HUYỀN THOẠI TRONG TÂM LÍ NGUYÊN THUỶ
(Myth in Primitive Psychology)
Bronislaw Malinowski
Qua khảo sát một nền văn hoá tiêu biểu của dân tộc Melanesian, tôi cho rằng: để thấy được các truyền thống, thần thoại thiêng sâu sắc như thế nào và nó đã chi phối mạnh mẽ đời sống đạo đức và ứng xử xã hội ra sao thì chúng ta phải đi sâu vào mối quan hệ của truyền thống, huyền thoại đó với con người. Nói khác hơn, công trình lí luận này là một gợi ý về mối liên hệ giữa lời nói, các huyền thoại (mythos), các truyện kể thiêng liêng của một dân tộc với các hành động nghi lễ của họ, các hành vi đạo đức, thiết chế xã hội và thậm chí là cả với những hoạt động thực tiễn của họ.
Để xây dựng một nền tảng cho việc miêu tả những thực chất về người Melanesian, tôi xin tóm lược thực trạng hiện nay trong khoa học nghiên cứu huyền thoại, chủ yếu là các tác phẩm được viết từ trường phái bản chất huyền thoại học phát triển ở Đức. Các tác giả của trường phái này cho rằng người nguyên thủy rất quan tâm các hiện tượng tự nhiên, hứng thú của họ thiên về chất giả tưởng hoang đường, sự chiêm nghiệm và thơ mộng. Do đó, họ diễn tả và lí giải chu kì của mặt trăng hay quy tắc thay đổi đường đi của mặt trời qua bầu trời bằng những bài ngâm, kể cường điệu có tính biểu trưng và nhân hóa. Vì vậy, đối với các tác giả của trường phái này, mỗi huyền thoại đều có cốt lõi hay hiện thực cuối cùng là các hiện tượng tự nhiên. Tuy nhiên, cũng không nhiều những nhà nghiên cứu đồng ý với ý kiến trên. Một số nhà huyền thoại học về mặt trăng cực đoan như Ehrenreich, Siecke Winckler/trời như Frobenius/khí tượng học như Max Muller và Kuhn không thừa nhận một hiện tượng bất kì nào khác để diễn giải nguyên thủy trừ mặt trăng/mặt trời/các hiện tượng tự nhiên thuộc bầu trời.
Trên đây là các cách giải thích huyền thoại theo tự nhiên luận nhưng lí thuyết này đối với tôi chỉ là những quan điểm vô ích. Qua quá trình nghiên cứu của bản thân tôi từ các huyền thoại sống của các bộ tộc nguyên thủy còn tồn tại đến nay, tôi cho rằng, do bản chất trình độ rất hạn chế về khoa học và nghệ thuật nên người nguyên thủy có rất ít phần biểu trưng trong tư tưởng cũng như truyện kể và thực ra huyền thoại không phải một bài ngâm ngợi vô ích, cũng không phải là những hình tượng viễn vông mà nó chính là một động lực văn hóa. Bên cạnh bỏ qua các chức năng văn hóa của huyền thoại, học thuyết này còn quy cho người nguyên thủy những sở thích hoang tưởng và bỏ qua các kiểu loại truyện nổi bật như: truyện cổ tích thần kì, truyện dã sử và các mẫu chuyện thiêng liêng (huyền thoại).
Đối lập với học thuyết cho rằng huyền thoại được xây dựng trên cơ sở chất liệu các hiện tượng tự nhiên, sự biểu trưng hay trí tưởng tượng của người nguyên thủy là lí thuyết coi một mẫu chuyện thần thoại như là một sự thật lịch sử của quá khứ được ghi lại. Quan điểm này đang che phủ lên phần nào chân lí. Không thể phủ nhận lịch sử cũng như môi trường tự nhiên chắc chắn đã để lại dấu ấn sâu đậm trên tất cả các thành tựu văn hóa, trong đó có huyền thoại. Nhưng nếu quy tất cả huyền thoại vào chỉ một loại sử biên niên thì cũng có khác gì sai lầm xem xét nó như các hiện tượng tự nhiên của các nhà tự nhiên chủ nghĩa ban đầu. Học thuyết này cũng phú cho người nguyên thủy một động lực khoa học hay một khát vọng hiểu biết. Mặc dù, theo các nhà khảo cổ học và các nhà tự nhiên chủ nghĩa, người nguyên thủy trên hết và trực tiếp phải tham gia vào một số mục tiêu mưu cầu thực tiễn, đồng thời phải đấu tranh với muôn vàn khó khăn nên tất cả mọi sự quan tâm của họ là việc xây dựng cảnh thực dụng trước mắt nói chung. Như vậy, huyền thoại, sản phẩm sáng tạo thiêng liêng của bộ tộc, là một phương tiện động cơ để hỗ trợ và là phương tiện cứu cánh cho phép người nguyên thủy đáp ứng được hai mục tiêu trong di sản văn hóa của họ. Ngoài ra, chúng ta cũng thấy rằng, huyền thoại đã thực hiện, đáp ứng những nhu cầu khổng lồ của văn hóa nguyên thủy thông qua mối liên hệ với nghi lễ tôn giáo, ảnh hưởng đạo đức và nguyên tắc xã hội. Ngày nay cũng như trong lịch sử quá khứ, khoa học quan tâm rất ít đến tôn giáo và đạo đức. Do vậy, huyền thoại được nghiên cứu hầu như hoàn toàn dựa trên quan điểm chủ quan.
Mối liên hệ chặt chẽ giữa tôn giáo và huyền thoại bị nhiều nhà nghiên cứu bỏ qua. Đến nay, đã có một số nhà nghiên cứu nhận thấy, tiêu biểu như James Franzer.
Nhưng các luận điểm mà tôi trình bày sau đây sẽ cho phép chúng ta gạn lọc và trình bày sáng tỏ hơn những nguyên tắc chính trong nghiên cứu huyền thoại theo thuyết xã hội học.
Qua một cuộc khảo sát rộng hơn về các quan điểm, các trường phái và các cuộc tranh luận của các nhà nghiên cứu đã để lại sự mơ hồ và truyền lại một cảm nhận chung sâu lắng về các cuộc tranh luận huyền thoại rất phức tạp khác thường với tất cả sự phí công vô ích, tôi xin mời độc giả cùng tôi vượt ra ngoài các công trình nghiên cứu sách vở khép kín đối với không gian rộng mở của ngành nhân học nghiên cứu ngoài trời để trải qua hàng năm sống cùng với bộ tộc Melanesian ở New Guinea. Ở đó, chúng ta sẽ học về cuộc sống của họ, đặc biệt là quan sát những nghi lễ và lắng nghe những câu chuyên kể của họ.
Đối với nhà nhân học - người nghiên cứu duy nhất trong những người tham gia tranh luận về huyền thoại có một lợi thế độc tôn là có thể trở về với người nguyên thủy bất kì khi nào ông cảm thấy lí luận của mình có liên quan và các luận điểm của ông khô khan vì thiếu chất liệu cuộc sống thực tiễn. Nhà nhân học nắm được người sáng tạo thần thoại trên cánh tay mình. Ông không chỉ có thể ghi chép đầy đủ nguyên văn truyện thần thoại như nó tồn tại cùng tất cả các dị bản của nó, và nắm được mối quan hệ qua lại giữa chúng, mà ông còn có thể làm chủ được mọi lời bình phẩm và hơn hết là ông có được cuộc sống mà thần thoại ra đời. Và chính trong cuộc sống đó, chúng ta sẽ học được về thần thoại nhiều hơn học huyền thoại qua truyện kể của nó.
Huyền thoại tồn tại trong cộng đồng người nguyên thủy, trong hình thái cuộc sống nguyên thủy không chỉ là một truyện kể mà là thực thể sống. Nó là một hiện thực sống được người nguyên thủy tin là đã từng xảy ra vào thời đại nguyên sơ ban đầu và vẫn đang còn tiếp diễn mãi mãi để ảnh hưởng đến vận mệnh con người và thế giới. Nếu truyện kinh thánh sống trong nghi lễ, luân thường đạo lí; chi phối đến lòng tin và các ứng xử của chúng ta thì truyện thần thoại cũng có ảnh hưởng tương tự như thế đối với người nguyên thủy.
Hạn chế của việc nghiên cứu thần thoại bằng sự khảo sát văn bản dẫn đến sự sai lầm trong cách hiểu về bản chất đích thực của thần thoại. Các hình thức văn bản thần thoại đến tay chúng ta ngày nay đều không kèm theo bối cảnh của lòng tin thực thụ, khả năng thu thập những lời bàn của những tín đồ sùng tín, cũng không có những tri thức về tổ chức xã hội, những quy tắc đạo đức phổ biến của người nguyên thủy và tối thiểu nhất cũng không có thông tin đầy đủ mà các nhà nghiên cứu điền dã thu thập được. Ngoài ra, cũng không có nghi ngờ gì về văn bản chữ viết hiện tại của các truyện kể này, mà thực ra nó vốn đã phải trải qua rất nhiều cách nhìn nhận trong quá trình lưu truyền từ tay người này sang tay người khác. Điều hết sức cần thiết là phải trở về với thần thoại nguyên sơ, tìm ra bí ẩn cuộc sống qua việc nghiên cứu thần thoại sống trước khi nó bị cất giữ vào kho tàng tôn giáo cứng đờ.
Thần thoại sống biểu đạt trực tiếp vấn đề thuộc chủ đề của nó: là một truyện kể làm hồi sinh một thực tiễn nguyên sơ ban đầu, được kể lại nhằm để thỏa mãn những nhu cầu tín ngưỡng sâu sắc, những mục tiêu đạo lí, những biện minh xã hội, sự xác nhận thậm chí là thỏa mãn cả những yêu cầu thực dụng. Do đó, là một bộ phận sống động của nền văn minh nhân loại; nó không phải là một mẫu chuyện viễn vông mà là một động cơ trực tiếp và công phu; nó không phải là một sự giải thích trí tuệ hay một hình tượng nghệ thuật mà nó là văn bản nhật dụng, một hiến chương thực tiễn của lòng tin nguyên sơ và hiểu biết đạo lí của người nguyên thủy.
Tất cả các luận điểm này mang một cách lí giải đích đáng cần thiết không chỉ đối với thần thoại mà còn đối với truyện cổ ích thần kì, truyền thuyết và các truyện lịch sử.
Chúng ta hãy cùng đến vùng duyên hải Tribriand và đi vào bên trong cuộc sống của các thổ dân, xem họ vui chơi và lắng nghe những câu chuyện kể của họ - những câu chuyện thần kì. Đây là thời điểm người ta kể lại nhiều lần các mẫu chuyện dân gian gọi là Kukwanebu. Họ tin rằng kể chuyện này sẽ có ảnh hưởng tốt cho vụ mùa sau. Để tạo ra sự ảnh hưởng đó, bài Kasivena, bài hát ngắn ngụ ý làm cho cây trồng tốt tươi, phải luôn được hát vào lúc kết thúc.
Chúng ta không tập trung nhiều đến nguyên bản các mẫu chuyện mà phải chú ý đến ý nghĩa xã hội của chúng. Mối quan tâm của truyện là gia tăng một giá trị thần kì nào đó. Toàn bộ bản chất của việc diễn xuất, giọng nói và sự bắt chước, kích động và hưởng ứng của khán giả có ý nghĩa to lớn như chính bản thân truyện kể đó đối với người thổ dân. Ngoài ra, việc diễn xướng của người thổ dân còn phải đặt trong bối cảnh thời gian nhất định để mang đến vườn tược của họ một tác dụng ma thuật truyện kể với mong ước về công việc đông áng vụ mùa sau. Chúng ta cũng phải lưu ý dựa vào bối cảnh xã hội về mối quan hệ sở hữu riêng chức năng giao tiếp và vai trò văn hóa của truyện giải trí. Các yếu tố này liên quan một cách bình đẳng nhau nên cần phải nghiên cứu chúng như nghiên cứu bản thân nguyên bản truyện kể. Các truyện kể sống trong cuộc sống của người thổ dân nên khi nhà nghiên cứu ghi chép nó lại mà không gợi được bầu không khí mà nó được diễn xướng thì cũng đã cắt xén đi phần thực tế của truyện kể.
Bây giờ, tôi xin điểm qua lớp truyện khác. Đây là lớp truyện không có thời vụ riêng biệt, không có khuôn mẫu kể chuyện, không có nghi thức diễn xướng đặc trưng mà cũng không có một tác dụng ma thuật nào. Tuy nhiên, lớp truyện này quan trọng hơn lớp truyện trước bởi vì người ta tin rằng truyện đó là có thật và thông tin trong lớp truyện này vừa có giá trị hơn và vừa thích đáng hơn thông tin trong lớp truyện Kukwannebu. Những người nhiều tuổi và nhiều kinh nghiệm sẽ kể cho những người trẻ tuổi về những kinh nghiệm của chính ông, về những cuộc giao chiến, những cuộc thám hiểm, những thành tựu kinh tế. Trong đó, ông có thể hòa trộn những hồi tưởng của ông cha mình, những truyện đồn đại, các truyền thuyết đã trải qua nhiều thế hệ.
Đến đây, chúng ta đã có một kho tư liệu các truyện kể phong phú mà chúng có thể chia nhỏ ra thành các thể loại: truyện kể lịch sử, truyện truyền thuyết, truyện đồn đại. Đối với người dân tộc, tất cả các loại truyện này đều được gọi chung là libwogwo. Tất cả những truyện này đều quy vào những chủ đề có tính kích động đối với các bộ tộc: chúng liên kết những hoạt động của con người (mưu cầu sự sống, chiến tranh, phiêu lưu, thành tích nhảy múa và thay đổi nghi thức). Hơn nữa, các truyện này tạo được lòng tin từ một số người và con cháu họ cho đến cả cộng đồng.
Điều này cho thấy nếu chúng ta nghiên cứu các truyện kể trên sách vở, ta sẽ không thể tìm ra bản chất của nó. Những truyện này sống trong kí ức người dân tộc, trong cách họ kể lại nó, trong mối quan tâm phức tạp đã giữ cho chúng còn tồn tại. Do đó, bản chất của truyền thuyết mà thậm chí là truyện kể thần kì không thể tìm thấy bằng cách xem xét bản thân cốt truyện, mà phải đặt nó trong mối liên hệ với bối cảnh trong đời sống xã hội và văn hóa các bộ tộc.
Lớp truyện thứ ba là thần thoại hay các truyện kể thần thánh thiêng liêng. Người thổ dân gọi lớp truyện này là liliu. Lớp truyện thứ ba này phần nhiều dựa trên hai lớp truyện trước. Nếu như ở lớp truyện thứ nhất, người ta kể để mua vui và lớp truyện thứ hai được kể như một lời tuyên ngôn nghiêm túc và thỏa mãn những tham vọng xã hội thì lớp truyện thứ ba này không chỉ được coi là sự thật mà còn được tôn kính thiêng liêng, đóng vai trò một phần vô cùng quan trọng của văn hóa. Thần thoại gắn với nghi lễ, các quy tắc, luật lệ, phép thuật, thậm chí những con đường miêu tả địa lí đều gắn bó chặt chẽ với các thần thoại tương ứng. Thực thể văn hóa là một tượng đài kỉ niệm biểu trưng cho thần thoại hay chính là hiện thân của thần thoại, người ta tin rằng thần thoại là một chuyện có thật bởi vì nó là nguyên nhân dẫn đến các nguyên tắc đạo đức, sự hình thành xã hội, nghi lễ hay phong tục tập quán. Do đó, truyện thần thoại tồn tại và ảnh hưởng không chỉ vượt quá hành vi kể chuyện, không chỉ vẽ nên chất liệu từ cuộc sống, và mục đích hướng đến sự tác động và điều hòa các đặc điểm văn hóa mà truyện thần thoại còn là hình ảnh phản ánh sự sáng tạo ban đầu thiêng liêng mẫu mực của nền văn minh nguyên thủy.
Đây là luận điểm quan trọng nhất của công trình lí luận mà tôi muốn bàn luận: có một lớp truyện đặc thù đuợc coi như là cái thiêng liêng, cái hiện thân trong nghi lễ, đạo đức và thiết chế xã hội, là cái tạo thành bộ phận trực tiếp và tổng hợp của văn hóa nguyên thủy. Đối với các bộ tộc nguyên thủy, truyện thần thoại được coi như là một lời tuyên bố về một hiện thực nguyên sơ lớn lao hơn, mẫu mực hơn mà chính hiện thực đó đã và đang quy định cuộc sống hiên tại, vận mệnh và các con người ngày nay, và thần thoại cũng được coi như những hiểu biết cung cấp cho con người về động cơ của nghi lễ và hành vi đạo đức, cũng như những lí giải để thực hiện chúng như thế nào.
Đối chiếu, so sánh với các quan điểm hiện nay của các nhà nhân học hiên đại, chúng ta có thể liên hệ kết quả nghiên cứu này với những lời phát biểu có giá trị hiện nay, đáp lại những gì ta đã tiếp thu và chỉ ra chỗ cần phải phân biệt rõ ràng và chính xác. Cụ thể là bài viết “Stories, Sayings and Songs” của tác giả C.S.Burne và GS.J.L.Myres. Sau khi đối chiếu, có thể nhận thấy rằng thần thoại đảm bảo cho niềm tin và sự bất tử, sự vĩnh viễn của tuổi trẻ, vào cuộc sống bên kia thế giới. Do đó, thần thoại không phải là một phản ứng lí trí trước một sự thách đố mà là một hành động kiên quyết của lòng tin ra đời từ bản năng sâu thẳm và phản ứng tâm lí đối với nỗi ám ảnh ghê rợn nhất của con người. Và người ta cũng không kể các chuyện về “nguồn gốc các nghi lễ và phong tục” chỉ nhằm để giải thích cho các nghi lễ và phong tục đó. Các truyện kể không bao giờ nhằm để giải thích theo bất kì nghĩa nào của từ này mà là lời phát biểu cho một tiền lệ đã tạo thành nên một lí tưởng hay sự đảm bảo tạo cho nó tồn tại và đôi khi là những hướng dẫn thủ tục thực tiễn. Do đó, ta cần phải phản bác cách xác định truyền thuyết và truyện kể thần kì của tác giả bài viết trên.