DANH SÁCH BÀI VIẾT

Showing posts with label Truyện ký của NGUYỄN HỮU SƠN. Show all posts
Showing posts with label Truyện ký của NGUYỄN HỮU SƠN. Show all posts

Wednesday, May 18, 2011

MÙA HOA VẢI



          Kể từ ngày bước chân xa quê tính đến nay thấm thoát thoi đưa đã được ba mươi sáu năm.
Xuân qua thu tới, năm nào tôi cũng về thăm quê ba bốn lần. Đường từ Hà Nội về xóm Bãi Đá (Bình Sơn) dư trăm cây số chút đỉnh, nào có xa xăm gì. Nhiều lần tôi đưa cả hai cô con gái rượu về thăm cố hương. Với chúng, tất cả hầu như xa lạ. Với tôi, những ngõ xóm, những con đường, những cánh đồng, những tên suối, tên núi, bờ bãi thảy đều thân thuộc. Này đây giếng làng, các cụ vẫn truyền gọi là giếng Cô Tiên, mới đây vừa được kè lại. Này đây là ao làng, vào mùa nước cạn lũ trẻ chúng tôi thường moi đất sét chơi trò đập pháo đất. Này là khu sân kho hợp tác xã, nơi có những cây nhãn cổ thụ, có chiếc kẻng khua vang mỗi sáng gọi bà con xã viên đi làm. Này đây là bãi Thổ Kỳ, nghe nói ba bốn thế kỷ xưa từng là nơi ở của dân binh nhà Mạc trốn chạy về...
Nhưng quê nội và cũng là nơi tôi sinh ra lại ở xóm Nhân Lý (Trường Sơn), cách quê ngoại chừng dăm cây số. Khi tôi chưa đầy hai tuổi, bố tôi qua đời, mẹ bồng bế tôi về bên ngoại.
Xóm Nhân Lý nằm trong thung lũng Mai Sưu, dưới chân ngọn núi cao. Nơi đây đến quá buổi sáng mới thấy mặt trời và ngang chiều đã âm âm bóng tối. Vào những dịp giỗ tết tôi vẫn thường về bên nội. Bà nội kể chuyện có con ma chàng giời đưa võng trên đỉnh mấy cây dọc um tùm ngoài bãi Chè Độ. Vào những đêm mưa còn nghe rõ cả tiếng chúng gọi nhau, tiếng ru con và tiếng khóc hời hời. Mỗi lần gặp, bà xoa đầu, lại bảo: "Người ta có mười thì tốt, mình có một thì xấu. Sao mà gầy thế hả con?". Sau này bà thượng thọ tám mươi, rồi chín mươi, chín sáu, trí nhớ vẫn tốt, vẫn nhớ chuyện năm nảo năm nào. Bà mất ngày 25 tháng Mười. Dân gian có câu: “Sống thì sống đủ một trăm/ Chết thì chết đúng hai nhăm tháng Mười”…
Ông bà bên nội tôi đông con cháu. Ngày bé tôi hay lên nhà bác Phê là trưởng họ. Có lần theo bác lên núi chặt gỗ. Chặt xong bác tuông cây gỗ lao xồng xộc xuống chân núi. Bác chặt thêm một cây nho nhỏ cho tôi vác chơi. Có lần, đâu như cuôi năm 1973, gặp bác trong phiên chợ tết Mai Sưu, bác kéo tôi vào cửa hàng và mua cho chiếc khăn len. Bác quàng khăn cho tôi, xoa đầu cười, chẳng nói gì nhiều. Nghe nói thời chống Pháp, bác từng tham gia uỷ ban kháng chiến xã. Sau giận vì bị qui thành phần trung nông, bác về làm sơn tràng, huyện gọi thế nào cũng không đi nữa. Tôi thấy bác hay chép miệng, tặc lưỡi. Có mấy lần bác xuýt xoa: "Ngày ấy giá bác cứ nghe lời các ông ấy ra huyện công tác có khi cũng thành ông to rồi". Bác có anh con trai cả là thương binh chống Mỹ, từng tham gia đại biểu hội đồng nhân dân tỉnh Hà Bắc trước đây và anh út hy sinh ở Quảng Trị đỏ lửa vào mùa thu năm 1972. Tôi biết bác là người trung trực, thẳng tính, cả làng cả xã đều quí trọng. Bác lại chăm chỉ chịu khó, suốt ngày luôn chân luôn tay, đến năm tám mươi tuổi rồi vẫn cắm cúi gánh nước tưới khắp cả vườn vải. Bây giờ bác đã đi xa nhưng bóng người gánh nước tưới vải như vẫn quanh quất đâu đây mỗi lần tôi về thăm quê trong chiều chạng vạng. Tôi nhớ nhất anh Lập con bác có cả một tủ sách, đủ những truyện Tam quốc lẫn Sông Thami trong xanh, truyện anh hùng Nguyễn Văn Trỗi với truyện tranh anh Bé nổ mìn hy sinh cùng lũ giặc, truyện cổ tích với đủ mọi tranh minh họa kỳ quái. Tôi có thể nằm phủ phục bên bậc tam cấp sân nhà bác đọc sách suốt từ sáng đến trưa, từ trưa sang chiều, cho đến lúc trời sâm sẩm tối.
Thời chiến tranh chống Mỹ có Trường Đại học Giao thông Hà Nội và Xí nghiệp Dược phẩm Hải Phòng sơ tán về Mai Sưu. Sau này có thêm trung đoàn 568 đóng quân, xây dựng đơn vị huấn luyện, thường ba bốn tháng lại một lần đưa quân vào Nam. Biết bao nhiêu ngàn thanh niên trai trẻ đã từng qua nơi đây huấn luyện rồi thẳng đường vào Nam chiến đấu, mãi mãi chẳng trở về. Người ta vẫn gọi vùng quê miền rừng này là Thủ đô Tắc Kè, Maisưugrat. Công bằng mà nói, cũng nhờ thời chiến này mà người dân nơi thâm sơn cùng cốc sớm biết đến ánh điện và tôi cũng đọc ké được nhiều loại sách báo. Ngay ở xóm Bãi Đá bên quê ngoại cũng có rất nhiều sinh viên Giao thông. Lại nhớ chuyện bác Tư hay nhắc tới cô Hương, cô Oanh vẫn được bác coi như con gái. Hình như một cô là con em miền Nam tập kết, có mái tóc bồng. Nhiều lần bác Tư bâng quơ bảo tôi: "Chẳng biết cô Hương, cô Oanh sau này ở đâu? Các cô sinh viên ấy thật là những người chăm ngoan, hiền lành". Tôi ở Hà Nội nhưng phố xá thì rộng, biết tìm đâu cô Hương, cô Oanh một thuở một thời. Bác Tư nay đã là người thiên cổ. Trong nhà vẫn còn giữ tấm ảnh các cô như nỗi niềm ông lão miền rừng chạnh lòng nhớ người con gái nuôi đã lẫn vào cõi nhân gian hư ảo.
Ngày tôi còn nhỏ, dân xóm Bãi Đá còn thưa thớt, tất cả chưa đầy hai chục hộ. Đi quá ngay đầu xóm đã thấy bạt ngàn những cánh rừng dẻ. Mùa dẻ rụng cũng thường đúng dịp khai trường. Buổi sáng đi học, chiều về tranh thủ cũng nhặt được vài chục cân hạt dẻ. Sân phơi đầy hạt dẻ, phải tận dụng đủ mọi thứ nong nia, giần sàng, thúng mủng mà chứa đựng. Hạt dẻ cũng là thứ cứu đói ngày giáp vụ. Thứ thì rang cắn chắt, thứ thì sát lấy hạt độn cơm, thứ thì nấu cháo, đủ cả. Cuối mùa thu, hoa dẻ vàng tràn ngập mọi cánh rừng. Một màu vàng ươm man mác khắp sườn non, trải rộng ngút ngát đến chân trời.
Đêm trăng mùa hè miền núi trong xanh, chúng tôi thường hái bưởi làm bóng chia quân đá với nhau. Có hôm đá đến khuya, làm ầm ĩ cả thôn xóm. Đến khi cuộc chơi dừng lại bỗng ngơ ngác nhận ra cái không khí tịch mịch, tĩnh lặng của đêm trăng xứ núi. Tất cả yên lặng đến vô cùng. Bóng những mái nhà tranh khuất lấp sau hàng cây im lìm. Những ngọn cỏ đọng hơi sương lạnh. Tiếng trâu cọ sừng và tiếng thở phì phì lạc lõng càng tôn thêm vẻ vắng lặng đêm khuya.
Những ngày thơ bé chúng tôi có nhiều trò chơi vui nhưng cũng có nhiều trò thật dại dột, bây giờ không thấy trẻ con chơi nữa. Mùa nước lũ, chúng tôi đua nhau bơi dọc con sông Còng. Con sông này mùa nước cạn có thể lội qua được nhưng vào ngày lũ, nước đổ về cuồn cuộn, kéo theo đầy những khúc gỗ khô, cành cây, rều rác. Hai bên bờ sông, nước thúc vào những bụi cây dùng, cây hóp tạo thành vòm hang sâu hủm. Bây giờ nghĩ lại còn thấy rùng mình. Chỉ cần buông tay, nước cuốn vào vòm hang thì thật là ôi thôi! Có khi chúng tôi trèo lên cây sau sau cao vút, nhìn về phía chân dãy Yên Tử xa xa thấy thấp thoáng những mái nhà, những vệt khói mờ ảo. Rồi chúng tôi chia quân lấy đất ném nhau, đuổi nhau, chạy thục mạng. Có lần tôi bị một anh ném cho sưng vù cả mắt. Thế là tan cuộc chơi.
Thời chúng tôi đi học có kỳ thi hết lớp Bốn rất quan trọng, gọi là thi tốt nghiệp cấp Một. Năm ấy cô giáo chủ nhiệm làm giúp giấy khai sinh đã ghi sai cả tên họ tôi. Lên lớp Năm chúng tôi phải sang xã Trường Sơn học vì cả cụm bốn xã vùng Mai Sưu mới có một trường cấp Hai, xa nhà tới năm sáu cây số. Buổi sáng thường dậy từ năm giờ, ăn vội củ khoai củ sắn nguội lạnh rồi lên đường. Nhiều ngày mùa đông sương muối, gió hun hút thổi, có khi đi được nửa đường phải dừng lại vơ lá cây đốt sưởi một lúc rồi mới đi tiếp. Đã thế trong túi sách còn phải có khúc gậy phòng bị lúc đánh nhau. Bởi lẽ bọn trẻ xóm bên cậy đông, chúng thường đứng trong thành tre bất ngờ tập kích, có khi truy đuổi đến tận trường. Vài năm sau lớn lên tôi mới biết lũ trẻ toàn người quen thuộc, thậm chí là anh em gần gũi, thân thiết nữa. Lên lớp Sáu tôi được về học ngay trong xã vì ở Bình Sơn đã mở trường cấp Hai, năm đầu chỉ có lớp Năm và Sáu. Lớp do thầy Lê Văn Cay làm chủ nhiệm. Thầy thường ký chữ Kay. Tôi học khá, luôn đứng đầu lớp, chỉ thỉnh thoảng phải đánh nhau một trận ra trò, chủ yếu trong tư thế tự vệ và đều thắng to. Thế rồi tôi được cử đi dự thi học sinh giỏi văn ngoài huyện Lục Nam, cách nhà hai chục cây số. Đó là lần đi xa đầu tiên trong tuổi trẻ thơ nên tôi thú lắm. Chúng tôi ở ngay trong nhà thầy chủ nhiệm, buổi trưa thi xong liền kéo nhau ra tắm trên bến sông Lục Nam. Chúng tôi đứng trên con phà và nhảy xuống dòng sông trong vắt, khác hẳn nguồn nước mùa lũ đục ngầu bên xóm núi, tự trong lòng cảm thấy sung sướng vô ngần. Nhìn sang bên kia bờ sông, thẳng lối trên bến phà có con đường lớn. Hai bên đường là hàng cây xà cừ, dưới gốc quét một vòng vôi trắng, trông tựa như hàng quân đứng uy nghiêm. Nhìn con đường mà lòng tự hỏi, chẳng biết bên kia bờ sông có những gì và biết đến ngày nào mình mới được đi trên con đường thênh thang dường ấy?... Đến năm lớp Bảy chúng tôi lại phải sang xã Trường Sơn học tiếp năm cuối cấp. Thế là cả ba năm học đều thành những dấu mốc: Lớp Năm và lớp Bảy cuối cùng của xã Bình Sơn phải học ở Trường Sơn và là lớp Sáu đầu tiên của Bình Sơn được học ngay tại xã nhà.
Bây giờ nghĩ lại mới thấy câu chuyện một thời hợp tác xã, vui thì có vui thật, nhưng quá nhiều điều ngu ngơ, ấu trĩ. Người ta dập khuôn theo mô hình "xiềng ba sào" dưới xuôi, bắt mỗi gia đình chỉ được trồng trỉa trong một diện tích nhất định. Đất ngay trong vườn có thể bỏ hoang, chịu đói mà không được trồng bất cứ thứ hoa màu nào, chỉ sợ người nông dân tư lợi trồng thêm mấy luống sắn luống khoai là tiến lên tư bản mất. Đói quá nên phải ăn độn sắn quanh năm. Tháng tám giáp hạt đã phải đào sắn non trộn cơm, một khúc sắn cõng lơ thơ mấy hạt cơm. Ăn sắn mãi đắng quá nên cố gặm phần cơm bám quanh, bỏ lại nguyên cả khúc sắn. Giận lũ chó chầu hẫu xung quanh cũng không thèm ăn, cứ dúi mõm ngửi miếng sắn rồi bỏ đi. Sau nữa các phụ huynh nghĩ cách chế món canh sắn, cháo sắn. Rồi lại băm nhỏ sắn trộn lẫn với gạo nấu thành thứ nửa cơm nửa bánh đúc, không có cách nào tách được sắn với cơm, ăn đắng ngắt. Sau này lại lấy sắn khô độn cơm còn đắng khiếp hơn nữa. Ăn nhiều sắn đến mức cảm nhận trong máu toàn vị sắn đắng, đến bây giờ nghĩ đến vẫn còn hãi.
Giữa những ngày đói khổ ngặt nghèo ấy thì mẹ tôi rước về một cây vải thiều, nói đúng hơn là cành vải chiết. Một ai đó gánh đi ngang qua xóm rao bán, nói rằng đây là giống vải thiều Hải Dương, quả sai và ngọt lắm. Ngày ấy nơi xóm núi chỉ biết cùng họ nhà vải có giống tu hú, hạt bằng cái chén mít, lớp cùi mỏng dính, vị chua gần bằng khế. Trong vườn nhà bác Tuệ có trồng một cây. Đến bây giờ không thấy đâu giống tu hú ấy nữa.
 Mua được cành vải chiết, mẹ tôi đem trồng sau nhà. Hợp chất đất, cây vải lớn lên trông thấy. Mùa xuân năm sau, cây phát lộc nõn nà. Cuối xuân đã thấy trổ hoa. Giống hoa vải tựa như hoa nhãn, nở thành chùm một màu vàng hoa cải và tỏa mùi thơm dịu nhẹ. Cây vải này được coi là vải tổ trong vườn nhà tôi. Từ cây vải tổ này đã chiết thành mấy chục cành, rồi mấy trăm cành, phủ xanh cả ba mẫu vườn, tỏa rộng khắp cả mấy khu đồi gió hú nữa. Sau này tôi xa nhà nhưng vẫn biết chính nhờ từ cây vải tổ này đã giúp chú em tôi thoát nghèo, thoát chết, thoát bệnh, lại thêm vợ con đề huề nữa. Câu chuyện có phần dài dòng thế này. Tôi có chú em tên Thủy mới đang học lớp Tám, không may bị bệnh phù thận, mười phần chắc chết cả mười. Chú ta nằm trên võng, bụng to như trống cái. Ông bác cả lắc đầu ngán ngẩm: "Thằng bé hỏng rồi. Không còn cứu được nữa. Thôi đành chuẩn bị cỗ ván cho nó". Run rủi thế nào, ông dượng tôi nghe nói có ông Tư người dân tộc bên Tân Mộc chữa bệnh thận thần tình lắm. Ông thầy lang này vui tính, biết chữ Hán, thông Bạch thoại, Quan Hỏa, nói được tiếng Pháp và thích làm thơ Đường luật, nhất là lối thơ trào phúng. Ông chữa bệnh thận mà lại cho ăn muối, ăn mặn, khác hẳn với Tây y và quan niệm truyền thống. Ai nghe nói vậy cũng lắc đầu le lưỡi không tin. Vậy mà chú em tôi qua khỏi thật. Ba tháng sau đã nhúc nhắc ngồi dậy. Nửa năm thấy tươi tỉnh trở lại. Một năm đã đạp xe khắp xóm. Ba năm sau thì cưới vợ. Thì lấy chính ngay con gái ông thầy chữa bệnh cho mình. Và sinh một lũ con, mang chí lớn toàn những Phương, Nga, Nhật, Anh, Nguyệt, gần đủ mặt thành viên thường trực Hội đồng Liên hợp quốc. Cũng nhờ vườn vải mà chú ta xây được nhà, tậu được xe máy Super Dream trước cả tôi, lại là xe Thái chính hiệu, trong khi cố lắm đến nay tôi vẫn chỉ có xe quốc nội.
Nói về sự lợi hại của cây vải và vận hội nhà nông kể từ khi Đảng ta phất cờ Đổi mới, chú em tôi cười mà rằng: "Vất vả lắm anh ơi! Thu được mấy triệu tiền vải cũng bở hơi tai. May có năm giá cả khá hơn còn được lợi tí chút. Có năm mất mùa, cả vườn vải chỉ xanh những lá là lá, trông lộn cả ruột. Có năm rớt giá xuống hai ngàn đồng một cân, chỉ cái công bẻ vải cũng quá tội. Mùa thu hoạch vào giữa tháng sáu, vải chín dồn dập trong một hai tuần, chẳng có lúc nào ngơi chân ngơi tay. Trời nóng như đổ lửa mà phải xoay trần bẻ vải, mệt mỏi đến nuốt bát nước cháo gà cũng không trôi. Thế mà còn công phu làm cỏ, rồi đổ bồi thêm đất bùn, rồi tưới tắm, rồi bón thúc, rồi phun thuốc trừ sâu, biết bao nhiêu sự vất vả. Anh nghĩ mà xem. Giữa tháng ba hoa vải nở đầy, đang đêm nghe tiếng sấm lẫn tiếng mưa rào mà thót cả tim. Sáng ra hoa vải rụng vàng lối ngõ, thầm đoán già đoán non về sự được thua một mùa vải mới. Tận đến khi quả vải nhu nhú bằng đầu đũa, rồi bằng ngón tay cũng vậy. Cứ thấy cơn dông, thấy mây, thấy sấm là lại hết cả hồn. Đồng đất quê mình bây giờ trông cả vào mấy quả vải. Mất mùa là coi như mếu"... Tôi biết vậy nhưng vẫn động viên chú em bằng mấy lời biện bác: "Thực ra thì chú sướng nhất rồi. Về chuyện đường đời, lẽ ra chú đã qui tiên từ hơn hai chục năm trước. Vậy mà chú vẫn sống khỏe, đã khỏi bệnh lại vợ con, nhà xây mái ngói đàng hoàng. Chú phải tính từ ngày thoát nạn, sống một ngày nào là chú lãi ròng thêm ngày ấy. Còn về vườn vải, mấy năm nay chú được Nhà nước miễn hẳn khoản thuế má, thu được đồng nào là bỏ túi cả. Việc trồng vải thì nhẹ tênh tênh. Các chú lấy dao khía một lớp vỏ trên cành vải rồi lấy tí bùn, tí rơm và mảnh chiếu rách bó lại. Công việc như đùa ấy các chú gọi là chiết vải. Đợi vài ba tháng sau thấy cành vải đâm rễ non, các chú chặt xuống trồng vào hố là xong. Việc đào hố thì quá dễ, thay luôn việc tập thể dục, vừa khỏe người vừa được lợi. Chú xem trên tivi thấy bà con sáng sáng ra Bờ Hồ khua chân múa tay, phải vào hội, phải xin phép và mất tiền cả đấy. Thế rồi cây vải lên xanh. Tự rễ nó hút dinh dưỡng trong đất chứ có nhờ vả gì đến chú đâu. Vậy mà đến mùa xuân chú còn khoanh tay chống nạnh đi quanh cây vải, vừa ngó nghiêng vừa ỉ eo những là vải nhiều hoa với ít hoa. Thế ra chú hưởng không của trời đất mà còn dám trách trời đất à? Đến mùa thu hoạch chú lại ca cẩm chuyện đắt rẻ nữa mới lạ đời. Tôi không dám nói riêng chú đâu nhưng quả các chú thật tệ. Lẽ ra các chú nên bán vải ngay tại gốc để những người không có vườn họ đến bẻ vải thuê, họ thồ đi chợ kiếm đồng ra đồng vào. Vậy mà có chú còn tự bẻ lấy cả vườn vải, tự mang ra chợ, ăn cả gốc lẫn ngọn là cớ làm sao? Có chú kỳ khu dựng cả gian nhà sấy, tự thu hoạch, tự vào lò sấy, tự đóng bao, thuê xe mang lên biên giới Lạng Sơn bán tận tay tư thương Trung Quốc, ăn tất mọi công đoạn từ A đến Z lại là cớ làm sao? Tôi biết rồi, tôi biết các chú lắm rồi. Các chú muốn lai tạo ra giống vải tăng sản bách tính một năm thu bốn vụ. Nó lại có củ như sắn dây. Nó lại có vỏ như cây quế. Nó lại ra nhựa như cây cao su. Nó lại có hoa như hoa hồi. Nó lại có lá thơm lành như rau ngót. Nó lại nứt ra trên thân những chùm quả cà chua trĩu đỏ. Cành khô của nó lại có thể nấu cao toàn tính tựa như gạc hươu. Có phải như thế các chú mới vừa ý không?"... Cuộc sống thật là vui. Nghe ra chú em cười trừ. Nghĩ kỹ cũng phải. Trời đất thật đã thương người vùng cao mình. Mỗi gốc vải thu vài ba tạ. Bỏ rẻ một ngàn một cân ký lô cũng còn lợi gấp hai ba lần trồng lúa, ngang bằng cả sào lúa. Vậy nên giá vải có lẽ - cơ hồ - nên chăng hạ xuống một ngàn đồng một cân mới phải ạ!?
Mỗi lần tôi về quê lại một lần thấy thôn xóm đổi mới. Đường từ Lục Nam về đến tận cổng làng đã trải nhựa và bê tông. Bao nhiêu nhà mái ngói và thấp thoáng những ngôi nhà tầng. Ánh điện đã sáng từng ngõ nhỏ. Chẳng còn nhà nào không có xe máy, ti vi màu. Trong vườn, ngoài bãi, trên đồi, đâu đâu cũng một màu xanh của vải. Mỗi mùa xuân về, trên mái tóc người lại thêm sợi bạc. Chú em Thủy cũng đã vội thành người thiên cổ vào một ngày đầu mùa thu năm 2008 sau hai tháng điều trị ở bệnh viện Bạch Mai. Chỉ riêng có hoa vải vẫn giữ nguyên một màu vàng ấm áp, đúng hẹn theo về với sắc xuân...

Hà Nội, tháng 12-2006

tháng 9-2009


Địa chỉ:
             Viện Văn học
              20 Lý Thái Tổ - Hà Nội
               0913031635