DANH SÁCH BÀI VIẾT

Wednesday, August 3, 2011

SANG TÂY (DU KÝ CỦA MỘT CỐ THIẾU NỮ)


SỐ 1
      Thể văn du kỹ là một thể văn ai cũng ham đọc, và nó dễ kích phát lòng người hơn là tiểu thuyết. Tiểu thuyết còn có thể tượng ra, chớ du ký là tả những sự thiệt, có khi đọc du ký mà tức là đọc lịch sử, đọc địa dư, học mỹ thuật, học phong tục, mình ngồi tựa trước án bên đèn, mà hình như thấy rõ những non sông nhơn vật ở phương xa đất lạ, thì còn có lợi ích gì hơn và thú vị gì hơn nữa.
      Bổn báo chú ý về môn nầy lắm, thời may khi Phụ Nữ Tân Văn sửa soạn ra đời, thì vừa tiếp được cô Phạm Vân Anh, cảm tưởng quan sát thế nào; chẳng những lời văn đã hay, mà sự xem xét lại rộng, thiệt là một tập văn chương có giá trị, chắc hẳn giúp ích chó kiến văn của chị em bạn gái ta được nhiều lắm. Bổn báo viết mấy lời nầy lên để cảm ơn cô và cống hiến tập du ký nầy cùng quí độc giả. P.N.T.V
           
N
ăm bảy năm về trước, tuy em còn nhỏ tuổi, mà mỗi khi nghe ai hát tới câu phương ngôn này của ta: “Đi cho biết đó biết đây, ở nhà với mẹ biết ngày nào khôn”, hay hoặc tự mình có thể nhớ đến, là trong óc phát hiện ra một đều cảm giác lạ lắm.Cũng muốn đi cho biết đó biết đây, chớ tối ngày chỉ ra vào nơi cửa các phòng khuê, ngắm cảnh vật bằng câu văn cuốn sách, buồn lắm. Sự học của người ta, không phải ở trên đầu ghế nhà trường, và trong mấy cuốn sách mà đã là đủ; Phải học ở trường thiên nhiên của tạo vật nữa mới được, điều khôn lẽ phải của con người điều do ở nơi lịch duyệt mà ra. Nhưng chỉ bực mình sanh ra làm phận đào tơ liễu yếu, lại ở trong cái hoàn cảnh nước mình, phần vì phép tắc trong gia đình, phần vì sự “trông vào” của xã hội, khiến cho một người con gái phải giữ gìn từng bước đi bước đứng, tiếng nói tiếng cười, thành ra không có cái hạnh phước được như bạn đờn âm con trai có quyền tự do, mặc sức nay bắc mai nam, tự ý chưn trời góc biển. Nhiều khi em nghĩ tới nông nổi ấy mà ngán ngẩm cho mình, tưởng đâu như cái chí thú của mình muốn đi cho biết đó biết đây, có lẽ không bao giờ thành ra sự thiệt đặng.
      Song may là gia đình em không có bó buộc quá về thói xưa tục cũ. Thân phụ em  là một người rất hiểu thời biết thế, thường dạy biểu con gái trong nhà phải giữ cũ mà cũng nên theo mới; Giữ là giữ những điều hay, theo là theo những việc phải. Thân phụ em cũng biết ý em muốn “đi cho biết đó biết đây”, cho nên trong khi em còn đi học, mỗi dịp bãi trường, mà có anh em cô bác đi đâu xa, điều cho em đi theo. Ông nói: “Cho nó đi đặng cho nó sáng mắt”. Nhờ vậy mà xa thì núi Tản sông Lô, gần thì giòng Hương đỉnh ngự, em đã có phen được ghé mắt để chưng. Đã từng thấy chỗ nào là thành xưa miếu cổ, mà lịch sử đã để lại dấu hưng vong. Đã từng thấy chỗ nào là vua Nguyễn Quang Trung chôn mấy vạn binh Tầu  để giữ quyền tự chủ cho nước. Đã từng thấy chỗ nào là động Hương Tích, là Vịnh Hạ Long mà phải vái lại cái kì công của tạo hóa. Đã từng thấy chỗ nào vẫn còn xiêm xiêm, áo áo, phấn phấn, son son, hình như họ không biết đau lòng những việc đã qua, lại thêm đễ trò cười cho thiên hạ. Cũng đã từng thấy những chỗ nào còn có bia tàn tháp cổ của dân Chiêm thành, bây giờ cỏ mọc rêu phong, đất còn người mất….
      Thấy như vậy đó, tuy là mười phần mới được một liei nhưng còn hơn là cuối gằm đầu ở trên cuốn lịch sử và sách địa dư, thì đất nước xa hay gần, núi non cao hay thấp, cảnh vật tốt hay xấu, cuộc đời vui hay buồn, có bao giờ mình tưởng tượng ra cho được. Em lấy làm khoan khoái trong lòng và được sáng tỏ con mắt ra nhiều lắm, đến nổi chẳng biết văn chương là gì, cũng dám đặt để cho thành câu lục bát để ngâm chơi: Phấn son chẳng thẹn má hồng, phú xuân đả trải, Thăng Long cũng từng,đã có rồi đó. Chẳng những đã gặp duyên phận hơn phần nhiều chị em mình, mà tới bạn râu mày, chẳng may mà gặp em hỏi cho vài câu về lịch sử và địa dư nước nhà, có lẽ nhiều anh cũng bí. Mấy anh chớ có vội khinh con gái như em!.
      Nói vậy mà chơi đó thôi, chớ võ trụ bao la, kiến văn học thức của người ta đã biết đâu là bờ là bến. Học chút nào hay chúc náy, thấy tới đâu biết tới đó mà thôi. Ở rạch ra sông, thấy sông chảy cuồn cuộn, đã tưởng là sông lớn rồi, nhưng tới khi ra biển, thấy nước biển minh mông, mới hay là biển rộng. Mình mới thấy quanh đất nước mình, đừng có vội tự cao. Ông stendal chẳng nói đó sau: “Võ trụ là cuốn sách lớn, mình mới thấy đất nước mình, là mới mở trương đầu ra đó mà thôi.
      Tục ngữ ta có câu: “Được voi đòi tiên”. Em đã được du lịch trong đất nước nhà, lại còn muốn làm sao cho thấy đất nước của người ta nữa. Cái tư tưởng ấy, cái hy vọng ấy, sao khi ở nhà trường ra rồi, càng thấy nó sôi như dầu nóng như lửa. Ngày đêm tâm tâm niệm niệm, sao cho có cơ hội. Mà cơ hội nào cho bằng cơ hội nầy: nhà có tiền, tuổi còn trẻ, má hồng còn rảnh, chỉ thắm chưa trao nếu không đi thì đợi tới bao giờ? Tới lúc cùng ai lo “tát biển đông”, làm cái “máy đẻ con” cho xã hội, rồi thì tay bồng tay mang, việc nhà việc cửa, thức khuya dậy sớm, tính gạo lo tiền, một thân gánh vác non sông, trăm việc buộc ràng thân thế, thì còn rời đi đâu được một bước nữa.
      Nhưng mà đi đâu.
      Con trai Nam Việt, làm thân ngang tàng bảy thước, có chí hồ thỉ bốn phương, mà muốn bước chưn ra khỏi bức địa đồ nầy _ông Tản Đà kêu là “bức địa đồ rách” còn chẳng dễ dàng gì, huống chi là con gái. Phải ai cho mình được tự do đi thăm non sông của ông Tưởng Giới Thạch, nay là quê hương của thánh Gandhi.
      Chỉ có một cái hy vọng sang Pháp.
      Được lắm, nếu có dịp nào đi sang mà coi rõ cái văn minh của họ, và coi mấy ông tây ở bên Pháp có khác gì mấy ông tây ở bên này không, ấy cũng là một việc hay.
      Lòng ước nguyện của em, trời cũng chứng giám.
      Em có một người anh, năm ấy 22 tuổi đã đậu bằng tu tài. Thân phụ em muốn cho ảnh snag Pháp vào trường Đại học; luôn dịp thân phụ em cũng muốn đi du lịch cho biết nước Tây, chớ tiền du tuổi già, cũng không cách tiêu khiển gì khác. Em nghe trong nhà bàn tính chuyện đó, trong bụng bao xiết mừng thầm, ra vào năn cho em đi theo với. Hồi đầu, thân phụ em nhứt định không cho, không phải là tiếc tiền nhưng chỉ sợ em phận ngây thơ, tinh thần yếu đuối, đi chưa chắc được ích gì, về lại học đòi được cái vỏ tự do, rồi tây không ra tây, ta không ra ta, như mấy bà ở trong xã hội ta mà mắt em đã trông thấy, cho nên thân phụ em lo, không muốn cho đi. Nhưng thét rồi thân phụ em cũng cho đi, là vì em theo năn nỉ hoài, lại nhờ cô bác anh em nói cho nữa, thân phụ em nói: “thôi, đi thì đi, chỉ sợ mầy thanh ra tây quá mà thôi”.
      Được một tháng lên Sài Gòn sắm đồ, may áo, cải trang vạt người đàn bà Âu châu. Còn nhớ lúc thử áo một thay đồ đầm kia ở trường Catinat, bà đầm chủ tiệm nhắm nhía hoài rồi khen: “ngộ lắm, nếu cô hớt nữa thì ngộ hơn.” Em lính quýnh, không biết chả thế nào, là vì mình chưa biết sự đẹp của người ta ra thế nào mà nói, chỉ trả lời cho qua chuyện: “nhưng mà cũng tính ở luôn bên Pháp”. Mới biết người đờn bà thảo còn khờ về đường ngôn ngữ giao thiệp lắm, chưa ???? xã hội thành ra ăn nói chưa quen, người ta nói có như vậy, mà chẳng biết đường nào trả lời cho xuôi. Sau về nhà suy nghĩ, tưởng mình trả lời như vậy ???? và cũng có ý vị.
      Năm 1926,chúng tôi đi chuyến tàu Porthos, ở Saigon chạy sáng ngày 22 mars. Ngày ấy tức là ngày, mà nhà chí – Phan Châu Trinh đương hấp hối từ trần, còn hai ngày nữa thì có cái tang chung cho cả nước.
      Chúng tôi đi hạng nhì. Em ở chung phòng với một cô thiếu nữ Nhựt bổn. Mới bữa đầu chúng tôi chưa quen nhau, phần thì bởi lần nầy em mới ra biển là lần thứ nhứt, nước trời bát ngát, sóng gió chưa quen, vừa mới ra khỏi ????? cấp, là thấy cháng váng mặt mày, bắt em phải đi nằm ?????? , không muốn ăn uống và chuyện trò gì hết; phần thì bởi người ta khác giống, bèo nước gặp nhau, chưa dám đường đột; cho nên khi đầu, tôi và cổ, ngó nhau tuy đã cảm tình, là cảm tình cùng một giống da vàng với nhau, chớ chưa biết nhau là người nước nào hết. Đến đổi hai người còn tưởng nhau là người Tàu. Song, một ngày ????? nghĩa, chuyến đò bên quen, phen nầy em mới có cái hân hạnh được kết giao với một người thiếu nữ nước Nhựt.

SỐ 2
T
àu chạy được gần hai ngày, mặt biển êm lặng như không, mà em vẫn say sóng lừ đừ, chẳng qua chỉ bởi mình chưa quen, cho nên chiếc tàu hơi lúc lắc chúc đỉnh, là đã say sóng rồi. Mới ra Trung Quốc Hải mà đã như vậy, mấy bữa nữa qua biển Ấn Độ, thì chịu làm sao được. Đòi đi làm chi, để gánh vác cái khổ nhức đầu chóng mặt nầy vào mình!
      Cô Nhựt bổn đi ăn cơm chiều về phòng, thấy đồ ăn của em biểu bồi đem lại phòng còn để y nguyên đó chưa ăn; cô nói: Trời ôi mặt biển phẳng như trên tờ giấy trắng, mà cô say sóng dữ như ậy sao? Phải lên sân tàu hóng gió một chút thì tự nhiên nó hết.
      Cô nói bằng tiếng Pháp rõ ràng, chắc còn chưa biết em là người nước nào, nhưng đã quá giang tàu Pháp, thì hẳn cũng có biết tiếng Pháp đôi chút vậy. Cô nói rồi, đỡ em ngồi dậy, làm dịu dáng một cách như chị em thân thiết trong nhà, rồi rủ em lên sân tàu chơi.
      Lên sân tàu, thì thiệt em thấy trong mình dễ chịu liền, là nhờ có gió và không khí thoáng hơn. Té ra sau em mới hiểu rằng cái nghề đi biển, cứ chường mặt ra với sóng bao nhiêu thì càng không say, chớ nếu nằm hoài trong phòng, nó kín gió và ngột hơi, tự nhiên là mình phải khó chịu. Chúng tôi đứng giựa bên thành tàu, ngó trăng xem nước; em thấy bóng trăng mờ tỏ, mặt nước minh mông, ngó xa xa như mòn con mắt mình, mà không thấy cái gì ngăn cản hết, thì trong lòng mình nghe như sinh ra một mối tư tưởng phóng khoáng lạ lùng. Phải chi tạo hóa lãn người ta vào cuộc đời, mà cuộc đời cứ thẳng băng như thế kia, đừng có gì chán chường con mắt, đừng có gì đau xót trong lòng, thì ai có chán đời làm chi. Song nghĩ lại cái cảnh “chưn mây mặt nước, một màu xa xa” như vầy, chẳng qua chỉ làm rung động lòng thơ của mình trong giây lát mà thôi, chớ nhắm mãi trông hoài, thì thấy nó mất hết thú vị. Trước con mắt nếu không có cái bông mới nở, chiếc là gần tàn, để làm cái đích mỹ quan cho mình; nếu chỉ trông thẳng băng mà không thấy gì, thì tưởng người mù tưởng tượng cũng ra, mình cần gì phải có con mắt. Cũng như cuộc đời, nếu không có những khi buồn, khi vui, khi cười, khi khóc, nó chen lộn với nhau đễ cho cuộc đời thêm vị, thì ai cần đời làm chi.
      Em đương nghĩ vẩn vơ trong đầu, thì cô Nhựt bổn chỉ tay ra phía xa xa mà nói rằng:
      - Còn mấy giờ đồng hồ nữa thì tới Singapour. Tới đó, chị em ta sẽ dắt nhau lên chơi.
      Em chưa kịp nói gì thì cô đã nói tiếp:
      - Chỗ ấy tuy không phồn hoa nhiệt náo gì, nhưng mà cái hình thế nó tốt đẹp không thua gì Hương cảng. Người quí quốc ở đông lắm. Tôi chịu cái chỉ của người quí quốc đi xa doanh nghiệp khắp dưới bóng mặt trời đâu cũng tới nơi........................................................................................................
............................................................................................................................................
............................................................................................................................................ Em nghe mấy câu ấy, trong lòng đã hổ thầm, chúng mình có ….đi tới đâu mà di dân doanh nghiệp?.....
............................................................................................................................................
thôi, chắc hẳn cô nầy lầm em là người quê hương cảu bà Trịnh Dục Tú rồi; em lật đật chặn ngang mà nói rằng:
      - Cô tưởng tôi là người Trung Quấc phải không?
      Cô có ý ngạc nhiên nói:
      - Phải! Vậy chớ cô là người ở đâu?
      - Tôi là người Việt Nam.
............................................................................................................................................ Nói tới mấy tiếng nầy, em có ý nhìn kỹ coi cái cảm giác ở trên nét mặt của cô ra sao, thì thấy nét mặt vẫn hòa nhã như thường, chỉ gục gật đầu hai ba cái,.....................................................................................................
............................................................................................................................................
Trong khi em chưa kịp hỏi thì cô đã nói rằng: “Tôi là người Nhựt bổn, học sanh trường Đại học Sư phạm ở Đông Kinh, đã tốt nghiệp, nay đi sang Pháp, Anh, Đức và Huê Kỳ để khảo cứu về việc phụ nữ giáo dục của họ. Còn cô đi đâu đây, và có mục đích gì”. Em cũng nói thiệt là đi sang Pháp du lịch mà thôi chớ không có mục đích khác.

      8 giờ sáng bữa 24 Mars, thì tàu tới Singapour. Cô Thượng xuyên Cúc tử (tức là tên cô Nhựt bổn đó, từ đây trở xuống kêu tên cho tiện) rủ em lên bờ chơi. Cửa biển nầy, hễ khi nào tàu tới buổi chiều hay buổi tối, thì mới đậu cách đêm, còn tới ban ngày, thì bao giờ cũng đậu chừng bốn năm giờ đồng hồ là chạy, vì họ không có hành khách và hàng hóa bao nhiêu. Đất của ai thì là mối hàng của kẻ ấy, chẳng lạ gì. Chuyến nầy tàu tới buổi sớm, chỉ tính đậu 12 giờ trưa là chạy. Vì vậy mà riêng phần em tuy có lên bờ, nhưng cũng là đi chơi qua loa cho biết, chớ không xem xét được gì hết.
      Singapour là một thành phố của người Hồng mao, dân cư đông lắm, nghe nói tới trên 30 vạn người, mà phần nhiều là người Trung Hoa, chiếm được cái địa vị rất lớn trên trường kinh tế. Ta coi thế lực người Huê kiều ở đây còn đồ sộ lớn lao hơn ở Chợ lớn của mình nhiều. Đất nào ở dưới quyền thống trị của người Hồng mao, thì hình như họ xếp đặt sữa sang có phần lịch sự hơn những đất thuộc về các dân tộc khác. Rồi đây còn coi Colombo, Port-Said, thì càng thấy rõ ràng lắm. Chúng tôi mướn xe hơi đi một vòng thành phố, thấy địa thế của nó hình như không rộng bằng Sài Gòn, nhưng đến những đường sá nhà cửa thì thấy nguy nga và sạch sẽ hơn nhiều. Sự buôn bán coi có vẻ rộn rịp, và sự giao thông cũng tiện lợi và mau chóng hơn. Thứ xe điển không có đường rầy ở đây, đã là một điều lạ, nó cứ chạy thinh thang ở trên đường, chung với xe kéo và xe hơi, mà muốn tránh qua bên nào cũng được, muốn đi qua ngã nào cũng được, không phải nhứt định như thứ xe có đường sắt. Xe kéo thì là độc quyền của người Trung Quốc, chớ người Mã Lai họ không thèm làm.
      Cuộc buôn bán ở đây, theo cái chế độ tự do mậu dịch (le libre échange) của người Hồng mao, nghĩa là nước nào có sản vật hay đồ chế tạo gì, cứ đem tới đó bán tự do thong thả không phải đóng thuế nhập cảng. Chỉ trừ ra có những thứ hàng hóa như rượu, thuốc hút, cùng là những thứ đồ mà họ gọi là “đồ sang trọng” thì mới phải đóng thuế, vì những thứ hàng ấy, ai nhiều tiền dư bạc, thì mua xài cho sang trọng, chớ nó không cần dùng cho sự sanh hoạt của người ta, cho nên phải chịu thuế. Bởi vậy những hải cảng náo của người Hồng mao, ta mua vật gì cũng rẻ bẳng phân nửa nơi khác, vì nhà buôn không phải chịu thuế hàng hóa, thì tự nhiên họ bán rẻ được. Xứ nào làm được cái chế độ này, là họ đã tới trình độ rất cao trong trường kinh tế rồi. Cả hoàn cầu, chỉ mới thấy có nước Hồng mao như vậy; nó trái với chế độ của mọi nước khác là chế độ bảo hộ hóa vật (protectionnisme), đánh thuế nặng những thứ hàng hóa ở ngoài vào, để bảo hộ cho đồ chế tạo trong nước mình, nghĩa là họ chỉ bảo hộ cho những nhà chế tạo, chứ không phải là bảo hộ cho người mua hàng. Còn cái chế độ tự do mậu dịch thì không chịu như vậy; những người chủ trương cái thuyết nầy lại lo bảo hộ cho người mua, chớ không bảo hộ cho nhà chế tạo. Họ nói rằng: không có lý do nào chỉ bảo hộ cho mấy nhà chế tạo là một số ít, lại đễ cho người mua hàng phải chịu cao giá trong khi mua hàng của ngoại quốc, mà thứ hàng mình cần dùng tới. Vì vậy, họ cứ cho đồ ngoại hóa vào cạnh tranh với đồ mình, mà không đánh thuế gì hết, để cho hàng hóa được rẻ, lợi cho người mua.
      Cái chế độ ấy tuy thiệt là hay, song chắc hẳn mấy nước đàn anh trong thương nghiệp như là nước Hông mao mới làm được, nếu những nước mua bán còn chật hẹp, đồ chế tạo còn vụng về như xứ mình, mà làm cách tự do mậu dịch, thì chắc mấy nhà công nghệ nhỏ phải chết đói.
      Đi chơi một hồi, ròi chúng tôi vô trong một cái lữ điếm của người Nhựt, uống nước giải khát. Cô Cúc Tử nói với em rằng:
      - Thôi bây giờ cô hãy về tàu trước, cho phép tôi đi thăm người con gái ông Lãnh sự Nhựt ở đây, là chị em bạn học với tôi ngày trước.
      Cô đi, rồi tôi về tàu, thấy trong người đã mệt mỏi lắm, vì mùa nầy ở đây, còn nóng dữ hơn bên mình nhiều.
      Đúng 12 giờ trưa, thì tàu mở máy, từ biệt Singapour để chạy sang Colombo.

SỐ 3
S
ingapour đi ra được hai ngày, hôm ấy trời thanh gió mát, mặt biển phẳng lặng như tờ, em và cô Cúc Tử đi đi lại lại trên sân tàu, cùng nhau nói chuyện rất là đầm thấm vui vẻ. Cỗ thuật cho em nghe nhiều chuyện thuộc về vấn đề gia đình xã hội và vấn đề giáo dục của nước Nhựt từ khi cải cách duy tân tới giờ, mỗi điều là mỗi thấy cổ là người học rộng nghĩ xa lắm. Cổ có thuật cho em nghe về việc giáo dục nhi đồng ở bên Nhựt, khiến cho em nhớ hoài, và khi nào nhớ đến, là thấy chua xót ở trong lòng.
      Cổ nói rằng:
      - Dân tộc chúng tôi là một dân tộc có tinh thần yêu nước hơn hết thảy các dân tộc trong thế giới. Cái tinh thần ấy, từ thời xưa đến nay, vẫn có như vậy, người nào cũng biết yêu nước đến cực điểm, là nhờ sự dạy dỗ ngay từ hồi còn nhỏ. Thiệt vậy, đứa nhi đồng đi học, bao giờ cũng thuộc lòng mấy câu luân lý nầy, tức là cái mực thước để làm người: - Em thương ai hơn hết? – Tôi thương cha mẹ, là vì cha mẹ có công sanh dục tôi. – Em còn thương ai hơn nữa? – Tôi thương thầy học, vì thầy học dạy dỗ cho tôi nên người. – Em còn thương ai hơn nữa? – Tôi thương nước Nhựt bổn là tổ quốc của tôi, sau tôi lớn, dẫu đem tánh mạng trả đền cho nước, tôi cũng không từ. Đứa con nhỏ, từ hồi còn đầu sanh miệng sữa, mà đã đào luyện cho nó như thế, làm gì ngày sau nó lớn lên, lại chẳng biết sống chết với nước. Cũng nhờ có cái tinh thần ấy, mà hồi thế kỷ thứ 18 và 19, bọn cố đạo và người Âu châu tuy là có cái âm mưu định nuốt sống nước Nhựt tôi, mà họ làm không được. Trận Nhựt Nga chiến tranh hồi đầu thế kỷ nầy, mà nước tôi chiến thắng nước Nga, một cách dễ dàng và oanh liệt, cũng chỉ nhờ có cái tinh thần yêu nước rất là hăng hái. Khi Thiên hoàng vừa mới hạ lịnh khai chiến với Nga, thì khắp trong nước, chúng thứ nhơn dân đều nhảy múa vui mừng, cho sự đánh nhau với nước ngoài để binh vực nước mình là một việc rất khoái, biết bao nhiêu người tình nguyện ra tòng quân; đến đỗi có người vì yếu đuối, không trúng tuyển, thì bực mình, tự vận mà chết. Lòng người hăng hái lạ thường như vậy, cho nên trước khi giao chiến cùng quân Nga, thì ông Nải Lộc Tướng Quân đã quyết chắc là nước Nhựt đại thắng rồi.
      Em nghe câu chuyện ấy mà sửng sốt, cảm động không cùng, hình như lúc bấy giờ, trong trái tim có tuôn ra nước mắt. Nghĩ lại ngày thường ở nhà, thân phụ em có kể lại cho em nghe cách thức học của người ta ngày trước, học sử Tàu gần ba chục cuốn thì đọc thuộc lòng từ đầu đến đuôi, còn sử nước mình thì không mấy ai chịu để tâm tới, vì rằng trong lúc thi cử, nhà vua không có hỏi đến Nam sử bao nhiêu. Hèn gì người mình kém về tinh thần ái quốc, từ khi có lịch sử tới giờ, chen lộn biết bao nhiêu là trương mất quyền mất đất. Nghĩ lại mà giận. Lại thấy cái chế độ học tổ mình là người Gaulois, thì không biết sao mà nói nữa.
      Trong khi đương nói chuyện, thì người anh của em ở đâu kia đi lại, tay cầm miếng giấy xanh, dơ cho em và nói ba biểu đưa cho em coi. Đưa rồi đi liền. Em thấy miếng giấy biết ngay là cái giây thép, liền bắt giựt mình, hay là ở nhà có chuyện trọng hệ, mà gởi giây thép báo tin. Khi mở ra coi, té ra chú em ở Sài Gòn đánh vô vô tuyến điện theo, báo tin cho ba em biết rằng hồi 6 giờ chiều bữa 24 Mars, cụ Phan Châu Trinh đã tạ thế, và người trong nước làm lễ quốc tang rất là trọng thể. Em được tin ấy, lấy lạm bùi ngùi trong dạ thương tiếc một nhà chí sĩ từ lúc đầu xanh cho đến khi tóc bạc, buôn tẩu việc nước mà chưa thành công gì, đành ôm chí hướng và hoài bão của mình đi, lưu lại cái thanh danh bất tử.
      Đàn bà là giống nhiều tình cảm, hễ trong lòng có suy nghĩ buồn rầu sự chi, là hiện ngay ra sắc mặt. Cô Cúc Tử ngó thấy, tưởng em có chuyện gia biến gì, liền hỏi em: - Cô tiếp được tin buồn gì chăng? Em đưa cái giây thép cho cô coi và nói rằng: - Đây là tin buồn một nhà chí sĩ ở nước tôi qua đời. Nhà chí sĩ ấy, hai chục năm về trước, có sang xem xét về sự tiến bộ duy tân của quý quốc, sau về hô hào trong nước, rồi bị tù bị tội, đến nỗi lưu lạc bên Pháp hơn mười năm trời, mới về nước được hơn năm nay thì mất.
      Cỗ nói:
      - Phải, một nhà chí sĩ là một thứ bông thơm cỏ quý cho một dân tộc, bể vườn có nhiều bông thơm cỏ quý thì là vườn đẹp, dân tộc nào có nhiều nhà chí sĩ thì là dân tộc hơn người. Nước Nhựt chúng tôi trong hồi duy tân cải cách, thiệt có nhờ nhiều nhà chí sĩ đem tư tưởng và tánh mạng ra hô hào cổ động một cách hăng hái lắm, mới có được như ngày nay.
      Chúng tôi nói chuyện chán rồi coi sách; sẵn có bộ sách Les Travailleurs de la mer của Victor Hugo, em đem ra đó, cô Cúc Tử cầm một cuốn, ngồi xuống ghế đọc. Trong khi ấy có xảy ra một chuyện tức cười, em nhớ hoài, và cũng nhờ đó mà em hiểu cái tinh thần của người Nhựt thêm ra một chút nữa.
      Có một bà đầm cũng còn ít tuổi, đi ngang qua, thấy chúng tôi đọc sách chơi, thì đứng lại mà ngó. Cô Cúc Tử đương ham học cho nên không để ý tới, em thấy bà đầm nầy đứng vòng tay hai bên sườn, đầu nghiêng một bên, miệng cười một cách khó chịu, hình như có ý nói thầm trong bụng rằng: “Mấy con nhỏ này biết gì mà đọc sách với vở.” Anh chồng đi kiếm vợ, tới đó, thấy vợ đứng ngó thì cũng đứng lại mà ngó, bộ mặt cũng tỏ ra cái vẻ khả ố như vợ vậy. Thiệt là ông tơ khéo xe, vợ nào thì chồng nấy! Vừa khi cô Cúc Tử ngó lên, thì bà đầm kia hỏi ngay rằng:
 - Qu’est – ce que tu lis?
      Em nghe nói là trong lòng đã nổi nóng rồi, vì theo cũng vậy, chưa quên biết nhau mà gọi nhau bằng mầy tao là một cách vô phép, khinh bạc. Chỉ có con nhà vô giáo dục thì mới không biết đều đó mà thôi. Em đề chắc trong bụng sao cô Cúc Tử cũng gây lộn với mụ nầy, chớ không quen biết người ta, sao dám vô lễ như vậy. Không dè cách thức của cô đối phó, lại ra ngoài sự suy nghĩ của em nhiều quá. Cổ cười chuốm chiếm và trả lời rất có phép tắc:
      - Thưa bà, tôi đọc cái cuốn sách đặng học cho biết lễ phép của người Lang sa.
      Câu trả lời đau đớn hết sức, làm hình như sét đánh ở ngang tai của em. Chắc hẳn bà đầm biết là tụi nầy khó chơi, bộ mặt hồi nảy tỏ ra kiêu ngạo bao nhiêu, thì bây giờ thấy bộ mắc cỡ chừng nấy, liền dắt tay chồng đi mất, chẳng nói chẳng rằng gì cả. Rồi cô Cúc Tử cũng thôi, chớ không cùng em nói về chuyện ấy gì hết, coi hình như là nó không xảy ra. Em nghĩ thiệt lấy làm lạ. Nếu như người khác ở địa vị này, bị người ta không quen biết kêu mình bằng mầy tao, thì một làm thinh chịu nhục, hai là gây lộn tới nơi, trong hai điều ấy không sao tránh khỏi được một. Vậy mà đường này, nó khác hẳn, không làm thinh, không gây lộn, lại còn tươi cười vui vẻ, thưa trình hẳn hòi; cái “cười” đó mới thiệt là thâm trầm khó hiểu vậy. Hồi trước, em có đọc cuốn sách của người Hồng mao, từng làm giáo sư trường Đế quốc Đại học ở Đông kinh, tên là Lafcadio Hearn, nói về phong tục của Nhựt bổn, nếu người nào không biết thì cho là họ cười như vậy là khinh bạc là vô tình, hay là chịu nhục, nhưng mà kỳ thiệt là nó có ý nghĩa sâu xa lắm. Những cái “cười” ấy, tức là cái cười mà ngày hôm nay em thấy đây.
      Vợ chồng người Tây kia, tuy em không quen, nhưng mà em biết, vẫn ở Saigon hình như chồng làm quan gì đó, cách cử chỉ theo lối thuộc địa đã in sâu vào trong óc rồi, quen làm phách, động ai cũng mẫy tao rồi.  Nay đi tàu gặp chúng tôi, tưởng đều là con gái An Nam cho nên lại đem cái lối ăn nói cũ ra, không dè học được một bài học rất là xứng đáng. Em nghĩ thầm trong bụng: “Vậy mới biết thân!”.

SỐ 5
Hồi chiều hôm qua, biển lại có sóng, tàu lúc lắc khó chịu lắm. Thứ sóng nẩy làm người ta nhức đầu chóng mặt hơn là thứ sóng ào ạt trên mặt nước. Những người đi biển đã quen, nói rằng đó là thứ sóng “lừng”. Trời vẫn im gió, mặt nước vẫn bằng, nhưng mà có sóng ở lưng chừng dưới biển, thĩnh thoảng nó nhồi cái tàu lên, rồi lại nhận xuống, thứ sóng ấy dầu cho người quen sóng đến đâu cũng phải cháng váng.
      Em mới đi ra biển lần thứ nhứt, đã quen với sóng gió gì đâu, thành ra lúc nào có sóng, người ta cháng váng chút đỉnh thì em đã say nhào đầu rồi. Chiều hôm ấy lại nằm bết trong phòng không ăn uống gì được. Say quá rồi ngủ thiếp đi, sáng ngày dậy đã thấy biển lặng trời thanh như trước rồi; trong mình lại thấy khoan khoái dễ chịu. Khi ra ngồi bàn ăn lót lòng, cô Cúc Tử thấy em, liền cười mà nói rằng;
      - Trời ơi! Hồi hôm tôi thấy cô say sóng mê mệt, thành ra tôi để cho cô ngủ yên. Khi tối đây có xảy ra một chuyện hay lắm mà tôi không muốn kêu cô dậy mà làm gì.
      Em hỏi chuyện gì mà hay, thì cô nói hồi hôm vào khoảng chín giờ, mười lăm người hành khách cùng ngồi trong phòng âm nhạc, kẻ thì gảy đờn, người thì đọc báo chơi, có cả cổ cũng ngồi ở đó. Có một người ….ngồi gần chỗ cổ, cũng đương đọc báo, tự nhiên cháng váng mặt mày, ngã gục xuống ghế, nước miếng trào cả ra. Cổ thất kinh la cứu, tưởng là người ấy trúng phong; mọi người chạy lại vực người ấy lên, lật đật đi kêu thầy thuốc ở trong tàu tới. Thầy thuốc tới liền lấy nước đấp vào mặt, rồi chích cho một mũi thuốc, thì người ấy tỉnh lại, nhưng coi bộ mệt nhọc lắm. Ai nấy xúm lại hỏi căn do làm sao thì người ấy nói giọng khò khè rằng: “Tôi thú thiệt rằng chẳng phải tôi trúng phong gì hết. Tôi ở thuộc địa mười mấy năm, phải bịnh ghiền á phiện rất nặng. Nay đi về Tây, nếu đem thuốc về thì không đặng, còn nhịn thì tôi nhịn mấy bữa nay, chịu không nổi. Nhịn thét rồi bữa nay cơn ghiền lên mạnh quá, tôi phải té xiểu xuống đó. Than ôi! Tôi biết nó là thứ thuốc độc mà tôi còn mắc vào. Tội nghiệp cho tôi quá….”. Có người …. Khác vỗ vào vai người ấy nói rằng: “…. Thì đi xuống dưới bót của người Thượng Hải kia kìa, thiếu gì thuốc phiện. Đi, bọn mình đi kéo vài hơi.” Rồi hai người dắt nhau đi.
      Câu chuyện ấy, có lẻ cô Cúc Tử lấy làm hay làm lạ, một lẻ là ở nước Nhựt ngày nay, nhà nước nghiêm cấm dân gian không cho ai trúng cái độc ấy; hai lẻ là có khi cổ yên trí rằng tự người Âu châu đem “của quí” ấy sang làm mờ khói cả người phương Đông, thì chắc là tự họ không bao giờ mắc phải, bởi vậy cho nên thấy chuyện đó xảy ra thì cổ cũng lấy làm kinh hoàng như là thấy bên Nhựt bổn động đất vậy, chứ tự em thì không thấy lạ gì; em chỉ nghĩ tới câu triết ngôn của thánh hiền phương Đông nói “xuất hồ nhĩ, phản hồ nhĩ” mà thôi.
      Cô Cúc Tử lại còn hỏi em:
      - Vậy chớ bên nước cô được tự do hút và tự do uống rượu phải không?
      Em đáp:
..... - Phải, chúng tôi còn có cái đó ……………….., cô chưa sang nước tôi, thành ra chưa biết đó thôi    
      Cô nghe tôi nói vậy thì cười mà đáp rằng:
      - Bên nước tôi thì trái lại;..........................................................................................
      Cô bèn thuật chuyện cho tôi nghe rằng người phương Đông ta bây giờ biết hút á phiện, thật là nhờ người Âu châu, chớ từ giữa thế kỉ 19 trở về trước, mình tuy giã man mặc lòng, mà đâu có trúng phải cái độc ấy. Người truyền bá trước hết là người Hồng mao. Hồi đó họ cũng muốn đem vào nước Nhựt, nhưng bị người Nhựt cự tuyệt dữ lắm. Người Nhựt chỉ hoan nghinh cái văn minh phương Tây đem tới, mà cấm cửa thứ thuốc độc kia không cho vào. Đến nay chánh phủ có luật cấm nặng lắm, ai hút là phạm phải trọng tội, cũng như tội giết người, và bị người trong nước chê cười lắm. Cũng là nhờ vì nước Nhựt hùng cường cho nên mới chống cự được với thuốc phiện, còn như ai yếu đuối, thì người Âu châu họ nhét vào cổ, lại cong khuyến khích cho là khác nữa. Chứng cớ là hồi cuối thế kỷ trước, người Hồng mao đem thuốc phiện sang Tàu, bị Tổng đốc Lưởng Quảng là Lâm Tắc Từ đốt hết, mà sanh ra trận “Nha phiến chiến tranh”, kết quả là nước Tàu thua, mà thuốc phiện đắc thắng…….

      Anh ba của em lại kêu, nói rằng bữa sáng nầy xuống “bót” của bồi, ăn cơm An Nam, ba biểu như vậy. Chúng tôi năm ngày rày ăn cơm Tây hoài, cũng thèm những giai vị của mình lắm, cho nên hôm nay muốn ăn đổi bữa, luôn dịp để coi cho biết cái “bót” bồi ra làm sao.

      Gọi là “bót” bồi là do tiếng Tây Poste des Boys, để riêng cho người mình và người Tàu ở. Nó coi như cái ổ chuột, trong lòng nó lớn hơn căn nhà của mình mướn ba chục ở đây một chút, mà chứa đến bốn năm chục người, lại ở dưới hầm tàu, cho nên hơi hám khó chịu, đồ đạc ngỗn ngang, thật không vệ sanh một chúc nào hết. Còn chỗ nằm của mấy người…..mạch lô trong tàu, thì người ta thuật chuyện rằng khô ráo sạch sẽ, mỗi người một giường, coi tử tế lắm. Song người ta lại nói rằng chỗ ăn nằm của mình bây giờ như vậy là tự mình: trước kia họ cũng làm mỗi người nằm riêng một chỗ như Tây, song về sau đó mấy ông Tàu xuống, mới xin phá đi, mà đóng ván kéo dài như ngày nay để nằm cho tiện. Cái nguyên nhơn mất vệ sanh là ở chỗ đó. Mấy ông Tàu thôi thì dơ dáy cẩu thả hết hồn, lại bày mâm hút la liệt, như ở mấy tiệm Saigon vậy. Hồi hôm, hai ông Tây rủ nhau đi hút, chắc hẳn là xuống đây. Còn cái khu riêng cho người mình, thì coi ra cũng có ngăn nấp và sạch sẽ.
      Người mình đi làm bồi tàu nhiều lắm, mà hầu hết là anh em người Bắc, có một vài người trong Nam mình, là một sự rất hiếm có. Chuyến tàu tôi đi, có tới ba chục người mình làm. Nghe nói tàu nào cũng có, ít lắm là mười người, mà đường nào cũng có, cho tới những đường biển vượt Đại Tây Dương qua Bắc Mỹ, cũng có người mình làm. Anh em đồng bào Bắc ta, vì kế sanh hoạt, thành ra chịu khó phiêu linh như vậy, thật là một điều hay. Người nấu cơm cho chúng tôi ăn bữa nay, là người nấu bếp riêng cho anh em làm bồi dưới tàu. Ta và người Tàu làm ở các tàu chạy biển, đều ăn theo đồ ăn của mình; tàu phát gạo và thịt, cho nấu riêng mà ăn với nhau. Nhờ có bữa ăn ấy, mà em biết rõ là cái tình cảnh của anh em bồi tàu của mình đáng thương lắm.

SỐ 6
      Anh em đồng bào ta làm ở dưới tàu, công việc hình như nặng nhọc, và nhiều giờ lắm. Có lẽ mỗi ngày làm tới 10 giờ đồng hồ. Sáng ngày chừng 4 giờ rưỡi hay 5 giờ đã thấy họ dậy đi lau chùi quét dọn này kia., còn tối thì tới 9 giờ mới được nghĩ. Làm khó nhọc như vậy mà bao nhiêu lương, mỗi tháng chỉ có 18 đồng bạc mà thôi, tội nghiệp quá. Nghe đâu đã có nhiều lần họ yêu cầu với hãng ?????? Maritimes (ta gọi là hãng Nhà Rồng) cho thêm lương, nhưng mà hãng nầy làm thinh, không đếm xĩa gì.
      Tuy vậy hình như anh em ta cũng yên tâm với công việc nặng nhọc ấy, số lương ít oi ấy, mà không nói gì là có nhiều lẻ. Trừ những người óc không có chữ, tay không có nghề, mà chui xuống tàu làm để kiếm miếng cơm ăn, thì có lẽ mỗi tháng 18 đồng cũng đủ cho họ. Còn nhiều người chỉ vì sự buôn bán mà đi. Thật vậy, họ đi từ Tây sang Nhựt, rồi đi từ Nhựt về Tây, mua đồ nơi này đem bán xứ kia, cũng kiếm lời khá lắm. Ở Nhựt thì họ mua chén, dĩa, tượng, lộc bình để bán tại Saigon, và mua những chuỗi họt trai giả (perles artificielles) ………….. bán cho mấy cô ………. Nghèo mua đeo, cũng qua mặt và làm mập mờ như các bà triệu phú đeo chuỗi hột trai đáng giá bằng triệu vậy. Còn một số người, cũng biết là hãng Nhà Rồng bạc đãi, nhưng họ cũng đi,là kiếm đường sang Pháp, mà khỏi trả tiền tàu, rồi tới Marseille, kiếm tầu chạy những đường Bắc Mỹ, Ai Cập, Madagas ????? mà làm, cũng được lương bỗng và đối đãi như người Tây vậy, chớ không kém một chút nào. Có nhiều người mình làm tàu bằng con đường ấy, mà được làm đầu bếp (Chef cuisinier), làm maitred hotel, thì té ra lại có quyền cai quản người Tây nữa. Thế cũng là một cách vẻ vang.
      Trong lúc ăn cơm, nhơn dịp chúng tôi hỏi rằng những đồ ăn này của tàu là phát chó hay sao?
      Người nấu bếp nói rằng:
      - Ở tàu họ chỉ phát co cá mắm và thịt bò xấu, ăn không đủ và ăn không được. Bởi vậy mỗi chuyến tàu chúng tôi phải mua dự trữ đồ ăn ở Saigon đi mà ăn với nhau.

      Hôm ấy là ngày 29 Mars, vào hồi 8 giờ sáng, thì tàu tới đến Colombo. Từ Singpour đi qua đây, tàu chạy hết năm ngày và sáu bảy giờ đồng hồ. Colombo là một hải cảng của người Hồng mao trông ngay ra biển, cách bờ chừng 500 thước, chớ không cặp cầu; tuy vậy người Hồng mao có xây một cái đê vùng ra ngoài biển dài đến hơn hai ngàn thước, để có hai cửa cho taù vào; làm vậy là để cho tàu vào đậu được bình yên không có sóng có gió. Cái đê ấy làm kiên cố như bức thành, công trình của họ xem ra to lớn lắm, làm sao xây được từ dưới biển xây lên, cao như thế, dài như thế.
      Trong cái vòng đó, tàu lớn thuyền con kể cả ngàn, coi vui vẻ và rộn rịp lắm,.
............................................................................................................................................
      Trước khi tàu sắp tới Colombo, thì em đã nói với cô Cúc Tử có lên bờ xem phong cảnh thì cho em đi theo với, vì em nghe ở đây phong cảnh đẹp và có nhiều di tích của Phật, nên coi cho biết. Cô Cúc Tử nói đường lối và danh thắng ở Colombo, cổ cũng không quen lắm, song không lo lâu gì, tàu đến nơi đã có mấy người đồng bào với cỗ buôn bán ở đây ra đón rước, rồi chị em mình biểu họ dắt đi chơi. Cổ đã có viết thơ báo tin cho người ta rồi.
      Tàu vừa bỏ neo xong, trong đám người lên tàu có hai vợ chồng người Nhựt và một đứa con nhỏ. Đó là người lên đón cô Cúc Tử. Đôi bên gặp nhau, coi bộ mừng rỡ lắm. Em cũng có đó, cô Cúc Tử giới thiệu em cho mấy người kia:
      - Tôi giới thiệu cô này là bạn An Nam của tôi.
      Mấy người cúi đầu chào rất lễ phép, và nói tiếng Nhựt phửng gì, em nghe đâu có hiểu, chỉ thấy cô Cúc Tử biểu em: - Thôi cô vào sửa soạn lên bờ.
      Em vào phòng lật đật rửa mặt thay áo, chạy kiếm thân phụ em, xin phép đi bờ  chơi với cô Nhựt bổn, rồi tất tả tới chỗ cầu lên xuống, thì đã thấy bọn cô Cúc Tử đứng chờ ở đó. Em đưa giấy thông hành cho người lính Ấn Độ đóng cho một con dấu, rồi chúng tôi đều xuống đò mà lên bờ. Mỗi người phải trả 25 su theo tiền roupie của Ấn Độ.
      Mới bước chân lên bờ tuy chưa đi được tới đâu, nhưng mà để mắt ngó xa, đã thấy cái vẻ to lớn tốt đẹp của thành phố nầy. Sự nghiệp của người Hồng mao mở mang, thôi khỏi phải nói. Bọn sốp – phơ thấy bóng mấy người ngoại quốc là xúm lại, mời chào lôi kéo, cũng như mấy anh lơ ở đường Bonard và chợ của mình vậy, có đều là bọn sốp – phơ Ấn Độ có phép tắc hơn.
      Nội những danh thắng ở quanh Colombo thì chỉ có ở Kandy có nhiều cổ tích, có núi cao, có chùa cỗ, ai đi qua đây cũng phải tới coi. Kandy ở ngay giữa đảo Tích Lan (Ceylan), cách Colombo tới 72 anh – lý, nghĩa là 130 cây số, đi xe hơi phải mất ba giờ đồng hồ mới tới. Chúng tôi mướn xe hơi để đi, trả 30 roupie có đi có lại. Mới trèo lên xe là anh sốp – phơ thả máy liền, phố xá đông đảo như vậy, mà xe cứ chạy như biến, chẳng coi mạng người vào đâu, vậy mà không ai chạm vào bánh xe hết, thật là tài tình. Xe chạy qua phố tây, qua phố người bổn xứ, rồi ra ngoài thành phố, thì xe chạy càng mau, mấy anh sốp – phơ bên nầy chắc cũng như bên mình, chạy hết ga cho đỡ tốn xăng, chết ai thây kệ.
      Đường nầy đi quanh co khuất khúc lắm, khi thì lên giốc, khi thì xuống đèo, chỗ qua rừng cây, chỗ qua bãi cát, khiến cho con mắt mình được đổi phong cảnh luôn luôn. Đi nửa đường ngó xa xa thấy một trái núi cao chót vót, gọi là Pic Adam, tương truyền là thuở xa xưa Phật đã thuyết pháp ở trên đỉnh núi ấy. Trên đỉnh núi lại có hình một cái bàn chưn thiệt lớn. Người theo đạo Phật thì nói đó là chưn của Phật; còn người theo đạo hồi thì nói rằng ngày xưa ông Adam ở thiên đình xuống đó chịu tội, chưn của ổng ấn xuống đá thành ra cái hồ nước; bây giờ mỗi năm người theo đạo Hồi vẫn vịn cây trèo đá, lên đó viếng cảnh và lấy nước uống, coi như là nước thánh vậy.
      Khi đi đường, trông thoáng hai bên có nhiều dấu tích cổ, mà mình không biết lai lịch thế nào; thỉnh thoảng thấy năm ba cái nhà máy, thấy cả ga xe lửa, vì từ Colombo tới Kandy, có thể đi xe lửa được, nhưng mà chậm hơn xe hơi.
      Trước khi tới Kandy còn cách chừng 8 cây số, chúng tôi có ngừng xe lại, vào coi một cái hoa viên, kêu là Pera donya Garden, có tiếng lừng lẫy khắp hoàn cầu, chẳng những là vì có di tích lạ, mà ở trỏng có nhiều cây quý bông thơm, không đâu sánh kịp. Người ta nói chỗ đó là chỗ ngày xưa ông Adam và bà Eva ăn trái cấm, mà làm cho nhơn loại bị đày đọa từ xưa đến giờ; chỗ đó là chỗ cổ tích của loài người. Những chuyện huyền hoặc, biết đâu mà tin được, chỉ biết là trong vườn ấy có lẻ gom góp hầu đủ hết các thứ cây cỏ, các thứ bông trái, ở khắp mặt đất. Có từng khóm trúc lớn lạ lùng, mỗi khóm đến năm sáu chục cây. Họ nói giống trúc ấy tới mùa mưa, thì nó mọc lên mau lắm, có khi mình chăm chỉ đứng đó mà nhìn, có thể thấy nó mỗi ngày cao lên được hai ba tấc. Đi trong vườn ấy, khiến cho mình tưởng tượng Bồng Lai Tiên Đảo cũng đâu thế nầy; thiệt vậy, mắt trông cây lạ, tai nghe chim hót véo von, mũi hửi hoa thơm sực nức, làm cho thần trí của mình thấy thanh cao thoát tục một cách lạ thường. Hèn chi họ kêu là một cái cảnh Thiên Đàng cũng đáng.

SỐ 7
      Cứ đứng trong cái cảnh thiên đàng ấy, bên tai chim hót véo von, trước mắt cỏ hoa man mát, khiến cho mình dùng dằn chẳng nở dời chưn. Em đã nói rằng cái chỗ nầy làm cho thần trí của mình thanh cao thoát tục một cách là thường thì có thiệt như vậy, mình đã chường mặt chán tai với những tiếng ồn ào rộn rịp của mấy nơi thành thị mà vào tới đây, thấy cái vẻ tự nhiên tạo hóa nó êm đềm trong sạch, cao thượng, hèn chi tâm hồn của mình chẳng thấy nhẹ nhàng. Nhà thi sĩ Ấn Độ là Tagore tiên sanh cho những chỗ như vầy là trường thiên nhiên của tạo vật đây…..
      Em đương đứng ở dưới bóng cây, suy nghĩ vơ vẩn một mình, cô Cúc Tử ở đầu kia đi lại, vỗ vai em một cái, nói rằng:
      - Thôi, đi chớ!
      Lúc bấy giờ, em đứng lặng lẻ êm đềm, đương nghĩ đến đời mà cho là chán ngán đắng cay, thành ra trong óc đã thấy vẩn vơ, rắp toan những sự vào núi đi tu, lìa trần thoát tục… Chợt có người động đến mình, làm hình như cái dây tư tưởng ấy của mình, nó phải đứt đi; ban đầu còn có ý trách thầm trong bụng rằng: “Sao con quái gở này lại phá tan cái thanh hứng của người ta đi.” Nhưng nghĩ lại thì tiếng động ấy làm cho  mình phải sực nhớ cái tình cảnh, cái thân thế cảu những người như mình, còn phải lăn lóc với đời, chớ bỏ lơ đi sao được? Bỏ như vậy thì những quân ăn cướp cạn, lột hết áo của chúng mình còn chi!
      Rồi chúng tôi ra xe hơi, đi tới Kandy, đúng 12 giờ trưa mới tới nơi. Xe vừa đậu lại, thì có một lũ người Ấn Độ chạy tới xúm quanh xe, để xin chỉ đường dẫn lối cho mình đi viếng cảnh. Họ biết mình là người ngoại quốc du lịch, cho nên muốn đưa đường để kiếm tiền, song họ không biết rằng trong bọn nầy cũng có người thông thạo đường đất lắm, có cần gì phải ai đưa. Thôi, cám ơn mấy anh, mấy anh định ăn tiền của chúng tôi không xong đâu.
      Kandy tuy là một thành phố nhỏ, nhưng mà hình thế và cảnh trí của nó coi đẹp lắm, hình như là xây ở trên mặt nước. Có cái hồ lớn, giữa hồ có cái đảo nhỏ, còn chung quanh hồ thì đầy những đình, đài, lang, tạ, cũng là những biệt thự của người ta lập ra để ở, quy mô lộng lẫy, hoa cỏ tốt tươi, coi thiệt không mỏi mắt. Trong thành phố cũng chia ra khu nầy là phố người Âu châu, chỉ có hai ba cái nhà hàng; còn khu kia là khu người bản xứ ở, thôi nó đông đảo lạ thường, những người đi lại nói cười, nghe rất ồn ào náo nhiệt. Mình đi giữa thành phố, thấy người ta cởi voi đi nghinh ngang ngoài đường, hình như nơi khác cởi ngựa vậy. Mà thấy nhiều lắm, té ra họ nuôi, thành ra voi cũng đã thuần tánh rồi.
      Cái hồ ở đây, tuy là người ta đào ra, song cũng là một thứ kiệt tạc về mỹ thuật của loài người. Xung quanh hồ đều xây đá chạm trỗ rất đẹp. Em thấy lối chạm trỗ của những miếng đá nầy và lối kiến trúc của ngôi chùa kia, khiến cho em tưởng nhớ tới Đế thiên Đế thích ở bên Cao – mên. Mấy nước nầy cùng do một nền văn hóa mà ra, cho nên mỹ thuật của họ giống nhau như đúc vậy. Ở giữa hồ có một cái cù lao nhỏ, tương truyền ngày xưa các bà hoàng hậu bị biếm thì đó, tức là chốn lảnh cung. Còn ngôi chùa có danh tiếng hơn hết là chùa Malligawa thì xây ngay bên bờ hồ, đỉnh tháp nguy nga, chiếu rọi xuống mặt nước dưới hồ; nước trong đến đổi mình trong xuống không khác gì soi vào trong kiến, thấy ngôi chùa đủ cả từng nét chạm lớp xây.
      Qui mô và mỹ thuật cảu ngôi chùa nầy thế nào, em thú thiệt là em không thể nào tả ra được, chỉ có ai đã đi xem Đế thiên Đế thích thì hình dung nó ra được tương tợ như vậy mà thôi. Cái đẹp của tạo hóa, củng là cái đẹp của người ta làm ra, có lẽ tiếng của loài người còn thiếu, không bày tỏ ra hết được chăng?
      Chùa nầy cũng có tên kêu là chùa Răng Phật (The temphe of the Holly Tottotti), vì ở trong đó có thờ một cái răng, tương truyền là răng của Phật còn di tích lại, bao nhiêu tín đồ đạo Phật đều sùng bái cái di tích ấy, coi như là một thứ thần khí rất thiêng liêng quý báu. Chỉ nghe nói vậy, chớ thiệt tình em chưa được thấy cái răng ấy ra thế nào. Mỗi năm chỉ vào hồi tháng tám, là mùa trăng tỏ thì người ta dựng cộ một lần, khi đó người ngoài mới được chiêm ngưỡng cái thần vật ấy mà thôi. Bây giờ mới là tháng ba, tiếc rằng mình đi không gặp dịp.
      Đi hoài từ hồi sáng tới giờ, ai nấy đã thấy đói bụng và mỏi mệt cả rồi. Chúng tôi bèn dắt nhau ra một hàng cơm lớn của người Hồng mao tại đó để ăn. Nhà hàng nầy sang trọng lắm, có đủ mọi sự cần dùng theo cách kim thời, mà hầu sáng hoàn toàn là người bổn xứ, hầu hạ rất là lễ phép, mình đi đâu một bước là chúng theo đuôi, để phục dịch cho mình. Ví dụ như mình đi rửa mặt, là chúng đi theo đưa khăn tay và sà bông, coi bộ châm non săn sóc lắm. Mỗi cái đó là mỗi tiền, mỗi việc là mình phải cho anh chàng một vài cắt hút thuốc chơi. Cái tục ăn của người Hồng mao hơi khác của người Pháp, họ hay ăn khoai để thay cho bánh mì, còn muỗng nĩa thì mỗi món ăn xong họ lại thay muỗng nĩa khác, chớ không như người Pháp, ăn trọn bữa chỉ có muỗng nĩa ấy mà thôi. Hồi đầu em thấy vậy, tỏ ra ý ngạc nhiên, cô Cúc Tử hiểu ý, liền bảo em rằng:
      - Lối ăn của người Hồng mao là như vậy đó.
      Ăn uống xong đã 1 giờ rưỡi, chúng tôi phải lật đật len xe trở về Colombo cho kịp tàu chạy 4 giờ. Lúc về, bị thì giờ gấp quá, sợ đi thong thả thì trật tàu, cho nên anh sốp – phơ càng thả ga cho xe chạy tung bụi lên gấp hai lúc đi. Gặp đường cong, thấy có biển đề chữ Slowe nghĩa là chạy thong thả chớ, thì xe cũng phóng lên như chạy đường thẳng vậy. Em ngồi trên xe có lúc giựt mình….sợ chết.
      Đi thẳng về tới tàu, thì tàu đã rung chuông lần thứ hai sửa soạn kéo neo chạy. May chưa! Nếu lúc đi giữa đường mà rủi bị xe hư máy một chút, thì mình phải bơ vơ ở lại Colombo rồi còn gì.
      Đúng bốn giờ tàu quay mũi đi ra, thế là từ giã hai người bạn Nhựt bổn gặp nhau chỉ như là bèo hiệp mây tan; từ giã quê hương của đức Phật và thánh Gandhi; từ giã luôn anh em Ấn Độ………………………

SỐ 9
      Từ Colombo đi qua Djibouti, hết bảy ngày bảy đêm trường. Đường từ Saigon sang Marseille, có khúc nầy là xa hơn hết: bảy ngày bảy đêm ở giữa biển trời, thật là chán ngán. Vậy mà chưa lâu gì đâu; nghe anh em làm tàu nói chuyện đi những đường sang Bắc Mỹ hay là Úc châu, có khii 22 ngày hay là trót một tháng trời ở trên mặt biển, chỉ trông thấy mây và nước mà thôi.
      Quảng nầy là giữa Ấn Độ Dương đây. Sóng đã có tiếng, vì hay có gió mùa, mỗi chiều mỗi mưa; biển làm chiếc tàu nghiên bên này, ngã bên kia, đội đằng sau, dìm đằng trước, thành ra hành khách trong tàu, không có đờn địch trống kèn gì, mà ai nấy cũng múa chưn như là nhảy đầm hết thảy, coi ngộ lắm. Lạ lùng quá, đến quảng biển nầy em lại không say gì hết, tuy là đầu có hơi nặng chút đĩnh, nhưng mà vẫn ăn uống đi lại như thường, chớ không bỏ ăn nằm bết như mấy ngày trước. Có lẽ đã quen sóng rồi. Kệ biển rộng, kệ gió lay, em vẫn xăng xái như thường, khiến cho cô Cúc Tử cũng lấy làm lạ. Có khi cô cười mà nói rằng:
      - Gái Việt Nam giỏi thiệt! Quen sóng rồi à?
      Trong bảy ngày ròng rả nầy, chỉ có ăn rồi coi sách, và nói chuyện với người bạn lữ hành là cô Cúc Tử, nhờ đó mà em rộng kiến văn ra được nhiều. Cái bỗn tâm của em định rằng: bước giang hồ đã dễ cho mình gặp một người Nhựt, thỉ chỉ nên hỏi đến chuyện Nhựt. Phương chi cái gương của nước ấy tiến bộ văn minh, có thể làm bài học cho mình, ấy là chưa nói tới cái nghĩa chủng tộc và văn hóa của hai đàng cũng có chỗ quan hệ với nhau. Bởi vậy em cứ hỏi riết cô về những chuyện bên Nhựt. Cô lại là người điềm đạm, dịu dàng và có tánh chất rất vui vẻ, hình như không muốn làm cho ai mất lòng. Chắc cô cũng biết em là người ít học thức, nhưng mà sự ít học thức đó là tại sao, chứ không phải là tại em không có tư chất. Một đôi khi nói chuyện, em không sao dấu được chỗ khờ khạo của mình; cô nói: “…….Nếu như…………………..phát triển sức thông minh ra, thì cô cũng là người giỏi lắm.” Bởi vậy, cô đối với em, không những là một người bạn đi đường, mà lại là một cô giáo giảng bải học nữa. Mỗi người mỗi cảnh, tuy không hề nói cho nhau biết, nhưng mà hình như tâm sự cũng soi thấu cho nhau.
      Có lần em hỏi cô:
      - Cô nói chuyện về đàn bà Nhựt cho tôi nghe?
      Cô nói: - Cô  muốn nghe chuyện về đàn bà Nhựt mà là đàn bà Nhựt thế nào?.
      - Tôi muốn biết sơ về trình độ tiến hóa của đàn bà Nhựt gần đây ra làm sao, và rồi cái khuynh hướng sẽ ra thế nào, có giống như đàn bà Âu Mỹ không?
      Cô vỗ vai em rồi vừa cười vừa nói:
      - CÔ hỏi tôi như vậy, tức là bảo tôi viết một cuốn sách mấy trăm trương cũng chưa hết. Song tôi có thể nói lược cho cô nghe được. Cái trình độ tiến hóa của người phụ nữ chúng tôi ư? Hễ cái trình độ tiến hóa của chị em Âu Mỹ ngày nay tới đâu thì chúng tôi cũng tới đó. Chị em Âu Mỹ có người làm trạng sư, làm bác sĩ, làm phi tướng, làm ngị viên, thì chúng tôi cũng có đủ cả. Cho tới cuộc chơi thể thao (Jeux olympiques) ở Âu châu mỗi năm, có đàn bà Âu Mỹ tỉ thí món nào, thì chị em chúng tôi cũng có người ra dự lễ tranh phong với họ. Nói tóm lại, chúng tôi muốn chứng tỏ ra rằng bên phương Đông ta cũng có cái dân trí ngang hàng với họ được, chớ không kém gì. Sự kết quả về công cuộc văn minh, họ làm mấy thế kỷ mà chúng tôi làm có năm chục năm cũng được như thế, là do ở chúng tôi cũng có sự giáo dục và cái tinh thần bổn sắc riêng cho nên tiếng rằng học cái văn minh khôn khéo của ?????? mà chúng tôi tiến hóa chớ không đồng hóa. Sự vật ???? ở nước Nhựt thì là Âu châu, nhưng tinh thần vẫn là tinh thần Nhựt. Đến như cái khuynh hướng của chị em chúng tôi, thì có thể nói rằng cũng giống như đàn bà Âu Mỹ, cũng có thể nói rằng không. Chỗ khác nhau đó, là vì chúng tôi không ham về đường chánh trị mà chúng tôi có tư tưởng xác định rằng đem cái thân đào thơ liễu yếu gánh việc xã hội thì có nhiều đường làm ích cho xã hội chớ không phải chỉ chuyên về chánh trị mới có ích thôi. Nói tóm lại, chúng tôi vẫn chuyên tâm về việc gia đình, nghĩ rằng gia đình là gốc cho xã hội, mà cái thiên chức của đàn bà là ở đó, nếu biết lo lắng xếp đặt ????? mang cho phải đường thì có phải là vô ích cho đời, cho nước đâu.
      Em nghe câu chuyện này mà suy nghĩ có biết bao nhiêu câu triết lý có ích cho chị em mình.
      Luôn dịp em hỏi tiếp cô, sao người Nhựt lại hay có tánh tự vận, mà người ngoại quốc đều cho là cái tánh rất kì.
Cô nói:
      - Cô chưa kịp hỏi mà tôi cũng định nói cho cô nghe, Phàm một cái dân tộc nào mạnh được, là phải nhờ dân phong sĩ khí, nghĩa là dân phải có tinh thần cho mạnh mẽ, và những người cắp sách đi học, phải là người có khí phách cho hùng hồn khẳn khái mới đặng. Dân phong sĩ khí là một cái đặc tánh của dân tộc chúng tôi, có từ ngàn năm nay, nhờ vậy mà chúng tôi có văn minh, mỹ thuật, có nghị lực, có khí tượng đễ tự tôn mình lên theo cho kịp người. Hồi thế kỷ thứ 17 và 18, những người Âu châu như Hồng mao, Y – pha – nho và Hà Lan cũng định nuốt sống chúng tôi lắm, nhưng vì chúng tôi có văn phong sĩ khí mạnh lắm, cho nên họ không ?????? được cái dã tâm của họ. Dân tâm sĩ khí của chúng chung đúc vào một bọn người hơn hết gọi là võ sĩ đạo. Con trai lớn lên là đeo gươm. Lưỡi gươm ấy để làm ???? đời hay là tự xử lấy mình. Ra chốn sa trường lưỡi gươm ấy chém giặc, còn gặp việc gì bị nhục hạ mình, thì lưỡi gươm ấy là quan tòa. Chắc cô coi sách cũng thấy nói nước tôi có cái lối hara kiri, ấy đó.
      Phải, chúng tôi hay tự vận thiệt, vì chúng tôi nghĩ như vầy: sống thì vẻ vang hay là chết đi cho rãnh. Những lúc đòi cải cách duy tân, hằng ngày có mấy trăm người tự vận, những lúc sắp đánh nhau với Nga, cũng là hằng ngày, có mấy trăm người tự vận, ấy đều là biểu hiện của dân bày tỏ cái quyết tâm của mình ra tới bực nào. Nhờ đó mà từ hồi nào tới giờ, có lẽ chúng tôi chưa biết việc gì là việc thất bại.
      Có một lối, bọn học sanh nước tôi ham tự vận quá. Thi hỏng là họ tự vận liền. Cho tới đàn bà con gái, hoặc vì tình duyên trắc trở, hoặc vì nhà cửa lôi thôi, thế là cũng đâm đầu xuống giếng tự vận. Đến nỗi ở đất Thần – hộ, có cái giếng chỉ trong mấy tháng, họ nhảy xuống đó mà đầy. Đó là lúc mà sự thất ý của người ta lên tới cực độ; hồi ấy bên nước chúng tôi, đã có nhiều hội lập ra kêu là hội “Phụ nữ đồng tình” tuyên bố khắp mọi nơi, nói rằng hễ chị em ai có việc gì bất như ý, hãy tới nhà hội nói chuyện đã, chớ nên liều mạng vội. Làm vậy cũng cứu được vô số người. Sự tự vận quá đến như vậy, vẫn không hay gì, nhưng nó cũng là căn nguyên ở dân phong sĩ khí của chúng tôi mà ra………
(Số 10)
SANG TÂY
(DU KÝ CỦA MỘT CÔ THIẾU NỮ)
Tàu ở Colombo chạy ra tới đây là được ba ngày rồi biểu tuy có sóng mặc lòng, nhưng chỉ thấy nôn nao chut đĩnh thôi, chớ không sao hết. Thình lình chiều bữa đó, ăn cơm tối vừa xong thì thấy quan từ trong tàu, dán yết thị rằng hành khách nên coi chừng đóng cửa hublot lại, kẻo ba giờ khuya nầy có bão lớn. Hublot tức là những cái cửa tròn ở bên hông tàu để thông hơi.
Em nghe nói có bão, thì đã giựt mình, vì thường nghe người ta nói những lúc đi biển mà gặp bão, có khi sóng đánh lên qua cả chiếc tàu; em nghĩ tới đó mà sợ.
Tối bữa đó đi ngủ sớm, mong ngủ thẳng một giấc tới sáng, nếu khuya hoặc có gió bão, mình cũng đừng hay đừng biết gì hết. Té ra nữa đêm có một cây chuyện nó cũng dựng đầu mình dậy.
Bên cạnh phòng em và cô Cúc-Tữ nằm, có một bà Âu-châu đi về với ba đứa con nhỏ, trường chín mười tuổi cả, và một người bồi là con gái Annam đi theo để giữ con. Khuya lại vào lối 2 giờ, tự nhiên thằng nhỏ con của bà ấy bị cảm, người bồi gái tỉnh dậy, hô hoán lên, làm cho hành khách ở đó dậy hết; người thì săn sóc đứa nhỏ, kẻ thì bấm chuông kêu bồi gác ở tàu đi mời thầy thuốc lại chữa.
Thầy thuốc lại thăm rồi cho thuốc, một lát đứa nhỏ hồi lại, không có sao hết. Trong khi ấy có bà Âu-châu khác nói với chị bồi kia rằng:
-         chạy kêu má nó đi.
Thấy chị bồi nhăn mặt lại mà nói:
-         Biết bã ở đâu mà kiếm….
Bà kia cũng châu mày lại mà nói lầm bầm trong miệng:
-         Cái thứ đàn bà khốn nạn, đêm hôm bỏ con đó mà đi với…
Mọi người thấy thằng nhỏ yên rồi không hề chi, thì ai về phòng nấy, chỉ còn bà kia cùng tôi và cô Cúc-Tữ đứng lại vỗ về và thăm chừng thằng nhỏ. Bà kia còn lầm bầm mắng nhiếc già ai trong miệng, chúng tôi nghe không rõ, chỉ thấy nét mặt bà quạo quọ lắm. Còn chị bồi thì nói với bà nầy: “Đêm nào bà chủ tôi cũng như vậy, để mặc mấy đứa nhỏ cho tay tôi, trông nom ăn ngủ. Mà mấy bữa rày tôi cũng đau muốn chết. Thân tôi thì chẳng có ai trông nom săn sóc cho tôi cả”.
Cách một hồi khá lâu, thì má thằng nhỏ kia về, coi bộ mặt nhừ lắm, hình như mụ không biết mới rồi con mình bị cảm, chỉ thấy có mấy người đứng xúm xít trong phòng thì hỏi cái gì, cái gì. Mà giọng hỏi nghe ra thật là vô giáo dục. Chị bồi học chuyện lại vân vân. Trông sắc mặt của mụ đã chẳng thấy có chút nào kinh-hoàng về sự con mình đau, lại còn rầy chị bồi nầy kia, giống như có ý trách chị nầy rằng: tiệc vui gãy khúc đoạn trường ấy chi vậy. Bà kia đưa mắt cho chúng tôi, thở dài một tiếng, rồi chúng tôi đều về phòng ngủ.
Té ra có gì ở đâu, bà lớn mê trai, cho nên mới bỏ con bù lăn bù lóc như vậy, ăn uống cũng chẳng trông nom, yếu đau cũng chẳng cần tới. Bà lớn trên ba chục rồi, say mê một người thiếu niên chưa đầy hai mươi, tối ngày bỏ dàn con cho chị bồi, đem chàng kia đi tính-tự ở đâu không biết. Chuyện ấy cả mọi người hạng nhì ai cũng biết và ai cũng tỏ ra đáng khinh bỉ. Thế mới biết những sự vô hạnh như vậy, xã-hội nào cũng có, mà xã-hội nào cũng khinh. Than ôi! Vô hạnh đâu đến nỗi đã mấy con cùng chồng mà còn làm chuyện vô-sĩ đến thế. Thương cho người chồng ở đâu có biết đâu rằng vợi như vậy hay không? Lại nghĩ tội nghiệp cho chị bồi, mỗi tháng được bao nhiêu tiền công chẳng biết, mà một mình chăm nom săn sóc mấy đứa con từ miếng ăn từ giấc ngủ, thật là chi tình. Mà chị ta cũng đau khật khừ, bà chủ đã chẳng đoái hoài, lại còn mắng nhiếc luôn luôn là khác.
Bà đầm R… - tức là bà đầm dậy săn sóc đứa nhỏ kia với chúng tôi, gọi tên cho dễ nhớ - tử tế quá. Bà thấy chị bồi mà thương tâm, mỗi khi đi ăn về thì bả lấy cho mấy trái chuối, hoặc trái bôm đưa cho; và bả hỏi thăm tới luôn, hình như có quen biết và cảm-tình đâu lâu ngày lắm vậy. Em thấy như vậy; cũng lấy làm cảm-động. Bả biết em là người Annam, cho nên bã đối đãi một cách rất tử tế. Có hôm bả nói chuyện với em rằng:
-         Chắc hẳn cô sang Âu-châu chúng tôi, thì xin cô chớ nên thấy những hạng đàn bà như vậy mà tưởng là ai cũng thế hết cả. Chúng tôi, ai là con nhà có học, có giáo-dục, thì cũng biết trọng danh-tiết lắm chớ. Rồi cô qua đó cô coi.
Rồi nói tới chuyện chị bồi kia thì bã nói:
-         Tôi thương-hại cho con nhỏ đó hết sức, là vì tôi có tánh thương người, chớ không có ý chủng-tộc gì hết. Tôi thấy người nuôi nó, bỏ nó bơ vơ, cho nên tôi lấy tình mà trông nom cho nó chút đĩnh. Có lần tôi nói với bả kia, sao bả đem con nhà người ta đi, mà hất hủi nó quá tệ vậy, thì bả nói: - Cái thứ bồi Annam, kệ thây nó! Thứ người có thể mở miệng ra nói câu ấy được, cho nên tôi ngán ngẫm quá, không muốn nói nữa. Tôi thú thiệt cùng cô rằng tôi thấy con nhỏ kia như vậy, tôi càng nghĩ mà thương người bồi con gái của tôi hồi đó lắm. Để tôi nói chuyện cho cô nghe. Hồi đó tôi còn ở Saigon với chồng tôi, vì chồng tôi bất nghĩa, cho nên tôi xin ly-dị. Trong khi thưa kiện ấy, tôi mướn nhà ở riêng. Con bồi ở với vợ chồng tôi hồi trước, bây giờ nó về ở với tôi. Vì tiếng là chủ nhà con ở mặc lòng, mà chúng toi yêu mến nhau lắm. Trong ba năm trời, nó ở với tôi lúc nào cũng làm hết phận sự, không bao giờ tôi phải nói đến một tiếng nặng, và bào giờ tôi cũng đối đãi có tình có nghĩa, nó rất vui lòng. Lúc hoạn-nạn, thì người ta mới biết nhau, cô ạ. Trong khi tôi ở riêng như thế, trong túi tôi không còn được bao nhiêu tiền bạc; kế tôi bị đau nặng. Nếu con ở khác, gặp chủ suy-vi như thế, thì đã bỏ chủ đi từ đời nào rồi. Song con nầy không, thủy chung hết lòng hết dạ với tôi! Ngày thì trông nom cơm nước, tối thì nằm ngay bên giường tôi, để nâng giấc thuốc thang. Tội nghiệp, nó thấy bịnh tôi trầm trọng quá, thì nó đi mua nhang đèn cầu khẩn ở chùa miễu nào đó cho tôi không biết, vì nó tin như vậy. Có khi biết tôi hết tiền thì nó cầm bán vay mượn ở đâu không hay, để cho tôi tiền. Tới khi tôi mạnh, có tiền của cha mẹ nó gởi qua cho tôi về, thì nó khóc như mưa như gió, làm cho tôi cũng khóc thảm thiết. Tôi cho nó một trăm đồng bạc mà nó không lấy, nó nói rằng nso biết tôi nghèo, chỉ lấy một nữa thôi, còn một nửa để cho tôi làm hành-phí, miễn là lúc nào tôi cũng nhớ đến là là đủ mà thôi….
Bả nói đến đây, thì hình như cảm động quá, nói không ra tiếng, mà thấy hai con mắt có mấy hàng châu muốn nhỏ… Rồi bả nói tiếp:
-         Thật là trong khi tôi hoạn nạn, ai cũng vô tình, mà chỉ có con ở của tooii, nó cứu tôi. Bởi vậy từ bữa tôi xuống tàu đến bây giờ, có khi nhớ nó mà thương, ngơ ngẫn cả người, mà hễ tôi thấy ai bạc-đãi với đầy tớ, lại còn nói là đầy tớ Annam thì cần gì, là tôi tức mình, tôi khinh bỉ lắm.
Luôn dịp em muốn hỏi bả, chắc hẳn có cái lợi gì, cho nên người Pháp ở Annam về hay đem bồi Annam đi theo.
Bả nói:

-         Có nhiều người vì mến bồi mà đem về, họ đãi rất tử tế, theo như cách thức của con ăn đứa ở bên Pháp. Song còn nhiều thì chỉ vì chút lợi. Thứ nhứt là rẻ công và sai khiến dễ. Một người bồi theo chủ về, bất quá chỉ cso ba trăm đồng một tháng, về trông nom đủ mọi việc, đi chợ, giặt đồ, dọn phòng, giữ em, ngày làm cả ngày, mà chúa nhựt chĩ được nghĩ có một buỗi. Còn bồi bếp bên Pháp, mỗi tháng ít nào cũng bốn năm trăm quan, ngày là có giờ có khắc, chúa-nhựt có lệ nghĩ cả ngày. Chủ nhà ăn sao, thì bồi bếp cũng ăn như vậy, vả lại ai làm việc gì, thì làm việc nấy, thí dụ như bồi chĩ dọn bàn, bếp chĩ đi chợ, chớ không bắt kiêm hai việc được. Nói tóm lại bên Pháp chúng tôi, nhà nước có nhiều lệ-luật binh-vực cho bọn làm thuê làm mướn, chớ chủ nhà không thể ỷ mình là người nuôi chúng, mà ức hiếp được chúng đâu.
(Số 11)
            Từ khi ra đi, hơn mười bữa nay rồi, hôm nào cũng như hôm nào, trên trời dưới nước, đêm ngủ ngày ăn, sanh-hoạt như vầy mãi, chán quá, chỉ trông hêt bến nầy bến khác cho mau tới Marseille, để coi nước Pháp ra thế nào.
            Hôm nay là 6 Avril, tới Djibonti.
            Từ Saigon qua Marseille, đây mới có cái hải-cảng này là của người Pháp mà thôi. Tàu cũng phải đậu ngoài khơi, chớ không có bến. Sau lên coi thì quả-nhiên nó đồi tệ thiệt, nhà cửa lúp thúp, phố sá dơ dáy, mà khí-hậu nóng nực là thường, lúc nào cũng hình như mặt trời chụm lửa ở chung quanh mình. Người ở đây là giống người Somalis, da đen, cũng là thuộc-dân của nước Pháp. Bởi vậy từ lúc bước chưn ra đi, qua hai cái bãi-cảng là Singapour và Colombo rồi, đến đây mới gặp anh em cùng số-kiếp với mình nói năm ba tiếng Pháp, chớ hổm rày qua mấy chổ kia, mình chỉ như câm, vì không biết tiếng Hồng-mao. Cho biết rằng mình muốn đi du-lịch đâu, cũng cần phải biết tiếng Hồng-mao, chớ tiếng Pháp không thông-dụng gì cả.
            Chút nữa em quên. Hồi tàu mới đậu vừa xong, thì có mấy người lính cảnh sát Somalis xuống còng hai người mình đem lên bờ. Hỏi ra mới biết là hai người học-sanh mình muốn sang học bên Pháp, nhưng không có tiền, bèn trốn xuống tàu, hổm rày nằm lẫn lút đâu đó ; lúc ở Colom bỏ chạy ra hai ngày, thì ông Coommissaire dưới tàu tóm được, nay đem lên Djibouti để làm án bỏ tù, vì xưa nay nhà khám ở Djibouti đã thường đón rước nhiều anh em Việt – nam như vậy. Than ôi ! Mấy người thiếu-niên đồng-bào ấy chỉ có cái tội không tiền mà muốn học. Nghĩ tài nên trọng mà tình nên thương….
            Tàu ở Djibouti mấy giờ đồng hồ thật là buồn tanh, tai mình, ngoài sự nghe mấy thằng con nít da đen miệng la ô hô, hô, hô, hô, biểu mình liệng tiềng xuống nước cho nó lặn xuống lấy, thì mắt mình không thấy có gì lạ. Chỉ mong tàu chạy cho rồi.
            Hồi vào bến là 6 giờ sáng, đến 11 giờ, lấy than nước xong thì tàu chạy.
            Chặng nầy từ Djibouti qua Suez và Port-Said, mất năm ngày năm đêm, là đi qua Hồng-hải. Cứ nhớ tới Hồng-hải là đủ tháo mồ hôi. Qua cái biển nầy nóng thiệt, ngày nóng, đêm nóng, có gió lại càng nóng, là vì khúc biển nầy phía bên kia là Ai-cập, phía bên nầy là Arabie, hai bên đều có sa-mạc ; cái khí nóng chính là ở đó đưa ra, cho nên có gió nó đưa hơi ở sa-mạc ra, càng thấy nóng gắt.
            Bốn ngày thì tới Suez, tức là cửa con sông đào có tiếng là sông đào Suez vậy :
            Đây là địa phận nước Ai-cập rồi, cho nên ta mới được thấy người Ai-cập, là dân-tộc mới thoát-y vòng áp-chế của Hồng-mao mà thành ra dân tộc độc-lập. Coi họ lực lưởng khỏe mạnh, không kém gì người Âu-châu, và có vẻ thông minh lắm. Thấy có ông thầy thuốc Ai-cập xuống khám dưới tàu, mình bận Âu-phục, đầu đội nón Fez, coi cũng oai vệ đến. Xem ra quan tầu cũng tiếp rước một cách cung kính…..
            Nếu được ở lại đây, mà đi quan-sát nước Ai-cập, như là kinh thành Caire, các Kim-tự-tháp (Pyramides) là mộ của các vua Ai-cập ngày xưa, mà người ta cho nó là một thứ trong bảy thứ kỳ-quan (Merveilles) của thế-giới. Lên đây cũng có thể đi coi đất thánh Jérus lem được. Cô  Cúc Tử nói rằng cỗ đã đi xem xét cã mấy nơi danh - thắng  ấy rồi .Phải, cô là con gái Nhựt –bổn ,có tự do , có học thức, có tài sản ,cho nên đã có dịp để chân vào những chỗ kỳ quan thắng tích ấy thì phải .Em đây  được sang Pháp là quá vọng rồi ,biết bao giờ tới được những chỗ ấy ?
          Tàu đi vào sông đào Suez.
            Con sông nầy, nối Hồng-hãi ở phía đông và Địa-trung-hãi ở phía Tây, là một con sông dài 162 cây số, bề ngang có 135 thước, nhưng có khúc chỉ vừa cho một chiếc tàu đi mà thôi. Bởi vậy giọc theo con sông có nhiều chỗ phình ra để cho hai chiếc tàu đi lại thì tránh nhau ở đó. Nguyên xưa chỗ nầy là cái bãi cát lớn, dính liền châu Phi với châu Á. Sáu chục năm về trước, tàu bè ở Âu sang Á, chưa có con sông đào nầy, thì phãi đi vòng châu Phi hết hằng tháng, xa xuôi khó nhọc lắm. Nhờ có từ năm 186 một người Pháp là ông Ferdinand de Lesseps đào con sông nầy rồi, thì rút hằng tháng lại chĩ trong có mấy giờ đồng hồ. Thiệt là một cái công trình lớn lao, một cái công-đi vô lượng. Bởi vậy cho nên ở bên sống, thấy có dựng hình kỷ-niệm ông Ferdinand de Leseps. Bây giờ hằng năm năm bãy ngàn chiếc tàu qua lại ở đó, trông di-lượng của ông, tự nhiên phãi nhớ tới công-nghiệp tày trời của người dỉ vãng.
            Hai bên sông, thĩnh thoãng lại có dồn binh của Hồng-mao đóng dễ canh-phòng, vì hai bên sông đều là bãi sa-mạc minh mông, nếu không canh phòng sợ có điều bất trắc. Sông nầy thuộc về địa phận nước Ai-Cập, đáng lẻ về phía người Ai-cập cai quản. Nay Ai-cập độc lập rồi mà quyền canh phòng và thủ lợi ở sông Suez, vẫn là người Hồng-mao được hưởng. Nước Ai-cập đương muốn đòi mà chẳng biết có đòi được hay không ?
            Từ Suez là đầu sông bên nầy, qua đầu sông bên kia Port-Said, kết 14 giờ đồng hồ. Em nhớ hồi đó tàu ở Suez vào sông là 6 giờ chiều mà tới 8 giờ sáng hôm sau mới tới Port-Said.
(Số 12)
            Port-Said cũng là một cái cữa biễn lớn. Trông thấy quy-mô tốt đẹp to lớn, thì đủ biết sự-nghiệp người Hồng-mao. Từ Saigon qua Singapour, Colombo, cho tới đây, đều là có công-phu mở mang của người Hồng-mao, cho nên chỗ nào ta cũng thấy đồ sộ, đẹp đẻ, to lớn và sạch sẽ lắm. Hải-cảng Port-Said cũng là người Hồng-mao mỏ mang ra, nhưng ngày nay thuộc về quyền người Ai-cập cai-trị, là vì đó là đất của Ai-cập.
            Em và cô Cúc-Tữ có mướn xe đi dạo khắp các phố, thấy từ khu của người Âu-châu cho đến khu của người bản-xứ, chổ nào cũng thấy có vẻ buôn bán sầm uất, sanh-tụ vui vẻ lắm. Hôm ấy không biết học-sanh Ai-cập làm cuộc biểu-tình gì, mà coi thấy lính cảnh-sát chạy ngược chạy xuôi, và có cả lính Hồng-mao đem súng ra đàn áp. Cô Cúc-Tữ nói tiếng Hồng-mao, hỏi một vài người thiếu-niên Ai-cập đứng đó, té ra mới biết rằng họ biễu-tình về chánh-trị. Nước Hồng-mao tuy là phải công-nhận cho Ai-cập được độc-lập rồi, song họ vẫn còn đóng binh ở một vài nơi hiểm-yếu, và còn đặt ở kinh-thành Caire một ông quan ủy-viên, người Hồng-mao, để kiềm-chế việc hành-chánh của người Ai-cập. Ví dụ như khi Nghị-viện Ai-cập có bàn tính việc gì đó có hại đến quyền-lợi người Hồng-mao, thì là người Hồng-mao sẳn có tàu có súng đó, đem ra dọa-nạt. Như vậy thì ra Ai-cập mới được tự-trị (Autonomie) mà thôi, chớ chưa phải là được hoàn-toàn độc-lập (indépendan-ce). Người Ai-cập bất thuận với cái chánh-sách đó, cho nên họ thường phản-đối luôn. Hôm nay, bọn học-sanh và bọn thợ cầm biễ đi biễu-tình ở các phố ; cờ biễn của họ viết những chữ gì mình không biết, nhưng mà biết rằng họ phản-đối vì những lẻ trên đó………….
            Trong khi đó, cô Cúc-Tữ có mua một tờ nhựt-trình cũa người Ai-cập viết bằng tiếng Hồng-mao, đễ coi những việc chánh-biến trong nước Ai-cập gần đây ra sao. Cô coi rồi nói với em :
-     Tôi chắc rằng người Ai-cập đạt tới mục-đích hoàn-toàn độc-lập,……
Xong đó rồi chúng tôi lật đật xuống tàu, kẻo tàu chạy.
Đây là ra Địa-trung-hãi rồi. Khí-bận thấy khác liền, bây giờ đã thấy tiết trời đã thấy tiết trời hơi lạnh, chớ không bực bộ như mấy hôm trước.
Đêm hôm ấy, em và cô Cúc-Tữ ăn cơm rồi về phòng nói chuyện. Cô Cúc-Tữ nói :
-     Chĩ còn bốn ngày bốn đêm nữa, là đến đất nước Pháp. Đến nơi rồi cô định đi đâu ?
            Em nói :
-     Chắc thế nào thân-phụ tôi cũng đưa anh tôi vào học ở Aix-en Provence, với ý anh tôi muốn ở đó cho thanh tịnh và rẻ tiền hơn. Rồi thì chúng tôi lên Paris ở chừng vài ba tháng. Chúng tôi không quen ai và ở Paris hết, chắc sao cũng phải mướn khách-sạng ở. Song ý của tôi không muốn, tôi muốn làm sao ở ngụ được trong một cái gia-đình nào người Pháp thì tốt hơn. Còn cô thì đi đâu ?
-     Tới Marseille, tôi chưa muốn đi Paris vội, tôi ra Nice nghỉ ít bữa và thăm chị em quen, sau một tháng tôi mới lên Paris. Ở đó chĩ độ vài ba tuần, rồi tôi còn sang Đức, sang Anh, qua Hoa-Kỳ mà về nước. Tôi sẻ cho cô chỗ ở của tôi ở Nice, cô đến Paris trước, ở yên chổ nào ; viết thơ cho tôi, tôi lên tôi đi kiếm, rồi chị em ta lại gặp gở và đi chơi với nhau.
Cô vừa nói vừa biên lại cho em cái chỗ ở của cô vào trong cái danh-thiếp. Ấy vì danh-thiếp đó mà cách mấy tháng sau, em ở Pháp trở vè tới Nhà-Bè, có người ………. xét rương, lại hỏi vì sao em quen với người Nhựt. Em lấy làm lạ, mà trả lời rằng : « vậy chú biễu răng người Annam thì không được quen với ai nữa chăng ? »
Năm ngày ở Địa-trung-hải, hình như là mau lắm, chưa sáng đã thấy tối, mới này đã tới đêm, tàu đã đi qua bờ bến nước Ý, trông xa thấy nhà cửa đỏ lói, thấy cã núi lữa đương phun khói ; tới đây nghĩa là đã gần tới nước Pháp rồi.
Còn một đêm nửa, tới Marseille, thì thân-phụ em biễu em sửa soạn hành lý, đặng mai lên bờ…………
Cũng còn một đêm nữa, thì em và người bạn bèo nước gặp nhau, chia tay cách mặt, cho nên chúng tôi nói chuyện với nhau càng đầm thấm. Trong câu chuyện biết bao nhiêu là tình tự, mà ai nấy đều nói một cách vội vàng, hình như sợ rằng nói dài dòng, thì giờ phút hết đi, không kéo lại được nữa. Cô Cúc-Tữ nói đến câu coi em như em, mà em khóc. Cổ nói rằng :
-     Đôi ta tuy là chuyến đó nên quen, mà tình ý tương đầu, giống như đã hẹn nhau đâu từ kiếp trước. Tôi thương cô như là em ruột thịt của tôi. Bao nhiêu chuyện mà chị - tới đây cỗ kêu tôi bằng em – nói với em từ hồi đó tới giờ, em nên ngẫm nghĩ…………………..
Cỗ nói đây, đụng nhằm cái bịnh ở trong can-trường cũa em, khiến cho em phải mủi lòng mà khóc, thì cô khuyên nhủ :
-     Chớ có khóc, mà phải nên cười luôn, cười như cái cười của nước Nhựt, em à. Cười mà trong cái cười có gan có mật đó !
Cô lại lấy mấy cuốn sách đưa cho em làm kỷ-niệm, cỗ có ký tên vào đó. Mấy cuốn sách đó, là 1. Nhựt-bỗn tự-cường-sữ, 2. Nhựt-bỗn Liệt-nữ-truyện, 3. Đông-Á nhị-thập-niên chi hậu, em chĩ biết mấy cái tên sách mà thôi, chớ còn trong đều là chữ  Nhựt, em có đợc được ỡ đâu. Sau đem về cất kỹ-lưỡng ở nhà, coi như đồ châu báu, chờ ngày nào học được chữ Nhựt mới coi, hay là có ai dịch ra cho mình coi nhờ với.
Khó lòng quá. Có lẽ nào mình không có vật chi kỷ-niệm lại để báo-đáp cái ơn của người ta. Em lấy ngay cuốn tuồng Trưng-nữ-vương của ông Hoàng-lăng Bí đã soạn, mà tặng lại cho cô ; và nói : « Đây là kịch-bản thuật sự-tích của một vị nữ-anh-hùng nước em, hai ngàn năm trước, đã đánh đuổi quân Tàu, gây nền độc-lập cho nước. » Cuốn sách tuy đã củ, nhưng em cũng viết ngoài bìa mấy hàng như vầy : « Tặng cho chị Cúc-Tữ yêu dấu của tôi ; đễ kỷ-niệm sự gặp gở trong khi lữ-hành từ Việt-nam sang Pháp. » Cô coi mấy câu ấy, tỏ ra ý vui mừng lắm.
Rồi chúng tôi ngủ quên đi lúc nào không biết, khi giựt mình thức dậy thì tàu đã tới Marseille, cặp cầu xong đâu đó rồi. Chúng tôi lật đật dậy rữa mặt bận đồ. Khi ấy vừa có một người đàn bà Nhựt và một cô thiếu-nữ Pháp xuống đón cô Cúc-Tữ. Cô phải lên trước, nhưng tỏ ra ý bịn rịn, nắm tay em mà nói : « Thôi, chị em ta cách-biệt đây nghe. Can-đảm lên, em ! » Em hình như nghẹn lời, một phút đồng hồ mới nói được câu : « Chị đi bình yên, em mong lại được gặp chị ở Paris. » Nói ra mà trong tiếng nói có chỗ cao chỗ thấp, thỗn thức bàng hoàng. Đời em mười mấy năm nay, mới có lần nầy biết sự thương tâm là một.
Có mấy người học-sanh đồng học với anh cũa em ngày trước ra đón. Còn phải chờ lính thương-chánh xét rương xét valisc đã, rồi mới được đem đồ hành-lý đi.
(Số 13 ngày 25 Juillet 1929)
Nhớ chừng như mấy thứ như là Đông phương tạp chi, Hiện-tượng báo, Tân-Trung Quốc-báo v. v….
            Hán học ở nước mình bây giờ như là tro tàn lữa nguội rồi, vậy thì sự cấm báo Tàu nhập cãng hay là không cấm tưởng cũng không quan hệ trong khinh gì cho mình bao nhiêu. Chánh-phủ cũng là vì dân mà cấm chớ chẳng phải không. Ta phải hiểu như thế. Vì trong những tờ báo bị câm đó thường nói tới việc chánh trị, cách-mạng, dân mình đương lo làm ăn yên tịnh, chánh-phũ không muốn cho coi những thứ quái vật ấy làm gì. Mà mấy tờ báo Tàu bị cấm đó, cũng là đáng kiếp lắm. Họ muốn nói gì, thì nói những việc ở khoảng cách Hoàng-hà, Dương-tữ cũa họ mà thôi, ai biểu hay nói trỏng tréo qua những thời cuộc và chánh-trị ở bên nầy làm gì???
            Vậy những thứ nào mà được lưu-hành ở đây, như Hoa-tự nhựt-báo, Thân-báo, Nam-cường nhựt-báo v. v… đều là những thứ báo vô-tội cả. Ai bán cứ việc bán, ai xem cứ việc xem.
            Song cso ai chịu khó xem kỷ mấy thứ ấy không? Chúng tôi xem kỷ lắm, cho nên ao ước rằng những thứ ấy cũng nên cấm luôn đi một thễ cho rồi. Sao vậy? Họ lại nói chuyện chánh-trị gì đó chăng? Không phải. Chúng tôi chĩ ghét vì trong mấy tờ báo đó, tờ nào cũng có lời rao “Giới yên” và “Cường-quốc tân-dược” thật là lớn đại, nghĩa là lời rao thuốc chừa á-phiện, mà họ cho là thứ thuốc mới chế ra, có thể trừ cái độc kia mà làm cho nước nên mạnh. Ai mở tờ báo Tàu ra coi, cũng thấy mấy chữ ấy trước hết. Cái đó bậy. Bên này chúng ta đương hưởng cái tự do hút á-phiện, là cái tự do cả hoàn-cầu bây giờ………. Thì ai cầu cái thuốc giới-yêncường-quốc tân-dược cũa họ mà làm chi. Nếu để người mình xem, mà dùng cường-quốc tân-dược cũa họ, thì thuốc phiện cũa mình đấy, sẻ đổ đi đâu bây giờ?
            Bởi vậy tưởng nên cấm hết cã báo Tàu đi, hay không cấm thì trước khi bắt họ phải cắt mấy chữ đó đi, rồi mới được bán.
Ngồi lê đôi mách
Chuyện gần rồi đến chuyện xa
Lân la kể hết chuyện nhà người dưng
            Ngồi lê đôi mách là một cá tánh quen của đàn bà nước ta, tự các chị thì các chị không hiểu cái hại ấy thế nào, nên các chị chẳng quan tâm đến bao giờ! Ngồi lê đôi mách sanh ra là từ nơi sự ở không của đàn bà… Tự mai chi tối chẳng làm việc gì gọi là một việc cần ích, chĩ lo chải tóc cho láng, xức dầu cao thơm, trau chuốt cái hình dạng cho vẻ vang, rồi xách dù lại nhà bạn, tụ năm tụ bảy để nói chuyện, nói cho có mà nói. Ban đầu thì nói phấn son gương lược, sau thì nói việc con cái trong nhà, rốt lại một sự gì xãy ra trong nhà thì đều đem ra nói hết cho chị em hàng xóm biết, thậm chi đến sự ăn ỡ với chồng, cha mẹ cũng vậy. Nói hết chuyện nhà mình rồi lân la nói đến chuyện nhà người, nói hành nói tỏi những bạn gái mà mình không ưa hay là mình ganh ghét. Hễ nói sự gì thì trăm đều dành khéo dành khôn cho mình cả!....
            Tập quen tánh ngồi lê đôi mách thì sanh ra lắm trò hại cho phong hóa, giãm mất tư cách, phẫm hạnh của một người đàn bà.
            Cờ bạc sanh ra cũng tự đấy, hiềm thù sanh ra cũng tự đấy, mà ngoại tình sanh ra cũng tự đấy, rồi gia-đình phải tan nát, sự nghiệp phải ngửa nghiêng.
            Bao nhiêu mồ hôi nước mắt của chồng đúc lại đễ làm chút vầy vui đằm ấm trong nhà đều theo cái tánh quen của vợ mà tiêu tan hết cả.
            Ngồi lê đôi mách rèn đúc cho đàn bà hai đều nguy hiễm nhứt là nhục nhã nhứt:
1)     Làm cho người đàn bà bỏ phế cả nhà cữa.
2)     Làm cho người đàn bà tranh nhau về cách chưng diện.
Bỏ phế cả nhà cữa, quên mất cã chồng con thì tức là sắp gieo mình vào vực tội lỗi, vì những lời ngon ngọt của miệng chị hàng xóm nói ra bao giờ cũng không ích lợi bằng lời cay đắng cũa bà mẹ trong nhà. Lời nói của một người nào không phải là của chồng con mình thì bao giờ củng êm ái, dịu dàng; nhưng cái êm ái, dịu dàng ấy có khác gì cái dĩa mật dễ giết ruồi…
Tranh nhau về cách chưng diện tức là tranh nhau làm cái thân nô-lệ cho sự chưng diện, vì không hiểu đúng nghĩa của sự chưng diện. Tranh nhau về sự chưng diện tức là chăm làm những  sự gì có thẻ thỏa mãn được cách chưng diện, mà hể cách chưng diện được thỏa mãn thì tức là tấm thân của mình chĩ là một cái cột cầu đễ mặc áo quần, đeo vàng nhẩn mà thôi…
Cái tánh ngồi lê đôi mách là một cố-tật, cần phải tần phương thuốc hay để điều-trị ngay mới được. Phương thuốc ấy là sự làm việc đó. Phãi làm một công việc gì đó đè nén sự ham vui vô lỗi. Phải biết cân nhắc sự đáng nói và đáng làm. Phải biết giao thiệp với những bạn tốt mà tránh người xấu….
Muốn ra đời, muốn xẻ vai đở gánh cho bạn trai, muốn giử lợi quyền trong tay, thì trước hết phải đào tạo lấy thân mình là mình cho xứng đáng đã, rồi sẻ quay mắt ngó về các phương diện khác… Tôi không thễ kể hết những cái hại của tánh ngồi lê đôi mách ra đây, nhưng tôi xin chị em phải quan tâm mà sữa lấy mình. Ấy là phúc lớn cho gia-đình, cho xã-hội đấy.
(Số 25)
MƯỜI THÁNG Ở PHÁP
Cũa cô PHẠM VÂN-ANH
Đây là tập du-ký nối theo đoạn du-ký “Sang Tây” của cô Phạm Vân-Anh mà bổn-báo đã dùng từ trước. Nguyên tập du-ký nầy chỉ kỹ thuật có một cuộc du-lịch, nhưng mà chia làm hai phần: phần đầu kễ những nơi giọc đường, phần nầy mới là những điều cãm-giác và kiên-văn của cô trong hồi ở Pháp. Đáng lẻ bỗn-báo đăng tiếp luôn từ hồi đó, song sau khi đang hết phần thứ nhứt, thì cô Vân-Anh viết thơ lên xin bổn-thảo để coi lại, vì cô nói rằng tập văn nầy viết từ ba bốn năm nay, e trong khi vội vàng, có chữ nào chưa sữa, việc nào còn sai, cho nên cần phải kiễm điễm lại một lần nữa.
Bổn-báo phải chiều theo ý tác giã, thành ra du-ký nầy phải gián-đoạn trên hai tháng nay, khiến cho bổn-báo thật lấy làm tiếc, và có nhiều bạn đọc báo cũng viết thơ nhắc nhở hoài, tỏ ý mong đợi lắm. Vừa may cô Vân-Anh vừa duyệt lại rồi gởi lên, bỗn-báo lật đật đăng ngay, cho khỏi phụ với các chị em đã có lòng thưởng thức. Cô nói rằng: “ .. Thôi, hay dở chi củng đăng trọn cho rồi. Điều quan-sat của một kẻ nhi-nử tầm thường, hoặc có nhiều chổ sai lầm, thì củng còn nhờ ở lượng người coi nhuận chánh.”
Đễ chưn vào đất tổ tự-do và cách-mạng
Bữa đó là 16 tháng 4 năm 1926, chúng tôi tới Marseille, nghĩa là tới đất tổ chủa nền Tự-do và Cách-mạng. Lúc tàu mới quay đầu vào cữa, thì sương mù phủ bốn phía, ngó vào đất chĩ mới thấy mờ mờ, mà chúng tôi đã tưởng tượng ra cái không-khí êm đềm thong thả lắm rồi. Khác nào như kẻ đói, sắp được miếng cơm ngon ăn, khát hồ được hớp nước ngọt uống vậy.
Tầu cặp cầu xong, cũng có mấy người lính-kín xuống xét giấy thông-hành của hành-khách. Nghe nói ở Marseille, mấy chú làm lính-kín, làm ma-tà, lính đoan, phần nhiều là người. Corse, coi bộ khỏe mạn cao lớn, mà nét mặt xa xa ngoài cù-lao Corse, có người chĩ tay mà nói: “Kìa! Cái xưởng chế-tạo ra sơn-dầm” (la fabrique de gendarmes). Vậy cho nên biết phần đông lính-kín, sơn đầm là người đảo Corse, bởi họ hơn người là vừa ngay thẳng, vừa khỏe mạnh, vừa hung-tợn, đó là mấy điều cốt yếu của cái nghề kia. Đảo Corse tuy nhỏ, tuy ngày nay chĩ đóng góp vào nước Pháp có mấy anh lính-kín, sơn-đầm, chớ một trăm năm trước, non sông ấy đã đẻ ra Napoléon đại-đế, lẫy lừng cả châu Âu, làm vẻ vang cho nước Pháp. Miếng đất ấy nhỏ mà nhỏ hội tiêu ; đoạn vẻ vang trong lịch-sữ nước Pháp, thâu vào có chỗ đó.
Mấy chú hình như xăng xái về những hành khách da vàng mủi xẹp hơn. Phải chi chuyến tàu có người nào bên nầy đi qua, mà bên này có đánh cái giây thép nói : « Coi chừng thằng đó », thì các chú cũng dở giọng mầy tao, lườm nguýt đáo để. Song chuyến nầy không có gì ; chĩ có một ông già, một cô con gái, thật tình là đi du-lịch, với mấy cậu thiếu-niên, thật tình là đi học ; họ cũng biết vậy, cho nên không có cái cách cữ chỉ nói năng mà người ta thường kể lại.
Rồi hai cậu học sanh, bạn học với anh Tư của em lên tầu đón. Chúng tôi cho người khuân đồ lên. Khuyên ai đi sau, hễ tàu đến bến Marseille có đồ đạc gì thì giao cho những người cũa nhà vận-tải, đeo băng nơi tay, đả có giá từng cân từng món phân-minh, hay là giao cho mấy người ở các ô-ten cho ra rước khách ; chớ có chơi với mấy ông cu li khuân đồ ở đây, khốn đa ! Tư-cách cũa mấy ông cũng như mấy ông cu-li khuân đồ ở bến tài Saigon vậy : Lúc mướn thì trả mấy củng ừ, lên tới bờ rồi, trở lại nói ngược với mình, đòi mấy trăm quan tiền không chừng ; có khi thấy mình lạ mặt, mấy ỗng vác đồ đi thẳng, mình biết đâu. Có lẻ bấy giwof kêu có bớt hay sao ? Lôi thôi lắm. Có lẽ đánh lộn với mấy ỗng hay sao ? Thân gái cha già, khó quá. Có ba cái rương, thôi cũng chịu cho mấy ổng móc họng lấy mấy trăm quan cho rồi. Đến đây mà bị mấy ông cu-li khuân đồ áp chế mình, thật là tức ; cái sui còn dính ở đâu bên mình, chắc chưa đủ hết mà.
Còn qua một cấp xét đồ đạc đã, rồi mới tự-do.
Mấy anh lính đoan xét đồ đạc của hành-khách kỹ lưởng lắm. Thứ nhứt là hành-khách ở Đông dương lại. Họ bươi tung đảo ngược cả lên, gỏ chỗ này, nhận đầu kia, chĩ xét coi có ai đem thuốc phiện theo không. Nước Pháp kỵ giống nầy lắm, vì biết nó là thứ thuốc độc giết người, nên nghiêm cấm không cho vào nước. Nếu bắt được ai đem vào, hay là hút một điếu cũng vậy, là tù nặng, phạt nặng. Cái đó khác hơn với phong-tục bên ta, ai hút thì hút, quan không rầy, lính không bắt.
Tới phiên xét rương một bà kia. Có cái áo, mấy chú lính đoan nheo con mắt lại mà nhắm nhía hoài. Cái áo lạ thiệt, nút áo sao mà cả đám đến chục cái, mà nút nòa nút nấy, vừa tròn vừa lớn, như cái hộp Pastille Vallda đễ ngậm họ, mà ngoài bọc vãi. Chú lính chơi chua, cứ khen ngợi hoài là cái áo may khéo, bộ nút mỷ-thuật. Thấy bà kia chơn tay đả run, nét mặt đã xanh mét. Chú nọ vừa cười vừa lấy dao nhỏ ra đưa cho chú kia và nói : « Thì mầy rạch ra một chút, coi nút ấy bằng mã-nảo hay ngọc-thạch. » Không phải mã-nảo hay ngọc-thạch, mà đều là hộp thau, trong đó, có sãn-vật của thuộc-địa là nước thầu. Bà kia khóc nức, khóc nở, khóc thãm, khóc thiết, rồi theo mấy người lính đoan đi, chắc là vô khám.
Hải cảng Marseille, là hải-cảng lớn nhứt của nước Pháp, mà lớn thiệt, giăng dài từ Cap-Pinede là chỗ tàu đậu, cho tới Vieux-Port là chỗ bước vào trung-tâm của thành phố, có lẻ trên mười cây số ; tàu lớn tàu nhỏ, đậu liền liền nhau, không biết bao nhiêu mà đếm. Coi quang cảnh thật là nhiệt-náo. Cảm-tưởng của em, trong mấy phút đầu nầy, thiệt là bát ngát miên man không còn biết đầu mối của nó ở chỗ nào nữa. Thấy nhà cữa, xe tàu, đường xá, nhơn vật, cái nào coi cũng lớn lao tốt đẹp cả ; em thú thiệt rằng chĩ thấy vậy thôi, chớ không biết rỏ ràng nó lớn lao, to đẹp ở những chỗ nào. Cảm tưởng ấy có lẻ không khác gì cảm-tưởng của anh nhà quê, từ nhỏ tới lớn, quanh quẩn ở đầu xóm cuối làng, đến khi lên tĩnh chơi, ngó cái gì cũng thấy hoa cả mắt, lúc bấy giờ không có gì bày tỏ sự bở ngở của mình hơn là một tiếng : « Châu cha ! Đẹp quá ! » Cảm-giác như vậy là phải, người ta đỗi khí-hậu mà thấy khó chịu thế nào, thì đỗi nhỡn giới đi cũng thấy bở ngở như thế. Thuở nào mình ở những chỗ, đã quen mắt rồi, chĩ thấy cái nhỏ cái thường, bây giờ thấy toàn là cái lớn cái đẹp, trong trí mình khỏi bâng khuâng man mác sao được.
Lúc đầu như thế, chớ sau mình ở năm ba bữa quen đi, quan sát lần lần, bấy giờ mới thấy được cái đẹp là đẹp, mà cả cái xấu là xấu nữa.
Chúng tôi về ở Hotel de Noailles, đường Cannebiere. Nhà hàng ấy là nhà hàng lớn nhứt, mà đường ấy cũng là đường phồn-hoa nhiệt-náo nhứt ở Marseille. Lúc ở bến tầu lên xe taxi ; anh sớp-phơ hỏi đi đâu, chúng tôi nói về đường Cannebiere. Vậy là anh ta đem về khách sạn kia, tưởng chúng tôi là triệu-phú hay là hoàng-thân gì bên Nhựt qua, tất nhiên phãi ở những khách sạn ấy mới xứng đáng. Thường thường bên Pháp, hễ thấy da vàng đi đến đâu, ũ rủ lôi thôi, thì họ cho là chệt, sáng sủa sang trọng, thì họ cho là Nhựt-bổn, chớ ít người biết Annam là cái thứ gì. Ở khách sạn nầy mắc thiệt, chúng tôi ở ba ngày, hai phòng, ba bữa ăn sáng, sáu bữa cơm thường, mà tính ra mỗi ngày đến 600 quan. Thân-phụ em rên dữ.
Trong mấy ngày ở đây, chúng tôi có coi cùng cả thành-phố Marseille và mấy nơi danh-thắng. Thành phố Marseille lớn thiệt, song gọi là chỗ buôn bán tấp nập phồn hoa thì cũng chĩ có mấy đường như Cannebiere, Colbert-Paradis mà thôi. Mấy phố tốt đẹp sạch-sẻ là mới mở sau này. Còn có nhiều xóm lập ra đã lâu đời, như chỗ gọi là Vieux Port, thì nhà cữa xiêu vẹo, đường lối chật hẹp, coi dơ dáy hôi hám, còn thảm tệ hơn phần nhiều đường hẻm ở Saigon mình. Họ cũng liệng rác ra đầy ngoài cữa, phơi đồ ngay ngang lối đi, mất cã vệ-sanh và vẻ lịch-sự. Phần đông những dân ở mấy xóm đó, đều là người ở ngoài xiêu dạt vào đó làm ăn ; có người Ý, có người Hy-Lạp, có người Algerie, đủ cả các màu các giống, cho nên có người nói Marseille là một thành phố rất hỗn-tạp.
Chúng tôi có đi xe vòng chơi Corniche, tức là chỗ đi hóng gió biễn. Đi chổ này, em tưởng tượng tới phong-cảnh Đồ-sơn ngoài Bắc, mà bảy năm về trước đã từng đi qua. Có ngồi thuyền đi coi Chafeau d’If, là một tòa lâu-đài đời xưa, cất trên một cái cù lao ngoài biễn. Nhà văn sĩ Alexandre Dumas lấy tài-liệu ở đó mà viết ra cuốn tiểu thuyết Coate de Monte-Cristo vậy.
Thành phố Marseille là một xả-hội của người ngoại-quốc, họ tới đó kiếm cách sanh-nhai rất đông. Trong xã-hội đó cũng có người Việt-nam mình. Trước kia, em vẫn nghe tiếng như vậy, cho nên nay muốn đi quan-sát cho biết tình-hình anh em đồng-bào ta ra sao ?
Người mình ở Marseille có hai phái : một phái học-sanh và một phái lao-động. Trong mười phần thì phái lao-động hết chín, còn học-sanh chĩ có một phần, bởi vì chổ nầy chĩ là một cữa biển buôn bán làm ăn, tuy là sự sanh-hoạt có rẻ mặc lòng, song không phải là chỗ học-vấn. Bởi vậy anh em học-sanh ta qua, phần nhiều ở các tĩnh như Provence, Bordeau, Montpellier, Paris, Lyon, v. v…, chớ ít có ở Marseille, có chỉ chừng vài chục người là nhiều mà thôi.
Muốn biết tình-hình anh em lao-động ta thì phải tới xóm Vieux-Port. Bao nhiêu người ngoại-quốc đến đây làm ăn, đều tụ hội cả ở chổ nầy, tức là thành phố cũ ở Marseille, như ở trên kia đã nói : nhà cửa ụp sụp ngã nghiêng, đường xá chật  hẹp dơ dáy, dân cư thì coi có vẻ lam lũ cực khổ lắm. Đến một đát văn-minh, mà bước chưn vào những chỗ như vầy, thấy cái tình cảnh sanh hoạt của người ta, có nhiều điều đáng làm cho mình châu mày rơi lụy. Áo-nảo chi cho bằng thấy chị kia tay ôm con, tay xách giỏ đi chợ, mà áo xống cả mẹ lẫn con, miếng lủng miếng vá, bay phất phới như bươm-bướm ở trước gió đông trời tuyết. Anh kia thì đầu đội casquette, kéo xuống tới tai, quần áo chẳng đủ cho ấm, phải thu hai tay vào trong túi, lủi thủi đi làm ; đêm có khi phải ngũ ở ngoài đầu hè, muốn hút thuốc phải lượm những đầu thuốc kêu là mégot mà hút đó, đều là hạng không nhà không cữa, không áo không cơm cả. Trái lại, ở những xóm cách chỗ ấy không bao xa, thì toàn là chỗ của những bọn phong lưu triệu phú, nhà cao, cữa lớn, xuống ngựa, lên xe, ăm mặc thật là sa hoa, xài phí thật là sang trọng. Mà sự sa hoa sang trọng của bọn nầy, là do sự đau đớn của bọn kia mà ra…
Đứng trước cái tình-cảnh, cùng chung một luồng không-khí, một đám cỏ cây, mà thấy bên trắng bên đen, đằng dầy đằng mỏng, nó cách biệt nhau rỏ ràng quá như vậy, em nghĩ bụng rằng : « Hèn chi chúng định làm cộng-sản là phải. »
Thật vậy, ở trời đất nầy, chỗ nào là không có cảnh khổ cảnh sướng, song le ở những chổ nào mà chưa tiến-bộ về văn-minh vật-chất nhiều, giã-tĩ như ở nước mình đây, thì hình như cái khổ, cái sướng không cách biệt quá, nó chan hòa trộn lộn với nhau, như là khúc đờn, tuy có tiếng trầm tiếng cao, tiếng trong, tiếng đục, mà thành ra khúc êm ái dịu dàng. Còn ở nhửng chổ gọi là văn-minh thì đâu có như vậy. Cái khỗ, cái sướng, cách-biệt nhau quá chừng, hình như nguồn đục nguồn trong, không có chảy chung với nhau một giòng nước đặng.
Coi ngay một chổ địa-đầu của nước Pháp là tĩnh Marseille đây là đủ thấy rồi. Có lẻ chĩ trừ ra có nước Nga, chơn-tướng ở đó làm sao không biết, còn các chỗ khác ở Âu-châu thì đều như vậy hết : nghĩa là những cảnh giàu, nghèo, sang, hèn, thật là cách biệt nhau. Một đằng coi như cảnh mùa xuân, trăm hoa đua nở, một đằng xem chẳng khác chi trời đông tiết đá, muôn vật tiêu-điều. Mấy anh giàu sang ở riêng hẳn ra một xóm, trong những nhà năm bảy từng, chiều lại xe hơi phóng đi những đường rộng cây nhiều, coi thần tiên lắm. Bọn phong-lưu quý-phái nầy, có lẻ không khi nào đặt chưn ghé mắt vào những chổ như Vieux-Port, nói rằng dơ dáy hôi-hám, để mặc những bọn cùng đinh hạ-bộ, sanh sống ở trong cái vòng đó, chịu lấy những nông nỗi nhà xiêu, thân rách, vợ đói, con gào, biết đâu suốt đời lúc nào ra khỏi !
Hèn gì họ không muốn cọng-sản !
Em đã nhận kỷ ra trong nhửng khu-vực thuộc về xóm Vieux-Port và xóm Joliette, đều là chổ của bọn thợ thuyền cùng là những bọn hạ-tiện khổ-công ở cả. Tại đó biết bao nhiêu là cơ-quan lao-động lập ra, mà cái khuynh-hướng đều là cọng-sản.
Trong hai xóm Vieux-Port là Joliette, người mình ở rất đông, đều là người làm tàu, mà hầu hết là đồng-bào người Bắc. Có lập ra hội thân-ái, có mở ra nhiều tiệm cơm. Quanh một vùng mấy phổ ở chổ Vieux-Port, đã có năm bảy tiệm rồi. Em có  vào ăn hai bữa cơm trong một tiệm ở nhà số 10, đường Torte, lúc bấy giờ còn là của hai anh em lao-động rất có chí, là ông Đối và ông Cát chũ-trương. Cách sấp đặt và nấu ăn khá lắm, đủ các giai-vị ở nước trong ta gởi qua ; vào đây ăn có thể tưởng nhớ như ngồi ăn trong hàng cơm nào ở Saigon hay Hanoi vậy.
Vào ăn chẳng nói làm gì, chĩ có ngồi nghe chuyện là thú-vị.
Mỗi bữa, đều có anh em học sanh – phần ít – và anh em lao-động – phần nhiều – kéo nhau tới ăn tấp nập. Ăn ăn, uống uống, nói nói, cười cười, thật là vui vẻ. Trong lúc naagn chén rượu tha-hương, nghỉ đến tình cố-quốc, mà nảy ra nhiều câu chuyện, như thúc giục, như oán hờn, như châu đôi mày, như ứa hàng lụy vậy.
Anh em lao-động ta ở Marseille, có lẻ khi còn ở nước nhà, chĩ là chú tá-điền chịu đễ cho mấy ông chũ ruộng bất nhơn hành-hạ, hay là một người vất-vã làm ăn, mềm mỏng luồn lụy ; nhưng mà từ lúc đem thân vượt biễn muôn dặm mưu sanh, được tiếp xúc với hoàn-cãnh tự-do, hô-hấp lấy không-khí thong thã, thì tự nhiên trở nên người biết chuyện nầy chuyện kia, có tâm-chí và khẳng khái đáo đễ. Cứ ngồi lóng tai mà nghe, đũ các thứ chuyện. Bọn nầy thì nói mấy bữa trước làm lể truy-điệu Phan Tây-Hồ tiên-sanh, có anh S…. đọc một bài diển-văn rất là lâm-ly thống-thiết ; trong cuộc lễ đó, có cã người Arabe, người Sénégal đến dự, cũng tỏ lòng thương-tiếc nhà chí-sĩ Việt-nam. Bọn kia thì ngồi bình-phẩm với nhau những cái chế-độ trong nước. Có bọn thì ngồi nói to nhỏ với nhau, chu mỏ, trề môi, nguyền-rủa một anh cai kia, ngày tết Annam ở bên Tây, mà cũng mặc áo gấm, đeo bài ngà, đi nghinh ngang ngoài đường, làm cho người tây thấy mà trầm-trề, coi như tuồng hát bội. (Anh cai nầy, trước làm bồi tàu Porthos, hồi vua Khải-Định ngự-giá sang Pháp, ban cho hàm cữu-phẩm văn-giai). Có bọn thì ước hẹn nhau 9 giờ tối hôm nay, lại nhà nọ, đường kia, đễ dự cuộc mết-tinh của bọn cọng-sản tổ-chức. Thôi, nói đũ các thứ chuyện, mà nói một cách hăng-hái nổi sôi, nói lớn gào to, có lính-kín ngồi nghe ở đâu bên mình cũng mặc. Trong mấy chổ tụ-hội của anh em Việt-Nam ở đây, như hàng cơm, quán rượu, đều có lính-kín rình mò nghe ngóng.
Em ngồi ăn, làm quen với một người, hỏi chuyện về tình-hình của anh em ta làm tàu ra sao, và sao không việc mà ở lại trên bờ đông như thế. Đông thiệt, đi loanh quanh mấy phố chỗ nầy, thấy chỗ nào củng có người mình nhan nhản. Người kia nói chuyện với em rằng :
- Củng có người không việc mà ở bờ, đó phần nhiều là bọn làm biếng, chỉ ăn chơi rồi sanh ra trai gái cờ bạc ; đến đâm chém nhau, nhiều điều tác-tệ lắm. Ngoài ra thì đều là nhửng người có việc làm ở dưới tàu cả ; nhưng gặp chuyến tàu về bến, thì được giờ thông thả, anh em mới gặp gỡ nhau mà ăn uống chuyện trò như thế.
Luôn dịp, người ấy lại nói rằng :
- Anh em chúng tôi qua đây, phần đông làm ở các tàu chạy bên nầy, được họ đải bình-đẵng như người tây, từ sự ăn ở cho tới lương bổng ; chĩ trừ ra có những ai muốn đi về trong nước cho thường, thì mới chịu làm với hảng tàu Nhà Rồng (Messageries Maritimes), chớ còn ai quyết chí làm ăn cho có đồng ăn đồng để, thì đều phải chạy cái hãng đó hết. Họ bạc-đải người ta quá chừng
Em nghĩ bụng : Người ấy nói phải. Hảng tàu Nhà Rồng bạc-đải người ta thiệt, chẵng những bạc đãi bọn bồi bếp người mình, còn bạc-đải cã bọn học-sanh nữa. Hảng ấy chở thơ, chở khách, đi lại đường Viển-đông nầy, có chánh phũ thuộc-đại trợ cấp cho, vậy mà đối với bọn học-sanh Trung-hoa, thì họ giảm bớt số tiền tàu đi cho 30 hay là 40%, còn đối với anh em học-sanh ta đi, lấy giấy tàu họ chẵng bớt một su nhỏ. Sao chỗ nên hậu thì học bạc, nên bạc thì họ lại hậu như vậy kia !
(số 28)
Lên Paris
Trước khi lên Paris, chúng tôi có vào tình Aix en – Provence, cách Marseille trên hai chục cây số ; đi bằng xe điện, và củng có đường xe lữa. Vào Aix là cốt đưa anh Tư em tới lưu-học ở đó, và coi phong-cảnh luôn thể. Từ Marseille vào Aix, đả thấy đổi phong-cảnh đi rồi. Đương ở cái chỗ, thấy ồn ào bộn rộn, dủ thứ người, đủ thứ tục, đủ thứ sướng, đủ thứ khỗ, nó lăn lộn tơi bời với nhau, khiến cho cảm-giác của mình lung tung rối loạn ; khi vào đến đây, tự nhiên không khí êm ái dịu dàng ngay, cảm giác của mình đả thấy trấn định lắm. Tĩnh này tuy nhỏ, mà thật là một nơi học-vấn, khoogn có buôn bán chi to lớn, công-nghệ chi rộn ràng hết, chĩ là đất có nhà trường và học-sanh thôi.
Tĩnh chĩ loanh quanh có mấy con đường, mà đường nào cũng mát mẻ dễ chịu, phố ở hai bên, hàng cây có bóng mát ở giữa. Thấy mấy ông má nhăn tóc bạc, y-phục thường thường, tay cầm cái can, nách ôm kẹp sách, vừa bước khoan-thai mà tư-tưởng thâm trầm lộ cả ra nét mặt, thật ra vẻ những nhà giáo-sư bác-học lắm. Còn mấy cậu mấy cô học-sanh đầu không nón, dắt díu nhau tụm năm tụm ba, đi đi lại lại, nói nói cười cười, tỏ ra cách thiếu niên, tỏ ra cách hoạt động. Aiix thiệt là một nơi học-vấn, có đủ các trường đại-học, trung-học, cho nên ngoài đường, không phải giờ học, thì thấy rộn rịp toàn là học-sanh, vì chỗ nầy đủ trường, nhà rẻ, ăn rẻ, lại là chỗ đúng đắn, tĩnh mịch, cho nên người ta lưu-học nhiều lắm. Học-sanh ta củng đông. Nghe nói được năm bảy chục người.
Nhà rẻ thiệt, thấy anh em học-sanh ta mướn những cái lầu, có một hai phòng, rộng rải sạch sẻ lắm, ở được hai, ba, bốn người, mà mỗi tháng có 80 quan. Còn ăn thfi củng có nhiều chỗ năm, sau quan một bữa ; có người lại nấu ăn lấy. Tưởng anh em ta qua Tây học, muốn tránh những cảnh phồn-hoa dụ dỗ tâm-tánh mình, muốn chuyên-tâm về học-nghiệp, mà lại đở tốn tiền, thì nên ở những chỗ tĩnh-mịch như tĩnh Aix nầy là hơn , không cần lên Paris làm ; Song có người nói vầy cũng phải : « Đả đi tới nước người ta thì phải đi tới ỗ chớ »
Phãi, Paris là cái ổ của nước Pháp thiệt, chúng tôi đã qua đây, sao lại chẳng đi tới nơi ?
Lật đật thu xếp chỗ ở cho anh Tư em, và ký thác cho một người thông tin (correspondant) lo giùm việc vào trường, rồi thân-phụ em và em trở ra Marseille liền, để tối đáp xe lữa lên Paris.
Mới bước chưn vào đất nầy, mà vào nhà ga xe lữa, thật là bở ngở, không biết vào cữa nào, mua giấy ở đâu, và phải ra cữa nào. May nhờ có một vài anh em lao-động, đã hứa từ trước, đến bây giờ xăng xái lo liệu những việc lấy giấy và gởi đồ giùm cho chúng tôi. Nên chịu rằng về sự giao-thông lai-vảng ở những nước như Pháp nầy, thật là mau chóng, tiện lợi, thãnh thơi, vững vàng lắm. Ví dụ như mình mua giấy xe lữa rồi, mà muốn vững lòng là lên xe có chỗ nào cho mình ngồi, khỏi lo có chuyến xe đông người mà mình phải đứng không chừng, thì hành-khách có thễ mua cái chỗ ngồi trước, tự nhiên sở xe lữa phải ghi số hiệu và giữ chỗ cho mình, khi lên xe cứ chiếu số-hiệu mà ngồi, chẳng  lo ai tranh dành chen lấn cã. Còn đồ đạc mà mình đem nhiều, không muốn để ở quanh mình, mất công khuân vác, thì có thể gởi ngay xe lữa, chở theo một toa riêng, cùng đi một chuyến với mình, tới chỗ nào mình xuống mình có thể đưa giấy ra đặng lấy đồ lại liền. Cách ấy thật là tiện lợi, hành-khách đã không mất công đem xuống tốn tiền, lại khỏi lo ăn cắp, vì ở bên Tây cũng nhiều hạng người làm nghề lén đở nhẹ ở sau lưng, chớ đừng tưởng là người Tây không biết ăn cắp. Nếu họ có người học giỏi hơn ta một vực một trời, thì cũng có kẻ năm cắp thầy xuất quỷ một hơn ai vậy.
Chúng tôi lấy giấy đi hạng nhì, khi lên xe nhận chỗ, gặp một chuyện thật là bất bình. Song lại vì chuyện bất bình ấy mà xui khiến cho chúng tôi được một sự gặp gỡ rất may mắn. Lúc kiếm tới căn phòng và số hiệu của mình rồi, thấy người đã ngồi đông cã, chỉ còn trống có hai chỗ ngồi của chúng tôi. Chỗ nầy nên nói rỏ một chút. Xe lữa bên Tây, không phải như xe lữa bên mình ; xe lữa bên ấy, hạng nào cũng vậy, đường đi lại họ làm ra một bên, còn thì mỗi toa xe chia ra làm bảy tám căn phòng, có cữa mở đóng, mỗi căn phòng có 8 chổ ngồi, chia làm hai bên, ngồi xây mặt lại với nhau. Vậy trước mặt chổ ngồi của chúng tôi, có một mụ già Huê-kỳ. Em nhận ra hình như người bên Âu Mỹ, mấy mụ già phần nhiều hay nhăn-nhó quạu-quọ thì phải. Mụ già Huê-kỳ đây là vào cái hạng ấy. Lúc mới thấy em bước vào, đương dò số hiệu chỗ ngồi với số hiệu ghi ở giấy xe của mình coi có trúng không, đã nghe mụ nói lẩm-bẩm gì ở trong miệng không biết. Em ngó lại, thì mụ nói :
- Không phải chỗ ngồi của chị ở đó đâu !
Nói mà nói ra giọng dằn-thúc khinh-bĩ. Em đã tức, nhưng còn ngờ hay là mình lộn chăng, sau dò lại từ số xe, số phòng, cho tới số ghế đều trúng cã, chúng tôi cứ việc ngồi xuống. Bấy giờ cái nét mặt của mụ còn đáng ghét hơn nữa, em nghĩ bụng rằng cái mặt ấy đánh cho máy cái tát cũng chưa hết nhăn. Mụ lại còn nói hỗn hơn nữa ; đây là câu chuyện em cái lộn với mụ :
-     Chị đi kiếm chổ khác mà ngồi đi.
-     Số ghế của tôi đây rồi, bà biễu đi đâu ?
-     Trời ơi ! Con nhỏ nầy cứng đầu quá, đây không muốn ngồi chung với người chệt mà. Mụ vừa nói vừa bức đầu bức tai, coi in con khĩ vậy.
-     Như bà không muốn ngồi với chệt, thì lại mà khóc chuyện ấy với sở xe lữa kia. Tôi cũng trã tiền, cũng có quyền ngồi đây như bà, bà duổi tôi đi đâu, bộ mụ già này điên hay sao chớ ?
Thân phụ em cứ cản, biểu thôi nhịn đi. Tuy là lạ người lạ xứ, và em nói tiếng Tây dỡ mặc lòng, mà em cứ nói đại, bấy giờ dầu cho có đánh lộn cũng đánh, vì cái hơi tức đã đưa lên cổ rồi. Vả lại biết rằng ở đất nầy chẳng phải đâu như bên ta ; ở đây phần nhiều người biết lẻ phải, chớ dễ đâu ai bắt nạt được ai. Cái giống người Huê-kỳ khi người hết sức, chĩ có giống của họ là họ thương, còn giống nào khác, là họ cũng ghét, chẳng vậy mà bên Mỷ-châu, có hạng dân da đen, chung một trời đất nước non với họ, mà ở phải ở riêng ra một khu, không được trà trộn với da trắng ; ăn không ngồi chung bàn, coi hát không ngồi chung hạng ghế, lại còn bị họ kiếm chuyện hành-hạ ức hiếp, muốn cho da đen tuyệt giống là khác nữa.
Trong khi em đương phừng phừng nổi nóng, còn muốn nói nữa, thì có một bà người Pháp ngồi cạnh bên em, coi nét mặt hiền-hậu và nghiêm-trang lắm, gạt em đi, rồi nói với mụ già khả-ố kia rằng :
-     Thưa bà, thật là bà lỗi lắm. Người nào đến nước Pháp đều la bạn của nước Pháp hết thãy, ai cũng như ai, chớ không có phân biệt màu da nào cã.
Tấn kịch có tới đso là hết, xe lữa cũng bắt đầu chạy. Rồi bà người Pháp hỏi chuyện em, người ở đâu, qua làm gì, lên Paris định ở đâu, có quen ai v.. v… Hỏi một cách ôn tồn hòa nhã lắm. Em cũng nói là đi du-lịch và quan-sát nước Pháp, kẻo lòng riêng ao ước bấy lâu nay. Còn như sự lên Paris có quen ai, định ở đâu, thì em cũng nói ngay thật rằng không có quen ai ở Paris, và lên đó định ở khách-sạn. Mà thiệt, hai cha con thật không có quen ai ở Paris, đã đi là cứ đi, cũng không quan-tâm chi về sự đó, vì tin chắc rằng một xứ đã tổ-chức hẳn hòi như vậy, miễn là mình có tiền, còn đi đâu đã có taxi, địa-đồ, ở đã có nhà trọ hàng cơm, lo gì. Nói chuyện nầy chuyện khác hồi lâu, ròi bà cũng ngỏ gia-thế của bà cho em biết, là bà Raymonde Moutet, có bà con với một ông nghị-viên, và nhà ở số 6 đường Vaugirard, tại Paris. Bà lại dặn lên đó, có dịp thì lại nhà bà chơi, bà có một người con gái học trường đại-học.
Chuyến xe chúng tôi đi đây là chuyến đêm, tức là express, nghĩa là xe chạy mau, chĩ có ghé qua mấy ga lớn như Avignon, Lyon, Dijon mà thôi. Xe lữa bên này hai đường, một đường đi một đường về, xe cứ việc thẳng băng mà chạy, vùn vụt như tên. Tiếc rằng trời tối, không được ngó phong – cảnh ở hai bên ; chỉ thĩnh thoảng thấy sẹt một cái ánh sáng chạy qua, ấy là xe ở Paris xuống Marseille, nó làm chớp nhoáng một cái như sao băng vậy, thế mới biết là mau.
10 giờ sáng hôm sau, thì tới Paris, vậy là một đêm mà mình đã cách xa 800 cây số.
(Số 30)
Dự một cuộc mết tinh của học-sanh Annam
Em sang Pháp hồi đó, tại Paris còn có tờ báo cũa mấy anh em học-sanh và lao-động ta, kêu là Việt-Nam-Hồn. Cái tên nghe thì rung động và cảm-kích, nhưng cứ con mắt cũa em xem ra, thì cái hồn Việt-Nam chẳng phãi đâu ở trong tờ giấy trắng mực đen đó. Tâm chí có phần nên khen, nhưng mà cách làm có chỗ nên chê lắm. Thứ nhứt là mấy ông chủ-trương hơi có ý tự phụ, mà cách sắp đặt thiệt là tầm thường, thành ra chỉ trong có mấy tháng trời, mà cái hồn ấy phải tiêu mất.
Hôm nay – còn nhớ chừng như ngày 15 mai hay là Juin 1926 – đương đi dạo chơi ở đường Saint-Michel, định đi thẳng lên công-viên Luxembourg hóng gió, thấy có một anh học-sanh ta đưa cho một tờ truyền-đơn, mới liếc mắt xem qua, em bắt rùng mình vì cái tựa đề rằng : « Đông Dương có loạn chăng ? » Rồi ở dưới nói tối hôm nay học-sanh và lao-động Việt-nam tỗ-chức một cuộc mết-tinh thật lớn tại trường Cao-đẳng Xã-hội-học (Ecole des Hautes Etudes sociales) đặng phản-đối về việc ông Nguyển-An-Ninh bị bắt (Hồi đó vì việc rải truyền-đơn ở Saigon mà ông Nguyễn-An-Ninh bị bắt). Dưới có kể tên cã những người sẻ diễn-thuyết trong cuộc mết-tinh ấy, toàn là người Pháp : Ernest Outrey, nghị-viên Nam-Kỳ, Félicien Challaye, giáo-sư, Henri Barbusse, văn-sỉ, Vaillant Conturier, nghị viên cọng-sản, chủ-bút báo Humanité, còn mấy ông nữa em quên mất tên, với lại một nhà văn-sĩ da đen là René Maran. Em lấy làm lạ, sao cuộc mết-tinh cũa người mình tổ-chức, kêu là cuộc mết-tinh thật lớn, mà không có ai là người mình dự vào hàng các diễn-giả đã kể tên trên kia toàn là người danh-tiếng, hoặc về học-vấn, hoặc về khẩu-tài, hoặc về chánh-trị, mà lại mỗi người một đảng một phái, nay cũng gặp nhau, thì chắc là nói năng hùng-hồn, tranh-biện dữ lắm ; mình tuy là đàn bà con gái, chưa muốn dính chi với chánh-trị mặc lòng nhưng gặp dịp nầy củng muốn đi coi cho biết. Nghĩ vậy rồi định bụng sao tối nay đi dự. Lúc ấy có mấy cậu học-sanh đứng gần đó, mình chẳng hỏi củng nhạy miệng nói với mình : « Cô chớ có đi, rụi bị túi nó bắt bất-tữ. » Em không đáp lời gì, nhưng nghĩ bụng : « thây kệ ».
Chín giờ tối hôm ấy, ở các phòng chánh cũa trường cao-đẳng Xã-hội-học đông người thiệt, đến đổi không có chỗ mà đứng. Hết thãy có lẻ được ba trăm người. Người mình vừa học-sanh, vừa lao-động, được chừng sáu bảy chục người, còn thì đều là người Pháp. Trong số người Pháp đó, phần nhiều là bọn cọng-sản, cổ-quấn khăn choàng, đầu đội cái kết, vì họ nghe có ông lảnh-tụ của họ là Vaillant-Conturier diễn-thuyết, cho nên đến nghe đông chớ kỳ thật chẳng phải quan tâm chú ý gì đến việc ở Đông-Pháp ; ông Vaillant Conturier có tài nói giỏi lắm, bọn cọng-sản rất ưa nghe.
Khi đúng giờ, bầu xong ông chũ-tọa và hai viên thị-sự rồi, cữ-tọa đều ngồi lặng trang, có lẻ con muỗi bay qua củng nghe tiếng, ai nấy châm châm, chờ đợi mấy người danh-giá kia đăng đàn diễn-thuyết. Chín giờ mười lăm, chín giờ rưởi, chín giờ bốn mươi lăm, cho tới mười giờ đúng, chỉ thấy có người ra kẻ vào, tiếng to chuyện nhỏ, chớ không thấy ai diễn-thuyết cả. Té ra mấy vị đả đăng tên kia, chẳng có một ai tới ; ai nấy đã nóng lòng sốt ruột, có ý bức tức, thì có hai vị học-sanh ta lên nói lăng xăng ít câu, mỗi người chừng mười lăm phút, nói đả buồn, lại có một vài câu xúc-phạm quá, có mấy người Pháp – có lẻ là con nhà thuộc-địa – đứng lên phản-đối ; lại đến đỗi thiếu chút nữa thì sanh sự đánh nhau lớn, người này người kia can hoài mới êm. Chính lúc đó, mắt em thấy cái thằng ngồi bên cạnh em, chẳng biết là đảng gì phái gì, rút súng lục ra toan bắn, sau nó suy nghỉ thế nào rồi lại thôi. Té ra ở Pháp, ngôn-ngữ tự-do mà gây sự phá đám cũng tự-do lắm. Hèn gì mỗi khi có kỳ tuyển-cữ, hay là có cuộc nhóm hội gì, thường xãy ra nhiều chuyện xung-đột, nhiều anh bể đầu sứt tai. Sau một lúc ồn-ào đó, thì có một người cao lớn da đen mắt trắng, đầu nhọn tóc quăn, là ông René Maran lên diển đàn nói. Ông nói lời lẻ hùng-hồn, ý-kiến có thứ-tự lắm, ai củng lóng tai nghe, và phục người da đen kí sao dạn dỉ và giỏi tiếng Pháp vậy. Thật, ông René Maran tuy là người da đen, nhưng mà học Pháp-văn giỏi, đx từng xuất-bản nhiều bộ tiểu-thuyết tả cái tình-cảnh ở thuộc-địa ; có bộ đã được viện hàn-lâm Goucourt phát phần thưởng cho. Bây nhiêu đó đủ chứng tỏ là nhà văn-sĩ có tài. Nghe như ông Nguyển-Phan-Long ta củng đương viết cuốn tiểu-thuyết, muốn lảnh phần thưởng của viện hàn-lâm Goucourt đó.
Xong đó rồi thôi, vậy là cuộc mết-tinh giải-tán. Thiên-hạ đi ra hình như than-phiền lắm, than-là mình tỗ-chức không nên thân, báo hại họ đến nghe, mà rút cuộc lại chẳng có gì hết. Họ nói cái đầu đề thì trương-hoàng ra cho lớn như cái nhà, mà câu chuyện thâu lại có bằng con kiến, tức như là nói « dơ cao đánh nhẹ », theo câu tục ngữ của mình.
Sau cuộc mết-tinh ấy về, cảm-tưởng của em cũng hơi chán-ngán. Tưởng là anh em học-sanh và lao-động ta ở Pháp, tất là đồng tâm hiệp lực với nhau có tổ-chức, có liên-lạc lắm mới phải, nhưng coi cuộc mết-tinh hôm ấy, và nhiều cuộc mết-tinh sau thời-gian mười tháng của em ở Pháp, cùng là coi những buỗi nhóm của các hội học-sanh và lao-động, thì thấy rỏ rằng mỗi người một ý , mỗi người một đàng, cùng ghen ghét nhau, xô xát nhau, củng lộn-xộn tầm-thường như phần nhiều các hội-đảng ở trong nước vậy. Tiếng nổ, ở xa nghe tưởng là tiếng súng thần-công, lại gần coi thì là cây pháo giấy.
(số 32)
Vào đền Panthéon
Năm bữa đầu tới Paris, em chưa ra khỏi xóm La-tinh, vì ở xóm nầy có nhiều cỗ-tích và danh-thắng, muốn coi qua loa cho hế đã, rồi mới đi tới những chỗ khác.
Tối trước đi coi cuộc mết-tinh vô-vị trở về, nằm nghĩ vớ vẫn, vừa mắc cở, vừa tức mình, trằn trọc cả đêm ngũ không được ; sáng dậy sớm ra công-viên Luxembourg hóng gió một lúc, rồi vào chiêm-yết đền Panthéon. Luxembourg là một cái công-viên lớn, có cây trăm thước, có hoa bốn mùa, thật là một chỗ tốt đẹp, mát mẻ vô cùng. Trong đó có Nghị-viện Nguyên-lão (Sénal) cũa nước Pháp bây giờ, và hồ (Médicis), đều là chổ cỗ-tích cã. Nghị-viện tức là hoàng-cung ngày xưa, mà hồ nọ là chỗ tắm của hoàng-hậu thuở trước vậy. Sáng nào chiều nào cũng thế, thiên-hạ có cã muôn cã ngàn đưa nhau vào công-viên này : kẻ thì đi hóng gió mà chơi, người thì đem sách vào ngồi học.
Ở nách tay trái đi thẳng ra, thì thấy đền Pathéon.
Đền Pathéon tức là nơi kỷ-niệm các vỉ-nhơn của nước Pháp từ xưa tới nay. Cách kỷ-niệm không phải là có bày nhang đèn hương-án gì, mà chĩ là chỗ chôn cất, hoặc di-hài, hoặc trái tim, hoặc khối óc cửa các danh-nhơn đã qua đời, dễ làm kỷ-niệm. Tức là một cái nhà mồ lớn. Mà thiệt, nhà làm toàn bằng đá, vừa dài, vừa rộng, vừa cao, coi như y một ngôi một, nguy-nga, hùng-vĩ lắm. Tới cửa trông lên, thấy có một hàng chữ vàng thiệt lớn : « Aux grands hommes la patrie reconnaissante » nghĩa là « Nhà nước cảm ơn các bực vĩ-nhơn ». Một hàng chử ấy đã bày tỏ ra tấm lòng tôn-kính của cả một dân-tộc người ta đối với những bực vĩ-nhơn có công-lao với non sông nòi giống ra thể nào. Ai đã có công tô-điểm cho non sông, mở mắt cho nòi giống, thì cả nước phải biết ơn, muôn đời phải ghi nhớ vậy. Tôn kính mà oai-nghiêm thay !
Vào trong đền, thấy rộng minh mông, mà không có gì khác hơn là tranh vẻ vào tường, tượng chạm vào đá, đều là hình-dung các bực danh-nhơn cùng là những đoạn có quan-hệ về lịch-sữ nước Pháp. Ngay chính giữa đền, có pho tượng đá thiệt lớn, hình-dung cái sự-nghiệp cách-mạng của cá nhà chí-sĩ Pháp từ hồi thế-kỷ thứ 18, dưới có khắc hàng chữ « Viure libreon mourir »…….
Trong đền có tầng hầm ở dưới đất, mới thật là chổ chôn di-hài các bực vĩ-nhơn, như Roussenu, Vollaire, Berthelot, Victor Hugo, Gambetta, Jean Jaures v…v… Một bực vĩ-nhơn, có sự-nghiệp về văn-học, khoa-học, mỹ-thuật, sau qua đời đi, nhà nước xét công-lao có quan-hệ đến dân-tộc và lịch-sữ, thì rước di-hài đem về để trong đền nầy. Có di-hài một người đàn bà cũng được táng trong đó, là bà Berthelot. Đàn bà nước Pháp, được vào đền Pathéon, thì bà là người thứ nhứt. Ông Berthelot là một nhà khoa-học triết-học có tiếng ở nước Pháp trong thế-kỹ thứ 19 ; còn bà thì là một bà lương-thê hiền-mẫu, ăn ở với chồng rất mực đức-hạnh thuần-hòa, và nuôi dạy, gây dựng cho mấy người con đều làm nên sự-nghiệp to tát cã. Lúc bà tạ thế, thì ông cũng tạ thế luôn, cùng trong một ngày đó. Thật là vợ chồng khi còn sống thương yêu kính trọng nhau, lúc chết cũng không bỏ nhau vậy. Quốc-dân Pháp nhờ công-nghiệp của ông, mà rước di-hài ông vào đền Pathéon, lại rước luôn cả di-hài của bà vào, táng chung một chỗ, để cho trọn cái tình sanh đồng cư, tữ đồng huyệt của hai ông bà. Nhà nước làm như vậy, chẳng những là để tỏ ơn ông có công-nghiệp với nước về khoa-học và triết-học, mà cũng là tỏ ơn bà là một người lương-thê hiền-mẩu, trọn đời hết lòng hết sức về việc giúp chồng nuôi con, đều nên sự-nghiệp có ích cho nước. Coi vậy đủ biết rằng người đàn bà biết khuyên chồng nuôi con ở trong gia-đình, chẳng phải là không có ảnh-hưởng và công lao với xã-hội. Tức cười ở nước mình, có nhiều người nông nổi, không suy trước xét sau, vội nói với chị em mình rằng : « Phận-sự của đàn bà không phải ở trong gia-đình mà là ở ngoài xã-hội ». Ý-kiến của em thiệt là trái hẳn. Nếu ngoài xã-hội, mà hay xảy ra nhiều tội ác, và những chuyện bất bình thì có lẻ là vì chị em ta chưa làm trọn cái phận-sự khuyên chồng dạy con trong gia-đình mà ra đó. Bởi vậy, bây giờ chị em ta nên ráng lo khuyên chồng dạy con trong gia-đình, cũng tức là làm việc xã-hội, vì có vậy thì xã-hội mới có người khá được.
Vào chiêm-yết đền Pathéon, thật là cảm-phục, tấm lòng cũa dân Pháp biết ơn nhửng bực danh-nhơn chí-sĩ đã có công với nước với nòi. Càng cảm-phục lòng người ta biết ơn bao nhiêu, càng tức giận cái giống mình là vô ơn bấy nhiêu. Có phải nước nầy không có danh-nhơn chí-sĩ đâu ? Nhờ ai mà dân tộc nầy mấy phen oanh-liệt, chống với sự cường-bạo và xâm-lấn của quân Tầu, để giữ nền độc-lập ? Nhờ ai mà đất nước nầy, xưa kia chỉ có một phía bắc, mà lần lần thẳng tới phía nam ? Lại nhờ những ai mà nước nầy dân nầy cũng có văn-chương, có lich-sử, có chánh-trị, có vỏ-công ; hồi xưa vẻ vang không kém gì các dân-tộc khác ? Những người ngày xưa, đã có công tô-điểm cho non sông, mở mang cho nòi giống mình đây, mà người mình bây giờ đâu có biết ơn, biết kỹ-niệm ; đáng buồn hay chưa ? Có lý nào không biết tới những người như Trưng-vương, như Trần-Hưng-Đạo, như Lê-Thái-Tổ, như Nguyển-Bỉnh-Khiêm, như Nguyễn-Du, như Phan-Đình-Phùng v.. v… cho đành !
(Số 33)
Thật, cái giống người mình quên ơn và vô tình quá. Trải mấy ngàn năm, đã từng có bao nhiêu đứng tiền-nhơn, hoặc lấy vỏ-công, hoặc lấy văn-học, hoặc lấy chánh-trị, hoặc lấy kinh-tế, gầy dựng thành lên một giãi non sông gấm vóc như vầy, không đến đổi hổ thẹn với người ta rằng : « Nước không có hồn, dân không có gốc. » Ấy vậy mà anh em chị em là ngày nay, có mấy người biết cho rằng sự nghiệp của tổ-tiên ngày xưa là khó nhọc, vẻ vang, nay cũng nên lập đền như đền Pathéon kia mà ghi nhớ. Hoặc có nơi lập miếu đền, thờ những vị anh hùng như bà Trưng, như ông Trần-Hưng-Đạo, nhưng chẳng qua chĩ là chỗ phụng-tự của một xóm làng, lập ra đặng nuôi lòng tin lầm tưởng bày, cầu phúc, cầu tài cho mình, chớ không có ý-nghĩa kỹ-niệm gfi của quốc-dân cả. Rồi thì đua nhau thờ những ông Quan-thánh ; đua nhau ngựa xe quần áo, đi coi những lể kỹ-niệm ông Tôn-Văn : Phật chùa nhà cũng linh, thế mà không cầu, lại đi cầu Thích-ca ngoài đường, nghĩ thật là chán ngán.
Tức cười trong đồng-bào ta, có biết bao nhiêu người, - đừng nói chi là hạng vô học, nói ngay phần nhiều hạng đã tới cữa nhà trường, đã cầm được cuốn sách, - cũng không biết rằng mình sống ở miệng đất nầy là đất của ai ? Ai đã xây đấp lên ? và có cội-nguồn lai-lịch làm sao ? thì càng là quái-gở hơn nữa. Đến đỗi có ít nhiều anh học-sanh, vác mặt qua tây học, ai hỏi người nước nào, thì ảnh xưng là người Tàu, người Nhựt, chớ không dám mạnh bạo mà tự nhận là người Annam. Những anh học-sanh như vậy, trong khi em ở Pháp cũng thường gặp thường nghe, chẳng biết ở trong đầu họ không có óc hay sao, mà họ hèn nhát tới nước đó. Bộ cái dĩ-vãng của dân-tộc nầy hèn mạt, không vẻ vang hay sao, mà họ nở lòng từ đất nước, quên tổ-tiên đi cho đành !
Chẳng phải là em chán đời đâu, nhưng cứ cái trình-độ của chúng ta như vậy, và tư-cách của thanh-niên thế kia, thì nước nầy đã vội nói tới sự phú-cường tự-lập làm chi mà !
Các thơ-viện ở Paris
Dân-tộc văn-minh có khác thiệt : thấy họ lo bồi-bỗ trí-thức cho dân, bằng sự đọc sách và xem báo, có khi chấm dứt quá hơn là ở bên ta lo miếng ăn thức uống, tấm áo manh quần kia. Một thành-phố Paris, không biết là có mấy trăm mấy ngàn thứ báo và tạp-chí. Trời mới sáng tờ mờ, ở khắp bến tàu bến xe, ngã ba ngã bãy, đã thấy bày ngỗn-ngang nhửng báo nầy báo kia cã chồng. Thiên-hạ giờ đó dậy đi làm ăn ; nào thợ, nào thầy, cho đến chị bồi sách giỏ đi chợ ; ai nấy đều tranh giành nhau mua một số mà đọc. Hình như người ở Paris, sáng sớm nào củng vậy : uống cafe và đọc báo cũng khác, từ người trí-thức cho đến anh thợ thuyền củng vậy : lật tờ báo nóng sốt ra, vội vàng coi ngay mục chánh-trị, hình như muốn coi cho biết bữa qua đây Nghị-viện có bàn việc gì quan-hệ đến quyền-lợi dân, hay là chánh-phủ có thi-hành việc chỉ mới ; rồi mới tới thời-sự, tới tiểu-thuyết.
Em đã có ý nhận kỹ ra thấy cả trăm người đều một cách như vậy. Chẳng bì với ở xứ mình, phần đông người lật tờ báo ra, chỉ cốt nhai cho hết mấy cột tiểu-thuyết ngôn-tình, bí mật mà thôi ; thây kệ những chuyện khác, bỏ. Cái tật ấy, chẳng những là tật của hạng ít học mà thôi, thấy phần nhiều người coi ra có học cũng vậy. Chỉ có cái khóa là đọc tiểu-thuyết, mà lại là thứ tiểu-thuyết bày đặt ra nào cược đánh gươm nọ, nào nhà bí-mật kia. Bảo là thứ để phổ-thông tri-thức cho người ta, mà người đọc chỉ ưa có một món như vậy, thì báo có ích chi, và bao giờ những người đó, mở rộng được trí-thức. Em có nghe một cậu học-sanh ta nói câu nầy, có lẽ không phải nói chơi : « Cái óc của chú thợ đội nón cái-kết bên nầy, còn nỡ nang sáng suốt hơn cái óc của thầy-thông bên ta. »
Chẳng những người bên đó, ham đọc báo mà thôi, cũng ham đọc sách nữa. Paris bao nhiêu là thơ-viện, mà lúc nào cũng chật cứng những người. Mấy ngày em bôn-ba hoài, cho nên cũng muốn tĩnh-dương đôi bữa, kiếm chỗ đọc sách cho khoan-khoái tinh-thần, mới tìm tới thơ-viện. Vào đây càng thấy rỏ cái lòng hiếu-học của người ta.
Một thành-phố Paris, không biết bao nhiêu là thơ-viện, không thể đếm được : cũng như dạo thành-phố Saigon và Cholon, không thể đếm được là bao nhiêu tiệm hút công-yên, bao nhiêu quán rượu Fontaine vậy.
(Số 34)
Thơ-viện ở Paris nhiều thiệt, là vì mỗi trường học, mỗi hội-xã, mỗi cơ-quan nghề nghiệp, mỗi quận trong thành-phố, đều có nhà đọc sách, cho thiên-hạ vào coi ; mà nhà nào cũng lớn, cũng nhiều sách cã, chớ không tiêu-điều chật hẹp như thơ-viện ở Saigon mình đâu.
Nhà trọ em ở xóm La-tinh, cho nên thường đi lại một thơ-viện gần hơn hết, là thơ-viện Sainte-Genevieve, nằm ngay bên hông đền Pathéon ; từ chổ em ở tới đây, chừng 150 thước. Thơ-viện nầy qui-mô rộng lớn, ở trong có bốn cái phòng đọc sách rộng lắm, nếu ngồi cho đầy hết, có lẻ được tới bốn năm trăm người. Vào tới nơi, thấy sách của họ để, mà mình muốn ngộp : từng trên từng dưới, lớp trước lớp sau, không biết biết bao nhiêu mà kể. Trong đó có đủ cã những sách về cỗ-học La-mã, Hy-lạp, và sách bằng chữ các nước Âu-châu cũng có ; hết thảy hình như tới 35 muôn bộ. Cái số đó là em nhớ chừng mà thôi, vì e lâu ngày quên đi, không chắc có trúng.
Những khách quen ra vào thơ-viện nầy, hầu hết là học-sanh đại-học. Cứ sau giờ nghe giảng ở trường xong rồi, là họ vào đây ngồi đọc sách ; hết giờ ra vườn Luxembourg hóng gió chơi rồi lại vào ; coi bộ chăm chĩ lắm. Có người, em đi mười buổi là gặp cã mười, không sai chạy buổi nào cả. Sách trong thơ-viện, chĩ đọc tại đó thôi, chớ không mượn ra ngoài đặng ; vì có nhiều cuốn sách cổ rất quý-giá, mua hằng muôn hằng triệu quan cũng không đâu có.
Thơ-viện nầy có một cái kỷ-niệm, mà mấy người làm việc trong đó lấy làm vẻ vang, họ thường nhắc tới hòai : là trong ba năm trời, có một người không ngày nào là không vào đọc sách, mà đọc nhiều hơn ai hết thảy. Người ấy là Lê-Ninh, là vì anh-hùng sáng-tạo ra nước Nga bây giờ. Trong hồi mới xảy ra cuộc Âu-chiến, là đời mà nước Ngay hảy còn quân-chủ, thì Lê-Ninh vì tư-tưởng cách-mạng, phải trốn qua ở kinh-thành Paris, từ năm 1914 cho tới 1917. Trong khoảng ấy, ngày nào Lê-Ninh cũng vào thơ viện Sainte-Genevieve đọc sách, chĩ chuyên đọc những sách về xã-hội và chánh-trị ; trong thơ-viện có cuốn nào mới củ, mà nói về hai vấn-đề ấy, là Lê-Ninh đọc hết. Đọc thết đến cuối năm 1917, vè nước Nga, hạ ngôi hoàng-đế xuống, gây cuộc cách-mạng lên, mà lập thành ra chánh-phũ Sô-Việt ở nước Nga bây giờ.
Thơ-viện, có một ông già, làm người đưa sách nhận sách đã lâu đời lắm ; những lúc Lê-Ninh vào đọc sách, thì chính lảo thường thường đi kiếm sách cho Lê-Ninh. Lảo thiệt thà lắm, bây giờ gặp ai ra vào quen thuộc, vui vẻ, thì lão thường nhắc lại chuyện dương-niên, mà có ý lấy làm vui vẻ lắm. Lão nỏ : « …Những lúc đó, tôi thấy nah chàng quần áo lôi thôi, râu ria chẳng cạo, ngày nào mấy buổi cũng vào đọc sách ở đây ; luôn luôn trong ba năm trời như vậy, thì tôi cho và là con mọt sách ; cũng có khi cho và là anh chàng định nghiên-cứu để thi tấn-sĩ hay là agrégé chi đây, nhưng chắc hẳn chưa đậu, cho nên còn nghiên-cứu hoài. Ai dè… là ông chúa cách-mạng nước Nga ! Những miếng giấy mà hồi đó va biên tên sách để tôi đi kiếm, hảy còn cả ôm kia ». Thiệt, những giấy đó có cã ôm. Người ta đã soạn ra coi, thì trong mấy năm ấy, Lê-Ninh đọc hết một phần tư những sách trong thơ-viện, nghĩa là tới 10 muôn bộ. Ghê thay !
Lại có hai ba lần, em tới cã Quốc-gia Thơ-viện (Bibliotheque Nationale) là thơ-viện lớn nhứt ở nước Pháp. Lớn không phải ở tòa nhà, mà lớn ở những sách chứa trong đó. Đây có lẽ là cái kho sách của cã hoàn-cầu, chớ không riêng ở nước Pháp. Chẵng những đủ các thư-lịch cổ-kim ở Âu-Mỹ, mà lại có cả sách Ấn-Độ, sách Nhựt, sách Tàu, mỗi thứ tới mấy muôn cuốn là ít. Những người Tàu, người Nhựt, muốn nghiên-cứu về văn-hóa của nước mình, thì có lẻ ở đây mà coi cũng đủ, không cần phải về nước.
Xem ra, những người vào đọc sách trong thơ-viện này, phần rất đông là hạng bác-học, đạo-mạo, có tuổi ; nhiều ông đầu bạc phơ phơ, mà chịu khó cậm cụi ngồi coi chăm chỉ, hình như coi để định, rồi xướng tên một cái học-thuyết gì, chớ không có bộ coi đặng thi-cữ ; hình như coi mà quên cã mái tóc của mình, tưởng mình còn xuân xanh tráng-kiện lắm. Thiệt vậy, cho nên thấy có ông ngồi lỳ đó cã ngày, gục mặt xuống cuốn sách, đến bữa chỉ ra ngay chổ bán đồ ăn kết bên đó, ăn miếng bánh mì, uống tách cà-phê, lại trở vô coi.
Em vào Quốc-gia Thơ-viện là có một mục-đích khác, chớ không phải là chủ tâm đi xem sách. Ra vào mấy lần mà chủ-đích không đạt được rồi thôi, không muốn đảo lại nữa.
Bình-sanh, em có cái chi như vầy, tuy là quá bạo-dạn một chút, nhưng em cũng muốn (………………………) vậy tất nhiên phải kiếm tài-liệu và chứng-văn ở những giấy tờ và sách vở sẵn có bên Pháp, mới đặng. Có cái gan như vậy, cho nên tuy là đàn bà mặc lòng, mà chổ nào kiếm được tài-liệu cho cuốn sách của mình, là em cũng mò tời. Đã có lần, em tới cã thơ-viện của hội Truyền giáo Ngoại quốc (Missions Étrangères) để coi những sách vở giấy tờ của các ông cố-đạo hồi xưa, viết về nước ta, thứ nhứt là đời Gia-long trở đi.
Thuở giờ, em vẫn nghe nói những lúc thơ của vua Gia-Long viết qua cho Louis VI, trao cho đức thầy Bá-Da-Lộc sang xin viện binh, cùng là những thư từ ngoại-giao về sau, đề để cả ở Quốc-gia Thơ-viện. Em muốn kiếm nguyên-bản những bức thơ ấy, coi ra sao, rồi nếu có thể xin phép chụp hình đặng thi chụp hình đem về, sau co in vào sách cho lạ. Song rủi thay, những công-văn ấy, mấy năm trước đã dời về để ở bộ Ngoại-giao  cã rồi, thật lấy làm tiếc.
(số 36)
Tình-cảnh học-sanh ta ở Pháp theo con mắt tôi thấy
Từ lúc ở Paris đến nay, đã trên nữa tháng rồi, mà chưa có dịp gì thăm hỏi giao-tiếp với phái học-sanh ta tại đây hết cả. Nhiều lúc đi dạo ở đường Sain-Michel, mấy câu học-sanh ta thấy e a, trong bụng đề chắc là người Việt-nam, cho nên trầm trồ dòm liếc dữ lắm ; em nghĩ bụng rằng các cậu ngó những cô tròng xanh tóc đỏ đả quen  mắt đi rồi, nay thấy một con da vàng tóc đen, lại là người đồng-hương, thì chắc trong tình-cảm có điều hồi hộp. Có cậu ngó trân, đuôi con mắt lại đưa đi một chút, em cười thầm trong bụng ; cái cười thấm ấy hình như muốn nói ra lời rằng : « Mấy cậu hảy lo học đi đã mà ! »
Lúc bấy giờ học-sanh ta ở Paris, còn các nhà hội-quán ở số 15 đường Sommerard, kêu là Đông-pháp Thân-ái-hội (Association Mutuelle des Indochinois). Hội này ở các tĩnh đều có chi-ngánh. Ai là hội-viên, thì bên nút áo có đeo miếng đồng nhỏ bằng đồng su, khắc chữ AMI làm dấu hiệu. Các chi hội ở những tĩnh nhỏ, hình như thạnh-vượng, chớ hội chánh ở Paris ít hội-viên lắm. Học-sanh ta ở Paris rất đông, mà ít người vào hội ; họ nói rằng hội đó là hội vào phe của nhà nước, họ không chơi. Mà thiệt, trong hội-quán thấy treo những hình của ông Albert Sarrant, ông Fontaine, đóng khuôn sơn son thếp vàng, coi lịch-sự lắm.
Bữa đó, nghe tin rằng tám giờ tối có Bảo-đại hoàng-đế ngự-giá tới hội-quán. Thuở đó tới giờ, em chưa biết mặt mủi ông vua ra s o, có khác chi người thường không, cho nên muốn đến chiêm-yết long nhan cho biết. Em chỉ bận áo thường thôi, nhưng thấy nhiều cậu học-sanh, mang smoking, đeo găng trắng, đễ chờ nghinh-tiếp xa-giá ; xem ra có vẻ nô-nức và kính-cẩn lắm. Có mấy ông trong ban trị-sự của hội, làm việc ở bộ Thuộc-địa hay là sở Đông-pháp Kinh-tế chi đó, tức là những người phục-dịch nhà nước ; bữa ấy thấy xăng-xái hơn cã mọi người, nếu có vài bộ áo, mảo, dai, hia, có lẻ họ cũng mang vào đặng đón rước thánh-giá. Có ông lại dặn học-sanh : Chừng hoàng-đế ngự tới nơi thì anh em đều đứng dậy xá ba xá, cho hạp quốc-lễ. Em nghĩ trong bụng, chắc ông ấy đã muốn kiem-tiền hay là bội-tinh chi dây.
Đúng giờ, hoàng-đế không tới ; té ra anh em học-sanh nghe lầm, làm tội anh em chải áo chùi giầy một bữa mát công ! Kỳ thiệt, đức Bảo-đại hoàng-đế ta du-học ở Paris, chĩ ở nhà ông Khâm-sứ Charles, và chỉ giao-tiếp với xã-hội tây, chớ không hề thăm hỏi và giao-tiếp với xã-hội học-sanh ta ỏ đó bao giờ hết.
Song tối đó cũng có ông Lê-nhữ-Lâm tới. Ông nầy là nhà cựu-học, làm chức Phụ-đạo, theo hoàng-đế qua tây, đặng dạy cho ngài về Hán-học và lễ nghĩa Annam. Ông ngồi lại uống nước trà và nói chuyện với anh em học-sanh cũng lâu ; mà câu chuyện phần nhiều là khuyên anh em học-sanh nên trung quân ái-quốc , và phục-tùng nước Pháp bảo-hộ.
Có nhiều người ngáp ngũ, bỏ đi ra. Em cũng ra, qua phòng đọc sách ở bên cạnh, và xuống coi nhà bếp, máy nước hội trả, máy gaz hội trả, lại có đủ chén đủa, để cho đôi khi học-sanh có muốn nấu món đồ ăn nhà, ăn chơi. Em xuống, thấy có mấy cậu, không phải có ý đi đón vua, mà thật là đang nấu cơm luộc rau, để ăn cho đở đói. Ba bốn cậu, mà chĩ thấy có gòi gaoij chừng một kilô và một cái bấp cải ; mà cầu nào cũng có nét mặt vừa run vừa đói cả. Nhơn đó mà em mới biết được cái tình-cảnh và phong-tục của anh em học-sanh ta ở Paris.
Hỏi thăm ra, mới biết mấy cậu ăn cơm với bấp cải luộc bữa nay đây, thì tuần-lễ trước, mỗi cậu đều nhận được tiền nhà gửi qua cho năm bảy ngàn quan, nhưng đã mua áo cho cô nhơn-tình, trả tiền rượu ở xóm Montmartre hết sạch. Hôm nay khô túi cả rồi, đành phải nấu cơm, ăn với bấp cải luộc, chớ bữa qua thì ngồi ăn ở những nhà hàng thượng-hạng và có hai ba cô ngồi bên.
Thật, phần nhiều con nhà giàu qua đây là chĩ đua ăn mặc chơi bời, chớ không học hành gì cã. Lỗi ở họ sanh-trưởng vào con nhà giàu ; lỗi ở cha mẹ quá chiều con, con xin tiền mấy cũng cho ; lổi ở họ không có chí. Đã có mấy cái lỗi đó rồi, lại thêm cái hoàn-cảnh phồn-ba xa xĩ, nói khêu gợi người ta, nó cám dỗ người ta, mà không ai kiềm-chế trông nom cho, thì làm sao họ không hư cho đặng. Rất đỗi có nhiều cậu ở tây đã năm sáu năm,  mà chưa đậu xong cái bằng-cấp tú-tài ; cả tháng chưa có một lần bước cẳng vào lớp học ; chỉ có việc theo đuổi thời-trang, thay quần đổi áo, đua chơi phong-nguyệt, sớm mận tối đào ; tiền cha mẹ gởi qua bao nhiêu cũng chỉ trả tiền thợ may, và nuôi gái mà hết. Hết rồi ăn uống cực khổ như thế kia ; chừng có món tiền gửi qua, thì lại ăn nhà hàng lớn, ra vào các chỗ chơi đêm như trước. Cái thân đem đi, gọi là cầu học văn-minh, mà kỳ thiệt nuôi thêm thú-tánh.
Tội nghiệp ! Có những kẻ vác tiền đi chơi như vậy, lại có bao nhiêu người có chí có tài, thì không có tiền bạc mà học. Trong số học-sanh ta ở tây, thiếu gì học-sanh đói. Có nhiều người nhà nghèo, cũng chịu thiếu chịu hụt mà học, thật là đáng thương. Cả năm, họ chỉ có một đôi giày và một bộ quần áo ; ăn thì bữa no bửa đói, có người không chừng hai ba ngày chẳng ăn. Chắc có người lấy làm lạ : Sao nhà đã nghèo mà họ lấy đâu được tiền tầu, tiền học, tiền ăn, mà qua tây được như thế ? Đó cũng là một vấn-đề hay, nên nói. Người Tây, họ cũng đã biết rõ vậy mà ; thật có nhiều người học-sanh ta, chĩ kiếm đủ tiền tàu cũng qua ; bằng không thì hầu hết làm bọi tàu, đặng sang cầu học. Họ tưởng lầm rằng qua tây có thể vừa kiếm nghề làm, vừa học đặng.
(số 37)
Thật, có nhiều học-sanh ta nghe lầm rằng qua Pháp có thể vừa kiếm nghề làm ăn vừa học đặng ; cho nên biết bao nhiêu người : hoặc chạy đủ tiền tàu mà đi, hoặc làm bồi tàu mà đi ; ái nấy đều đinh-ninh rằng sang Tây, kiếm một việc gì làm, rồi lấy tiền đó mà học.
Chính mắt em đã thấy nhiều cậu thiếu-niên vì sự tin lầm ấy, mà linh-đinh lưu-lạc ở Paris, chịu đói chịu rét, bữa ăn bữa không, tình-cãnh thật là tội-nghiệp. Còn có một vài người, vì sự cùng đường lở bước đó, mà sanh ra làm xằng là khác nữa.
Nhơn dịp, em có nghiên cứu và thấy rằng cái vấn-đề « Cần công kiệm-học » của người mình ở Pháp, (mà có nhiều người hy-vọng thiệt-hành) là một vấn- đề khó lắm.
Trong hồi Âu-châu chiến tranh, nước Tàu gởi nhiều người qua Pháp làm thợ ở các xưởng máy. Đến khi chiến-tranh xong rồi, có một bọn thợ Trung-hoa ở Lyon, không muốn về nước ; họ có chí ở lại bên Pháp mà học, bèn rũ nhau lập một hội kêu là « Cần-công kiệm học » đùm bọc nhau, binh vực nhau, ngày thì đi làm trong các nhà máy, tối về học ở các trường tư. Tiếng rằng hội ấy là đoàn-thể riêng của một bọn học-sanh lao-động, nhưng mà ở trong có chánh-phủ của họ giúp đỡ ít nhiều, và có các nhà công-thương của họ châu-cấp thêm cho nhiều nữa ; nhờ vậy mà sở-chi của họ cũng thiệt-hành được trong một thời kỳ. Về sau hai năm, hội ấy cũng tan, cái công cuộc cần-công kiệm-học cũng hỏng. Lúc em qua Pháp, thì hội Cần-công kiệm-học của người Trung-hoa ở Lyon đã thành ra khói tan mây cuốn rồi.
Có lần, em cùng mấy nam, nữ học-sanh Trung-hoa – có cã một vài người kia ở trong hội Cần công kiệm-học nữa – bàn về công cuộc kia, và hỏi họ vì sao mà thất bại, thì học đều nói là tại cái tình-thế sanh-hoạt khó khăn. Em nghiệm ra, cũng có như vậy thiệt.
            Ở bên Tây, muốn đi làm cho dư tiền mà học, thì chỉ có phương đi làm thợ. Làm thợ mỗi ngày ít lắm cũng được ba bốn chục quan ; như vậy mới đủ tiền ăn ở, và dư ra chút đĩnh mà học. Xứ ta, hình như làm thầy người ta tưởng mới là vẻ vang, mới là có tiền, hèn chi người ta đổ xô nhau về con đường làm thầy, mà khinh con đường làm thợ. Ngoài những kẻ vì sanh-kế mà phải đi làm thầy thông thầy kýh, thì chẳng nói làm gì ; còn có nhiều kẻ luồn cuối lạy lục, cho được đi làm trong một công-sở kia hay tư-sở nầy, đặng lấy tiếng thầy, và bản đồ u-ve cho oai, hay là làm cầu, đặng đi hỏi vợ. Cái bịnh chung ở trong xã-hội đã như vậy rồi, thành ra người ta thấy ai bận đồ xanh, mang đôi guốc, ra vào các xưởng máy, thì cho là người hà tiện. Cái quan-niệm lạ lùng ấy, đã hóa nhiều người trong xã-hội, cho nên có khi làm thầy, mổi tháng chỉ có ba bốn chục bạc cũng cam-tâm, chớ được năm bảy chục một trăm mà bận áo xanh, mang tiếng thợ thì không muốn.
            Bên Pháp không vậy. Anh đội cái-kết, bận áo xanh, cũng có chỗ vẻ vang như mấy thầy bút-toán, mà lại kiếm tiền được nhiều hơn mấy thảy nầy. Bởi thế, ai muốn sanh-hoạt, muốn gây dựng một cái tương-lai, thì tất chọn nghề đi làm thợ ; chỉ có mấy anh dở dang, vào hạng « học không hay, cày không biết » mới phải ngồi gục đầu xuống bu-rô ; lương-bổng trung-bình chỉ được năm sáu trưm quan mỗi tháng.
            Đại-khái cái tình-hình lao-công ở bên ấy như vậy đó. Mấy anhem bên mình qua bên ấy, muốn làm cách cần-công kiệm học, thì làm thầy hơn hay là làm thợ hơn ? Đằng nào em cũng thấy không lợi tiện gì hết.
Sang tây mà muốn kiếm một chỗ làm để nuôi miệng thật là dễ. Tại Paris, những hãng buôn lớn như Samaritaine, Palais de Nouveauté v.. v… ngày nào họ cũng thải ra hằng trăm người làm, và lấy vào hằng trăm người mới. Nhờ vậy mà sự kiếm một địa-vị làm, tháng kiếm năm sáu trăm quan, không khó gì cả. Đả có những nơi kiếm việc làm cho người ta, kêu là Office de Placement, mình cứ biên tên vào đó, từ sáng tới chiều, có khi họ kiếm được chỗ cho mình ngay. Hoặc gởi đơn ngay tại hãng, thì chờ họ kêu đến thi. Thi, là mình ăn đứt mấy ông tây, vì mấy ông tệ quá ; người ta chĩ đọc cho bài ám-tả và ra hai bài toán thường, vậy mà mấy ông ngồi cắn mẻ ngòi viết mà nghỉ không ra. Đã nói rằng mấy cậu thiếu-niên bên tây đến đổi phải thi vào các hảng, làm secrélaire hay là aide complable,  thì phần đông là hạng lở dở cả. Có nhiều lần, thi vào hảng nầy hảng kia, có mấy người mình thi là trúng cả mấy. Nhiều chị đầm khờ khạo, không biêt Indochine là gì, không biết người mình đã học chữ Pháp bảy tám chục năm nay, bây giờ thấy mình giỏi hơn những cậu kia, thì mấy chị có vẻ lạ lùng, hỏi : « Ồ ! Anh học chữ Tây bao giờ mà giỏi thế. » Mấy chị đâu có biết rằng chúng tôi chỉ giỏi cái nghề làm mướn mà thôi.
            Đó là nói cách làm thầy. Còn đi làm thợ thì phải rành nghề. Cũng có khi, chỉ biết cầm cái búa hơi vững, thì cũng có nơi, họ cho mình làm. Ví dụ như hãng xe hơi Cilroen  tại Paris, thường có người mình làm thợ nguội, mỗi giờ ít lắm được 3£50 cho tới 4£, mà ngày làm 10 giờ, vậy là mỗi ngày kiếm được 10£, cũng là khá rồi. Nói tóm lại, sự kiếm việc làm ăn ở Paris có nhiều bề thế dễ dàng, nhưng ai muốn làm để mà ăn được thì được, chớ làm mà muốn lấy lương đó đi học, thì không xong rồi.
            Thật, học-sanh đại-học người Pháp, cũng có nhiều cậu vừa học vừa làm để kiếm lương ăn. Có cậu buổi sáng đi nghe giãng, chiều lại khoác tấm vải ở trước ngực, làm bồi ở các hảng cà-phê. Có cô ngày đi học, đêm đi may thuê vá mướn. Rất đỗi có người học-sanh trường thuốc, phải bán máu đi để trả tiền cơm. Tuy vậy, ta không nên thấy thế, mà bảo rằng ta cũng làm như họ được. Phải biết rằng đất nước của họ, bà con của họ, cho nên họ làm cách như vậy được, chớ mình là chi đi nữa, cũng là người phương xa tới, làm như họ, có được ở đâu. Mình chĩ có cách aide-comptable hay là làm thợ lăng xăng như đả nói ở trên mà thôi.
            Nhưng đi làm việc bán giấy ở các hãng, mỗi tháng có năm sáu trăm quan, khéo hà tiện lắm mới đủ ăn và đủ tiền xe điện, tiền phòng ở ; có khi phải điểm một hai bữa nhịn đói vào nữa mới là đủ. Thế thì tiền đâu mà học ? Còn làm thợ, tiếng rằng được khá tiền, nhưng lại vì nỗi ngày giờ không có.
            Sự đi làm … thầy hay thợ cũng vậy - ở một nơi như Paris, thật là khó nhọc vật vả, vì giờ làm nhiều, vì sự đi lại mệt nhọc ; chớ có đâu được ung dung thong thả như các thầy đi làm việc ở bên mình. Nông nổi nầy, không thể nói cho hết được. Đã có nhiều người mình lưu lạc ở Paris, từng xuất thân đi làm, em thấy ai cũng phải lắc đầu le lưởi, thở than rằng sau giờ làm thì mệt nhọc lắm rồi, không có sức đâu mà học được nữa. Thật đã có nhiều người thi nghiệm về sự đó, song kết cuộc thì ai cũng phải bỏ. Anh em trong nước chớ có tin về sự qua tây vừa làm vừa học mà khốn.
Số 38
Ngày 23 .yanvier lg30


Hội cự rượu
(Ligne Nationale contre l’Alecoolisme)
      Thật, em nói câu nầy là nói công-bằng, chứ không phải là nịnh hót chi người Pháp, vì em có cần nịnh làm chi : « Có tới đất Pháp mới biết yêu nước Pháp. » Nước Pháp nhơn-đạo, văn-minh, trật tự, người ta cho là nước tiền-đạo ở châu Âu, ai bước chưn tới đó rồi, cũng thấy khác cái nước Pháp có thuộc-địa nhiều lắm. Chẳng những khác về chánh-thể mà thôi, lại khác cả về phong tục, nhơn-cách và mọi vấn-đề thuộc về xã-hội nữa.
      Nước Pháp ở sông Seine thì ngọt ngào, mát mẻ, nhưng chảy ra Địa-trung-hải, qua Ấn-độ-dương rồi tới đây, hình như biến mùi biến vị đi.
      Bữa nọ dạo chơi đường Saint-Germain, tới số nhà 147, thấy có tấm bãng treo ở trên, khiến cho người khách qua đường này phải chú-ý. Tấm bãng : « Ligac Nationale contre l’Alcoolisme » . À, đây là hội phản-đối rượu. Trong tủ-kiến bày nhiều cái hình-tượng coi ghê quá ; thứ nhất là có mấy bộ óc. Óc của anh không uống rượu thì thấy trắng trẻo, đầy đặn, nở nang ; ai có cái óc ấy chắc bình-sanh là người thông-minh, khỏe mạnh. Còn cái óc của anh uống rượu thì thấy khô khan, đen sậm, mà lại nhỏ hẹp ; chắc là cái óc ngu-đần, hung dữ, lúc còn sống làm cho hơi men làm cho say sưa, rồi ra đường giết người, thì về nhà cũng đánh vợ. Còn nhiều hình-ảnh bày tỏ ra thân-thể và gia đình của anh uống rượu, so với anh không uống rượu thì khác nhau ra thế nào ? Ngó những cái ảnh-tượng ấy, thật là rủng óc, ghê xương ; thiết tưởng mấy anh ghiền rượu qua đây, có lẻ về nhà cũng đập hũ đập chén.
      Em lấy làm lạ lắm.
      Lạ sao ta có thuốc-phiện gọi là công-yên ; dân có quyền hút tự-do thong thả, số còng-nho mỗi năm, khoản thâu vô có 7, 8 trăm triệu đồng, nhờ có một nó đã được 230 triệu ; thế mà ở bên Pháp bán thuốc-phiện thì cho là đồ quốc-cấm, ai hút thuốc-phiện thì ba tháng tù ? Lại sao bên Pháp, có hội phản-đối rượu, lập ra, nhà nước cũng tán-thành cho ; thế mà bên ta thì ông Fontaine được độc-quyền nấu rượu công-xi, không ai dám nói ; nói động đến ông Fontaine hay là cỗ-động tảy chay rượu công-xi, thì người ta cho là làm pô-li-tich ?
      Tánh em tò mò, đã gặp việc gì, có thể xem xét đến nơi được, là không bao giờ bỏ qua. Nay gặp nhà hội cự rượu, như vầy, cũng muốn xem xét cho biết cách tổ-chức và công-cuộc cự rượu họ làm ra làm sao.
      Nghĩ vậy, rồi cứ mạnh-bạo bước vào tới trong.
      Có một bà ra tiếp, hỏi em tới có việc gì. Em ngỏ ý, bà ấy vui vẻ và nói :
      Vậy thì cô là bạn đồng-chí với chúng tôi : mời cô ngồi nói chuyện.
      Rồi bà nói :
-        « Công cuộc cổ-động của chúng tôi, trước nhứt là bày tỏ những những cái độc-hại về rượu, bằng hình ảnh, bằng truyền đơn, bằng chớp bóng, để cho mọi người hiểu. Khi người ta đã hiểu cái độc-hại đó rồi, thì tôi khuyên người ta nên lấy chi quả-quyết mà chừa đi.
      « Chúng tôi chú ý hơn hết, là cổ-đọng bọn than-niên, vì công cuộc của chúng tôi là công cuộc dự-phòng (Enore de preservation)
   « Bởi vậy, chúng tôi cốt hành-động hô-hào ở bọn học-sanh và ở trại lính. Nhà nước cũng cho phép chúng tôi được thêm một khoa-học cự rượu ở trong các trường, trong hải-quân và lục-quân. Hiện nay có 2000 hội học-sanh cự rượu lập ra, mà do hội của chúng tôi chủ-chương.
      « Học-sanh nào đã vào đoàn-thể nầy, cũng là mấy cậu sốt-sắng đi tuyên-truyền ; mấy cậu cổ-động ngay cho những người trong nhà mình phải bỏ rượu.
      “Người nào đã nhận vào một chưn hội-viên trong hội, thì phải ký một tờ giao-kèo, hứa chắc rằng từ này trở đi, mình không thèm uống rượu nữa.
      “Nhờ có hội chúng tôi yêu-cầu, nên chi những quán bán đồ ăn trong trại lính, bây giờ các quan binh cũng cấm không cho bán rượu.”
      Bà vừa nói vừa lấy những hình-ảnh, truyền-đơn và nhựt-báo của hội ra cho coi. Em thấy một tờ truyền-đơn có mấy câu như vầy: “ Hỡi đồng-bào. Bao nhiêu sức mạnh về vật-chất và tinh-thần trong nước đều bị con ma men ám-ảnh mất đi. Cái độc-hại của quốc-gia như thế, ta phải lấy sự đoàn-kết của cả quốc-gia  mà chống-cự với nó.” Ai ở bên ta, rải truyền-đơn chừa rượu mà nói cái dọng như thế, liệu có khỏi ông Fontaine giận hờn, có khỏi phạm điều-luật 91, có khỏi cái thân cơm khô cá mắm được không ?
      Họ lại còn hai tờ báo cơ-quan là Eloile Bleue và Jeunesse; mỗi tờ xuất-bản 10 ngàn số.
      Vừa khi đó, có một ông ở trong phòng giấy bước ra. Bà kia giới-thiệu với tôi rằng: “ Đây là ông R... tổng-thơ-ký của hội chúng tôi.” Rồi bà lại nói với ông R... rằng em đến đây cốt là hỏi thăm về công-cuộc cự rượu. Ông R... chào hỏi ân cần: lấy một bức hình cổ-động cho em, tức là bức hình in ở bên nầy đây, rồi ông nói:
-        Hội chúng tôi muốn cổ động ở mấy nơi thuộc-địa. Hình như cô là người ở Đông-dương phải không ? Úy chà, đồng-bào của cô bị rượu làm hại dữ lắm, tôi biết. Phải, ở bên đó, ông Fonlaine được độc-quyền nấu rượu cho người ta uống. Nge tới cái tên đó, cũng đũ khiến cho chúng tôi giựt mình.
      Ông lại hỏi về tình-hình uống rượu và bán rượu ở bên nước Nam ra làm sao ? Em nói ngay thiệt hết ; nói cả những cách tàn-bạo của mấy ông linh đoan về bắt rượu lậu ở các miền nhà quê ngoài Bắc ra thế nào. Bà kia ngồi nghe, lúc thì thay chân mặt, lúc thì nghe thở ra ; sau hết nói với em:
-  Hội chúng tôi nay mai có kỳ diễn-thuyết cho hội-viên nghe, nếu có sẵn lòng diễn-thuyết những chuyện cô mới nói đó thì hay lắm.
      Trời ơi! Tiếng Annam là tiếng mẹ đẻ, mà em đây chưa thông, làm sao mà nói được bằng tiếng Pháp! Em từ chối, cũng thú thiệt rằng mình học chữ Pháp còn dốt lắm.
      Khi em ở nhà hội nầy ra, trong óc cứ bâng khuâng suy nghĩ mãi. Suy nghĩ sao nước Pháp đã thành tâm khai hóa cho ta, mà rượu và thuốc phiện, là hai thứ thuốc độc giết người, lại đễ cho được hoành-hành mà không ngăn cấm ?


Số 40
Ngày 20 Fevrier 1930

VIỆN BẢO-TÀNG LE LOUVRE

      Có một nhà văn-sĩ Nhựt-bổn đi du-lịch Paris về, viết sách nói rằng : “ Paris có hai cái cực-điểm : viện Le Louvre và xóm Montmartre. Ai muốn tìm thú chơi thì tới Montmartre, còn ai muốn học, muốn nghiên-cứu thì vào viện Le Louvre.” Thật, vào viện Le Louvre tức là đi học.
      Le Louvre nguyên là một tòa cung điện rất cổ ở Paris, về sau trải mấy đời vua, từ vua Philippe Au-guste tới vua Napoleon đệ nhứt và đệ tam, trải bảy tám trăm năm, kế tiếp nhau mà sữa sang xây dựng thêm cho chỗ nầy, bây giờ thành ra một cung-điện có lẻ lớn nhất trong toàn-cầu. Người ta nói cung
Vatican của Giáo-hoàng ở kinh-thành Rome là to lớn, nhưng mà so với cung Le Louvre thì chưa thấm vào đâu, vì Le Louvre còn lớn gấp ba Vati-can. Bề mặt của nó rộng tới 197 ngàn thước vuông, và mấy mặt tiếp giáp với những đường phố lớn. Cung nầy dài 167 thước, cao 27 thước, mặt ngoài có 52 cột đá lớn, dựng ngang hàng với nhau, coi thật là đột ngột mạnh mẽ.
      Le Louvre ngày trước là chốn thâm-cung cấm-viện của các bực đế-vương, mà ngày nay là chổ bửu-vật tràn-tàng khắp trong thiên-hạ. Bởi vậy, không những là nó nguy-nga về cái kiểu nhà, mà lại quí báo cã về các đồ chứa ở trong đó. Có thể nói rằng chỗ nầy là cái kho mỷ-thuật lớn hơn hết trong thế-giới. Biết bao nhiêu là óc sáng -tạo, tay tài-ba, bức họa thần, pho tượng đẹp trong thế-giới từ xưa đến nay, đều qui-tụ và phô bày cả ở đó.
      Vào trong cung, thấy bao là man mác; ở trong chia ra làm nhiều viện, mỗi viện cũng là mấy tòa nhà lớn. Có viện gọi là Musec de peinture, bày những bức tranh thần-bút xưa nay, sưu tập ở khắp các nước Âu-châu đem về ; mỗi xứ bày một khu riêng, rất là phân biệt. Có viện gọi là Musec de sculpture, bày toàn những đồ nắn, đồ chậm, đồ đúc; đều là những cổ-vật ấy, làm bằng vàng, bạc, ngọc, ngà, và bằng đất, bằng đồng, bằng gốm, bày la liệt, không biết sao mà kể cho hết.
      Vào đây coi mới biết dân-tộc Pháp yêu chuộng mỹ-thuật biết là chừng nào. Từ xưa đến nay, trên là các bực đế-vương hiển-hách, dưới tới những người dân-giã tầm thường, đời nọ qua đời kia, tìm tòi thâu góp những đồ quí báu khắp bốn phương thiên-hạ, đêm về bày trong một chổ nầy, đặng biểu-dương công-nghiệp của người xưa, và làm kiểu mẫu khéo đẹp cho hậu thế; thật là có công-phu ! thật là có ý nghĩa ! Chẳng bu với người ở phương Đông mình, ví dụ ngay như ở nước mình hồi xưa, ông vua có món đồ gì quí báu, chỉ cất giấu ở trong điện thẳm cung sâu, không cho ai thấy ; còn nhà dân có cổ-vật gì, cũng để trong buồng tối, hay vùi xuống đất đen, coi như là gia-tài riêng của mình, chớ không có chút quan-niệm gì về mỷ-thuật cã.
      Viện bảo-tàng Le Louvre đã rộng mà đồ cổ-vật lại nhiều, không ai có gì thế vào coi một ngày ròng rã mà hết đặng. Em phải đi bốn lượt, mỗi lượt nữa ngày, mới coi sơ qua được khắp mỗi chỗ mỗi món. Thấy có nhiều người vào đây, đứng ngay mặt ra, nhắm nhía một món đồ cổ gì, cả giờ không thấy họ nhúc nhích ; té ra họ là nhà mỷ-thuật, hay là nhà khảo-cứu chi đó, vào đây để học, để

xét, cho nên học cứ nhìn trân vào một món, để cả trí-nảo, tinh-thần vào, chừng như muốn thần-hội hay là học theo chỗ tinh-diệu của cổ-nhơn vậy.

      Còn mình, nói rằng đi lượt qua là phải, vì nói cho thiệt ra, mình có biết chỗ nào là tinh-thần của mỷ-thuật đâu. Mình tuy có mỹ-quan đôi chút, thấy cái gì đẹp mắt, cũng biết nhìn, biết cho là đẹp, nhưng mà cái mỹ-quan đó chỉ là cái mỹ-quan của tục-khách mà thôi, chớ đứng trước những pho tượng, những bức tranh ở trong cổ-viện nầy, nào cái đẹp ở đâu, mình đâu có biết. Ví dụ như bức họa mỹ-nhơn La Joconde, xưa nay đọc sách và nge người ta thuật lại, thì là bức họa tuyệt-bút trong trần-gian, ngó về trước trở về sau, không ai hạ nét bút được thần-diệu như thế cả. Bây giờ đem hết cả tinh thần, coi thử có nhận được cái đẹp ở chỗ nào không. Té ra chỉ thấy cô ả : người mập mạp, hai má súng sính, cặp mắt hiền lành, miệng hơi chuốm chiếm ; ngoài mấy cái đó ra, thì chỗ nào gọi là mỷ-thuật, chỗ nào gọi là tuyệt-bút trong trần-gian, thật mình chẳng hề thấy. Ráng nhắm nhía cho mấy đi nữa, cũng chỉ thấy vậy thôi, chẳng có gì khác. Có mấy cô ngoại-quốc đứng bên tôi, vừa coi vừa gật đầu, ra ý tự-đắc như mình đã chụp được cái đẹp ở đâu trong bức họa đó rồi ; nhưng không biết rằng mấy chị có thấy thiệt chăng, hay là cũng chỉ lờ mờ như em vậy.
      Tại sao người ta cho là tuyệt đẹp mà mình lại không thấy ?
      Có lẻ tại mình không có cái giác-quan về mỷ-thuật chăng ?
      Có lẻ tại mình chỉ quen mắt với những nét vẻ thủy-mạc của những bức tượng cổ-họa nước Tàu chăng ?
      Một người bạn đồng-bào, cùng đi coi với tôi, chỉ bức họa mà nói rằng : “ Cô coi. Người ta vẻ cặp mắt của nàng thật tài-tình, khiến cho mình đứng ngay, đứng xéo, đứng ngang, mà nhìn vào nàng, thì cặp mắt nàng cũng nhìn theo mình cả. Thật khéo, thật đẹp. “ Em cười và nói : “ Đừng có nói giởn mà ! Mỷ-thuật đâu có phải ở chổ đó.” Nói vậy thì nói, không chừng người ấy thấy chỗ đẹp thật, biết đâu. Tức mình, vì lúc ấy không gặp ai giảng cho mình hết.
      Coi vậy, thì biết được chổ đẹp, là một sự khó lắm ; tất nhiên phải học mới biết được. Ra đường thấy cậu thiếu-niên quần áo bảnh bao, cô con gái phấn son tô-điểm, mình tưởng là đẹp, nhưng là cái đẹp bề ngoài đó thôi ; cái đẹp thiệt, phải có tình-thần chớ.


Số 41, ngày 27 Fevrier 1930

Đồng bào ông Tôn Dật-Tiên ở Paris
      Đến Paris không có thể nào bỏ mấy người Tàn mà không nhắc tới được. Người Hông-mao thường nói tự phụ rằng : “ Mặt trời xoay tới đâu là có ta tới đó.” Người Tàu cũng không kém gì ; họ có thể nói: “Hể chỗ nào có người ở được là có ta.” Thiệt vậy, trong gậm trời nầy, có lẻ không có chổ nào, kẻ khác đi tới được, mà người Tàu lại không đi tới. Xứ nào, có thể sanh-nhai dễ dàng, mà thứ nhứt là dân ở xứ đó lười biếng, không lo gì về công-nghệ thương-mãi, như là xứ ta đây, thì người Tàu kéo đến muôn trùng, làm bá làm vương, sự ấy là đành rồi; cho tới những nơi xa xôi, cách mấy chặng non, vượt mấy lần biển, là nơi khó tranh dành sanh-hoạt tới đâu, họ cũng chẳng từ, cũng lần tới được. Thật phải chịu cái gan và cái tài dinh-nghiệp của mấy ông Trung-quốc !
      Paris là cái chợ mua bán rất đồ xộ, tấp nập, mà chính cái tài kinh-dinh của người Pháp, chẳng còn thua ai một nước gì, bởi vậy cho nên về mọi đường mua bán sanh-nhai, người Âu-châu họ xí phần hết thảy, tưởng chừng như người nào lạ tới đó, thì chĩ có việc chết đói mà thôi, chớ con đường sanh-kế, hình như không còn có một lỗ hổng nào cho ai chun vào đặng. Ấy vậy mà cũng có phần để dành cho mấy chú chệt. Họ cũng có hàng nầy hàng khác, cũng làm nghệ nọ, nghề kia. Tuy thế-lực của họ ở bển, chĩ như hạt muối bỏ xuống biên mà thôi, nhưng mà ở chổ khó khăn chừng nào, ta càng thấy cái tài mưu-sanh, cái chí kiên-nhẫn của họ chừng nấy.
      Tại những đường lớn, ta thấy họ có cửa hàng bán đồ xưa, cữa hàng bán tơ lụa, cữa hàng bán thực-phẩm; lại có cả công-ty làm đậu hũ, bán khắp Âu-châu. Đậu-hũ tức là một thứ đồ ăn, ở Nam ta đây kêu là chao, còn ngoài Bắc kêu là đậu phụ nhự vậy.
      Ở nhóm học-sanh, họ lập ra năm sáu tiệm cơm, sang-trọng có, phỗ-thông. Mấy hàng cơm của họ, cứ tới hai bữa ăn sáng chiều, là ta thấy đông kín những người ; ai đi trễ một chút, không còn mà ăn. Chẳng những đông khách phương Đông mà thôi, lại đông cả khách Âu-châu nữa. Mấy chị đầm cũng ưa nếm thực-phẩm của phương-Đông coi ra thế nào ; có chị ăn hết rồi ghiền, cầm đủa và cơm coi rất gọn gàng, lại chê bánh mì là khô khan ; vô vị. Ăn một bữa cơm sang trọng của họ hết hằng trăm quan không chừng ; còn gọi là bữa cơm phổ thông, thì cứ năm quan tiền một bữa ; ba món đồ ăn , cơm no tùy ý. Nhiều cậu học-sanh ta, khi mới nhận được tiền cha mẹ gởi qua, có bạc ngàn trong túi, thì đi ăn những nhà hàng lớn của tây; chừng tới khi tiền gần hết, túi gần khô, thì lại thấy trở về quán cơm của mấy chú “ thiên-triều” đây, mà ăn 5 quan một bữa.
      Người mình ở Paris rất đông, dầu sao mặc lòng cũng không ai quên được những cái vị gạo cơm nước mắm, phải chi có người mình lập ra được tiệm cơm chắc khá lắm. Hồi em còn ở bển, đã nghe có mấy anh em lao-động hùn nhau 200.000 quan mở tiệm cơm ở Quanrtier-Latin, nhưng sau mướn nhà không được, rồi thôi. Chẳng biết bây giờ đã có chưa. Vì không có tiệm cơm ta, thành ra anh em mình ở Paris, muốn ăn cơm, là phải vào tiệm khách-trú. Ở Saigon đây, muốn ăn cơm cho ngon, tất phải vào Cholon, mà qua tới tây cũng vẫn phải ăn cơm của họ : cái nghiệp-báo chí, nó theo mình hoài!

Trong những người Tàu qua mưu-sanh bên Paris, em phục hơn hết là mấy chủ đi bán hàng dạo ngoài đường. Thật, trời lạnh như cắt thịt xé da, sáng sớm mình ra đường, đã thấy chú chệt, dơ mấy món hàng ra chào khách qua lại. Họ không buôn bán chi nhiều, chỉ có mấy chuổi hội trai giã (perles artificielles) của người Nhựt mà thôi. Ấy vậy mà mấy chú đi cùng Paris, góc đường lớn là minh cũng đụng ; mấy chú chẳng cần biết tây chi nhiều, chỉ đủ mấy tiếng nói giá-cã; tới cũng chỉ có việc nhăn răng ra cười, cũng luloyer hết thảy. Người hồn để chờ Huê-kỳ, người Pháp qua lại, thấy nhau vào mua; nhờ vậy mà các
      Cái bọn buôn bán chuỗi hột như thế, có người lấy đó làm người lấy đó kiếm tiền đễ cách cần-công kiệm-học kiệm-học ấy, thử hỏi tánh-cách nhẫn-nhục, làm được như họ vậy không ?
      Còn học-sanh của họ, vừa nam vừa nữ;  lưu học ở Paris cũng đông lắm. Về luật-pháp, về văn-chương. Về y-khoa, về công-nghệ, về chánh-trị, có trường nào là không có học-sanh Trung-hoa. Xem ra họ nói tiếng tây không giỏi bằng học-sanh mình, nhưng mà sự-học của họ có căn-bổn hơn mình nhiều.
      Họ làm cả chánh trị nữa.
      Tại Paris, cũng chia ra phái cộng-sản và phái quốc-dân, mỗi bên đều xuất-bản mấy tờ báo viết bằng Hán-văn, công-kích nhau kịch-liệt; song hình như phái quốc-dân đông người hơn và mạnh thế hơn.
      Hồi đó em có làm quen với hai cô nữ-học-sanh Tàu, cũng ở bên phòng-trọ với em. Hai cô đều là Quốc-dân-đảng cả. Trong khi nói chuyện tâm-sự và bàn bạc về thời-cuộc, các cô có nói nhiều chuyện hay ; tiếc hay thuật lại ở đây không đặng.



Số 45, ngày 27 Mars 1930

HỘI CỰ NHỮNG NHÀ Ở TỒI CỰU-TỆ
(Ligue nationale contre le taudis)

      Theo ý đàn-bà như em, em nghỉ rằng xã-hội nào cũng vậy, mà có văn-minh, thì cái văn-minh ấy là do cách tổ - chức bên trong, chứ không phải ở cái tráng-lệ bề ngoài. Tất nhiên phải có cái trên, rồi mới có cái dưới được. Nếu cứ cho lâu đài nguy-nga, ngựa xe rộn rịp, đó là văn-minh, thì ở Saigon hay Hanoi ta cũng có quang-cảnh ấy, vậy sao xả-hội của mình chưa có vẻ văn-minh như người ta ?
     Bởi vậy trong khi em du-lịch một nơi danh-đô như nước Pháp – có lẻ là danh đô cả thế-giới – mấy tháng trời, thấy lâu đài năm bảy từng, cảnh-vật trăm ngàn vẻ, cũng không đủ khiến cho em phải chú ý và chịu phục cho bằng mọi cơ quan, mọi chế-độ, cũng là mọi cách tổ-chức về xã-hội của người ta.
      Thật, em chú ý những cái đó hơn hết.
      Bởi chú ý như thế, cho nên tuần trước đã đi thăm « hội cự rượu » (Ligue nationale contre l’Alcoolis-me) cho biết ; tuần này lại đi thăm hội cự những nhà ở tồi-tệ.
      Sáng bửa nay – 8 Mai 1926 – xem báo thấy nói đến tối thì ở tổng-bộ của hội cự nhửng nhà ở tồi-tệ, có cuộc diễn-thuyết. Tổng-bộ của hội nầy, ở số nhà 37, đường Boissy d’Anglas. Đến tối, rủ hai người bạn ở bên phòng trọ mình, là hai cô người Roumanie cùng đi.
      Hội nầy do một bà có danh ở Paris là bà Geor-ges Leygues lập ra từ năm 1923. cái tên ấy có lẻ không lạ tai gì chổ những người hay đọ báo tây : ông Georges Leygues chính là quan cựu Hải-quân Tổng-trưởng ( ministre de la Marine) của nước Pháp.
      Tối bữa đó người ta đến nghe đông lắm, có lẻ tới gần một ngàn người, mà phần đàn-bà đông hơn. Chính bà Georges Leygues làm chủ tọa, coi vẻ nghiêm trang oai vệ lắm. Một bà đã đứng tuổi, hình như cũng là bác-sĩ chi đó, đứng lên diển-thuyết. Trước hết tả những cái tình cảnh xót thương của mấy cái gia-đình nghèo khổ, nào vợ, nào chồng, nào con, nào cái, ở lúp thúp trong những chốn nhà tồi vách nát, dơ dáy chặt chội, ngày thường không có cái lỗ để thông khí trời, mùa đông không có hơi lữa đặng sưởi cho ấm. Bà khóe tả lắm, khiến cho người nghe, tuy chưa trông thấy những cái nhà tồi vách nát ra sao, nhưng nghe mấy lời đó, cũng đủ chạnh lòng thương xót ; thật em thấy có mấy người ngồi ở gần em, lấy khăn chùi nước mắt. Nhà diển-thuyết bày tỏ đến những nổi đau đớn của gia-đình ấy, là chết rét, ho lao v.v. ... rồi phân trần rằng ngày nay hội phải hô hào cổ-động để dựng ít nhiều căn nhà rộng rãi sạch sẽ, cho mấy cái gia-đình nghèo khổ đó có chỗ ở.
      Những cái nhà gọi là tồi tệ đó, tiếng Pháp kêu là taudis, ai đã được thấy nó ra làm sao rồi, thiết-tưởng không biết lấy gì mà so sánh và hình dung cho được. Coi tấm hình của em xin được ở hội ấy và in trên đây, cũng đủ biết đại-khái cái taudis nó ra thế nào ? Em muốn so sánh với những cái nhà tranh vách nát, mái lủng cột xiêu ở những xóm nghèo khổ bên ta, nhưng mà thấy sự so sánh ấy không trúng. Những gia-đình nghèo khổ bên ta, tiếng rằng ở nhà tranh, vách nát, mái lủng, cột xiêu, song còn có cái hạnh-phước được hưởng cơn gió mát, được thoảng không khí ; chớ cái mà gọi là taudis ở bên Tây, thì bịt bùng như cái hầm, dơ dáy như chổ đổ rác, mà gió. không lọt, khí trời không thông nữa kia !
      Thật, bên Paris, nếu có những gia-đình ở nhà lầu năm bảy từng, trải nệm gấm, lót gạch bông, phòng nầy phòng khác, rộng rải thinh thang, thì cũng có biết bao nhiêu cái gia đình, vợ chồng con cái cả đoàn, mà ở chui rúc vào những xó không có chổ thở. Đừng tưởng rằng Paris toàn là những người phú-quí thần-tiên hết cã, mà không có nhà nghèo khổ đói rách đâu. Cái xã-hội ở taudis đông lắm.
      Phải, những nhà lầu năm bảy từng, những đường lớn, có cây cối mát mẻ, đều là chổ ở của mấy nhà hào-gia phú-hộ ; còn những nhà thợ thuyền, nghèo khỗ, vợ con nheo nhóc, quần áo xác sơ, thì ở chót vót trên từng thứ bảy thứ tám, khít ngay mái nhà, là từng người ta kêu là mansarde ; hay là ở những đường chật hẹp dơ dáy, nhà cữa lôi thôi. Ấy là cái xả-hội taudis. Có nhà cã vợ chồng con cái, lớn nhỏ đến bảy tám mạng, mà ỡ chui rúc vào một cái mansarde, ngang giọc chĩ bằng một cái phòng con, đã không có chỗ cho ánh sáng và khí trời chun vòa, mà lại là chỗ tiếp gần với khí lạnh trời đông hơn hết. Tội nghiệp biết bao. Nhửng cái gia-đình nghèo khổ, chúi rúc với nhau trong mấy cái taudis như thế, thì chạy đâu cho khỏi người lớn sanh ra bịnh tật, ho lao, con nít sanh ra gầy mòn, chết yểu ; đủ mọi sự đau đớn nguy hiểm trong đời người, làm hại cái xả-hội ấy vô cùng vô tận. Những nhà từ thiện thấy tình cảnh như thế, cho nên mới lập ra hội kia đặng cứu vớt cho những gia-đình bất hạnh vậy
                     
Số 46, ngày 2 Avrel 1930

HỘI CỰ NHỮNG NHÀ Ở TỒI-TỆ
(Ligne nationale contre le taudis)
      Qua bữa sau, em rủ mấy cô cùng đi nghe diển-thuyết hồi hôm, kéo nhau đến số nhà 37, đường Boissy d’Anglas, là tổng-bộ của hội cự những nhà ở tồi tệ, để hỏi cho biết cách tổ-chức của hội ấy ra thế nào.
      Đến nơi, thì bà Georges Leygues vừa ở đó đi ra ; có một bà làm việc chi trong hội không biết, ra tiếp đải chúng tôi rất tữ tế. Bà nầy đã có tuổi, coi mặt phước hậu và tánh tình vui vẽ lắm. Bà thấy tôi là người da vàng, đi với hai cô da trằng, thì bà tươi cười và nói :
-  Ủa, chớ sao nhà thi-sỉ Hồng-mao là Kipling lại nói rằng phương Đông là phương Đông, phương Tây là phương Tây, không bao giờ gặp nhau.
      Một câu danh-ngôn đó, đem dùng vào lúc này thật là hạp thời và có ý-vị vô cùng. Người khôn, nói ra nữa lời đã thấy khôn ; thật em phục bà ấy là thông-minh, và có tài lanh lợi lắm.
      Hỏi về mục-đích và cách hành-động của hội, thì bà ấy nói :
-  Chẳng có gì lạ. Chúng tôi thấy những gia-đình nghèo khó kia, mỗi nhà có từ 8 tới 10 người, mà ở chui rúc với nhau vòa những cái nhà như ổ chuột, không có ánh sáng, không thông khí trời. Đó là căn nguyên của trăm thứ bịnh, do sự không có vệ sanh mà ra. Hại thứ nhứt là bịnh lao, bịnh ung-độc, và còn nhiều cái tai nạn khác nữa. Vì những cái taudis đó, mà mổi năm nước Pháp chết oan mạng đến 20 muôn con người. Nếu như có nhà ở sạch sẻ tữ tế, thì đâu tới nông nổi đáng thương như thế.
      Bởi vậy, bà Georges Leygues là bà nhơn đức, xướng lập lên cơ-quan nầy, chỉ có mục-đích, là để cứu vớt những cái gia-đình bất hạnh kia, bằng sự làm nhà sạch sẻ cho họ ở.
-  Thưa bà, vậy chớ hội lấy tiền ở đâu mà chủ-trương một việc phước đức to tát như vậy.
-  Thật, cũng nhờ các nhà từ thiện, thấy việc chúng tôi làm là có ích, cho nên giúp đở cho nhiều lắm. Nói đến cái quang-cảnh ở taudis, có nhiều bà động lòng, bỏ ra bạc muôn cho liền.
      « Chúng tôi cần các nhà từ thiện giúp đở cho công cuộc phước đức nầy nhiều lắm. Chẳng những cần giúp tiền bạc mà thôi, lại cần giúp đở cho sự tận tâm nữa.
      « Hội chúng tôi, ngay từ khi mới lập ra, đã có một bàn ủy-viên, để đi thăm nomm an ủi, giúp đở cho những nhà nghèo khó. Ví dụ như họ ở trong một miếng đất nào, mà tinh thế chủ đất sắp đuổi họ đi, thì chúng tôi giúp đở cho họ mua được miếng đất ấy,để họ làm chủ lấy họ, không lo ai đuỗi nữa. Lại ví dụ như nhà nghèo, đang cất căn nhà, mà bỏ dở dang, không có tiền làm tiếp, thì chúng tôi giúp tiền để họ làm cho rồi, đặng có chỗ sạch sẻ tữ tế mà ở.
      Chẵng những vậy mà thôi đâu, tự hội chúng tôi cũng xuất vốn hội và quyên tiền ngoài, để làm ít nhiều căn nhà cho mấy gia-đình taudis có chỗ sạch sẽ mà ở. Việc thiệt-hành quan-hệ hơn hết của hội chúng tôi là đả lập một cái xóm Orly. Chắc các cô chưa tới coi, nếu rảnh thì đi coi cho biết. Tại đó có 36 căn nhà làm xong rồi, để cho nhà nghèo ở ; những nhà này có vườn có cây mát mẻ lắm, hội quán cũng làm ngay ở bên, có thơ-viện, có nhà thương, có nhà hiệp-tác bán đồ ăn đồ dùng theo giá rất rẻ. Mai mốt đây, sẽ làm xong 300 căn nhà nhỏ nữa, mỗi nhà có 4,5 phòng, có thể dung cho 300 cái gia-đình tới ở, được thảnh thơi sạch sẽ.
      Tới đây bà lấy những hình ảnh ra cho chúng tôi coi, nào là quãng-cảnh một nhà ở tồi tệ dơ dáy (tức là tấm hình đã in trong số trước), nào là quang-cảnh xóm nhà của hội lập ra ở Orly ; rồi bà nói tiếp :
-  Trong công-việc nầy, đàn-bà chúng tôi có công lao nhiều, và tận tâm tận lực lắm. Ấy vậy, mà ở nước chúng tôi, người ta vẫn cho đàn-bà là con nít, là kẻ vị-thành-niên ; người ta không cho có quyền tuyển-cữ...
      Ở nhà hội ấy ra về, em vừa đi vừa suy nghĩ, thật láy làm phục cái xã-hội văn-minh, người mạnh bên vực  kẻ yếu, nhà giàu giúp đở cho nhà nghèo, thật là đủ điều đầm thấm. Lại nghỉ đến xã-hội mình, những nhà giàu, có ai đem lòng giúp đở xót thương những kẻ nghèo khó như vậy hay không ?
      Xét ra cho cùng, cái xã-hội mình tệ thiệt. Trừ ra một đôi người, có lòng bác-ái từ-bi thì không nói, còn phần nhiều thì ai nấy chĩ lo lấy mình mà thôi, chớ không thèm ngó ngàng gì đến ai hết. Những nhà giàu, nằm lên vàng, xéo lên bạc, ở nhà lầu, chạy xe hơi, cũng là chĩ mưu lấy sự no ấm sung sướng cho cái thần xác của họ mà thôi. Nào những khi trong nước có lụt bảo, tai ương, thì có nhà giàu nào dám bỏ ra một lúc bạc muôn, để bố thí cho đồng loại ?
      Những cảnh lục bảo, đổ nhà cã muôn, chết nhà cả đám, mất mùa, đau đớn thảm hại như vậy, mà họ còn không ngó mắt động lòng thay nói gì tới những gia-đình nghèo khổ, ở nhà tranh vách nát, sáng đói chiều no kia, khi nào họ ngó ngàng tới, mà mong họ lập ra những hội như hội cự những taudis mà em đã thấy đặng giúp đở cho đồng-bào được ăn ở sạch sẽ. Mấy nhà phú-túc, mấy nhà quí-tộc, cổ vủ giờ bước cẳng vào những xóm như xóm Đội-Lào ở đường Gallieni, mà biết được cảnh khỗ-sở dơ dáy của những gia-đình nghèo vì họ sang trọng giàu có, chẳng thèm để ý tới những chổ đó, sợ hư giày, bụi áo, ốc trong. Cái tánh –cách ấy ai cho chỉ còn có đê-tiện. Sự giàu nghèo phân cực là không tốt.
      Thật, có lắm cái xóm người nghèo khó, ăn ở không khác chi những cảnh taudis bên Paris. Cũng là cái ổ, sanh ra đau đớn đủ đường, tật bịnh đủ thứ. Thế mà có ai cứu cho họ ? Có ai nghĩ tới sự làm nhà sạch sẽ cho họ ở ? Ối thôi, chán ngán biết chừng nào ! Tư-gia đã không có ai là bà Georges Leygues, còn thành-phố như thành-phố Saifgon, chẳng có nhà thương đẻ cho đàn bà, chẳng có bịnh-viện cho người đau yếu , còn nói chi sự lo nhà ở vệ sanh cho con nhà nghèo. Ở xã-hội mình ngày nay, trong tủ bạc có tiền, thì muốn huyện-hàm, muốn mày-đay, muốn chi cũng được ; còn nghèo, thì nghĩa là chết, chẳng ai cho một su ; nhà ở dơ dáy chật hẹp thây kệ, chẳng nói vệ-sanh gì hết.
      Cảnh đời như vậy, hèn chi có nhiều người đã sang Pháp, thấy mọi việc tổ-chức của xã-hội ở bên ấy, về thấy xã-hội mình, mà sanh buồn sanh chán là vì thế.

Số 48, ngày 17 Avrel 1930

      Có một vị thượng quan nọ ở bên Đông-Pháp đã lâu năm, khi về Pháp, đem theo một người bồi Annam về. cũng đem theo kiểu những người khác, nghĩa là làm giao-kèo bên nầy, mổi tháng ba chục bạc lương, tho giá bây giờ, mỗi đồng bạc được 12 quan tiền Pháp, vậy là người ấy sang làm bồi ở Paris, mà mỗi tháng lãnh có 360 quan mà thôi. Trong khi ấy, thì những người khác lãnh 550 cho tới 600 quang, mà làm việc nào chỉ làm một việc, chớ không kiêm cã trăm việc như anh bồi đem ở bên Annam qua.
      Đó, người đồng-bào ấy mới sang Paris, bợ ngợ chưa quen, không biết tình hình làm lụng và sanh-hoạt bên ấy ra sao. Ông chủ bà chủ bắt làm đủ mọi việc trong nhà ; làm cháy da tối mặt, từ sáng tới khuya, y như cách-thức tôi đã kể ở trên. Ngoài ra mỗi ngày lại còn bốn lần đưa đón con ông chủ đi học nưaz. Người ấy là bà con với em ; em ở Pari mười tháng, thế mà chĩ có một lần, người ấy có thể ngồi ăn cơm với ba em và em, là lần lâu nhứt, còn thì chỉ qua lại nói chuyện một đôi câu, đứng lại trong năm ba phút mà thôi, là vì bao nhiêu ngày giờ và cái cá-nhơn tự-do cũa người ấy, đều bận vào công-việc của ông chủ bà chủ cả rồi. Tội- nghiệp ! Có lúc người ấy phải thở than rằng :  « Cái thân làm mọi, mà vượt mấy trùng-dương, qua mấy lục-địa, cũng vẫn là làm mọi mà thôi »
      Ấy người nào theo chũ qua, lúc mình mới đầu, đề chịu những sự thiệt thòi như thế, tới chừng lần lần về sau họ biết ra, thì họ cũng đòi quyền lợi cũa họ dữ lắm.
      Người bà con mà tôi nói đây, vốn là người hiền lành, mà lại không có lịch duyệt gì hết, hồi ỡ nước nàh phãi làm lụng vất vã làm sao thì lúc qua bển cũng làm lụng vất vả như thế, cứ tưởng đó là phận-sự của mình. Mà chính ông chũ nào có mướn bồi ở Thuộc Địa có mình về, cũng chĩ cầu được có chút lợi : làm nhiều mà ăn ít.
      Được ít lâu, người ấy xem xét điều nầy điều kia, giao-thiệp bạn nầy bạn khác, cho nên sáng mắt lần ra. Thật người ta mà trỡ nên hay, dở, hiền, ngu, nhờ ở hoàn-cãnh nhiều lắm. Tới chừng anh ta biết tình hình làm ăn cũa bạn lao-động bên Pháp ra sao rồi, anh ta mới biết người ta ăn cắp công lao của mình tệ quá. Lúc ấy anh ta bên cách-mạng, về nhà chỉ làm việc có giới hạn mà thôi, chớ không làm thí mạng như trước nữa. Ông chũ bà chũ la rầy, anh ta đáp lại một cách hẵn-hòi rằng anh ta làm đũ phận-sự một người bồi hay một người bếp, theo như thể-lệ lao-động bên Tây, chớ có lý nào lãnh mỗi tháng có 360 quan tiền, lại làm đũ cã mọi việc như con mọi hay sao. Ông chũ bà chũ đó có một người chị góa chồng, đã lớn tuổi, lúc trước có theo em qua ở Nam-kỳ, đã quen hành hạ bồi bếp rồi, bây giờ thấy anh ta cứng đầu, thì mụ hâm dọa như vầy : « Nếu mày không làm thì ông lớn sẽ bõ tù mầy ! » Có ai biết anh ta trã lời thế nào không ?
      Anh ta cười và nói :
-  Ông lớn là ông lớn bên Thuộc-Địa kia, chớ ở đây ông lớn với ai ? Bỏ tù sao được ? Chỗ nầy có bình-đẵng, có tự-do, có pháp luật ; vậy phép nào bắt tôi làm sáng đêm tối ngày như con trâu cho được.
      Rồi anh ta hâm dọa đi tới bộ Thuộc-Địa kêu nài, coi bộ Thuộc-Địa xữ cho ãnh ra sao ? Bà chị quan lớn lúc bấy giờ chịu nhường nhịn liền, vì nếu anh ta lên bộ Thuộc-Địa kêu nài thiệt ; thì bễ đỗ cái chuyện mướng người trã công ít mà bắt làm việc nhiều ra ngay.
      Đã từng có nhiều ông chũ đem bồi về tây, cũng cái lối trã công ít làm việc nhiều như thế, lại cò quen cái thói vỏ phu đánh cú người ta. Có người tức lắm, họ lên kêu nài trên bộ Thuộc-Địa hay ra sở cãnh-sát. Sở cảnh-sát và bộ Thuộc-Địa bên Pháp, không có khi nào khoan-dung những sự đó. Bất cứ người Pháp nào, hễ họ thấy chủ đán người làm, hay là trã công rẻ, thì họ cho phường ăn cắp, họ ghét lắm. Bởi ở bên họ, trong chỗ chủ và thợ, về đại-thễ thì thợ còn nhiều quyền-lợi bị thiệt-thòi, nhưng về tiễu-quan thì là phân-minh tữ tế, ít khi nào thấy xãy ra sự ứ hiếp đánh đạp người ta.
      Bởi vậy, mỗi khi có người bồi Annam này tới bộ Thuộc-Địa mà kiện chũ, thì bộ xữ công bằng ; có khi bắt chũ phải tăng lương nếu người làm công bằng long làm phãi trã tiền tàu cho người ta về.
      Người bồi tôi nói trong chuyện nầy, về sau cũng kiện chủ tại bộ Thuộc-Địa, bộ xữ bắt chủ phải hủy giao keo, vì cho làm như vậy là không đúng phép, không khác gì cái chế-độ mua tôi mọi ngày xua ; lại bắt chũ phải trã tiền lộ phí cho anh ta về nước. Nhưng sau anh ta không về, ở lại Paris, kiếm việc ở chủ khác làm, mỗi tháng 500 quan, mà cách làm việc ngó thong thả thảnh thơi quá, lại mập người ra và có tiền đễ dành nữa.
      Em muốn nói rỏ về chuyện nầy, tức là muốn cho anh em lao động ta trong nước, có làm giao kèo theo chủ đi làm việc ở ngoại-quốc thì nên cẫn-thận về chổ quyền lợi cũa mình mới được. Và trong lúc qua bên ấy làm việc với chủ, mà có chi oan ức, thì cứ việc ra sở cãnh sát, hoặc lên bộ Thuộc-Địa mà kêu nài, đã có công-lý phân xử và binh-vực cho mình.
      Tóm tắt lại cách thức làm việc của người bồi, người bếp hay là con ở, người vú bên Pháp là như vầy, nếu mình có qua làm, mình cũng có thể đòi những quyền-lợi bình-đẵng sau nầy :
      10 Làm việc gì thì làm riêng một việc ; bồi là bồi, bếp là bếp, vú là vú, thợ là thợ, chớ không làm việc nầy lại kiêm cả việc kia.
      20 Lương-bỗng mỗi tháng ít lắm cũng từ 450 quan trở lên.
      30 Mỗi ngày làm 8 hay 10 giờ là cung, chủ-nhựt và ngày lễ chĩ làm nữa buổi; ví dụ như anh bếp, đến ngày ấy cũng nghỉ, chỉ cho chũ ăn buỗi mai là đồ nóng, còn buỗi chiều thì chủ phải ăn đồ nguội, hay là nhịn đói cũng mặc.
      40 Có phòng ở hẳn hòi; ăn uống thì chủ có phần chủ, mình có phần mình; tiền giặt áo quần chũ phãi chịu; đau ốm chũ phải cho tiền thuốc thang.
      50 Chủ có phép đuỗi mình, nếu mình không làm được việc; có quyền đem mình ra giao cho pháp-luật, nếu mình ăn cắp, chớ tự chũ không có quyền gì đánh được mình.
      Đại-khái những điều-khoãn cần dùng cho người lao-công như thế, vậy mà chính người Pháp còn chưa bằng lòng, huống chi là ai chưa có được những quyền lợi ấy, thì phãi biết làm sao cho có chớ.

Số 50 ngày 1er mai 1930

      Tình-hình người Việt-Nam ở bên Pháp.
      Người Việt-nam ta ở bên Pháp đông lắm; có thễ chia ra làm hai phái: một là phái học-sanh, hai là phái lao-động. Thật không có số điều-tra nào mà biết chắc được số người mình ở Pháp bao nhiêu, nhưng cứ theo con mắt cũa em đả xem xét cẩn thận, thì hình như phái lao-động đông hơn phái học-sanh.
      Em chủ ý về sự di dân nầy lám, đễ cho biết người mình đi ngoại-quốc làm những việc gì, và có giá-trị gì hay không ? và em muốn nói riêng về phương-diện lao-động hơn. Nói thiệt ra là em chú ý về vấn-đề lao-động; vả lại trong mười tháng của em ở Pháp, em thường được gần những người làm thợ hơn là gần mấy cậu học-sanh ăn bận đúng mốt, quên cả tiếng nước nhà.
      Chắc có người nghe nói rằng bên tây mà cũng có phái lao-động Việt-nam, thì sao cũng lấy làm lạ. Lạ, là bởi thấy ở nước mình việc gì cũng nhường cho người ngoại-quốc làm hết, tức là mình không biết hề, mình làm biếng, vậy sao qua Pháp mà tranh dành những  “nghề kiếm ăn” được với người Pháp là dân chịu khó làm ăn. Song không lạ gì đâu, thiệt ở bên tây, có phái lao-động ta, mà có đông lắm.
      Cái nguyên-nhơn và cơ-hội khiến cho an hem mình qua tây làm thuê làm mướn là do hai cách:
      Một  là những người đi lính mooj qua hội Âu-chiến, rồi sau ở lại bên ấy mà kiếm nghề làm ăn.
      Hai là những người từ nước nhà theo chủ về tây, rồi cũng kiếm cách ở lại bên đó.
      Nhờ có những cơ-hội như thế, cho nên ở bên Pháp bây giờ, mấy nơi hải-cảng như Marseille, Bordeaux, Haavre, Toulon, và những thành thị lớn như Paris, Lyon, đều thấy đông người Việt-nam lao-động. Rộng lớn như Paris, mà ta có thể nói chắc rằng không có quận nào là không có năm mười người Việt-nam làm thợ hoặc làm nghề nấu ăn. Đông đến nổi họ đã có thể lập ra hội ái-hữu, được tới mấy trăm hội-viên. Số mấy trăm đó là số rất thường vì còn có nhiều người không vô hộ.
      Trên kia em đã nói rằng nhiều người qua Pháp sanh cơ lập nghiệp được, là nhờ theo chủ sang làm bồi làm bếp, rồi ở luôn bên ấy. Nhiều ông tây bà đầm ở thuộc-địa khi trở về, có đem người bổn xứ theo về, là vì tham sự công rẻ, mà cũng là để chưng cái chổ sang trọng của mình là khác. Sang trọng là mình mướn được người khác nước làm đầy tớ mình.
      Thật những người ăn kẻ ở tại bên Pháp, tiền công mắc lắm. Kiếm được người náu bếp cho khá, ít nào cũng phải tra họ 500 quan mỗi tháng; mà những cách thức làm việc và ăn ở, nhà chủ phải đải họ tữ tế. Ví dụ như mướn họ làm bếp, thì họ chỉ có việc gì khác nữa; còn ở thì có phòng riêng, ăn thì chủ có miếng nào, họ có miếng ấy; mỗi ngày họ làm có giờ khắc, mỗi tuần lại được nghĩ nữa ngày, đi chơi thong thả. Ấy là chưa nói đến tiền giặt áo quần, tiền thuốc trong khi đau yếu, chủ đều phải chịu hết. Em so sánh như sau nầy là sự thiệt chớ không pahir có ý hỗn xược đâu: anh càng nấu bếp ở bên Pháp, còn được trọng đải hơn thầy ký vào hạng khá bên mình.
      Bởi sự mướn người ở bên Pháp, thứ nhứt là ở Paris, khó khăn tốn kém như thế, cho nên các quan các chủ ở thuộc địa khi trở về quê hương, hay đem đầy tớ là người mình cùng về. Đem đi như vậy, tuy là hao tốn tàu, nhưng mà được nhiều điều lợi khác.
      Trước hết là được trả lương rẽ. Một người bồi, bếp, hay là môt cô đi may, làm giao-kèo theo chủ về bất quá cũng được 30$.00 mà thôi. Số lượng 30 đồng đô, nếu ở bên nước nhà, thì cũng đũ ăn cho nhà lao-động, kèo 30 đồng mà sang Pháp, thì cái số đó phải biến-hóa đi, nghĩa là phải theo giá bạc lên xuống. Ví dụ như vầy: Ông chủ X bắt anh bồi Y làm giao-kèo theo ông về Tây, lương mỗi tháng là 30$.00; anh Y theo chủ về ở Paris, cuối tháng chủ cứ coi giá đông bạc Đông-Pháp là bao nhiêu đồng Franc mà phát lương cho. Lúc bạc có 12 quan, thì té ra anh chàng chỉ được lãnh có 360 quan. Trong khi đó những đồng-nghiệp của nah ta là người Pháp được lảnh 5,6 trăm quan kia. Đó là một sự thiệt cho người làm thuê làm mướn mà lợi cho ông chủ vậy.
      Phương chi công-việc cũa anh bồi Việt-nam theo chủ sang Tây, có giống anh bồi ở bên Tây đâu. Anh bồi bên Tây, làm ăn theo cách đả nói ở trên; còn anh bồi theo chủ ở đây về, thì việc gì cũng phải làm cả. Một thân anh ta, kiêm cả mọi chức: sáng dọn giường, đi chợ nấu ăn, trưa giặt quần áo v.v…đủ cã mọi việc. Ấy tức là hạng đi ở bên Pháp, kêu là Bonne à toul faire, mà thường thường người ta hay mướn đàn bà làm.
      Anh bồi ta, đã quen cái thân vất vả kiêm cả mọi việc bên nầy rồi, đến khi đi với chủ sang bên kia, thì cũng phải cúi đầu làm như thế. Em đả tò mò xem xét công-việc của một anh bồi ta mới sang, làm lụng cả ngày, thật là khó nhọc. Sáng dậy mới mở mắt ra anh ta xách dỏ đi chợ; mua đồ lật dật, về pha cà-phê cho chủ uống; cà-phê rồi dọn giường; dọn giường rồi chui đầu vào bếp nấu ăn; nấu ăn rồi dọn bàn; chủ ăn rồi rữa chén; rữa chén rồi xây ra giặt quần áo; tiếp luôn tới chiều pha trà cho chủ uống hồi 4 giờ, rồi lại nấu ăn bữa tối; cứ lụi đụi loanh quanh kiễu đó, mà anh ta làm từ 5 giờ sáng luôn tới 10 giờ khuya mới được nghĩ tay nghĩ chưn. Coi vậy có cực không?
      Có người mới qua, chưa biết phong-tục và luật pháp bên ấy ra sao, đành cứ chịu cúi đầu mà làm. Nhưng ngày một ngày hai, anh ta làm quen với người nầy, đi lại với người kia, chừng đó mới biết: “Ủa! Sao bồi bếp bên nầy, người ta làm sung sướng thế kia, còn mình thì cực quá con chó!” Rồi anh ta trông cho hết giao-kèo, đi làm với chủ khác; hay nếu chủ bó buộc anh ta lam khó nhọc quá thì anh tar a cò mà thưa, có khi lên tới bộ Thuộc-Địa mà kiện nữa. Bên Pháp vẫn là xứ có công-lý hơn; hễ chủ nào ở xấu thì pháp luật bình-vực cho người làm công ngay chớ không đễ cho chủ hiếp đáp.
      Coi đó thì có phải là chủ nào đem người làm bên nầy theo về là có lợi cho chủ mà thiệt hại cho người làm hay không?
      Cũng vì chỗ đó, mà em được nge một chuyện vui lắm.


Số 63, 31 Juillet 1930

MỘT GIA-ĐÌNH BÊN PHÁP
(tiếp theo số 61)
      Ngồi nói chuyện với bà một lúc lâu, thì có con gái của bà đi học về. Cô mới có 19 tuổi, người coi có nhan sắc tuyệt-trần, mà đẹp cái vẻ nhu-mì phước-hậu ; người đàn bà thấy nhan sắc của cô cũng phải ghen. Sau em cùng cô kết giao thân-thiết, cô có tặng cho em một tấm hình để làm kỷ-niệm. Lúc về, đem treo ỡ nhà, có một ông nhà nho tới chơi ngó thấy, tấm tắc khen đẹp, lại ngâm nga mấy câu “Bí mỷ-nhơn hề, Tây phương chi nhơn hề” trong kinh Thi rồi cầm viết để bốn chữ “tuyệt thế giai-nhơn”. Em nghĩ bụng mà cười thầm: Mấy ông cựu học hủ-nho cũa ta thấy nhan sắc cũng biết là nhan sắc, chớ có phải vừa gì sao.
      Cô ấy học ở trường Đại-học Văn-chương, sắp thi tốt nghiệp. Cô nói chuyện rằng cô có quen mấy người bạn đồng học là anh X… và anh V … đều là người Việt-nam cã.
      Từ đó trở đi, em thường đi lại cái nhà ấy. cã hai mẹ con đều tỏ lòng thương em thành ra cái tình giao du trở nên thân thiết. Có khi hai mẹ con lại dắt em đi chơi nhà nầy nhà kia là nhửng nhà nền nếp hết cã. Nhơn vậy em mới biết đại-khái cái gia-đình của một người Pháp ra thế nào.
      Lúc trước, thấy có người Pháp cữ động tự-do, ăn nói tự-do, con nít chơi giỡn ngang ngược, không ai ngăn cấm, bao nhiêu những cãnh tượng mắt thấy tay nge ỡ ngoài, đều khiến cho em tưỡng tượng ra một cái gia-đình người Pháp rất là quái lạ. Tưỡng-tượng là trong gia-đình họ, tất nhiên là đàn bà chỉ nằm dài mà ăn, hay là vợ chồng rầy lộn nhau hoài hay là con quen chưởi cha, tớ quen mắng chũ; chắc là lôi thôi lộn xộn lắm. Té ra không phải vậy. Một cái gia-đình nền nếp ở bên Pháp không khác gì một gia-đình nền nếp ở bên ta hết, lại còn có phần nền nếp hơn nữa.
      Cái gia-đình tôi quen đây có một mẹ, với hai con, một trai một gái, đều đi học và một con ở gái. Nhà ở thì cũng thuộc hạng trung lưu bên Pháp, nhà nào cũng vậy: có phòng khách, phòng nhạc, phòng ăn, phòng ngũ, phòng tắm với một cái bếp, đều cách biết nhau. Lần nào em tới, cũng thấy bà mẹ đương săn áo lên mà làm việc nhà, khi thì lụi hụi ở dưới bếp làm đồ ăn, khi thì cầm cụi may vá cho con; con ở kia chĩ là người phụ mà thôi, chớ thiệt là ở trong nhà, việc gì bà cũng đễ mắt hay là mó tay vào hết. Sáng ra, bà đi chợ lấy, rồi về mới làm việc nhà. Thường lệ, bữa sáng thì mới ăn thịt cá, còn bữa tối thì chĩ ăn súp và những món ăn nào nhẹ, cho dễ tiêu.
      Có con gái đi học về, liệng cái cặp da đựng sách vào phòng, cỗi đồ tốt ra rồi cũng lấy miếng vãi quấn ngang bụng, xuống bếp phụ giúp với mẹ, hoặc là lên dọn bàn ăn, coi ra bộ vui vẻ và lanh lẹ lắm. Lúc ăn, mấy mẹ con ngồi cùng ăn, chuyện trò, vui vẻ. Ăn rồi mẹ thì ra may vá hoặc coi nhựt trình, con thì khãy đàng tiêu khiễn, hoặc là đem sách ra đọc. Chiều lại mấy mẹ con dắt nhau đi dạo mát, hay là coi chớp bóng và coi hát.
      Cách sanh-hoạt của họ, chẵng những gì là gia-đình nầy mà nhiều gia-đình khác cũng vậy, em thấy có cái vẻ dịu dàng, êm ái, mà người mẹ làm chủ trong gia-đình, thì thật là tảo tần, chịu khó, cần kiệm, làm lụng, đũ mọi tư cách người nền nếp.
      Nhà ấy có đứa con trai, còn nhỏ tuổi. Nó mới có 10 tuổi, mà có phép tắc lắm. Ta thấy con tây bên Annam, có đứa mới bãy tám tuổi, kêu người bồi bưng cà-phê lên cho nó uống, là “bú-dù”, hay là thằng nhỏ đi xe máy trên lề đường có người hiền lành đi ngang, chẳng chòng ghẹo gì nó, nó cũng hất nón người ta đi, rồi lại cười hì hì mà nhiếc mắng người ta là “khĩ”, tức như là chuyện mà bà Pinson đã than phiền trong báo  Independence Tonkinoise lúc nọ. Đó là con cũa vài người tây ở thuộc địa thì vậy, chớ bên Pháp không có vậy đâu.
      Em thấy gia-đình nào bên tây, cũng cho con trẻ cữ-động chơi bời thong thã, tức là đễ cho nó dạn dĩ và mở mang trí khôn. Song họ cũng bắt nó ăn có giờ, ngũ có khắc, và chơi có tiết độ, lại dạy dỗ cho nó có khuôn phép, ở trong nhà hay ra ngoài đường cũng vậy. Chớ không phải là nó có quyền muốn ăn quả bánh gì, thì tự do mua ăn, hay là hỗn hào với ai mà được đâu. Em đã nhận kỹ ra: Lúc cha mẹ có khách, sai con bưng cà-phê hay là rót rượu vào, con làm xong những việc ấy thì lui ra để cho cha mẹ nói chuyện với khách, chớ không phải là đứng lại nhỏng nhẻo với cha mẹ, hoặc là làm ồn ào gì. Chiều lại cha mẹ dẫn con đi chơi, nếu nó thấy sự gì lạ, nó hỏi thì cha mẹ vui lòng giảng dạy cho nó từ li từ chút. Cách ấy chính là cách giáo dục nhi-đồng rất hay; không như bên ta, khi con hỏi điều gì, cha mẹ lại hay rầy nó: Ý, con nít biết gì mà hỏi.
      Nói tóm lại, cái gia-đình nền nếp  cũa họ, là người đàn-bà làm chủ trong nhà, phải lo lắng sấp đặt nhứt thiết, để cho chồng con yên tâm làm việc ở ngoài, và trong nhà trong cữa được sạch sẽ, êm đềm, vui vẻ: con cái lại được trông nom cẫn thận, dạy dỗ hẳn hoi. Những phận sự ấy, em thấy người đàn bà Pháp làm đầy đũ lắm.
      Tận mắt em ngó quang-cãnh sanh-hoạt cũa những gia-đình ở chỗ có văn-minh và có nữ-quyền như vậy, thế mà ở xứ lạ, có nhiều chị em dám lớn tiếng nói rằng phận-sự đàn bà là ở ngoài xã-hội, chớ không phãi là nguyên ở trong gia-đình, em thiệt lấy làm lạ!