DANH SÁCH BÀI VIẾT

Showing posts with label Bài sưu tầm. Show all posts
Showing posts with label Bài sưu tầm. Show all posts

Wednesday, April 6, 2011

TẾT Ở MIỀN NAM



Tết Nguyên đán “Cung-chúc-tân-xuân!” thành kính thiêng liêng. Tháng Giêng ngày dài tháng rộng vui xuân nô nức gần xa nhưng phải nhớ lời: “Cả năm không bằng rằm tháng giêng”.
Rằm tháng giêng cúng lễ tổng kết Tết. Những chủ sự gia đình - “một người hay lo” nhìn lại toàn bộ việc đã ăn Tết và đề ra công việc cụ thể cho cả năm rồi bắt tay làm liền. Ngày rằm tháng giêng tính tới cho cả năm. Như vậy mới nói Cả năm không bằng rằm tháng giêng.
Tháng Tết!
Tháng Chạp - tháng cuối cùng năm lịch trăng. Đây là lúc ta có Tháng Tết - một tháng bất thành văn, kéo rất dài từ tháng cuối năm trước qua tháng đầu năm sau, một Tháng Tết Nguyên đán Hai Trăng Rằm tròn đầy với những sự việc đầy ấn tượng: Rằm tháng chạp Lặt Lá Mai Vàng và “(Ăn Tết) cả năm không bằng rằm tháng giêng.”
Đất Sông Hồng có bốn mùa xuân-hạ-thu-đông, miệt Cửu Long chỉ có hai mùa: mùa mưa và mùa khô. Mùa mưa - mùa nước nổi, từ đầu tháng năm tới tháng mười. Mùa khô từ tháng mười một tới tháng tư. Tết Nguyên đán đất Chín Rồng đang mùa khô, “Cung-chúc-tân-niên” có những cây mai vàng nở hết mình hoa - tán bông vàng rực giữa nắng vàng chan chứa đất trời.
Người đất Chín Rồng sống gắn bó với giang đồng ngời ngợi phù sa và đặc cá tôm. Người đất Chín Rồng sống gắn bó với đường nước vấn vít “một mẹ mà có bốn con” - con nước lớn, con nước dong, con nước ròng, con nước sát. Mấy trăm năm bươn chải tạo lập và giữ gìn miệt vườn, miệt đồng hội một cộng đồng cư dân Cửu Long sống vừa tảo tần vừa phong trần. Cửu Long là vùng đất cộng đồng các dân tộc Việt, Khmer, Hoa và Chăm. Mỗi dân tộc có văn hóa tín ngưỡng phong tục tập quán riêng nhưng các dân tộc hòa đồng cùng chào mừng Tết Nguyên đán như một lễ hội chung.
Đất Cửu Long ấm áp nhịp sống đón Tết và ăn Tết Nguyên đán.
           
Đón Tết
Ngày Tết mừng năm mới thiêng liêng, phải chủ động đón tết nghĩa là chuẩn bị tết thật chu đáo. Chuẩn bị tết có nhiều mức độ.
Chuẩn bị Tết có những công việc mang tính lịch sử lớn lao. Phải hơn một thế kỉ đấu tranh với chủ nghĩa thực dân mới có Tết Độc lập. Phải hơn một phần tư thế kỉ kháng chiến chống đế quốc xâm lược mới có Tết Hòa bình Thống nhất đất nước.
Chuẩn bị Tết với nhịp độ lao động hằng năm. Không nhắc lo công chuyện lao động xây dựng suốt mùa mưa mùa khô mà tháng giêng là tháng ăn chơi chính những lễ hội ăn chơi đã có phần lo cho tết sau nữa. Lo lễ càng thiêng và hội càng vui: hát bội, đờn ca tài tử, đua ghe, các hội chợ triển lãm làm tưng bừng Tết du lịch với những vườn cây trái Cái Mơn, thắng cảnh Ao Bà Om, Núi Sam, Hà Tiên, Đất mũi Cà Mau. Chuẩn bị tết có khi phải là chạy tết. Đón năm mới kiêng cữ sự dang dở thiếu hụt và nợ nần nên phải chạy công việc hoàn thành xây dựng sản xuất và chạy tiền tết.
Chuẩn bị Tết từng ngày là từ Tháng Tết. Lo việc nêm nấu các món cổ, món ăn tân. Lo làm những mứt dừa, mứt chuối, mứt bí, mứt mãng cầu, mứt me, mứt sơri… Cái hồn bánh chưng bánh dày Lang Liêu được khai thác theo tinh thần huyền thoại bánh tét trong cuộc hành binh thần tốc các chiến binh Tây Sơn ra Bắc Hà. Bánh tét có loại bánh tét mặn nhân thịt heo đậu xanh hành tiêu như bánh chưng, có loại bánh tét chay nhân chuối đậu. Xứ nào như xứ này khơi cái hồn của nếp dẻo thơm, hồn cơm dừa béo với những đòn bánh tét, những xếp bánh tráng, bánh phồng, những bánh tro, bánh bột lọc, bánh ít, bánh dẻo, những chè kho, chè viên, chè đậu... Tình bánh tét có kỉ niệm đòn bánh 500 kg nhân dân tỉnh Đồng Tháp dâng lễ Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh tại lăng Cụ ở Thành phố Cao Lãnh. Ngọn lửa nấu bánh tét hồng rực những ngày áp tết Nguyên đán đã đỏ hồng thường nhật nấu bánh tét thương hiệu nổi danh từ một phụ nữ người Khmer ở huyện Cầu Ngang tỉnh Trà Vinh. Cảm động sao khi gặp những đôi tay các bà các mẹ làm ra hàng chục loại mứt tết, bánh tết. Đã tới cái thời máy xay ra bột gạo, máy nạo vắt nước cốt dừa mà tay già cứ run rẩy từng nhịp chày quết bột bánh dính keo kẹo. Từ lâu rồi đã dân gian truyền danh đặc sản: “Bánh tráng Mỹ Lồng, bánh phồng Sông Đốc”. Và lòng người mượn tiếng chim nói nỗi lòng ngọt ngon chén chè ngày Tết:
Cu kêu ba tiếng cu kêu
Trông cho tới Tết dựng nêu, ăn chè
Cái tinh thần tân cổ còn làm ta sững sờ khi gặp ở bến nước cửa đình nọ, cậu trai trẻ khăn xếp áo thụng thâm, quần tây cầm viết lông ra chữ nho Phúc Lộc Thọ, Hỉ, Nhẫn.
Phương Nam mai vàng - huỳnh mai, là bông tết. Bông mai! Tiếng miền Nam cất lên vang âm: Bông May! May mắn tới nhà khi xuân về tết đến. Người phương Nam đầy mình kinh nghiệm lặt lá mai vào rằm trăng tháng chạp rồi dưỡng cây cho bông mai nở đúng giao thừa thiêng liêng. Cây mai trước nhà, bình bông mai trên bàn thờ ông bà, gốc mai kiểng trong phòng khách là những hình ảnh đầy ưu ái ngày tết. Vì yêu mai vàng người ta đã không ngừng tạo ra những giống mai vàng mới. Mai vàng bông chín cánh Vạn Niên, mai vàng bông mười hai cánh Bến Tre, mai vàng bông hai tư cánh, mai Cửu Long, mai Huỳnh Tỷ, mai vàng bông một trăm hai mươi cánh Bến Tre. Những người vì yêu còn ghép vào cây mai vàng những nhánh hồng mai, tuyết mai, thanh mai. Bây giờ có những doanh nhân mai vàng với hàng ngàn gốc. Nghệ nhân Năm Hiếu- người đầu tiên cắt nhánh mai vàng đưa ra chợ Tết từ năm 1960, tới năm 1988 ông chế thuốc phun lên cây mai cho lá rụng không phải lặt. Bông mai vườn Năm Hiếu nở bự hơn vàng hơn và tươi đẹp hàng chục ngày trên tán bông. Mai vàng lâu rụng của Năm Hiếu được tặng Huy chương vàng Hội chợ Quốc tế Nông nghiệp Cần Thơ. Nghệ nhân Phan Thông Tuấn với kĩ thuật “lặt lá” và chăm sóc cho mai nở bông đúng giao thừa hoặc theo yêu cầu với một trong những tháng chín, mười, một, chạp, giêng, hai.
Người phương Nam ngôn ngữ sinh động. Một trong những sự sinh động ấy là nhìn nhận ngôn từ từ cây trái miệt vườn. Lấy tên cây, tên trái có khi chỉ một phần tên đó có khi là sự “trại âm” ra một tên, một tiếng mang biểu tượng ý nghĩa thiêng liêng. Bông mai - Bông May! Cây hạnh trên chậu kiểng trái chín vàng là cây Hạnh phúc. Cây sung trên chậu kiểng trái đầy cành nhánh là cây Sung túc.
Miệt vườn bao nhiêu trái ngon trái quý. Ngày tết người miệt vườn dâng lên ông bà mâm ngũ quả: mãng cầu, sung, dừa, đu đủ, xoài. Những trái cây đó thành ra lời khấn thỉnh thiêng liêng: Cầu - sung túc - vừa - đủ - xài. Dâng thờ gia tiên còn có cặp dưa hấu, lòng trái đỏ thắm mang ước mong năm mới đời sống tươi đẹp.
Mấy năm nay CLB khuyến nông ấp Phú Trí ở đất bưởi Năm Roi, xã Phú Tân, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang, sau khi “khuyến cây bưởi” trái có giá ở thị trường Tây Âu, đầu tư 5 triệu đồng/công thu được 27 triệu đồng/công. CLB Phú Trí ra trái bưởi hồ lô tài lộc thờ tết. Người tiên phong việc này là chủ nhiệm CLB Võ Trung Thành làm khuôn bao trái ra dáng hồ lô có chữ tài lộc trên da trái. Bưởi hồ lô đã có thương hiệu. CLB có 26 xã viên, ngoài phần bưởi thường xuất khẩu giá 6.500-7.000 đồng/kg, mùa bưởi tết năm nay ra trên 4.000 trái hồ lô tài lộc. Hồ lô tài lộc đã có hợp đồng mua bán hết giá 300.000 đồng/cặp tới 400.000 đồng/cặp.
Tết đã gần kề.
Hai ba Tết làm lễ đưa Ông Táo cưỡi cá chép lên Thiên đình tấu về gia sự một năm qua.
Hai chín, ba mươi Tết lo việc hiếu lễ rất quan trọng đó là rẫy cỏ đắp mồ và thắp nhang khấn rước gia tiên về nhà ăn Tết.

Ăn Tết
Ăn Tết! Cỗ tết rất ngon, được ăn cả những món cổ chỉ dịp giỗ tết mới nêm nấu, được ăn nhiều, ăn dài dài khi tới mỗi nhà chúc tết.
Ăn Tết là hưởng lộc cỗ cúng ông bà: cỗ cúng tất niên, cỗ cúng giao thừa, cỗ cúng tân niên, cỗ cúng tiễn đưa ông bà. Niềm vui ăn cỗ Tết đồng thuận với kết quả lao động một năm.
Đồ ăn Tết ngày càng mở với cộng đồng. Đất lúa gạo, miệt vườn Cửu Long còn nhập về gạo, trái cây, hoa tươi, thịt bò, thịt cừu ngoại từ các nước Thái Lan, Trung Quốc, Hà Lan, Nhật Bản, Hoa kì, Braxin, Australia…
Những ngày tân niên tất cả mọi người quan tâm tới nhau, mở lời mừng tuổi tốt lành. Cộng đồng cư dân Cửu Long mừng tuổi, lì xì như người Hoa. Người già lì xì tâm hồn trẻ lại, trẻ nhỏ nhận bao lì xì nói lời cầu chúc khôn ngoan lễ độ. Nhiều người hiện đại hơn thực tế hơn mừng tuổi lì xì với phong bao có tiền trăm tiền triệu VND, có USD có đồng Euro.
Tục lệ phương Nam các con khôn lớn dựng vợ gả chồng cho ra ở riêng. Cha mẹ ở với con út, lại có tục bắt rể nên có khi xui gia hai bên cùng ở một nhà và nhiều bàn thờ thờ gia đình thờ chung gia tiên cả bên vợ bên chồng.
Tinh thần lưu dân lưu cư còn đó, thấy đâu hạp đâu sống được là chuyển tới ở nên các gia đình dòng tộc phân tán khắp nơi và ngày giỗ các cặp vợ chồng đưa con cháu về cúng cơm ba bốn ngày, đây là dịp cho lớp trẻ nhận chú bác dì dượng anh chị em và có khi là dịp “đại gia đình” ăn một món ăn được xem là món ăn gia tộc để làm dấu hiệu nơi xa lạ gặp món ăn đó nhận ra thân nhân. Chao ôi cái món ăn mà tính thay cho gia phả. Ngày giỗ mới nhất thiết hội gia tộc còn ngày Tết được sân si, ăn tết vui vẻ với cộng đồng. Cái tinh thần ăn uống lai rai thuở khẩn hoang, bằng hữu trước lạ sau quen gặp tiệc thì ngồi cầm đũa, nâng li, ăn tự nhiên, uống xả láng. Tinh thần ăn xài quá ấy không ổn nhưng “công nghệ du lịch” mới là điều, cái sự cởi mở hội nhập ở đất phương Nam thoáng từ mở cõi…

Tuesday, April 5, 2011

DU KÝ VIỆT NAM ĐẦU TK XX ( NAM PHONG TẠP CHÍ )

1. PHẦN MỞ ĐẦU
        Du ký là một thể tài đặc biệt của văn học. Một tác phẩm du ký hay không đơn thuần chỉ là một tác phẩm văn chương mà còn có dung chứa trong đó nhiều yếu tố lịch sử, địa lý, giáo dục và đôi khi còn phản ánh cả phương diện chính trị xã hội nữa. Nói cách khác, du ký cùng với bút ký, hồi ký, nhật ký, ký sự, phóng sự, tuỳ bút... nằm ở phần giao nhau giữa văn học và ngoài văn học.
      Đầu thế kỷ XX, khi văn học Việt Nam chuyển mình sang hướng hiện đại hoá trên cơ sở chịu ảnh hưởng và tiếp thu văn học phương Tây, thì cùng với thơ mới, tiểu thuyết, truyện ngắn, phóng sự, kịch... các tác phẩm tuỳ bút, du ký... cũng rất phát triển. Trên những điều kiện xã hội thuận lợi như đội ngũ đông đảo của những người cầm bút, sự nở rộ của báo chí, nhà in, nhà xuất bản... việc xuất hiện những tác phẩm hay, có giá trị ở mọi thể loại là điều tất yếu và dễ hiểu. Cũng cần phải lưu ý đến nhận xét của Lại Nguyên Ân khi ông cho rằng "Sáng tác văn học thể ký thường thịnh hành ở các giai đoạn văn học sử ứng với các thời kỳ xã hội có sự khủng hoảng của các quan hệ cũ, nảy sinh một nếp sống mới, làm tăng cường chú ý đến sự miêu tả các thói tục." Có thể xem đó là một nguyên nhân, nhưng cũng cần phải lưu ý rằng các thể tài này cũng khó có sự phát triển mạnh nếu như không có sự đỡ đầu của báo chí. Một minh chứng dễ nhận thấy nhứt là sự xuất hiện đều đặn, thường xuyên của mục Du ký trên Nam Phong Tạp chí.
        Những đóng góp trong việc xây dựng một nền quốc văn mới, phổ biến học thuật, giới thiệu những tư tưởng triết học, khoa học, văn chương, lịch sử... của cả Á và Âu trong những năm đầu thế kỷ XX của Nam Phong Tạp chí là điều đã được ghi nhận. Tồn tại 17 năm, từ năm 1917 đến năm 1934, Nam Phong Tạp chí đã thực sự để lại một dấu ấn tinh thần trong tâm trí của nhiều độc giả. Với uy tín của một tờ báo chuyên về học thuật, uy tín của một học giả làm chủ nhiệm kiêm chủ bút như Phạm Quỳnh, Nam Phong Tạp chí đã được sự cộng tác của nhiều cây bút từ Bắc vào Nam. Mục Du ký trên tạp chí cũng không là một ngoại lệ. Những tên tuổi viết cho mục này như Nguyễn Bá Trác, Huỳnh Thị Bảo Hoà, Đông Hồ, Mộng Tuyết... sau này đều được lịch sử văn học lưu danh. Và chính bản thân người khởi xướng ra mục này là Phạm Quỳnh đã có những tác phẩm du ký xuất sắc mà ngày nay với độ lùi ngót một thế kỷ, khi đọc lại, người đọc vẫn thấy thích thú, hào hứng.
         Bản thân hai chữ du ký đã có một nội hàm rất rộng. Trên Nam Phong Tạp chí, người đọc thấy có những bài du ký viết về thắng cảnh của một địa phương mang tính chất địa lý, lịch sử như "Bài ký phong thổ tỉnh Tuyên Quang" của Nguyễn Văn Bân, loạt bài viết về phong cảnh Hà Tiên của Đông Hồ, Mộng Tuyết..., những bài viết về những chuyến đi vượt ra khỏi biên giới Việt Nam lúc bấy giờ như "Pháp du hành trình nhật ký" của Phạm Quỳnh ghi chép những điều tai nghe mắt thấy trong chuyến đi Pháp sáu tháng, "Hạn mạn du ký" của Nguyễn Bá Trác lấy bối cảnh Thái Lan (Siam), Nhật Bản, Trung Quốc, "Ai Lao hành trình" của Trần Quang Huyến thì miêu tả một chặng đường dài từ Hà Nội lên Hải Phòng, đi tàu thuỷ vào Sài Gòn, sang Campuchia, lên Lào... Có những bài du ký chỉ miêu tả một chuyến đi ngắn chừng một ngày, vài ngày, có những bài du ký dài kỳ, miêu tả những chuyến đi dài từ vài tháng đến vài năm. Có những bài du ký thuần chất văn học, mang nặng cảm hứng nghệ sĩ, nhưng cũng có những bài du ký mang dáng dấp của một bài khảo cứu văn hoá, phong tục tập quán...
         Không như thể loại thơ mới hay tiểu thuyết hiện đại vốn được du nhập từ văn học phương Tây, nét đặc thù của thể tài du ký trong văn học Việt Nam giai đoạn đầu thế kỷ nói chung và trên Nam Phong Tạp chí nói riêng là sự kết hợp giữa cách viết, cách tư duy giữa truyền thống và hiện đại, giữa Đông và Tây. Vẫn có những câu văn biền ngẫu, đăng đối, nặng từ Hán Việt, những bài ngâm vịnh theo lối cổ, những trang viết tương tự như địa chí, địa bạ, v.v... bên cạnh những ghi chép sinh động, hấp dẫn, đôi khí pha chút hóm hỉnh và chêm cả vào những câu tiếng Pháp, rất gần gũi với cách hành văn của những nhà văn Pháp. Nhưng đa phần các bài du ký đã thể hiện một lối viết tiếng Việt trong sáng, nhuần nhị và cho thấy ở thời điểm này, văn chương quốc ngữ đã thật sự được định hình.
         Những tác phẩm du ký trên Nam Phong Tạp chí cho thấy các tác giả đã kế thừa được truyền thống của văn học thời trung đại với những tác phẩm như "Phủ biên tạp lục" của Lê Quý Đôn, "Vũ trung tuỳ bút" của Phạm Đình Hổ, "Thượng kinh ký sự" của Lê Hữu Trác, "Công dư tiệp ký" của Vũ Phương Đề... Không xem những tác phẩm của mình viết ra chỉ để góp vui, để cho độc giả cùng thưởng lãm, nhiều tác giả viết du ký đã có thấy một cách viết chỉn chu, nghiêm túc, với quan niệm "cái buổi du lịch này, cứ coi bề ngoài thì không đáng đem ra công cáo, nhưng vì có cái hy vọng về tiền đồ kinh tế kỹ nghệ, ngôn ngữ văn chương, phong tục xã hội nước nhà, mà cái nghĩa vụ lương tâm của chúng tôi nó xui nên phải viết vậy" (Nam Tống du đàm - Trần Thuyết Minh). Đây cũng là một nét rất riêng của những bài du ký trên Nam Phong Tạp chí và qua đó thể hiện rõ nét tôn chỉ của tờ báo. Cũng không thiếu những nhận xét tinh tế như: "Ở Sài Gòn thật là có cái cảm giác một nơi đô hội mới, nghĩa là một nơi đô hội theo lối Tây. Vào đến Chợ Lớn thì lại ra cái cảm giác một nơi đô hội theo lối Tàu. Còn các châu thành khác ở Lục tỉnh thì những nơi quan sở là Tây mà chốn phố phường là Tàu, phần An Nam thật ít lắm. Xét về những phương diện đó thì những nơi đô hội Bắc Kỳ tuy coi cũ kỹ mà còn có cái vẻ An Nam hơn" (Một tháng ở Nam Kỳ - Phạm Quỳnh). Một nhận xét ngắn mà khái quát được nhiều điều, cho thấy được một bức tranh toàn cảnh Nam Bắc trong giai đoạn lịch sử.
        Có thể khẳng định, những bài du ký trên Nam Phong Tạp chí không chỉ có giá trị về mặt văn học mà còn có giá trị trên nhiều phương diện khác như khảo sát địa lý, lịch sử, văn hoá, phong tục, tập quán... phản ánh được những tâm tư, tình cảm, ước vọng của con người, qua đó, phần nào khắc hoạ được chân thực chân dung xã hội của một thời đại. Trên ý nghĩa này, công trình sưu tầm, giới thiệu những bài du ký trên Nam Phong Tạp chí của PGS.TS. Nguyễn Hữu Sơn, một chuyên gia có uy tín trong giới nghiên cứu văn học Việt Nam, là một công trình xứng đáng nhận được sự quan tâm sâu rộng không chỉ của công chúng yêu văn học mà còn của các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hoá, xã hội...
        Tuy nhiên, khi đọc những bài du ký trên Nam Phong Tạp chí, chúng ta không thể bỏ qua những yếu tố lịch sử, xã hội đã chi phối đến từng câu văn, lối viết của các tác giả. Trong khung cảnh của một xã hội thuộc địa, nửa thực dân, nửa phong kiến, với việc phân chia đất nước thành ba miền, chia để trị, chế độ kiểm duyệt khắc khe, việc đây đó vẫn có những dòng chữ ca ngợi Nam triều, ca ngợi nước Pháp và người Pháp như là những người có công đi bảo hộ, khai phá văn minh... là điều dễ hiểu. Vì tôn trọng những yếu tố chân thực của lịch sử, Nhà xuất bản Trẻ xin phép vẫn giữ nguyên không lược bỏ những đoạn viết này. Bởi vì, tất cả những điều đó cũng trở nên vụn vặt, mờ nhạt đi bên cạnh bên cạnh những dòng chữ tha thiết, nồng nàn: "Huống chi tuy khác xứ mà cũng đất nước nhà, tuy người lạ mà cùng là anh em, thời càng quen biết lại càng đậm đà cái tình máu mủ, càng đằm thắm cái nghĩa quê hương" (Một tháng ở Nam Kỳ - Phạm Quỳnh). Như vậy, đủ hiểu rằng, động lực của những người cầm bút trên hết vẫn là động lực của tinh thần yêu quê hương đất nước, yêu giống nòi.
2. CÁC THỂ TÀI DU KÝ
         "Du ký - một thể loại văn học thuộc loại hình ký mà cơ sở là sự ghi chép của bản thân mình đi du lịch, ngoạn cảnh về những điều mắt thấy tai nghe của chính mình tại những xứ sở xa lạ hay những nơi ít người có dịp đi đến.  Hình thức của du ký rất đa dạng, có thể là ghi chép, ký sự, nhật ký, thư tín, hồi tưởng, miễn là mang lại những thông tin, tri thức và cảm xúc mới lạ về phong cảnh, phong tục, dân tình của xứ sở ít người biết đến.  Dạng đặc biệt của du ký phát huy cái chất ghi chép về miền xa lạ của nó là du ký về các xứ sở tưởng tượng, có tính chất không tưởng hay viễn tưởng khoa học.  Dạng du ký khác đậm đà hương vị phương Đông là ghi chép cảm tưởng, nhận xét về những nơi danh lam, thắng cảnh đất nước.  Thể loại du ký có vai trò quan trọng đối với văn học thế kỷ XVIII, XIX trong việc mở rộng tầm nhìn và tưởng tượng của nhà văn.  Sang thế kỷ XX, du ký mang nhiều tính chất tư liệu khoa học do các nhà địa chất, nhà dân tộc học viết.  Loại du ký khoa học cũng rất thịnh hành" (Từ điển thuật ngữ văn học, NXB Giáo dục, H, 1992). 
         Định nghĩa trên đây đã khái quát được những đặc điểm cơ bản nhất của du ký - mà chúng tôi duy danh là thể tài du ký.  Tuy nhiên, thể tài du ký là một bộ phận văn học còn chưa được chú ý đúng mức.  Khi nói đến thể tài du ký, cần được hiểu nhấn mạnh hơn ở phía đề tài, phía nội dung và cảm hứng nghệ thuật nơi người viết, chứ không phải ở phía thể loại.  Thu hút vào địa hạt du ký có các sáng tác bằng thơ, phú, tụng và các bài văn xuôi theo phong cách ký, ký sự, phóng sự, ghi chép, khảo cứ, hồi ức về các chuyến đi, các điểm du lịch, các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, sinh thái, kiến trúc, mỹ thuật; thậm chí có thể liên quan tới nhiều phương diện của xã hội học, văn hoá học, khảo cổ học, dân tộc học và văn hoá văn nghệ dân gian khác nữa.  Do đó đã xuất hiện thực tế có tác phẩm nằm ở trung tâm thể tài du ký và nhiều trang viết khác lại nằm ở đường biên hoặc hỗn hợp, pha tạp với những sắc độ đậm nhạt khác nhau, cả về đối tượng, phạm vi đề tài, nội dung thực hiện lẫn phong cách thể loại.
        Trong nền văn học trung đại Việt Nam đã có nhiều sáng tác thuộc thể tài du ký như thơ ca đề vịnh phong cảnh Thăng Long, núi Bài Thơ, Yên Tử, Hoa Lư, sông Hương núi Ngự, Gia Định, Hà Tiên... Qua mười thế kỷ đã xuất hiện nhiều tác giả, tác phẩm nổi bật như Vịnh "Vân Yên tự phú" của Huyền Quang Lý Đạo Tái (1254-1334), "Bài ký tháp Linh Tế" núi Dục Thuỷ của Trương Hán Siêu (?-1354), "Tịnh cư ninh thể phú" và "Đại Đồng phong cảnh phú" của Nguyễn Hàng (thế kỷ XV-XVI), "Hà Tiên thập vịnh" của Mạc Thiên Tích (1706-1780) và nhiều tác giả khác, "Nam trình liên thi tập" của Ngô Thì Ức (1709-1736), "Phụng sứ Yên Đài tổng ca" của Nguyễn Huy Oánh (1713-1789), "Thượng kinh ký sự" của Lê Hữu Trác (1720-1791), "Nhị Thanh động phú", "Tây Hồ phong cảnh phú" của Ngô Thì Sĩ (1726-1780), "Tụng Tây Hồ phú", "Ngự đạo hành cung nhật trình" của Nguyễn Huy Lượng (1750-1808), "Bài ký chơi núi Phật Tích" của Nguyễn An (1770-1815), "Gia Định tam gia thi" của Lê Quang Định, Ngô Nhân Tĩnh, Trịnh Hoài Đức (thế kỷ XVIII-XIX), "Tây hành nhật ký" của Phạm Phú Thứ (1821-1882), "Ghi về vương quốc Khơ-me", "Chuyến đi Bắc kỳ năm Ất Dậu" (1876) của Trương Vĩnh Ký (1837-1898), "Như Tây nhật trình", "Chư quốc thạc hội" của Trương Minh Ký (1855-1900), "Hương Sơn hành trình" của Chu Mạnh Trinh (1862-1905), v.v...
Bước sang thế kỷ XX, thể tài du ký có bước phát triển mạnh mẽ.  Khi thực hiện công trình Mục lục phân tích Nam Phong Tạp chí, 1917-1934, Trung tâm Học liệu ấn hành, Sài Gòn, 1968, nhà thư mục Nguyễn Khắc Xuyên xác định du ký là một trong mười bốn bộ môn và nêu nhận xét về thể tài du ký - còn được ông gọi là du hành - trên Nam Phong Tạp chí: "Nhiều khi chúng ta tự cảm thấy, sống trong đất nước với giang sơn gấm vóc mà không được biết tới những cảnh gấm vóc giang sơn.  Thì đây, theo tờ Nam Phong, chúng ta có thể một phần nào làm lại cuộc hành trình qua tất cả những phong cảnh hùng vĩ nhất, đẹp đẽ nhất của đất nước chúng ta từ Bắc chí Nam, từ Cao Bằng, Lạng Sơn đến đảo Phú Quốc, từ núi Tiên Du đến cảnh Hà Tiên và Ngũ Hành Sơn, từ Cổ Loa, Hạ Long đến Huế thơ mộng... Với thời gian, hẳn những tài liệu này ngày càng trở nên quý hoá đối với chúng ta... Trong mục Du ký này, phải kể bài "Hạn mạn du ký" của Nguyễn Bá Trác, "Lại tới Thần kinh" của Nguyễn Tiến Lăng, "Mười ngày ở Huế", "Một tháng ở Nam kỳ", và nhất là "Pháp du hành trình nhật ký" của Phạm Quỳnh...
Chính thông qua các chuyến đi, các cuộc giao lưu mà mỗi người vừa tăng thêm nhận thức và niềm tự hào dân tộc, vừa chiêm nghiệm và chứng nghiệm được đầy đủ tình nghĩa đồng bào.  Trong một chuyến tới thăm Hà Nội, ông Nguyễn Tử Thức là chủ bút Nam Trung nhựt báo ở Sài Gòn đã phát biểu: "Thiệt chúng tôi không ngờ giang sơn nước Nam ta cẩm tủ như vầy.  Là bởi xưa nay chưa đi khắp nên chưa biết, chưa biết bờ cõi nước ta to rộng, nhân dân nước ta đông đảo là dường nào.  Tới nay mới biết, càng biết mà cái cảm tình đối với tổ quốc càng chan chứa biết bao!... Khi tới Tourane (Đà Nẵng), khi tới Hải Phòng, quanh mình toàn những người bổn quốc, cùng ăn bận như mình, cùng nói năng như mình, nhận ra mới biết người với mình, mình với người, tuy ăn ở xa nhau mà cũng là người một nòi một giống chớ đâu" (Thượng Chi: "Cùng các phái viên Nam kỳ", Nam Phong, số 32, tháng 2-1920, tr.126)...
        Lại nói như bài "Cảnh vật Hà Tiên", do Đông Hồ và Nguyễn Văn Kiểm sao lục, đã mở đầu bằng niềm tự hào: "Tỉnh Hà Tiên có nhiều cảnh đẹp, có bãi dài biển rộng, hồ trong núi biếc, mỗi cảnh đều có vẻ đẹp thiên nhiên của tạo hoá... Cảnh bãi biển thì kiêm cả màu trời sắc nước, bãi cát mênh mông, gió nam mát mẻ.  Cảnh núi như Thạch Động có các kỳ quan quái thạch, núi Bình San, núi Tô thì có cỏ đẹp hoa thơm..." Niềm tự hào trước vẻ đẹp quê hương xứ sở của tác giả cũng đồng điệu với tấm lòng người chủ báo qua mấy dòng đề tựa đầy ý nghĩa: "Muốn cho con trẻ yêu mến nước nhà thì phải cho con trẻ thông thuộc nước nhà, hiểu biết cả lịch sử, địa lý, lễ giáo, phong tục; nhỏ từ cách sinh hoạt trong dân gian, lớn đến các kỷ cương về đạo lý, ngõ hầu mới có lòng thiết tha đến nơi quê hương tổ quốc của mình.  Lại trước khi biết đến cái tổ quốc lớn là toàn thể quốc gia, phải biết cái tổ quốc nhỏ là nơi địa phương mình sinh trưởng đã" (Nam Phong, số 150, tháng 5-1930, tr.145).
          Rõ ràng là vượt qua những áp đặt tuyên truyền tư tưởng chính trị "Pháp - Việt đề huề" và hạn chế lịch sử không tránh khỏi, phải ghi nhận các trang du ký trên Tạp chí Nam Phong đã tiếp nối được tinh thần yêu nước và niềm tự hào dân tộc từ cội nguồn văn học ông cha.  Trong một chừng mực nhất định, nhiều trí thức cựu học và tân học đã biết lợi dụng diễn đàn công khai để khơi gợi và giáo dục tình cảm yêu nước, nhắc nhở lại truyền thống đấu tranh anh dũng ngàn năm thông qua việc du ngoạn, thăm viếng, tưởng niệm các danh nhân đất nước (An Dương Vương, Lý Thái Tổ, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Nguyễn Trãi, Quang Trung...) và các di tích lịch sử (Cổ Loa, đền Lý Bát Đế, hồ Hoàn Kiếm, Hoa Lư, lăng điện xứ Huế, danh thắng Banà, Ngũ Hành Sơn, Sài Gòn, Tây Đô, Phú Quốc, Thạch Động, Hà Tiên...).
Cùng với sự phát triển của chữ Quốc ngữ, báo chí và chính cơ sở kinh tế xã hội đã cho phép thể tài du ký có điều kiện hưng khởi.  Các tác giả viết du ký vừa nhằm thoả mãn hứng thú nội tâm, trình bày những cảm xúc, cảm nhận riêng tư vừa hướng tới giới thiệu những điều trải nghiệm tai nghe mắt thấy liên quan tới mỗi thắng cảnh và di tích lịch sử.  Đó cũng là bạn đọc cũng sẽ hướng dẫn đi tham quan, du lịch, hành hương về Xứ Đẹp và cội nguồn Lịch Sử Dân Tộc nhờ chính các trang du ký.
Trên cơ sở giao thông từng bước phát triển mà nhu cầu hiểu biết, giao lưu văn hoá ngày càng mở rộng từ Bắc vào Nam, từ nơi đồng bằng đến miền núi, từ vùng sâu vùng xa tới thị thành, từ trong nước cho tới nước ngoài.  Không phải ngẫu nhiên mà cảm hứng được đi xa nhờ các phương tiện ô tô, xe lửa, tàu thuỷ, tàu bay vốn gắn liền với kỹ nghệ thời hiện đại đã đem lại cho người viết biết bao cảm xúc mới lạ hấp dẫn.  Nhu cầu ĐI (kể cả thời gian, cách thức và phương tiện) và XEM (xem gì, khả năng chiều sâu nhận thức và hiểu biết, khám phá về xứ sở du lịch) đã kích thích mạnh mẽ tâm thức sáng tạo của cá nhà du hành.  Người đọc hôm nay có thể hồi cổ và đồng cảm với tâm tình người xưa qua các du ký như "Lược ký đi đường bộ từ Hà Nội vào Sài Gòn" (Mẫu Sơn Mục N.X.H), "Sự du lịch đất Hải Ninh" (Trần Trọng Kim), "Đi tàu bay" (Phan Tất Tạo), "Nam du đến Ngũ Hành Sơn" (Nguyễn Trọng Thuật), "Thăm đảo Phú Quốc" (Mộng Tuyết), "Hạn mạn du ký" (Nguyễn Bá Trác), Thuật chuyện du lịch ở Paris" (Phạm Quỳnh)...
Như chúng tôi đã nhấn mạnh, thể tài du ký có thể thu nạp nhiều phong cách thể loại, bao quát nhiều điểm nhìn chủ thể tác giả và nội dung hiện thực khác nhau.  Với các tác phẩm du ký trên Nam Phong tạp chí, xin phân loại và dẫn giải thành mấy đặc điểm chính sau đây.
       - Có một dòng du ký mang tính quan phương, sự vụ, công vụ.  Kiểu du ký này thường do các trí thức, ký giả quan lại ghi chép.  Mặt khác, vì tạp chí Nam Phong chịu sự chỉ đạo và quản lý trực tiếp của chính quyền đương thời nên buộc phải phát ngôn tiếng nói quan phương cũng là điều dễ hiểu.  Tuy vậy, các trang du ký này vẫn thể hiện được niềm tự hào dân tộc và cảm xúc chân thành trước vẻ đẹp non sông đất nước.  Hơn nữa, từ quan điểm lịch sử mà đánh giá sẽ thấy nhiều trang du ký như "Cùng các phái viên Nam kỳ" (Thượng Chi), "Một tháng ở Nam kỳ", "Mười ngày ở Huế", "Pháp du hành trình nhật ký" (Phạm Quỳnh), "Tổng thuật về việc phái bộ Bắc kỳ đi quan sát đường xe lửa Vinh - Đông Hà", "Lược thuật hành trình cuộc ngự giá Bắc Tuần", "Ngự giá Nam tuần hành trình ký" (Song Cử), "Lược ký đi đường bộ từ Hà Nội vào Sài Gòn" (Mẫu Sơn Mục N.X.H)..., lại thực sự có giá trị sử liệu để xem xét nhiều sự kiện văn hoá - xã hội và định vị hoạt động tổ chức hành chính của giai tầng công chức thượng lưu dưới thời thực dân phong kiến.
        - Có một dòng du ký viễn du - những chuyến du hành vượt biên giới, đòi hỏi cả nguồn kinh phí, yêu cầu công việc và ý chí của người ham hoạt động, ham xê dịch.  Đặt trong bối cảnh văn hoá, xã hội đương thời thì các du ký này quả đã mở ra những chân trời nhận thức mới, đưa lại niềm phấn khích bởi những trang ghi chép, miêu tả sống động của người trong cuộc, người trải nghiệm, chứng nghiệm.  Đó là những du ký dài hơi, phong phú, hấp dẫn như "Hạn mạn du ký" kể lại cuộc đi chơi phiếm qua Bangkok - Hương Cảng - Nhật Bản - Thượng Hải - Nam Kinh - Quảng Tây - Quế Lâm - Bắc Kinh - Tứ Xuyên - Quảng Đông và trở về nước, trong 6 kỳ (Nguyễn Bá Trác), "Pháp du hành trình nhật ký" kể về chuyến đi trong sáu tháng, từ khi rời bến Sài Gòn ngày 15-3-1922, những ngày lênh đênh trên biển và ở lại thăm thú nước Pháp văn minh hoa lệ, cho tới ngày 11-9 về tới cảng Hải Phòng, trong 27 kỳ, "Du lịch xứ Lào", trong 2 kỳ (Phạm Quỳnh), hoặc các bài khác như "Ai Lao hành trình" (Trần Quang Huyến), "Trên đường Nam Pháp (Tùng Hương)...
        - Có một dòng du ký thiên về khảo cứu danh nhân lịch sử, truyền thuyết và sự tích liên quan tới một địa điểm cụ thể.  Loại du ký này thường là kết quả sau một chuyến picnic giới hạn trong thời gian ngắn, kiểu như "Ba Bể du ký" (Nhạc Anh Hoàng Văn Trung), "Du Ngọc Tân ký", "Du Tử Trầm Sơn ký", "Bài ký chơi Cổ Loa", "Cuộc đi chơi năm tầng núi", "Cuộc đi chơi Sài Sơn" (Tùng Vân Nguyễn Đơn Phục), "Banà du ký" (Huỳnh Bảo Hoà), "Thăm lăng Sĩ Vương", "Nam du đến Ngũ Hành Sơn" (Nguyễn Trọng Thuật)...
       - Có một dòng du ký hướng tới khảo sát, giới thiệu cả một vùng văn hoá rộng lớn.  Loại du ký này đòi hỏi người viết có thời gian, du ngoạn theo "tua" dài hơi và đòi hỏi vốn kiến văn sâu rộng, có sự chuẩn bị tư liệu công phu và ghi chép thực địa kỹ lưỡng.  Các du ký tiêu biểu kiểu này có "Mười ngày ở Huế", "Một tháng ở Nam kỳ", "Chơi Lạng Sơn, Cao Bằng" (Phạm Quỳnh), "Bài ký phong thổ tỉnh Tuyên Quang" (Nguyễn Văn Bân), "Hành trình mạn ngược, từ Cao Bằng xuống Phú Thọ" (Thái Phong Vũ Khắc Tiệp), "Cuộc xem cổ tích miền Đông bắc tỉnh Hải Dương" (Nguyễn Đôn Phục), "Các nơi cổ tích đất Nghệ Tĩnh", "Các lăng điện xứ Huế" (Nguyễn Đức Tính), "Quảng Xương danh thắng", "Tây Đô thắng tích", "Ninh Bình phong vật chí" (Thiện Đình), "Cảnh vật Hà Tiên" (Đông Hồ và Nguyễn Văn Kiểm)...
- Có một dòng du ký mà yếu tố "vị nghệ thuật" chiếm phần quan trọng, ở đó người viết chấm phá một vài nét phong cảnh thiên nhiên, cuộc sống đời thường bình dị hay thoáng qua niềm vui văn hoá lễ hội, đình đám.  Đó là các bài "Trẩy chùa Hương" (Thượng Chi), "Cuộc đi quan phong làng Thượng Cát (Tùng Vân Nguyễn Đôn Phục), "Một buổi đi xem đền Lý Bát Đế (Phạm Văn Thư), "Cuộc thưởng ca ở làng Hữu Thanh Oai" (Nguyễn Mạnh Hồng), "Cuộc chơi trăng sông Nhuệ" (Mai Khê), Tết chơi biển (Trúc Phong)...
Trên thực tế việc phân chia các phương thức, kiểu loại, nội dung du ký như trên chỉ có ý nghĩa tương đối.  Song dù có khác nhau thế nào thì các tác phẩm du ký vẫn hướng tâm ở phương thức ĐI và XEM, đặt cược vào tính tích cực chủ thể là người trực tiếp Chứng Nghiệm - Trải Nghiệm và vươn tới phẩm chất "vị nghệ thuật" chân - thiện - mỹ cao đẹp, ít nhiều gián cách với thế tục lầm than. 
3. KẾT LUẬN
           Nam Phong Tạp chí thuộc số những loại báo chí ra đời tương đối sớm và có vị trí quan trọng trong nền văn hoá - văn học dân tộc nửa đầu thế kỷ XX.  Nói riêng thể tài du ký cũng có giá trị cả về nội dung và nghệ thuật, góp phần nâng cao nhận thức và niềm tự hào trước lịch sử ngàn năm và thắng cảnh non sông đất nước.  Chúng tôi hy vọng tuyển tập du ký trên Nam Phong Tạp chí này sẽ là sưu tập mở đầu cho công trình Du ký Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX sẽ hoàn thành trong tương lai


Ý THỨC NỮ QUYỀN TRONG VĂN HỌC NAM BỘ ĐẦU TK XX

  

1.      Sự manh nha ra đời của phê bình văn học nữ quyền: từ Phan Khôi đến Manh Manh nữ sĩ
           Đầu thế kỷ XX là một giai đoạn sôi nổi của tư tưởng nữ quyền Việt Nam trong đó, Phan Khôi là nhà lý luận phê bình đã có công khai phá. Khác với Nguyễn Thị Kiêm, Phan Thị Bạch Vân nặng tính chất phong trào, Phan Khôi đã tiến đến bước tiếp nhận văn học từ ánh sáng tư tưởng nữ quyền, nghĩa là ông đi vào những vấn đề thuần văn học, thuộc về văn học. Những khai mở của Phan Khôi có giá trị rất lớn đối với nền phê bình, nghiên cứu theo khuynh hướng này.
Ngay từ số báo đầu tiên, Phan Khôi đã khẳng định ý nghĩa, vai trò và tiềm năng của nền văn học nữ lưu. Phan Khôi cho rằng nguyên nhân gây nên tình trạng rỗng và lép của văn học nữ trong lịch sử văn chương Việt Nam quá khứ là vì họ không đuợc hưởng một nền học vấn như nam giới:
 “Bởi phụ nữ nước ta xưa nay đã chịu dốt nát từ đời nọ đời kia như vậy, cho nên trong đám chị em mình mà được một vài tay biết chữ, biết làm câu thơ, câu văn, thì đời đã cho là một sự lạ lùng hiếm có. Những người biết chữ ấy, hãy còn để tiếng đến bây giờ, làm của báu cho những nhà cầm viết khi nào muốn khoe khoang cho nữ giới thì lại đem ra”.
(Về văn học của phụ nữ Việt Nam, Phụ nữ tân văn, Sài Gòn, số 1, 2/5/1929).
Ông cho rằng đây là thiệt thòi lớn lao nhất. Thảng đôi lúc cũng có những bậc nữ lưu cải biến hình dạng thành nam nhi để được thụ hưởng nền giáo dục hoặc những kỳ nữ có tài thi ca thiên phú để lại những đứa con tinh thần cho di sản văn học nghệ thuật của dân tộc. Thế nhưng, họ chỉ xuất hiện rải rác, lúc đậm lúc nhạt và tạo nên một dòng chảy văn chương mỏng manh, sơ sài, đứt đoạn mà theo đánh giá của Phan Khôi thì đấy chưa phải là văn học, là một nền văn học “chưa đủ”: “Nếu vậy thì chị em ta phải thú thiệt rằng nền văn học của nữ giới ta, từ xưa tới nay, chưa hề có bao giờ” (Phụ nữ tân văn, Sài Gòn, số 1 (2.5.1929). Sau khi điểm qua những gương mặt văn chương nữ Việt Nam, chỉ rõ nguyên nhân và tình trạng của nền văn học nữ lưu, Phan Khôi đã cổ xúy mạnh mẽ việc đào tạo học vấn cho người phụ nữ để họ thoát khỏi sự đói nghèo thi ca và tri thức, nghĩa là giải quyết đến triệt để cội rễ sinh ra sự bất bình đẳng của phụ nữ trong đời sống nói chung và trong lĩnh vực văn hoá nói riêng. Tuy nhiên, đóng góp lớn lao, táo bạo, tinh tế và sâu sắc nhất trong tư tưởng của Phan Khôi đối với văn học nữ lưu là ông bênh vực mạnh mẽ quyền của phụ nữ, lên án những tội ác của lễ giáo phong kiến. Đi xa hơn, trên một tư duy mang tính lý luận, Phan Khôi đã tạo tiền đề cho lý thuyết nữ quyền trong văn học Việt Nam, dẫu chỉ mới là những phác họa sơ lược. Loạt bài Về văn học của phụ nữ Việt Nam (Phụ nữ tân văn, số 1, 2/5/1929), Văn học với nữ tánh (Phụ nữ tân văn, số 2, 9/5/1929), Văn học của phụ nữ nước Tàu về thời kỳ toàn thạnh (Phụ nữ tân văn, số 3, 16/5/1929), Theo tục ngữ phong dao xét về sự sanh hoạt của phụ nữ nước ta (Phụ nữ tân văn, từ số 5 đến số 18, năm 1929)… đã thể hiện tầm nhìn và tấm lòng của một bậc thức giả thông tuệ.
Trước hết, Phan Khôi luận giải về mối quan hệ giữa người phụ nữ và văn học. Yếu tố thứ nhất khiến văn học gắn liền với phụ nữ vì người phụ nữ là biểu tượng cho cái đẹp mà văn học cũng như các loại hình nghệ thuật nói chung luôn có thiên hướng mỹ cảm, thiên hướng lấy cái đẹp vừa làm đối tượng vừa làm ngọn nguồn của cảm xúc, cảm hứng sáng tác. Yếu tố thứ hai thuộc về thiên tính đặc trưng của nữ giới. Ông cho rằng phụ nữ mang trong mình bản chất của sự yếu mềm, nhạy cảm, nghiêng về bộc lộ đời sống tình cảm bên trong mà đây cũng là thuộc tính và khuynh hướng của văn học nên người phụ nữ sẽ gần gũi và dễ dàng chiếm lĩnh thế giới văn chương hơn khi họ cầm bút sáng tác:
“Chúng ta có những cái tánh trầm tĩnh, nhẫn nại, dùng những cái tánh ấy mà nghiên cứu văn học, thì không có gì hạp cho bằng, có lẽ chúng ta theo nghề văn học còn dễ dàng hơn đờn ông nữa. Còn có một điều thích hiệp nữa, là văn học chuyên trọng về đường tình cảm, mà chúng ta là giống có tình cảm nhiều hơn đờn ông, thì thật là tiện lợi cho chúng ta biết mấy
(Văn học và nữ tánh, Phụ nữ tân văn, số 2, 9/5/1929). 
Như vậy, ở đây, bằng những suy luận dựa trên sự tương đồng giữa đặc trưng trọng yếu của sáng tác văn chương và thiên tính bản chất của người phụ nữ, Phan Khôi khẳng định rằng phụ nữ là đối tượng trung tâm mà văn học hướng đến, đồng thời cũng là chủ thể có nhiều ưu thế trong sáng tác văn học.
Để chứng minh cho luận điểm của mình, Phan Khôi đưa ra những tác phẩm văn học có giá trị lớn trong nền văn học cổ điển nhằm làm điểm tựa để tính tỉ trọng nữ tính của văn học, tính tần suất hiện diện của yếu tố nữ giữa đời sống văn chương. Viện dẫn từ Kinh thi vốn được xem như một “sách Quốc phong đầu” của Trung Quốc, Kinh Thánh của Thiên Chúa giáo với quyển “Nhã ca của Salomon” đến Truyện Kiều, Chinh phụ ngâm, những kiệt tác văn chương của Việt Nam, Sở từ của Khuất Nguyên, những sáng tác nổi tiếng và trở thành kinh điển của các nhà thơ bậc nhất trong nền đại Đường thi: Lý Bạch, Đỗ Phủ, Bạch Cư Dị…, ông chỉ ra rằng tất cả những tuyệt phẩm thi ca này đều hướng đến người phụ nữ, lấy câu chuyện của người phụ nữ làm trung tâm, miêu tả cuộc đời, số phận, đời sống nội tâm của họ. Nền văn học thuộc về chủ thể nam với các hoạt động sáng tác như là một đặc quyền của nam giới trong xã hội lại tập trung vào đối tượng là người phụ nữ.
“Tôi rất lấy làm lạ rằng xưa nay bất kỳ nước nào cũng vậy, văn học là phần đàn ông, đàn ông đứng vào trung tâm của văn học, thì làm sao trong văn học, lại cứ hay nói đến chuyện đàn bà. Càng làm những áng văn chương hay chừng nào thì lại càng nói tinh về chuyện đàn bà chừng nấy”.
(Phụ nữ tân văn, số 2, 9/5/1929).
Vì văn học thiên về bộc lộ, giãi bày nên ngòi bút của người sáng tác đã chọn người phụ nữ đưa vào lăng kính của mình, vừa như là đối tượng, vừa là phương thức để thể hiện nội dung và mục đích sáng tác. Hơn nữa, các bậc nam tử thời bấy giờ thường mượn nỗi lòng của người phụ nữ để bộc bạch tâm trạng, hoài bão, nỗi u hoài thời thế và niềm trắc ẩn tự thân của mình. Đồng thời, Phan Khôi cũng nhấn mạnh rằng không phải bất cứ áng văn chương nào cũng ngụ ẩn sự ký thác ấy. Thế nhưng, trên tổng thể, văn chương và nữ tính có mối quan hệ thiết thân ruột rà với nhau, có những điểm tương đồng về mặt bản chất. Dựa trên những suy luận này, tác giả nhấn mạnh vai trò người phụ nữ trong văn học, khẳng định vị thế của họ trong sáng tác văn chương và dự cảm bằng trực giác rằng văn học nữ sẽ tạo dựng nên một thời đại riêng cho mình, trở thành chủ thể trung tâm chứ không chỉ là đối tượng trung tâm của sáng tác văn học: “Nếu vậy thì nữ tánh trở thành ra trung tâm của văn học hay sao? Nữ lưu sau nầy sẽ trở nên người chủ trương nền văn học hay sao? Biết đâu!” (Phụ nữ tân văn, số 2, 9/5/1929). Những phán đoán cũng như những biện giải ấy, mặc dù, tác giả đã thận trọng chỉ khuôn vào tinh thần “vị quyết”, phỏng định và ước chừng nhưng lại mang nhiều giá trị đối với phê bình nữ quyền, xác lập một nền tảng căn bản cho khuynh hướng phê bình này trong đời sống văn học và có những suy nghĩ, những dự cảm xác đáng đã được lịch sử văn học minh chứng, đặc biệt là giai đoạn văn học hiện đại.
Những quan điểm của Phan Khôi về văn học nữ đã tạo nên cuộc tranh luận với Thế Phụng, một ngòi bút của báo Công Luận và tạo nên không khí học thuật sôi nổi thời bấy giờ về vấn đề này. Qua những trao đổi giữa hai tác giả, có thể thấy rằng mặc dù đã chủ trương đổi mới cái nhìn về người phụ nữ và cổ động sự phát triển bộ phận văn học nữ, quan niệm của Thế Phụng vẫn chưa thực sự triệt để và còn bó hẹp trong con mắt đầy phân biệt và có phần hạ thấp người phụ nữ của những định kiến xã hội.
Phan Khôi khẳng định phụ nữ nên tham gia vào sáng tác văn học và có thể tạo nên một nền văn học vững chãi, dày dặn, có giá trị cho giới của mình. Từ sự tương đồng giữa phụ nữ và tính chất mỹ cảm của văn chương, ông cho rằng phụ nữ thích hợp với văn chương hơn so với nam giới khi dùng ngòi bút bộc lộ đời sống tình cảm bên trong con người, đặc biệt là khi hướng đến đối tượng là chính bản thân họ. Phan Khôi nhận ra sự khác biệt giữa tính chủ thể và tính khách thể trong sáng tác văn chương, sự khác biệt giữa cách thức biểu hiện của tác giả nam khi nhận diện người phụ nữ như một đối tượng sáng tác và tác giả nữ viết về chính mình trong vai trò chủ thể.
Không chỉ dừng lại về phương diện lý luận, Phan Khôi đi sâu hơn vào việc thực hành lý thuyết nữ quyền. Đóng góp có giá trị nhất của vị học giả này thuộc về bài viết “Theo tục ngữ phong dao, xét về sự sanh hoạt của phụ nữ nước ta” (gồm 87 trang, đăng trên 11 số báo, từ số 5, 30/5/1929 đến số 18, 29/8/1929). Tinh tường, nhạy bén, Phan Khôi đã sục mình vào kho tàng văn hóa dân gian Việt Nam, rà soát kỹ lưỡng để tìm kiếm từng dấu vết biểu hiện đời sống của người phụ nữ trong tục ngữ, ca dao, dân ca… Mặc dù thời bấy giờ lý thuyết phê bình nữ quyền chưa hoàn chỉnh, nhưng bằng trực giác và kiến văn sâu rộng của một kẻ trí giả, ông đã làm được một cuộc trưng tập khá đầy đủ về lề thói sinh hoạt, phong tục tập quán, vị trí, thân phận… của người phụ nữ qua  tác phẩm văn học truyền miệng.
Bên cạnh Phan Khôi, còn có nhiều cây bút nữ: Manh Manh nữ sĩ, Vân Hương nữ sĩ, Nguyễn Thị Hồng Đăng, Lệ Hương, Lê Thị Huỳnh Lan, Đạm Phương nữ sĩ, Phan Thị Bạch Vân, Phan Văn Gia, Bùi Thị Út… và các gương mặt nam giới đã khá quen thuộc: Trần Trọng Kim, Phan Văn Trường, Nguyễn Văn Bá, Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh, Bùi Quang Chiêu, Huỳnh Thúc Kháng, Phan Bội Châu, Nguyễn Phan Long, Cao Văn Chánh, Diệp Văn Kỳ... Tất cả đều bộc lộ quan điểm và tìm tòi về các vấn đề nữ quyền, nhằm trao đổi, tranh luận với nhau. Thế nhưng, phải thấy rằng, tư tưởng nữ quyền đầu thế kỷ XX tập trung vào phương diện xã hội nhiều hơn. Trong lĩnh vực phê bình và nghiên cứu văn học, các bài viết này chỉ dừng lại ở việc khảo sát một số tác phẩm để tìm ra tư tưởng nữ quyền. Vì vậy, về mặt lý luận, phê bình nữ quyền Việt Nam thời kỳ còn ở dạng sơ khai, phác thảo và có tính xã hội nhiều hơn.
Nguyễn Thị Kiêm cũng là một nhà báo sắc sảo trên văn đàn đương thời. Trong bài diễn thuyết nhằm khẳng định vai trò của người phụ nữ đối với văn chương và tri thức của nhân loại, nữ sĩ đưa ra những dẫn chứng khẳng định vai trò “nội tướng” của nữ giới trong sự nghiệp văn học của nam giới các nước, phong trào học thuật của phụ nữ ở các quốc gia tiên tiến:
“(…) cái địa vị của đàn bà ở trong văn học cũng không phải là thấp thỏi gì, theo như nhiều người đã tưởng. Và cái ảnh hưởng của đàn bà đối với những bậc văn nhân tao sĩ cũng rất là nặng nề thâm thiết, nhờ đó mà văn học phát đạt vô cùng”.
(Nữ lưu và văn học, Nguyễn Thị Manh Manh,
Phụ nữ tân văn, số 131, ngày 26/5/1932).
Cũng như Phan Khôi, tác giả chỉ ra rằng yếu tố cốt lõi tạo dựng nên năng lực sáng tác của nữ giới chính là đời sống nội tâm phong phú và nhạy cảm, cái mà bà gọi là “kho tàng” của thế giới cảm xúc chủ quan:
“Những của cải tích trữ ở trong cái kho tàng đó, nếu có thể phân phát ra bằng ngọn bút đường văn, thì cái văn ấy là cái hình ảnh của nỗi lòng, khi thường, khi biến, lúc an, lúc nguy, tùy theo với sự kích thích của ngoại cảnh mà thăng trầm, mà theo với cái ca điệu của thiên nhiên mà họa vận”.
(Nữ lưu và văn học, Nguyễn Thị Manh Manh, Phụ nữ tân văn, số 131, ngày 26/5/1932).
Điểm đáng chú ý nhất trong bài viết này là Nguyễn Thị Kiêm vạch ra những ranh giới tạo nên sự khác biệt về giới trong hành trình sáng tác văn học với các cặp đôi khái niệm: khách quan – chủ quan, nam hóa - nữ hóa và luận giải rằng phụ nữ muốn thay đổi địa vị của mình trong các thang bậc của đời sống thi ca thì phải vượt qua ranh giới của sự khác biệt ấy, nhưng đồng thời vẫn giữ bản sắc giới tính của mình.
“Bởi vậy mà mới đây có sự cách mạng rất đáng chú ý ở làng văn nữ giới là sự nam hóa (masculinisation ) nghĩa là sự đàn bà muốn hóa theo đàn ông. Sự nam hóa nầy là kết quả dĩ nhiên của cái phong trào nữ quyền ở thế giới.
Quyền lợi trong xã hội đã muốn hưởng ngang nhau thì địa vị trong văn học cũng không được cách vị. Đàn ông chê đàn bà không sở trường về lối khách quan nghị luận, đàn bà phải tỏ ra là có.
Mà đã muốn tỏ ra có tư cách khoa học, có tư tưởng triết học, biết nghị luận khách quan thì cái bổn ngã khác thế nào”.
(Nữ lưu và văn học, Nguyễn Thị Manh Manh, Phụ nữ tân văn, số 131, ngày 26/5/1932).
Những khái niệm mà Nguyễn Thị Kiêm đưa ra trên đây không đơn thuần là sự lập luận của cảm tính mà có những cơ sở của nó, dựa trên nguyên lý bản chất về giới. Trong Giới nữ, Simone de Beauvoir trong khi phân tích bản thể nữ, cũng đã chỉ ra sự khác biệt này. Về bản chất tự nhiên, nam giới thiên về hướng ngoại, phóng chiếu cái nhìn của mình ra thế giới khách quan và tìm kiếm cái khác để soi chiếu và tìm hiểu chính mình. Cái khác đó đi ra từ thuật ngữ “other” và đó là đối tượng thường hằng của nam giới trên hành trình khám phá, chinh phục thế giới bên ngoài, từ đó, khám phá chính bản thể của mình. Ngược lại, nữ giới mang cái nhìn hướng nội, xoay chuyển vào thế giới bên trong bằng hành trình tự khám phá và nhận thức chính mình bằng cảm nhận nội giác. Vì vậy, họ thiên về khuynh hướng chủ quan.
“Theo lẽ sinh lý, thì đàn bà thường nặng về phần hồn và nhẹ về phần trí, cảm tình thì sâu mà tư tưởng thì hẹp nên trong văn học thường sở trường về lối tả cảnh, đạo tình mà ít hay về lối khách quan triết lý”.
(Nữ lưu và văn học, Nguyễn Thị Manh Manh, Phụ nữ tân văn, số 131, ngày 26/5/1932).
Trên cơ sở phân chia thành hai thể loại văn học chính: văn học khách quan và văn học chủ quan, Nguyễn Thị Kiêm chỉ ra rằng người phụ nữ bị đánh giá thấp và bị loại trừ ra khỏi đời sống văn chương là vì họ không có năng lực của sự khách quan ấy. Do đó, phụ nữ cần phải nam hóa, nghĩa là cải biến mình để giống người nam, mang những đặc tính nam. Khuynh hướng này có phần cực đoan và khiên cưỡng, xóa bỏ sự khác biệt tự nhiên về giới, nhưng trong lịch sử, hành trình này thực sự đã hiện hữu như một quy luật trên mọi lĩnh vực. Nam hóa là một giai đoạn luôn có mặt trong hành trình đấu tranh của người phụ nữ để đòi lại sự bình đẳng và công bằng cho mình. Vấn đề này chúng tôi sẽ nói rõ hơn ở phần sau, khi phân tích về tính chất của dòng văn học nữ thời kì hiện đại.
Nguyễn Thị Kiêm đã thể hiện cái nhìn sắc sảo, tinh tế và đầy tính biện chứng. Thứ nhất, nữ sĩ khẳng định người phụ nữ khi tham gia vào văn nghiệp phải nâng cái nhìn của mình lên cùng tầm với người nam, tri giác thế giới khách quan, nhưng vẫn giữ cái bản sắc chủ quan, vốn gần gũi với thi ca; nghĩa là phụ nữ có nam hóa nhưng không nam hoá tuyệt đối. Thứ hai trong suốt lịch sử văn học, bản thân nam giới cũng đã bộc lộ sự “nữ hóa” của mình, khi tái hiện đời sống chủ quan bên trong, với thế giới nội tâm đầy phức tạp và bằng giọng điệu của xúc cảm, của cảm giác.
“Vả, bây giờ ta mới thấy ở văn học nữ lưu có phong trào nam hóa, mà từ trước đến nay, ở bên nam giới đã có bao nhiêu sự nữ hóa về văn chương ?
(…)
Nay có cái phong trào nam hóa, không biết sự nữ hóa còn được ở trong văn học không. Hai việc đó xét ra không có gì là mâu thuẫn cả.
Đàn bà muốn học cái cứng cỏi của đàn ông cũng chưa bớt cái uyển chuyển của đàn bà. Đàn bà muốn có cái khách quan của đàn ông, thì đàn ông cũng vẫn mượn được cái chủ quan của đàn bà chớ sao?”
(Nữ lưu và văn học, Nguyễn Thị Manh Manh, Phụ nữ tân văn, số 131, ngày 26/5/1932).
Như vậy, không đơn thuần chỉ ra sự khác biệt, Manh Manh nữ sĩ còn luận ra sự giao thoa trong bản chất giới của người nam và người nữ khi tham gia vào đời sống sáng tác. Từ đấy rút ra một hệ luận rằng, văn học là lĩnh vực dung chứa sự giao thoa của giới, đưa con người đến những giao điểm thuộc về bản chất chung của nhân loại. Đấy chính là điểm tựa lý luận để Manh Manh nữ sĩ đặt lực đẩy đòn bẩy của mình nhằm khẳng định sự tồn tại và sức bật của nền văn học nữ lưu.
2.      Diện mạo văn học nữ Nam bộ giai đoạn đầu thế kỷ XX
Những năm ba mươi của thế kỷ XX,  phong trào nữ quyền Việt Nam đã thực sự trỗi dậy chứ không chỉ nằm im lìm dưới dạng tư tưởng, đã mang ý thức tự giác chứ không còn đơn thuần là sự tự phát. Các cây bút nữ xuất hiện với nhiều dáng vẻ, nhiều giọng điệu. Họ góp gương mặt mình trong cả lĩnh vực sáng tác thơ ca lẫn tiểu thuyết, nắm bắt nhịp phát triển mới mẻ, sôi nổi và tràn đầy sức sống của thời đại. Người phụ nữ biết chữ và người phụ nữ viết văn, điều lạ lẫm đến ghê gớm trong thời kỳ trung đại, đã trở nên quen thuộc và để lại dấu ấn trong đời sống văn hoá, văn nghệ đương thời. Về lượng, theo thống kê của nhà nghiên cứu Bằng Giang, “tính đến năm 1930, văn học quốc ngữ Nam kỳ có non 20 tác giả nữ còn để lại tác phẩm in thành sách”. Con số 20 ấy chỉ mới tính trên chu vi miền Nam, nhưng đã cho thấy những bằng chứng khả quan về sự xuất hiện sôi nổi của văn chương nữ, nếu so sánh với con đường dài quá khứ của gần 10 thế kỷ trước, khi người ta chỉ bấm được trên đầu ngón tay để đếm những cột cây số của sáng tạo thơ ca nữ như: Hồ Xuân Hương, Đoàn Thị Điểm, Bà Huyện Thanh Quan, Ngọc Hân công chúa… Văn xuôi quốc ngữ Nam Bộ đầu thế kỷ XX, với những cây bút có công mở đầu nền tiểu thuyết hiện đại của Việt Nam như Hồ Biểu Chánh, Nguyễn Chánh Sắt, Bửu Đình, Phú Đức, Nguyễn Bửu Mọc, Lê Hoằng Mưu… cũng phải ghi nhận sự góp mặt của các cây bút nữ xông xáo tham gia vào buổi đầu của tiến trình hiện đại hóa văn học dân tộc như: Phan Thị Bạch Vân,  Huỳnh Thị Bảo Hòa, Trần Thị Như Mân, Huỳnh Anh Thị, Ái Lan… Bên cạnh đó, cánh cửa thi ca đầu thế kỷ XX cũng xôn xao những gương mặt: Nguyễn Thị Manh Manh, Đạm Phương Mộng Tuyết, Trần Kim Phụng (Đinh Hương Đặng Thị Hồi), Trần Ngọc Lầu, Anh Thơ, Ngân Giang, Vân Đài, Hằng Phương … Họ đã đứng cạnh những cây bút nam trong thời đại thơ Mới và vẽ thêm vào bức tranh của thời đại thi ca ấy giọng thơ riêng với sắc màu nữ tính mềm mại, uyển chuyển:
“Một Anh Thơ chân tình mộc mạc, một Mộng Tuyết trong trẻo, hồn nhiên, một Ngân Giang tài hoa, cổ kính, một Hằng Phương đằm thắm, ngọt ngào, một Vân Đài duyên dáng dịu nhẹ…và bấy nhiêu thôi cũng đủ góp phần cho cung đàn thơ ca Việt Nam thêm đa dạng về âm sắc và giọng điệu”
(Trang 463, Nhìn lại văn học Việt Nam thế kỷ XX, Viện Văn học, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2002)
Cái ngoảnh nhìn lại của nữ sĩ Anh Thơ trên đây về những cây bút cùng thời, cùng giới với mình, đã phác hoạ nên đường nét phong cách của những nữ thi sĩ thời kỳ thơ Mới vốn bị lãng quên hay chỉ được chạm đến, nhắc đến một cách mờ nhạt, tạo nên một sự ứng đối với bức tranh quen thuộc từng in sâu vào tâm thức văn đàn mà Hoài Thanh khắc trổ rất ấn tượng, tinh tế:
“Chưa bao giờ người ta thấy xuất hiện cùng một lần một hồn thơ rộng mở như Thế Lữ, mơ màng như Lưu Trọng Lư, hùng tráng như Huy Thông, trong sáng như Nguyễn Nhược Pháp, ảo não như Huy Cận, quê mùa như Nguyễn Bính, kì dị như Chế Lan Viên... và thiết tha, rạo rực, băn khoăn như Xuân Diệu.”
(Trang 28, Hoài Thanh – Hoài Chân, Thi nhân Việt Nam, NXB Văn Học, Hà Nội, 2008.)
Văn chương nữ đầu thế kỷ XX thực sự khởi sắc về lượng với sự xuất hiện của những cây bút nữ lưu bước chân ra từ chốn phòng the vốn lâu nay bị niêm phong kín cẩn bởi những quan niệm, những định kiến. Cùng với sự thay đổi và phát triển ý thức về giới, họ đã có thể kề vai sát cánh cùng người nam để hít thở chung không khí của xã hội, của thời đại. Trên một lát cắt ngắn ứng với giai đoạn đầu thế kỷ XX cho đến năm 1945, sự hiện diện của gương mặt nữ giới đông đảo hơn, xôn xao hơn cả mười thế kỷ trước cộng lại và mỗi gương mặt lại có một nét vẻ riêng, một sắc màu riêng.
Thế nhưng, trên trục vận động của chiều dài lịch sử thi ca dân tộc, sự tồn tại ấy chưa đủ để tạo thành các vết khắc sâu về số lượng, về giá trị vào ký ức văn chương. Người ta nhớ đến sự xuất hiện của họ, nhưng ít ai bình luận và suy ngẫm về những đóng góp của các nhà thơ nữ một cách khoa học, sâu sắc và thấu đáo. Tất cả những ngòi bút nữ ấy như cùng nhau đi dự một buổi hội chợ tưng bừng, rộn rã khí thế trong buổi đầu đổi mới. Và khi hội tan, những tấm vé vào cổng đánh dấu sự hiện hữu đó chứ không phải là những dấu chân tồn lưu của giá trị. Trong non 20 tác giả nữ của văn xuôi Nam Bộ đầu thế kỷ XX thì chỉ có ngòi bút của Phan Thị Bạch Vân còn trụ lại được với thời gian và vượt quy luật đào thải của văn chương:
“Tính đến năm 1930, văn học quốc ngữ Nam Kỳ có non 20 tác giả nữ còn để lại tác phẩm in thành sách. (…) Các tác giả trên không để lại một tiếng vang nào ngoại trừ Phan Thị Bạch Vân, chủ nhân Nữ lưu thơ quán ở Gò Công”.
(Bằng Giang, Sài Gòn cố sự, NXB Văn Học, 1999)
Dấu ấn của nữ giới trong thơ Mới có đậm hơn, mang nhiều âm sắc và để lại một số nét độc đáo, nhưng khi sánh với những giá trị mà hàng loạt ngòi bút nam sừng sững như những cây đại thụ đã tạo nên cả một thời đại thi ca này: Thế Lữ, Huy Cận, Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Hàn Mặc Tử, Nguyễn Bính, Thâm Tâm, Đoàn Phú Tứ, Vũ Đình Liên, Bích Khê, Vũ Hoàng Chương… thì họ chỉ như những nét mờ nhạt, đứng nép vào phía sau những vầng hào quang chói lọi của thơ Mới và nhường những tấm huân chương cho các cây bút nam. Hiện trạng này có những nguyên nhân của riêng nó, đồng thời, cũng phản ánh quy luật nội tại trong quá trình vận động lịch sử văn chương nữ, hay nói cách khác, đấy chính là hệ quả tất yếu khách quan của một thời kỳ lịch sử.
Bên cạnh đó, bộ phận tiểu thuyết của nhóm Tự lực văn đoàn với hai ngòi bút chủ soái là Nhất Linh và Khái Hưng cũng đã đi tiên phong trong việc cất lên tiếng nói bênh vực và đấu tranh vì quyền bình đẳng cho người phụ nữ trong xã hội. Hình tượng người phụ nữ tân thời với hệ tư tưởng mới mẻ, chống đối lễ giáo phong kiến thủ cựu nặng nề và chế độ đại gia đình Nho giáo hà khắc là hình tượng trung tâm trong các sáng tác mang tính luận đề của bút nhóm này. Bằng bút pháp lãng mạn, các tiểu thuyết đã đưa người phụ nữ vượt thoát ra khỏi tình trạng tăm tối, bế tắc, chứa đựng nhiều mâu thuẫn gay gắt của các mối quan hệ xã hội, giành lấy quyền sống, quyền tự do cho chính mình và tạo dựng nên một viễn cảnh tươi sáng cho chính họ. Nhiều năm qua, vấn đề trên đã được các nhà phê bình và nghiên cứu văn học khảo sát rất kỹ lưỡng trong những công trình, những bài viết về Tự lực văn đoàn. Công trình này không đi vào tổng thuật chi tiết và cụ thể về nội dung tư tưởng của bút nhóm Tự lực văn đoàn ,nhìn từ góc độ của tư tưởng nữ quyền mà chỉ điểm qua như một thành tựu giá trị đã hòa vào tiến trình chung của dòng chảy văn học, đã đóng góp tiếng nói phản kháng sâu sắc, mạnh mẽ quyện lẫn với khao khát và ước mơ cho một con đường giải phóng phụ nữ, “đoạn tuyệt” với quá khứ và hướng đến tương lai.
3.                  Văn học nữ Nam bộ giai đoạn đầu thế kỷ XX nhìn trên bình diện giá trị
Giá trị nội dung và tư tưởng
Nhìn một cách tổng quát, đóng góp lớn nhất, có giá trị nhất của bộ phận văn học nữ thời kỳ này chính là giá trị về mặt nội dung – tư tưởng. Bằng sáng tác thơ văn và các hoạt động xã hội khác: diễn thuyết, viết xã luận, thành lập các tổ chức hiệp hội của nữ giới, chủ trì và tham gia vào hoạt động báo chí, lập nên cơ quan ngôn luận riêng cho phụ nữ…, họ đã tạo nên một cuộc thức tỉnh lớn lao, toàn diện, một cơn đại hồng thủy về ý thức hệ nữ giới đầu thế kỷ XX. Bên cạnh đó, cùng với các cây bút nam, các tác giả nữ đã bộc lộ tinh thần yêu nước, ý thức về quyền sống, quyền tự do của dân tộc trong hoàn cảnh một đất nước bị thực dân xâm lấn. Đóng góp thứ hai là về mặt thể loại, họ đã nhanh chóng nhập cuộc, góp phần thúc đẩy sự ra đời và phát triển của tiểu thuyết hiện đại và thơ Mới. Có thể nói, sự nhạy bén đầy sức sống của nữ giới thời kỳ này đã là một yếu tố quan trọng trong tiến trình hiện đại hóa tư duy và ngôn ngữ văn học. Và cuối cùng, sự xuất hiện của họ đã khiến cho diện mạo văn học từ đây trở nên đủ đầy hơn, trọn vẹn hơn, với nhiều nét vẻ, giọng điệu, thanh âm và hình hài, được tạo nên từ sự đa dạng về giới chứ không còn là hành trình đơn lẻ và độc chiếm của các tác giả nam như chuỗi thế kỷ dài trong quá khứ vừa qua.
Giá trị phong trào
Tuy vậy, những đóng góp của văn chương nữ lưu thời kỳ này chỉ khuôn trong các giá trị sàn, thuộc về mặt bằng chung chứ chưa thể tạo nên những đỉnh cao, những nhảy vọt tột bậc. Vì vậy, đây là một hệ giá trị phẳng. Họ xuất hiện nhiều và ít nhiều có bản lĩnh, nhưng họ chưa có bệ phóng và chưa đủ nội lực để làm nên một bộ phận thơ ca cho riêng giới của mình. Tính chất giá trị này là hệ quả của hoàn cảnh lịch sử khách quan cụ thể. Có thể thử lý giải điều này trên những nguyên nhân sau:
Trong giai đoạn đầu của quá trình thức tỉnh, về mặt tâm lý chung, người phụ nữ muốn tự khẳng định mình ở vị thế ngang bằng với nam giới trên mọi lĩnh vực. Chính vì vậy, về thực chất, họ vẫn lấy những cái chuẩn của nam giới làm thước đo giá trị và đưa những giá trị của mình lên ngang bằng với người nam, đứng vào vị thế của người nam. Giai đoạn này quả thực là một quá trình “nam hóa” theo như khái niệm mà Manh Manh nữ sĩ đã sử dụng. Truớc đây, trong xã hội nam quyền, người phụ nữ bị đẩy về phía đối lập và phải ở vào vị trí thấp so với giá trị được xã hội cho là chuẩn. Đầu thế kỷ XX, để cải thiện vai trò và vị trí của mình trên bậc thang giá trị, người phụ nữ nỗ lực tiến gần đến nam giới, trở thành giống như nam giới. Mục đích hàng đầu lúc bấy giờ là phụ nữ có thể ngang bằng với nam giới như thế nào và họ có khả năng thực hiện ra sao những điều mà bấy lâu nay nam giới đã làm, đã gặt hái những thành quả. Hẳn nhiên, như Nguyễn Thị Kiêm đã khẳng định, trong hành trình nam hóa này, người phụ nữ vẫn giữ “bổn sắc riêng” của mình chứ không bị đồng hóa. Thế nhưng, trong hoàn cảnh lúc bấy giờ, cái tương đồng được đặt lên trên cái khác biệt; giá trị chung được đặt lên trên giá trị bản sắc; ý thức về vai trò đi trước ý thức về bản thể. Từ địa vị của kẻ bên dưới, trước hết họ phải ngoi lên vị trí ngang bằng rồi sau đó mới tiến đến khẳng định sự khác biệt. Do đó, văn học nữ thời kỳ này chỉ tạo nên sự khác biệt về giọng điệu: mềm mại, uyển chuyển, tha thiết, đằm thắm và ngọt ngào, vốn là đặc trưng của nữ. Còn lại, nhìn chung, thế giới quan, nhân sinh quan, phương thức tư duy nghệ thuật, cách thức chiêm nghiệm và tái hiện cuộc sống… trong tác phẩm của họ đều không có gì khác với các tác giả nam: người nữ chưa tìm ra được tấm gương của riêng mình, nên phải soi qua tấm gương cũ kỹ của người nam.
Nguyên nhân thứ hai nằm ở tính chất của vùng đất mở đầu tiến trình hiện đại hoá văn học dân tộc. Nam Bộ nói chung, Sài Gòn nói riêng, là vùng đất mới. Bên cạnh tính chất mở, dễ dàng đón nhận cái mới và sự khác biệt, làm thành một trung tâm đa văn hoá, mảnh đất này dễ dàng cách tân, nhưng cũng sớm bão hòa. Hiện tượng ấy nằm ở con người và văn hoá. Con người Nam Bộ chân chất, mộc mạc, giản dị, giỏi hoạt động thực tiễn hơn làm văn chương nghệ thuật. Báo chí xuất hiện trước, là bệ đỡ của văn chương, nhưng đồng thời cũng báo chí hoá văn chương rất nhiều. Sức ép của một công chúng đông đảo thường xuyên mua báo cũng là lý do làm nhà văn chọn cách viết dễ hiểu, quen thuộc. Thêm vào đó, bề dày văn hóa, văn chương nơi đây chỉ cho phép những phong trào cất cánh với đường bay ngắn. Dễ nhận ra hiện tượng này trong đời sống văn học Việt Nam: con đường của tiểu thuyết hiện đại, thơ Mới… đã nói với chúng ta điều ấy. Văn học nữ quyền đầu thế kỷ phần lớn hình thành ở Sài Gòn, và có người ví von rằng văn học thời kì này nở rộ như hoa trong vườn, nhưng chỉ là những đoá hoa mùa đầu sẽ trở thành phân bón màu mỡ cho những mùa hoa rực rỡ về sau (Nguyễn Kim Anh, Vũ Ngọc, Hà Thanh Vân, Hoàng Tùng nghiên cứu, sưu tầm, tuyển chọn, giới thiệu, Thơ văn nữ Nam Bộ thế kỷ XX, NXB TP.HCM, 2002).
Nguyên nhân thứ ba, văn học nữ quyền Việt Nam được sinh ra ngay trên ngưỡng cửa của giai đoạn giao thời. Tính chất quá độ đã tạo nên số phận của văn chương. Những người có khuynh hướng cách tân, trong đó, có mặt hầu hết các ngòi bút nữ, một mặt, họ vừa phải dứt bỏ một quá khứ dài gánh nặng hành trang thi pháp văn học trung đại. Mặt khác, họ vừa mang sứ mệnh lớn lao của kẻ đi khai khẩn một không gian văn học mới. Họ là con người của giao thời nên đứa con tinh thần của họ cũng in đậm tính chất cải lương. Đây là tình trạng chung chứ không riêng gì văn học nữ.
Giá trị mô phỏng
Cuối cùng, một đặc trưng khác của thời đại quy định tính chất và giá trị của nền văn học nữ thời kỳ này là hoàn cảnh đặc biệt của đất nước. Đối mặt với nhiệm vụ bức thiết của cộng đồng, giới nữ Việt Nam sát cánh cùng giới nam, những lằn ranh phân cách giới tạm thời bị mờ đi, trong đó có cả lằn ranh xã hội và lằn ranh tự nhiên. Chiến tranh đã kéo lìa người phụ nữ ra khỏi môi trường tự nhiên là cuộc sống đời thường. Cùng gồng mình lên, hướng về một mục tiêu chung, ý thức công dân đặt trên ý thức cá nhân, huy động tối đa ý chí như nam giới, nữ giới chấp nhận một nền văn học mô phỏng, và có lẽ không chỉ mô phỏng nam giới mà mô phỏng tiếng nói, ý nghĩ, xúc cảm của cả một cộng đồng.
Điểm nhìn “lạ hóa” từ xuất phát điểm của bản thể tính nữ chỉ là một vài điểm nhấn, tuy ấn tượng, đầy rung động, nhưng chỉ điểm xuyết một cách lẻ loi. Chỉ có một sự cảm nghiệm nỗi đau thấm thía, đậm đà tính nữ mới có thể rùng mình “khăn trở lạnh đầu voi”, mới làm cho 4 câu cuối trong bài Trưng Nữ Vương của Ngân Giang khiến người ta ngỡ ngàng, rung động, tê tái đến vậy. Và 4 câu thơ cuối ấy trở thành một huyền thoại thi ca mạnh mẽ, u buồn khi kết phận với cơn đột tử của Đông Hồ:
“Ải bắc quân thù kinh vó ngựa
Giáp vàng khăn trở lạnh đầu voi
Chàng ơi điện ngọc bơ vơ quá
Trăng chếch ngôi trời bóng lẻ loi”
(Trưng Nữ Vương – Ngân Giang)
Thế nhưng, lần ngược lên 4 khổ thơ trên, chúng ta vẫn thấy một giọng điệu bi tráng, hiên ngang, tràn trề khí phách của sự mô phỏng tính nam, mô phỏng con người phận vị vốn là đặc thù của đấng nam nhi thời phong kiến. “Gạt gió chim bằng, đường kiếm mã, thù vạn cổ, lời tuyết hận, bụi trần ai” (Trưng Nữ Vương – Ngân Giang)…, những hình ảnh ước lệ gắn chặt với giọng thơ đã khiến cho thanh âm nữ bị phai nhạt đi, mờ khuất đi. Giọng điệu mang khí sắc riêng của nữ giới: thâm trầm, dịu nhẹ, êm ắng cũng vẫn là một chất giọng chưa đủ để tạo ra bầu khí quyển riêng biệt của thơ nữ lúc bấy giờ, khi con mắt của những nữ sĩ đầu thế kỷ vẫn nhuốm cái nhìn của “người đồng nghiệp” nam giới vốn đã lập thế vững chãi trong văn chương suốt nghìn năm qua.
Chính vì vậy, trên văn đàn nữ nhi lúc bấy giờ, chúng ta nghe thấy cái giọng phỏng cổ tràn trề nam tính, ví như nỗi niềm tự trào bất đắc chí chừng quá quen thuộc trong thơ ca Nguyễn Khuyến, Nguyễn Công Trứ:
“Nghĩ mình lại ngán cho mình
Chẳng có chi mà lại có danh
Không thế, không thần, không sự nghiệp
Dở tiên dở tục dở tu hành
Bầu vơi rượu thánh hồn lai láng
Túi nhẹ thơ tiên trí quẩn quanh
Đạo hữu ơ hay đâu vắng nhỉ
Biết ai đàm đạo mấy câu kinh”
(Tự trào – Cao Ngọc Anh)
Hoặc khi hòa vào không khí chung trong những năm đầu của cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do cho dân tộc, người phụ nữ làm thơ cất giọng lên bằng âm hưởng cộng đồng. Tiếng gọi cổ vũ cho tinh thần yêu nước mang thanh sắc nữ trong trẻo, gần gũi, thanh thoát và nhuần nhị, dịu nhẹ nhưng vẫn là cái giọng chung, giọng cộng đồng, không hùng tráng, lẫm liệt bằng giọng nam nhưng thêm vào rất nhiều cái dư vị thủ thỉ tha thiết:
“Hồng Lạc người chung một giống nòi
Có đâu Nam Bắc đất chia hai
Xót tình máu mủ cơn nguy biến
Xẻ áo nhường cơn ai hỡi ai

Máu chảy ruột mềm đau xót lắm
Rách lành đùm bọc lấy cho nhau
Trong nhà đang có người kêu đói
Xẻ áo nhường cơm mau hỡi mau”
(Xẻ áo nhường cơm – Mộng Tuyết)
Như vậy, có thể thấy rằng, văn học nữ thời kì này vẫn chưa tự tách mình khỏi “chiếc xương sườn Adam”. Tiếng nói của họ đã bắt đầu xôn xao trên văn đàn, nhưng chưa rõ rệt hình hài, thanh sắc, chưa mang giọng điệu riêng từ cái nhìn riêng của người phụ nữ. Đôi mắt của họ hướng ra ngoại giới nhiều hơn là xoáy sâu vào nội giới và đấy vẫn là ngoại giới được thẩm thấu qua lăng kính mô phỏng nam giới.
Có những bài thơ bộc bạch tâm tình nữ nhi, phần nhiều là những cảm xúc nam nữ trong trẻo, ý nhị, những nỗi nhớ niềm thương nhỏ nhắn giữa đời thường như “Hai cô thiếu nữ” của Manh Manh nữ sĩ, “Em bị cười”, “Em trả thù”, “Em xấu hổ”, “Làm cô gái Huế” của Mộng Tuyết… gợi nhắc đến những vần thơ của J. Leiba trong “Năm qua”, của Đông Hồ trong “Mua áo”, “Tuổi xuân”, “Bốn cái hôn”… Họ chỉ khác nhau ở ngôi kể, chủ thể kể chuyện, nhưng vẫn là câu chuyện “anh, em” bằng một giọng điệu, một điểm nhìn. Những vấn đề cá nhân của người phụ nữ, những cảm nghiệm riêng thuộc về phạm trù thiên tính nữ chưa thực sự in đậm dấu ấn trong đời sống thi ca nữ giới lúc bấy giờ.
KẾT LUẬN
           Nhìn chung, từ đầu thế kỷ XX, trên văn đàn Nam Bộ, tiếng nói về người phụ nữ và của người phụ nữ đã thực sự là một tiếng nói có âm sắc, có điểm nhấn, tạo nên nhiều hương vị riêng cho thơ ca lúc bấy giờ. Trên phương diện lý luận, phê bình, ý thức nữ quyền tiếp thu từ tư tưởng nữ quyền đang tạo nên làn sóng đấu tranh mạnh mẽ ở các nước phương Tây lúc bấy giờ đã đặt những viên gạch nền tảng đầu tiên cho nghiên cứu, phê bình văn học nữ quyền của Việt Nam.
Một số vấn đề cơ bản, cốt lõi mang tính lập thuyết đã được Phan Khôi, Manh Manh nữ sĩ đề cập đến. Riêng Phan Khôi đã có sự “thực hành” lý thuyết vào việc nghiên cứu các tác phẩm văn học cụ thể. Thế nhưng, những nghiên cứu của ông chỉ chủ yếu đi vào bộ phận văn học dân gian mà chưa hướng đến nhận định mảng văn học nữ lúc bấy giờ. Đồng thời, càng về sau, những tranh luận về nữ quyền giữa các tác giả, các học giả càng có khuynh hướng đi vào những vấn đề xã hội hơn là những vấn đề đặc thù của văn học. Và cuối cùng, khi thời vàng kim của thơ Mới qua đi, vấn đề văn học nữ quyền cũng lùi ra hậu đài, trở nên im ắng và nhường chỗ cho những khuynh hướng nghiên cứu, phê bình khác. Do đó, ý thức nữ quyền trong văn học Việt Nam đầu thế kỉ XX chỉ mới ngưng tụ ở dạng phác thảo chứ chưa hình thành nên một hệ thống tư tưởng, một khuynh hướng nghiên cứu rõ ràng, mạnh mẽ.
            Bên cạnh đó, hoạt động sáng tác của nữ giới khởi sắc. Họ nhanh chóng tiếp thu các thành tựu mới mẻ trong thi ca và tham gia vào tiến trình hiện đại hoá văn học dân tộc. Người phụ nữ cầm bút đầu thế kỷ XX đã mạnh dạn và hăm hở đi theo “một lối thơ mới trình chánh giữa làng thơ” (Phan Khôi), sáng tác bằng phong thái tự do cả về cảm xúc và hình thức. Thế nhưng, hầu hết các cây bút nữ chưa tạo ra được sự đột phá riêng biệt về mặt phong cách, nên không hình thành những đỉnh cao sánh ngang với những gương mặt nổi bật của thơ Mới như Xuân Diệu, Huy Cận, Hàn Mặc Tử, Thế Lữ, Lưu Trọng Lư, Chế Lan Viên, Nguyễn Bính… Sáng tác của họ còn mang nặng tính mô phỏng nam giới và mô phỏng cái nhìn chung của cộng đồng. Đặc biệt, các cây bút nữ ở Nam bộ đã sớm mang ý thức đấu tranh giải phóng dân tộc và trách nhiệm công dân. Thậm chí, khuynh hướng này bộc lộ ở sáng tác của họ một cách rõ nét hơn cả những tác giả nam thời kì thơ Mới. Thế nhưng, bản thể tính nữ chưa thực sự trỗi dậy một cách mạnh mẽ, chưa hình thành nên một giọng nói của chủ thể nữ trong sáng tác văn học thời bấy giờ. Người phụ nữ ở đây vẫn nhìn mình như một đối tượng, tức là tự nhìn mình bằng cái nhìn từ bên ngoài vào hơn là nhìn mình bằng cái nhìn về chính bản thân chủ thể, cái nhìn từ bên trong. Và đôi mắt của họ chủ yếu hướng ra thế giới bên ngoài, ra đời sống xã hội cùng với hiện thực sôi nổi của trào lưu đấu tranh giải phóng dân tộc lúc bấy giờ.
            Tóm lại, văn học nữ thời kì này đã trở thành một bộ phận riêng với sự xuất hiện đông đúc của những gương mặt nữ chứ không còn im ắng, vắng bóng và hiện diện đơn lẻ, “lép kẹp” như trong thời kì văn học trung đại. Thế nhưng, bộ phận văn học này hiện nay vẫn chưa được quan tâm nghiên cứu một cách đầy đặn, đúng mức. Việc nhìn nhận lại những đặc điểm, giá trị của văn học nữ thời kì này sẽ là một điểm mốc quan trọng cho quá trình nghiên cứu văn học nữ của Việt Nam dưới ánh sáng của phê bình nữ quyền. Đồng thời, những kiến giải, nhận định và những vấn đề được đặt ra trong các bài viết của Phan Khôi, Manh Manh nữ sĩ - Nguyễn Thị Kim, Thế Phụng và nhiều cây bút cùng thời cũng cần được khảo sát theo hệ thống để từ đấy xác lập và phát triển những đặc trưng của lý luận, phê bình nữ quyền ở ViệtNam.