DANH SÁCH BÀI VIẾT

Sunday, April 17, 2011

VAI TRÒ CỦA HUYỀN THOẠI TRONG ĐỜI SỐNG

Cho đến nay, các nhà nhân học đã có những đóng góp đáng kể vào việc nghiên cứu huyền thoại thông qua việc khảo sát nó trong bối cảnh đời sống mà nó tồn tại.
Franz Boas (1858 – 1942) là một trong những nhà nghiên cứu nhân học và đã có những thành tựu tiến bộ trong lĩnh vực nghiên cứu về khoa học huyền thoại. Ông đã nhận thấy rằng huyền thoại tạo nên một kiểu loại dân tộc học miêu tả một cách tự nhiên. Do đó, ông đã đưa ra quan điểm sưu tập huyền thoại ở các dân tộc ít người. Tsimshian Mythology là một công trình điển hình của ông. Boas đã xem huyền thoại như “những tấm gương phản ánh văn hoá” và ông đã dùng huyền thoại như những nguồn tư liệu phong phú để suy ra các chi tiết dân tộc học.
Tác phẩm tiếp theo được nghiên cứu theo cách tương tự là“Kwakiutl Culture as Refectedted in Mythology” (Văn hoá dân tộc Kwakiutl phản ánh qua huyền thoại) (New York, 1935). Điểm mới của tác phẩm này là Boas so sánh các hình tượng huyền thoại tương ứng giữa hai dân tộc Kwakiutl và Tsimshian. Đến 1959, tác phẩm “Nội dung và phong cách một tác phẩm văn học truyền miệng” (The Conrtent and Style of an Oral Literature) đã nhận ra: có rất nhiều nội dung khác nữa hơn là chỉ có nội dung dân tộc học miêu tả trong huyền thoại. Nhưng ít ra Boas đã hướng sự chú ý của mình đến giá trị đầy đủ, trọn vẹn của nguyên bản huyền thoại dạng nói hơn, ông đã thuật lại các huyền thoại đó trong ngôn ngữ tự nhiên của chính nó và cố gắng liên hệ chúng với văn hoá nói chung.
Bronislan Malinowski (1884 – 1942) là một trong những nhà nhân học tiên phong của trường phái  nhân học chức năng. Ông đã đẩy mạnh việc thay đổi xu hướng quan tâm đến nguồn gốc huyền thoại để đi đến khái niệm thực tiễn về những chức năng của huyền thoại trong thực tế đời sống. Ông nhận thức rằng các nhà nhân học cần phải sống cùng dân tộc, bộ tộc mà họ nghiên cứu chứ không thể chỉ thỉnh thoảng viếng thăm theo những đợt định kì. Phương thức này ông gọi là sự quan sát của người trong cuộc. Cũng như Boas, Malinowski trình bày cách tiếp cận huyền thoại của mình từ các văn bản huyền thoại mà chính ông thu thập trên mảnh đất sống của nó.
Bài viết tiêu biểu của Malinowski đối với huyền thoại là bài phát biểu của ông tại hội nghị của trường đại học Liverpool vào 11-1925. Bài viết này được xuất bản dưới nhan đề “Huyền thoại trong tâm lí nguyên thuỷ” (Myth in Primitive Psychology)(1926), sau đó được in lại trong “Ma thuật, khoa học, tôn giáo và các bài luận khác” (Magic, Science and Religion and other Essays), (Garden City, N.Y, 1954). Tuy rằng bài viết này không chứa đựng đầy đủ tất cả các luận điểm của Malinowski bàn về bản chất huyền thoại nhưng được ông coi như “một lời phát biểu của hiện thực nguyên sơ ban đầu vẫn còn trong đời sống hiện tại và như một minh chứng cho một tiền đề đã có, huyền thoại đã cung cấp một mô hình kí ức của những giá trị đạo đức, trật tự xã hội và tín ngưỡng ma thuật”. Do đó, “chức năng của huyền thoại là tô đậm cho truyền thống, tiếp sức cho truyền thống và phú cho truyền thống một giá trị lớn hơn, tạo cho truyền thống một uy thế bằng cách kéo nó trở về một hiện thực cao hơn, đẹp hơn, siêu nhiên hơn của các sự kiện nguyên sơ ban đầu” (Magic, Sciesnec and Religion).
Qua tất cả các đóng góp của Malinowski trong việc nghiên cứu huyền thoại trong bối cảnh mối quan hệ của nó với văn hoá, có thể thấy rằng ông có chung với Boas quan điểm phản đối ý kiến coi huyền thoại như một biểu tượng. Nhưng nếu như huyền thoại chỉ dừng lại ở cách tiếp cận đối chiếu chữ nghĩa một - một “thần thoại phản ánh văn hoá” thì Malinowski đã đi xa hơn khi phát biểu rằng: “Nghiên cứu huyền thoại sống chúng ta sẽ thấy nó không phải là biểu trưng mà là một biểu đạt trực tiếp chủ đề “của nó”. Theo đó, xu hướng chống biểu trưng hoá trong nghiên cứu huyền thoại đã dần lan rộng trong các nhà nhân học quan tâm đến huyền thoại. Malinowski đã thực hiện đầy đủ những luận điểm để chống lại cái mà ông coi là đã đi quá xa của cách tiếp cận theo trường phái phân tâm học chủ nghĩa Freud khi ông tham dự cuộc tranh luận xoay quanh vấn đề: “Phức hợp Odipus có phổ biến hay không?” với quan điểm: không có phức thể Odipus.