DANH SÁCH BÀI VIẾT

Tuesday, April 5, 2011

DU KÝ VIỆT NAM ĐẦU TK XX ( NAM PHONG TẠP CHÍ )

1. PHẦN MỞ ĐẦU
        Du ký là một thể tài đặc biệt của văn học. Một tác phẩm du ký hay không đơn thuần chỉ là một tác phẩm văn chương mà còn có dung chứa trong đó nhiều yếu tố lịch sử, địa lý, giáo dục và đôi khi còn phản ánh cả phương diện chính trị xã hội nữa. Nói cách khác, du ký cùng với bút ký, hồi ký, nhật ký, ký sự, phóng sự, tuỳ bút... nằm ở phần giao nhau giữa văn học và ngoài văn học.
      Đầu thế kỷ XX, khi văn học Việt Nam chuyển mình sang hướng hiện đại hoá trên cơ sở chịu ảnh hưởng và tiếp thu văn học phương Tây, thì cùng với thơ mới, tiểu thuyết, truyện ngắn, phóng sự, kịch... các tác phẩm tuỳ bút, du ký... cũng rất phát triển. Trên những điều kiện xã hội thuận lợi như đội ngũ đông đảo của những người cầm bút, sự nở rộ của báo chí, nhà in, nhà xuất bản... việc xuất hiện những tác phẩm hay, có giá trị ở mọi thể loại là điều tất yếu và dễ hiểu. Cũng cần phải lưu ý đến nhận xét của Lại Nguyên Ân khi ông cho rằng "Sáng tác văn học thể ký thường thịnh hành ở các giai đoạn văn học sử ứng với các thời kỳ xã hội có sự khủng hoảng của các quan hệ cũ, nảy sinh một nếp sống mới, làm tăng cường chú ý đến sự miêu tả các thói tục." Có thể xem đó là một nguyên nhân, nhưng cũng cần phải lưu ý rằng các thể tài này cũng khó có sự phát triển mạnh nếu như không có sự đỡ đầu của báo chí. Một minh chứng dễ nhận thấy nhứt là sự xuất hiện đều đặn, thường xuyên của mục Du ký trên Nam Phong Tạp chí.
        Những đóng góp trong việc xây dựng một nền quốc văn mới, phổ biến học thuật, giới thiệu những tư tưởng triết học, khoa học, văn chương, lịch sử... của cả Á và Âu trong những năm đầu thế kỷ XX của Nam Phong Tạp chí là điều đã được ghi nhận. Tồn tại 17 năm, từ năm 1917 đến năm 1934, Nam Phong Tạp chí đã thực sự để lại một dấu ấn tinh thần trong tâm trí của nhiều độc giả. Với uy tín của một tờ báo chuyên về học thuật, uy tín của một học giả làm chủ nhiệm kiêm chủ bút như Phạm Quỳnh, Nam Phong Tạp chí đã được sự cộng tác của nhiều cây bút từ Bắc vào Nam. Mục Du ký trên tạp chí cũng không là một ngoại lệ. Những tên tuổi viết cho mục này như Nguyễn Bá Trác, Huỳnh Thị Bảo Hoà, Đông Hồ, Mộng Tuyết... sau này đều được lịch sử văn học lưu danh. Và chính bản thân người khởi xướng ra mục này là Phạm Quỳnh đã có những tác phẩm du ký xuất sắc mà ngày nay với độ lùi ngót một thế kỷ, khi đọc lại, người đọc vẫn thấy thích thú, hào hứng.
         Bản thân hai chữ du ký đã có một nội hàm rất rộng. Trên Nam Phong Tạp chí, người đọc thấy có những bài du ký viết về thắng cảnh của một địa phương mang tính chất địa lý, lịch sử như "Bài ký phong thổ tỉnh Tuyên Quang" của Nguyễn Văn Bân, loạt bài viết về phong cảnh Hà Tiên của Đông Hồ, Mộng Tuyết..., những bài viết về những chuyến đi vượt ra khỏi biên giới Việt Nam lúc bấy giờ như "Pháp du hành trình nhật ký" của Phạm Quỳnh ghi chép những điều tai nghe mắt thấy trong chuyến đi Pháp sáu tháng, "Hạn mạn du ký" của Nguyễn Bá Trác lấy bối cảnh Thái Lan (Siam), Nhật Bản, Trung Quốc, "Ai Lao hành trình" của Trần Quang Huyến thì miêu tả một chặng đường dài từ Hà Nội lên Hải Phòng, đi tàu thuỷ vào Sài Gòn, sang Campuchia, lên Lào... Có những bài du ký chỉ miêu tả một chuyến đi ngắn chừng một ngày, vài ngày, có những bài du ký dài kỳ, miêu tả những chuyến đi dài từ vài tháng đến vài năm. Có những bài du ký thuần chất văn học, mang nặng cảm hứng nghệ sĩ, nhưng cũng có những bài du ký mang dáng dấp của một bài khảo cứu văn hoá, phong tục tập quán...
         Không như thể loại thơ mới hay tiểu thuyết hiện đại vốn được du nhập từ văn học phương Tây, nét đặc thù của thể tài du ký trong văn học Việt Nam giai đoạn đầu thế kỷ nói chung và trên Nam Phong Tạp chí nói riêng là sự kết hợp giữa cách viết, cách tư duy giữa truyền thống và hiện đại, giữa Đông và Tây. Vẫn có những câu văn biền ngẫu, đăng đối, nặng từ Hán Việt, những bài ngâm vịnh theo lối cổ, những trang viết tương tự như địa chí, địa bạ, v.v... bên cạnh những ghi chép sinh động, hấp dẫn, đôi khí pha chút hóm hỉnh và chêm cả vào những câu tiếng Pháp, rất gần gũi với cách hành văn của những nhà văn Pháp. Nhưng đa phần các bài du ký đã thể hiện một lối viết tiếng Việt trong sáng, nhuần nhị và cho thấy ở thời điểm này, văn chương quốc ngữ đã thật sự được định hình.
         Những tác phẩm du ký trên Nam Phong Tạp chí cho thấy các tác giả đã kế thừa được truyền thống của văn học thời trung đại với những tác phẩm như "Phủ biên tạp lục" của Lê Quý Đôn, "Vũ trung tuỳ bút" của Phạm Đình Hổ, "Thượng kinh ký sự" của Lê Hữu Trác, "Công dư tiệp ký" của Vũ Phương Đề... Không xem những tác phẩm của mình viết ra chỉ để góp vui, để cho độc giả cùng thưởng lãm, nhiều tác giả viết du ký đã có thấy một cách viết chỉn chu, nghiêm túc, với quan niệm "cái buổi du lịch này, cứ coi bề ngoài thì không đáng đem ra công cáo, nhưng vì có cái hy vọng về tiền đồ kinh tế kỹ nghệ, ngôn ngữ văn chương, phong tục xã hội nước nhà, mà cái nghĩa vụ lương tâm của chúng tôi nó xui nên phải viết vậy" (Nam Tống du đàm - Trần Thuyết Minh). Đây cũng là một nét rất riêng của những bài du ký trên Nam Phong Tạp chí và qua đó thể hiện rõ nét tôn chỉ của tờ báo. Cũng không thiếu những nhận xét tinh tế như: "Ở Sài Gòn thật là có cái cảm giác một nơi đô hội mới, nghĩa là một nơi đô hội theo lối Tây. Vào đến Chợ Lớn thì lại ra cái cảm giác một nơi đô hội theo lối Tàu. Còn các châu thành khác ở Lục tỉnh thì những nơi quan sở là Tây mà chốn phố phường là Tàu, phần An Nam thật ít lắm. Xét về những phương diện đó thì những nơi đô hội Bắc Kỳ tuy coi cũ kỹ mà còn có cái vẻ An Nam hơn" (Một tháng ở Nam Kỳ - Phạm Quỳnh). Một nhận xét ngắn mà khái quát được nhiều điều, cho thấy được một bức tranh toàn cảnh Nam Bắc trong giai đoạn lịch sử.
        Có thể khẳng định, những bài du ký trên Nam Phong Tạp chí không chỉ có giá trị về mặt văn học mà còn có giá trị trên nhiều phương diện khác như khảo sát địa lý, lịch sử, văn hoá, phong tục, tập quán... phản ánh được những tâm tư, tình cảm, ước vọng của con người, qua đó, phần nào khắc hoạ được chân thực chân dung xã hội của một thời đại. Trên ý nghĩa này, công trình sưu tầm, giới thiệu những bài du ký trên Nam Phong Tạp chí của PGS.TS. Nguyễn Hữu Sơn, một chuyên gia có uy tín trong giới nghiên cứu văn học Việt Nam, là một công trình xứng đáng nhận được sự quan tâm sâu rộng không chỉ của công chúng yêu văn học mà còn của các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hoá, xã hội...
        Tuy nhiên, khi đọc những bài du ký trên Nam Phong Tạp chí, chúng ta không thể bỏ qua những yếu tố lịch sử, xã hội đã chi phối đến từng câu văn, lối viết của các tác giả. Trong khung cảnh của một xã hội thuộc địa, nửa thực dân, nửa phong kiến, với việc phân chia đất nước thành ba miền, chia để trị, chế độ kiểm duyệt khắc khe, việc đây đó vẫn có những dòng chữ ca ngợi Nam triều, ca ngợi nước Pháp và người Pháp như là những người có công đi bảo hộ, khai phá văn minh... là điều dễ hiểu. Vì tôn trọng những yếu tố chân thực của lịch sử, Nhà xuất bản Trẻ xin phép vẫn giữ nguyên không lược bỏ những đoạn viết này. Bởi vì, tất cả những điều đó cũng trở nên vụn vặt, mờ nhạt đi bên cạnh bên cạnh những dòng chữ tha thiết, nồng nàn: "Huống chi tuy khác xứ mà cũng đất nước nhà, tuy người lạ mà cùng là anh em, thời càng quen biết lại càng đậm đà cái tình máu mủ, càng đằm thắm cái nghĩa quê hương" (Một tháng ở Nam Kỳ - Phạm Quỳnh). Như vậy, đủ hiểu rằng, động lực của những người cầm bút trên hết vẫn là động lực của tinh thần yêu quê hương đất nước, yêu giống nòi.
2. CÁC THỂ TÀI DU KÝ
         "Du ký - một thể loại văn học thuộc loại hình ký mà cơ sở là sự ghi chép của bản thân mình đi du lịch, ngoạn cảnh về những điều mắt thấy tai nghe của chính mình tại những xứ sở xa lạ hay những nơi ít người có dịp đi đến.  Hình thức của du ký rất đa dạng, có thể là ghi chép, ký sự, nhật ký, thư tín, hồi tưởng, miễn là mang lại những thông tin, tri thức và cảm xúc mới lạ về phong cảnh, phong tục, dân tình của xứ sở ít người biết đến.  Dạng đặc biệt của du ký phát huy cái chất ghi chép về miền xa lạ của nó là du ký về các xứ sở tưởng tượng, có tính chất không tưởng hay viễn tưởng khoa học.  Dạng du ký khác đậm đà hương vị phương Đông là ghi chép cảm tưởng, nhận xét về những nơi danh lam, thắng cảnh đất nước.  Thể loại du ký có vai trò quan trọng đối với văn học thế kỷ XVIII, XIX trong việc mở rộng tầm nhìn và tưởng tượng của nhà văn.  Sang thế kỷ XX, du ký mang nhiều tính chất tư liệu khoa học do các nhà địa chất, nhà dân tộc học viết.  Loại du ký khoa học cũng rất thịnh hành" (Từ điển thuật ngữ văn học, NXB Giáo dục, H, 1992). 
         Định nghĩa trên đây đã khái quát được những đặc điểm cơ bản nhất của du ký - mà chúng tôi duy danh là thể tài du ký.  Tuy nhiên, thể tài du ký là một bộ phận văn học còn chưa được chú ý đúng mức.  Khi nói đến thể tài du ký, cần được hiểu nhấn mạnh hơn ở phía đề tài, phía nội dung và cảm hứng nghệ thuật nơi người viết, chứ không phải ở phía thể loại.  Thu hút vào địa hạt du ký có các sáng tác bằng thơ, phú, tụng và các bài văn xuôi theo phong cách ký, ký sự, phóng sự, ghi chép, khảo cứ, hồi ức về các chuyến đi, các điểm du lịch, các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, sinh thái, kiến trúc, mỹ thuật; thậm chí có thể liên quan tới nhiều phương diện của xã hội học, văn hoá học, khảo cổ học, dân tộc học và văn hoá văn nghệ dân gian khác nữa.  Do đó đã xuất hiện thực tế có tác phẩm nằm ở trung tâm thể tài du ký và nhiều trang viết khác lại nằm ở đường biên hoặc hỗn hợp, pha tạp với những sắc độ đậm nhạt khác nhau, cả về đối tượng, phạm vi đề tài, nội dung thực hiện lẫn phong cách thể loại.
        Trong nền văn học trung đại Việt Nam đã có nhiều sáng tác thuộc thể tài du ký như thơ ca đề vịnh phong cảnh Thăng Long, núi Bài Thơ, Yên Tử, Hoa Lư, sông Hương núi Ngự, Gia Định, Hà Tiên... Qua mười thế kỷ đã xuất hiện nhiều tác giả, tác phẩm nổi bật như Vịnh "Vân Yên tự phú" của Huyền Quang Lý Đạo Tái (1254-1334), "Bài ký tháp Linh Tế" núi Dục Thuỷ của Trương Hán Siêu (?-1354), "Tịnh cư ninh thể phú" và "Đại Đồng phong cảnh phú" của Nguyễn Hàng (thế kỷ XV-XVI), "Hà Tiên thập vịnh" của Mạc Thiên Tích (1706-1780) và nhiều tác giả khác, "Nam trình liên thi tập" của Ngô Thì Ức (1709-1736), "Phụng sứ Yên Đài tổng ca" của Nguyễn Huy Oánh (1713-1789), "Thượng kinh ký sự" của Lê Hữu Trác (1720-1791), "Nhị Thanh động phú", "Tây Hồ phong cảnh phú" của Ngô Thì Sĩ (1726-1780), "Tụng Tây Hồ phú", "Ngự đạo hành cung nhật trình" của Nguyễn Huy Lượng (1750-1808), "Bài ký chơi núi Phật Tích" của Nguyễn An (1770-1815), "Gia Định tam gia thi" của Lê Quang Định, Ngô Nhân Tĩnh, Trịnh Hoài Đức (thế kỷ XVIII-XIX), "Tây hành nhật ký" của Phạm Phú Thứ (1821-1882), "Ghi về vương quốc Khơ-me", "Chuyến đi Bắc kỳ năm Ất Dậu" (1876) của Trương Vĩnh Ký (1837-1898), "Như Tây nhật trình", "Chư quốc thạc hội" của Trương Minh Ký (1855-1900), "Hương Sơn hành trình" của Chu Mạnh Trinh (1862-1905), v.v...
Bước sang thế kỷ XX, thể tài du ký có bước phát triển mạnh mẽ.  Khi thực hiện công trình Mục lục phân tích Nam Phong Tạp chí, 1917-1934, Trung tâm Học liệu ấn hành, Sài Gòn, 1968, nhà thư mục Nguyễn Khắc Xuyên xác định du ký là một trong mười bốn bộ môn và nêu nhận xét về thể tài du ký - còn được ông gọi là du hành - trên Nam Phong Tạp chí: "Nhiều khi chúng ta tự cảm thấy, sống trong đất nước với giang sơn gấm vóc mà không được biết tới những cảnh gấm vóc giang sơn.  Thì đây, theo tờ Nam Phong, chúng ta có thể một phần nào làm lại cuộc hành trình qua tất cả những phong cảnh hùng vĩ nhất, đẹp đẽ nhất của đất nước chúng ta từ Bắc chí Nam, từ Cao Bằng, Lạng Sơn đến đảo Phú Quốc, từ núi Tiên Du đến cảnh Hà Tiên và Ngũ Hành Sơn, từ Cổ Loa, Hạ Long đến Huế thơ mộng... Với thời gian, hẳn những tài liệu này ngày càng trở nên quý hoá đối với chúng ta... Trong mục Du ký này, phải kể bài "Hạn mạn du ký" của Nguyễn Bá Trác, "Lại tới Thần kinh" của Nguyễn Tiến Lăng, "Mười ngày ở Huế", "Một tháng ở Nam kỳ", và nhất là "Pháp du hành trình nhật ký" của Phạm Quỳnh...
Chính thông qua các chuyến đi, các cuộc giao lưu mà mỗi người vừa tăng thêm nhận thức và niềm tự hào dân tộc, vừa chiêm nghiệm và chứng nghiệm được đầy đủ tình nghĩa đồng bào.  Trong một chuyến tới thăm Hà Nội, ông Nguyễn Tử Thức là chủ bút Nam Trung nhựt báo ở Sài Gòn đã phát biểu: "Thiệt chúng tôi không ngờ giang sơn nước Nam ta cẩm tủ như vầy.  Là bởi xưa nay chưa đi khắp nên chưa biết, chưa biết bờ cõi nước ta to rộng, nhân dân nước ta đông đảo là dường nào.  Tới nay mới biết, càng biết mà cái cảm tình đối với tổ quốc càng chan chứa biết bao!... Khi tới Tourane (Đà Nẵng), khi tới Hải Phòng, quanh mình toàn những người bổn quốc, cùng ăn bận như mình, cùng nói năng như mình, nhận ra mới biết người với mình, mình với người, tuy ăn ở xa nhau mà cũng là người một nòi một giống chớ đâu" (Thượng Chi: "Cùng các phái viên Nam kỳ", Nam Phong, số 32, tháng 2-1920, tr.126)...
        Lại nói như bài "Cảnh vật Hà Tiên", do Đông Hồ và Nguyễn Văn Kiểm sao lục, đã mở đầu bằng niềm tự hào: "Tỉnh Hà Tiên có nhiều cảnh đẹp, có bãi dài biển rộng, hồ trong núi biếc, mỗi cảnh đều có vẻ đẹp thiên nhiên của tạo hoá... Cảnh bãi biển thì kiêm cả màu trời sắc nước, bãi cát mênh mông, gió nam mát mẻ.  Cảnh núi như Thạch Động có các kỳ quan quái thạch, núi Bình San, núi Tô thì có cỏ đẹp hoa thơm..." Niềm tự hào trước vẻ đẹp quê hương xứ sở của tác giả cũng đồng điệu với tấm lòng người chủ báo qua mấy dòng đề tựa đầy ý nghĩa: "Muốn cho con trẻ yêu mến nước nhà thì phải cho con trẻ thông thuộc nước nhà, hiểu biết cả lịch sử, địa lý, lễ giáo, phong tục; nhỏ từ cách sinh hoạt trong dân gian, lớn đến các kỷ cương về đạo lý, ngõ hầu mới có lòng thiết tha đến nơi quê hương tổ quốc của mình.  Lại trước khi biết đến cái tổ quốc lớn là toàn thể quốc gia, phải biết cái tổ quốc nhỏ là nơi địa phương mình sinh trưởng đã" (Nam Phong, số 150, tháng 5-1930, tr.145).
          Rõ ràng là vượt qua những áp đặt tuyên truyền tư tưởng chính trị "Pháp - Việt đề huề" và hạn chế lịch sử không tránh khỏi, phải ghi nhận các trang du ký trên Tạp chí Nam Phong đã tiếp nối được tinh thần yêu nước và niềm tự hào dân tộc từ cội nguồn văn học ông cha.  Trong một chừng mực nhất định, nhiều trí thức cựu học và tân học đã biết lợi dụng diễn đàn công khai để khơi gợi và giáo dục tình cảm yêu nước, nhắc nhở lại truyền thống đấu tranh anh dũng ngàn năm thông qua việc du ngoạn, thăm viếng, tưởng niệm các danh nhân đất nước (An Dương Vương, Lý Thái Tổ, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Nguyễn Trãi, Quang Trung...) và các di tích lịch sử (Cổ Loa, đền Lý Bát Đế, hồ Hoàn Kiếm, Hoa Lư, lăng điện xứ Huế, danh thắng Banà, Ngũ Hành Sơn, Sài Gòn, Tây Đô, Phú Quốc, Thạch Động, Hà Tiên...).
Cùng với sự phát triển của chữ Quốc ngữ, báo chí và chính cơ sở kinh tế xã hội đã cho phép thể tài du ký có điều kiện hưng khởi.  Các tác giả viết du ký vừa nhằm thoả mãn hứng thú nội tâm, trình bày những cảm xúc, cảm nhận riêng tư vừa hướng tới giới thiệu những điều trải nghiệm tai nghe mắt thấy liên quan tới mỗi thắng cảnh và di tích lịch sử.  Đó cũng là bạn đọc cũng sẽ hướng dẫn đi tham quan, du lịch, hành hương về Xứ Đẹp và cội nguồn Lịch Sử Dân Tộc nhờ chính các trang du ký.
Trên cơ sở giao thông từng bước phát triển mà nhu cầu hiểu biết, giao lưu văn hoá ngày càng mở rộng từ Bắc vào Nam, từ nơi đồng bằng đến miền núi, từ vùng sâu vùng xa tới thị thành, từ trong nước cho tới nước ngoài.  Không phải ngẫu nhiên mà cảm hứng được đi xa nhờ các phương tiện ô tô, xe lửa, tàu thuỷ, tàu bay vốn gắn liền với kỹ nghệ thời hiện đại đã đem lại cho người viết biết bao cảm xúc mới lạ hấp dẫn.  Nhu cầu ĐI (kể cả thời gian, cách thức và phương tiện) và XEM (xem gì, khả năng chiều sâu nhận thức và hiểu biết, khám phá về xứ sở du lịch) đã kích thích mạnh mẽ tâm thức sáng tạo của cá nhà du hành.  Người đọc hôm nay có thể hồi cổ và đồng cảm với tâm tình người xưa qua các du ký như "Lược ký đi đường bộ từ Hà Nội vào Sài Gòn" (Mẫu Sơn Mục N.X.H), "Sự du lịch đất Hải Ninh" (Trần Trọng Kim), "Đi tàu bay" (Phan Tất Tạo), "Nam du đến Ngũ Hành Sơn" (Nguyễn Trọng Thuật), "Thăm đảo Phú Quốc" (Mộng Tuyết), "Hạn mạn du ký" (Nguyễn Bá Trác), Thuật chuyện du lịch ở Paris" (Phạm Quỳnh)...
Như chúng tôi đã nhấn mạnh, thể tài du ký có thể thu nạp nhiều phong cách thể loại, bao quát nhiều điểm nhìn chủ thể tác giả và nội dung hiện thực khác nhau.  Với các tác phẩm du ký trên Nam Phong tạp chí, xin phân loại và dẫn giải thành mấy đặc điểm chính sau đây.
       - Có một dòng du ký mang tính quan phương, sự vụ, công vụ.  Kiểu du ký này thường do các trí thức, ký giả quan lại ghi chép.  Mặt khác, vì tạp chí Nam Phong chịu sự chỉ đạo và quản lý trực tiếp của chính quyền đương thời nên buộc phải phát ngôn tiếng nói quan phương cũng là điều dễ hiểu.  Tuy vậy, các trang du ký này vẫn thể hiện được niềm tự hào dân tộc và cảm xúc chân thành trước vẻ đẹp non sông đất nước.  Hơn nữa, từ quan điểm lịch sử mà đánh giá sẽ thấy nhiều trang du ký như "Cùng các phái viên Nam kỳ" (Thượng Chi), "Một tháng ở Nam kỳ", "Mười ngày ở Huế", "Pháp du hành trình nhật ký" (Phạm Quỳnh), "Tổng thuật về việc phái bộ Bắc kỳ đi quan sát đường xe lửa Vinh - Đông Hà", "Lược thuật hành trình cuộc ngự giá Bắc Tuần", "Ngự giá Nam tuần hành trình ký" (Song Cử), "Lược ký đi đường bộ từ Hà Nội vào Sài Gòn" (Mẫu Sơn Mục N.X.H)..., lại thực sự có giá trị sử liệu để xem xét nhiều sự kiện văn hoá - xã hội và định vị hoạt động tổ chức hành chính của giai tầng công chức thượng lưu dưới thời thực dân phong kiến.
        - Có một dòng du ký viễn du - những chuyến du hành vượt biên giới, đòi hỏi cả nguồn kinh phí, yêu cầu công việc và ý chí của người ham hoạt động, ham xê dịch.  Đặt trong bối cảnh văn hoá, xã hội đương thời thì các du ký này quả đã mở ra những chân trời nhận thức mới, đưa lại niềm phấn khích bởi những trang ghi chép, miêu tả sống động của người trong cuộc, người trải nghiệm, chứng nghiệm.  Đó là những du ký dài hơi, phong phú, hấp dẫn như "Hạn mạn du ký" kể lại cuộc đi chơi phiếm qua Bangkok - Hương Cảng - Nhật Bản - Thượng Hải - Nam Kinh - Quảng Tây - Quế Lâm - Bắc Kinh - Tứ Xuyên - Quảng Đông và trở về nước, trong 6 kỳ (Nguyễn Bá Trác), "Pháp du hành trình nhật ký" kể về chuyến đi trong sáu tháng, từ khi rời bến Sài Gòn ngày 15-3-1922, những ngày lênh đênh trên biển và ở lại thăm thú nước Pháp văn minh hoa lệ, cho tới ngày 11-9 về tới cảng Hải Phòng, trong 27 kỳ, "Du lịch xứ Lào", trong 2 kỳ (Phạm Quỳnh), hoặc các bài khác như "Ai Lao hành trình" (Trần Quang Huyến), "Trên đường Nam Pháp (Tùng Hương)...
        - Có một dòng du ký thiên về khảo cứu danh nhân lịch sử, truyền thuyết và sự tích liên quan tới một địa điểm cụ thể.  Loại du ký này thường là kết quả sau một chuyến picnic giới hạn trong thời gian ngắn, kiểu như "Ba Bể du ký" (Nhạc Anh Hoàng Văn Trung), "Du Ngọc Tân ký", "Du Tử Trầm Sơn ký", "Bài ký chơi Cổ Loa", "Cuộc đi chơi năm tầng núi", "Cuộc đi chơi Sài Sơn" (Tùng Vân Nguyễn Đơn Phục), "Banà du ký" (Huỳnh Bảo Hoà), "Thăm lăng Sĩ Vương", "Nam du đến Ngũ Hành Sơn" (Nguyễn Trọng Thuật)...
       - Có một dòng du ký hướng tới khảo sát, giới thiệu cả một vùng văn hoá rộng lớn.  Loại du ký này đòi hỏi người viết có thời gian, du ngoạn theo "tua" dài hơi và đòi hỏi vốn kiến văn sâu rộng, có sự chuẩn bị tư liệu công phu và ghi chép thực địa kỹ lưỡng.  Các du ký tiêu biểu kiểu này có "Mười ngày ở Huế", "Một tháng ở Nam kỳ", "Chơi Lạng Sơn, Cao Bằng" (Phạm Quỳnh), "Bài ký phong thổ tỉnh Tuyên Quang" (Nguyễn Văn Bân), "Hành trình mạn ngược, từ Cao Bằng xuống Phú Thọ" (Thái Phong Vũ Khắc Tiệp), "Cuộc xem cổ tích miền Đông bắc tỉnh Hải Dương" (Nguyễn Đôn Phục), "Các nơi cổ tích đất Nghệ Tĩnh", "Các lăng điện xứ Huế" (Nguyễn Đức Tính), "Quảng Xương danh thắng", "Tây Đô thắng tích", "Ninh Bình phong vật chí" (Thiện Đình), "Cảnh vật Hà Tiên" (Đông Hồ và Nguyễn Văn Kiểm)...
- Có một dòng du ký mà yếu tố "vị nghệ thuật" chiếm phần quan trọng, ở đó người viết chấm phá một vài nét phong cảnh thiên nhiên, cuộc sống đời thường bình dị hay thoáng qua niềm vui văn hoá lễ hội, đình đám.  Đó là các bài "Trẩy chùa Hương" (Thượng Chi), "Cuộc đi quan phong làng Thượng Cát (Tùng Vân Nguyễn Đôn Phục), "Một buổi đi xem đền Lý Bát Đế (Phạm Văn Thư), "Cuộc thưởng ca ở làng Hữu Thanh Oai" (Nguyễn Mạnh Hồng), "Cuộc chơi trăng sông Nhuệ" (Mai Khê), Tết chơi biển (Trúc Phong)...
Trên thực tế việc phân chia các phương thức, kiểu loại, nội dung du ký như trên chỉ có ý nghĩa tương đối.  Song dù có khác nhau thế nào thì các tác phẩm du ký vẫn hướng tâm ở phương thức ĐI và XEM, đặt cược vào tính tích cực chủ thể là người trực tiếp Chứng Nghiệm - Trải Nghiệm và vươn tới phẩm chất "vị nghệ thuật" chân - thiện - mỹ cao đẹp, ít nhiều gián cách với thế tục lầm than. 
3. KẾT LUẬN
           Nam Phong Tạp chí thuộc số những loại báo chí ra đời tương đối sớm và có vị trí quan trọng trong nền văn hoá - văn học dân tộc nửa đầu thế kỷ XX.  Nói riêng thể tài du ký cũng có giá trị cả về nội dung và nghệ thuật, góp phần nâng cao nhận thức và niềm tự hào trước lịch sử ngàn năm và thắng cảnh non sông đất nước.  Chúng tôi hy vọng tuyển tập du ký trên Nam Phong Tạp chí này sẽ là sưu tập mở đầu cho công trình Du ký Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX sẽ hoàn thành trong tương lai