DANH SÁCH BÀI VIẾT

Saturday, May 14, 2011

THỂ TÀI DU KÝ TRÊN TẠP CHÍ NAM PHONG (1917-1934)


     I. TẠP CHÍ NAM PHONG (1917-1934) VÀ THỂ TÀI DU KÝ
          Trong truyện ngắn Tướng về hưu của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp có một đoạn như thế này: “Đường về, vợ tôi bảo xe đi chậm. Ông Bổng lần đầu mới được đi xa thích lắm. Ông bảo: “Nước mình thật đẹp như tranh. Bây giờ tôi mới hiểu vì sao phải yêu đất nước. Chứ ở quê ta, dù ngay Hà Nội có văn minh thật, tôi chẳng thấy yêu gì cả”. Vợ tôi bảo: “Tại chú quen đấy. ở nơi khác người ta cũng thế, họ lại thấy yêu Hà Nội”. Ông Bổng bảo: “Thế là nơi này yêu nơi kia. Tất cả đều đất nước mình, nhân dân mình cả. Vậy thì đất nước muôn năm, nhân dân muôn năm! Hoan hô đèn cù”... Như thế là nhu cầu hiểu biết, khám phá, đổi thay không khí, nhu cầu xê dịch Đi và Xem chính là tâm trạng “nơi này yêu nơi kia”- cơ sở cội nguồn của những chuyến viễn du và hình thành nên những trang du ký.
Một cách khái quát, các nhà lí luận xác định: “DU KÝ- Một thể loại văn học thuộc loại hình mà cơ sở là sự ghi chép của bản thân người đi du lịch, ngoạn cảnh về những điều mắt thấy tai nghe của chính mình tại những xứ sở xa lạ hay những nơi ít người có dịp đi đến. Hình thức của du ký rất đa dạng, có thể là ghi chép, ký sự, nhật ký, thư tín, hồi tưởng, miễn là mang lại những thông tin, tri thức và cảm xúc mới lạ về phong cảnh, phong tục, dân tình của xứ sở ít người biết đến [...]. Dạng đặc biệt của du ký phát huy cái chất ghi chép về miền xa lạ của nó là du ký về các xứ sở tưởng tượng, có tính chất không tưởng hay viễn tưởng khoa học [...]. Dạng du ký khác đậm đà phong vị phương Đông là ghi chép cảm tưởng, nhận xét về những nơi danh lam thắng cảnh đất nước [...]. Thể loại du ký có vai trò quan trọng đối với văn học thế kỷ XVIII- XIX trong việc mở rộng tầm nhìn và tưởng tượng của nhà văn. Sang thế kỷ XX, du ký mang nhiều tính chất tư liệu khoa học do các nhà địa chất, nhà dân tộc học viết. Loại du ký khoa học cũng rất thịnh hành”  (Từ điển thuật ngữ văn học. NXB Giáo dục, H, 1992, tr.75-76)... Định nghĩa trên đây đã khái quát được những đặc điểm cơ bản nhất của du ký - mà chúng tôi duy danh là thể tài du ký. Tuy nhiên, thể tài du ký là một bộ phận văn học còn chưa được chú ý đúng mức. Khi nói đến “thể tài du ký” cần được hiểu nhấn mạnh hơn ở phía đề tài, phía nội dung và cảm hứng nghệ thuật nơi người viết, chứ không phải ở phía thể loại. Thu hút vào địa hạt du ký có các sáng tác bằng thơ, phú, tụng và các bài văn xuôi theo phong cách ký, ký sự, phóng sự, ghi chép, khảo cứu, hồi ức về các chuyến đi, các điểm du lịch, các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, sinh thái, kiến trúc, mỹ thuật; thậm chí có thể liên quan tới nhiều phương diện của xã hội học, văn hoá học, khảo cổ học, dân tộc học và văn hoá- văn nghệ dân gian khác nữa… Do đó đã xuất hiện thực tế có tác phẩm nằm ở trung tâm thể tài du ký và nhiều trang viết khác lại nằm ở đường biên hoặc hỗn hợp, pha tạp với những sắc độ đậm nhạt khác nhau, cả về đối tượng, phạm vi đề tài, nội dung hiện thực lẫn phong cách thể loại.
Trong nền văn học trung đại Việt Nam đã có nhiều sáng tác thuộc thể tài du ký như thơ ca đề vịnh phong cảnh Thăng Long, núi Bài Thơ, Yên Tử, Hoa Lư, sông Hương núi Ngự, Gia Định, Hà Tiên... Qua mười thế kỷ đã xuất hiện nhiều tác gia, tác phẩm nổi bật như Vịnh Vân Yên tự phú của Huyền Quang Lý Đạo Tái (1254-1334); Bài ký tháp Linh Tế núi Dục Thuý của Trương Hán Siêu (?- 1354); Nam trình liên thi tập của Ngô Thì Ức (1709-1736); Phụng sứ Yên Đài tổng ca của Nguyễn Huy Oánh (1713- 1789); Thượng kinh ký sự của Lê Hữu Trác (1720-1791); Nhị Thanh động phú, Tây Hồ phong cảnh phú của Ngô Thì Sĩ (1726-1780); Tụng Tây Hồ phú, Ngự đạo hành cung nhật trình của Nguyễn Huy Lượng (1750-1808); Bài ký chơi núi Phật Tích của Nguyễn Án (1770-1815); Tây hành nhật ký của Phạm Phú Thứ (1821-1882); Ghi về vương quốc Khơ-me, Chuyến đi Bắc kỳ năm Ất Hợi (1876) của Trương Vĩnh Ký (1837-1898); Như Tây nhật trình, Chư quốc thạc hội của Trương Minh Ký (1855-1900); Hương Sơn hành trình của Chu Mạnh Trinh (1862-1905), v.v...

Bước sang thế kỷ XX, thể tài du ký có bước phát triển mạnh mẽ. Khi thực hiện công trình Mục lục phân tích Tạp chí Nam phong, 1917-1934, nhà thư mục Nguyễn Khắc Xuyên xác định du ký là một trong 14 bộ môn và nêu nhận xét về thể tài du ký - còn được ông gọi là du hành - trên Tạp chí Nam phong: “Nhiều khi chúng ta tự cảm thấy, sống trong đất nước với giang sơn gấm vóc mà không được biết tới những cảnh gấm vóc giang sơn. Thì đây, theo tờ Nam phong, chúng ta có thể một phần nào làm lại cuộc hành trình qua tất cả những phong cảnh hùng vĩ nhất, đẹp đẽ nhất của đất nước chúng ta từ Bắc chí Nam, từ Cao Bằng, Lạng Sơn đến đảo Phú Quốc, từ núi Tiên Du đến cảnh Hà Tiên và Ngũ Hành Sơn, từ Cổ Loa, Hạ Long đến Huế thơ mộng... Với thời gian, hẳn những tài liệu này càng ngày càng trở nên quý hoá đối với chúng ta... Trong mục Du ký này, phải kể bài Hạn mạn du ký của Nguyễn Bá Trác, Lại tới Thần kinh của Nguyễn Tiến Lãng; Mười ngày ở Huế, Một tháng ở Nam kỳ, và nhất là Pháp du hành trình nhật ký của Phạm Quỳnh” (Nguyễn Khắc Xuyên: Mục lục phân tích Tạp chí Nam phong, 1917-1934. Trung tâm Học liệu ấn hành, Sài Gòn, 1968. Tái bản. Nxb Thụân Hoá - Trung tâm Văn hoá ngôn ngữ Đông Tây, Huế, 2002, tr.34)... Chính thông qua các chuyến đi, các cuộc giao lưu mà mỗi người vừa tăng thêm nhận thức và niềm tự hào dân tộc, vừa chiêm nghiệm và chứng nghiệm được đầy đủ tình nghĩa đồng bào. Trong một chuyến tới thăm Hà Nội, ông Nguyễn Tử Thức là chủ bút Nam trung nhựt báo ở Sài Gòn đã phát biểu: “Thiệt chúng tôi không ngờ giang sơn nước Nam ta cẩm tú như vầy. Là bởi xưa nay chưa đi khắp nên chưa biết, chưa biết bờ cõi nước ta to rộng, nhân dân nước ta đông đảo là dường nào. Tới nay mới biết, càng biết mà cái cảm tình đối với tổ quốc càng chan chứa biết bao!... Khi tới Tourane, khi tới Hải Phòng, quanh mình toàn những người bổn quốc, cùng ăn bận như mình, cùng nói năng như mình, nhận ra mới biết người với mình, mình với người, tuy ăn ở xa nhau mà cũng là người một nòi một giống, chớ đâu” (Thượng Chi: Cùng các phái viên Nam kỳ. Nam phong, số 32, tháng 2-1920; tr.126)...

Lại nói như bài Cảnh vật Hà Tiên, do Đông Hồ và Nguyễn Văn Kiểm sao lục, đã mở đầu bằng niềm tự hào: “Tỉnh Hà Tiên có nhiều cảnh đẹp, có bãi dài biển rộng, hồ trong núi biếc, mỗi cảnh đều có vẻ đẹp thiên nhiên của tạo hoá... Cảnh bãi biển thì kiêm cả màu trời sắc nước, bãi cát mênh mông, gió nam mát mẻ. Cảnh núi như Thạch Động có các kỳ quan quái thạch, núi Bình San, núi Tô thì có cỏ đẹp hoa thơm...”. Niềm tự hào trước vẻ đẹp quê hương xứ sở của tác giả cũng đồng điệu với tấm lòng người chủ báo qua mấy dòng đề tựa đầy ý nghĩa: “Muốn cho con trẻ yêu mến nước nhà thì phải cho con trẻ thông thuộc nước nhà, hiểu biết cả lịch sử, địa lý, lễ giáo, phong tục; nhỏ từ cách sinh hoạt trong dân gian; lớn đến các kỷ cương về đạo lý, ngõ hầu mới có lòng thiết tha đến nơi quê hương tổ quốc của mình. Lại trước khi biết đến cái tổ quốc lớn là toàn thể quốc gia, phải biết cái tổ quốc nhỏ là nơi địa phương mình sinh trưởng đã” (Nam phong, số 150, tháng 5-1930; tr.145)...
Rõ ràng là vượt qua những áp đặt tuyên truyền tư tưởng chính trị “Pháp - Việt đề huề” và hạn chế lịch sử không tránh khỏi, song phải ghi nhận các trang du ký trên Tạp chí Nam phong đã tiếp nối được tinh thần yêu nước và niềm tự hào dân tộc từ cội nguồn văn học ông cha. Trong một chừng mực nhất định, nhiều trí thức cựu học và tân học đã biết lợi dụng diễn đàn công khai để khơi gợi và giáo dục tình cảm yêu nước, nhắc nhớ lại truyền thống đấu tranh anh dũng ngàn năm thông qua việc du ngoạn, thăm viếng, tưởng niệm các danh nhân đất nước (An Dương Vương, Lý Thái Tổ, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Nguyễn Trãi, Quang Trung...) và các di tích lịch sử (Cổ Loa, đền Lý Bát Đế, hồ Hoàn Kiếm, Hoa Lư, lăng điện xứ Huế, danh thắng Banà, Ngũ Hành Sơn, Sài Gòn, Tây Đô, Phú Quốc, Thạch Động, Hà Tiên)...
Trên cơ sở giao thông từng bước phát triển mà nhu cầu hiểu biết, giao lưu văn hoá ngày càng mở rộng từ Bắc vào Nam, từ nơi đồng bằng đến miền núi, từ vùng sâu vùng xa tới thị thành, từ trong nước cho tới nước ngoài. Không phải ngẫu nhiên mà cảm hứng được đi xa nhờ các phương tiện ô tô, xe lửa, tàu thuỷ, tàu bay vốn gắn liền với kỹ nghệ thời hiện đại đã đem lại cho người viết biết bao những cảm xúc mới lạ, hấp dẫn. Nhu cầu ĐI (kể cả thời gian, cách thức và phương tiện) và XEM (xem gì, khả năng chiều sâu nhận thức và hiểu biết, khám phá về xứ sở du lịch) đã kích thích mạnh mẽ tâm thức sáng tạo của các nhà du hành... Như chúng tôi đã nhấn mạnh, thể tài du ký có thể thu nạp nhiều phong cách thể loại, bao quát nhiều điểm nhìn chủ thể tác giả và nội dung hiện thực khác nhau. Với các tác phẩm du ký trên Tạp chí Nam phong, xin phân loại và dẫn giải thành mấy đặc điểm chính sau đây.
- Có một dòng du ký mang tính quan phương, sự vụ, công vụ. Kiểu du ký này thường do các trí thức, ký giả quan lại ghi chép. Mặt khác, vì Tạp chí Nam phong chịu sự chỉ đạo và quản lý trực tiếp của chính quyền đương thời nên buộc phải phát ngôn tiếng nói quan phương cũng là điều dễ hiểu. Tuy vậy, các trang du ký này vẫn thể hiện được niềm tự hào dân tộc và cảm xúc chân thành trước vẻ đẹp non sông đất nước. Hơn nữa, từ quan điểm lịch sử mà đánh giá sẽ thấy nhiều trang du ký như Cùng các phái viên Nam kỳ (Thượng Chi); Một tháng ở Nam kỳ, Mười ngày ở Huế, Pháp du hành trình nhật ký (Phạm Quỳnh); Tổng thuật về việc phái bộ Bắc kỳ đi quan sát đường xe lửa Vinh-Đông Hà, Lược thuật hành trình cuộc ngự giá Bắc Tuần, Ngự giá Nam tuần hành trình ký (Song Cử), Lược ký đi đường bộ từ Hà Nội vào Sài Gòn (Mẫu Sơn Mục N.X.H)..., lại thực sự có giá trị sử liệu để xem xét nhiều sự kiện văn hoá - xã hội và định vị hoạt động tổ chức hành chính của giai tầng công chức thượng lưu dưới thời thực dân phong kiến.
- Có một dòng du ký viễn du - những chuyến du hành vượt biên giới, đòi hỏi cả nguồn kinh phí, yêu cầu công việc và ý chí của người ham hoạt động, ham xê dịch. Đặt trong bối cảnh văn hoá - xã hội đương thời thì các du ký này quả đã mở ra những chân trời nhận thức mới, đưa lại niềm phấn khích bởi những trang ghi chép, miêu tả sống động của người trong cuộc, người trải nghiệm, chứng nghiệm. Đó là những du ký dài hơi, phong phú, hấp dẫn như Hạn mạn du ký kể lại cuộc đi chơi phiếm qua Bangkok - Hương Cảng - Nhật Bản - Thượng Hải - Nam Kinh - Quảng Tây - Quế Lâm - Bắc Kinh - Tứ Xuyên - Quảng Đông và trở về nước, in 6 kỳ (Nguyễn Bá Trác); Pháp du hành trình nhật ký kể về chuyến đi trong sáu tháng, từ khi dời bến Sài Gòn ngày 15-3-1922, những ngày lênh đênh trên biển và ở lại thăm thú nước Pháp văn minh hoa lệ, cho tới ngày 11-9 về tới cảng Hải Phòng- in 27 kỳ; Du lịch xứ Lào, in 2 kỳ (Phạm Quỳnh); hoặc các bài khác như Ai Lao hành trình (Trần Quang Huyến), Ngự giá Âu du tổng thuật (N.P), Học sinh An Nam ở bên Pháp (Thôn Đảo), Trên đường Nam Pháp (Tùng Hương)...
- Có một dòng du ký thiên về khảo cứu danh nhân lịch sử, truyền thuyết và sự tích liên quan tới một địa điểm cụ thể. Loại du ký này thường là kết quả sau một chuyến picnich giới hạn trong thời gian ngắn, kiểu như Ba Bể du ký (Nhạc Anh Hoàng Văn Trung), Du Ngọc Tân ký, Du Tử Trầm Sơn ký, Bài ký chơi Cổ Loa, Cuộc đi chơi năm tầng núi, Cuộc đi chơi Sài Sơn (Tùng Vân Nguyễn Đôn Phục), Banà du ký (Huỳnh Bảo Hoà), Thăm lăng Sĩ Vương, Nam du đến Ngũ Hành Sơn (Nguyễn Trọng Thuật)...
- Có một dòng du ký hướng tới khảo sát, giới thiệu cả một vùng văn hoá rộng lớn. Loại du ký này đòi hỏi người viết có thời gian du ngoạn theo “tua” dài hơi và đòi hỏi vốn kiến văn sâu rộng, có sự chuẩn bị tư liệu công phu và ghi chép thực địa kỹ lưỡng. Các du ký tiêu biểu kiểu này có Mười ngày ở Huế, Một tháng ở Nam kỳ, Chơi Lạng Sơn, Cao Bằng (Phạm Quỳnh), Bài ký phong thổ tỉnh Tuyên Quang (Nguyễn Văn Bân), Hành trình mạn ngược, từ Cao Bằng xuống Phú Thọ (Thái Phong Vũ Khắc Tiệp), Cuộc xem cổ tích miền Đông bắc tỉnh Hải Dương (Nguyễn Đôn Phục), Các nơi cổ tích đất Nghệ Tĩnh, Các lăng điện xứ Huế (Nguyễn Đức Tính), Quảng Xương danh thắng, Tây Đô thắng tích, Ninh Bình phong vật chí (Thiện Đình), Cảnh vật Hà Tiên (Đông Hồ và Nguyễn Văn Kiểm)...
- Có một dòng du ký mà yếu tố “vị nghệ thuật” chiếm phần quan trọng, ở đó người viết chấm phá một vài nét phong cảnh thiên nhiên, cuộc sống đời thường bình dị hay thoáng qua niềm vui văn hoá lễ hội, đình đám. Đó là các bài Chảy chùa Hương (Thương Chi), Cuộc đi quan phong làng Thượng Cát (Tùng Vân Nguyễn Đôn Phục), Một buổi đi xem đền Lý Bát Đế (Phạm Văn Thư), Cuộc thưởng ca ở làng Hữu Thanh Oai (Nguyễn Mạnh Hồng), Cuộc chơi trăng sông Nhuệ (Mai Khê), Thăm ông Phạm Quỳnh (Nguyễn Văn Kiêm), Tết chơi biển (Trúc Phong), v.v...
Trên thực tế việc phân chia các phương thức, kiểu loại, nội dung du ký như trên chỉ có ý nghĩa tương đối. Song dù có khác nhau thế nào thì các tác phẩm du ký vẫn hướng tâm ở phương thức ĐI và XEM, đặt cược vào tính tích cực chủ thể là người trực tiếp Chứng Nghiệm - Trải Nghiệm và vươn tới phẩm chất “vị nghệ thuật” chân - thiện - mỹ cao đẹp, ít nhiều gián cách với thế tục lầm than. Xin lưu ý,                                                 trong phần Mục lục theo bộ môn, đề mục XIV- Du ký, du hành, nhà thư mục học Nguyễn Khắc Xuyên thống kê chi tiết danh sách 69 tác phẩm du ký đã in trên Tạp chí Nam phong. Tuy nhiên, có một số tác phẩm đúng là thuộc thể tài du ký song lại do tác giả người nước ngoài viết về phong cảnh nước ngoài (các mục bài Ai Cập, Một mình giữa bể Đại Tây, Hoà Lan du ký, Thăm miếu ông Khổng, Cảnh vật Nhật Bản, Du lịch về phía Nam nước Tàu), hoặc là bản dịch tác phẩm từ thế kỷ XVIII (Thượng kinh ký sự của Lãn Ông Lê Hữu Trác), do đó chúng không thuộc bộ phận du ký Việt Nam hiện đại.
II. DU KÝ TRÊN TẠP CHÍ NAM PHONG VÀ CÁC VÙNG VĂN HOÁ
1. Du ký về văn hoá vùng cao phía Bắc
       Tìm lại Tạp chí Nam phong chúng ta thấy xuất hiện các trang du ký viết về miền núi phía Bắc hoặc trên đường lên vùng cao phía Bắc với tên tuổi Nguyễn Văn Bân, Nhạc Anh Hoàng Văn Trung, Phạm Quỳnh, Nguyễn Thế Xương, Thái Phong Vũ Khắc Tiệp,... Các tác giả này hầu hết là quan lại địa phương, nhà giáo hoặc ký giả báo chí qua thăm miền Cao - Bắc - Lạng - Hà - Tuyên - Thái - Hòa Bình - Lai Châu và sau đó thuật chuyện lại. Những trang du ký này vừa có ý nghĩa văn chương vừa là những tư liệu khảo sát, điền dã về địa lý, lịch sử, phong tục tập quán, góp phần nâng cao nhận thức cho độc giả về thực tế miền sơn cước - nhất là trong điều kiện thông tin báo chí hồi đầu thế kỷ còn rất hạn chế.
       Trong ghi chép Hành trình mạn ngược từ Cao Bằng xuống Phú Thọ, ngài Huấn đạo trường Pháp - Việt Phú Thọ là Thái Phong Vũ Khắc Tiệp tường tả lý do chuyến đi: “Tháng Octobre 1920 vừa rồi, ký giả mới ở Cao Bằng đổi về Phú Thọ. Ra về tự hôm 23 Décembre, đến hôm 26 thì tới nơi.Trong bốn hôm trời, từ mạn ngược về đàng xuôi, lịch duyệt không biết bao nhiêu là cảnh trí: nào núi cao rừng rậm, vực thẳm hang sâu; nào khoáng dã bình nguyên, danh lam cổ miếu; kìa nơi thành thị, nọ chốn thôn quê; nước non này, phong cảnh ấy, thực là cảnh rất nên thơ; tưởng phải có cái tài cao, cái học rộng, cái con mắt tinh đời, cái tấc dạ như hoa thêu gấm dệt, cái tay khiến ngòi bút như nước chảy mây bay, thời mới tả hết được cảnh thiên nhiên của tạo hóa, kỹ xảo của nhân công, thắng tích của hàng trăm nghìn năm còn để lại”... Sau khi chép bài thơ từ biệt Cao Bằng, tác giả viết tiếp: “Từ biệt xong mới bước chân lên ô tô, thời trong lòng rất là bối rối: Ngại ngùng một bước một xa - Tiễn nhau nhớ khách quan hà hôm nay! Ô tô dần dần chạy nhanh lên, ngoảnh mặt lại không nhìn thấy thành phố Cao Bằng, không trông thấy bằng bối cũ với các học sinh, thời trong lòng lại càng bối rối hơn nữa: Càng trông lại mà càng chẳng thấy - Thấy xanh xanh những mấy tầng non! Xe chạy càng mau, trông lại nước non cũ lại càng xa tít. Lúc bấy giờ ngồi một mình nghĩ vơ nghĩ vẩn, nghĩ đến cảnh gió trăng sông Bằng Thủy, hoa cỏ đất Vườn Cam, thời làm cho cái tư tưởng mình nó hình như lớp lớp sóng dồn, không thể nào không cảm cho được”...
Theo dòng du ký tuyến biên ải phía Bắc đáng chú ý có bài Chơi Lạng Sơn, Cao Bằng của học giả nổi tiếng Phạm Quỳnh. Mở đầu bài viết, tác giả dẫn giải kỹ lưỡng phương thức lựa chọn tư liệu và cách thức viết du ký... Sau khi kể chuyện đoạn đường xe lửa từ Lạng Sơn qua Đồng Đăng, tới Na Sầm (còn gọi là Na Cham), tác giả thuật tiếp chuyến đi bằng ô tô đến Thất Khê và Cao Bằng: “Phong cảnh tự Thất Khê trông mới kỳ thú thay! Chỗ thời những núi đá cao hiểm trở, chồng chất nối tiếp nhau không dứt, cây rậm như rừng; cây lớn, cây nhỏ, cây giây leo chằng chịt quấn quít, rối rít như mớ bòng bong, thật không đâu có núi đá sầm uất đến thế. Thường bên đường có khe nước chảy, chỗ thời róc rách, chỗ thời đào dào như tiếng thác nhỏ, nhưng nhiều khi cũng cây cối um tùm che lấp cả. Có lẽ bởi có nhiều suối nhiều khe tẩm tưới mát mẻ nên loài thực vật mới phồn thịnh đến thế. Chỗ nào khe rộng nước nhiều, cây cao bóng mát thời bọn phu tải ngựa tải xuống bì bõm tắm giặt; coi các cái trạng thái con ngựa khi cúi đầu uống nước, khi ngửng cổ rống lên, khi xoay xỏa vẫy vùng, khi thung thăng bước một, thật đáng một bức tranh Hàn Cán nhà Đường. Chỗ thời hết núi đá cây rậm đến đồi đất cỏ xanh, ngổn ngang bát ngát, coi xa rập rờn như sóng bể. Lại chỗ thời đột ngột những ngọn cô phong, cách nhau bằng những thung lũng nhỏ, có ngòi nước chảy, có ruộng cấy cày. Những xem các phong cảnh này cũng đáng đi Cao Bằng một chuyến”... Đồng thời với việc thuật lại cảnh đón tiếp, diễn thuyết trong hội Trí Tri; việc đi thăm sở nuôi ngựa lai giống Phi châu bên phủ lỵ Hòa An, đi thăm miếu vua Lê ở địa hạt làng Na Lữ, học giả Phạm Quỳnh mô tả chi tiết và đánh giá cao hình thức sinh hoạt hát Then cùng ngày trở về: “Quan châu Hà thời đặt ở nhà một cuộc tiêu khiển riêng của xứ này là cuộc phụ tiên, đây gọi là Then hay Bụt (Tiên, Phật). Then hay Bụt thường là những đàn bà con gái óng ả lắm, đã học thuộc nhiều các bài văn cúng, nhà nào muốn làm lễ kỳ yên thời mời đến gẩy đàn đọc văn, cầu nguyện cho trong nhà được bình yên mạnh khỏe.Trên giừng bày lễ vật hương hoa, cô Then ngồi bên cạnh, tay cắp cây đàn, chân đeo tràng nhạc, miệng hát, tay gẩy, chân rung, dịp dàng lắm. Giọng hát tỉ tê thánh thót, nghe rất là buồn, như giọng gọi hồn vậy. Tưởng giá nghe chỗ vắng vẻ thời rùng mình như tiếng vong hồn nhắn người dương thế vậy. Nhưng cũng có một cái thú âm thầm não nuột. Không trách đàn bà con gái có người mê lắm, quyến luyến Then, sắm sửa chăm chút cho Then như đối với người có tình vậy. Cô Then ngồi đọc văn gẩy đàn như thế thường là suốt đêm, có khi cả đêm cả ngày không sịch chỗ, không đứng dậy mà không đổi giọng, không đứt tiếng, hình như người nào đọc được nhiều, giọng được tốt là người có tài vậy”... Có thể nói nhờ những trang du ký của học giả Phạm Quỳnh như thế mà chúng ta hiểu rõ thêm phần nào tình hình đời sống xã hội, mức độ phát triển giao thông, vài nét phong tục tập quán và những thắng cảnh tiêu biểu ở vùng núi Lạng Sơn-  Cao Bằng vào thập kỷ hai mươi của thế kỷ trước, cách ngày nay đã gần một thế kỷ. Đây cũng là những trang tư liệu cụ thể, sinh động, ngày càng trở nên có ý nghĩa.
Nói riêng về vùng biên viễn Thất Khê - Cao Bằng, Nguyễn Thế Xương có bài du ký Mấy ngày chơi Thất Khê. Chuyến du ngoạn khởi hành vào 6 giờ sáng ngày 23 tháng 8 năm Đinh Mão (tức ngày chủ nhật, 18- 9- 1927), đi bằng xe lửa từ Hà Nội đến Đồng Đăng rồi đi tiếp bằng ô tô đến Cao Bằng. Ngoài việc đến thăm các làng bản, thăm chùa, tìm hiểu chế độ quan nha, nhân chủng, tục lệ, nhà du ký còn ghi chép và nhận xét thực tế tình hình học đường nơi vùng cao: “Đến 2 giờ chiều tôi định vào chơi trường, chào ông Đốc cùng các ông giáo, với xem các học sinh ở đường rừng học tập thế nào. Khi vào trường, trường này có sáu lớp, lớp nhất ông Đốc Nguyễn Huy Hoàng, lớp nhì A ông giáo Đỗ Thọ, lớp nhì B thì ông giáo Ngô Nghiêm, lớp ba ông giáo Nguyễn Văn Đệ, lớp tư ông giáo Nguyễn Lê Kỳ, lớp năm ông giáo Đỗ Mẫn. Tôi vào chào ông Đốc cùng các ông giáo, các ông đều chào lại và bảo học sinh cùng chào một cách rất lễ độ. Tôi nhân có mấy lời để dãi bày rằng: Tôi đây nhân đi du lịch Thất Khê vào chào ông Đốc cùng các ông giáo với xem các cậu học, lòng  thành sốt sắng của tôi, xin chúc ông Đốc cùng các ông giáo dạy được nhiều anh tài để ganh đua ở thời kỳ tiến hóa, chúc các cậu học được chóng tấn bộ để tiến lên trình độ văn minh thì tôi lấy làm vinh hạnh vô cùng. Tôi nói xong các học sinh đều vỗ tay, rồi tôi nhân đi xem các lớp học, hỏi ra thì học sinh tới đến 300 người; chữ quốc ngữ, chữ Pháp viết cũng khá đẹp, tiếng Pháp hoại, tiếng quốc ngữ nói đã cùng thông, cách mặc thì hoặc dùng Tây phục, hoặc dùng nam trang, tôi không biết người nào là người Kinh, người Khách, người Thổ, người Nùng cả, mới biết truyền bá văn minh cốt là do ở con đường giáo dục. Ông Đốc mới đón vào chơi buồng khách nói rằng trường đây năm ngoái được bảy tám người đỗ bằng tốt nghiệp, hiện nay học ở Hà Nội, mới biết thời đại văn minh dạy người rất khéo, dẫu người Mán, người Thổ cũng đã có người học thói Tây phương; hồi tưởng lạ thay, mình là người Thất Khê du lịch khách mà thành ra người Thất Khê quan sát sứ, nhân ngâm một bài luật”... Qua mấy ngày nhàn chơi Cao Bằng, tác giả có lời kết cho bài du ký: “Sau về tới Lạng Sơn, nghĩ đến cuộc 8 ngày du lịch Thất Khê cũng là một sự ngẫu nhiên. Sự này tuy bởi tại người nhưng mà cũng bởi tự trời khiến chăng. Cuộc này sánh với các nhà du lịch năm châu thực cũng chưa lấy gì làm lạ, so với những cuộc các nhà nhàn quan bốn bể thực cũng chưa lấy gì làm kỳ, nhưng vì nước non vẫn nước non nhà có lẽ lại thờ ơ mà chẳng ghi nhớ lại sao?”... Như vậy là ngoài việc tường thuật lại những điều tai nghe mắt thấy, tác giả đã bộc lộ niềm vui và cả niềm tự hào dân tộc qua một chuyến du ngoạn lên miền cao Thất Khê- Cao Bằng.
Trong Bài ký phong thổ tỉnh Tuyên Quang, án sát sứ Nguyễn Văn Bân đã kể lại vị trí địa lý và đời sống người dân ven sông Lô, trang phục và lễ cưới của người Mán, phố núi huyện Yên Sơn, ngòi Lù thuộc châu Hàm Yên, đền Tam Cờ - núi Giùm thuộc châu Yên Bình, chùa Hang ở huyện Yên Sơn; đồng thời kể lại chuyến thăm động Thiện Kế ở châu Sơn Dương và mô tả nơi suối nước nóng: “Suối ôn tuyền ở xã Nhân Giả, huyện Yên Sơn, ở cạnh con đường đi phủ Yên Bình, chỗ cột ki-lô-mét thứ 15, suối như hình con cá, đầu hơi tròn như cái giếng, đuôi dài và hẹp, bùn suối như tro ướt, nước suối như nước hâm, miệng suối có khói trắng bay ra, khí nóng trong suối xông ra như mùi than khét; giáp suối lại có cái suối chảy ngành qua trước cửa, nước trong và lạnh, cho hai suối hợp khâm, thử vén áo quần đứng xem, thấy một bên nóng một bên lạnh, thực là kì dị (thói đời nóng lạnh, xem suối này khá biết), thử lấy tay gạt bùn múc nước thì nóng như nước sôi, không thò tay xuống được vì nước suối đã nóng mà bùn suối thì nhiệt độ lại hơn nhiều. Nhân có bài thơ phụ lục để biết sự thực:
                                               Hỏi làng Nhân Giả cảnh chi hay,
                                               Nào suối ôn tuyền hẳn phải đây.
                                               Lò Tạo có khi còn ấm lạnh,
                                               Nước này vẫn nóng tự xưa nay.
                                               Hơi đưa miệng giếng mùi than khét,
                                               Gió thoảng đầu khe ngọn khói bay.
                                               Nghĩ cũng lạ cho nguồn suối ấy,
                                               Ai đun mà sủi cả đêm ngày...”.
Trong bài Ba bể du ký viết vào cuối năm Tân Dậu (1921), Phán sự toà công sứ Bắc Cạn là Nhạc Anh Hoàng Văn Trung đã ghi lại cảm xúc khi qua thăm hồ Ba Bể: “Nhân dịp mấy ngày nghỉ lễ Pentecôte đầu năm nay, ký giả cùng mấy ông bạn ngoạn du miền danh thắng ấy. Ôi! ký giả được nhất kiến một nơi đại thắng cảnh như thế là nhất thứ, thấy cảnh trí lắm vẻ thiên nhiên, kì hình dị trạng, sơn thuỷ hữu tình, khiến nên lòng cảm hứng vô cùng, nên lược thuật ra bài du ký này để cống hiến đồng bang cộng lãm, vẫn biết trí mọn tài hèn, văn chương quê kệch, không đủ mà miêu tả được hết cái thần tình bức tranh của thợ tạo, nhưng còn mong các bậc thi nhân tài tử, mặc khách tao nhân sau này đi vãn cảnh Ba Bể sẽ đem ngọn bút tài hoa, câu thơ diệu bút tô điểm cho bức tranh sơn thuỷ ấy được mười phần diễm lệ vậy”. Tác giả cũng kể rõ từ việc sắm sửa hành lí, thời tiết, phương tiện ô tô, tình trạng đường xá, phong cảnh, thổ sản trên từng đoạn đường, đặc biệt là những thắng cảnh như hang Buông, gò An Mã, nguồn sông Trợ Điển và cảnh thuyền trên sông nước, đôi khi là một nét vẽ thoáng qua cảnh lao động nơi sông nước: “Khi ấy mặt trời đã gần đứng bóng, gió mây im lặng, bốn bề vắng ngắt như tờ, một chiếc thuyền lênh đênh mặt nước. Trời mây man mác, bể núi mông mênh, thuyền ai thấp thoáng bồng bềnh xa kia? Khi gần lại thời tức là một chiếc thuyền độc mộc mà một bọn “lục sao” đang uốn éo lưng ong, khoan khoan tay lái, bơi nhanh thoăn thoắt trên mặt biển rộng mênh mang. Ôi! Chiếc thuyền rất nhỏ bé, vừa bằng một ôm, thế mà khách liễu yếu đào thơ vẫn cười nói dịu dàng, mặt mày hớn hở, không chút quan tâm, khiến cho ký giả cũng phải khen thầm cái lòng can đảm ấy”... Ngoài ra, tác giả còn chỉ dẫn cách đi xe, giá vé, nơi ăn ở trên các đoạn đường và cả lời dặn về mùa du ngoạn: “Muốn đi Ba Bể nên đi vào quãng tự tháng mười cho đến tháng ba ta, tức là từ đầu mùa đông cho đến cuối mùa xuân là mùa tạnh ráo (saison sèche). Trong mùa ấy khí trời ấm áp, đường đất khô ráo, không có điều gì trở ngại cả. Còn về mùa mưa (saison des pluies) tức là hạ với thu, núi lở, đất lầm, xe ô tô không thể nào đi được”...
2. Du ký về vùng văn hoá Quảng Ninh
Quảng Ninh là vùng đất có nhiều thắng cảnh, nhiều điểm di tích lịch sử - văn hóa nổi tiếng như vịnh Hạ Long, núi Bài Thơ, chùa Long Tiên, núi Yên Tử, đền Cửa Ông, bãi biển Trà Cổ... Trong suốt thời trung đại, cha ông ta đã có nhiều bài thơ đề vịnh miền thắng địa này. Bước sang thế kỷ XX, nhiều tác giả như Nhàn Vân Đình, Trần Trọng Kim, Kiếm Hồ Nguyễn Thế Hữu... đã có bài ghi chép qua các chuyến du lịch Quảng Ninh, phác họa được nhiều cảnh quan và thực trạng đời sống kinh tế - xã hội một thời.
          Với ý nghĩa là vùng đất biên viễn Hải Đông có lịch sử lâu đời nhưng lại mới được khai mở, phát triển từ đầu thế kỷ nên xứ Quảng Ninh đã sớm thu hút, hấp dẫn du khách. Một trong những những phác thảo du ký sớm nhất kiểu này là Lệ Thần Trần Trọng Kim với bài Sự du lịch đất Hải Ninh. Trên thực tế đây chính là bài diễn thuyết ở Hội Khai trí (Hà Nội) vào ngày 29-4-1923, sau đó được in trên Tạp chí Nam phong (số 71, tháng 5-1923; tr.383-394). Tác giả đã khảo sát khá chi tiết tình hình đời sống xã hội ở vùng đất đang bước đầu được công nghiệp hóa - đặc biệt nhấn mạnh vẻ sinh động và hiện đại của thị tứ Hòn Gai: “Hòn Gai là đất tư của công ty lấy than. Trước đây là đất bỏ hoang mà bây giờ thành ra một nơi rất phồn thịnh, phố xá cũng nhiều, người làm ăn, phu phen đi lại thật là đông. Xe lửa chở than chạy đi chạy lại cả ngày cả đêm. Ở dưới bến thì tàu các nước đến lấy than, tàu nước Anh, nước Mỹ, nước Nhật ngày nào cũng có vài ba chiếc chực sẵn ở đấy”... Đọc lại mấy dòng mô tả quang cảnh nơi phố than cách nay gần một thế kỷ mà thấy gần gũi gần như buổi bây giờ.
Ngoài việc ghi chép lại nhiều hủ tục lạc hậu như tệ mua bán vợ, tục cúng bái, tác giả còn nêu rõ lối sống và sự giao dịch của cư dân miền biên giới, từ đó nhấn mạnh cả những hạn chế trong cách thức sản xuất và cạnh tranh kinh tế của người mình: “Về đường công nghệ thì cả tỉnh Hải Ninh chỉ có nghề làm bát ở Mông Cái là thịnh nhất. Nhưng đấy là của Khách chứ ta không có phần gì. Đâu trước có một hiệu mấy người ta cũng có phần, nhưng sau phải nhượng lại cho người Khách cả. Hiện bây giờ cả thảy có chín cái lò thật to... Những đồ họ làm tuy không đẹp, nhưng trông cũng sạch sẽ hơn những đồ phố của ta vẫn thường dùng, mà giá bán lại rẻ... Những đồ bán rẻ như thế mà lại tiện cho người ta dùng cho nên mỗi năm nước ta lại tiêu thụ đến 5,6 triệu cái, tính ra cũng đã mất khá tiền. Tôi xem nước nào cũng lo làm những đồ cần dùng cho người trong nước để giữ lấy mối lợi, không cho người ta tranh chiếm mất. Mà nước mình từ xưa đến nay cứ nghiễm nhiên đem tiền đi mua của người mà dùng, mà không biết nóng ruột. Những đồ bát đĩa để ăn uống cũng đi mua, những vải lụa mặc vào người cũng đi mua, đôi bít tất, đôi giầy, nhất nhất là phải đi mua của người ta cả, chứ người mình không làm được cái gì ra trò cả. Có làm thì xấu xí mà bán lại đắt, thì còn cạnh tranh với người ta sao được. Ai đi mua mất tiền lại không muốn mua đồ tốt mà rẻ. Vậy thì ta phải làm thế nào, dẫu không được tốt đẹp hơn, thì cũng bằng của người ta, mà giá lại bán rẻ hơn thì mới nói ganh với người ta được. Hãy tính rằng những đồ ở  ngoài đem vào bán thường phải thuê công đắt, lại phải tiền thuyền tiền tàu chở đi, rồi lại thuế nọ thuế kia, sao mà người ta bán được rẻ. Mà mình ở nước mình, người nhiều, sản vật cũng sẵn, sao mình không làm được? Ta phải lưu tâm về cái vấn đề ấy mà tìm cách làm ăn thế nào, chứ cứ chịu ép một bề mãi, thì không biết đời nào cho khá được”...
Tiếp đến tác phẩm Quảng Yên du ký (Nam phong, số 168, tháng 1-1932) của Nhàn Vân Đình thì cách diễn tả có phần dung dị, gần với cuộc du ngoạn núi sông, thăm thú cảnh vật đất trời nhiều hơn. Khi đi qua Hòn Gai, Cẩm Phả min, Cẩm Phả bo, Mông Dương..., Nhàn Vân Đình đều có làm mấy bài thơ đề vịnh phong cảnh. Khi đứng bên đền Cửa Ông, ký giả quan sát và ghi lại hình ảnh công cuộc hiện đại hóa với những chiếc phà sắt, máy xe điện, tầu ăn than... Tiếp đó tác giả tả lại con đường từ đền Cửa Ông tới mỏ Mông Dương với những ấn tượng khá hãi hùng, gợi không khí tò mò mạo hiểm.
          “Bóng thỏ thay đêm, tiếng gà đổi sáng, trông vào đồng hồ kim chỉ giờ sắp báo 7 giờ ngày 9 tháng Chạp năm 1929, kẻ thân nhân đãi cơm nước xong, cùng nhau mượn đường sang chơi Mông Dương...
          Hai con đường bộ sức lực khác nhau, tinh thần cũng khác nhau. Một đường thì đã rải đá, xe ngựa đi được, thỉnh thoảng có cây số dựng, những hành nhân đi lại đông, trông qua cũng đủ biết cái cảnh lâm tuyền tất đã có tay chủ nhân, mà bức đồ bản sáng sủa lạ tai lạ mắt đó tất cũng đã đứng vào cuốn sổ văn minh của xã hội hiện thời.
          Một đường thì trèo đèo vượt thác, vạch cỏ rẽ cây, lắm quãng đường đi tối om lại, những beo và hổ chạm người tránh vào rừng sâu, thành ra vèo vèo những cơn lốc cơn gió. Yêu khí lạnh lẽo, sơn lam chướng khí bốc lên ngùn ngụt, sởn cả tai váng cả óc, quãng thời gian không biết ngày hay đêm, sớm hay tối. May gặp những cánh hoa mai từ từ uốn éo có tự trong khe núi mọc ra, tiếng nước róc rách, hương nhị buông ra ngào ngạt, mới nhận lúc đó còn là mùa đông”...
          Qua đoạn dẫn trên có thể thấy rõ tác giả thiên du ký đang tường thuật, kể lại chuyến du ngoạn với tất cả những điều tai nghe mắt thấy, những trải nghiệm và cảm xúc riêng tư qua từng thời khắc, từng chặng đường cụ thể. Đặt trong bối cảnh những thập niên đầu thế kỷ XX, cuộc khai thác thuộc địa của người Pháp đã tạo nên một nhịp sống mới, làm thay đổi cảnh quan thiên nhiên vốn bao đời tĩnh lặng. Chính nhờ thế mà những trang du ký về miền đất Hòn Gai - Cẩm Phả - Móng Cái thấp thoáng không khí công nghiệp hóa, in đậm những suy tư trăn trở của người viết về sự đan xen, cạnh tranh Tây - Tầu hỗn tạp.
Cuối cùng chúng tôi giới thiệu những trang du ký hấp dẫn, sinh động của Kiếm Hồ Nguyễn Thế Hữu qua bài Hành trình chơi núi An Tử (Nam phong, số 105, tháng 5-1926, tr.325-334 và số 106, tháng 6-1926, tr.443-453). Trong phần mở đầu, dưới đề mục Sáu ngày ở núi An Tử, tác giả bộc lộ cảm xúc hân hoan của mình: “Tôi được đi đến nơi, về đến chốn, trăng gió một bầu, cỏ hoa trăm thức đã thu vào trong khoé mắt, tưởng cũng nên cầm bút viết ra để góp một phần gọi là cái quà đi An Tử về để biếu những người có lòng ước ao mà chưa rảnh đi được và những người ngại ngùng đường sá xa xôi không dám đi đến”; hoặc đoạn tả lối mòn lên núi đầy ý vị của kẻ ham xê dịch: “Đang đi thấy trời u ám đổ cơn mưa xuống, trong cái cảnh tượng lúc này đối với những khi ngồi xếp bằng tròn ở nhà đánh chén ngâm thơ, thì hai cái thú khác xa nhau. Được đội cái nón lá 3 xu, chống cái gậy trúc răm dóng, gió thổi hoa cười, nước chảy suối reo, lững thững đi trong rừng, chốc lại thấy mặt trời vén đám mây dòm xuống, ra tình đưa đón, tựa hồ như xem mình đã đi tới đâu rồi... Lại qua ba cái suối, rồi một lát đi đến suối Thả Bè, bên suối có bãi, thấy nói chỗ này người ta vào rừng đốn tre đốn gỗ, kết lại thành bè, chờ nước lên rồi thả trôi ra. Nghĩ cũng diệu kế thật! Đường núi quanh co, lên ghềnh xuống suối, cây gỗ cây tre thì dài, không thả như vậy, công đâu mà tha ra được. Thế mới biết cổ nhân ta ngày xưa dụng bằng trí hơn dụng lực”...
Cùng với việc mô tả cuộc du ngoạn qua các chùa Lân Giải, Hoa Yên, Vân Tiêu, Bảo Sát, Một Mái, Thiền Định, Cầm Thực, Tháp Mẫu..., tác giả phác họa khung cảnh chùa Đồng trên đỉnh non cao, giữa bốn bề mây gió: “Lên đến chùa Đồng thì 9 giờ 35, là đỉnh núi An Tử, chỗ giữa vuông ước bằng bốn chiếc chiếu, xây lên cái bệ, chung quanh đá mọc chơm chởm, trên thờ pho tượng đức Quan Âm và ba pho tượng đức Trúc Lâm mà thờ lộ thiên. Tôi hỏi ra trước cổ nhân có làm ngọn chùa bằng đồng, che mấy pho tượng, nhưng đã hư nát mất cả, duy mấy cái lỗ đá trước xây chân cột vào là còn dấu tích, bởi thế nên gọi là chùa Đồng. Về sau đây bà Bá Lồng lại đem cúng bình hương mâm bồng bằng đồng, một quả chuông, một cái khánh và cái khung chùa bằng sắt lợp đồng to bằng ba cái đình tháng tám trẻ con chơi. Nhưng mà gió trên này dữ lắm, cái chùa bay mất cả mái, bây giờ mới khiêng sang để bên cạnh. Xem như đến đồ thờ bằng đá sức to như thế mà cũng rơi vỡ cả. Cái khung chùa bây giờ để treo chuông khánh, vẫn tương truyền rằng lên đến đây không được nói to, nhất là không được đánh chuông, hễ ai đánh một tiếng chuông thì u ám cả trời lại, đổ cơn mưa xuống”...
Có điều cần chú ý rằng các bài du ký về xứ Quảng Ninh hồi đầu thế kỷ đều do người kinh kỳ phường phố viết sau những chuyến du ngoạn. Lấy Hạ Long - Hòn Gai làm điểm giữa, cảnh đẹp xứ Quảng kéo dài một phía về Cẩm Phả - Trà Cổ - Móng Cái và một phía đua về mạn Yên Tử. Người xưa nói: “Bậc đức nhân tìm về với núi, kẻ trí giả tìm về với biển”, cả hai kiểu tâm tính ấy hẳn đều được thỏa mãn khi tìm về xứ Quảng. Thêm nữa, kể từ khi miền bể Hạ Long được nâng tầm như một kỳ quan thiên nhiên thế giới thu hút du khách bốn phương thì những trang viết của bạn bè quốc tế càng nối dài thêm thể tài du ký Quảng Ninh vốn đã được lớp ông cha chúng ta khơi nguồn từ hồi đầu thế kỷ.
3. Du ký về vùng văn hoá xứ Huế
Trong khoảng nửa đầu thế kỷ, du ký xa gần liên quan tới xứ Huế  thấy xuất hiện trên Tạp chí Nam phong với tên tuổi những Phạm Quỳnh, Nguyễn Trọng Thuật, Mẫu Sơn Mục, Khuông Việt, Phục Ba, Mộng Thạch, Nguyễn Đức Tính, Nguyễn Tiến Lãng... Trong số các tác giả ấy có người sinh ra và lớn lên ở Huế, có người xa Huế nhiều năm bây giờ trở lại bỗng ngậm ngùi man mác tình xưa, và cuối cùng là những người mới một lần đến với Huế (hay chỉ một lần đi ngang sông Hương núi Ngự) bỗng vương màu áo tím mà thành trang du ký lưu lại cho đời.
Trong số các du ký viết về Huế hồi đầu thế kỷ thì  tiểu loại khảo cứu có ý nghĩa cung cấp thêm tư liệu lịch sử, ghi lại được chính xác nhiều chi tiết, cảnh quan văn hoá xưa mà nhiều mảng màu ngày nay đã phôi pha hoặc không còn nữa. Theo cách miêu tả của Nguyễn Đức Tính trong Các lăng điện xứ Huế (Nam phong, số 141, tháng 8-1929)  thì đó là chương trình kiến tập, thực tập của ban du lịch Trường Quốc học Huế để "cung chiêm cung điện, lăng tẩm". Bởi theo ông: "Tới Huế có đi  cung chiêm lăng tẩm, cung điện của Huế thì mới biết Huế là thế nào". Tiếp đó ông mô tả chi tiết khu Hoàng thành và chín chiếc đỉnh đúc từ năm Ất Mùi (1835), thăm lăng Thiên Thụ, điện Sùng Ân, điện Ngọc Trản và câu chuyện bất chợt gặp ông quan hưu trí  Nguyễn Đình  Hoè: "Vả từ khi về hưu trí thì quan Thượng lại lên vỡ hòn núi ở sau núi Ngọc Trản để lập trại làm chè, cho nên nhân tiện quan Đốc đưa học trò vào đó mà xem cách trồng chè đã, rồi sau mới ra xem điện. Thầy trò vào trà nước xong rồi thì quan Thượng dẫn ra xem trại của ngài"...
Vào hồi đầu thế  kỷ, do chữ Quốc ngữ phát triển và nhu cầu thông tin, giao lưu văn hoá tăng mạnh khiến cho loại du ký phong tục, ghi chép về lễ hội, tường thuật các  cuộc triển lãm - đấu xảo - chợ phiên có dịp nảy nở… Khác với Hà Nội và Sài Gòn có dân số đông, nền kinh tế phát đạt thì xứ Huế vẫn trang trọng như là một nơi bảo lưu được vẻ cổ kính, truyền thống xưa cũ, xứng đáng là nơi đế đô,  đất " thần kinh". Ông Phạm Quỳnh trong bài Mười ngày ở Huế (Nam phong, số 10, tháng 4-1918) đã không chỉ phác thảo cảnh quan xứ Huế mà còn cảm nhận lại được cái "cữ thời gian" hợp lý nhất để đi du lãm lăng miếu, thắng cảnh: "Có người Pháp rất mến cái cảnh những nơi lăng tẩm của ta đã từng nói, muốn đi xem lăng phải đi vào những ngày gió thu hiu hắt, giời đông u ám thì mới cảm được hết cái thú thâm trầm"; hoặc cả chiều sâu kinh nghiệm trong cách lựa chọn kiểu cách và phương tiện đi du lịch: "Đi xem lăng có thể đi xe tay từ Huế, ước mất bốn năm giờ đồng hồ. Nhưng đi xe không bằng đi thuyền, tuy mất nhiều thì giờ hơn mà thú hơn nhiều. Thuyền chèo từ nửa đêm, ước tám giờ sớm mai tới nơi, đi xem suốt một ngày, chiều tối chèo về, nửa đêm đến Huế, cả thảy không đầy hai đêm một ngày mà được nằm nghỉ thảnh thơi ngắm cảnh sông Hương, không mỏi mệt như ngồi trên xe". Ấy là nói cái thú và tốc độ sinh hoạt của người sống cách hôm nay dư tám chục năm rồi, chứ chuyện tầu xe bây giờ chắc đơn giản lắm! Trong thiên du ký Mười ngày ở Huế, tác giả không chỉ xem cảnh ngắm đền, miêu tả tỉ mỉ ngày lễ Tế giao đích nhật đêm 12 rạng 13 tháng 2 năm Mậu Dần, tức 24 và 25-3-1918 (cũng có đủ cả múa bát dật, hát Võ thiên uy, Văn thiên đức) mà gắng tìm hiểu chiều sâu phong hoá xứ Huế - những con người vốn là chủ nhân ông của Huế: "Đêm khuya nghe tiếng chuông chùa với tiếng gà gáy xa đưa văng vẳng ở giữa khoảng giời nước long lanh mà cảm đặt thành câu ca cho con trẻ hát, ấy mới rõ tính tình của người xứ Huế. Cho nên ở Huế, phong cảnh đã xinh, những nơi lăng tẩm đã đẹp, mà dễ quí nhất là những nhân vật của xứ Huế vậy. Tôi tiếc vì không ở được bao lâu, trong khoảng mười ngày lấy đâu mà biết cho khắp những bậc danh sĩ cao nhân, thường là người ẩn dật, không phải hằng ngày mà gặp được ". Rồi tác giả dành hơn một trang dẫn chứng về Nữ sử Đạm Phương và dòng văn Nguyễn Khoa, lại đặc cách giới thiệu hai bài thơ Nhớ cảnh núi và thêm bài Nhớ bạn theo lối liên hoàn của bà.
Đến Phục Ba với Cuộc đi chơi Huế (Nam phong, số 157, tháng 12-1930) có lẽ là một hồi ký hơn là những ghi chép tức thời. Tác giả kể rằng lần đầu đến Huế từ 1906, còn chuyến đi đang được kể lại diễn ra vào năm 1916 và hơn mười năm sau đó mới in báo. Hãy xem ông viết: "Hồi tưởng hai mươi sáu năm về trước đến bây giờ vẫn in sâu trong trí não, chửa bao lâu mà cái quang cảnh đã khác xưa, khác tự hoàn cảnh nó thay đổi... Cuộc đời kim cổ, bước khách giang hồ, ai giục ta đi, ai ngăn ta lại, thôi cũng phiếm du một dạo cho thoả chí tang bồng"... Cũng có phần tương tự, Nguyễn Tiến Lãng trong du ký Lại tới thần kinh (Nam phong, số 200+204, tháng 7+9-1934) đã nói rõ mình tới Huế đây là lần thứ tư với công việc làm báo. Cùng với những đoạn tả cảnh, tả việc, tả người xứ Huế thì vẫn canh cánh trong ông những nhớ thương một thủa, bảng lảng như  mất như còn, bâng khuâng thảng thốt: "Huế, cái tỉnh thật đúng với tên gọi là HUÊ, cái đất khiến cho người phải yêu mê yêu mệt! Xưa kia được thấy Huế, đó là một điều mong ước cần nhất, quí nhất của khách này... Cùng em gặp gỡ, Huế ơi, lần đầu kể tới nay đã được bốn năm trời. Vì em, ta lúc ấy còn là học trò ban Triết học trường Allbert Sarraut, bỏ cả học hành luôn mấy buổi; một thầy giáo cũ ở bên trường Bảo hộ, ông Foulon, cùng ta  làm bạn tìm em... Cùng em gặp gỡ, Huế ơi, lần thứ hai... Thần kinh điểm nét mưa xuân, ta thăm vườn Tĩnh Tâm, thăm cung điện, miếu đền, ta mến cái phong cảnh trong thành và những khắc giờ im lặng, cái thú vị sông Hương cùng các hương thơm của sông Hương. Nhưng bao nhiêu cái đó ta cũng chỉ nếm biết một ly mà thôi; dạ chưa thoả, đã lại phải xa em, xa em mà trong lòng còn tiếc bao nhiêu tình cảm chưa được hưởng... Ngày ngày, tháng tháng, năm năm, thấm thoát một lần thứ ba nữa lại cùng em tương kiến... Bây giờ lại tới Thần kinh một lần thứ tư này, sẽ tới Thần kinh do chuyến xe tốc hành đang vùn vụt chạy trong đêm rộng trời khuya này, không biết khi tới thì có được xem cái vẻ mặt mới mẻ của kinh thành Huế ?"...
Lại có những ký giả không sống, không ở lâu với Huế mà chỉ đi lướt qua, thoáng qua mà thành nỗi ám ảnh. Nguyễn Trọng Thuật trong Nam du đến Ngũ Hành Sơn (Nam phong, số 184+185, tháng 5+6-1933) đã dành số lớn trang viết kể về những ngày tạm dừng chân ở Huế, trước khi đến thăm Ngũ Hành Sơn. Đáng chú ý ở đây có đề mục Thăm người tiếp chuyện kể về việc tác giả cùng các ông Đông Châu Nguyễn Hữu Tiến, Cát Thành, Đông Mĩ tìm đường đến Đông Ba thăm tiên sinh Huỳnh Thúc Kháng, qua Yên Cựu thăm Nghị trưởng dân biểu Nguyễn Trác và Thư ký viện Dân biểu Trung kỳ Trần Bá Vinh; hoặc đề mục Từ Huế ra cửa Hàn, tác giả rất mực đề cao Công ty dịch vụ du lịch Hào Hưng vừa nhạy bén trong kinh doanh vừa chu đáo, khéo léo trong ứng xử với khách hàng...
Một bài viết khác của Mẫu Sơn Mục N.X.H nhan đề Lược ký đi đường bộ từ Hà Nội vào Sài Gòn (Nam phong, số 129, tháng 5-1928) lại phân biệt cuộc đi chơi với đi xem lăng tẩm, song vẫn cứ còn nuối tiếc và tự an ủi:" Chiều 6 giờ đến Huế, khi đi khi về đều vội cả, tôi tiếc không được ở lại vài ngày để xem cung điện, lăng tẩm - nhưng cái này thuộc về mĩ thuật, không phải là chủ đích cuộc đi chơi, cho nên cũng không cần lắm".  Rồi ông có cách quan sát và đúc kết lý thú: "Ở Huế đẹp nhất là con sông Hương Giang, nước sông trong mà thường đầy, khúc trên thì cây cối um tùm, xóm gianh ẩn ước, đò ngang dịu dàng, ra bức tranh sơn thủy cổ ...; lấy con mắt cũ mà xem thì kỳ đài Ngọ Môn trang nghiêm vô hạn, mà lấy con mắt mới mà xem thì cái vẻ trang nghiêm này cơ hồ bị cái vẻ tráng lệ lâu đài tối tân ngập lụt đi mất cả... Nói tóm lại, kinh đô Huế là nơi phong cảnh xinh đẹp, êm đềm u nhã...". Như vậy là biết bao những khách "qua đàng" đã chẳng thể hững hờ với Huế, mong muốn thăm danh lam thắng cảnh và tìm hiểu cả chiều sâu văn hoá Huế.
*
*  *
Cùng với sự phát triển của chữ Quốc ngữ, báo chí và chính cơ sở kinh tế xã hội đã cho phép thể tài du ký trên Tạp chí Nam phong có điều kiện hưng khởi. Các tác giả viết du ký vừa nhằm thoả mãn hứng thú nội tâm, trình bày những cảm xúc cảm nhận riêng tư vừa hướng tới giới thiệu những điều trải nghiệm tai nghe mắt thấy liên quan tới mỗi thắng cảnh và di tích lịch sử. Đó cũng là nhu cầu tự nhiên kết nối giữa chủ thể sáng tác và phía tiếp nhận, nghĩa là bạn đọc cũng sẽ được hướng dẫn đi tham quan, du lịch, hành hương về Xứ Đẹp và cội nguồn lịch sử dân tộc nhờ chính các trang du ký...