DANH SÁCH BÀI VIẾT

Sunday, December 11, 2011

NGHỀ CÁ Ở ĐỒNG THÁP MƯỜI XƯA VÀ NAY

I - Điều kiện thuận lợi của nghề cá ở Đồng Tháp Mười
Đồng Tháp Mười là một cánh đồng rộng bao la, khoảng 1 triệu ha, gồm 300.000 ha thuộc Campuchia và 700.000 ha thuộc Đồng bằng sông Cửu Long, nằm trong 3 tỉnh Long An,Tiền Giang và Đồng Tháp. Các nhà khoa học đã chứng minh rằng Đồng Tháp Mười cách đây khoảng 20.000 năm là một cái vịnh cổ, được phù sa sông Cửu Long và
Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây bồi đắp lâu năm tạo thành. Trong quá trình bồi tụ đó, có những lúc nước sông trên thượng nguồn đổ về lại gặp thủy triều đang lên, dẫn đến xuất hiện chỗ giáp nước, phù sa không trôi được nên lắng đọng tại chỗ, lâu ngày hình thành các giồng lớn như: giồng Cai Yến (thuộc thị xã Tân An, tỉnh Long An), giồng Dứa  –Giồng Cát  – giồng Thuộc Nhiêu (thuộc vùng đất Ba Giồng, tỉnh Tiền Giang), v.v. Các giồng này một mặt ngăn nước mặn từ biển tràn vào, mặt khác khiến nước từ thượng nguồn càng bị ứ đọng, dẫn đến hình thành “lòng chảo” Đồng Tháp Mười, cái túi chứa lũ, cá tôm và cả phèn. Vì nước ứ đọng quanh năm nên Đồng Tháp Mười có thảm thực vật phong phú, vừa là nguồn thức ăn, vừa là nơi trú ẩn thuận lợi cho cá. Đồng thời hàng năm nước lũ ở thượng nguồn sông Mêkong tràn về cũng cuốn theo lượng cá khổng lồ từ Biển Hồ (Campuchia) sang, làm phong phú thêm nguồn cá tại chỗ. Bởi vậy mà Đồng
Tháp Mười từ xưa được mệnh danh là xứ sở “trên cơm dưới cá”. Theo thống kê, ở vùng này có tới 159 loài cá, gồm  nhóm cá đen (cá đồng) như cá lóc, cá trê, cá rô… và cá trắng (cá sông) như cá chép, cá chốt, cá he…
Tuy là vùng trũng nhưng từ bao đời nay nguồn nước ở Đồng Tháp Mười tương đối ngọt vì được phù sa liên tục bồi đắp, làm cho phèn bị chìm lắng bên dưới. Chính nguồn nước này quyết định môi trường sống của cá.
Một điểm thuận lợi nữa cho cá đồng sinh sôi là trong Đồng Tháp Mười thời xưa rất ít kinh rạch, chỉ có những bàu, lung, rọc, trấp… kín đáo với cây cối, bụi rậm um tùm, tạo thành một “vương quốc” riêng cho cá đồng tha hồ sinh sản.
Trong Gia Định thành thông chí, Trịnh Hoài Đức cũng ghi nhận về Đồng Tháp Mười như sau: “Khoảng giữa thì bùn lầy đất nhão, cỏ lác rậm rạp… Phía nam có nhiều giồng gò vườn ruộng, về phía bắc có nhiều rừng  sâu, chằm lớn lan tràn đến 5, 6 trăm dặm, làm đất tụ nghĩa của quân Đông Sơn, tiến giữ đất Ba Giồng, đặt cửa giữ hiểm, có thể hoành hành về phía nam phía bắc, lui dựa vào rừng chằm, như hổ về núi sâu, rồng về biển lớn, người ta không ai biết được tông tích”
Đến giữa thế kỷ XIX, Đồng Tháp Mười vẫn còn hoang vu nên chỉ được người Pháp gọi bằng cái tên chung chung là Plain de joncs, tức Đồng cỏ lác. Chính Thiên Hộ Dương đã dựa vào vùng rừng rậm này để xây dựng căn cứ chống Pháp.
Về mặt xã hội và dân cư, hầu hết cư dân ở Đồng Tháp Mười đều có nguồn gốc là lưu dân người Việt từ miền Thuận – Quảng vào lập nghiệp từ cuối thế kỷ XVII, đầu thế kỷ XVIII. Cư dân Thuận – Quảng vốn chủ yếu làm nghề khai thác cá biển nên họ đã sớm ứng dụng kinh nghiệm truyền thống đó để đánh bắt cá ở Đồng Tháp Mười. Ban đầu họ phải cư trú nơi các giồng đất cao ráo ở phía nam vì lúc này Đồng Tháp Mười còn ngập nước quanh năm do chưa có kinh rạch thoát nước ra sông lớn. Bước chân đầu tiên đi khai hoang gặp rất nhiều trở ngại:
Tới đây xứ sở lạ lùng,
Con chim kêu cũng sợ, con cá vùng cũng ghê.
(Ca dao)
Chính vì vậy mà các lớp cư dân ban đầu chủ yếu sống bằng phương thức hái lượm: chim trời cá nước, lúa ma (lúa trời), bông súng, củ co, mật ong, v.v. Trong các nguồn ấy thì cá là thứ có nhiều nhất, hầu như mọi lúc mọi nơi, mà lại dễ bắt và dễ chế biến:
Gió đưa gió đẩy,
Về rẫy ăn còng,
Về sông ăn cá, về đồng ăn cua.
(Ca dao)
Con cá trở thành món ăn thường ngày của họ, ngay cả những kẻ khốn cùng:
Mồ côi cha thì ăn cơm với cá… (Tục ngữ)
Rồi đến những lớp cư dân sau thì địa bàn cư trú bắt đầu mở rộng và hoạt động đánh bắt cá cũng theo đó mà trở nên đa dạng hơn. Các loại ngư cụ dùng đánh bắt cá một phần được cải tiến từ những ngư cụ truyền thống mà lưu dân đã mang theo từ vùng Thuận – Quảng, một phần kế thừa của người Khmer vốn là cư dân bản địa. Ban đầu vật liệu để làm ngư cụ chủ yếu là các loại cây có sẵn trong Đồng Tháp Mười như tre, sậy (dùng làm đăng – đó, lờ lọp…), đay (lấy sợi làm lưới), cói (lác), cỏ bàng (làm vó, lưới), v.v. Tất cả những điều đó góp phần thuận lợi cho nghề cá ở Đồng Tháp Mười phát triển mạnh mẽ.
II - Nghề cá ở Đồng Tháp Mười xưa và nay
Giai đoạn đầu, khi lưu dân vừa đặt chân đến thì Đồng Tháp Mười là một kho cá vô tận.
“Huyện Kiến Đăng  (thuộc trấn Định Tường, nay là tỉnh Tiền Giang  ), từ đông sang tây cho tới địa giới Cao Mên, có nhiều chằm đầm, ao vũng, cá mú không thể ăn xiết. Cá thì trong khoảng tháng 4 tháng 5 mưa xuống nước đầy, sinh trưởng bơi lội ở khoảng ruộng chằm, phàm nơi có cỏ thành vũng, tuy sâu độ 1 tấc cá cũng có thể ở được. Đến tháng 10 trở đi hết mưa, nước rút thì cá lại ra sông”.
Chính vì thế mà trước đây nhiều địa phương có tục cúng cầu ngư vào mùa khai thác cá cao điểm: vùng ven sông lớn thì cúng sau mùa nước lũ vì đây là thời điểm cá từ trong đồng rút ra sông, còn vùng nội đồng thì cúng vào khoảng tháng 2, 3 âm lịch vì đây là mùa khô, mùa tát đìa bắt cá.
Nghề cá thu lợi nhuận nhiều đến nỗi “vùng Rạch Chanh, Kinh Mới, Rạch Bắc (phía nam Đồng Tháp Mười, nay thuộc huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An và huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang ) đất tuy trưng làm ruộng mà nghề thì  đào ao thả cá bán để nộp thuế”
“Trong mùa cá 1846 – 1847, để được phép khai thác cá, ngư dân ở Sở Hạ và xứ Như Cương -nay thuộc huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp – sẵn sàng nộp thuế cho nhà nước 26.130 quan tiền, tương đương với số tiền thuế đánh trên 13.065 mẫu vườn hạng nhứt”
Sở dĩ cá ở vùng này phong phú đến thế là do nước lũ từ Biển Hồ
(bên Campuchia) đổ xuống, cuốn trôi theo trứng cá. Khi sang đến nước ta thì trứng cá đã nở thành con và trôi giạt khắp nơi, cả Đồng Tháp Mười lẫn tứ giác Long Xuyên, nhưng Đồng Tháp Mười là vùng trũng nên thích hợp nhất cho cá trú ngụ.
Đến cuối thế kỷ XIX – đầu thế kỷ XX, thực dân Pháp cho đào một số kinh quan trọng như kinh Bo Bo (1875), kinh Tổng Đốc Lộc (1897), kinh Lagrange, kinh Long Định (1897), kinh Tháp Mười (1922)... Chính nhờ những con kinh này mà bước chân khai phá của người Việt được tiến xa hơn, ngày càng đi sâu vào “vương quốc” của cá. Cộng thêm khả năng vận chuyển cá bằng đường ghe nên nghề cá chuyển sang một bước phát triển mới: khai thác quy mô kết hợp với thương lái chuyên nghiệp, gọi là lái rổi hay các lái. Nghề này thu hút một bộ phận không nhỏ dân cư nên đã hình thành bài Vè lái rổi
Các sở thủy lợi (hiểu là ngư trường chịu đóng thuế) vốn đã hình thành vào đầu thế kỷ XIX ở vùng thượng nguồn sông Tiền (tức vùng Hồng Ngự tỉnh Đồng Tháp hôm nay), đến giai đoạn này càng phát triển mạnh mẽ:
Mặt dòn thượng hạ song song,
Diện Hầu thượng hạ chữ trong bộ làng.
Tục kêu hai xứ rõ ràng,
Sở trên sở dưới muôn ngàn dân đông
Từ đó đã xuất hiện hàng loạt “địa chủ đìa” bao chiếm các sở cá rồi cho thuê lại và đóng thuế cho nhà nước, gọi là thuế cá hay “dư cấp”. Đến khi Pháp xâm lược thì nhờ câu kết với thực dân mà các địa chủ đìa càng có thêm thế lực bao chiếm nguồn lợi này:
Biết bao nhiêu giống cá đồng,
Phái viên các cậu mua trùm trên quan.
Rồi về bán lại cho làng,
Mấy người cầm rạch chứa chan bạc tiền
Vào mùa khô, tức mùa tát đìa, các ghe rổi tụ tập về các sở cá để thu mua, tạo nên một khung cảnh nhộn nhịp:
Xứ đâu thị tứ bằng xứ Kinh Cùng
Tràm xanh củi lục anh hùng thiếu chi.
(Ca dao)
Việc mua bán cá thường được tính bằng giỏ tre (cần-xé) hoặc mua mão, tức là trông đìa cá rồi ước chừng mà mua. Lái mua cá rồi  rộng (dự trữ) dưới ghe (ghe rổi) chở đi bán khắp lục tỉnh, nhất là trên Sài Gòn (nơi tập kết cá là chợ Cầu Ông Lãnh).
Công cụ đánh bắt cá ở Đồng Tháp Mười nói chung rất phong phú, bao gồm:
- Ngư cụ cố định: vó, đáy, đăng – đó, lờ, lọp, thời, trúm, lưới giăng (lưới bén), câu, v.v.
- Ngư cụ di chuyển: chài, lưới kéo, cào, v.v.
Dưới đây là những miêu tả sơ lược về một số ngư cụ phổ biến ở Đồng Tháp Mười:
- Đăng – đó là hai loại ngư cụ luôn đi đôi với nhau. Đăng là hai tấm phên bện bằng các nan tre cao khoảng 1 – 2 m, được dựng đứng như hình chữ V đặt nằm trên mặt đất, có nhiệm vụ hướng dẫn cá đi vào đó. Đó có hình trụ, cũng bện bằng các nan tre, được đặt thẳng đứng, có hom hình chữ V xếp theo chiều cao của nó. Trên thân đó có một cửa dùng để trút cá. Đăng thường đặt chắn ngang dòng chảy của kinh rạch nên tùy theo chiều dài của đăng mà lượng cá vào đó nhiều hay ít. (Xem hình)
- Lờ có dạng hình trụ không đều, dài khoảng 0,6 m, đường kính khoảng 0,3 m do một tấm vĩ lạt tre hình chữ nhật cuộn lại theo chiều dài của nó, phía trên chừa một lỗ trống nhỏ để trút cá. Hai mặt hông của lờ là hai tấm vĩ lạt tre hình tròn, ở giữa mỗi tấm vĩ có hom để cá chui vào mà không thoát ra được. Lờ được đặt ở những nơi kín đáo, bên trong có mồi nhử cá vào. Cũng có thể đặt lờ ngay tại ổ cá sặc (nơi có bọt trắng), sau đó chúng sẽ theo hom lờ để vào ổ. (Xem hình)
- Lọp gồm các nan tre ghép lại thành hình trụ. Miệng lọp tròn, có hom cho cá chui vào, phía trong có hom thứ hai dẹp và lệch về một phía. Đuôi lọp dẹp lại để tạo chiều cao cho cá có thể ngoi lên mặt nước thở được và có thêm một cửa nhỏ để trút cá ra. Lọp thường được đặt chắn ngang đường nước, miệng quay về phía nguồn vì cá hay  đi ngược dòng. (Xem hình)
- Đáy gồm hai phần: phần lưới dài hình nón có nhiệm vụ hướng dẫn cá đi vào giỏ đục; giỏ đục được đan bằng nan tre, có hình trụ dài khoảng 1 m đường kính khoảng 0,3 m, là nơi chứa cá. Miệng giỏ đục gắn liền với phần đuôi của lưới đáy bằng một chóp đục có thể mở cho cá vào và đóng lại để kéo lên bắt cá. Đáy thường được đặt ở sông lớn, nước chảy mạnh nên cần phải được neo cột chắc chắn để có thể chịu đựng nổi lực đẩy của dòng nước. (Xem hình)
-Thời gồm hai phần: phần thân có hình trái phật thủ được đan chặt bằng lạt tre, có đường kính khoảng 0,4 m, cao khoảng 1 m, bên hông phía dưới có hom, đầu trên có lỗ trống nhỏ để trút cá; phần ống do các nan tre ghép lại như hình ống loa có nhiệm vụ hướng dẫn cá chui vào hom. Thời thường được đặt tại các ngòi nước hẹp để đón đường đi của cá. (Xem hình)
- Trúm là loại ngư cụ chuyên dùng để bắt lươn. Trúm gồm một ống tre dài khoảng 1 m, các đốt bên trong được đục thông suốt, chỉ chừa lại đốt cuối cùng. Tại miệng trúm có một hom nhỏ, chắc chắn, có thể tháo gỡ để trút lươn ra. Khi gắn vào trúm, hom được giữ chắc bằng một nan tre cứng xỏ xuyên qua hai lỗ trên thành ống trúm. Nan tre này còn có tác dụng để cắm sâu xuống đất, giữ cố định vị trí và độ nghiêng của ống trúm.
Đuôi ống trúm có đục lỗ nhỏ thông hơi để lươn không bị chết ngộp khi chui vào. Khi đặt trúm người ta bỏ vào bên trong ống trúm một ít mồi bằng cua hay ốc chết thối rồi cắm miệng ống trúm xuống đất theo hướng nghiêng khoảng 30 độ, đuôi ống trúm nhô lên khỏi mặt nước khoảng vài cm. Trúm thường được đặt ở những ao đìa rậm rạp, có nhiều bùn sình vì đây là môi trường thuận lợi cho lươn sinh sống. (Xem hình)
- Chĩa xom lươn là loại chĩa dài khoảng 1 m, đường kính khoảng 1 cm, một đầu có hai mũi nhọn, đầu còn lại có tay cầm như hình chữ T. Ở đầu mỗi mũi có ngạch để khi lươn bị xom thủng không thoát được. Người ta thường tìm những nơi có mà lươn, dùng chĩa xom thẳng xuống rồi xoay chĩa như kiểu vặn đinh ốc, nếu lươn bị chĩa đâm thủng thì khi xoay sẽ gặp sức cản, người ta nhờ đó mà phát hiện, dùng dụng cụ đào đất để bắt lươn.
Nhìn chung, các nguyên tắc phổ biến nhất trong việc đánh bắt cá ở Đồng Tháp Mười là: phải chọn những vùng kín đáo, có nhiều cây cỏ, nước có màu đục ngả sang vàng nâu và phải đón đầu hướng đi của cá theo ngược chiều dòng nước. Riêng việc câu cá (gồm cả cắm câu) thì phải chọn thời điểm vào lúc trời chiều hoặc gần sáng vì đây là lúc cá tích cực đi tìm mồi. Mồi cũng phải thích hợp từng loại cá, chẳng hạn cá lóc thích mồi sống và hay ăn trên mặt nước, cá trê và lươn thích mồi chết và ăn ngầm dưới đáy. Nếu là câu cắm (hoặc giăng) thì phải dùng lưỡi câu khoặm vào để cá mắc câu giãy trong thời gian dài mà không sẩy.
Ngoài ra, cũng có những cách bắt cá không dùng ngư cụ như tát đìa, bắt cá lên, bắt cá cạn, đào hầm, v.v. Việc tát đìa thường diễn ra vào mùa khô, vì đây là mùa nước cạn. Mỗi lần tát đìa là một ngày hội của cả xóm. Mọi người thay phiên nhau bắt thành từng cặp để tát  gàu dai (mộtkiểu gàu hình chóp, có hai cặp dây dài cột đối diện nhau ở miệng và đáy gàu; hai người đứng đối diện nhau, mỗi người cầm hai dây gàu phối hợp nhau tát nước đều đặn). Khi nước cạn xong thì mọi người cùng nhau bắt cá rồi chia đều nhau. Những người không tham gia tát thì chỉ được phép bắt cá sau, gọi là bắt hoi.
Đến khi những cơn mưa đầu mùa xuất hiện, cá thường từ dưới kinh rạch đi ngược lên những vùng nước cạn để đẻ trứng, gọi là cá lên. Cá lên thường là cá to, mập vì đang độ mang trứng sắp đẻ. Đến vào khoảng rằm tháng 7 âm lịch hằng năm luôn có lệ hạn bà chằn nên cá bị mắc cạn, người ta chỉ việc xúc mang về, gọi là bắt cá cạn. Rồi đến gần cuối năm, khi trời bắt đầu lập đông thì cá đánh hơi biết trời hết mưa nên nhảy từ ruộng đồng ra các kinh rạch lớn. Do đó, người ta đào hầm nơi đầu các đường nước để cá nhảy đi sẽ rơi xuống hầm không thoát được. Cá thường nhảy hầm vào khoảng nửa đêm, sáng sớm người ta nhặt mang về.
Đi đôi với nghề khai thác cá là các nghề đan lát (chế tác các loại ngư cụ) và chế biến cá như làm mắm, làm  khô và nấu dầu cá linh. Đặc biệt, vào mùa nước nổi thì cá linh ở Đồng Tháp Mười nhiều vô kể. Nguyễn Hiến Lê sau khi đi điền dã Đồng Tháp Mười vào những năm trước Cách mạng Tháng Tám đã ghi nhận: một hộp cá mòi lúc đó giá 8 cắc, trong khi 8 cắc thì mua được 2 – 3 giạ cá linh. “Tháng 10 là mùa nó, nó theo nước trên đàng Thổ (Cao Miên) xuống, nhiều vô kể. Tại phía trong miền Hồng Ngự nó lội đầy rạch, chỉ việc lấy thùng thiếc mà xúc… Ăn không hết, làm nước mắm và mắm cũng không hết, có khi người ta phải đổ đi, hoặc dùng làm phân bón thuốc (thuốc lá)”
 Đối diện với Hồng Ngự, bên kia sông Tiền là Tân Châu, thời điểm đó cá cũng không thể nào ăn xuể:
“Nguồn lợi cá ở đây to lắm. Cá linh, cá sặc, cá rô, cá lóc, cá bông, cá tra, cá cóc, cá hô, cá vồ…Nhưng nhiều nhất là cá linh… Một đóng chà rộng khoảng vài chục thước vuông mà mỗi đêm người ta bắt được hàng trăm giạ cá linh… Một miệng đáy, cứ hễ năm phút là kéo lên, phải nói là trục lên mới đúng, là đã bắt được hàng trăm ký cá”.Do cá linh rất mập, nhiều mỡ nên người ta nấu để lấy dầu thắp đèn. Nghề nấu dầu cá linh rất som tụ và đem lại nguồn lợi rất lớn: Cá linh từ đó sắp lên,
Bước qua mùa nắng kẹo lềnh bực sông.
Dầu cá linh, lò nấu cùng,
Tối thì lửa nổi theo vòng giang biên.
Vợt xúc lên, bỏ nấu liền…
Trong 30 năm kháng chiến (1945 - 1975), Đồng Tháp Mười một lần nữa lại trở thành căn cứ kháng chiến. Người dân bị cô lập ở phía rìa Đồng Tháp Mười, không được phép đi sâu vào ĐồngTháp Mười đánh bắt cá vì thực dân sợ tiếp tay cho cách mạng. Sống dưới chế độ quân quản, việc đi lại khó khăn; hơn nữa còn bị bắt lính, làm phu nên trong suốt thời gian này, lượng cá ở Đồng Tháp Mười vẫn còn rất phong phú.
Sau 1975, nhà nước bắt đầu tập trung khai thác Đồng Tháp Mười, mà trước hết là làm công tác thủy lợi: đào mới kinh Hồng Ngự  – Vĩnh Hưng (kinh Trung Ương) và kinh Trương Văn Sanh; vét kinh Nguyễn Văn Tiếp, kinh Phước Xuyên, kinh Đồng Tiến, v.v. và các kinh nhỏ ngang dọc chằng chịt khác.
Chính vì chiến dịch “xổ phèn” này mà lượng phèn vốn tiềm tàng lâu đời nay trở nên hoạt động. Trước đây, Đồng Tháp Mười ngập nước quanh năm, nay bị thoát nước nên nhiều chỗ khô cháy vào mùa nắng, dẫn đến phèn xì lên mặt đất bằng con đường mao dẫn và khiến môi trường nước thay đổi: nhiễm phèn nặng nề, lại thêm nhiễm mặn do nước biển tràn vào.
Nguồn nước thay đổi dẫn đến hệ sinh vật cũng thay đổi, mà trước hết là cá, bởi cá đồng ở đây không thể sống trong môi trường nhiễm phèn quá nặng như thế. Đành rằng công cuộc tháo chua rửa phèn Đồng Tháp Mười sẽ đem lại tương lai sáng sủa cho vùng nàynhưng hậu quả trước mắt quả là một cú sốc chưa từng thấy đối với các loài cá ở đây. Hệ quả tất yếu của sự thay đổi này là sản lượng cá nội đồng khai thác được ở Đồng Tháp Mười nói chung giảm đi rõ rệt. Và để bù đắp vào khoản sụt giảm lượng cá tự nhiên ấy, người dân Đồng Tháp Mười buộc phải tổ chức nuôi trồng.
Nghề nuôi cá ở Đồng Tháp Mười được khởi xướng từ khi có kinh Hồng Ngự, vì nó đưa lượng nước ngọt từ sông Tiền chảy sang sông Vàm Cỏ Tây. Đến năm 1998, trên kinh này có khoảng 300 bè cá và 300 ao cá, thời vụ nuôi khoảng từ tháng 4 đến tháng 8 hàng năm.
 Một khi bước chân con người đã “chà đi xát lại”, giẫm nát Đồng Tháp Mười  thì lượng cá tựnhiên giảm hẳn cũng là điều dễ hiểu. Chính vì cái nhìn hẹp hòi, cục bộ mà con người đã ra sức tàn phá thiên nhiên vùng Đồng Tháp Mười. Để bảo vệ mùa màng, nông dân đã dùng rất nhiều loại nông dược mà hầu hết đều gây tác tác hại đến hệ sinh vật, đặc biệt là cá và ong, có khi gây chết hàng loạt đến nỗi làm ô nhiễm môi trường. Thêm vào đó là tác hại của những phương tiện đánh bắt cá triệt để như rà điện và đặt dớn. Đặc biệt, dớn là loại ngư cụ mới, chỉ phổ biến ở Đồng Tháp Mười hơn mười năm nay. Về hình thức, nó gần giống như hệ thống đăng – đó nhưng khác ở chỗ sử dụng nguyên liệu là lưới bồ ni lông rất dày nên hầu như mọi giống cá đều không thể thoát được, kể cả những con nhỏ nhất. Điều này gây lãng phí, làm thiệt hại rất nhiều đến trữ lượng cá ở Đồng Tháp Mười. Chính hiện trạng trên khiến cho nguồn cá tự nhiên  ở Đồng Tháp
Mười ngày càng khan hiếm, hậu quả người dân thường xuyên phải ăn cá biển ngay
chính trong vùng mà trước đây không lâu được mệnh danh là “vương quốc của cá
đồng”.
III  Dấu ấn văn hóa của nghề cá ở Đồng Tháp Mười
 Cúng việc lề
Sống trong “vương quốc” của cá đồng nên nghề cá là một trong những nghề lâu đời nhất và gần gũi nhất của người dân Đồng Tháp Mười. Ngay từ những ngày đầu mới định cư, họ đã sớm nhận ra rằng “Nhất phá sơn lâm, nhì đâm hà bá”, hiểu là thứ nhất khai thác rừng, thứ hai khai thác cá tôm. Con cá gắn bó với người dân đi khai hoang đến mức đã trải qua mấy trăm năm nhưng hôm nay lễ vật cúng việc lề của phần lớn các tộc họ ở Đồng Tháp Mười vẫn là cháo ám (cháo cá), cá lóc nướng trui, gỏi cá, mắm (cá) sống, mắm nêm,v.v., tức là đều có yếu tố cá. Nguyễn Hữu Hiếu còn ghi lại được bài thơ “Cổ lệ việc lề” của họ Nguyễn Công ở Cao Lãnh như sau:
…Gỏi ghém đầy đủ canh cơm,
Mắm chưng, rau luộc nhớ đơm mâm này.
Cá lóc một cặp sẵn đầy,
Đánh vẩy cho sạch, vi kì để nguyên.
Khứa tư ra tám khúc liền,
Phân dọn thứ tự nối liền dài ra.
Một con chia cúng trong nhà,
Con nữa nhớ dọn ghế dài ngoài sân
 Thờ Đại Càn
Nghề cá gắn bó thiết thân với người dân Đồng Tháp Mười đến nỗi hầu hết các đình làng ở Đồng Tháp Mười ngoài việc thờ Thành hoàng Bổn cảnh còn kết hợp thờ Đại Càn Quốc gia Nam Hải tứ vị tôn thần vốn là Phúc Thần của nghề đi biển và được đồng hóa với Ngư Thần bảo hộ nghề đánh cá.
Theo sách Việt điện u linh của Lý Tế Xuyên biên soạn thời Trần: Năm 1279, quân Mông Cổ đuổi nhà Nam Tống đến tận Nhai Sơn (Quảng Đông). Bốn vị công nương bị sóng gió lật úp thuyền chết đuối, xác trôi dạt vào cửa Cờn ở Nghệ An. Khi dân ta gặp được thì thấy có hai con rái cá chầu hai bên xác của bốn vị này. Dân làng bèn chôn cất tử tế và lập miếu thờ, rất linh ứng. Hai con rái cá cũng được thờ chung với tứ vị thánh nương này. Từ đó tứ vị thánh nương trở thành phúc thần của nghề đi biển và mở rộng ảnh hưởng đến tận Đồng Tháp Mười với tư cách Ngư Thần. Ở Đồng Tháp Mười, Lang lại (hay Lang thát) Nhị đại tướng quân (chính là hai con rái cá) được thờ chung với Đại Càn Quốc gia Nam Hải tứ vị tôn thần.
Đến khoảng giữa năm 1846, khu vực các huyện Chợ Gạo, thành phố Mỹ Tho, Châu Thành, Cai Lậy, Cái Bè (tỉnh Tiền Giang) và Cao Lãnh (tỉnh Đồng Tháp) hiện nay, mỗi làng được vua Thiệu Trị ưu tiên cấp 2 đạo sắc Bổn cảnh Thành hoàng và 2 đạo sắc Phúc Thần (chính là thần  Đại Càn)
 Điều này thật dễ hiểu bởi vì  đây chính là vùng trọng điểm khai thác cá của Đồng Tháp Mười.
Thần Đại Càn thường được thờ trong đình, nhưng cá biệt có nơi thờ ở miễu, dân gian quen gọi là miễu Ngư Thần, chẳng hạn ở thôn Mỹ Xương (Cao Lãnh) hay Xóm Đệm (xã Phú Mỹ, huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang).
 Lễ cầu ngư
Đây là dạng tín ngưỡng truyền thống của dân Đồng Tháp Mười. Lễ cầu ngư thường được tổ chức váo lúc cao điểm của mùa khai thác cá, tức vào cuối năm, khi nước rút. Một số nơi ở tỉnh ĐồngTháp ngày nay vẫn còn lệ cúng cầu ngư như ở thôn An Phong (huyện Thanh Bình), Phú Thành (huyện Tam Nông), Mỹ Xương (huyện Cao Lãnh). Lễ cầu ngư thường được tổ chức tại đình (có  bài ngư – miếu thờ Ngư Thần) do các hộ chuyên làm nghề cá đóng góp. Lễ này thườngđược tổ chức trọng thể, có kèm theo múa bóng rổi, thể hiẹn ước vọng mùa cá bội thu.Lễ cầu ngư ngày nay ít được tổ chức vì nghề khai thác cá đã từng bước đi vào thoái trào, trong khi nghề nuôi cá lại áp dụng kiến thức khoa học hiện đại khiến cho niềm tin vào các thế lực siêu nhiên ngày càng không còn chỗ đứng.
 Qua ngôn ngữ dân gian và các món ăn dân dã
Nghề cá thấm đẫm trong từng câu ca dao, tục ngữ ở Đồng Tháp Mười. Đi đâu  cũng gặp cá:
Ai về dưới miệt Tháp Mười,
Cá tôm sẵn bắt, lúa trời sẵn ăn.
Hay:                     
Má ơi con vịt nó chết chìm,
Con thò tay vớt nó, con cá lìm kìm nó cắn con.
Đi đâu cũng gặp dụng cụ bắt cá, đến nỗi người ta có câu chơi chữ để giới thiệu  từng
món:
Hỡi chú Đăng, chú đi đâu đó,
Con mắt chú lờ chú đạp lọp của tui.
Và đây là cảnh cả nhà cùng làm nghề cá:
Cha chài, mẹ lưới, con câu,
Chàng rể đóng đáy, con dâu ngồi nò.
Chính vì thế mà con cá như có tình với con người, như giao cảm được vối con người:
Anh ngồi bực lở anh câu,
Khen ai kheo trách, cá sầu chẳng ăn.
Và con người cũng như giao cảm được với tâm tư của con cá:
Cá không ăn câu là cá dại,
Cá ăn rồi nghĩ lại cá ngu.
Hay:
Thân em như cá trong lờ,
Hết phương vùng vẫy, không biết nhờ nơi đâu.
Rồi những nỗi nhớ nhung sầu muộn cũng gắn liền với nghề cá:
Anh đi ghe cá trảng son,
Để em đươn đệm cho mòn ngón tay.
Cá ở Đồng Tháp Mười được chế biến thành rất nhiều món, nhưng món có thể để dành lâu nhất (và do đó cũng phổ biến nhất) chính là mắm. “Đất Gia Định nhiều sông hồ, đầm bãi, cứ 10 người thì có đến 9 người thạo chở thuyền, biết bơi lội, thích ăn mặn. Có người ăn vã hai thùng mắm đến hơn 20 cân , chỉ ăn một bữa là hết, để làm trò đánh đố”
Ở Đồng Tháp Mười có rất nhiều loại mắm như: mắm nêm, mắm phệt, mắm ruốc, mắm ruột…Trong các loại này thì mắm nêm là thứ gia vị bắt buộc trong bữa ăn thời xưa, vì nó đóng vai trò như bột ngọt ngày nay, được dùng nêm vào thức ăn để tạo vị ngọt và mùi thơm ngát.
Cách ăn mắm cũng rất phong phú: ăn sống (mắm sống), hấp cách thủy (mắm chưng), kho (mắm kho) hoặc pha trộn thập cẩm (mắm Thái)… Do đó, có thể nói ở Đồng Tháp Mười đã hình thành văn hóa mắm. Dân nghèo lấy mắm làm thực phẩm chính trong bữa ăn, gọi là “ăn mắm mút giồi”. Mắm thường rất mặn nên người ăn phải biết độ lượng gắp vừa phải, bởi nếu ăn nhiều thì sau đó sẽ rất khát nước, thế là họ rút ra bài học sống: “Liệu cơm gắp mắm”. Và từ bài học trong việc ăn uống, nó trở thành bài học quý báu trong cuộc sống thường ngày. Mắm là loại thức ăn xoàng xĩnh của người bình dân nên người ăn mắm được xem là kém sang trọng, hạ lưu; cho nên một khi ai đó nói những điều xúi quẩy thì thường bị mắng: “Đồ cái miệng ăn mắm ăn muối!”.
Ngoài ra, ở Đồng Tháp Mười còn có món cá nướng trui rất đơn giản mà độc đáo. Cá nướng trui thường là các loại cá có vảy như cá lóc hoặc cá rô. Người ta xỏ một cành cây nhỏ từ miệng cá xuyên thẳng về phía sau, cắm thẳng đứng xuống đất rồi dùng rơm rắc lên một lớp vừa phải và đốt. Chẳng mấy chốc đã có được con cá nướng thơm nức, thịt ngọt, da giòn và có vị hơi mặn của lớp da cháy sém. Cá nướng trui từ lâu đời đã trở thành món ăn thường ngày của những người đi khai phá Đồng Tháp Mười . Chính vì vậy mà nó trở thành thứ lễ vật không thể thiếu trong nhiều lễ cúng việc lề của các dòng họ lớn ở vùng này.
Tóm lại, nghề cá đã đi sâu vào đời sống của người dân Đồng Tháp Mười từ bao đời nay, trở thành một bộ phận hữu cơ trong sinh hoạt hằng ngày của họ. Chính nghề cá đã góp phần tạo động lực trực tiếp cho công cuộc khai khẩn Đồng Tháp Mười.  “Ăn cơm mắm, thấm về lâu” (Tục ngữ). Cá, mắm, khô là nguồn lương thực dồi dào làm no lòng những người đi khai hoang buổi đầu và cũng làm nên cá tính hào phóng của họ. “Chim trời cá nước” bao la tạo cho con người Đồng Tháp Mười bản tính rộng rãi, hiếu khách và thích sống hòa mình cùng thiên nhiên.