DANH SÁCH BÀI VIẾT

Sunday, December 11, 2011

ĂN ONG RỪNG U MINH HẠ

Nhà văn Sơn Nam trong truyện ngắn Hương Rừng của mình có kể chuyện rừng U Minh thuở còn “u u minh minh” có ông Hương giáo Trần đã từng đoạt cả Ngọc ong hòng luyện ra một phương thuốc thần diệu để chữa bệnh phong – một chứng bệnh nan y vào thời ấy. Tôi đem chuyện này thuật lại với ông Trần Văn Tặng (Sáu Tặng) – một thợ gác kèo ong mật lão luyện ở ấp 2 – xã Nguyễn Phích huyện U Minh tỉnh Cà Mau. Ông thợ rừng này bật cười sảng khoái, bảo: Mật ong U Minh đúng là một dược liệu quý được dùng trong phòng và chữa rất nhiều chứng bệnh nhưng để chữa bệnh phong thì chưa nghe nói tới bao giờ. Chuyện đó chắc là hư cấu thôi. Nhưng chỉ riêng dược tính của mật ong cũng xứng đáng được sánh ngang với ngọc lắm chớ!
Gác kèo ong
Như một bầy ong bắt được mùi bông tràm, ông Sáu Tặng bắt đầu miên man với câu chuyện về nghiệp gác kèo ong rừng tràm của mình… Nghề gác kèo ong ở U Minh có từ lâu đời, được coi là một nghề truyền thống của những cư dân sống ở rừng tràm. Ai sống ở rừng U Minh mà không biết gác kèo ong thì chưa phải là dân U Minh chính hiệu. Ấp 2 xã Nguyễn Phích có 40 hộ thì cả 40 hộ đều làm nghề gác kèo ong và đều là thành viên của tập đoàn 19/5. Trước khi tràm trổ bông (khoảng tháng 10, 11 âm lịch) thợ gác kèo ong ở nơi đây bắt đầu rộn rịp chuẩn bị cho mùa ăn ong của mình. Họ chọn những đoạn tràm thẳng có đường kính khoảng 10 – 15cm, dài khoảng 2m chẻ đôi bóc hết vỏ phơi chừng hai nắng để làm kèo. Mỗi đoạn tràm làm được hai kèo, ngoài kèo bằng cây tràm thì các loại cây khác như: bình bát, cau, nhum…đều làm kèo được. Trong đó cây nhum rất bền, có thể sử dụng được nhiều năm nhưng bây giờ cây nhum còn rất ít. Đoạn tràm chẻ hai được khoét lỗ hình tam giác ở hai đầu để gác lên cây nống và cây nạng (cây đỡ ở đầu kèo gọi là cây nống, cây đỡ phía cuối kèo là cây nạng). 
Đi gác kèo ong thời điểm tốt nhất là vào thời gian buổi sáng khi nắng chiếu da trăn (khỏa nước thấy nắng chiếu dợn lốm đốm trên mặt nước giống da trăn). Người gác kèo ong nhìn hướng nắng, đón hướng gió chọn nơi lý tưởng để cặm nống, nạng xuống và gác cây kèo lên trên, đầu kèo cách mặt đất khoảng 2m theo hướng nghiêng chừng 45 độ so với mặt đất. Khi gác kèo hạn chế chặt cây xung quanh mà chỉ dọn phía dưới kèo cho trống, chặt bỏ các nhánh cây đâm thẳng vào kèo, sau đó tủ (đậy) kèo lại bằng các cây tràm mọc sẵn gần đó sao cho vào mùa khô thì nắng rọi vào được một phần kèo, hai phần còn lại là bóng râm, vào mùa mưa thì ngược lại. Người gác kèo lâu năm nhiều kinh nghiệm thì khả năng ong đậu kèo khoảng 60 – 70 phần trăm còn dân mới vào nghề cho dù gác đến hai ba trăm kèo thì tỷ lệ đậu cao nhất chỉ vào khoảng 20 – 30 phần trăm. 
Ăn ong

Người thợ gác kèo ong có kinh nghiệm thì ong đậu rất nhanh, có khi vừa quay lưng đi thì ong đã bu đen cây kèo. Con ong mật thấy vậy chớ cực kỳ khó tính, kèo gác mà không ngay ý nó là chẳng thèm ngó ngàng gì tới, cây kèo chỉ có nước nằm chờ mục. Bản thân ông Sáu Tặng đã nhiều năm trong nghề nhưng cũng có khi sơ ý, tức là khi chọn được địa điểm tốt, hướng nắng hướng gió lý tưởng để đặt cây kèo nhưng trong khi dọn bãi còn sót lại một con nhện hùm. Nhện hùm là loại thiên địch cực kỳ nguy hiểm với loài ong, loài nhện này thường giăng lưới trên cao, lưới của chúng rộng trên mét vuông, chim sâu bị vướng vào lưới còn vô phương thoát ra huống gì ong. Vì vậy ong mật rất kỵ với nhện hùm, gác kèo ngay nơi nào có nhện hùm thì phải giết cho hết và dọn sạch mớ tơ nhện của chúng. Ngoài ra còn một loại thiên địch nữa là sâu ong, sâu ong thực chất là ấu trùng của một loài ong khác được gửi vào sống ký sinh trên tổ ong mật. Nhìn bề ngoài chúng không khác gì ấu trùng của ong mật, ngay cả những con ong mật – chủ nhà cũng không nhận ra. Loài ong lạ này cực kỳ hung dữ, khi nhỏ chúng được nuôi nấng như bao ấu trùng ong non khác nhưng khi lớn lên chui ra khỏi tàng ong là chúng lập tức tấn công lại những kẻ đã nuôi mình, buộc chủ nhà phải “bỏ của chạy lấy người”. Vì vậy sau khi lấy mật phải để ý kỹ ở phần tàng ong để ngắt bỏ chỗ tàng ong có ấu trùng ong lạ đang ký sinh. Muốn cho ong tiếp tục giữ kèo để lấy mật thêm vài lần nữa thì kể từ lần lấy thứ hai trở đi nên cắt bỏ một ít phần tàng ong phía bên dưới hoặc ngắt bỏ các núm lỗ ong đang có ấu trùng nhô cao hơn các lỗ ong khác vì đây chính là nơi ấu trùng ong chúa tương lai đang trú ngụ. Nếu không ngắt bỏ thì khi ong chúa tương lai này lớn, tổ ong lập tức phân đàn ngay, số lượng ong giảm kéo theo lượng mật sẽ ít đi nhiều. 
Lấy mật ong

Nghe ông Sáu Tặng nhắc đến ấu trùng ong chúa, tôi liền ngỏ ý xin được mua một ít sữa ong chúa vì nghe nói thứ này là cực phẩm của tổ ong, có nhiều tác dụng khác mà trong mật ong không có. Vừa nghe tôi mở lời là ông Sáu Tặng bật cười: Đừng nói một ít mà một phần mười của một ít đó tui cũng không có. Nhiều người khác khi đến đây cũng hỏi tui cũng trả lời y chang như vậy nhưng họ vẫn không tin mà còn nghi tui giấu của quý để xài một mình. Vì không có sữa ong chúa sao ở các tiệm thuốc người ta quảng cáo có bán cả sữa ong chúa được bào chế thành viên? Thấy tôi còn ngơ ngác, ông Sáu Tặng từ tốn giải thích: Đúng là có sữa ong chúa thật nhưng nó đâu có nhiều như mật ong. Sữa ong chúa ở cạnh cái núm ấu trùng ong chúa, nhỏ chỉ cỡ đầu đũa ăn, vắt ra cũng cỡ một giọt là cùng, khi ngắt bỏ ấu trùng ong chúa tui bỏ luôn nó vô miệng lấy đâu có tới để bán! Hóa ra muốn mua được mật ong nguyên chất của U Minh chỉ cần vô thẳng rừng tràm là muốn mua bao nhiêu cũng có, còn sữa ong chúa thì chỉ riêng những người được rừng tràm biệt đãi mới nếm được nó. 
Đi trong rừng U Minh

Ông Sáu Tặng là một trong số hiếm hoi những người có được cơ duyên đó. Tính từ lúc ong đậu kèo đến khi lấy được đợt mật đầu tiên mất khoảng 15 đến 20 ngày, những lần kế tiếp cũng chừng đó thời gian. Mỗi kèo ong lấy được khoảng 3 - 4 đợt mật, tùy theo tổ ong lớn hay nhỏ mà số lượng mật lấy được nhiều hay ít nhưng trung bình mỗi kèo cho khoảng 3 – 4 lít mật/mỗi đợt, đợt sau thường cho mật nhiều hơn đợt đầu. Sau khi kèo được gác xong xuôi, người thợ rừng trở về nhà thủng thẳng nhìn bông tràm để chọn thời điểm thích hợp nhất để đi lấy đợt mật đầu tiên chứ không đi kiểm tra từng kèo một vì có hằng trăm cây kèo như thế đã được anh ta gác khắp khu rừng. Chỉ cần nhìn bông tràm là biết được khi nào nên đi lấy mật, những thế hệ trước anh đã học được mật ngữ của rừng và truyền lại cho con cháu. Bông tràm nở bung trắng rừng được một thời gian đến khi chuyển sang màu vàng sậm chính là lúc người thợ lên đường vào rừng để lấy mật. Trước khi đi phải chuẩn bị đầy đủ dụng cụ, như: thùng đựng mật, dao, lưới che mặt… Còn một thứ cực kỳ quan trọng nhất đối với thợ ăn ong, không được phép quên đó là con cúi. Không có thứ này thì không có khói, mà không có khói thì khỏi nói đến chuyện ăn ong. Tốt nhất là dùng con cúi được bện bằng rễ gừa khô, thứ này cho khói nồng và gắt làm ong nhanh say và say lâu hơn cúi bện bằng rơm hoặc xơ dừa. 
Giọt mật rừng

Ong mật có đặc tính là hễ bị khói phả vào tổ là chúng lập tức tản ra và bay tán loạn vì say khói. Lúc này người thợ chỉ cần thổi hơi cho khói phủ trùm lấy tổ ong, ong say khói sẽ tạm thời hạn chế khả năng tấn công kẻ thù và bay khỏi tổ. Người thợ chỉ cần nhẹ nhàng dùng dao bén cắt thật nhanh tảng mật nằm ở phía dưới cây kèo cho vào thùng và nhanh chóng rút êm. Còn một điều cần lưu ý là không nên đi nghịch kèo (tức là vào trúng nhằm đường bay vô bay ra của bầy ong) đi nghịch kèo thì cầm chắc bị cả đàn ong rượt đánh vô tận nhà. Trong khi lấy mật lỡ có bị một hai con ong đánh thì cũng đừng nên giết chúng, giết một con ong ở tổ của chúng thì hậu quả cũng giống như đi nghịch kèo. Điều này dân gác kèo ong từ lâu đã thuộc nằm lòng. Cứ thế, khi xong kèo ong này, người thợ lại đi đến các kèo ong khác đến khi nào đã ghé qua tất cả các nơi gác kèo mới trở về nhà. Người gác kèo ong thạo nghề mỗi một mùa số lượng kèo ong của anh ta có thể lên đến ba bốn trăm kèo. Trung bình mỗi kèo ong cho khoảng 10 lít mật thì mỗi mùa ăn ong, mỗi hộ dân ở đây sở hữu vài trăm lít mật là chuyện bình thường. 
Gỏi ong

Sản vật của rừng U Minh vài chục năm trước nhiều vô số kể, mật ong chỉ là một trong những thứ đó còn bây giờ… Giọng ông Sáu Tặng bùi ngùi như đang tiếc nuối về thời huy hoàng của rừng tràm. Khi còn trai trẻ, chính mắt ông Sáu Tặng đã từng chứng kiến hàng đàn khỉ chuyền cành rào rào trong rừng. Lũ khỉ cũng là những kẻ cướp ong táo tợn nhất, tìm thấy được tổ ong mật nào là cả đàn xúm lại thò tay bốc từng bốc mật cho vào miệng mà nhồm nhoàm nuốt. Ngoài khỉ, heo rừng ở đây cũng xem mật ong và ong non là thức ăn khoái khẩu của chúng, những tổ ong thấp gần mặt đất chính là mục tiêu béo bở của lũ heo rừng, chúng cứ cắm đầu chổng đít vào tổ ong đến khi bị đánh chịu không xiết mới bỏ chạy. Rừng tràm khi ấy còn hằng hà sa số các thứ khác như cá mắm rùa rắn kỳ đà, chồn…bây giờ mỗi khi kể lại là tụi nhỏ cứ cười tủm tỉm cứ như đang nghe mình kể chuyện Bác Ba Phi.
Trở lại chuyện ăn ong rừng tràm, ông Sáu Tặng kể tiếp: Nghề gác kèo ong mới nghe kể tưởng không có gì phức tạp nhưng hóa ra đâu có dễ ăn, cũng đổ mồ hôi sôi nước mắt như bao nghề lao động chân tay khác của dân rừng U Minh. Thậm chí có lúc còn gặp nguy hiểm đến tính mạng. Cũng chính ở nơi này, trước giải phóng có một thợ gác kèo ong từng bị rắn hổ mây cắn trong lúc đi lấy mật. Giữa rừng mênh mông lấy đâu ra thuốc thang để trị, tưởng cầm chắc cái chết nhưng khi đờm kéo lên chặn ngực thì sẵn mật ong anh ta cứ thế mà uống ừng ực, ban đầu chỉ chủ yếu là nuốt cho tan đờm, không ngờ cầm cự gần cả ngày trời để đến chỗ thầy lấy nọc rắn (?!). Sau này chưa có ai dám thử coi mật ong có tác dụng trừ nọc rắn thật hay không nhưng câu chuyện nhờ uống mật ong mà thoát chết của người thợ gác kèo ong kia, ở rừng U Minh không ai là không biết. Hiện nay, phần vì tuổi tác phần vì cao huyết áp phải thường xuyên uống thuốc nên ông Sáu Tặng đã “rửa tay gác kèo”. Ông có năm người con, nhưng chỉ có người con trai Út là theo nghề. Ông Sáu Tặng nói vui: Nhưng còn lâu nó mới được tui công nhận là “truyền nhân y bát” vì gác kèo còn trật vuột lắm. Có trở thành một người thợ gác kèo ong lão luyện được hay không, không chỉ thuộc lòng kỹ thuật của nghề này là đủ mà còn tùy vào duyên của người đó với rừng tràm. Điều này thì không phải ai cũng được may mắn như ông và một số thợ gác kèo ong lớn tuổi khác của rừng U Minh. Ông Sáu Tặng còn băn khoăn một điều là: thương hiệu mật ong rừng U Minh đã được cả nước biết đến nhưng muốn mua được mật ong rừng U Minh nguyên chất tại chợ Cà Mau thì hơi…bị khó, trong khi mật ong của thợ gác kèo ong lại bán không hết. Có khi mua phải mật ong dỏm vì đã bị thương lái pha tạp chất vào đấy – trường hợp này không phải là hiếm, đến nỗi có người khi mua mật tại nhà ông còn bán tín bán nghi đòi phải mua cho bằng được cả tảng mật khi vừa cắt ra khỏi kèo chưa kịp vắt, như vậy mới chắc ăn. Làm sao để loại sản phẩm đặc biệt này của rừng tràm đến tay người mua một cách nguyên vẹn? – điều này thì nằm ngoài khả năng của ông Sáu Tặng và những người thợ gác kèo ong ở rừng tràm U Minh./.