểu thuyết chiến tranh sau 1975, nhất là sau 1986 nhờ nỗ lực đổi mới và dân chủ hóa đời sống văn hóa văn nghệ.
Cảm hứng bi kịch trong tiểu thuyết hậu chiến có thể được đánh dấu từ Thời xa vắng (1986) của Lê Lựu, một hiện tượng nổi bật của văn học Việt Nam bấy giờ. Tiếp sau đó, cảm hứng bi kịch vẫn được tập trung thể hiện sâu đậm hơn cả trong bộ phận tiểu thuyết hậu chiến. Cắt nghĩa, lí giải, nhận thức lại hiện thực bằng cảm hứng bi kịch, tiểu thuyết hậu chiến đã thực sự đem lại cho người đọc những suy ngẫm sâu sắc. Với những tác phẩm tiêu biểu như Thời xa vắng (Lê Lựu), Mảnh đất tình yêu (Nguyễn Minh Châu), Chim én bay (Nguyễn Trí Huân), Bến không chồng (Dương Hướng), Nỗi buồn chiến tranh (Bảo Ninh), Ăn mày dĩ vãng (Chu Lai)… sự xuất hiện của kiểu nhân vật mới trong tiểu thuyết chiến tranh – con người suy tư, con người bi kịch – là dấu hiệu quan trọng bước đầu khẳng định sự đổi mới tư duy nghệ thuật tiểu thuyết và những dấu hiệu xác lập lộ trình mới của văn học Việt Nam hiện đại.
Điểm đặc biệt đầu tiên của nhân vật người lính trong tiểu thuyết hậu chiến là họ không bộc lộ mình trong những sự kiện ác liệt được lấy làm bối cảnh chính của tác phẩm như một “kiểu nhân vật hành động” mà chủ yếu xuất hiện trong trạng thái suy tư, chiêm nghiệm, “sống với thời gian hai chiều”. Người lính trong tiểu thuyết hậu chiến vừa là con người của thời hiện tại, trực tiếp đối mặt với cuộc sống thường ngày vừa là con người của quá khứ trong nhu cầu nhận thức lại quá khứ ấy. Một mặt, họ ý thức rõ ràng về sự tồn tại của bản thân khi đã đi qua một thời khói lửa với tư cách của người chiến thắng; mặt khác, cái giá phải trả cho chiến thắng ấy nhiều lúc lại dẫn dụ họ ngoái nhìn về quá khứ. Chiến trường xưa với diễn biến của một chiến dịch, một trận càn, những đồng đội thân thiết hay chỉ thoáng biết nhau qua một lần gặp gỡ… khiến những cựu binh sống lại trong chiến thắng và mất mát, tình yêu và hận thù, sự đầm ấm của tình người và cả những cay đắng trước sự yếu hèn, bội phản...
Với Kiên trong Nỗi buồn chiến tranh, quá khứ đã thành sức mạnh ghê gớm kéo anh quay cuồng trong những hồi ức triền miên không dứt, “ngày này qua ngày khác, đêm thâu này thấu đêm thâu kia”. Quá khứ hầu như đã trở thành bầu “sinh quyển” bao bọc đời sống của anh: “Biết bao kỷ niệm bi thảm, bao nhiêu là nỗi đau mà từ lâu lòng đã nhủ lòng là phải gắng cho qua đi, rốt cuộc đều dễ dàng bị lay thức bởi những mối liên tưởng tuồng như là không đâu nảy sinh một cách khôn lường từ muôn vàn những chi tiết tầm thường, rời rạc, vô vị nhất có thể có” của đời sống thường ngày. Để đến nỗi, “đêm đêm giữa chừng giấc ngủ, tôi nghe thấy tiếng chân tôi từ những thuở nào đó rất xa rồi vang lên trên hè phố lát đá”. Đối với người lính ấy, cuộc đời “có khác nào con thuyền bơi ngược dòng sông không ngừng bị đẩy lui vào dĩ vãng” và “tương lai đã nằm lại ở phía sau xa kia rồi”...
Hệ quả của nhận thức mới về lịch sử, về hiện thực và con người đã khiến tiểu thuyết hậu chiến dần hướng vào việc khám phá người lính dưới góc độ cá nhân, đời tư chứ không tiếp tục xây dựng những hình tượng về con người anh hùng mang tiếng nói đại diện cho cộng đồng như tiểu thuyết giai đoạn trước. Sự đổi mới quan niệm nghệ thuật về con người đã trở thành hạt nhân của những thành tựu mà tiểu thuyết hậu chiến đóng góp cho văn học chiến tranh Việt Nam. Khi được hiện lên với tất cả những tính chất đa diện của con người đời thường, người lính hiện ra chân thực, gần gũi và ám ảnh hơn trong chân dung của những nhân vật bi kịch. Tiểu thuyết hậu chiến đã tập trung chú ý đến khía cạnh này của người lính, đặc biệt là bi kịch tinh thần, “khổ vì trí tuệ” của họ trước những phức tạp của cuộc sống mới. Bởi với họ, những người “chưa chuẩn bị hành trang cho cuộc sống thời bình”, thì chiến tranh, dù khắc nghiệt đến đâu, vẫn là cái gì đó rất giản dị: “Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước - Chỉ cần trong xe có một trái tim”…
Với tiểu thuyết hậu chiến, lần đầu tiên trong văn học chiến tranh, người lính đã được nhìn nhận như một “cá thể người” chứ không phải là hình ảnh biểu trưng cho tập thể, cho cộng đồng.
Thể hiện người lính sau chiến tranh với tư cách là những con người cá nhân, con người có số phận riêng biệt, đóng góp đáng kể nhất của tiểu thuyết hậu chiến là đã đi sâu vào vấn đề bi kịch tinh thần của người lính. Việc “kể lại”, “nhớ lại”, “viết lại” của chính những con người đã từng cầm súng về cuộc đời họ, về cuộc chiến tranh mà họ đã đi qua khiến nhiều tiểu thuyết hậu chiến mang dáng dấp của tự truyện, chí ít cũng là sự nghiệm trải của những người lính đã dành cả phần đời tươi đẹp nhất của mình cống hiến cho cuộc đấu tranh chung. Quá khứ đó cùng với những thức nhận về thực tại hậu chiến, khi nhiều bí mật được phơi bày, nhiều giá trị đời sống thường nhật bị đảo lộn, đã nhiều lúc đẩy người lính vào tình cảnh những con người mang bi kịch nhận thức.
Chiến tranh trong tiểu thuyết hậu chiến không phải là “hữu lý” mà chủ yếu là một “nghịch lý” (Hoàng Ngọc Hiến), bởi không đâu như ở đây, người lính trong tư thế người chiến thắng trở về lại mang “nỗi buồn được sống sót”. Họ cảm thấy mình “bị bắn ra khỏi lề đường” (Ăn mày dĩ vãng), “bị mắc kẹt lại trên cõi đời này” (Nỗi buồn chiến tranh). Họ cô độc và chẳng có gì trong “chuỗi ngày bất tận… nhạt thếch, buồn tẻ và êm đềm đến phát ốm” của hiện tại. Họ không có gì bấu víu ngoài “mảnh quá khứ phập phồng đập trong lồng ngực ọp ẹp”. Họ hụt hẫng, đau xót và phẫn nộ trước thái độ thờ ơ của mọi người đối với cuộc chiến mà thế hệ họ đã “quăng mình vào”: “Chiến tranh mới đó, hơn chục năm chứ nhiều nhặn gì đâu mà sao cả người ngoài lần người trong cuộc đều chóng vánh quên đi quá thể vậy? Sao… nhắc đến mọi kỷ niệm đau thương lại ráo hoảnh như nhắc đến cuộc chiến tranh của người khác, của quốc gia khác?” (Ăn mày dĩ vãng). Và trong sự hụt hẫng ấy, cái quá khứ mà thiên hạ đang quên đi, cố quên đi lại không thôi quấn lấy họ, ám ảnh họ như thể nó là người bạn đồng hành duy nhất cùng họ vượt nốt chặng đời còn lại. Nếu Hai Hùng (Ăn mày dĩ vãng) còn giữ được chút tỉnh táo để điều chỉnh những hồi tưởng của mình cho mạch lạc thì Kiên (Nỗi buồn chiến tranh) hoàn toàn rơi vào trạng thái bấn loạn, rối bời, triền miên trong mộng mị, vô thức. Sẽ là bội bạc, hay thiếu văn hóa, hay là điều gì thê thảm hơn khi hình tượng người lính đẹp đẽ khi xưa đã nhanh chóng bị đồng loại vấy bùn, rẻ rúng? Cái gì đã nhanh chóng đẩy người lính trượt từ nấc thang cao vọi: anh giải phóng quân, xuống nấc trung tính: người lính, và… “dưới đáy”: lính tráng, như một hình dung từ mỉa mai cay độc nhất? Là tại họ hay tại cộng đồng họ?... Vì vậy, chiến tranh đã gắn với người lính như một “thân phận”. Trong Nỗi buồn chiến tranh, hai chữ “thân phận” luôn luôn ám ảnh tâm trí Kiên. Trước khi bước vào cuộc chiến, trong giờ khắc ngắn ngủi bên Phương để thật sự chia lìa, anh cảm thấy “sự bất lực và nhỏ bé của thân phận, của nỗi niềm riêng tư của một hai con người giữa biển đời”. Sau chiến tranh nhìn lại, anh càng thấm thía “thân phận con sâu cái kiến” của người lính trước “gánh nặng bạo lực”. Chiến tranh là “nguyên nhân của mọi khúc đoạn và nông nỗi của đời anh” và khi đi tìm ý nghĩa thực của đời mình, Kiên thấm thía một điều rằng: mình và bao đồng đội đều là nạn nhân của cuộc chiến, dù kẻ mất người còn nhưng “mỗi người đều bị chiến tranh chà nát theo một kiểu riêng”. Sự sống sót của Kiên xét đến cùng là một sự chết dần về tinh thần. Đã có lúc anh tin rằng mình đã phục sinh, “nhưng là một sự phục sinh lùi về sâu xa. Sẽ mỗi ngày một lùi xa hơn, sẽ không ngừng phục sinh trong chuỗi dài tái hiện” và cuộc đời mới của anh “chính là cuộc đời đã qua, là tuổi trẻ đã mất đi trong nỗi đau buồn chiến tranh”. Đó tưởng như lại là một nghịch lí nữa xảy ra với người lính trở về nhưng thực chất là một sự lựa chọn để giải thoát. Rõ ràng, trốn tránh hiện tại bạc bẽo, trốn tránh sự vây bọc của xã hội kim tiền, người lính tìm về với phần đời thời chiến tranh đã bị rơi vào một bi kịch “đúp” của sự nhận thức: bi kịch chiến tranh của kẻ tham chiến và bi kịch hậu chiến của kẻ mang danh chiến thắng nhưng đang bị cộng đồng chiến thắng đào thải.
Sự nhận thức lại về bản chất chiến tranh ấy gắn liền với những trăn trở, day dứt của người lính về vấn đề nhân tính. Ít đề cập đến vấn đề ý thức hệ, người lính trong tiểu thuyết hậu chiến được soi chiếu dưới cái nhìn mang tính nhân loại phổ quát. Họ là những con người đi qua chiến tranh, phải buộc trở thành những “cỗ máy giết người” không ghê tay, phải giết chóc để tồn tại và coi đó là cái lẽ tất yếu để tồn tại. Trong Nỗi buồn chiến tranh, Can - một đồng đội của Kiên đã bộc bạch: “Tôi vẫn tự nhủ là tránh giết người bằng dao và lê mà quen tay mất rồi”. Kiên cũng đã phải chứng kiến tận mắt “những cảnh chém giết cuồng dại, méo xệch tâm hồn và nhân dạng”, mà rồi… “cả thế hệ anh đã lao vào trận chiến một cách hăng say, một cách hung dữ”. Tình người, lòng nhân đạo không có chỗ trong cõi một sống một chết như chiến tranh. Bởi khi người lính trong một khoảnh khắc đánh mất lý trí vì lòng thương có thể bị trả giá bằng chính mạng sống của mình. Nhưng có những hoàn cảnh, lòng thương trỗi dậy mạnh mẽ như một thứ bản năng trong mỗi người lính, khiến giữa những con người cầm súng bên hai đầu chiến tuyến không còn sự phân biệt địch – ta mà chỉ còn niềm thương xót cho số kiếp làm người. Câu chuyện của Phán trong Nỗi buồn chiến tranh là một trường hợp như thế. Trong một trận chiến giữa đại đội trinh sát của Phán và một đại đội biệt động của ngụy vào một chiều mưa, như một sự sắp đặt của định mệnh, Phán và một kẻ thù cùng ngã lộn vào một hố bom. Ban đầu, theo bản năng tự vệ, Phán đã đâm tới tấp vào tên ngụy. Nhưng khi nhận ra anh ta đã bị thương từ trước đó thì Phán thấy “khủng khiếp quá và thương tâm quá!”. Anh “xé áo để băng”, chạy đi tìm bông băng nhưng cơn mưa rừng ập tới khiến anh lạc mất cái hố có tên lính ngụy bị thương đang nằm đó. “Ngụy ơi, Ngụy ơi, tôi gọi lồng lên chạy tìm cuống quýt… Nghĩ tới cảnh ngộ của anh ta lòng tôi đau đớn cuồng thắt. Suốt đêm tôi mò mẫm lăn lộn lần tìm…”. Tiếng gọi và hành động cuống cuồng, tuyệt vọng ấy của Phán, là sự thức tỉnh của lòng nhân tiềm ẩn trong sâu thẳm tâm tính người hay là chút đỏng đảnh của “thời tiết của ký ức”?!
Chiến tranh tàn phá nhân tính trong cuộc chiến hẳn là một lẽ, nhưng chưa thôi, chiến tranh bịt chặt cả con đường trở lại với bản thể sáng trong của tâm hồn con người. Những mối tình trong chiến tranh, cái sợi chỉ mỏng manh níu kéo con người bền bỉ vượt qua chiến tranh ác liệt, cái ngọn lửa nuôi nấng khát vọng được sống trong hạnh phúc thời bình nhiều lúc đã phụt đứt trong lửa đạn.
trên hành trình tìm lại chính mình, kí ức đã rất nhiều lần vò xé vào một nỗi đau khôn nguôi trong lòng Kiên. Đó là tình yêu với Phương. Nhớ lại quá khứ đã qua hay thổn thức với mất mát trong hiện tại, Kiên đều cay đắng nhận ra “thân phận của tình yêu” trong thời chiến. Tình yêu say đắm và đớn đau đến trọn đời của anh và Phương là sức mạnh nâng đỡ tâm hồn Kiên nhưng cũng là vết thương mà thời gian không thể xoa dịu. Hình ảnh chuyến tàu định mệnh trở đi trở lại trong dòng hồi tưởng của Kiên là một ám ảnh đau đớn, một biểu tượng về sự mất mát của anh trong cuộc đời, trong tình yêu. Trên chuyến tàu vào ga Thanh Hóa ấy, Kiên và Phương đã “đi nốt với nhau những cây số cuối cùng của mối tình đầu”, đồng thời cũng cập bến một cuộc chiến tranh vô cùng tàn khốc. Bước ngoặt số phận của hai người được đánh dấu trên một hành trình ngập tràn bóng đen đêm tối: bắt đầu từ “phố xá tối câm” qua “sân ga tối om”, đến con đường với “bóng tối đặc sệt bụi”, ca-bin “không đèn tối om” của một chiếc xe tải lao nhanh trong “bóng đêm cuồn cuộn”, “đường đêm tăm tối”, cuối cùng là một toa tàu hàng vào Vinh “tối đen, nghẹt thở” đi trong “đêm tối chiến tranh mênh mông”. Đối với Kiên và Phương, chuyến tàu ấy đã cắt lìa cuộc đời mỗi người thành hai nửa không bao giờ hàn gắn lại được và đẩy họ về hai phía xa nhau mà tình yêu chỉ làm tăng thêm khoảng cách. Kiên từ một chàng trai đầy lí tưởng, khát vọng rơi vào đau đớn, hoang mang trước bão táp chiến tranh. Phương từ một cô gái trong trắng, thanh tân trở thành một người phụ nữ phóng túng, bất cần. Kiên “muốn hiến đời mình cho sự nghiệp” còn Phương sẽ “phung phí đời mình, sẽ hủy diệt nó”. Kiên mất Phương mãi mãi chính trong lần đầu hai người bị bật ra khỏi nhau trên chuyến tàu ấy chứ không phải trong cuộc chia li đến sau hòa bình. Cuộc sống chung khi Kiên trở về không thể hàn gắn vết thương quá khứ mà ngược lại, chỉ làm “đổ bể tâm hồn nhau”. Với Kiên, “mảnh đời còn lại sau mười năm bị lửa đạn của chiến tranh vằm xé lại bị móng vuốt của tình yêu xéo nát”. Kí ức đã không buông tha anh, “nỗi đau ngày xưa làm sao mà nhổ nổi. Cái vết thương lòng kinh tởm ấy lúc nào cũng định banh miệng. Những cay đắng tủi hổ, những hồi ức trần trụi đè bẹp ý chí của anh. Đè bẹp mãi mãi”…
Nghịch lý của chiến tranh là ở đấy, trong sự thức nhận đớn đau: trong cuộc chiến ấy “chính nghĩa đã thắng, lòng nhân đã thắng, nhưng cái ác và cả bạo lực phi nhân cũng thắng”.
Kiên… và nhiều người lính khác nữa trong tiểu thuyết hậu chiến không có được cảm giác nhẹ nhõm như thế. Họ trở về sau trận đánh với những ám ảnh khôn nguôi. Hành trang của họ khi trở về cuộc sống hòa bình cũng là một tâm hồn không hề thanh thản.
Từ giữa thập kỷ 90, trong bối cảnh hội nhập, tiểu thuyết đẩy sự tìm tòi theo một hướng mới, ở đó “hình thức của tiểu thuyết đã trở thành chủ đề quan trọng với chính nó”(3). Những gương mặt Phạm Thị Hoài, Tạ Duy Anh, Nguyễn Việt Hà, Hồ Anh Thái, Nguyễn Bình Phương, Thuận… đã làm nên một thế hệ người viết trẻ cho tiểu thuyết Việt Nam hiện đại. Tuy ít ỏi nhưng từ nửa sau thập kỷ 90, vẫn có sự xuất hiện của tiểu thuyết viết về chiến tranh, tiêu biểu là Người đi vắng (1999) của Nguyễn Bình Phương, Lạc rừng (1999) của Trung Trung Đỉnh và gần đây nhất là Dưới chín tầng trời (2007) của Dương Hướng. Nhưng trong một bối cảnh khác, chiến tranh đã được nhìn nhận ở những góc độ khác trước, hầu như đã không còn cảm hứng cắt nghĩa, lí giải, tái nhận thức mà là một cảm hứng mới: chiến tranh như một vấn đề, một bộ phận của đời sống nhân sinh chứ không phải một hiện thực tự thân được lấy làm đối tượng của sự thức nhận. Phải chăng, tiểu thuyết hậu chiến đã đáp ứng được yêu cầu tái nhận thức về chiến tranh, về người lính? Và nếu sự thật là như vậy, thì với những thành tựu tiêu biểu, đã đến lúc có thể khẳng định những đóng góp tiểu thuyết hậu chiến đối với quá trình đổi mới văn xuôi Việt Nam sau 1975.
Đặng Công Đoãn, Lớp Văn Học Việt Nam K17, Trường Đại Học Cần Thơ.