DANH SÁCH BÀI VIẾT

Friday, April 8, 2011

BS TRẦN QUANG DŨNG- HẠNH PHÚC KHI THẤY BỆNH NHÂN BÌNH PHỤC



Hơn 20 năm gắn bó với nghề, bác sĩ Trần Quang Dũng luôn cố gắng dồn hết sức lực, tinh thần cho công việc và cho công tác chăm sóc bệnh nhân bệnh nhân. Với anh, niềm vui lớn nhất là khi thấy bệnh nhân dần được hồi phục và khoẻ mạnh sau khi được anh và các bác sĩ đồng nghiệp tận tình chăm sóc.
Bác sĩ Trần Quang Dũng sinh năm 1967 tại xã Tắc Vân, Tp. Cà Mau. Tốt nghiệp Trung cấp Y sĩ vào năm 1988, anh vào công tác tại Trung tâm y tế thị xã Cà Mau với lòng hăng hái và nhiệt huyết của tuổi trẻ. Nhận công tác tại Khoa Cấp cứu là một thử thách cam go với người y sĩ mới ra trường vì anh và đồng nghiệp luôn phải chứng kiến, chạy đua với thời gian để cấp cứu những ca bệnh” thập tử nhất sinh”. Làm việc trong môi trường này, anh đã tự rèn luyện cho mình tinh thần hết mình vì sức khoẻ và tính mạng người bệnh. Niềm vui của anh là hàng ngày được thấy những bệnh nhân do mình chăm sóc vượt qua được thời kì nguy hiểm và dần bình phục. Anh chia sẻ: “có khi cấp cứu thành không một bệnh nhân, mình vui đến không ngủ được, cứ đi tới đi lui ngắm ngiá “ thành quả” của mình”.
Bác sĩ Trần Quang Dũng- Trưởng Khoa Nhiễm, BVĐK Cà Mau.
Năm 1995, sau khi học chuyên tu bác sĩ, anh về nhận công tác tại khoa Hồi sức cấp cứu của bệnh viện Đa khoa tỉnh Cà Mau. Đầu năm 2003, bác sĩ Trần Quang Dũng gạt bỏ lo lắng để về nhận nhiệm vụ mới ở Khoa Nhiễmvới mong muốn cải thiện, giúp đở những bệnh nhân ở đây, nhất là bệnh nhân nhiễm HIV.
Trong thời điểm này, anh trăn trở , băn khoăn bởi thái độ kỳ thị xa lánh của nhiều người trong cộng đồng xã hội đối với những bệnh nhân có “S”. Dốc sức tìm tòi, sáng tạo, anh cho ra đời đoạn phim dài hơn 5 phút với chủ để “ Đừng kì thị bệnh nhân nhiễm HIV”. Nội dung ngắn gọn, dễ hiễu và gây nhiều cảm xúc nên phim đã cải thiện đáng kể thái độ kì thị xa lánh của cộng đồng.
Trong những năm công tác tại khoa Nhiễm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cà Mau, bác sĩ Trần Quang Dũng luôn động viên, trấn an tinh thần của những nhân viên mới vào nhận công tác tại khoa. Vì vậy, dù làm việc trong môi trường có nguy cơ bị lây nhiễm bệnh cao nhưng các y bác sĩ ở khoa vẫn luôn tận tuỵ, hết mình vì bệnh nhân, không còn thái độ lo lắng hoặc tâm lý dao động muốn chuyển đến khoa khác.
Với sự lao động miệt mài, không mệt mõi, bác sĩ Trần Quang Dũng nhiều năm liền được công nhận danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp tỉnh. Đặc biệt, năm 2009 vừa qua, anh vinh dự được tặng danh hiệu chiến sĩ thi đua toàn quốc và năm 2010 này được tặng danh hiệu Thầy thuốc ưu tú.  Hai lần liên tiếp được công nhận là chiến sĩ thi đua cấp tỉnh, cộng với việc có đề tài thoát khỏi phạm vi của tỉnh để được công nhận là chiến sĩ thi đua toàn quốc nhưng anh khiêm tốn chỉ nhận đó là sự “mai mắn”. Đề tài “ Đánh giá hiệu quả điều trị uốn ván trong năm năm 2002-2007 tại khoa nhiễm bệnh viện Cà Mau” đã đạt được giải nhất cấp ngành và được cử đi báo cáo tại Hội nghi Quân dân y lần 7 được tổ chức tại Cần Thơ.
Hiện tại, ngoài cương vị là Trưởng Khoa Nhiễm bệnh viện đa khoa tỉnh Cà Mau, anh còn kiêm nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch công đoàn, Bí thư chi bộ của bệnh viện. Ngoài thời gian công tác ở khoa, anh còn sắp xếp công việc, dành thời gian khám cho bệnh nhân ở Phòng khám ngoại trú cho bệnh nhân nhiễm HIV. Trong công việc, anh tâm niệm, cứ cố gắng phấn đấu hết sức thì thành công sẽ đến với mình.
Ngoài công tác chuyên môn, bác sĩ Dũng còn có nhiều sáng kiến, áp dụng công nghệ thông tin vào công tác khám chữa bệnh tại khoa. Anh và đồng nghiệp viết phần mền quản lý bệnh nhân để theo dõi số ca bệnh xuất, nhập trong năm, từ đó vừa có số liệu thống kê chính xác vừa giảm bớt công sức tổng kết cuối năm.
Anh kể, trong một lần đi công tác ở huyện, trong lúc chờ đò thì có một bác nông dân lớn tuổi đột ngột đến tay bắt mặt mừng với mình, thái độ hết sức vui vẽ, mừng rỡ. Hỏi ra, đó là một bệnh nhân đã được  anh dành nhiều thời gian điều trị, cứu chữa nên “luôn mang ơn bác sĩ” Hơn 20 năm công tác trong ngành y, đây là kĩ niệm vui nhất của anh và đó cũng chính là nguồn động viên để anh tiếp tục cống hiến, để xứng đáng với lời dạy của bác Hồ “ lương Y như từ mẩu”.

Minh Anh