DANH SÁCH BÀI VIẾT

Wednesday, April 6, 2011

TRUYỆN PHONG TỤC- TÍN NGƯỠNG Ở NAM BỘ


Thới Bình Thôn và Dòng Kênh Chắc Băng

   Trên đường chạy trốn sự truy đuổi của quân Tây Sơn, một hôm chúa Nguyễn lâm bệnh nặng nên sai đoàn tùy tùng của mình dừng chân bên một con kênh và trú ngụ lại trên mảnh đất Thới Bình Thôn này. Hằng ngày, các lương y khắp nơi đổ về để chữa trị cho nhà vua nhưng do bệnh tình trầm trọng nên khi trả lời với những vị đại thần hầu hết các lương y đều nói là chắc băng (có nghĩa là chắc chúa sẽ băng hà trong nay mai) và hai tiếng chắc băng ấy được truyền đi khắp nơi. Nhưng rồi bệnh tình của chúa lại được một vị lương y tại Thới Bình Thôn chữa khỏi. Cũng từ đó chúa lấy hai từ Chắc Băng để đặt tên cho con kênh nơi chúa trú ngụ để tưởng nhớ công ơn của người dân vùng này đã cứu chúa thoát khỏi cơn thập tử nhất sinh. Và con kênh Chắc Băng ấy đã tồn tại cho đến bây giờ./.


Rạch Ông Dương Hùng

      Qua lời kể của các cụ trong làng, cách đây hơn 200 năm nước ta bị sự tranh giành  của nhà Tây Sơn và Nguyễn Ánh. Sau nhiều lần thất bại phải chạy ra nước ngoài Nguyễn Ánh được sự giúp đỡ của ngoại bang đã đánh bại được Tây Sơn lên ngôi lấy danh hiệu là Gia Long.Vẫn chưa nguôi cơn giận vì những năm tháng sống lưu vong ở nước ngoài, vì thế khi lên ngôi ông ra lệnh bắt hết những vị tướng còn sống của Tây Sơn đem giết hết nhằm trả thù đồng thời trừ hậu quả về sau. Trong số những người bị truy tìm, có một người tên là Dương Hùng là tướng tài của Tây Sơn với sự trả thù thâm độc của Gia Long. Dương Hùng cùng vợ con chạy vào nam nhưng không may vợ con ông bị bắt và bị giết hết. Vua Gia Long biết được ông còn sống liền cho truy tìm, sau nhiều lần thoát chết ông đến được miền nam và sống bên con rạch cách Sông Hậu khoảng 20 km về phía đông, làm nơi sinh sống cho đến hết đời.
     Sau này, người dân ở đây đã lấy tên ông đặt tên cho con rạch  là rạch  ông Dương Hùng qua thời gian dài người ta gọi tắt là rạch Ông Dương.
      Nay rạch Ông Dương thuộc huyện Châu Thành- Tỉnh Hậu Giang./.  

Tích Sự Ngã Ba Đầu Sấu

     Vào năm 1770 đến 1775, quân Tây Sơn do Nguyễn Huệ nắm quyền, đem quân tiến đánh Nguyễn Ánh. Nguyễn Ánh thất bại đem quân chạy về phía nam, ông đi đến đâu cũng để lại một số địa danh như Tắc Sậy, Tắc Vân, trong đó có ngã ba Đầu Sấu, nay thuộc xã Tắc Vân, tỉnh Cà Mau
    Khi Nguyễn Ánh chạy đến ngã ba Đầu Sấu, ông định vượt sông ra biển để ra nước ngoài chờ ngày phục thù Nguyễn Huệ nhưng ở ngã ba sông này có rất nhiều cá sấu chúng nổi lên khắp nơi trên sông. Nguyễn Ánh không thể nào qua được sông, mặc dù ông đã đốt nhang khấn vái nhưng cá sấu cũng không lặn đi ông van cầu cũng vô ít, vì không thể đi được ông đành đống quân ở trên bờ theo ven sông.
     Cho đến ngày nay người ta vẫn gọi con sông ấy là ngã ba Đầu Sấu./.
     
                                                            Nguồn: Anh Nguyễn Xuân Phương, ngụ xã
                                                                        Tắc Vân, TP Cà Mau


HỒN THIÊN NƠI PHÁP TRƯỜNG

    Nơi đất Kiên Giang, có vị anh hùng tên Nguyễn Trung Trực là người lãnh tụ hiên ngang chống giặc pháp nhưng cuối cùng ông đã bị giặc bắt.
   Một ngày kia, khi Pháp tuyên bố xử tử vị anh hùng Nguyễn Trung Trực, người dân khắp nơi bàng hoàng đau xót. Mọi người không ai bảo ai họ âm thầm làm lễ tiễn đưa ông, bãi pháp trường là khu đất rộng, từ lúc nào trời chưa rạng sáng người dân khắp nơi đổ về vây kín cả khu đất ấy. Họ mang cả những vật cúng tế, đặc biệt là những người thuộc họ nhà Nguyễn, họ mang cả chiếu bông ở giữa có in chữ Thọ, họ mong rằng khi lót đường cho ông bước như vậy linh hồn ông sẽ thanh thản mà ra đi.
    Bọn giặc pháp sợ người dân làm loạn nên chúng lập một hàng rào vô cùng vững chắc, và điều động cả một đội quân với đầy đủ súng lớn nhỏ, nhằm bảo vệ pháp trường chúng quyết tâm xử tử Nguyễn Trung Trực. Hồi kèn tây vang lên mọi người vô cùng bàng hoàng, đau xót, bọn pháp và bọn tay sai Huỳnh công Tấn, Trần bá Lộc bước ra giữa hai hàng lính, chúng vô cùng hống hách, sau đó một hồi kèn tây lại trỗi lên. Nhìn từ xa, người ta thấy chúng đưa ngài Nguyễn Trung Trực ra, hai tên lính cầm súng lưỡi lê đi kèm phía sau là tên đao phủ có tên gọi là Bòn Tưa, dân chúng nhìn thấy ông vẫy tay la hét làm âm thanh vang cả vùng trời.
    Cụ Nguyễn Trung Trực bị chúng đưa lên bục chém mặt quay về phía dân chúng, ông mỉm cười hai tay chấp lại xá xá nhiều lần về phía người dân để tỏ lòng tri ơn đối với dân làng. Bọn giặc xảo trá chúng tuyên án ông với nhiều tội, sau khi đọc bản án kết tội xong, tên chỉ huy quay sang cụ nói lời dụ dỗ hồng mua chuộc ông, hắn nói nếu ông nghe theo sẽ xá tội. Nhưng Nguyễn Trung Trực là người anh dũng xem thường cái chết, ông thà chết chớ không theo giặc làm tay sai. Trước sự dũng cảm của ông, bọn giặc thấy không thể khuất phục nổi nên chúng ra lệnh chém đầu ông, trước lời ra lệnh của giặc, người dân la hét dữ dội, bọn giặc muốn dịu lòng dân nên chúng tạm hoãn hành hình, cho phép dân chúng dâng lên ông những lễ vật mà họ mang theo. Thế là dân chúng mang cơm, canh, rượu thịt cả chiếu có chữ Thọ lót ngay trước mặt để ông bước lên, ông hiên ngang nét mặt tươi cười ung dung bước lên chiếu mà không do dự. Ông đứng giữa mọi người vòng tay cám ơn tình cảm mọi người đã dành cho ông, ông nói lời chân thành cũng như nhắn nhủ cùng mọi người: “Chúng ta không bao giờ khuất phục trước kẻ thù, chúng ta không bao giờ làm nô lệ cho kẻ thù”. Cụ nói dứt lời mọi người dân đồng thanh hô to: “Nguyễn Trung Trực muôn năm, Nguyễn Trung Trực vạn tuế”.
   Bọn Pháp ra lệnh hành hình, mọi người ai cũng rơi nước mắt, cụ Nguyễn Trung Trực vẫn hiên ngang nhìn về phía dân chúng, ông không hề run sợ, người dân càng nhìn ông họ càng đau xót nên nhiều người nhắm mắt còn số thì quay mặt không dám nhìn. Sau hồi lâu, họ không nghe tiếng chém đầu mọi người nhìn lại, thì ra tên đao phủ đang run lập cập trước khí phách của ông. Tên đao phủ nói với ông: “Ông hãy thông cảm cho tôi vì chúng mướn tôi”, cụ bình thản nói với hắn: “Chúng mướn mày thì mày cứ chém, mà nhớ chém cho ngọt nếu không tao vặn cổ mày”. Nghe cụ nói thế hắn càng run sợ, hắn cố sức giơ đao lên chém, khi đầu ông sắp rơi xuống bỗng nhiên hai tay ông giơ ra ôm lấy đầu đặt vào chổ củ, mắt trừng trừng nhìn bọn tây, bọn tây hốt hoảng chúng tháo chạy tán loạn, ông lại quay sang nhìn tên đao phủ hắn sợ quá la lên máu trong miệng hắn bắn ra, hắn lăn quỵ xuống giãy giụa hồi lâu rồi chết, mọi người chứng kiến cảnh ấy cũng rất sợ, nhưng rồi mọi người cầu nguyện cho ông sớm được thành thánh thành thần.
   Pháp trường náo loạn, một lúc sau bọn lính mang xác ông chôn trong vòng thành, chúng chôn ông đầu một nơi mình một ngã, vì sợ nghĩa quân lấy xác ông làm phù làm phép ông sẽ sống lại. Hiện nay mộ ông Nguyễn Trung Trực nằm ở khuôn viên đình thần, số 8 đường Nguyễn Công Trứ, thành phố Rạch Gía, tỉnh Kiên Giang.

    Nguồn: Bà Lý Thị Xiệm, ấp Cái Nước_xã
Đông Yên_An Biên_Kiên Giang


CHỢ LẤP VÒ

    Ngày xưa, Nguyễn Ánh cùng quân lính của mình bị giặc Tưởng đánh đuổi vào nam. Trong lúc chạy trốn, Nguyễn Ánh và binh lính tẩu thoát bằng đường thủy trên một chiếc thuyền, nhưng không may thuyền bị thủng nặng, Nguyễn Ánh và binh lính hết sức hoang mang, họ tìm mọi cách để lấp chổ thủng đó, bỗng nhiên Nguyễn Ánh nghĩ ra cách lấy đất vò chặt lấp vào chỗ thuyền hỏng, cứ thế Nguyễn Ánh hô to lấp vô, lấp vô cuối cùng nhờ sự đoàn kết giữa Nguyễn Ánh và binh lính chỗ thuyền thủng cũng lấp được.
   Để ghi nhớ sự xuất hiện của Nguyễn Ánh trên vùng đất đó, người dân nơi đây đã thành lập chợ ngay chỗ thuyền Nguyễn Ánh bị thủng và đặt tên là chợ Lấp Vô. Qua thời gian dài truyền từ đời nầy sang đời khác chợ Lấp Vô người ta đã dần gọi là chợ Lấp Vò và nay thuộc huyện Lấp Vò tỉnh Đồng Tháp./.

  Nguồn: Bùi Thúy Nga, xã Định An_
huyện Lấp Vò_tỉnh Đồng Tháp

CÂY THỦY LIỄU

      Vùng đất Đồng Bằng Sông Cửu Long xưa kia còn hoang vắng, rừng rậm, cây cối chằng chịt khắp nơi. Từ năm 1698, Chúa Nguyễn mở cuộc Nam tiến đưa các quan lại và một số tù binh vào vùng đất nầy. Cũng chính họ đã khai hoang làm phong phú cho vùng đất hoang vắng nơi đây. Năm đó Chúa Nguyễn Ánh đi theo đường biển Ba Tri vào cửa Hàm Luông, nửa đêm thuyền lạc vào rạch Ba La, Cái Mít rồi ghé qua Đồng Tam Quản, xã Hiệp Hưng, thì được gia đình Trương Tam Bửu hộ giá ra Cù Lao Mây, Chúa Nguyễn Ánh được ông Trần văn Hạc lúc bấy giờ làm chức cai đón tiếp. Vì Chúa Nguyễn đến bất ngờ nên ông không kịp chuẩn bị, ông muốn bày tiệc nhưng sợ giết gà lợn sẽ bị lộ tung tích Chúa Nguyễn, ông Hạc suy nghĩ hồi lâu đích thân xuống bếp khui hủ mắm sống, ông chợt nghĩ không có rau e rằng Chúa ăn không ngon nên ông ra bờ sông hái mấy trái bần chín có vị chua đem về mời Chúa dùng. Chúa Nguyễn ăn xong thấy hương vị ngon lạ nên hỏi ông Hạc, ông ta rụt rè không dám trả lời vì sợ nói tên trái bần mà mang cho Chúa ăn sẽ mắc tội, sau khi nghe Chúa hỏi nhiều lần ông ta đành nói tên là quả bần. Chúa nghe xong cười nói: “Không ngờ lúc gian truân có quả nầy ăn cũng ngon”. Chúa nhìn ra bờ sông thấy nhánh bần đầy những bông trắng thân lại rủ xuống như cây liễu nên Chúa gọi nó là Thủy Liễu vì cây liễu mọc trên bờ còn bần thì mọc dưới mé sông, từ đó cây bần còn có thêm tên là cây Thủy Liễu./.

Nguồn: Quách Thị Sên Thanh


ĐÌNH THẦN BÌNH THỦY VÀ KÊNH ÔNG TÁM KHÙI

    Tương truyền rằng, vào thời vua Gia Long tẩu quốc, trong lúc chạy loạn đoàn quân của vua đã đi đến bước đường cùng, trước mặt là con sông lớn (tức Sông Hậu bây giờ) sau lưng là một toán quân lính đuổi theo, không phương tiện qua sông cái chết như đã gần kề. Trong lúc cực kì nguy hiểm ấy bỗng đâu có ông lão từ xa bơi thuyền ghé lại đưa mọi người vượt sông. Tưởng chừng mọi chuyện êm xuôi nào ngờ thuyền vừa ra đến giữa sông, trời bỗng dưng tối sầm lại, gió nổi lên từng cơn, sóng to bắt đầu đập mạnh khiến cho mọi người trên thuyền ai cũng hoang mang lo sợ. Thấy vậy nhà vua bèn quỳ xuống khấn nguyện rằng: “Nay trong cơn mất nước chạy loạn đến đây nhờ ơn trời che chở mà gió yên sóng lặng, để đoàn quân được an toàn, sau nầy phục quốc con sẽ làm lễ tạ ơn.”
    Khi nhà vua vừa khấn xong, thì rất lạ là sóng yên gió lặng, đoàn người tiếp tục lên đường, thuyền cặp bến đoàn quân tiến thẳng vào rừng tràm. Cả đoàn đi mãi, đi mãi cho đến khi gặp ngôi nhà địa chủ tên Duyên và được bà ấy mời vào đãi cơm  nước đàng hoàng.
    Đến ngày vua Gia Long phục quốc, vì nhớ lời nguyện khi xưa nên ngài đã trở về vùng đất nầy để tạ ơn và đặt tên là Bình Thủy với ngụ ý: Bình là bằng, Thủy là nước nghĩa là “Nước bằng, gió lặng”. Cũng từ đó, nơi đây mọc lên ngôi đình và gọi là: “Đình Thần Bình Thủy”.
   Về phần bà Duyên vua ban tặng hai bức trướng và xây dựng mộ cho bà khi bà chết.
   Con đường mòn ngày xưa quân lính đi qua theo thời gian và thủy triều lên xuống nên dần dần trở thành con kênh. Con kênh ấy được một người đàn ông thứ tám tên Khùi vào sinh sống và khai hoang nên mọi người gọi con kênh ấy là: “Kênh ông Tám Khùi” cho đến ngày nay./.

Nguồn: Ông Nguyễn Văn Tư, xã Thành
Trung_huyện Bình Tân_tỉnh Vĩnh Long


NGUYỄN ÁNH BÁO ƠN

     Ở một làng ven biển cạnh dòng sông, từ cửa biển tiếp giáp với dòng sông nối cửa sông đổ ra biển hình dạng giống như mỏ một con chim ó, nên làng nầy được mang tên là làng Mỏ Ó.
    Trong thời gian Nguyễn Ánh bị quân Tây Sơn đuổi bắt, Nguyễn Ánh cùng tàn quân tháo chạy sang Xiêm ông đã đến làng nầy, bốn phía đều là nước mặn, Nguyễn Ánh và tàn quân đều khát mà không thể tìm ra nước ngọt để uống. Bỗng một người hầu cận của Nguyễn Ánh phát hiện một con ba ba đang ấp trứng, thông thường ba ba ấp thường ủ một lớp nước ngọt dưới ổ, theo lời của hầu cận Nguyễn Ánh ra lệnh lấy nước không ngờ đó là nước ngọt thật, nhờ đó Nguyễn Ánh và tàn quân sống sót mà chạy sang Xiêm.
    Về sau, Nguyễn Ánh đánh đổ được Tây Sơn, Nguyễn Ánh lên ngôi lấy hiệu là Gia Long. Để ghi nhớ công ơn cứu mạng của ba ba, từ đó vua Gia Long ra lệnh không ai được săn bắt hoặc ăn thịt ba ba nếu trái lệnh sẽ chém đầu. Về sau không ai dám bắt hoặc ăn thịt ba ba và loài vật ấy rất được kính trọng, bảo vệ./.

GIAI THOẠI VỀ TRẠNG HIỀN

   Ngày xưa, ở huyện Thượng Nguyên tỉnh Nam, có một người rất nổi tiếng tên là Nguyễn Hiền. Tuy Nguyễn Hiền còn nhỏ tuổi nhưng sức học vô cùng thông minh.  Năm Đinh Mùi niên hiệu Thiên ứng Chính Bình, khi khoa thi mở, Nguyễn Hiền cũng lên kinh ứng thí, năm đó ông mới mười hai tuổi nhưng đã đỗ trạng nguyên, khoa thi đó có cả ba người đỗ cao nhưng họ đều còn rất trẻ. Đó là Nguyễn Hiền trạng nguyên mười hai tuổi, kế đó là Lê Văn Hưu đỗ bảng nhãn vừa tròn mười tám tuổi và Đặng MaLa đỗ thám hoa mười bốn tuổi.
    Nhà vua thấy Nguyễn Hiền còn trẻ mà tài cao, nên cho mời vào triều hỏi chuyện, nhà vua bảo:
   - Trạng nguyên học ở đâu?
   Trạng Hiền liền quỳ tâu:
   - Thần xin tâu cùng bệ hạ, thần chỉ học ở thần…và thỉnh thoảng có hỏi sư ông ở một chùa làng đôi ba chữ.
   Vua thấy trạng nhỏ tuổi nói năng quê mùa mà còn kiêu căng nên không mấy vừa lòng, vì thế nên buộc trạng về quê học lễ nghĩa không được đăng quan áo mão.
   Trạng Hiền trở về quê, ngày ngày đọc sách nhưng tánh trẻ con nên Hiền vẫn cùng đám bạn nhỏ suốt ngày rong chơi.
    Cho đến một ngày nọ, sứ giả bên Tàu sang và thách ra câu đối:
    “Một con ốc xoắn nhờ xâu qua ruột nó bằng một sợi chỉ mành”, nếu làm được y mới chịu vào thành. Vua truyền cho các quan tìm mọi cách xâu thử, nhưng không có ai làm được, mọi người đều lắc đầu vì con ốc quá nhỏ. Bỗng nhiên, vua nhớ đến trạng Hiền nên vua vội sai người về quê tìm trạng Hiền, vị quan được giao việc đến quê trạng gặp ngay một lũ trẻ chăn trâu đang nghịch đất đầu làng. Trong số đó có một cậu bé khôi ngô đang bày cho lũ bạn đắp một con voi bằng đất mà tứ chi lẫn tai, vòi…có thể ngoe nguẩy cử động được, viên quan đón ngay đó là trạng Hiến bèn buông một vế đối thăm dò:
 “Tự là chữ, cắt giằng đầu, chữ tử là con, con ai con ấy?
   Trạng Hiền nghe qua câu đối thẳng thắng đối lại:
   “Vu là chưng, bỏ ngang lưng, chữ đinh là đứa, đứa nào đứa nầy!
    Vị quan biết chắc là trạng nên vội xuống ngựa mà truyền chỉ vời trạng về kinh, nhưng trạng không về, viện lẽ cho rằng, ngày trước vua cho trạng kém lễ nên buộc trạng về quê, nhưng giờ vua vời trạng lên cũng không giữ đúng lễ. Vị quan không biết làm sao đành giải bày chuyện sứ giả bên Tàu ra câu đối mà không ai giải được. Trạng nghe xong chỉ cười và không nói gì, trạng quay lại chơi cùng đám trẻ, vị quan đành quay về, trạng chờ cho vị quan lên ngựa đi một đoạn mới bảo đám bạn hát rằng:
    “Tích tịch tình tang, tích tịch tình tang,
    Bắt con kiến càng buộc chỉ ngang lưng.
    Bên thì lấy giấy mà bưng,
    Bên thì bôi mỡ kiến mừng kiến sang
    Tích tịch tình tang…”
    Vị quan nghe lời trẻ hát ông ta nhẩm thuộc vì biết trạng Hiền chỉ cách giải câu đối và vui vẻ về kinh. Ông ta kể rõ cho vua nghe mọi chuyện, vua quan lúc ấy giải được câu đối, vua biết mình sai nên làm đúng lễ để mời trạng Hiền về kinh, nhưng lâu sau không may trạng trải qua cơn bệnh nặng và qua đời sớm ở tuổi 21./.