Những dòng tiểu sử về Phan Thị Bạch Vân trong các công trình văn học sử Nam Bộ thường rất vắn tắt, trống hoàn toàn năm sinh và mất. Về nhân thân, bà được biết đến với tư cách là trợ bút cho Đông pháp thời báo, chuyên phụ trách mục Phụ trương phụ nữ và nhi đồng, viết xã thuyết, tiểu thuyết, thơ… Tuy xuất hiện ngắn ngủi trên văn đàn, bà cũng đã được trân trọng đánh giá: “Một điều gần như chắc chắn, bà là người phụ nữ đầu tiên trong thể kỷ XX ở Nam bộ nói riêng và trong cả nước nói chung biết kết hợp song song những hoạt động thương mại và hoạt động truyền bá văn hóa, văn học một cách tài tình và hiệu quả”[5].
Dựa vào các tư liệu ít ỏi được tìm thấy và được nhắc đến trong các công trình nghiên cứu văn hóa văn học Nam bộ, có thể tạm đưa ra danh mục tác phẩm đã xuất bản của Phan Thị Bạch Vân như sau:
1. Gương nữ kiệt, Nữ lưu thư quán Gò Công, 1928.
2. Giám hồ nữ hiệp (bút danh Hoàng Thị Tuyết Hoa) Nữ lưu thơ quán Gò Công, 1928.
3. Nữ anh tài (bút danh Hoàng Thị Tuyết Hoa), Cảnh thế tiểu thuyết, Nữ lưu thơ quán Gò Công, 1928.
4. Lâm Kiều Loan, Tiểu thuyết ẩn tình xã hội Nam kỳ, cuốn 1 (trọn bộ 10 cuốn), Imp. Trần Trọng Canh, Sài Gòn, 1932.
5. Kiếp hoa thảm sử (bút danh Hoàng Thị Tuyết Hoa), Xã hội tiểu thuyết, trích đăng nhiều kỳ trong Tinh thần phụ nữ (từ số 6 trở đi là Sách Nữ Lưu), Nữ lưu thơ quán Gò Công, 1928-1929.
6. Phụ nghĩa tào khang, Đoản thiên tiểu thuyết, Đông Pháp thời báo, số 669, ngày 21.1.1928.
7. Vần quốc ngữ “Nữ lưu”, Nữ lưu thư quán Gò Công xuất bản.
8. Nam Kỳ cần phải có trường nữ công, Đông Pháp thời báo, số 695, ngày 15.3.1928.
9. Trường thương mãi cho Nữ lưu Việt Nam , Đông Pháp thời báo, số 698, ngày 22.3.1928.
10. Vài điều cần ích cho chị em bạn gái, Đông Pháp thời báo, số 704, ngày 5.4.1928.
11. Mưu trừ tuyệt nghề kéo xe, Đông Pháp thời báo, số 704, ngày 5.4.1928.
12. Kính gửi các nhà văn sĩ, Đông Pháp thời báo, số 709, 1928.
13. Gian nhà rách, Đông Pháp thời báo, số 640, 27.10.1927.
14. Đồng bạc Tây và đồng bạc Pháp, Đông Pháp thời báo, số 642, 1927.
15. Phụ nữ Việt Nam ta thử lập vài cái học bổng, Đông Pháp thời báo, số 650, 1927.
Về trường hợp hai cuốn Nữ anh tài và Giám hồ nữ hiệp gắn với bút danh Hoàng Thị Tuyết Hoa, theo quan điểm một số công trình văn học sử về văn học Nam Bộ thì Phan Thị Bạch Vân và Hoàng Thị Tuyết Hoa là hai tác giả nữ được liệt kê song song nhau. Tuy nhiên, đọc lại cuốn Nữ anh tài, chúng tôi tìm được một thông tin liên quan đến việc chỉ ra Phan Thị Bạch Vân chính là Hoàng Thị Tuyết Hoa:
“Cùng chư độc giả yêu quí,
Bộ tiểu thuyết Nữ anh tài đến đây thì dứt (…) Tóm tắt câu chuyện về bộ ấy, thì toàn là chuyện về mặt phụ nữ với chức nghiệp. Vai chủ động ấy dẫu là vì cảnh thế éo le, nhưng thế nào cũng chẳng quên cái phận sự của mình đối với quốc gia, sao cho đáng một bực Nữ lưu tân tiến (…) Con người có ái tình mà gặp cảnh thế xã hội bất ưng ý, rồi đem cái ái tình ấy mà làm tình yêu nước, tình yêu dân, thì ôi thôi, đáng khen biết bao, đáng kính biết bao!...
(…)
Soạn giả PHAN –THỊ - BẠCH - VÂN
Biệt hiệu: HOÀNG - THỊ - TUYẾT - HOA
Kính bút,”
Đoạn văn nằm ở trang 25-26, cuốn thứ 6 bộ tiểu thuyết Nữ anh tài. Phần tên tác giả được in hoa. Chứng cứ này đã nối dài thêm danh sách các tiểu thuyết của Phan Thị Bạch Vân. Điều đáng nói nữa là các tiểu thuyết của bà (theo tư liệu hiện có) đều được tự tác giả phân định bằng cách tên gọi khác nhau: Cảnh thế tiểu thuyết (Nữ anh tài), Tiểu thuyết ẩn tình xã hội Nam kỳ(Lâm Kiều Loan), xã hội tiểu thuyết (Kiếp hoa thảm sử). Cũng trong cuốn thứ 6 của tiểu thuyết Nữ anh tài, bà ghi thêm dòng tái bút: “Kỳ tới sẽ hiến cho các bạn độc giả bộ Kiếp hoa thảm sử, tiểu thuyết về xã hội hiện thời. So với bộ Nữ anh tài, thì bộ này chuyên về một mặt khác, hành văn cũng tuân theo một lối khác, mời chư độc giả dượt xem” (trang 26). Như vậy, ít nhất từ sự định danh của tác giả, chúng ta có câu hỏi: xã hội tiểu thuyết (hay tiểu thuyết xã hội) thì khác thế nào với tiểu thuyết ẩn tình xã hội? Với cảnh thế tiểu thuyết? Ở đây, tác giả có ý nói rằng Nữ anh tài phân biệt với Kiếp hoa thảm sử về “mặt khác” và “hành văn khác”. Yếu tố “xã hội” và “cảnh thế” có thể là hai trọng điểm cảm hứng và quan niệm của tác giả về vấn đề phụ nữ chăng? Ý thức về sự “hành văn” khác, và cách đặt tiêu đề phụ dưới mỗi tiểu thuyết, theo chúng tôi, là những tín hiệu cho thấy nỗ lực sáng tạo của Phan Thị Bạch Vân gắn rất chặt với tinh thần cách tân không mệt mỏi và đầy tiềm lực của bà.
Đọc Lời dẫn đầu cuốn Gương nữ kiệt, chúng ta không khỏi ngỡ ngàng trước sự táo bạo của người chủ nhiệm Nữ lưu thư quán vào thời điểm nhạy cảm lúc đó: “Đương lúc nước mất dân tàn, trông mong vào những bực trượng phu ra tay cứu chữa, mà cũng trông mong vào những trang nhi nữ ghé vai gánh lấy cái trách nhiệm chung; nước nào nam giới nữ giới đều có thì nước ấy hẳn không đến nỗi để cho người ngoài giày xéo. Chúng ta đọc truyện bà Rô-lăng nước Pháp, sao được không nhớ đến bà Trưng bà Triệu là những bà mẹ yêu quí của chúng ta, rồi lại nghĩ đến cái bổn phận , cái cảnh ngộ của chúng ta ngày nay mà ngậm ngùi đau đớn…”. Không có gì lạ khi cuốn sách bị chính quyền thực dân xếp vào danh mục cấm lưu hành. Cũng trong cảm hứng về chân dung nữ kiệt, Phan Thị Bạch Vân còn viết một tác phẩm nữa là Giám hồ nữ hiệp với bút danh Hoàng Thị Tuyết Hoa. Tác phẩm viết về Thu Cận, được chú thích là “nữ hiệp nước Tàu”. Hai nhân vật bà Roland và Thu Cận nằm trong tinh thần chủ đạo của Phan Thị Bạch Vân là truyền bá hình ảnh người phụ nữ mới: ý thức sự trỗi dậy của giới tính, dám làm việc lớn, và dám chịu chết cho lý tưởng. Bên cạnh đó là ý thức lập hội, tự làm kinh tế để duy trì sự nghiệp chính trị hoặc văn hóa. Giám hồ nữ hiệp có những câu viết “nguy hiểm”: “Cách mạng có cứ gì con trai con gái”, “hai tiếng nô lệ ở trong thiên hạ này còn có dân tộc nào mà chịu mang không”…
Bà cũng là tác giả của bốn tiểu thuyết (trong đó có 1 là đoản thiên tiểu thuyết). Truyện Lâm Kiều Loan hiện chỉ còn 1 tập dài 32 trang. Nhân vật Lâm Kiều Loan được xây dựng trước hết ở tình cảnh bi thảm: con gái mất, chồng phản bội, gia đình chồng ác nghiệt. Rời bỏ cuộc hôn nhân bất hạnh, Lâm Kiều Loan đến Biên Hòa lập nghiệp với bạn Nguyễn Ngọc Anh, và lại chứng kiến tiếp một mảnh đời đau khổ của Bích Ngọc, chị của Bích Liên, một người bạn của của cô Ngọc Anh. Bích Ngọc cũng vì bị phản bội mà sinh ra diên dại. Câu chuyện ngưng lại ở đó. Như vậy, 9 tập còn lại hiện bị thất lạc đã không cho người đọc thấy được sâu xa hơn tư tưởng của nhà văn. Dựa vào các trước tác tìm thấy của Phan Thị Bạch Vân, cũng như tôn chỉ của Nữ lưu thư quán, ta có thể đoán định câu chuyện về nàng Lâm Kiều Loan không thể là một tấn bi kịch tuyệt vọng, mà ngược lại, là câu chuyện của ý chí nữ lưu. Sự tương phản về cách giải quyết giữa hai mảnh đời có cùng số phận (Kiều Loan và Bích Ngọc) ở cuốn đầu tiên cho thấy nhà văn có ý định xây dựng quan niệm sống của Kiều Loan dựa trên sự quan sát và suy gẫm về số phận của nhiều người phụ nữ khác, dựa trên sự thông cảm sâu xa đối với những bất hạnh có tính phổ biến của người nữ trong xã hội hiện thời, nghĩa là dựa trên “tinh thần” phụ nữ được cất giấu kỹ lưỡng trong đầu óc hoạt động của bà chủ nhiệm thư quán.
Kiếp hoa thảm sử là bộ tiểu thuyết nhiều kỳ đăng trên Tinh thần phụ nữ. Nhân vật chính Như Hoa không đối diện với bi kịch duyên phận cá nhân, mà với bi kịch của gia đình chung và xã hội. Chứng kiến hai cái chết kỳ lạ của người em ruột là Như Ngọc và em cùng cha khác mẹ là Minh Lang, Như Hoa quyết bỏ mẹ ghẻ ác nghiệt để ra đi tìm đường sống. Trên nẻo đường gian truân, Như Hoa chứng kiến thêm cuộc đời đau khổ của người bạn thân tên Lang. Số phận đẩy đưa cô bạn này đến chỗ chết. Như Hoa lại gặp vợ Tư Hiền, một người phụ nữ bị chồng đánh đến bầm tím cả người. Cách xây dựng cốt truyện và nhân vật của Phan Thị Bạch Vân có vẻ như theo một hệ thống. Nhân vật chính của bà được bao bọc rất kỹ trong ý thức bảo vệ mình và quan sát thời cuộc. Kiều Loan nhìn Bích Ngọc mà nghĩ cảnh mình, Như Hoa nhìn em mất, nhìn bạn chết, mà hiểu đời thêm. Dụng ý nghệ thuật của Phan Thị Bạch Vân gắn chặt với dụng ý về tư tưởng xây dựng từng bước tinh thần phụ nữ trong lòng người đọc, đặc biệt là nữ giới.
Cuốn Nữ anh tài là điểm nhìn lạc quan nhất của Phan Thị Bạch Vân. Nhân vật chính Tú Anh có phần khác những nhân vật đầy bi kịch như Kiều Loan, Như Hoa. Tú Anh có bản lĩnh ngay từ chuyện tình yêu đôi lứa, chuyện hôn nhân, chuyện xử lý sự cố gia đình cho đến khả năng quản lý kinh tế, trau dồi tri thức học tập. Nhân vật Lê Tú Anh không gần gũi với những hình ảnh và số phận những người phụ nữ bình thường, mà có phần phản chiếu bóng dáng một “nữ kiệt, nữ hiệp” của riêng Việt Nam . Trong trường hợp này, gọi Nữ anh tài là tiểu thuyết luận đề, chúng tôi thấy cũng có lý.
Từ nội dung luân lý và quốc học như đã nêu, Nữ lưu thư quán Gò Công là sự xuất hiện đột phá của nữ giới Nam kỳ trong tiến trình hiện đại hóa ý thức văn học đầu thế kỷ XX. Với nhãn quan tiến bộ về lịch sử xã hội, với khả năng quản lý kinh tế tốt và tiềm năng học thuật cao, Phan Thị Bạch Vân là trụ cột tinh thần cho Nữ lưu thư quán Gò Công từ 1928 đến 1930 – một trong những hoạt động đầu tiên của phụ nữ Nam kỳ thể hiện bước chuyển mình chín muồi của thời đại đối với các vấn đề canh tân và chống đối ý thức hệ thực dân.
No comments:
Post a Comment
Mời nhận xét...