DANH SÁCH BÀI VIẾT

Wednesday, April 6, 2011

NHỮNG ĐẶC ĐIỂM THI PHÁP CỦA TRUYỆN NGỤ NGÔN

NHỮNG ĐẶC ĐIỂM THI PHÁP CỦA
TRUYỆN NGỤ NGÔN
1.      Nhân vật chính trong truyện ngụ ngôn.
a.      Nhân vật chính trong truyện ngụ ngôn thường là loài vật.
Nhìn bề ngoài, các con vật trong truyện ngụ ngôn không khác các con vật trong truyện cổ tích loài vật: chúng cũng biết nói tiếng người, có khả năng ứng xử, có tâm tính như người và cũng có đủ cả thú, chim, cá, côn trùng… Nhưng xét kĩ hơn sẽ thấy sự khác biệt.
-   Một là, khác biệt về bản thân đối tượng (đối tượng miêu tả hay đối tượng kể chuyện).
Các con vật trong truyện cổ tích ít nhiều có liên quan đến cuộc sống của chủ nhân nguồn truyện kể. Con vật trong truyện cổ tích được phân loại cụ thể nhằm mang ý nghĩa nào đó (người nghiên cứu có thể thông qua sự phân loại đó để xác định những truyện của người đi săn, người làm ruộng hay người chăn nuôi). Ví dụ: Sự tích con khỉ cho ta biết truyện kể của loại người trưởng giả, Con voi với người quản tượng cho biết về cuộc sống của người chăn nuôi…
Các con vật trong truyện ngụ ngôn được chọn lựa theo tiêu chí hoàn toàn khác. Đó có thể là bất cứ con vật nào, có thể không liên quan gì đến cuộc sống của con người. Việc phân loại các con vật trong truyện ngụ ngôn không có ý nghĩa cụ thể nào. Nếu có cũng chỉ mang tính hình thức. Ví dụ: truyện Con cáo, Muỗi và sư tử…
-   Hai là, khác biệt về thái độ đối với đối tượng.
Trong truyện cổ tích về loài vật, người kể và người nghe có thể thể hiện tình cảm yêu ghét rõ rệt đối với con vật, cũng như thể hiện tình cảm với nhân vật trong cổ tích thần kì và cổ tích sinh hoạt. Ví dụ: truyện Chú thỏ thông minh, lừa được bao nhiêu thú dữ, lại có thể xử kiện một cách tài tình mà không quan tòa nào xử được. Người đọc sẽ cảm phục chú thỏ thông minh vô đối này và thỏa mãn vì cách xử lí tình huống nhanh nhạy của thỏ.
Đối với các con vật trong truyện ngụ ngôn, phản ứng của con người ta thể hiện ở mặt lí trí, suy lí hơn là cảm xúc, tình cảm. Ví dụ: truyện Con thỏ, trong lúc gặp nạn nguy cấp, thỏ vẫn đủ thời gian và lí trí để tự rút cho mình và cũng cho mọi người bài học. Câu truyện kết thúc không để lại tình cảm đặc biệt nào cho người đọc. Người đọc không cảm thấy thương tiếc cho chú thỏ nhút nhát bị nạn. Người ta suy nghĩ về câu chuyện nhiều hơn là cảm xúc mà câu chuyện mang lại.
-   Ba là, khác biệt ở nội dung miêu tả hay kể chuyện.
Mục đích cơ bản của truyện cổ tích về loài vật là đúc kết những kinh nghiệm về đời sống để truyền đạt lại cho đời sau nên phần cốt lõi của câu chuyện kể là miêu tả cụ thể đặc điểm của các con vật. Ví dụ: truyện Trí khôn của ta đây giải thích nguồn gốc của bộ lông vằn của hổ và hàm răng dưới của trâu.
Truyện ngụ ngôn không nhằm kể chuyệ về loài vật mà chỉ mượn chuyện về loài vật để nói về con người và xã hội loài người. Các con vật trong truyện ngụ ngôn không bao giờ được miêu tả kĩ về đặc điểm và nhiều về hành động. Ví dụ: truyện Con công không đi kể chi tiết vì sao công có bộ lông đẹp hay tác dụng của bộ lông công mà chỉ quan tâm đến việc công sẽ che chở thế nào cho các loài chim nếu nó được làm vua.
b.      Nhân vật trong truyện ngụ ngôn đôi khi là những thứ khác.
Không chỉ các con vật mà cả những vật vô tri vô giác cũng được mượn vào truyện ngụ ngôn. Đôi khi đó là cây cỏ hoa quả (Cây sậy và cây ô liu), các vật vô tri, những điều vô hình vạn trạng, thân thể con người và n hững bộ phận trên thân thể người, tính nết, mượn cả thần phật, ma quỷ, hay tạo hóa (Gió và mặt trời, Người cha và các con trai, Ông già và thần chết…).
Tuy nhiên, sau này Arixtốt chỉ thừa nhận các con vật là nhân vật trong truyện ngụ ngôn. Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Ngọc, truyện ngụ ngôn chỉ cần mượn các con vật để diễn ra trò cũng đủ ý nghĩa và còn để phân biệt giữa truyện ngụ ngôn với tryện cười.


2.      Xung đột trong truyện ngụ ngôn.
Trong truyện cổ tích, xung đột của nhân vật được biểu hiện thông qua hành động. Đó là sự đấu tranh giữa cái thiện và cái ác, cái tốt với cái xấu. Xung đột tiêu biểu trong truyện ngụ ngôn là xung đột giữa cái đúng với cái sai, cái chân lí với cái ngụy lí. Xung đột trong truyện ngụ ngôn biểu hiện ở lí lẽ hành động, triết lí ứng xử của nhân vật.
Truyện ngụ ngôn Con hươu chỉ có 1 nhân vật, nó không có mâu thuẫn hay xung đột với bất kì con vật nào khác ngoài chính bản thân nó. Con hươu tự hào với cặp sừng đồ sộ của mình vì cho rằng nó đẹp. Bị sư tử vồ vì cặp sừng vướng vào cây không chạy thoát được. Lúc đó chân lí mà nó nhận ra: “những người có thể cứu mình thì mình nghĩ là họ tồi, yếu ớt còn những kẻ làm mình mất đời thì mình lại từng thích thú.” Đây là loại xung đột nằm sau hành động.
Cũng có loại truyện ngụ ngôn có hai nhân vật (loại này khá phổ biến). Xung đột giữa các nhân vật là xung đột vốn có (sói và cừu, gấu và ong mật, sư tử và các con vật khác…), hoặc cũng có thể giữa chúng vốn không có quan hệ thù địch (thỏ và rùa, công và sếu, cáo và sói…). Nhưng dù có mâu thuẫn trước hay không thì xung đột cũng biểu hiện qua những lí lẽ hành động.
Ví dụ: truyện Sói và dê xung đột giữa sói và cừu là xung đột vốn có nhưng vẫn thể hiện ở mặt lí lẽ. Lí lẽ của sói chỉ là ngụy biện và dê luôn nhìn ra được mặt trái của lời dụ dỗ ngon ngọt. Từ đó rút ra được một chân lí trong cuộc sống: “chẳng ai cho không ai cái gì”.
Ngoài ra, xung đột trong truyện ngụ ngôn còn được thể hiện dưới dạng xung đột giữa tác giả (hoặc người sử dụng truyện) với nhân vật trong câu chuyện. (xem ví dụ trong giáo trình).
Xét đến cùng, xung đột trong truyện ngụ ngôn đều phản ánh xung đột xã hội. Đó là xung đột giữa người bị áp bức với kẻ áp bức được khái quát từ những kinh nghiệm đấu tranh xã hội. Đặc điểm chung của truyện ngụ ngôn là đều lấy hình ảnh những con vật to khỏe làm biểu tượng của kẻ mạnh, những con vật nhỏ bé nhưng đông dảo, nhanh nhạy và thông minh làm biểu tượng của kẻ yếu.
Xung đột trong truyện ngụ ngôn cũng có thể phản ánh cái tốt và cái xấu trong xã hội. Sự đúng sai thông thường không phải là đặc trưng ở một giai cấp nào nên việc đi tìm đúng sai sau những hành vi ứng xử của nhân vật ngụ ngôn là không nhất thiết.
3.      Kết cấu của truyện ngụ ngôn.
Kết cấu của truyện ngụ ngôn chỉ nêu ra một hoàn cảnh, một tình huống, tron đó diễn ra một hành động của một hoặc một vài nhân vật, nhằm minh hoa cho một điều răn dạy nào đó. Xung đột không có quá trình hình thành, nó chỉ diễn ra trong một hành động. Đặc trưng này tạo nên kiểu kết cấu tiêu biểu một màn kịch của truyện ngụ ngôn. Nó gần giống như quy tắc “tam duy nhất” của kịch cổ điển.
Nét đặc trưng của kiểu kết cấu này:
-   Tình huống, hoàn cảnh được chỉ dẫn cụ thể .
-   Nhân vật được miêu tả sắc nét.
-   Đối thoại hoặc độc thoại hàm súc, hành động diễn ra mau lẹ.
Ở đặc trưng kết cấu này truyện ngụ ngôn có vẻ gần với truyện cười. Tuy nhiên, theo La Phôngten, truyện ngụ ngôn gồm phần xác (câu chuyện) và phần hồn (điều răn dạy). Có đôi khi điều răn dạy được diễn tả thành lời, tức là dựa theo quan niệm của La Phôngten thì phần “hồn” được “hiện ra” bên ngoài xác.
Tác giả Đông Tây ngụ ngôn nêu nhận xét bao quát về những kiểu kết cấu này: “Các nhời quy trâm, khi thì ăn luôn theo vào bài, chỉ như gợi cái đại ý ra; khi thì đứng lìa rời hẳn ra ngoài như để thúc kết lại; lúc thì dàn ngay trên đầu bài như nhời giáo đầu; lúc thì dồn ở dưới cuối như cái khung đóng bài vậy. Có nhiều nhời trâm quy có thể lấy ra mà dùng như những câu tục ngữ, ca dao được…”. Với những nội dung đụng chạm nhiều đến giai cấp, kiểu truyện ngụ ý không được “diễn tả bằng lời” được sử dụng triệt để và cũng là kiểu truyện gốc của ngụ ngôn.
Về kết cấu, nói đến ngụ ngôn dân gian, nói đến tính chất vừa kín đáo, hàm súc, vừa hồn nhiên, sinh động, ta thường nghĩ ngay đến những bài ca dao ngụ ngôn và những câu tục ngữ có ý vị ngụ ngôn (mật ngọt chết ruồi, giậu đổ bìm leo, thừa nước đục thả câu…).
Kết cấu hàm súc của truyện ngụ ngôn đã tự tạo cho nó đầy đủ ý nghĩa mà không ai có thể di dịch hay bình phẩm được nữa, chỉ có thể từ đó rút ra bài học.
4.      Thực tại và hư cấu trong truyện ngụ ngôn.
Truyện cổ tích về loài vật có sự đan xen giữa thực tế và hư cấu. Ở truyện ngụ ngôn câu truyện kể hoàn toàn là sản phẩm của trí tưởng tượng. Hư cấu ngụ ngôn là hư cấu chịu sự chi phối của tư duy suy lí. Tức là câu truyện được kể có sự chọn lọc trong việc chọn lựa nhân vật, hoàn cảnh sao cho phù hợp với ý tưởng có sẵn. Truyện ngụ ngôn không sáng tạo ra cả thế giới nghệ thuật mà chỉ đặt ra câu chuyện để minh họa cho ý tưởng của mình. Dù trong truyện ngụ ngôn có xuất hiện con người làm ta liên tưởng đến một sự kiện thực tế, hiện tượng thực tế thì đó cũng không phải là một hiện tượng thực tế cụ thể mà chỉ là một loại hiện tượng thực tế.
Nói như vậy không có nghĩa là truyện ngụ ngôn hoàn toàn không dựa trên tính xác thực. Xét trên góc độ nào đó ta vẫn có thể ít nhiều hiểu biết về những đặc tính của các con vật và về tâm lí, tính cách con người. Tác giả ngụ ngôn chỉ dựa vào một mặt nào đó của sự việc trong thực tế để từ đó xây dựng nên câu chuyện cho phù hợp với ý tưởng muốn gởi gắm.
5.      Lời kể trong truyện ngụ ngôn dân gian.
Lời kể trong truyện ngụ ngôn dân gian có thể được tóm gọn trong hai đặc điểm:
-   Có tính chất cô đúc như những lời châm quy.
-   Có tính chất châm biếm trong giọng điệu lời kể.
Đối với truyện ngụ ngôn, nó đã phản ánh con đường thực tế để nhận ra chân lí cuộc sống: chân lí có thể được rút ra từ kinh nghiệm, từ hoạt động thực tiễn, từ những sai lầm, thất bại và từ cuộc đấu tranh với ngụy lí. Truyện ngụ ngôn, nhất là ngụ ngôn dâ gian, thường không ban phát chân lí. Đó có thể là cơ sở và ý nghĩa của tính chất châm biếm trong giọng điệu truyện ngụ ngôn.