DANH SÁCH BÀI VIẾT

Wednesday, April 6, 2011

TẾT Ở MIỀN NAM



Tết Nguyên đán “Cung-chúc-tân-xuân!” thành kính thiêng liêng. Tháng Giêng ngày dài tháng rộng vui xuân nô nức gần xa nhưng phải nhớ lời: “Cả năm không bằng rằm tháng giêng”.
Rằm tháng giêng cúng lễ tổng kết Tết. Những chủ sự gia đình - “một người hay lo” nhìn lại toàn bộ việc đã ăn Tết và đề ra công việc cụ thể cho cả năm rồi bắt tay làm liền. Ngày rằm tháng giêng tính tới cho cả năm. Như vậy mới nói Cả năm không bằng rằm tháng giêng.
Tháng Tết!
Tháng Chạp - tháng cuối cùng năm lịch trăng. Đây là lúc ta có Tháng Tết - một tháng bất thành văn, kéo rất dài từ tháng cuối năm trước qua tháng đầu năm sau, một Tháng Tết Nguyên đán Hai Trăng Rằm tròn đầy với những sự việc đầy ấn tượng: Rằm tháng chạp Lặt Lá Mai Vàng và “(Ăn Tết) cả năm không bằng rằm tháng giêng.”
Đất Sông Hồng có bốn mùa xuân-hạ-thu-đông, miệt Cửu Long chỉ có hai mùa: mùa mưa và mùa khô. Mùa mưa - mùa nước nổi, từ đầu tháng năm tới tháng mười. Mùa khô từ tháng mười một tới tháng tư. Tết Nguyên đán đất Chín Rồng đang mùa khô, “Cung-chúc-tân-niên” có những cây mai vàng nở hết mình hoa - tán bông vàng rực giữa nắng vàng chan chứa đất trời.
Người đất Chín Rồng sống gắn bó với giang đồng ngời ngợi phù sa và đặc cá tôm. Người đất Chín Rồng sống gắn bó với đường nước vấn vít “một mẹ mà có bốn con” - con nước lớn, con nước dong, con nước ròng, con nước sát. Mấy trăm năm bươn chải tạo lập và giữ gìn miệt vườn, miệt đồng hội một cộng đồng cư dân Cửu Long sống vừa tảo tần vừa phong trần. Cửu Long là vùng đất cộng đồng các dân tộc Việt, Khmer, Hoa và Chăm. Mỗi dân tộc có văn hóa tín ngưỡng phong tục tập quán riêng nhưng các dân tộc hòa đồng cùng chào mừng Tết Nguyên đán như một lễ hội chung.
Đất Cửu Long ấm áp nhịp sống đón Tết và ăn Tết Nguyên đán.
           
Đón Tết
Ngày Tết mừng năm mới thiêng liêng, phải chủ động đón tết nghĩa là chuẩn bị tết thật chu đáo. Chuẩn bị tết có nhiều mức độ.
Chuẩn bị Tết có những công việc mang tính lịch sử lớn lao. Phải hơn một thế kỉ đấu tranh với chủ nghĩa thực dân mới có Tết Độc lập. Phải hơn một phần tư thế kỉ kháng chiến chống đế quốc xâm lược mới có Tết Hòa bình Thống nhất đất nước.
Chuẩn bị Tết với nhịp độ lao động hằng năm. Không nhắc lo công chuyện lao động xây dựng suốt mùa mưa mùa khô mà tháng giêng là tháng ăn chơi chính những lễ hội ăn chơi đã có phần lo cho tết sau nữa. Lo lễ càng thiêng và hội càng vui: hát bội, đờn ca tài tử, đua ghe, các hội chợ triển lãm làm tưng bừng Tết du lịch với những vườn cây trái Cái Mơn, thắng cảnh Ao Bà Om, Núi Sam, Hà Tiên, Đất mũi Cà Mau. Chuẩn bị tết có khi phải là chạy tết. Đón năm mới kiêng cữ sự dang dở thiếu hụt và nợ nần nên phải chạy công việc hoàn thành xây dựng sản xuất và chạy tiền tết.
Chuẩn bị Tết từng ngày là từ Tháng Tết. Lo việc nêm nấu các món cổ, món ăn tân. Lo làm những mứt dừa, mứt chuối, mứt bí, mứt mãng cầu, mứt me, mứt sơri… Cái hồn bánh chưng bánh dày Lang Liêu được khai thác theo tinh thần huyền thoại bánh tét trong cuộc hành binh thần tốc các chiến binh Tây Sơn ra Bắc Hà. Bánh tét có loại bánh tét mặn nhân thịt heo đậu xanh hành tiêu như bánh chưng, có loại bánh tét chay nhân chuối đậu. Xứ nào như xứ này khơi cái hồn của nếp dẻo thơm, hồn cơm dừa béo với những đòn bánh tét, những xếp bánh tráng, bánh phồng, những bánh tro, bánh bột lọc, bánh ít, bánh dẻo, những chè kho, chè viên, chè đậu... Tình bánh tét có kỉ niệm đòn bánh 500 kg nhân dân tỉnh Đồng Tháp dâng lễ Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh tại lăng Cụ ở Thành phố Cao Lãnh. Ngọn lửa nấu bánh tét hồng rực những ngày áp tết Nguyên đán đã đỏ hồng thường nhật nấu bánh tét thương hiệu nổi danh từ một phụ nữ người Khmer ở huyện Cầu Ngang tỉnh Trà Vinh. Cảm động sao khi gặp những đôi tay các bà các mẹ làm ra hàng chục loại mứt tết, bánh tết. Đã tới cái thời máy xay ra bột gạo, máy nạo vắt nước cốt dừa mà tay già cứ run rẩy từng nhịp chày quết bột bánh dính keo kẹo. Từ lâu rồi đã dân gian truyền danh đặc sản: “Bánh tráng Mỹ Lồng, bánh phồng Sông Đốc”. Và lòng người mượn tiếng chim nói nỗi lòng ngọt ngon chén chè ngày Tết:
Cu kêu ba tiếng cu kêu
Trông cho tới Tết dựng nêu, ăn chè
Cái tinh thần tân cổ còn làm ta sững sờ khi gặp ở bến nước cửa đình nọ, cậu trai trẻ khăn xếp áo thụng thâm, quần tây cầm viết lông ra chữ nho Phúc Lộc Thọ, Hỉ, Nhẫn.
Phương Nam mai vàng - huỳnh mai, là bông tết. Bông mai! Tiếng miền Nam cất lên vang âm: Bông May! May mắn tới nhà khi xuân về tết đến. Người phương Nam đầy mình kinh nghiệm lặt lá mai vào rằm trăng tháng chạp rồi dưỡng cây cho bông mai nở đúng giao thừa thiêng liêng. Cây mai trước nhà, bình bông mai trên bàn thờ ông bà, gốc mai kiểng trong phòng khách là những hình ảnh đầy ưu ái ngày tết. Vì yêu mai vàng người ta đã không ngừng tạo ra những giống mai vàng mới. Mai vàng bông chín cánh Vạn Niên, mai vàng bông mười hai cánh Bến Tre, mai vàng bông hai tư cánh, mai Cửu Long, mai Huỳnh Tỷ, mai vàng bông một trăm hai mươi cánh Bến Tre. Những người vì yêu còn ghép vào cây mai vàng những nhánh hồng mai, tuyết mai, thanh mai. Bây giờ có những doanh nhân mai vàng với hàng ngàn gốc. Nghệ nhân Năm Hiếu- người đầu tiên cắt nhánh mai vàng đưa ra chợ Tết từ năm 1960, tới năm 1988 ông chế thuốc phun lên cây mai cho lá rụng không phải lặt. Bông mai vườn Năm Hiếu nở bự hơn vàng hơn và tươi đẹp hàng chục ngày trên tán bông. Mai vàng lâu rụng của Năm Hiếu được tặng Huy chương vàng Hội chợ Quốc tế Nông nghiệp Cần Thơ. Nghệ nhân Phan Thông Tuấn với kĩ thuật “lặt lá” và chăm sóc cho mai nở bông đúng giao thừa hoặc theo yêu cầu với một trong những tháng chín, mười, một, chạp, giêng, hai.
Người phương Nam ngôn ngữ sinh động. Một trong những sự sinh động ấy là nhìn nhận ngôn từ từ cây trái miệt vườn. Lấy tên cây, tên trái có khi chỉ một phần tên đó có khi là sự “trại âm” ra một tên, một tiếng mang biểu tượng ý nghĩa thiêng liêng. Bông mai - Bông May! Cây hạnh trên chậu kiểng trái chín vàng là cây Hạnh phúc. Cây sung trên chậu kiểng trái đầy cành nhánh là cây Sung túc.
Miệt vườn bao nhiêu trái ngon trái quý. Ngày tết người miệt vườn dâng lên ông bà mâm ngũ quả: mãng cầu, sung, dừa, đu đủ, xoài. Những trái cây đó thành ra lời khấn thỉnh thiêng liêng: Cầu - sung túc - vừa - đủ - xài. Dâng thờ gia tiên còn có cặp dưa hấu, lòng trái đỏ thắm mang ước mong năm mới đời sống tươi đẹp.
Mấy năm nay CLB khuyến nông ấp Phú Trí ở đất bưởi Năm Roi, xã Phú Tân, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang, sau khi “khuyến cây bưởi” trái có giá ở thị trường Tây Âu, đầu tư 5 triệu đồng/công thu được 27 triệu đồng/công. CLB Phú Trí ra trái bưởi hồ lô tài lộc thờ tết. Người tiên phong việc này là chủ nhiệm CLB Võ Trung Thành làm khuôn bao trái ra dáng hồ lô có chữ tài lộc trên da trái. Bưởi hồ lô đã có thương hiệu. CLB có 26 xã viên, ngoài phần bưởi thường xuất khẩu giá 6.500-7.000 đồng/kg, mùa bưởi tết năm nay ra trên 4.000 trái hồ lô tài lộc. Hồ lô tài lộc đã có hợp đồng mua bán hết giá 300.000 đồng/cặp tới 400.000 đồng/cặp.
Tết đã gần kề.
Hai ba Tết làm lễ đưa Ông Táo cưỡi cá chép lên Thiên đình tấu về gia sự một năm qua.
Hai chín, ba mươi Tết lo việc hiếu lễ rất quan trọng đó là rẫy cỏ đắp mồ và thắp nhang khấn rước gia tiên về nhà ăn Tết.

Ăn Tết
Ăn Tết! Cỗ tết rất ngon, được ăn cả những món cổ chỉ dịp giỗ tết mới nêm nấu, được ăn nhiều, ăn dài dài khi tới mỗi nhà chúc tết.
Ăn Tết là hưởng lộc cỗ cúng ông bà: cỗ cúng tất niên, cỗ cúng giao thừa, cỗ cúng tân niên, cỗ cúng tiễn đưa ông bà. Niềm vui ăn cỗ Tết đồng thuận với kết quả lao động một năm.
Đồ ăn Tết ngày càng mở với cộng đồng. Đất lúa gạo, miệt vườn Cửu Long còn nhập về gạo, trái cây, hoa tươi, thịt bò, thịt cừu ngoại từ các nước Thái Lan, Trung Quốc, Hà Lan, Nhật Bản, Hoa kì, Braxin, Australia…
Những ngày tân niên tất cả mọi người quan tâm tới nhau, mở lời mừng tuổi tốt lành. Cộng đồng cư dân Cửu Long mừng tuổi, lì xì như người Hoa. Người già lì xì tâm hồn trẻ lại, trẻ nhỏ nhận bao lì xì nói lời cầu chúc khôn ngoan lễ độ. Nhiều người hiện đại hơn thực tế hơn mừng tuổi lì xì với phong bao có tiền trăm tiền triệu VND, có USD có đồng Euro.
Tục lệ phương Nam các con khôn lớn dựng vợ gả chồng cho ra ở riêng. Cha mẹ ở với con út, lại có tục bắt rể nên có khi xui gia hai bên cùng ở một nhà và nhiều bàn thờ thờ gia đình thờ chung gia tiên cả bên vợ bên chồng.
Tinh thần lưu dân lưu cư còn đó, thấy đâu hạp đâu sống được là chuyển tới ở nên các gia đình dòng tộc phân tán khắp nơi và ngày giỗ các cặp vợ chồng đưa con cháu về cúng cơm ba bốn ngày, đây là dịp cho lớp trẻ nhận chú bác dì dượng anh chị em và có khi là dịp “đại gia đình” ăn một món ăn được xem là món ăn gia tộc để làm dấu hiệu nơi xa lạ gặp món ăn đó nhận ra thân nhân. Chao ôi cái món ăn mà tính thay cho gia phả. Ngày giỗ mới nhất thiết hội gia tộc còn ngày Tết được sân si, ăn tết vui vẻ với cộng đồng. Cái tinh thần ăn uống lai rai thuở khẩn hoang, bằng hữu trước lạ sau quen gặp tiệc thì ngồi cầm đũa, nâng li, ăn tự nhiên, uống xả láng. Tinh thần ăn xài quá ấy không ổn nhưng “công nghệ du lịch” mới là điều, cái sự cởi mở hội nhập ở đất phương Nam thoáng từ mở cõi…